Search

Bài 2108. Đừng Làm Khó Bản Thân | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh bút ký, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Giờ đồng tu đã tới, chúng ta hãy đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia hộ cho quê hương Việt Nam của chúng con cũng như trên toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch và chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Theo lời Đức Phật dạy, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi thắp sáng đuốc tuệ và lan tỏa yêu thương. Chúng ta thiền trí tuệ và thiền từ bi trong Chánh Niệm hơi thở để gắn kết với Chư Phật, đón nhận năng lượng. Hãy buông bỏ tất cả tự ngã của mình, trở về với tâm hồn khiêm tốn để chúng ta thành kính đón nhận qua những hơi thở và trì niệm mật ngôn.

Luôn luôn nghĩ tới quốc tổ của chúng ta và thế giới đang lâm đại dịch, hồi hướng năng lượng từ bi – trí tuệ để đại dịch mau qua.

Luôn hướng tâm hồn của chúng ta tới với các đấng bậc sinh thành, đến gia đình của chúng ta, với mọi người trong xã hội, cộng đồng, nguyện cho muôn người được bình an, được hạnh phúc, bớt phiền, bớt não, bớt khổ, tinh tấn tu học.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn! Ở cuộc đời này, không ít người, thật là nhiều người trong chúng ta đã từng làm khó bản thân của mình. Mình biết hoặc không biết, nhưng hầu hết, đa số thường hay tự làm khó bản thân trong mọi vấn đề của cuộc sống. Dù đôi khi, chuyện đó thật là nhỏ, nhỏ đến mức không cần quan tâm, nhưng chúng ta lại tự làm khó bản thân. Do vậy, những chướng ngại nhỏ nhỏ, những thử thách bé, chúng ta khó vượt qua. Vậy thì làm sao với cái nhân cách thường tự làm khó bản thân khi đương đầu với nghịch cảnh thật lớn và những chuyện khó khăn ở trong đời như trong thời kỳ đại dịch như vậy, sao ta có thể vượt qua được?

Tự làm khó bản thân là tự tiêu diệt, hủy diệt mình. Tự làm khó bản thân là tự tẩm độc để dần đi vào cõi chết. Tự làm khó bản thân là tự cột chặt cổ mình, cột chân mình quăng vào sọt rác của tăm tối, chẳng thể thoát được. Và sự tự làm khó bản thân thường là làm cho chúng ta bối rối, đau khổ và rồi chúng ta trở thành những con người sống thụ động, lùi dần vào trong sự sợ hãi, lo lắng, phiền muộn. Và từ đó lây lan những nhân cách không đáng và tạo ra sự ô nhiễm môi trường cho cuộc sống xung quanh, làm cho ảnh hưởng tới sự tự tại, an vui của mọi người.

Đối với những con người có trí tuệ hoặc đối với những con người có lý trí, đối với những con người từng trải kinh nghiệm, kiến thức cao, học rộng. Ở trên đời có những người như thế và họ ngồi lại với nhau để đúc kết, nói lên những câu gọi là sấm hoặc là những câu thành ngữ, hoặc những câu đáng để nhớ, ghi nhớ ở trong đời cho người khác noi theo mà học, thì một trong những câu người ta thường nói rằng: “Ngoài chuyện sanh tử, sanh ra và chết đi gọi là sanh tử đó, thì không có một chuyện khó khăn nào ở trên đời mà ta không thể vượt qua được”. Chúng ta nghe câu này có lý quá! Bởi vì những người có kiến thức từng trải, họ đã đi qua và đúc kết nhiều năm kinh nghiệm cũng như cộng lại những kiến thức người xưa để lại, họ nói ra một câu sấm như vậy, ai nghe cũng thích: “Ngoài sanh tử, không có một chuyện khó khăn nào mà ta không vượt qua được”. Mà đúng vậy, sanh tử thật khó vượt qua, không thể vượt qua là nói với quan niệm của những người kinh nghiệm như thế, còn không có chuyện khó gì mà họ không giải quyết được. Câu này từ từ chúng ta xem xem có đúng hay sai. Tuy nhiên, thực tế trên đời, cuộc sống bình thường của Phật tử tại gia chúng ta đương đầu với biết bao nhiêu thử thách lui tới, biết bao nhiêu những chuyện ngang trái, bất như ý, biết bao nhiêu những chuyện gọi là oan gia trái chủ, sanh ly tử biệt, có được – mất không, thành tựu – thất bại tạo ra đau khổ nhưng chúng ta không nhìn rõ để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc đời như vậy. Ngược lại còn tự làm cho bản thân gặp khó khăn nhiều hơn bằng cách là chúng ta cứ than vãn hoài cho những chuyện đã qua, những chuyện đã mất. Đây là một trong những dấu chỉ mà các bạn và Bảo Thành từng phạm phải, mà chẳng hiểu thấu rằng, khi than vãn nhiều là chúng ta đã tự làm khó bản thân rồi.

Người hay than vãn với mình, bản thân mình, ngồi thì than ngắn thở dài, có bạn bè thì bắt đầu than, than dữ lắm, than đen thui luôn, vậy mà cứ than. Người hay than ngắn thở dài như vậy là người làm mất đi lý trí, mất đi tự tánh kiên cường, sức mạnh của bản thân. Tự bào mòn đạo nhẫn, sự kiên nhẫn của mình và tự tẩm độc tư tưởng mềm yếu, yếu đuối, không biết tự cường đứng dậy để vượt qua khó khăn trong cuộc đời. Những người hay than thở không bao giờ thành công nhiều, có chăng chỉ là ở bên bờ thành công chứ không đi tới sự thành công tuyệt đối hoặc thành công mỹ mãn, thành công lớn.

Gương của những người thành công là những người không bao giờ than thở, bởi họ nhận định rằng không có khó khăn nào mà không thể vượt qua. Cho nên khó khăn tới với cuộc đời, họ không bao giờ than thở. Từ đó, họ đương đầu với khó khăn, họ nhận diện khó khăn, họ tìm hiểu khó khăn đó và họ đã thấy được hướng giải thoát. Khi đương đầu, tìm hiểu, nghiên cứu cho nên họ luôn luôn thành công. Nếu các bạn và Bảo Thành đang vướng vào sự than thở của tự thân, hoặc thấy điều gì cũng than, có nghĩa Bảo Thành và các bạn chẳng bao giờ thành công mà đang tự chuốc khổ, làm khó bản thân.

Trong thời kỳ đại dịch này, ngăn sông cách trở muôn điều, chợ không mở, sông không cho qua, đường chẳng có những giao lộ để tương thông với nhau, giãn cách ngồi tại nhà một tháng, rồi hơn một tháng, kéo dài bao nhiêu lâu, không ai hiểu được. Do đó, nếu chúng ta không có một sự bình tĩnh nhận rõ sự khó khăn hiện tại của Việt Nam quê hương nói riêng và quốc tế nói chung, chúng ta sẽ bị ngập tràn, tiêm nhiễm những tư tưởng tiêu cực để từ đó chúng ta than thở. Than một mình với những người đang sống chung, than vượt biên giới bằng phone, rồi than vượt biên giới, vượt châu lục bằng những hệ thống mạng. Thường than là trách, trách chính phủ nhà nước, trách cơ quan địa phương, trách chính sách này, trách muôn sự ở đời thì nhất định chúng ta sẽ không thể vượt qua khó khăn đại dịch này đâu, bởi tâm bất an.

Dĩ nhiên muôn sự xảy ra đều có cái nhân duyên. Những sự xảy ra mà ta thấy rằng tạo ra khó khăn là do nhân duyên bởi thiếu trí tuệ và từ bi cho nên họ hoặc ai đó, hoặc chính ta tạo ra những điều không thông suốt. Có từ bi đâu mà có thể yêu thương được người để rồi từ đó ứng dụng trí tuệ mà nhận rõ cần phải làm gì. Cho nên họ chỉ làm những điều gì họ muốn là họ làm một cách vô bổ, vô hại đối với mọi người. Cho nên, trong hoàn cảnh khó khăn này, để chúng ta có thể vượt qua khó khăn của đại dịch, mỗi người chúng ta đừng bao giờ than thở. Nếu có đôi chút than thở thì cũng nhẹ nhàng trở về với Chánh Niệm hơi thở, lấy từ bi làm gốc để lan tỏa yêu thương, để không buồn nản, chán chường để mà than. Lấy trí tuệ thắp sáng, quán chiếu thật sâu, đương đầu khó khăn hiện tại để chúng ta vượt qua.

Và nhất định trong thời gian này, không những than là một trong những vấn nạn tự làm khó bản thân của chúng ta, mà sân giận, nổi cáu rất dễ. Đói mấy ngày, không có đồ ăn, cáu giận là bình thường. Người ta nói rằng người ta sẽ tới ủng hộ gạo hoặc từ thiện cho mình, thì khi họ chưa tới, ta ngồi dệt mộng dệt mơ, đến khi họ tới, họ trao tặng những thứ ta không hài lòng. Mà thật sự, nó là những thứ bằng tình thương trao gửi, rồi ta cũng giận. Đây là nói về một mặt nhỏ thôi. Và đặc biệt trong cuộc sống hiện tại, đại dịch như vậy, mỗi người chúng ta dù không đói, dù không khát, nhà có phương tiện đầy đủ nhưng vẫn tù túng, giãn cách không đi được cũng dễ nổi giận. Để từ đó nhiều khi những đấng bậc sinh thành nói những lời gì đó đối với con cái nghe không lọt tai, con cái vẫn sẵn sàng giận dữ với cha mẹ. Ngược lại, trên dưới bất hòa, nói hoài không thông, cáu giận là chuyện thường.

Các bạn! Đây là hiện tượng xảy ra tại chỗ và ngay bây giờ. Nhưng trong cuộc đời của chúng ta và hầu hết trong cuộc sống, ta từng sân giận, cáu gắt một cách vô cớ, không có nguyên nhân. Đây là một triệu chứng chứng tỏ rằng chúng ta đang làm khó bản thân và làm tổn tuổi thọ bởi sân giận thì tức tối và sự tức tối sân giận này nó làm cho sức khỏe yếu dần, tuổi thọ ngắn đi. Cho nên trở lại vấn đề không than vãn, tức là người biết sách tấn, biết khuyến khích mình đi tới sự thành công. Quan trọng nha các bạn!

Nếu ta không than vãn, tức là một chính sách ưu đãi bản thân để khuyến khích, sách tấn, tưởng thưởng cho chính mình, yêu thương chính mình để đưa đến sự thành công. Và vấn đề thứ hai, nếu chúng ta không sân giận thì đó chính là cách chăm sóc đẹp nhất để ta có sức khỏe, tăng thêm tuổi thọ. Đây là hai cách tuyệt vời nhất, các bạn!

Để chúng ta đưa đến sự thành công, đôi khi chẳng cần phải nghiên cứu gì nhiều, chẳng phải học gì cho nhiều, mà những gì các bạn có nhân duyên có được rồi đó, mang ra ứng dụng bằng cách đừng than thở thì giúp các bạn có thể nhìn sâu vào kiến thức đã vốn có để ứng dụng phù hợp trong cuộc đời. Để từ đó không chạy đua với những vùng kiến thức xa lạ tới cuối đời mà chẳng thể ứng dụng nên không bao giờ thành công.

Mỗi một người chúng ta ở một lứa tuổi nào đó, vốn kiến thức đã đủ theo phước báu và nhân duyên, nếu các bạn không than thở thì các bạn sẽ sách tấn mình ứng dụng được những kiến thức đó đưa vào trong cuộc đời để vượt khó khăn đưa đến sự thành công. Nếu bạn chưa thành công, kiểm tra lại xem mình có hay than thở không? Đừng than thở nữa! Nhìn sâu vào sự khó khăn, tìm hiểu sự khó khăn, đương đầu trực diện với nó, mang kiến thức vốn có, suy tư cho rõ, đặc biệt là Chánh Niệm hơi thở và từ bi – trí tuệ quán để ta nhìn xuyên suốt để không ngồi đó than cho cháy cả người, mà chúng ta tự sách tấn để vượt qua gian khó, đưa đến sự thành công.

Và sân giận, sân giận làm cho chúng ta bệnh nhiều, yếu đi, mau chết. Cho nên phương pháp trường thọ, bớt bệnh, bớt phiền, bớt não, nhìn tướng hảo đẹp, xinh xắn, chẳng cần phải đi làm đẹp, đó chính là đừng giận dữ, đừng cáu gắt. Mà để không giận dữ, không cáu gắt thì một phương pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta là lấy từ bi làm chuẩn mực nuôi dưỡng cuộc đời bằng Chánh Niệm hơi thở. Chánh Niệm hơi thở như thế lan tỏa được từ bi, tình thương thì nhất định như ngọn lửa được bao bọc bởi biển khơi, có phun lửa lên thì nước biển cũng làm cho ngọn lửa tắt lịm. Sự sân giận có khởi nguồn bởi những tạo tác tác động từ bên ngoài hoặc bên trong tư tưởng, suy nghĩ của ta thì cái nước từ bi vốn có mà chúng ta thường thiền định trong thiền từ bi sẽ giúp cho chúng ta chuyển hóa cơn giận, cơn cáu gắt đó thật nhanh để chúng ta không bực bội, khó chịu để sinh bệnh, để rồi giảm tuổi thọ. Cho nên ai muốn trường thọ, ai muốn đẹp, ai muốn bớt bệnh, bớt phiền não, ta nhìn thẳng vào những nguyên cớ tạo ra sự giận dữ đối với chúng ta, và Chánh Niệm hơi thở từ bi thì nhất định các bạn sẽ chuyển hóa được cơn giận. Và như vậy các bạn sẽ đẹp ra mỗi ngày, đẹp từ bên trong nơi tâm hồn tự tại và an nhiên. “Tướng do tâm sanh”, tâm an nhiên tự tại, tướng hảo của bạn sẽ đẹp. Sức khỏe cũng do tâm sanh mà thôi! Nếu tâm bạn tự tại an nhiên, thong dong, bệnh hoạn sẽ tiêu tan và đây là một chính sách tuyệt đối rất tốt mà bạn cần phải ưu đãi hàng đầu cho bản thân.

Cộng thêm chúng ta làm khó bản thân nữa là chúng ta ôm đồm quá nhiều, việc gì cũng ôm vào nhưng không thể làm được hết, từ đó cảm thấy bực bội, khó chịu. Vậy nên để cho mình thoải mái, nhẹ nhàng thì đụng việc gì, chúng ta phải suy xét ta có khả năng hay không để rồi tiến hành thực hành cả cuộc đời mang đến kết quả tốt đẹp chứ đừng ôm đồm quá nhiều. Người không ôm đồm nhiều là người làm cho mình nhẹ nhàng, thong thả và tự tại. Người như thế sẽ phát triển được lòng bao dung, sẽ nhìn xuyên thấu mọi cảnh giới xảy ra trong cuộc đời để từ đó thấy rằng không có chuyện khó khăn nào mà không thể vượt qua. Cho nên người không ôm đồm là người không tự cột chặt quá nhiều chuyện vào cổ để rồi không thở được.

Nếu điểm qua điểm lại thì thật nhiều những vấn đề chi tiết mà ta tự làm khó bản thân của mình. Như kiến thức loài người vừa nói ở trên lúc bắt đầu đó là không có một sự khó khăn nào mà không thể vượt qua ngoài sự khó khăn của sanh tử. Hình như đây là một định lý của cuộc đời, là một chân lý khẳng định điều đó. Nhưng xét cho cùng, khi Đức Phật ra đời, Ngài đã khám phá ra sự đúc kết kinh nghiệm của người xưa cũng như người hiện tại nói rằng: “Ngoài sanh tử, không có gì khó khăn mà có thể vượt qua” là sai. Câu này sai!

Sanh tử đối với Đức Phật, cũng có thể vượt qua. Đây là một tin mừng thật lớn và là một điều thích thú, một thông điệp giải thoát gửi tới cho mọi người để nhận thức rằng, sanh tử không phải là chuyện không thể vượt qua như người ta đã bao hàm qua sự trải nghiệm nhận thức của loài người bằng cái nhìn của Phàm phu để nói rằng: “Ngoài sanh tử, không có việc gì khó mà không thể vượt qua”. Mà Đức Phật nói rằng: “Sanh tử là chuyện khó nhất trên đời, chúng ta cũng có thể vượt qua được”. Chính vì điều đó mà Ngài đã đi giảng đạo trong 45 năm trời để hướng dẫn cho mọi đệ tử cũng như để cho muôn đời sau có nhân duyên nghe được pháp vi diệu của Ngài để thấy rằng: “Sanh tử, chúng ta cũng có thể vượt qua được”. Đây là một điều kỳ diệu nhất để khẳng định rằng mỗi một chúng sanh, mỗi một con người chúng ta có khả năng tu tập để vượt qua cái khó khăn nhất, đó chính là chuyện lớn trong cuộc đời, đó là sanh tử luân hồi.

Trên đời, muốn vượt qua một chuyện gì cần phải có bí kíp thượng thừa, có cách hướng dẫn và sự thực tập đúng. Đức Phật không chỉ nói suông rằng vượt qua sanh tử là cứ thế mà tin, mà Ngài trình bày một cách thật rõ những công thức, những phương thức để chúng ta có thể vượt qua được sanh tử. Để sanh tử không làm khó chúng ta. Ngài điểm danh ba thứ mà chúng ta tự làm khó bản thân để rồi không thể vượt qua ngưỡng cửa của sanh tử để luân hồi nhiều kiếp trong những cảnh giới đau khổ. Ba thứ đó chính là Tam Độc: Tham, Sân và Si. Nơi đâu chất chứa ba thứ độc dược này để rồi chúng ta không thể vượt qua sanh tử và tự làm khó bản thân của mình mãi mãi trong kiếp luân hồi sanh tử? Ba độc dược này được chất chứa vào ba cái kho để luôn luôn tuôn ra hại người và hại mình. Kho đó là Ý, kho thứ hai là Khẩu, kho thứ ba là Thân. Mà trong bài Kinh sám hối, chúng ta hay tụng: “Chúng ta từ vô thủy vô chung, ta đã từng Tham – Sân – Si tạo ra nhiều nghiệp từ Thân – Ngữ – Ý phát sinh ra”. Hiểu thấu được điều này là chúng ta ứng dụng công thức phù hợp để không tự làm khó bản thân trên con đường thoát khỏi sanh tử.

Đừng để sự mặc định của người trần gian nói rằng: “Ngoài sanh tử, chuyện khó khăn nào cũng vượt qua” mà hãy để cho chân lý của Đức Phật thấm nhuần vào trong tâm bằng sự Chánh Niệm từ bi và trí tuệ quán để thấu rõ: “Sanh tử chẳng thể làm khó chúng ta”. Ta có thể vượt qua được sanh tử nếu nhìn thấu được ta tự làm khó bản thân bao nhiêu đời qua để luân hồi sanh tử chính là bởi vì ta còn đắm chìm trong Tham – Sân – Si từ Thân – Ngữ – Ý. Thấy rõ được điều này, chúng ta gỡ bỏ từ từ những đoạn trường trong cuộc đời cột chặt mình vào Tham – Sân – Si. Gỡ dần, gỡ dần như Tề Thiên Đại Thánh được gỡ vòng Kim Cô, không còn đau đớn, mà gỡ được chính là bởi vì Tề Thiên Đại Thánh đã hiểu chân lý nhân quả.

Các bạn nếu hiểu được chân lý nhân quả thì thấu thật rõ được Tham – Sân – Si là vòng Kim Cô siết chặt vào cuộc đời, làm khó, gây khó và chướng ngại để bạn không vượt qua sanh tử. Và mỗi khi các bạn Tham – Sân – Si là các bạn đọc câu Ma chú để siết vòng Kim Cô lại. Và từ đó các bạn tự hại bản thân đau đớn. Do vậy, để có thể vượt qua khó khăn, thoát khỏi sanh tử luân hồi thì phải thấm nhuần thật rõ những điều khó khăn đó mà chúng ta không vượt qua đều tới từ nguyên nhân do Tham – Sân – Si chất chứa từ Thân – Ngữ – Ý. Hiểu thấu được như vậy, ta không gom góp Tham – Sân – Si chất chứa vào Thân – Ngữ – Ý nữa. Mà lỡ nó đã bám chặt vào trong đó rồi, ta phải làm gì? Ta chỉ cần mang nước từ bi Mu A Mu Sa đổ vào trong tâm, đổ vào nơi miệng lưỡi, đổ vào thân xác của cuộc đời thì mọi tư tưởng, mọi ngôn ngữ và mọi hành động của chúng ta đều được nước Từ Bi Cam Lồ Tịnh Thủy Lưu Ly của Mẹ hiền Thiên Thủ Thiên Nhãn, Tầm Thinh Cứu Khổ Quan Thế Âm lấy cành dương liễu rải năng lượng từ bi xuống cuộc đời để gội rửa tất cả.

Chúng ta cần phải củng cố, xác tín lại tín tâm của mình bằng trí tuệ chứ không bằng sự mù mờ tin một cách mê tín dị đoan. Trong Chánh Niệm hơi thở, mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta có được sự sáng của trí tuệ, nhìn thấu và rõ, hiểu được vạn pháp vô thường sanh – diệt. Những chuyện quá khứ đã đi qua, không than thở, nhắc nhở, không đọa đày mình bằng những chuyện không như ý để sân giận, cũng chẳng tưởng tượng quá mức để ôm đồm quá nhiều. Mà chúng ta trở về thật đơn giản là không tự làm khó bản thân của mình nữa. Biết dùng Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ vận hành ba thửa ruộng phước của mình, đó là Ý căn, Ngữ căn và Thân của chúng ta. Chỉ cần như vậy thôi! Cứ nhặt cỏ, nhặt đá, tưới tẩm đầy đủ, mầm từ bi và trí tuệ, chủng tử Bồ Đề sẽ có cơ hội vươn lên để muôn sự khó khăn cản chân ta vượt qua sanh tử sẽ không còn là chướng ngại nữa, mà chúng ta sẽ vượt qua.

Trong lúc đại dịch lan tràn như thế, mỗi người chúng ta trở về với Chánh Niệm hơi thở, từ bi quán chiếu cho thật rõ để chúng ta bắt đầu tăng trưởng, không phải là niềm tin mà là tăng trưởng trí tuệ. Bởi nhìn lại, tịch tĩnh lại trong Chánh Niệm, quán chiếu theo đúng như lời Đức Phật để thấy vạn pháp vô thường là đây. Để từ đó ta không đắm đuối, bám víu những điều gì ta cho là nó thường trụ ở trong tâm, trong tất cả mọi cảnh giới, mọi hiện tượng. Để ta không bị rơi vào tình trạng là cứ than thở.

Trên đời nhiều người than thở dữ lắm! Họ làm không thành công họ than thở, họ nói chuyện với ai không như ý họ cũng than thở, và cuối cùng họ không nhận ra đó là cái sai của họ, và họ luôn luôn than thở rằng người đó, họ như vậy, họ bị như kia và rồi thương tiếc, thương xót. Không! Đó chính là bạn không nhận rõ được bạn không có khả năng làm chuyện như vậy bởi ôm đồm quá nhiều những chuyện vượt khỏi khả năng. Để rồi tánh cáu gắt, sân giận, cho nên thường than thở. Nếu bạn trở về với Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ thiền quán thì các bạn sẽ có cơ hội nhìn thấu được những sự rối rắm trong thân tâm của mình để cởi ra cho chúng ta vượt qua sự khó khăn, thoát khỏi sanh tử.

Thời đại dịch này là thời đại mà chúng ta thường hay cáu gắt, sân giận, than thở, bực bội, ôm đồm thì chính là lúc mỗi người chúng ta phải làm sao trau chuốt từ bi và trí tuệ để chúng ta có thể làm gọn cuộc đời của mình nhẹ nhàng, thênh thang. Bỏ đi những thứ không cần thiết như than thở, sân giận, ôm đồm để chúng ta tự tại.

Chẳng phải tâm Không là không nghĩ gì, nhưng tâm Không tức là bỏ đi những chuyện không cần thiết. Thiền Mật song tu Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có năng lượng vi diệu làm sạch thân và tâm của chúng ta. Khi thân ta sạch, năng lượng tiêu cực biến mất, tích cực sẽ tới với chúng ta. Năng lượng đó giúp cho chúng ta khỏe mạnh và bình an, tăng trưởng tướng hảo từ tâm thanh tịnh. Rất hay nếu như các bạn tập cho rõ ràng trong từng hơi thở vào ra nhẹ nhàng, quán chiếu và trì mật ngôn Mu A Mu Sa thì chỉ một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy được hoan hỷ khởi lên. Dù trước bao nhiêu chướng ngại của cuộc đời làm cho các bạn than thở, cáu giận, ôm đồm, bực bội, chán nản thì năng lượng từ bi là năng lượng của Đức Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Mẹ hiền Quan Âm có công năng vi diệu giúp cho bạn tìm lại được tiềm năng vĩnh cửu, đó là sức mạnh tự tánh Phật vốn có nơi chúng ta.

Đừng bỏ qua cơ hội trong lúc đại dịch để trở về, trở về để đón nhận năng lượng đó, sống cho an lạc và tự tại. Đừng làm khó bản thân bằng thiếu hiểu biết, chạy đeo đuổi theo những kinh nghiệm của trần gian nói rằng: “Ngoài sanh tử, không có gì khó khăn mà không vượt qua được” mà phải nhớ chân lý của Phật rằng: “Cái khó khăn nhất trong cuộc đời là sanh tử, chúng sanh vẫn có khả năng vượt qua sanh tử bằng cách nhìn thấu, hiểu và hành cho đúng lời của Phật”. Nguyên nhân đắm chìm trong sanh tử là do Tham – Sân – Si từ Thân – Ngữ – Ý. Thấu được đó, quán chiếu vô thường và phá vỡ đi cái tự ngã của mình thì chúng ta sẽ nhận diện ra được những chủng tử Tham – Sân – Si ngủ ngầm trong Thân – Ngữ – Ý của chúng ta. Để từ đó chúng ta mang nước từ bi của Mu A Mu Sa và thắp sáng ngọn đèn trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để nhìn thấy chúng để chuyển hóa chúng, để gội rửa chúng, để thanh tẩy chúng gọi là thanh tịnh hóa thân tâm bằng Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Có như vậy thì mỗi người chúng ta sẽ không bao giờ tự làm khó bản thân để cứ lăn trôi trong sáu nẻo luân hồi sanh tử nữa. Mà chúng ta thong dong tự tại bước trên miền đất chân tâm nhẹ nhàng, tràn đầy phước báu, sống hoan hỷ vô cùng trong mọi thời đại của kiếp người còn phải tái sanh. Dù trong bất cứ một hoàn cảnh, nghịch cảnh nào, tâm thái vẫn an nhiên tự tại, nụ cười vẫn tươi nở trên môi, ánh mắt vẫn sáng, tâm thái vẫn tự tại, thần trí vẫn luôn luôn tỉnh táo và tướng hảo vẫn luôn luôn đẹp bởi vì mọi sự đều do tâm mà tạo thành. Khi tâm Chánh Niệm, tâm từ bi và tâm trí tuệ phối hợp, khế hợp với nhau trong từng giây phút, trong từng sát na thì chúng ta như uống được nhân sâm ngàn năm, trẻ mãi không già, tươi tỉnh, đẹp, hết bệnh. Như có được những dược phẩm cao quý của Ngài Dược Sư, Phật Dược Sư để trị tận cả những chứng bệnh về thân và tâm. Để không còn là nỗi ám ảnh của cuộc đời để tự làm khó bản thân mà không vượt qua khỏi ngưỡng cửa sanh tử.

Người ta đã nói sai. “Sanh tử không thể vượt qua, còn chuyện khó gì cũng vượt qua” đó là cách nói của loài người. Phật nói: “Chuyện khó nhất trên đời là sanh tử, chúng ta cũng có thể vượt qua nếu nhận diện rõ được nó và hành đúng theo lời Phật”. Đừng làm khó bản thân để than rằng sanh tử khó vượt qua để sống buông thả, sống thiếu trách nhiệm, sống đắm chìm trong than thở, sống trong sân giận, cáu gắt, sống trong ôm đồm, lo lắng và sợ hãi. Cách nói đơn giản: “Ai cũng có một cuộc đời hiện tại, hãy sống an lạc và hạnh phúc”, đó là chân lý mà mọi chúng sanh đều muốn tận hưởng và để tận hưởng được hạnh phúc, an lạc, an vui, bớt bệnh, bớt phiền, bớt não thì chúng ta phải đẩy lùi ba thứ độc dược Tham – Sân – Si tiềm ẩn trong Thân – Ngữ – Ý của chúng ta. Đó là cách chúng ta tự gỡ bỏ, gỡ trói để không tự làm khó bản thân mà bước thong dong trên miền đất chân tâm, vượt qua cái khó khăn nhất trong cuộc đời của con người và của chúng sanh đó là sanh tử.

Chúng ta nghe theo lời Phật, thực hành đúng, chúng ta sẽ vượt qua được sanh tử. Và từ đó, chúng ta gạt bỏ cách nói của Phàm phu đi là: “Sanh tử là chuyện khó, khó vượt qua, còn chuyện gì cũng có thể vượt qua được” mà phải thuần phục tâm của ta thống nhất với tư tưởng của Đức Phật nói rằng: “Sanh tử là chuyện khó nhất, nhưng chúng ta theo lời Phật dạy và thực hành đúng sẽ vượt qua được sanh tử”. Đây là một tin mừng, là một thông điệp vi diệu nếu chúng ta thấm nhuần bằng cái tư duy với trí tuệ và từ bi, ta thấy cuộc đời thơi thới, nhẹ nhàng và hạnh phúc, tươi vui vô cùng.

Hỡi các bạn nào đó còn đang cau có, giận hờn, sợ hãi, ồm đồm, than thở, cáu gắt, lo lắng! Những triệu chứng đó chính là bạn đang tự làm khó bản thân thì hãy trở về chân lý của Đức Phật, Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, quán chiếu các hiện tượng trên đời đều vô thường sanh – diệt, tới lui không bao giờ tồn tại mãi để từ đó buông bớt đi những phiền lụy trong cuộc đời. Nhẹ nhàng thong dong, cất cánh mà bay vào bầu trời cao rộng của chân lý Phật đã khai thị cho chúng ta ở chỗ là vì Tham – Sân – Si mà tự làm khó bản thân nên đau khổ tràn đầy, phiền não không bao giờ vơi. Cho nên nếu các bạn thấu được điều này, các bạn sẽ trở lại sự bình an và hạnh phúc. Và trong mùa đại dịch này, các bạn cần phải nhất quán để thiền, để thấu, để các bạn tự tháo gỡ, đừng làm khó bản thân, giải phóng mình khỏi sự ràng buộc đó, tức là biết thương yêu bản thân, biết thương yêu bản thân chính là biết thương yêu muôn người, biết thương yêu bản thân tức là biết nghĩ tới muôn người và sự thương yêu đúng nhất, đúng mực nhất chính là hãy thực tập Chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán.

Nó không khó, nó thật là dễ các bạn, thật là dễ vô cùng! Hãy cố gắng thực tập. Mượn cơ hội khó khăn trong đại dịch để trở về với cội nguồn chân tâm, thực hành đúng lời Đức Phật dạy để chúng ta đừng tự làm khó bản thân của mình nữa. Và để không tự làm khó bản thân thì thiền trí tuệ sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng Chánh Kiến. Có Chánh Kiến rồi thì muôn sự khó khăn ở trong đời sẽ rời xa chúng ta. Trong Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi là hít vào thở ra nhẹ nhàng quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa gắn kết với mười phương Chư Phật, đây gọi là thiền từ bi. Thiền trí tuệ là hít vào thở ra, nhẹ nhàng quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là thắp sáng đuốc tuệ do năng lượng vi diệu của Phật để chúng ta khởi lên tâm từ bi và lan tỏa yêu thương. Đó chính là chúng ta đang sống trong cái ốc đảo thanh tịnh, an vui với tuệ giác viên mãn để từ đó vượt qua muôn trùng khó khăn, không làm cho bản thân dừng bước, đi ngược vào trong vô minh, chết trong luân hồi sanh tử nữa.

Thời đại dịch là thời tự tánh cần phải được hiển lộ nơi mỗi một con người để góp phần, góp sức, góp công đức, góp phước báu chuyển hóa đại dịch chung cho thế giới và dân tộc Việt Nam, và cho bản thân của chúng ta nói riêng. Còn nếu không thì các bạn đã làm khó bản thân rồi. Các bạn sẽ làm cho tuổi thọ giảm bớt, làm cho phước báu chẳng còn và rồi có thể bạn sẽ làm nguy hại đến đời sống của mình. Cho nên cách mà có thể thoát được dịch ngay trong lúc này là chúng ta trở về với Chánh Niệm và từ bi – trí tuệ, tu tập một cách thật là chuẩn mực, rời xa, rời xa Tham – Sân – Si.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu thấu từ muôn đời đã tự làm khó bản thân để luôn nghĩ rằng sanh tử không thể vượt qua. Nhưng hôm nay chúng con đã nhận diện thật rõ, Đức Phật đã dạy cho chúng con thấy rằng sanh tử là chuyện khó nhất trong cuộc đời, nhưng có thể vượt qua và chỉ cho chúng con thấy rõ ràng rằng Tham – Sân – Si tới từ Thân – Ngữ – Ý sẽ làm khó chúng con không thể vượt qua sanh tử.

Nay nhất tâm Chánh Niệm hơi thở thiền từ bi và trí tuệ, xin Phật gia hộ để chúng con nhìn thấu để vượt qua cửa sanh tử trở về với Niết Bàn an vui.

Nguyện mang năng lượng từ bi và trí tuệ này rải tới muôn người trong thời đại dịch để tất cả mọi người đều trụ vững trong tâm thanh tịnh để chuyển hóa sự khó khăn của đại dịch thật nhanh, hầu mang lại đời sống hạnh phúc cho muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và tới quê hương Việt Nam của chúng con mau thoát khỏi đại dịch. Cũng như cầu cho thế giới bình an, hòa bình, hết chiến tranh, hết đại dịch cho muôn người hoan hỷ.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts