Search

Bài 1293: Cắt Đứt Sầu Muộn – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi chúng muôn loài chúng sanh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi, chúng ta bắt đầu ngay.

Ngày hôm nay trong sự đồng tu bằng 07 biến Từ Bi quán, vi diệu âm Chánh niệm Mu A Mu Sa. Trong khi chúng ta Chánh niệm hơi thở với Phật ngôn Mu A Mu Sa, tâm và thân của chúng ta sẽ gắn kết với năng lượng Từ Bi của mười phương Chư Phật, kích hoạt tự lực giác ngộ của chúng ta trên con đường cầu đạo. Vậy nên các bạn khi cảm ứng được năng lượng này cứ để tự nhiên, dùng tánh thấy biết của mình an trú trong hơi thở, quán chiếu thân tâm.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, chúng ta cứ hỏi tại sao khi Bảo Thành cùng các bạn đồng tu về Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, Bảo Thành cứ nhắc đi nhắc lại lời chú nguyện, hơi thở vào ra, phình bụng, hóp bụng, trì mật chú? Đây là cách dạy, bởi chúng ta đồng tu, đây là cách nhắc nhở bởi chúng ta cùng tu với nhau. Có những bạn đã vào tu tập nhiều lần, cũng có những bạn mới bước vào ngày hôm nay, sự nhắc nhở như vậy là dẫn ý để cho mỗi người, dù các bạn đã thực tập lâu rồi hay mới ngày hôm nay đều có thể trở lại nghe cách hướng ý này, dẫn nhập từ từ để thuần phục được phương pháp tu tập. Đã gọi là tu cần phải lặp đi lặp lại tới khi thuần thục, khi đồng tu chúng ta cũng phải làm như vậy.

Các bạn thân mến, hôm nay với đề mục đồng tu mà các bạn gửi về để chia sẻ, đó là “Cắt Đứt Sầu Muộn”. Con người vui thì chẳng được bao nhiêu mà nỗi sầu nó vương vấn đời đời, không có chịu tha chúng ta. Có những nỗi sầu muộn chẳng biết từ đâu tới, nó vươn lên khóe mắt, giọt lệ tuôn rơi, buồn lắm! Sầu mà, ai không buồn. Cũng có những nỗi sầu muộn vương trên bờ môi, làm cho cay đắng, làm cho nụ cười héo đi, rồi nỗi sầu lại vương vấn trên khuôn mặt, đi đâu cũng thấy sầu muộn, ảm đạm, nét tươi của một thời như héo hắt, nụ cười như tan biến, khóe mắt thì thâm quầng. Biết bao nhiêu những giọt sầu cứ văng vẳng ở bên tai để đi đâu, nghe cái gì cũng lại có chút hồi âm của những sự sâu lắng buồn tủi ở trong lòng, buồn ơi là buồn! Sầu, sầu muộn, những sầu muộn trong con người nó thật khó thuyên giảm, khó có thể giải bày cho người khác, khó có thể chuyển hóa nó. Nếu chúng ta không được nghe và được học những gì Đức Phật dạy, mà chỉ chạy theo các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm lý học, những người ăn nói hay, hướng dẫn; thì chúng ta cũng như là người đi cắt cỏ mà thôi, gốc rễ của những loài cỏ hoang gai góc vẫn mọc bởi vì còn ở đó, cắt đi rồi lại mọc lên đầy hết. Biết bao nhiêu những thảm gai góc sầu muộn trong cuộc đời, nó đã um tùm trong tâm thức để rồi mỗi một bước chân vào cuộc sống này, đi đâu sự sầu muộn đó, nó cũng dằn vặt, nó tạo biết bao nhiêu đau khổ. Để tuổi đời đang trẻ mà già nua, để sức khỏe đang ở tuổi thiếu thời, thanh niên mà như ông cụ bà cụ, để biết bao nhiêu ước mơ tưởng chừng có thể chắp cánh bay lên liền rụng hết mà rơi xuống vực thẳm của cuộc đời.

Sầu muộn thật là nguy hại cho sức khỏe bởi ai đã từng trải qua những cơn sầu dai dẳng, đã đi sâu vào trong tâm, nó làm cho đau khổ lắm, nó làm cho muôn người chết vì cái sầu. Sự sầu muộn còn làm cho con người ta mau già, làm cho thân bệnh, làm cho tiêu tán tất cả những gì còn gọi là có được trong cuộc đời, sầu muộn thật là nguy hiểm.

Chúng ta ai cũng biết rằng sầu muộn như thuốc độc tẩm vào trong thân tâm, thật nguy hại nếu không cắt đứt khử trừ nó, nó sẽ giết chết cuộc đời của chúng ta. Có những người sầu muộn qua một đêm mà chẳng thể ngồi dậy được nữa, nằm liệt trên giường suốt đời. Có người sầu muộn chỉ trải qua một giây phút chốc lát mà khóe mắt đã hõm sâu như hang thẳm ở trong rừng. Có những con người mà sầu muộn đến mức mất luôn trí nhớ, người ngớ ngẩn như khùng như điên chẳng còn biết gì. Có những người sầu muộn chẳng màng đến mạng sống, có thể sát hại đến tự thân. Có những người sầu muộn từ bỏ cả ông bà, cha mẹ, gia đình, vợ con, người thân, sống đời người loài thú hoang, vất vưởng bên lề đường xó chợ, mất hết phương hướng, chẳng còn minh định được cuộc sống, lang thang khổ vô cùng.

Ai đã từng sầu đều thấy sầu muộn nguy hại, bởi dấu tích đầu tiên những nét sầu muộn của cuộc đời nó sẽ in trên khóe mắt làm cho thâm quầng sâu thẳm như con mắt cú vọ thâu đêm canh chừng những loài chuột hoang chạy đây đó để rình mồi.

Sầu không có tội các bạn, đời sống của chúng ta tại sao cứ phải sầu muộn? Nhưng lại có câu hỏi, biết điều đó, ai cũng hiểu nhưng làm sao để cắt đứt sầu muộn? Đó là một vấn đề mà mỗi người trong chúng ta đã thử quá thật nhiều phương thức, để rồi có người lăn xả vào sự rượu chè khi sầu muộn, để mượn men rượu làm tan đi sầu muộn nhưng chẳng được, cuối cùng cũng tan, mà tan biến cuộc đời bởi vì bị ung thư gan. Có những người lại mượn các loại thuốc kích thích thần kinh như á phiện, những loại thuốc nguy hại để làm tan đi sầu muộn bởi vì khi sử dụng thuốc đó não bộ như bị tưng tửng ở trên cõi trời cao, như bay bổng như chim, như nhảy múa chẳng sợ hãi gì. Cũng tan được sầu bởi vì tan thây nát thịt, não bộ hư hại, thần kinh chẳng còn ổn định bình thường. Rồi có con người lại đi tìm thú vui dục lạc để gọi là cho tan đi sầu muộn nhưng cái kết là gì? Là hư hại cuộc sống đạo đức, làm tổn hại đến phước báu và gia đình mất đi hạnh phúc, bản thân không còn, không còn nhân phẩm tối thiểu làm người. Nếu mà kể ra thì không biết bao nhiêu chuyện mà người ta cứ mượn cái ở trong đời này để cắt đứt đi sầu muộn nhưng chẳng thể. Biết bao nhiêu con người sầu muộn đến mức mà vùi đầu vào trong tất cả mọi thú vui, lục dục của cuộc đời, tứ đổ tường sai hết mà sầu kia đâu có hết.

Các bạn thấy cuộc sống ngày nay nó có muôn hình vạn trạng của những trò chơi dân gian, được gọi là sử dụng vào thì sầu muộn sẽ tan nhưng chẳng phải. Càng sử dụng, càng ứng dụng những phương pháp đó, những trò chơi thú vị của cuộc đời đang tiếp thị, kề cận với chúng ta thì sầu kia càng giăng như tơ của nhện. Để rồi khi vướng vào ta chẳng thể thoát, nỗi sầu muộn ghê gớm, tác hại độc hại vô cùng. Bảo Thành và các bạn chắc có lẽ chưa trải qua những nỗi sầu muộn ghê gớm nhưng ít nhiều gì ta cũng nếm được hương vị của những nỗi sầu muộn đã với tới cuộc đời, bởi ai là con người dù lớn tuổi hay còn trẻ cũng từng phải trải qua những lúc sầu muộn như thế trong cuộc đời.

Đức Phật – Ngài đã nhìn thấy sự nguy hại của sự sầu muộn, đau khổ nơi con người. Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài là bậc thầy và cũng là người cha lành yêu thương chúng sanh vô cùng. Tình thương yêu của Ngài đối với chúng sanh, tình yêu đó đã được thể hiện qua những lời giáo dưỡng chỉ dạy bởi vì nhìn thấy sầu muộn nguy hại, Ngài đã dạy cho chúng sanh làm sao cắt đứt sầu muộn. Ngài luôn luôn nhớ về chúng sanh, thương tưởng về chúng sanh và Ngài luôn luôn thương yêu chúng ta, tìm đủ mọi phương pháp, phương tiện trong mọi hoàn cảnh để độ thế nhân, trong khi Ngài còn ở trên dương trần này.

Nhớ về thuở xưa, khi Đức Phật còn tại thế, tuổi vừa tròn 80, đến lúc mà sắp sửa ra đi từ bỏ cõi trần gian này. Nói cho thật rõ và dễ hiểu là lúc Ngài sắp chết, sắp chết rồi mà vẫn thương các con của Ngài, các chúng sanh, loài người bơ vơ, đau khổ và thấy trong kiếp nhân sinh sầu muộn như thuốc độc đã tẩm sâu vào trong thân tâm. Trước khi ra đi Ngài đã nhắc nhở và hướng dẫn cho tất cả hàng đệ tử của các Ngài, đồ chúng của các Ngài, Phật tử ngày nay và tất cả mọi chúng sanh, ai có nhân duyên, phương thức làm sao cắt đứt được sầu muộn. Để giải toàn bộ sự độc hại đã từ vô lượng kiếp qua do bất thiện nghiệp ta tạo ra, thấm nhập vào tâm thân của ta. Để ta trở lại khỏe mạnh, sạch sẽ không còn độc sầu muộn trong thân tâm, sống an vui và hạnh phúc. Ngài đã dạy các điều đó, ta chỉ cần nghe, ứng dụng và thực tập nhất định ta sẽ chẳng còn sầu muộn nửa mà giả sử như sầu muộn có giăng trở lại của cuộc đời thì ta cũng ứng dụng Pháp môn phương tiện đó để cắt đứt sầu muộn đó đang giăng mắc vào trong tâm của chúng ta.

Các bạn, ngày nay khi tới chùa hoặc đôi khi ở nhà, hay ở một nơi đâu đó, người tu thiền hoặc tu Phật giáo đôi khi các bạn cũng trang trí trong nhà. Có thể là 03 bức tượng hoặc 04 bức tượng của một chú tiểu đồng, hay một con khỉ, hai tay bịt mắt, hai tay bịt tai, hai tay bịt miệng, nói chung là bịt lại các giác quan của chúng ta. Điều đó thầm nói lên rằng tất cả mọi tội lỗi nghiệp chướng hay nói đúng mọi sầu muộn của ta đều đi vào trong thân tâm của ra từ các giác quan. Con mắt này mà nhìn thấy điều không ưng ý thì biết bao nhiêu sầu muộn nó tràn ngập vào con mắt, chui vào trong đầu.

Các bạn có để ý không, trong cuộc sống khi ta nhìn thấy một người nói một lời, làm một việc gì đó hoặc có một nghĩa cử gì đó mà ta không ưng ý, không hài lòng thì ta sầu ta muộn. Sầu bi, sầu muộn, đau khổ, phiền não, nhất là những người ta càng yêu thương, như cha mẹ, như vợ chồng, như con cái, người thân và tri kỷ, người cùng hãng cùng sở, cùng văn phòng, đồng nghiệp mà có những nghĩa cử, lời nói, ánh mắt và hành động không hợp với ý của ta thì coi như xong rồi. Sầu ơi là sầu, sầu đến mức mà cuối đời vẫn còn sầu. Rồi bây giờ đến cái tai, nếu mà nghe được những lời thị phi, đâm thọc hoặc những lời mà ta không ưa thì trời ơi, ông trời có sập xuống ta cũng sầu, sầu thăm thẳm như chiều sâu, sầu dữ lắm. Chưa kể một món đồ ăn mà người yêu thương nhất nấu cho chúng ta ăn, ngửi một cái mà hương vị không hài lòng thì cũng đã sầu, đã buồn, đã não phiền. Chưa kể đến một món thức uống, một món thức ăn người ta mời mình, người ta tặng mình, người ta biếu mình; hoặc là những người yêu thương như đấng bậc sinh thành nấu cho chúng ta ăn, hoặc vợ; hoặc chồng; hoặc con cái , ăn mà không hợp là xong rồi. Chưa kể những cảm xúc khi va chạm trong cuộc đời qua cơ thể này thì không hài lòng nữa thì sầu, sầu đến trời phải sập, phải tối đen, những người chung quanh không thể thấy đường mà đi, nguy hại.

Tất cả những cảm xúc sầu muộn nó thấm nhập qua tâm của chúng ta bằng các giác quan như trong nhà Phật gọi là lục căn, ý căn, nhĩ căn, nhãn căn, rồi mũi, miệng, thân, cảm giác. Cho nên trong kinh Di Giáo, trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn có nghĩa trước khi Đức Phật ra đi, Ngài lúc đó sắp chết rồi, nhớ đến đàn con, nhớ đến đồ chúng, nhớ đến Phật tử và chúng sanh còn quá sầu muộn, đau khổ nên đã căn dặn cho chúng sanh rằng: “các con, các con là đệ tử của thầy, các con phải nhớ sự sầu muộn sẽ giết chết các con và đắm chìm trong sầu muộn thì vô minh sẽ tràn vào cho nên các con phải nhớ tất cả mọi sầu muộn tới với cuộc đời các con từ các giác quan, các con phải học làm chủ các giác quan của các con”. Nguyên nhân của sự sầu muộn tới qua mắt, qua tai, qua mũi, qua miệng, qua thân, qua ý. Người làm chủ được các giác quan thì không bị sầu muộn bởi nếu chúng ta không làm chủ được các giác quan, như một người mục đồng chăn trâu cứ mê ngủ, chẳng chịu tỉnh thức để mà nhìn con trâu, con trâu nó sẽ dẫm lên ruộng của người làm hư hại lúa, đồng ruộng và khi tỉnh giấc biết bao tai hại đã xảy ra. Cho nên chú mục đồng chăn trâu phải luôn luôn tỉnh thức theo dõi con trâu của mình để nó không phá hoại. Giác quan của chúng ta, mục đồng chăn trâu tức là chúng ta, nếu chúng ta không làm chủ được giác quan thì chúng ta có 06 giác quan như 06 con trâu giày xéo lên ruộng người hư hại hết của cải, tinh thần, đời sống của người. Từ đó lại ngược lại làm tổn phước cho chúng ta. Cho nên chúng ta phải học cách làm chủ 06 giác quan của mình, nếu chúng ta không làm chủ được giác quan của mình thì phải nhớ rằng nếu như có một đám cháy, cháy nhà của ta thì chỉ cháy một lần mà thôi, ta có thể xây dựng lại nhưng đám cháy mà lửa phát ra từ giác quan của chúng ta, khi va chạm với cuộc đời nó sẽ đốt cháy cả cuộc đời chúng ta từ đời này qua đời sau. Ta phải làm chủ được giác quan, bởi giác quan như một trận giặc giã mà giặc tràn vào thôn lấy đi của cải, nhưng đám giặc của giác quan mới là nguy hiểm bởi vì giặc tràn vào thôn lấy đi của ta còn tái tạo trở lại. Nhưng giặc mà đã tràn vào trong 06 giác quan của chúng ta thì nó cướp đi cả đời của mình từ đời này qua đời sau. Trong 06 giác quan Đức Phật dạy trong kinh Di Giáo, lời cuối trước khi nhập Niết bàn, Phật nói ý căn tức là ý của chúng ta là điều phải quan trọng nhất. Bởi 05 giác quan kia sẽ tác động ở bên ngoài, có đi vào làm sầu muộn hay không chính là ý của chúng ta tiếp nhận như thế nào mà thôi. Nếu ý của chúng ta không được làm chủ, không được thuần phục chẳng khác gì như con voi điên không có người hướng dẫn nó sẽ húc chết người, nguy hại vô cùng. Ý phải được làm chủ, chúng ta phải thực tập để làm chủ được ý của mình mới có thể cắt đứt được sầu muộn trong cuộc đời.

Đức Phật dạy ý phải làm chủ để khi 05 giác quan kia hoạt động trong cuộc đời sẽ trở thành năm người bạn thân luôn mang tin vui, hạnh phúc và sự an lạc tới cho ý. Đừng để ý đi lang thang, rong ruổi trên những miền hư không, dơ dáy, bẩn thỉu, uế trượt để rồi thay vì 05 giác quan kia là bạn thân tri kỉ lại trở thành 05 tên giặc, cướp vét những điều xấu của người mang vào và tiêu tán những phước báu mà ta tích trữ được nhiều năm. Hiểu thấu được như vậy chúng ta phải nghe theo lời Đức Phật dạy trong những hơi thở cuối cùng trong cuộc đời Đức Phật. Là Phật tử tại gia chúng ta nhớ, chúng ta rất bận rộn, chúng ta có quá nhiều chuyện phải lo toan mỗi ngày trong cuộc sống. Sự va chạm ở đời khó có thể tránh khỏi, đi chợ, đi chơi, đi làm, tiếp xúc với mọi người ở ngoài cũng như trong gia đình, va chạm hằng ngày thường mang tới những cảm xúc sầu muộn, chính là bởi vì ý chưa được thuần thục. Chúng ta là con người mà tránh sao khỏi, nhưng nay có nhân duyên đi học Phật pháp ta phải nghe lời Đức Phật dạy để chúng ta không thể nói ôi kiếp con người mà ai tránh khỏi. Phật dạy đúng, kiếp con người không thể tránh khỏi những sầu muộn, tuy nhiên cũng kiếp con người đó, ta có khả năng chuyển hóa sầu muộn thành an vui và hạnh phúc bằng cách làm chủ các giác quan của ta, đặc biệt là thuần hóa ý của mình trong cuộc sống. Một câu mà các bậc Tôn Túc đã thường nhắc lại bởi đó chính là lời dạy của Phật, “tác ý như pháp”, (pháp ở đây tức là pháp giải thoát, pháp thiện, ý thiện). Đơn giản là luôn luôn phải nuôi dưỡng ý của mình bằng tâm thiện lành. Còn nếu chúng ta nuôi dưỡng tâm ý bằng tham-sân-si thì thôi rồi, ý của tham-sân-si kia, chấp thủ kia sẽ cõng rắn về cắn gà nhà, sẽ rước giặc về tàn phá quốc gia của chúng ta. Năm tên giặc là năm giác quan còn lại sẽ trở thành giặc giết chết cuộc đời. Cho nên phải tác ý như pháp thiện lành, nuôi dưỡng ý của mình trong pháp thiện để pháp thiện thấm nhuần vô ý rồi ý của chúng ta trở thành tâm ý thiện lành. Đó là phương thức khi là Phật tử tại gia, chưa thể nói làm chủ được tâm, chưa thể nói làm chủ được ý nhưng ít nhất ý căn của chúng ta được nuôi dưỡng bằng tâm tánh thiện lành, bằng pháp thiện. Và để hỗ trợ cho tâm ý thiện lành này tăng trưởng trong ý của chúng ta để ý được thấm nhuần, tác ý như pháp thiện.

Trong kinh Di Giáo Đức Phật lại nhắc, hơi thở cuối cùng vào ra khi Ngài sắp chết Ngài vẫn dạy cho chúng ta rằng để làm chủ được 06 giác quan hàng Phật tử tại gia của chúng ta phải nhớ giữ năm giới. Năm giới như năm vị dũng sĩ kiêu hùng canh gác ngày đêm, để không có một tên giặc nào chui vào trong giác quan phá hết nội hàm của chúng ta. Những nội hàm cao quý tức là những năng lượng thanh tịnh, phước báu ở bên trong ta tích lũy được, nhờ 05 giới như 05 dũng sĩ, như 05 người lính gác trung thành, như 05 vị thần hộ mệnh che chở các giác quan, thì chúng ta mới có được cơ hội bình an tĩnh tọa, nuôi dưỡng ý căn bằng tâm tánh thiện lành. Người giữ được 05 giới sẽ hộ mệnh cho các căn của mình thanh tịnh và người nuôi dưỡng tâm ý thiện lành giữ giới, người đó có sức mạnh của Trí Tuệ. Bởi Phật dạy, “này các con! nếu các con biết giữ giới, biết thiền định và Trí Tuệ thì các con chẳng khác gì một dũng sĩ có thanh kiếm làm bằng kim cương, cắt đứt tất cả mọi sự sầu muộn đã cột chặt các con từ nhiều đời. Và này các con! nếu các con dùng 05 giới và thiền định, Trí Tuệ để làm chủ được các giác quan và thuần phục được ý căn của các con, thì cuộc đời của các con chẳng cầu mong chi những điều khác, đời của các con chính là Niết Bàn, hạnh phúc và bình an sẽ hiện ngự trong cuộc đời chẳng cần phải tìm ở đâu nữa”

Phật tử tại gia của chúng ta thấy thấy mà, nếu như khó quá – không, thật dễ. Các bạn, ở đời bất cứ một việc gì cũng cần phải thực tập, lập đi lập lại nhiều lần với tâm tưởng thấy được giá trị của sự thực hành, ta sẽ không bỏ cuộc. Còn nếu không thấy được giá trị đó ta sẽ dễ bỏ cuộc bởi ta chỉ chơi chơi mà thôi. Thứ nhất là mỗi người chúng ta phải nhận diện ra, phải có lòng dũng cảm nhận diện ra rằng sầu muộn là thuốc độc, giết chết cuộc đời của chúng ta mà còn lây lan ô nhiễm tới cuộc sống mà người chung quanh ta đang sống chung như cha mẹ, vợ chồng, con cái, những người yêu thương, cộng đồng và xã hội. Thấy được sự nguy hại, dũng cảm nhận diện sự nguy hại của sầu muộn để rồi chúng ta phát nguyện một lòng chí thành, để giữ 05 giới, thiền định và Trí Tuệ để có được thanh bảo kiếm kim cương qua Trí Tuệ, thiền định đó, để làm gì? Để cắt đứt đi mọi sầu muộn trong cuộc đời và mang 05 vị thần hộ mạng từ 05 giới, mang tánh kim cương thiền định Trí Tuệ soi dẫn cho tâm ý, thấm nhuần được tâm tánh thiện lành. Và nuôi dưỡng ý của ta bằng chánh pháp – tác ý như pháp thiện, làm chủ cả 06 căn qua 05 giới, thiền định và Trí Tuệ ta sẽ cắt đứt được mọi sầu trong cuộc đời.

Thiền Mật song tu chính là một phương pháp mang tâm đi vào trong hơi thở Chánh niệm, mang ý đi vào trong hơi thở Chánh niệm bằng tánh thấy biết. Ta có thanh kiếm kim cương bởi giữ 05 giới, tin sâu vào Nhân Quả thiện ác bằng một niềm tin bất động về ba ngôi Tam Bảo, hành thập thiện. Ta có được pháp khí là kiếm kim cang bằng Phật ngôn Mu A Mu Sa để tiếp cận được năng lượng Từ Bi của Phật tuôn tràn vào cuộc đời, thấm nhuần vào trong ý căn. Ý của ta được nuôi dưỡng bằng năng lượng Từ Bi. Trong ý ta là ý của Từ Bi, của pháp Từ Bi, của quán Từ Bi, Từ Bi quán, quán tình thương. Năng lượng tình thương có sức mạnh chuyển hóa, đẩy lùi đi mọi ô uế nhiễm vào trong ý căn của chúng ta nhiều đời, để thanh lọc ý của chúng ta thành tinh tuyền, tinh khiết chẳng vẩn nhơ những điều xấu.

Và còn một ý nữa cũng trong kinh Di Giáo Đức Phật dạy trong hơi thở cuối cùng rằng, chỉ có con đường giữ 05 giới, thiền định Trí Tuệ làm chủ được các giác quan, chúng ta phải tu hạnh kham nhẫn. Bởi Đức Phật dạy, người tu hạnh kham nhẫn là người có tâm thái bình tĩnh, an yên, người đó xứng để Như Lai đồng hành mãi trong mọi kiếp đời. Hạnh kham nhẫn là hạnh phải nghe được, nhìn được những người xâm hại đến thân xác, tinh thần của chúng ta mà chúng ta vẫn đón nhận bằng tâm hoan hỉ. Nhưng ở trên đời khi chúng ta thấy người nào đó làm không đúng ý chứ chưa nói đến xâm hại, nói chưa đúng lời chứ chưa nói đến xâm hại thì cảm xúc dâng trào, sân giận vô cùng, hạnh kham nhẫn chẳng còn. Kham nhẫn là bí pháp rèn luyện tánh Phàm thành tánh Phật, dù là Phật tử tại gia hay là những đấng bậc nào đi nữa, nếu chưa thể kham nhẫn dễ nổi sân, nổi giận, và từ sự sân giận đó bởi những cảm xúc bị xúc phạm, kham nhẫn chẳng có nên thường tuôn ra những lời ác độc, thị phi, đay nghiến, nguy hại.

Cho nên các bạn nhớ, để cắt đứt sầu muộn chúng ta phải tu hạnh kham nhẫn và giữ 05 giới, thiền định, Trí Tuệ để làm chủ các giác quan và nuôi dưỡng ý căn bằng tâm tánh thiện lành thì nhất định chúng ta sẽ cắt đứt được mọi sầu muộn trong cuộc đời. Và chỉ qua Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, Từ Bi quán Chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa, chư vị nào hoặc các bạn nào có nhân duyên tu tập chúng ta sẽ có thanh kiếm kim cương, có sức mạnh của ý căn thiện lành, có lòng kiên nhẫn, kham chịu để thắp sáng Trí Tuệ, cắt đứt đi mọi sầu muộn trong cuộc đời. Để bất cứ ai xâm phạm đến ta dưới mọi hình thức qua các giác quan, ta đều tiếp nhận bằng tâm hoan hỉ, bằng lòng Từ Bi, chẳng thể để cho sân giận trỗi dậy mà làm tổn hại phước báu của chúng ta.

Các bạn, đây là những lời Bảo Thành vừa nhắc trong kinh Di Giáo, lời cuối của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn. Phương thức cắt đứt sầu muộn, chúng ta hãy cố gắng đồng hành với Bảo Thành thực tập Thiền Mật song tu, Từ Bi quán – Chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa để cho cõi lòng của mình an nhiên và tự tại. Để cho ý căn của chúng ta được nuôi dưỡng bằng tâm tánh thiện lành và bằng năng lượng Từ Bi – Mu A Mu Sa. Để cho các giác quan của chúng ta không còn là những tên giặc nữa mà trở thành 05 vị hộ pháp, 05 vị thiện thần, 05 bạn tri kỉ, 05 hóa thân của Chư Phật, Bồ Tát kề cận trong cuộc đời để hộ mạng, hộ tâm, hộ ý cho chúng ta. Và bằng giữ 05 giới, thiền định và Trí Tuệ, cuộc đời của chúng ta sẽ như hoa tươi nở thơm ngát dâng hiến cho cuộc đời, dâng hiến cho muôn người.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ là bàn tay phải vào lòng bàn tay trái là bàn tay Từ Bi. Chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con cắt đứt mọi sầu muộn trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến).

Mô Phật! Các bạn, khi chúng ta thấy các tượng ngày nay người ta làm tượng trưng cho như bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, bịt toàn thân, các bạn đừng có đi ra ngoài mua khẩu trang bịt kín miệng, rồi lại đeo kính, rồi bịt lỗ tai chặn đứng cảm xúc của mình. Đó chẳng phải là ý nghĩa của các tượng nói bịt miệng, bịt mắt, bịt tai mà ý nghĩa là nhắc nhở cho chúng ta nhìn bằng con mắt với ý Từ Bi, với ý căn Từ Bi, kham nhẫn. Nghe bằng ý căn Từ Bi, kham nhẫn, nói, nếm, ngửi và xúc chạm bằng ý căn Từ Bi, bằng ý Từ Bi, bằng ý thiện lành thì chẳng có chút sầu muộn gì giăng mắc vào trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có nhiều sầu, sầu của sự va chạm trong cuộc đời bởi thất bại về kinh tế, tình cảm, danh vọng địa vị, mất nhà mất cửa rồi mất đi sự giàu sang, ăn uống, ngủ nghỉ. Tất cả những cái đó gọi là ngũ dục trong cuộc đời, tổn hại, thuyên giảm, mất mát ta thường sầu, ta thường buồn. Và từ đó ta mất đi niềm tin vào cuộc đời, tín tâm vào Tam Bảo, mất hết. Đời còn đó mà như hoang phế bỏ rồi, chẳng còn sử dụng nửa, sống mà như chết, vất vưởng như ma chơi ở ngoài đường, xó chợ, hay ở trong nhà thì như ma xó, làm phiền đến cha mẹ, đến vợ đến chồng, đến những người thương yêu.

Ai mà có thân nhân của mình bị rơi vào sự sầu muộn, chìm đắm đi tới sự trầm cảm, thê thảm chúng ta thấy thật là khổ. Hãy cố gắng tinh tấn giữ 05 giới, thiền định và Trí Tuệ, làm chủ ý căn bằng tâm tánh thiện lành Từ Bi với hạnh kham nhẫn để chúng ta có sức mạnh cắt đứt mọi sầu muộn.

Ở đời, chữ “kham nhẫn” thật khó nhưng dù khó tới đâu cũng có thể thực hành được bởi thấy được sự nguy hại của sự sầu muộn, nguy hại của sự giận dữ, tham chấp cho nên kham nhẫn giúp cho chúng ta nâng đỡ ý căn, thẩm nhập vào trong sự Từ Bi thiện lành. Để từ đó lấy 05 giới hộ mệnh, thiền định để khai mở Trí Tuệ, để từ đó chúng ta sẽ sống an yên. Nếu không có hạnh kham nhẫn, chúng ta thường sân giận và ngay cả những người yêu thương chúng ta, chúng ta vẫn luôn luôn nghĩ ác về họ, nghĩ xấu về họ và rồi chúng ta luôn luôn tuôn ra những lời thô ác, dèm pha, châm thọc, chia rẽ, chưa kể đến những lời có thể giết chết người khác. Nếu không làm chủ được ý căn và không nuôi dưỡng ý căn của chúng ta bằng lòng Từ Bi, tâm tánh thiện lành thì ý bị ô nhiễm, các giác quan sẽ trở thành những tên giặc, tên trộm cướp phá và làm tan nát cuộc đời của chúng ta, phước báu chẳng còn. Nếu không giữ 05 giới thì chẳng có lực để làm chủ ý căn, nếu không thiền định thì chẳng có Trí Tuệ để soi dẫn, ý căn chẳng thể làm chủ.

Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn lấy hơi thở Chánh niệm, lấy Từ Bi quán Chánh niệm hơi thở Phật ngôn Mu A Mu Sa để đón nhận tha lực Phật điển từ mười phương Chư Phật, hộ pháp, hộ thân, hộ ý căn của chúng ta, nuôi dưỡng ý căn bằng tha lực Phật điển Từ Bi. Chúng ta có được thanh kiếm báu kim cang soi dẫn con đường cắt đứt mọi sầu muộn và phiền não. Và đồng thời tâm ý của chúng ta được nuôi dưỡng bằng năng lượng Từ Bi, và 05 giới, thiền định, Trí Tuệ miên mật đó các giác quan của chúng ta đều tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, với những con người bên ngoài khi tương tác bằng ý Từ Bi. Cho nên hạnh kham nhẫn sẽ được khai mở, ứng dụng trong cuộc đời. Nếu tâm không Từ Bi khó kham nhẫn, kham nhẫn mà độc bộ một mình như người lữ khách độc hành trên sa mạc chẳng ai giúp đỡ. Nhưng ý căn của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mu A Mu Sa – Từ Bi quán Chánh niệm hơi thở, năng lượng Từ Bi tràn đầy trong ý căn thì các giác quan của chúng ta trở thành 05 vị hộ pháp, 05 hóa thân của Bồ Tát, của Chư Phật, hạnh kham nhẫn sẽ được nâng đỡ để thực hành khi mà chúng ta đối với cuộc đời, đối với cảnh trần, đối với con người, đối với những sự việc tạo tác không như ý của chúng ta, bởi lúc đó ta luôn hoan hỉ.

Các bạn, hãy hồi hướng cho tất cả mọi người đang bị sầu muộn nhận thức ra được điều này, tiếp được năng lượng Từ Bi của Phật trong Từ Bi quán Chánh niệm hơi thở. Để họ có hạnh kham nhẫn, có tâm ý Từ Bi, làm chủ 06 giác quan và có hóa thân của Chư Phật, Bồ Tát hóa hiện trong cuộc đời từ những giác quan của họ. Để từ những giác quan đó họ luôn hoan hỉ đón nhận tất cả bằng ý Từ Bi, bằng năng lượng tình thương, bằng 05 giới được giữ và bằng Trí Tuệ được rèn luyện trong thiền định, mọi sầu muộn của họ đều được cắt đứt.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi, chúng ta vận hành 07 biến Từ Bi quán Chánh niệm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện giữ 05 giới để các giác quan của chúng con trở thành 05 hóa thân của Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp gia trì cho chúng con luôn hoan hỉ cắt đứt mọi sầu muộn. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện tinh tấn trong Thiền Mật tông để tăng trưởng năng lượng Từ Bi, làm chủ các giác quan để cắt đứt mọi sầu muộn. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện tăng trưởng Trí Tuệ bằng sự gắn kết miên mật với mười phương Chư Phật qua Phật ngôn Mu A Mu Sa để cắt đứt mọi sầu muộn trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện tinh tấn tu hành, thành tâm đón nhận tha lực Từ Bi của mười phương Chư Phật nuôi dưỡng ý căn thiện lành, để làm chủ 6 giác quan và cắt đứt mọi sầu muộn. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện tinh tấn tu hành và luôn luôn giữ được hạnh kham nhẫn, quán chiếu sâu sắc về năng lượng Từ Bi để chúng con không sân giận, thô ác. Hít vào bằng mũi rồi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện tâm ý Từ Bi thiện lành làm chủ tất cả mọi giác quan bằng 05 giới, bằng thiền định và Trí Tuệ để chúng con có được thanh kiếm kim cang cắt đứt mọi sầu muộn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện một lòng thành kính giữ 05 giới, thiền định, Trí Tuệ bằng ý căn Từ Bi thiện lành và luôn luôn quán hạnh kham nhẫn, để mọi sầu muộn được cắt đứt, để lòng hoan hỉ được khai mở và để được tình thương lan tỏa đến muôn người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn ơi mình tu xong rồi. Các bạn và Bảo Thành đã nương vào lời dạy của Phật trong Kinh Di Giáo nguyện một lòng tinh tấn tu học, để từ đây cắt đứt mọi sầu muộn giăng mắc vào cuộc đời của ta, cũng như cuộc đời của những ng ta yêu thương. Hãy chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật gia trì Phật lực để chúng con biết giữ 05 giới, biết thiền định và Trí Tuệ, biết nuôi dưỡng ý căn bằng lòng Từ Bi năng lượng thiện lành. Để làm chủ các giác quan và luôn luôn quán chiếu hạnh kham nhẫn. Để chúng con có đủ lực cắt mọi sầu muộn giăng mắc vào trong đời của con, cũng như những người mà chúng con thương yêu. Nguyện hồi hướng tới tất cả các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình chấm dứt chiến tranh. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ cứu tế chữa lành tất cả các bệnh nhân. Hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ và phiền não tìm được hạnh phúc và an vui. Hồi hướng cho các hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh về cảnh giới thiện lành.

Nguyện xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts