Search

Bài 2055: Ngày Tháng Qua Mau | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tuệ Minh bút ký

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mọi người hãy buông bỏ tất cả, quy ngưỡng về với Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con thành kính ngưỡng nguyện lên ba ngôi Tam Bảo gia trì năng lượng tình thương và thắp sáng trí tuệ, đặc biệt cho người dân Việt Nam chúng con và những nước Á Đông đang bị đại dịch lan tràn kéo tới làm cho mọi người hoang mang, sợ hãi, gây chết chóc và tang thương. Xin hãy gia trì để chúng con vượt qua, một lòng hướng thiện, giữ hơi thở Chánh Niệm và tuân thủ theo những quy luật của xã hội, của y tế để giữ an toàn cho nhau. Đặc biệt, tuân thủ theo quy luật nhân quả, nghĩ thiện, nói thiện, hành động thiện tăng trưởng phước báu để đại dịch qua mau. Xin Chư Phật từ bi ở mười phương chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Hãy buông thư, nhẹ nhàng, hãy gạt bỏ mọi phiền ưu, đưa tâm trở về với Phật tánh, quán tưởng tới Đức Bổn Sư và Mẹ hiền Quan Thế Âm, nhớ đến tất cả những người yêu thương còn kề cận bên chúng ta, mang tất cả tình thương và công đức hồi hướng tới cho nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn thân mến! Với chủ đề “Ngày Tháng Qua Mau” hình như một chủ đề thiết thực trong cuộc sống của Bảo Thành và các bạn. Sự diễn tả có nhiều hình tướng và hình dạng nhưng vẫn có những câu rất đơn giản là vừa chớp mắt mà đã qua. Cuộc sống quá nhanh và ngày tháng trôi còn nhanh hơn cuộc sống của chúng ta. Thuở xa xưa thời Đức Thế Tôn còn tại thế, khi Ngài chứng đắc đạo quả thành Phật rồi, hàng đồ chúng và đệ tử của Ngài ai cũng vui mừng bởi có phước báu và nhân duyên kề cận với một Bậc Giác Ngộ, nhất là những đệ tử thường xuyên hành trì, tu tập gần gũi với Phật, hạnh phúc và họ nghĩ rằng Đức Phật là Đấng đã giác ngộ, Ngài nhất định chiến thắng được sự chết và không bị quy luật của Sanh – Lão – Bệnh – Tử xoay vần ngược xuôi để rồi Ngài hiện hữu mãi trong cuộc đời này, dạy cho họ và chúng sanh thoát vòng sanh tử. Chỉ thoáng thoáng gọi là 45 năm trời giảng pháp từ thời Giác Ngộ, mấy ai trong đệ tử của Phật sẽ nghĩ tới một ngày Bậc Thầy của mình cũng như muôn người khác theo quy luật của Sanh – Lão – Bệnh – Tử phải dần dần trở về với cát bụi, chôn vùi trong lòng đất, lặng im không còn tiếng. Ít ai nghĩ đến điều đó!

Có một số đệ tử nhớ và hiểu được lời Phật dạy về Sanh – Lão – Bệnh – Tử là chẳng ai khi làm người có thể thoát khỏi nên trong lòng miên mật từng ngày, từng giờ để tu tập thoát sanh tử, các Bậc ấy đã chứng đắc những quả vị thật cao. Tuy nhiên vẫn có những người đệ tử của Phật thời đó nghĩ rằng Phật là trường sinh bất tử, chẳng bao giờ chết cho nên nghe lời Phật thì nhớ, chẳng bao giờ quên nhưng mà hành lời của Đức Phật dạy thì ít mang ra ứng dụng, đó chính là ông A Nan. Thật ra trí tuệ của ông thật là đặc biệt bởi chỉ có ông trong Tăng đoàn mới là người nhớ tất cả từng lời cặn kẽ của Đức Phật truyền dạy nhưng ông không thực hành, bởi vậy chẳng có chứng đắc. Ông ta là thị giả của Phật, có nghĩa là lúc nào cũng lân cận Phật để giúp đỡ cho Phật, nhưng chắc có lẽ ông ta cũng không để ý tới cái già – bệnh của Phật bởi nghĩ Phật thị hiện ở mọi thân tướng và sẽ không sao.

Có một câu chuyện trong Kinh kể rằng đến một thời khi Đức Phật đau nhức chân và thị giả – Thầy A Nan đã bóp chân, thoa thuốc, đấm bóp, massage cho chân Phật đỡ đau. Hình như có lẽ lúc này ông ta mới nhìn thật rõ đôi bàn chân của Đức Phật thời xưa là một võ sĩ, một dũng sĩ cưỡi ngựa nhưng thoáng một cái không để ý, nay nhìn lại, đôi chân đã già nua, cằn cỗi, xương thì nhô ra, đau đớn. Ông ta đã nhận ra Phật đã già và căn bệnh đau chân đã kéo tới. Lúc này ông ta than với Phật rằng: “Thưa Thầy! Phật ơi! Thuở xưa, Phật là một võ sĩ, một dũng sĩ mặc dũng mãnh mà sao bây giờ gầy gò, ốm yếu, bệnh hoạn, đau đớn?”. Có lẽ Thầy A Nan đã nhận ra thời gian đã trôi qua, ngày tháng qua thật mau, qua mau quá, mới thuở nào Đức Thế Tôn còn trẻ, còn khỏe, còn mạnh, đi chân đất, đi bộ từ làng này đến thôn kia, mấy mươi năm trời là thị giả kề cận nhưng chẳng nhìn vóc dáng của Chư Phật hư hao theo ngày tháng, đến khi bóp chân của Thầy mình mới ngỡ và hiểu rằng ngày tháng qua quá mau, nhưng đó chưa phải là đánh thức ông ta để thực tập chân lý của Đức Phật dạy. Ông ta vẫn dửng dưng. Khi hỏi Đức Phật thì Đức Phật nói: “Này A Nan! Hồi xưa, ta trẻ ta biết trẻ, nay ta già, đau yếu ta biết đau yếu nhưng tâm của ta không bị cái già, cái đau, cái bệnh làm cho tâm già, đau và bệnh. Tâm ta vẫn trẻ như ngày nào”. Đây là một cách nói mà Bảo Thành diễn dịch theo ngôn ngữ đời thường và ông A Nan nhìn, nghe được cũng hoan hỷ nhưng cũng chưa đủ thấm đâu. Cho đến khi Đức Phật 80 tuổi, Ngài cũng chết như bao nhiêu con người, thân xác phải trở về. Dù văn chương Phật giáo có dùng những mỹ từ cao siêu, hay lắm là “nhập Niết Bàn” nhưng nói trắng ra là Đức Phật, thân xác Phàm của Ngài đã bị theo quy luật Tử, tức là chết. Ông A Nan chẳng biết phải làm gì bởi có ngờ đâu một ngày Thầy của mình cũng sẽ chết. Ngày tháng qua mau, chớp mắt Phật đã 80 tuổi, già rồi, Sanh – Lão – Bệnh – Tử quy luật ai cũng phải theo.

Khi Thầy của mình đã chết, A Nan buồn lắm, chỉ biết khóc ròng, không biết phải làm gì, để bao nhiêu những sầu muộn tràn tới, nhớ thương Thầy của mình dâng lên. Hai bên mắt những dòng lệ trôi như sông, chảy hoài không ngừng, khóc và chỉ khóc mà thôi, chẳng biết phải làm sao.

Đứng ở bên ngoài, hiện tại trong thế kỷ này, nhìn về ngày xưa ấy, lịch sử của Phật và Thầy A Nan, chúng ta cũng phải bàng hoàng dù Phật đã ra đi. Nếu như trong cuộc đời của các bạn có một Bậc Thầy là Phật hoặc có nhân duyên, phước báu gặp được Phật thật sự như Ngài A Nan, có khi nào các bạn nghĩ một ngày nào đó Đức Phật sẽ chết để cho bạn ngẫm nghĩ và suy niệm, nhận ra rằng ngày tháng qua mau. Và rồi than: “Mới chớp mắt một cái, Phật đã ra đi, Thầy chẳng còn!”. Qua sự trải nghiệm thật sự trong Kinh để khẳng định trong cuộc đời của con người chúng ta, không hẳn chỉ có con người, thú vật, cây cối mà vạn vật trong vũ trụ này cũng sẽ phải tuân thủ theo Thành – Trụ – Hoại – Diệt, quy luật Sanh – Lão – Bệnh – Tử và chứng minh thật hùng hồn cho một chân lý rằng: “Ngày Tháng Qua Thật Mau”.

Ngày tháng qua mau để chúng ta không phải là sợ hãi, tranh giành từng ngày, từng giây phút, nắm bắt những điều gì hoặc cơ hội ta có bởi sợ chúng vuột khỏi tầm tay. Nếu nghĩ như vậy, chúng ta đã đi sai chân lý của Đức Phật dạy, thì hơi thở Chánh Niệm không có tác dụng. Nhận diện ra ngày tháng qua mau, dòng thời gian trôi mãi không bao giờ ngừng và chẳng bao giờ trở lại với chúng ta để chúng ta thấy được giá trị của từng giây phút đang sống trong cuộc đời, thấy được giá trị phước báu vô lượng kiếp tích lũy để có được thân người đang sống trong hiện tại, thấy được giá trị siêu việt của đấng, bậc sinh thành đã tác tạo nên thân xác này, cho ta được một kiếp người có đầy đủ ngũ căn, có đầy đủ tất cả tứ chi, có đầy đủ sức khỏe, căn lành, thiện lành. Nhìn thấy ngày tháng qua mau để tri ân và niệm ân Chư Phật mười phương, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền, những bậc thiện tri thức, những bậc trưởng lão, những bậc Thầy, những người bạn đã mang chân lý giác ngộ khơi dậy và gieo trồng trong lòng của chúng ta. Không phải là để sợ khi nhìn dòng thời gian trôi mà ta không thể níu kéo được bởi vì thời gian trôi qua, chẳng trở lại là chân lý. Ngày tháng qua mau như một chớp mắt. Đúng! Có gì để sợ nếu có thể thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở của Mu A Mu Sa, tức là tình thương, từ bi. Mu A Mu Sa là quán từ bi, tức là thể nhập vào trong tâm từ bi. Mỗi người chúng ta nếu thể nhập vào được trong năng lượng của từ bi, thể nhập vào trong tâm từ bi, tức là tâm Phật thì dù ngày tháng có qua mau, thời gian có chạy trốn chúng ta, muôn sự không thể quay lại thì Phật tánh vẫn luôn luôn hằng hữu ở đó như Tâm Kinh nói: “bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”.

Mu A Mu Sa là từ bi và chỉ có từ bi, năng lượng từ bi mới có thể giúp chúng ta thể nhập vào Phật tánh để không bị quy luật của dòng thời gian cuốn trôi đi, để không bị quy luật của ngày tháng qua mau vùi lấp đi trong những nỗi nhung nhớ của cuộc đời bởi năng lượng từ bi giúp chúng ta hiện hữu trong Chánh Niệm, trong hiện tại và trong hiện tại đó là bất sanh – diệt, bất cấu – tịnh, bất tăng trưởng. Chúng ta không nói đến chữ “Trường sinh bất tử” bởi chữ “Trường sinh bất tử” để nói lên tánh Phật vi diệu thì nó vẫn còn thuộc phạm trù của thế gian, cái còn và cái mất, cái trường tồn và cái hư mất, nhưng nói đến bất sanh bất tử, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thể tánh của Phật tánh là không thuộc phạm trù suy nghĩ của vật chất, của thế gian mà nó thuộc phạm trù cho những ai có thể thể nhập vào bên trong đưa tới sự chứng ngộ, liễu thông, nó nằm ngoài kiến thức, suy diễn, diễn bày của con người. Từ chỗ đó, ta thấy được giá trị của từ bi hay nói rộng cho dễ nhớ là giá trị của tình thương. Tình thương sẽ tồn tại muôn đời. Mọi thể loại năng lượng chỉ có năng lượng tình thương là năng lượng vĩnh viễn không bao giờ hư mất. Chưa! Nếu năng lượng đó được vận hành bằng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì năng lượng đó sẽ trở thành năng lượng siêu thế, không bình thường đâu các bạn. Nói thật là khó, diễn thật không thể nhưng nếu các bạn tu, tu trong Pháp quán của Mẹ hiền Quan Thế Âm quán trí tuệ – từ bi quán. Trí tuệ – từ bi quán là quán chiếu Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa, đây là quán từ bi, quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán chiếu Chánh Niệm hơi thở trí tuệ. Hai câu mật ngôn song hành trong Chánh Niệm hơi thở được gọi là từ bi – trí tuệ quán. Nếu các bạn quán chiếu, thẩm nhập vào thật sâu thì dòng thời gian, ngày tháng có qua đi bạn vẫn luôn hiện hữu trong sự tỉnh giác. Để rồi như thân xác của Đức Phật, Bậc Thầy có theo quy luật Sanh – Lão – Bệnh – Tử của Đất – Nước – Gió – Lửa giả hợp do duyên mà tạo thành, hết duyên rồi tan rã thì các bạn vẫn luôn luôn hiện hữu trong từng sát na với trí tuệ và năng lượng của tình thương. Bởi trên đời này không có gì chết mang theo được ngoài từ bi và trí tuệ, thế nên tất cả các Chùa chiền, Am thất vẫn thường có bốn chữ “Từ Bi và Trí Tuệ”. Bốn chữ ngọc ngà, bốn chữ Pháp Bảo mà hầu như chúng ta ít có khi nào chú ý, suy nghĩ cho tận tường, thực hành cho viên thông để có thể thành tựu được nó mà chỉ lướt qua như một bảng hiệu, như một chữ được gọi là ghi đó cho đẹp, trang trí cổng Chùa.

Không! Đây là Mật Pháp hiển lộ trong bốn từ “Trí Tuệ và Từ Bi” gắn ngay trước các cổng Chùa hay đâu đó mà hầu hết người Phật tử chúng ta thường nhìn thấy, đọc qua và hiểu nhưng chưa tư duy cho thật sâu. Và không những chỉ có người Phật tử mà những người thuộc tôn giáo khác khi nói đến Phật giáo thì họ liền liên tưởng đến bốn chữ “Từ Bi và Trí Tuệ” cho nên ta hãnh diện bởi vì nói về Phật giáo là nói về trí tuệ và từ bi, nhưng chúng ta có sống với trí tuệ đó hay không? Chúng ta có sống với từ bi đó hay không, đó là một chuyện khác. Nếu như từ bi – trí tuệ Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chẳng thể thể nhập trong từng giây phút của Chánh Niệm hơi thở thì nhất định cuộc đời của các bạn sẽ như ông A Nan khóc ròng khi Đức Phật ra đi và các bạn sẽ buồn lắm, bởi chớp mắt thì muôn sự đã qua, ngày tháng qua mau, dòng thời gian trôi hoài không dừng lại và chẳng bao giờ quay đầu để vĩnh biệt đâu. Chúng ta nhớ được như vậy để thấy thật rõ!

Trở lại một chút xíu về cảnh tình của con người chúng ta, đã có biết bao nhiêu người thân yêu của chúng ta y như ông A Nan khi Phật còn sống chẳng nghe, chẳng làm theo, thì chúng ta có biết bao nhiêu những người thân yêu như cha mẹ, ông bà, có thể là vợ chồng, có thể là con cái người thân, bằng hữu khi còn hiệu hữu trên cuộc đời này, chẳng bao giờ trân quý thời gian còn gần, còn có thể nói chuyện, còn có thể làm việc chung, còn có thể trao cho nhau những ân tình, ta không nghĩ tới để rồi ta cứ đẩy qua đẩy lại những hòn than, lửa của Sân, những bóng tối của Tham – Si để đày đọa, làm cho tổn thương tâm cảm và cảm xúc của nhau, để bất chợt những người thương yêu đó phải đi theo dòng trôi của cuộc đời, biến mất, không còn trên thế gian, ta lúc đó như ông A Nan còn có ý nghĩa gì nữa đâu? Bởi vì ta cứ nghĩ rằng, người đó sẽ chẳng bao giờ đi tới đường cùng của sự chết. Mấy ai trong chúng ta khi còn sống mà nghĩ đến cái chết, quán đến cái chết bởi vì cái chết là một nỗi sợ cho muôn người, chẳng ai muốn nghĩ tới, chẳng ai muốn nói tới.

Trong cuộc đời này, đang hiện hữu trong thế gian này, phải luôn luôn nhớ rằng ngày tháng qua mau, thời gian trôi mãi để trân quý và đối xử với nhau bằng tình cảm chân thật, bằng tình yêu thật rõ nghĩa với lòng từ bi, chẳng thể bằng tình yêu của con người chiếm đoạt thân xác vì tình, tài, danh vọng, địa vị mà vì lòng từ bi, bao dung. Nhớ lại chỉ một năm trước đây thôi, tại đất nước Mỹ Bảo Thành đang cư trú, là một cường quốc siêu việt về mọi lĩnh vực, thế mà khi đại dịch tới, cả đất nước cô cứng lại, mọi sự hoạt động bị đóng băng và mọi sự phải ngăn cách, giãn cách, chặn đứng sự giao thông, du lịch, đi lại, mọi sinh hoạt từ kinh tế đến sinh hoạt tâm linh, đến sinh hoạt đời thường đều bị ngừng và chặn đứng bởi con virus Covid quá mạnh, nguy hại. Trên thế giới lúc đó đều nhìn về nước Mỹ và hầu hết mọi người đều nghĩ: “Tại sao nước Mỹ có danh tiếng là một siêu cường quốc, giỏi như thế mà lại sợ con vi trùng nhỏ bé?”, và mỗi một ngày Bảo Thành và mọi người đều nghe những thông tin hàng bao nhiêu người chết, hàng trăm hàng ngàn người chết. Chỉ trong vòng 10 tháng, nửa triệu người ở nước Mỹ này đã chết, cũng gắn tên là đại dịch kéo tới nên họ chết, làm cho lòng người hoang mang vô tận, sợ hãi lắm. Ai ở đâu thì ở đó, chẳng thể đi, nhưng đặc biệt của nước Mỹ là gì? Dịch hoành hành kéo tới đã sát hại biết bao nhiêu con người một cách thầm lặng, sự giãn cách đã phải tuân thủ làm cho muôn con người suy nghĩ về giá trị của cuộc đời và thấy rõ được ngày tháng qua mau vô tận trong giá trị của tình yêu nhưng nó lại quá chậm khi đại dịch tới. Bởi từng ngày, từng khắc trong những đợt dịch kéo tới, ai cũng mong rằng ngày tháng dịch bệnh này qua mau, nhưng nó chậm, nó dừng lại tại đó để người ta sợ hãi vô cùng, như người thân lại thật nhẹ nhàng nhanh chóng ra đi. Giữa hai đối nghịch, một sự đau đớn, sợ hãi nhưng nó cứ dừng ở đó, ta tưởng như là nó không bao giờ trôi, còn những tình cảm của con người, ta muốn níu kéo, giữ lại thì quá nhanh ra đi bởi chớp mắt một cái mà biết bao nhiêu người thân yêu đã mất. Mới chớp mắt một chút xíu thôi mà Bảo Thành đã phải đưa đám biết bao nhiêu con người và biết bao nhiêu người thân đã lịm tắt dòng thở của mình để đi về với cội nguồn của trời đất qua cơn đại dịch của năm ngoái.

Nước Mỹ chẳng dừng ở đó nữa. Một phần là họ ngăn chặn, dừng lại, giãn cách nhưng họ vẫn luôn luôn nhìn thấy hướng cần phải làm đó là phải đầu tư và chế tạo ra thuốc, vắc xin và các loại thuốc khác ngăn ngừa và trị tận gốc. Họ đã thúc đẩy vấn đề đó và cũng trong vòng chỉ có một năm, họ đã có vắc xin để cung cấp cho người dân Mỹ, hầu hết là miễn phí, toàn bộ người Mỹ có thể đã đến 60% được chích vắc xin và hiện thời sau một năm, nước Mỹ đã mở ra trong sự hân hoan an toàn, thuốc đã được chích, các phương pháp y tế đã được sáng chế ra để ngăn chặn con Covid này. Và sau một năm đó, những người sống ở Mỹ hiểu được giá trị của ngày tháng qua mau, biết bao nhiêu người lầm lũi trong nhà trong đợt đại dịch buồn thấu, thấu tới trời mỗi khi nghe tiếng người thân mất đi, đau khổ tột cùng, nhưng giờ đây hân hoan, nhớ lại vui mừng. Nhưng niềm vui này chưa hết thì chợt nhiên lại nhớ đến quê hương Việt Nam. Sáng nay Bảo Thành đọc ở những thành phố lớn như Sài Gòn hoặc là Đồng Nai đã ngăn chặn không còn đi lại được nữa, đại dịch đang kéo về và làm cho mọi người sợ hãi. Nhưng với khả năng của đất nước Việt Nam, vắc xin khi nào mới chế tạo ra được. Với sự hối thúc của chính phủ và những nhà khoa học gia của ngành y, ngành dược, Việt Nam ta khi nào mới có vắc xin và thuốc trị bệnh?

Bảo Thành đã trải qua, đã can qua đại dịch một năm ở nước Mỹ. Thấy màu tang trắng phủ đầy trên bầu trời, thấy nước mắt chảy ngập như dòng sông, thấy lòng con người đau đớn đến vô tận, thấy hoang mang làm rung động, thấy muôn sự sống bị chặn đứng, thấy sự chết thì cứ kéo dài không muốn đi mà thấy tình thương giữa con người với con người chớp mắt qua thật là mau. Nay nó lại tới quê hương của chúng ta, biết bao nhiêu người thương yêu của Bảo Thành ở Việt Nam, biết bao nhiêu những bạn đồng tu, biết bao nhiêu những người thân ở quê hương đó, giờ đây hoang mang, sợ hãi và họ sẽ chờ tới bao giờ để có vắc xin, họ sẽ chờ tới bao giờ hay chỉ đóng kín cửa, ngồi trong phòng chờ định mệnh, số mệnh quyết định cuộc đời?

Các bạn! Ngày tháng qua mau và lời cầu nguyện của chúng ta lên Chư Phật hoặc các tôn giáo tin theo, ngưỡng cầu những Đấng bề trên để cho ngày đại dịch này qua mau đi. Nhất định nó sẽ qua mau thôi! Đừng hứa hẹn đến ngày sau, đừng hứa hẹn đến ngày sau. Ngày tháng qua mau, đừng hứa hẹn đến ngày sau!

Ngay bây giờ các bạn hãy tinh tấn thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán để nhìn thấu ý nghĩa của ngày tháng qua mau để đừng khóc như ông A Nan, để chúng ta đừng hứa hẹn ngày sau sẽ làm gì cho nhau nữa. Làm được gì hãy làm ngay, làm bằng tình thương, bằng từ bi, bằng trí tuệ, làm bằng Chánh Niệm qua hơi thở bởi chúng ta biết, dù chuyện gì có xảy ra đối với ta, đối với cha mẹ hay người thân, người yêu, người bạn thì chỉ có từ bi và trí tuệ sẽ luôn luôn bất sanh – diệt, bất cấu – tịnh, bất tăng – giảm.

Hãy mượn ngay những ngày tháng bị giãn cách, phong tỏa tại chỗ, hãy trở về với thể tánh Chân Như Phật. Hãy thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở của từ bi và trí tuệ, để từ đó thắp sáng niềm tin yêu và tin chắc rằng ngày tháng của dịch bệnh sẽ qua thật là nhanh, để ngọn lửa từ bi và trí tuệ, ngọn lửa của hy vọng thắp sáng trong lòng người, để ta có nội công thâm hậu, có nội lực sung mãn, có sức mạnh vượt qua muôn trùng những sự sợ hãi đang rình rập trong cuộc sống của chúng ta. Đừng để làm cho chúng ta sợ! Vẫn biết Việt Nam quê hương của chúng ta, ngành y tế và ngành dược vẫn chưa bắt kịp trên thế giới nhưng nhất định vẫn có những nhà khoa học tài ba đâu đó, chỉ cần sự trợ giúp tích cực và sự sách tấn trong đất nước bằng tâm từ bi và trí tuệ thể hiện bằng hành động hỗ trợ cho ngành y, ngành dược hợp tác với thế giới thì nhất định Việt Nam quê hương sẽ có vắc xin nay mai. Bởi dù Việt Nam không có vắc xin đi nữa thì thế giới đã có rồi, nhưng với lòng thành và một chính sách khôn ngoan trong nhân đức và từ bi – trí tuệ thì nhất định người Việt Nam chúng ta sẽ được hỗ trợ.

Chúng ta hãy hồi hướng và cầu nguyện cho những người có quyền lực ở Việt Nam biết thể nhập vào lòng từ bi của Chư Phật, thắp sáng trí tuệ để có thể bắt một nhịp cầu trên những đất nước khác nếu họ đã có vắc xin đầy đủ hỗ trợ cho người dân Việt Nam chúng ta mà không phải đặt để những sự hỗ trợ y tế đó vào bàn tay của những ai đã lạm quyền để rồi người dân thấp cổ bé miệng đau đớn trong sự sợ hãi. Hãy cùng nhau thể nhập vào thể tánh Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ, chúng ta hãy hồi hướng cho người dân Việt Nam và những người dân Á Đông, đặc biệt hồi hướng cho những người có quyền lực làm trong chính quyền, họ bỏ đi tâm tham của chính mình, đừng vùi đầu vào trong vô minh, phân biệt các giai cấp, các đảng phái mà đi trở về với tâm từ viên mãn, dung thông, thắp sáng ngọn đuốc tuệ và bắt một nhịp cầu cho những nền y tế cao hơn đã có sẵn vắc xin có thể tới Việt Nam để hỗ trợ. Rất cần mọi lời cầu nguyện của tất cả những người nằm trong các tôn giáo khác. Rất cần sự thanh tịnh nơi cõi lòng của muôn người để sự sầu muộn, sợ hãi không bao trùm, phủ kín mà sẽ có tia sáng của hy vọng nơi tình thương và trí tuệ được thắp sáng, để người dân Việt Nam nơi quê hương của chúng ta, để những người yêu thương, những bạn đồng tu của chúng ta sẽ nhìn thấy ngày tháng bệnh dịch sẽ qua mau.

Lời khuyên chân thành nhất của Bảo Thành trong bài pháp hôm nay, chúng ta phải nhớ và học được gương của ông A Nan, đừng đợi đến khi Đức Phật chết rồi mới khóc, mới thực hiện Pháp của nhà Phật. Nếu chúng ta có phước báu học được Pháp Bảo của Như Lai từ bi – trí tuệ quán thì hãy nhớ rằng ngày tháng qua mau đừng hứa hẹn ngày sau. Hãy tinh tấn thúc đẩy bản thân, hãy nỗ lực đứng dậy và thực hành, các bạn sẽ thấy giá trị sống thực sự của bạn và của muôn người. Đặc biệt trong thời khắc khó khăn, đau khổ, sợ hãi đang bao trùm quốc độ của chúng ta sống.

Chúng ta hồi hướng tình thương và thắp sáng đuốc tuệ cho nhau để chúng ta cùng dìu nhau vượt qua màn đêm tăm tối của khủng hoảng do đại dịch, và chỉ có năng lượng của tình thương và trí tuệ mới có thể hồi hướng làm chuyển hóa sự suy nghĩ của những người có quyền, có thế và những người đang điều hành đất nước trong ngành chính trị cũng như trong ngành y tế, để họ thấy rõ được sức mạnh của niềm tin nơi Chánh Pháp, thấy rõ được giá trị cao quý của người dân để dấn thân nâng đỡ, giúp đỡ để người dân chúng ta nhìn thấy ngày tháng dịch bệnh này sẽ qua mau và hy vọng sẽ trở lại, cuộc sống như bình thường như người dân Mỹ.

Một năm trước Bảo Thành cũng từ đây bay về tiểu bang Maryland rồi kẹt bởi giãn cách không thể đi, nhưng hôm nay đã trở lại đây bởi đã được chích vắc xin. Nước Mỹ đã mở cửa để sống lại bình thường, sức sống đang trỗi dậy nhưng Việt Nam của chúng ta lại đang chìm vào trong màn đêm u tối. Đúng là năm xưa nước Mỹ chìm vào trong bóng đen của sự sợ hãi, Việt Nam đều hướng tới nhưng khi chúng ta hướng tới thì những người có quyền lực trong đất nước Việt Nam chẳng dồn gì? Trí tuệ của những nhà khoa học trẻ hỗ trợ những nhà khoa học về y tế để sẵn sàng chuẩn bị, chuẩn bị vắc xin, thuốc chữa bệnh mà cứ ngồi đó để chờ, đến khi nay nó tới tại cửa nhà, thâm nhập vào quốc độ thì vắc xin không có nên lại kêu cầu, van xin người khác hỗ trợ. Đây cũng là một gương khi chúng ta theo Phật Pháp để học, chúng ta quán chiếu thấy người như vậy thì phải chuẩn bị. Luôn luôn phải chuẩn bị cho mình và sống trong Chánh Niệm, tức là sống trong trí tuệ và tỉnh thức. Người sống trong trí tuệ – từ bi là người tỉnh thức biết phải làm gì cho cuộc đời của mình, không đợi để hứa hẹn đến ngày sau, nước ngập tới chân rồi lúc đó làm sao mà đây? Dịch đã tới tận nhà rồi, hô hoán làm sao kịp? Ta dã học kinh nghiệm của nước Mỹ, dịch đã tới nhưng họ nỗ lực phát triển vắc xin và chúng thấy như vậy cả một năm trời họ vẫn âm thầm, đó là nói về dịch mà thôi, còn nói về đời sống tâm linh, ta đã thấy được ông A Nan ngày xưa đã không thực hành để khóc khi Đức Phật ra đi rồi cuối cùng vùi đầu vào tu tập thì cũng trễ bởi vì Phật có còn đâu. Chúng ta đang có Pháp Bảo trong lòng bàn tay, đang có phước duyên thực tập những Chánh Pháp cao siêu, nhiệm mầu đưa ta thể nhập vào lòng từ bi, năng lượng siêu thế, thắp sáng đuốc tuệ để nhìn dòng thời gian trôi qua mà không bao giờ hối tiếc, nhìn ngày tháng qua mau mà không bao giờ sợ hãi bởi chúng ta đang tỉnh thức trong Chánh Niệm hơi thở bằng trí tuệ – từ bi quán để không hứa hẹn ngày sau mà biết trong từng giây phút ta nên làm gì cho cuộc đời của chúng ta.

Các bạn! Ngày tháng qua mau, xin hãy trân trọng những khoảnh khắc còn ở với nhau, đừng hứa hẹn đến ngày sau.

Các bạn! Ngày tháng qua mau, xin hãy trân trọng những khoảnh khắc còn ở bên cha bên mẹ, bên vợ chồng, con cái, những người thân, đừng để nó trôi đi trong những lời hứa hẹn từ đầu môi của chúng ta để ngày sau sẽ làm gì. Hãy làm những chuyện ta có thể làm, hãy yêu thương tất cả và hãy san sẻ. Ngày tháng qua mau là ẩn dụ của câu Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na, ai biết được giây phút sau ta sẽ ra sao. Đó chính là ý nghĩa của ngày tháng qua mau, Vô Thường sanh – diệt trong từng giây phút. Nếu chúng ta không hiểu thấu được quán vô thường này là quán chiếu rõ ngày tháng qua mau để không hứa hẹn ngày sau sẽ làm gì mà để sống Chánh Niệm hơi thở làm ngay, làm ngay những điều có thể để yêu, để thương, để san sẻ và sống ý nghĩa của kiếp người, để muôn sự ở đời dù có qua chẳng nuối tiếc, để muôn sự ở đời dù có tới chẳng cầu mong, hãy sống rộng lòng yêu thương để thực sự xứng đáng là người con Phật trong kiếp này.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, chúng ta cùng vận hành 07 biến vi diệu âm Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán.

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Chư Phật mười phương gia hộ và gia trì cho các nước Á Đông đang bị đại dịch hoành hành, đặc biệt cho quê hương Việt Nam của chúng con. Xin Chư Phật gia hộ để sự sợ hãi không còn, mọi người vững lòng tin vào Chánh Pháp, thực tập sống Chánh Niệm và yêu thương để không nhìn ngày tháng qua mau, hứa hẹn về ngày sau mà thực tập sống ngay trong từng giây phút còn hơi thở.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)  

Hồi hướng:

Các bạn chúng ta cùng hồi hướng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con hồi hướng đến quốc tổ quê hương người dân Việt Nam của chúng con mau thoát ra khỏi những ngày đen tối dịch bệnh. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược ở Việt Nam biết chế tạo ra vắc xin. Hồi hướng cho chính phủ biết khiêm tốn, biết chân thành, biết thành kính hợp tác để đón nhận được sự giúp đỡ từ các nước văn minh cho người dân chúng con không còn sợ hãi, có đầy đủ vắc xin trong những ngày tháng tới.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.                                 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts