Search

Bài 2053: Ngạo Nghễ Giữa Đời | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh bút ký

Lúc nãy bởi vì mạng chập chờn rồi Bảo Thành phải tắt đi làm lại, nhưng không sao, chúng ta hãy bắt đầu.

Các bạn biết không, trong cuộc sống, muôn sự đổi thay thật nhanh. Đôi khi Bảo Thành ngồi ở đây, đã online rồi, coi mọi chuyển rất cẩn thận nhưng khi bắt đầu nói chuyện thì mới nghe nhắn tin rằng không ai nghe thấy âm thanh của Bảo Thành. Dù chúng ta đã chuẩn bị thật là kỹ, Bảo Thành đã coi lại nhưng cuối cùng mình cứ nói tưởng rằng họ đã nghe, mình cứ nói tưởng rằng họ lắng nghe, nhưng nghĩ cho cùng, âm thanh của ta nói lọt ra khỏi miệng, ta nghe được và chỉ có ta nghe được nhưng người khác không nghe được. Đôi khi mình không hiểu tại sao mình nói mình nghe mà người khác nghe không được, hóa ra nhìn cặn kẽ mới thấy giữa ta và người, giữa cái máy này và các bạn không có sự liên kết qua mạng lưới, chỉ cần thiếu sự liên kết thôi là âm thanh của ta dù nói thật to, thật trong, thật đẹp hay gào thét lên cũng chẳng ai nghe thấy, chẳng ai hiểu bởi có ai nghe được tiếng lòng của mình đâu.

Buồn lắm, bởi vì ta nói không ai nghe mà ta lại không hiểu, rồi nghĩ cho cùng là do mạng, mạng không liên kết để rồi các bạn nhắn tin nhắc và Bảo Thành tắt đi. Và cũng như có Bảo Hùng đây nói Bảo Thành phải thoát ra, tắt đi, thoát ra, tắt máy rồi khởi động lại, vậy là chúng ta lại nghe thấy nhau. Thật là tuyệt vời trong cuộc sống, đôi khi chính mỗi người chúng ta phải thoát ra khỏi tư tưởng riêng tư của mình để lắng nghe trái tim thổn thức của người khác. Dù vẫn biết là online nhưng Bảo Thành vẫn phải lắng nghe sự phản hồi của các bạn để điều chỉnh cho phù hợp. Cho nên trong cuộc đời này, thật nhiều lúc chúng ta phải tắt nguồn tư tưởng, âm thanh, cảm xúc của mình để khởi động trở lại, để ta và người có sự liên kết với nhau bằng sự lắng nghe, thông cảm và hiểu biết. Lúc đó dù âm thanh thật đơn giản, ngôn ngữ thật bình thường thì con người với con người dễ đồng bộ, hiểu biết và tình thương, cảm xúc của chúng ta mới có cơ hội lan tỏa.

Trở lại chủ đề: “Ngạo Nghễ Giữa Đời”. Con người mà, ai không muốn tự mình ngạo nghễ. Ngạo nghễ là chẳng sợ gì, chết cũng chẳng sợ. Hai chữ “ngạo nghễ” có thể dùng trong các từ ngữ ngày hôm nay đơn giản là “tự sướng” không sợ. Mà đúng vậy, có những bạn tự sướng chụp hình, trèo lên lầu thật là cao chơ vơ ở giữa trời, chẳng sợ té để có một tấm hình ăn ý tự sướng, nhưng cũng trong hoàn cảnh đó, chỉ sẩy chân chút xíu mà thật sự đã có những bạn té xuống mất mạng. “Ngạo nghễ” là văn chương, “tự sướng” tức là tự mình sung sướng với những điều mình muốn, bất cần cuộc đời, không quan tâm đến cảm xúc của người khác, được thỏa mãn cảm xúc, tư tưởng và suy nghĩ, khoái cảm riêng tư. Ngạo nghễ ở giữa đời đôi khi rất cần trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào cũng như vậy bởi trong sự ngạo nghễ đó, nó pha trộn với màu sắc của sự ngạo mạn để gạt bỏ tất cả mọi tư tưởng, cảm xúc, suy nghĩ, những người chung quanh ra để chỉ có một mình ta ngạo nghễ ở giữa đời. Được xi mạ bằng tư tưởng là ta sống cho riêng ta, không sợ ai. Nhưng chúng ta là ai? Chúng ta là người con của Phật, ngạo nghễ cũng cần một chất nhưng chất ngạo nghễ đó chớ để pha trộn với chữ “ngạo mạn”. Mà trong ngạo nghễ của cuộc đời vốn có nơi con người, ta hòa tan vào hai chữ đơn giản, phẩm hạnh của Mẹ Quan Âm, đó là “tự tại”. Chữ “ngạo nghễ” là không biết sợ bởi bất cần, chữ “ngạo nghễ” là vỗ ngực xưng tên tự sướng với những ý tưởng, quan niệm, sở thích, cảm xúc, suy nghĩ, kiến thức, là người thủ đắc cái tôi của mình chễm chệ trên ghế của cái ngã để pha trộn như cà phê sữa vậy, gọi là ngạo nghễ nhưng ngạo mạn. Cũng cần, nhưng hai chữ “ngạo nghễ” và “ngạo mạn” này nó cũng là vần “ng”, thêm chữ “ô” và vần “ng” đằng sau, người ta gọi là “ngông”. Cho nên, ở đời có những kẻ chơi ngông, ngạo nghễ quá hóa ra ngông cuồng và ngạo mạn. Ta cũng có thể giữ được chất ngạo nghễ nhưng nếu khéo một chút xíu để cắt cây ngạo nghễ của cái tôi của cuộc đời ghép vào gốc tự tại của phẩm hạnh Mẹ hiền Quan Thế Âm thì cũng không sợ gì, nhưng chữ “ngạo nghễ” là bất sợ, bất cần, còn chữ “tự tại” là không sợ bởi tai có khả năng lắng nghe. Chữ “tự tại” không phải là bất cần mà là sự quan âm bằng cả một phẩm hạnh do đức hạnh tu luyện để không còn sợ hãi trước tất cả những sự dị biệt, khác biệt, ngay cả đối với sự chống chọi, chống đối thật là dị hợm của những người đối diện hoặc sống chung với chúng ta nhưng chúng ta vẫn tự tại. Ta không phải là bất cần họ mà ta lắng nghe, liễu thông, hiểu thấu để không còn sợ những sự khác biệt đó. Chính tâm không sợ hãi đó là tự tại thì không có chướng ngại, không có chướng ngại thì ta thực hành được phẩm hạnh cao quý, tôn quý của Ngài Đại Hạnh Phổ Hiền đó là gì: “Hằng thuận chúng sanh”.

Ta chỉ hằng thuận theo tư tưởng của mình, không bao giờ biết tắt nguồn như lúc đầu khi Bảo Thành nói các bạn không nghe, ta phải tắt nguồn thật sự. Khi hai con người trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em nói với nhau, nhìn thẳng mặt mà không nghe thấy là bởi vì nguồn tư kiến, tư tưởng, thủ chấp, cảm xúc, suy nghĩ, hành động, hành xử, xử trí của ta chỉ cho riêng ta. Cái nguồn đó nói ra nhưng chỉ văng vẳng ở trong tâm bởi nó có chất đậm màu của cái tôi, của sự ngạo nghễ, của sự ngạo mạn, của ngông cuồng nơi tuổi trẻ hoặc ta chưa suy nghĩ tới tận cùng nguồn tư tưởng của muôn người. Và trong những lúc như vậy, nếu không biết lắng nghe sự phản hồi như Bảo Thành nói, hoặc không nghe cái phone, hoặc không nghe sự phản hồi của các bạn thì thao thao bất tuyệt một hồi tắt nguồn, xong thì các bạn cũng chẳng nghe thấy gì. Nhưng vừa nói vừa nghe sự phản ứng của các bạn để nhận diện rằng lời nói của Bảo Thành, các bạn có nghe không và rồi tìm ra một phương tiện mới như hành động ban sáng lúc bắt đầu, khi không có sự liên lạc giữa mạng, và hay nhất rằng, đây là một bài học cao quý cho Bảo Thành và các bạn, đó là phải tắt nguồn, phải tắt đi nguồn tư tưởng đang dâng trào cảm xúc, sở thích riêng của ta để khởi động trở lại trong sự hòa hợp. Và để nhận diện ra điều đó, ta cần phải biết lắng nghe và hằng thuận vì lợi lạc của muôn loài.

Ngài Phổ Hiền nói hằng thuận bằng tâm lắng nghe của Mẹ hiền Quan Âm, hằng thuận bằng sự hiểu biết, tình thương, từ bi và trí tuệ nên chúng ta sẵn sàng hoan hỷ, cho nhau cơ hội bằng cách tắt nguồn tư tưởng, cảm xúc riêng tư, chấp thủ của chính mình để một lần nữa tái khởi động lại, hòa hợp, lan tỏa. Nhưng ở trên đời, bởi chính tâm ngạo nghễ giữa đời đó, nó cản trở không cho phép chúng ta tắt nguồn của mình. Chi mà chịu lỗ và từ đó cứ lấn tới, lấn tới rồi tự lẩm bẩm như người khùng, người điên, một mình nói sảng, nói ngang, nói đâm nói thọc, không hay. Bởi ở trên đời, ta hiểu mà, ta có cái ngang, cái ngạo, ta có cái ngông của ta thì muôn người cũng có cái ngông, ngạo nghễ của họ. Cứ ngông ngông, ngang ngang như vậy như hai con dế há cái càng cho to, húc nhau một thời rồi con nào cũng gãy càng, con nào cũng đau.

Ngạo nghễ giữa đời là sự hiển nhiên của con người, nó thuộc về tánh Phàm phu pha trộn giữa cái ngã quá cao và ngông cuồng quá lớn để sống bất cần đời, chẳng nghe lời cha, chẳng nghe lời mẹ, chẳng nghe lời của vợ của chồng, người thân, của bậc thiện tri thức cũng như chẳng nghe lời của những người thân cận nhắc nhở. Mà ngông nghênh, cồng kềnh, vượt lên trên bồng bềnh giữa ngọn gió hoặc những hương khói của những thú tánh riêng tư mà coi thường để rồi chạm tới cái ngông của người khác, ngạo nghễ của người khác, hóa ra lồng ngực của ai cũng căng phồng trong sự lo lắng, khó chịu. Khó chịu lắm, không tốt cho đời sống tập thể của gia đình, của Tăng thân, của mọi người.

Các bạn! Đôi khi có những sự việc ta không hiểu thấu, ví dụ hôm nay, mạng không liên thông, âm thanh không tới để phải tắt nguồn khởi động trở lại là một ý tưởng tuyệt vời cho tánh ngạo nghễ giữa đời. Bởi nếu ta cứ ngạo nghễ quá trời, nộ khí xung thiên, cái tôi quá lớn nó ngông quá bự thì ta đã cắt đứt sự liên hệ giữa ta và người trong sự thương yêu, mà người Phật tử phải noi theo phẩm hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, lắng nghe để được tự tại trong trí tuệ hiểu biết, thông cảm để san sẻ. Và rồi lớn hơn nữa là phẩm hạnh tối cao của Ngài Phổ Hiền đó là hằng thuận. Khi chúng ta biết hằng thuận để tắt nguồn tư tưởng, cảm xúc riêng tư, tư kiến, suy nghĩ, hành xử riêng của chúng ta để khởi động trở lại cho lan tỏa, cho vươn lên. Ngạo nghễ thì chặn đứng bởi cái tôi lớn, bởi cái tôi ngông nên không giúp cho chúng khám phá thêm những sự mầu nhiệm huyền bí nơi chính bản thể Phật tánh vốn có mà năng lượng tình thương lan tỏa để thể hiện từ bên trong đó, biết lắng nghe bằng phẩm hạnh Mẹ Quan Âm, biết tắt nguồn để khởi động để hằng thuận với muôn người. Cho nên đây cũng là một nhân duyên tuyệt vời khi mạng không liên kết để chúng ta nhận thức ra và tắt nguồn, khởi động, và cũng là nhân duyên tuyệt vời cho một bài học cho mỗi người chúng ta thấy, giữa cuộc đời nếu như không có sự liên kết với cha mẹ, với vợ chồng, con cái, huynh đệ, với gia đình thì đừng đổ lỗi cho ai đó mà hãy nhìn lại sự phản ứng ở bên ngoài của những người đang sống chung với chúng ta để chúng ta nhận diện và tắt nguồn, khởi động trở lại. Tại sao ta sẵn sàng tắt nguồn và khởi động trở lại? Chỉ vì hai chữ “san sẻ” trong tình thương, thông cảm trong mọi hoàn cảnh khác biệt, dị biệt với chúng ta để có thể mang niềm vui tới.

Ta là con Phật, ngoài phẩm tánh Phàm phu ngạo nghễ giữa cuộc đời được ghép vào gốc tự tại của Mẹ Quan Thế Âm thì ta mới chính là người chuyển Phàm thành Thánh. Chỉ cần một động tác thật nhỏ là lắng nghe để tắt nguồn, chỉ cần một cách hành xử thật khéo là lắng nghe để khởi động trở lại. Muôn sự ở đời biết tắt nguồn và khởi động trở lại là có một sự khởi nguồn mới trong an lạc, là có một sự khởi nguồn mới trong thông cảm, là có một sự khởi nguồn mới để san sẻ, để tác động vào chính ta thay đổi ta. “Ta” để không còn “ta” mà chỉ còn duy nhất có một phẩm hạnh noi gương của Mẹ là tự tại. Quán Tự Tại Quan Thế Âm Bồ Tát, quán sự tự tại là phải biết tắt nguồn tư tưởng riêng tư. Quán nguồn tự tại nơi Mẹ hiền Quan Thế Âm là biết khởi động trở lại để thay đổi, thay đổi để tốt đẹp hơn, để bạn có thể nghe được Bảo Thành và để Bảo Thành có thể nghe được các bạn, đó là một sự thay đổi cần có trong cuộc sống. Bảo Thành nhất định phải thay đổi, dù nhiều phần đau đớn bởi cái tôi của mình bị yếu thế, bởi cái tôi của mình bị người ta đè bẹp, nhưng không sao, nếu cái tôi càng yếu đi thì cái tôi nó sẽ bị vỡ. Thì tốt thôi! Cái tôi đó dần dần tiêu biến và ta không còn cái tôi, không còn ngã, không còn ngông và chẳng còn đậm nét sự ngạo nghễ nữa mà chỉ còn hai chữ “tự tại” như phẩm hạnh cao quý nơi Mẹ hiền Quan Thế Âm.

Các bạn! Chúng ta nên quán chiếu tất cả mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời, trong bài pháp hôm nay: “Ngạo Nghễ Giữa Đời”, khi ngồi vào trì Kinh, đọc Phật ngôn, có những nguồn tư tưởng muốn chia sẻ nhưng rồi Bảo Thành tắt hẳn nguồn tư tưởng đó đi để khởi động trở lại cũng chỉ vì mạng không liên kết, nói không nghe. Nhưng đó là nhân duyên, hàm ý cao siêu hơn mà bây giờ Bảo Thành nghĩ lại, thấy phải cảm niệm ân đức của Chư Phật gia hộ cho một sự việc xảy ra không mong muốn nhưng nó là một bài học kinh nghiệm để chúng ta có một sự trải nghiệm thật sự cao cả. Có khi nào trong bài pháp lại có chữ “tắt nguồn” và “khởi động lại” chưa? Chỉ có hôm nay, hiện tượng xảy ra thật rõ, mạng vẫn có, hình ảnh vẫn thấy mà nói không nghe nên phải tắt nguồn, khởi động trở lại và đây là hình ảnh rõ nét trong cuộc đời, có khi nào bạn trải nghiệm rằng, rõ ràng người đó trước mặt chúng ta, có thể là cha là mẹ, nói chuyện với con hoặc con nói với cha mẹ hoặc vợ chồng nói với nhau, hoặc người thân hoặc là Thầy trò tình cảm, hoặc là bạn bè nói chuyện trước mặt mà không nghe được nhau. “Gần mà không thấy mặt nhau, xa xôi cách trở hỏi lòng có thương?” cũng chẳng thể được nghe: “Có!”. Chính vì chúng ta nói mà đối tượng kia không nghe được mà ta lại không biết, ta cứ tưởng rằng ta nói mà họ không chịu nghe, nhưng thực ra họ không nghe được như Bảo Thành lúc nãy nói, mạng có mà âm thanh không có.

Cuộc sống có! Có nhiều trường hợp ta nói mà người đối diện không nghe được, nhưng trong lòng ta ấm ức, bực bội người đó không chịu nghe, không chịu hiểu. Nhưng theo sự việc xảy ra hôm nay Bảo Thành mới ngộ ra: “À! Hóa ra trong cuộc đời có những trạng thái tâm lý ảnh hưởng đến não bộ của con người, để rồi khi ta trực diện trước mặt với nhau nói mà họ không nghe thấy chứ họ không phải là họ không nghe. Nói mà họ không nghe thấy là bởi vì muôn sự khác đang lôi cuốn họ. Giữa ta và họ không có sự liên kết của gì? Của Chánh Niệm hơi thở cho nên nói không nghe, gào càng lớn họ càng không nghe để rồi ta càng bực mình, khó chịu, để cuối cùng quyết định duy nhất là ta nổi sân và tình cảm sứt mẻ, vợ chồng ly dị, cha mẹ ly thân, con cái ly tán, xã hội không còn có chỗ đồng tâm để tới. Thị phi rồi mất đi hết, phước báu chẳng còn.

Cám ơn một hiện tượng mạng để thấu rõ rằng trong cuộc đời cũng có những hiện tượng xảy ra trong tâm lý của con người, để từ đó qua bài học này chúng ta học lắng nghe mỗi khi chúng ta đối đãi, mỗi khi chúng ta nói chuyện, mỗi khi chúng ta đối xử với ai đó trong cuộc sống, nhất là cuộc đời giữa vợ chồng. Nếu một người chồng nói mà vợ không nghe được thì người chồng phải biết lắng nghe và hiểu rằng không phải nói vợ không nghe mà như hiện tượng hôm nay, ta nói mà vợ không thể nghe bởi trạng thái tâm lý của vợ lúc đó ở một cảnh giới nào đó trong cuộc đời lo lắng, phiền muộn hoặc chi đó để rồi ta nói vợ không thể nghe thấy. Thì ngay lúc đó nhận thức được thì ta phải tắt nguồn, sống trong sự im lặng Chánh Niệm để tịch tĩnh trong hơi thở, để khởi động trở lại bằng năng lượng yêu thương, thông cảm thì tánh sân không bao giờ có cơ hội xen lẫn vào để bẻ gãy giềng mối tình cảm giữa ta và người. Vợ cũng như thế, cha mẹ, con cái, mọi người cũng như thế mà thôi.

Đặc biệt nhất là khi chúng ta không thấy phước báu ở đâu mà qua biết bao nhiêu đêm trường thao thức, những tiếng Kinh cầu thổn thức của ta vang lên, những hành động thiện của ta đã tạo mà không thấy sự phản hồi của phước báu chính là bởi vì giữa ta và Chư Phật không có sự liên kết của Chánh Niệm hơi thở để đúng như Pháp Phật dạy, mà những lời cầu, lời thỉnh của ta chỉ xen vào cái tôi, cái ngã, sự cung phụng, nuông chiều cho những điều ta cần có mà chẳng thấu được chân lý, lắng nghe, thông cảm, san sẻ và tạo phước bằng Pháp lành.

Hôm nay, ngạo nghễ ở giữa đời vốn có trong lòng người nhưng chúng ta phải thay đổi một nghệ thuật sống biết tắt nguồn, khởi động để mang cái thân ngạo nghễ của cuộc đời Phàm phu này được ghép vào trong gốc tự tại của Mẹ hiền Quan Âm, để sống bằng phẩm hạnh của Ngài Phổ Hiền hằng thuận. Ngài Quan Âm lắng nghe tự tại và Ngài Phổ Hiền hằng thuận ghép lại là: “Hãy sống hằng thuận bằng tâm biết lắng nghe để có một đời sống tự tại, san sẻ tình yêu thương”. Còn sự ngạo nghễ kia sẽ giết chết tình cảm của chúng ta và nó là một chướng ngại cho ta sống không biết ngày mai rồi sẽ ra sao mà chỉ ngược ngược xuôi xuôi trên cái lộn xộn của tư tưởng để lòng vòng, lòng vòng trong những mớ suy nghĩ riêng tư, khó thoát ra.

Ngạo nghễ ở giữa đời là phẩm cách của con người, tự tại là đức hạnh của Bồ Tát, mỗi người chúng ta hãy sống với phẩm hạnh của Bồ Tát Quan Âm là tự tại lắng nghe, thông cảm và san sẻ, mỗi người chúng ta hãy sống với phẩm hạnh của Ngài Phổ Hiền là hằng thuận, và mỗi người chúng ta hãy sống với kinh nghiệm của ngày hôm nay là hãy biết tắt nguồn và khởi động trở lại. Ta sẵn sàng tắt nguồn chỉ vì hai chữ “san sẻ” tình thương. San sẻ, sự san sẻ đó, cái tôi sẽ bớt, sự ngạo nghễ sẽ giảm, ngông cuồng sẽ tiêu tan và nhất định ta và người sẽ sống hạnh phúc vô cùng.

Hy vọng trong một thời có trục trặc về kỹ thuật nhưng tràn đầy ý nghĩa cho một ngày mà hôm nay Bảo Thành sau khi xong, cùng với Tăng thân sẽ tới nhà quàn làm Lễ Trà Tỳ cho cố Sa di Ni Thích Bảo Hoa.

Nguyện xin Chư Phật mười phương gia hộ để cho Giác linh Thích Bảo Hoa nghe được rằng trong cuộc sống này, từ bỏ cuộc đời này, từ bỏ thân Tứ Đại này là tắt nguồn mạng mạch cuộc sống Phàm phu để khởi động lại một sự sống tâm linh nơi cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật, cho nên dù cuộc đời có tắt lịm và chút nữa đây cái thân đó có đẩy vào trong lò lửa, tiêu tan thành cát bụi thì nhớ đây là một sự tắt nguồn cho một sự khởi động mới để sống trên một cõi thanh tịnh viên mãn hơn, nguyện xin Giác linh Bảo Hoa hiểu rõ bất cứ một điều gì xảy ra ở trên đời, một hiện tượng gì cũng nằm trong Pháp của nhà Phật, nếu giữ được tâm của chúng ta an tịnh làm chủ thì muôn sự lay động trong cuộc đời khi gió đã ngừng thì vạn sự an yên.

Cảm ơn các bạn đã nghe! Chúc các bạn hạnh phúc và bình an.

Hồi hướng:

Nguyện hồi hướng công đức này đến Giác linh cố Sa di Ni Thích Bảo Hoa và hồi hướng cho tất cả các bạn đang gặp trục trặc trong cuộc đời giữa người với người, giữa vợ chồng, con cái, cha mẹ về tình cảm, chúng ta mỗi người nhớ rằng phải biết tắt nguồn để khởi động trở lại, bởi khi ta cố gào lên mà người ta không nghe thì tình cảm càng đổ vỡ. Im lặng là hùng lực trong Chánh Pháp để tắt nguồn tư tưởng cái tôi ngạo nghễ, ngông cuồng để khởi động một sự an lạc hơn cho mọi người.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts