Search

Bài 1291: Nuôi Ma Con – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Giờ đồng tu đã đến, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào tất cả các bạn! Chúng ta đã đồng tu với nhau một thời gian vừa đủ để các bạn đều hiểu được phương pháp chánh niệm hơi thở, trì mật chú Mu A Mu Sa và hoà hợp với ta lực Phật điển khi thẩm nhập được vào thân tâm của chúng ta.

Bảo Thành nhắc lại một lần nữa, chúng ta cùng thẩm nhập đi sâu vào hơi thở và cùng quán chiếu đề mục ngày hôm nay. Hơi thở đi vào bằng mũi đưa sâu xuống dưới bụng phình ra, giữ hơi thở ở dưới đó vùng đan điền khí hải luân xa số 01. Khi thở ra các bạn thở chậm từ từ theo sức của mình, đừng quá chậm đừng quá nhanh, vừa đều. Đồng thời hóp bụng lại, trì mật chú Mu A Mu Sa. Dùng tâm của mình, tánh thấy biết quán chiếu thân tâm và cảm ứng với tha lực Phật điển tác động vào thân tâm của chúng ta.

Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi để chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)

Mô Phật! Các bạn thân mến, với đề mục quán chiếu hôm nay, một đề mục thật thú vị bởi sự thật ở trên đời ngày xưa và ngày nay, con người thường hay dựa dẫm vào những cái ở bên ngoài làm việc cho ta để mang lại kết quả cao mà không dùng đến kiến thức vào trí tuệ. Có lẽ chữ “làm biếng” mà người xưa gọi là ngồi mát ăn bát vàng, chẳng dùng kiến thức, chẳng học hỏi, chẳng muốn tu luyện để có trí tuệ mà muốn thành công. Điều đó luôn có ở trong tâm tưởng của tất cả chúng ta, Bảo Thành và các bạn đều có cách nghĩ như vậy, không khác đâu.

Chủ đề “Nuôi Ma Con”, nghe chữ ma mà sợ, nhưng ma con không biết có đáng sợ hay không. Các bạn, ngày xưa và bây giờ, những ai thường đi vào chốn may rủi, chẳng dùng kiến thức, trí tuệ bằng sự tu học, nghiên cứu nhưng muốn thành đạt thường nương nhờ vào ở bên ngoài. Từ đó, người ta nương nhờ vào thần linh, ma quỷ, sức mạnh cõi âm. Ma con là một trong những phương pháp người xưa mà chúng ta ngày nay vẫn còn tu tập cho những người như các ca sĩ, người làm việc buôn bán; hoặc các người làm ăn đây đó muốn thành công, muốn giữ được địa vị mà không tăng trưởng khả năng, kiến thức của mình. Từ đó sợ thua, sợ lỗ, với tâm mong cầu thành đạt mà không chịu học hỏi và dần dần bị dụ dỗ, cám dỗ vào con đường nuôi ma con. Bởi khi nuôi ma con biết bao nhiêu lý thuyết được nói hấp dẫn vô cùng. Ma con là ma trẻ con, chúng ngọt ngào, dịu dàng và chúng có thể thâm nhập vào tư tưởng, tinh thần của người khác như khách hàng, người chúng ta làm ăn để dụ dỗ khách hàng theo ý của mình để mình thành công. Nếu chúng ta đi vào những vùng đất mới, không chỉ ở các nước Á – Đông, thậm chí trên toàn thế giới, dân tộc nào cũng có cách nuôi ma con để phục vụ cho đời sống của con người. Bảo Thành nói sơ qua để chúng ta có một kiến thức căn bản về ý niệm, đây không phải là chân lý, đây là về ý niệm con người nghĩ rằng phương pháp như vậy sẽ mang lại kết quả như điều mong muốn. Ma con, mình gọi theo phương pháp linh hồn hay thần thức đều là cách ám chỉ một nguồn năng lượng của những em bé chết rồi chưa siêu thoát, ta gọi chữ linh hồn nha các bạn. Bởi vì người ta thường gọi như vậy, hồn ma, ma con đều là linh hồn của những đứa trẻ.

Không những trong dân gian mà ngay cả trong các chùa ở Thái Lan, Miến Điện, Campuchia tin rằng các nước Á – Đông có một số vị thầy trong chùa vẫn nuôi ma con dưới nhiều hình thức cho tất cả mọi người tới lấy. Nói đúng hơn là trao đổi giao dịch một số tiền có thể trên danh nghĩa cúng dường, người đời có thể gọi là mua ma con về nuôi để hỗ trợ cho làm ăn. Cho nên một số người không hiểu, thường thầm nghĩ rằng Phật dạy về nuôi ma con, bởi chính các sư và cả những vị sư cả trong chùa lớn, nếu chúng ta đi du lịch qua các nước đó sẽ thấy.

Ngày nay, một số người Việt Nam mua những loại ma con đó mang về như một sự giao dịch ở trên mạng bán cho những ai có nhu cầu cần có trên phương diện để cần sự trợ lực may mắn làm ăn, điều đó đầy ở trên mạng. Ý niệm của họ rằng những đứa trẻ mà chết đi khi còn quá trẻ, nó nhớ mẹ, thương tiếc cuộc đời, linh hồn chưa siêu thoát được. Những vị thầy pháp, hay những người luyện nuôi ma con, ngay cả những vị thầy xuất gia ở các xứ sở ta vừa nói, ngay ở trong nước cũng có một số vị, dùng những câu thần chú mang ý nghĩa chiêu dụ, chiêu cảm, dụ dỗ những linh hồn trẻ thơ nhập vào trong hình tượng của trẻ con như các búp bê nhỏ; hoặc những hình thù tượng trưng cho đứa trẻ được đục đẽo. Thậm chí người ta có thể lấy những hình nhân trẻ thơ; hoặc những bào thai trẻ để tu luyện nuôi ma con. Như một đứa trẻ mà thôi, ta cho trẻ con ăn kẹo, bánh, rồi ta xúi dại nó làm việc này việc kia, bởi trẻ con không ý thức phân biệt đúng sai. Từ khái niệm đó mà linh hồn trẻ thơ dễ bị sai khiến khi cho ăn uống và đồ chơi. Cho nên các câu thần chú các vị đó luyện hầu hết là những câu mang ý nghĩa dụ dỗ linh hồn trẻ nhập vào một hình tượng búp bê, hình hài của trẻ thơ, hay một bào thai nhỏ, hay một cái hình nộm. Cúng kiến cho ăn, lâu dần họ dụ dỗ những linh hồn trẻ thơ đó nhập vào hình hài đó và sai linh hồn đó đi làm việc như chiêu dụ khách hàng. Hoặc đi làm việc để thành công về phương diện tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị vì linh hồn trẻ con nó thẩm nhập vào tâm tưởng của người khác, nó xui khiến người ta làm theo ý nó. Đó là khái niệm của người tu và khái niệm của người nuôi ma con dựa theo nền tảng suy nghĩ như thế. Từ đó, chúng ta thấy đầy hết, nếu các bạn tinh ý một chút, đi vào các hàng quán buôn bán các bạn có thể thấy hình thù của các búp bê nhỏ, các em bé nhỏ, ngày nay biến tướng qua hình con mèo hoặc hình một cô gái ngồi quỳ đưa tay vẫy khách. Biến tướng từ từ để phù hợp với văn hóa từng vùng miền để đón nhận, hay nói đúng hơn là để che mắt cho người ta thấy bình thường. Còn ngày xưa, nó luôn luôn là hình hài của các bào thai nhi nhỏ, hoặc là hình như trẻ thơ nhỏ. Nhưng ngày nay nó đã biến tướng một cách tinh tế để cho người đời là chúng thấy không có gì xa lạ. Cho nên khi các bạn đi du lịch Thái Lan, Campuchia, Lào, chúng ta thường thấy các nước đó có những hình như vậy, nếu các bạn tinh tế và để ý. Mục đích cũng chỉ là làm ăn mà thôi, sao cho buôn may bán đắt, có tiền, nhiều khách, nói giá sao họ nghe vậy, nói giá sao họ mua như vậy, đó là cách làm việc về vấn đề nuôi ma con. Chúng ta thấy trên mạng ngày nay bán đầy những thứ như vậy.

Trở lại vấn đề, thực sự nuôi ma con như vậy có làm được việc hay không, có hữu ích hay không? Trước nhất chúng ta nói về quy luật luân hồi sanh tử mà Đức Phật dạy, gọi là thần thức nếu nói theo Phật pháp hay linh hồn thì tuỳ, chúng ta không tranh cãi về các định nghĩa khác nhau. Thần thức của chúng ta dù chưa sinh mới thụ thai mà bị sảy thai, hay 100 tuổi chết đi cũng đều phải theo thiện nghiệp để tái sanh. Tái sinh ngay hay chậm hơn, chứ không có một thần thức hoặc cái được gọi là linh hồn tồn tại mãi, để cho chúng ta dụ dỗ làm việc cho ta. Do đó, nếu nói có một linh hồn tồn tại để chiêu dụ nhập vào một hình tượng búp bê; hoặc dưới hình hài nào đó cho ăn uống qua hình thức cúng kiến, qua những câu thần chú chiêu dụ để họ làm việc thì hoàn toàn không có, không ứng dụng được, đó chỉ là trong tưởng thức tự ám thị mình nghĩa rằng như thế. Đối với những người làm biếng, không siêng, chăm chỉ học để có kiến thức trong giao dịch, làm ăn, tương tác mà chỉ ngồi đó mong cầu thành công nhiều. Như vậy thường từ ý tưởng tham mà không học hỏi kiến thức hay dẫn đến con đường này. Cho nên không có một linh hồn hoặc thần thức nào còn vương vấn, vất vưởng như gọi là linh hồn, thần thức của những đứa trẻ để các vị pháp sư, thầy pháp, thầy luyện ma con, nuôi dưỡng ma con, chiêu dụ, dẫn dụ làm việc, điều này là hoàn toàn không có. Do họ chú trọng quá nhiều đến những vấn đề đó, thì cái năng lượng của tâm nơi họ với sự tham, như lời nguyền – nguyền rủa, nguyền lực của họ có thể phát huy được một chút xíu để thoả mãn tâm tham muốn của họ chứ chẳng có linh hồn nào tồn tại cho họ sai khiến. Tất cả những cách nói được nói, được diễn tả bởi những người nuôi ma con họ bán những thứ đó ở trên mạng, đều là cách tiếp thị để chính bản thân của họ bán được những mặt hàng đó lấy tiền mà thôi, chứ thực sự không có ứng dụng, không có kết quả. Nhưng con người mà, khi kiến thức không chịu học thường hay dựa dẫm, đó là Phàm tánh. Từ Phàm tánh không học dựa dẫm vào ma con, đi lạc vào tâm si mê và tăng trưởng tâm tham. Hành động của các vị nuôi ma con để cho người khác tới lấy; hoặc trao đổi đối với người khác, thì chính những người đó đã có những khái niệm sai, không đúng nhân quả của nhà Phật, và họ làm như vậy họ tạo ra thật nhiều nghiệp. Người nuôi ma con tạo ra nghiệp, rồi người tới lấy, mua, hoặc thỉnh (gọi là thỉnh cho lịch sự). Từ “thỉnh” chỉ dùng với những pháp thiện, những chân lý để học, còn nói đúng hơn cái này là đi mua những pháp thuật, mua ma. Ai mà có tâm đi mua những thứ đó về ứng dụng trong làm ăn, công việc của mình đều tạo ra thật nhiều nghiệp và tổn phước. Bởi chúng ta theo khái niệm đã phóng tâm lợi dụng linh hồn, thần thức trẻ thơ. Dù không có nhưng cái tâm đó luôn liên tưởng và nghĩ đến như vậy và dụ dỗ, sai khiến để các linh hồn, thần thức trẻ thơ đó làm những việc không phù hợp với chân lý của cuộc sống, huống hồ chi là đối với chân lý của sự giác ngộ.

Chính ta có tư tưởng đó, lời nói đó bởi đọc những câu thần chú để chiêu dụ, dụ dỗ. Bây giờ chúng ta gặp một đứa trẻ thơ, chúng ta dụ dỗ làm sai, chúng ta đã thấy có lỗi rồi, tạo ra tội, nghiệp nhiều, phước không có. Cho nên cả hai phía, người nuôi và luyện để rồi người kia mua và mang về để nuôi dưỡng tiếp tục, để làm việc đều tạo ra nghiệp. Hầu hết những người tu luyện như vậy và người mua những món hàng như thế thường dễ bị lâm vào trường hợp bị tổn phước báu, đó là điều dĩ nhiên. Trí tuệ lu mờ, tánh tham tăng trưởng, lòng si mê phủ kín và cái kết cuối cùng là bản thân của họ đưa họ đến những sự rủi may và kết quả là thảm bại, không thành công, hại đến sức khỏe, tinh thần. Làm cho gia đình xáo trộn, cho đời sống người đó mất đi niềm tin vào kiến thức vào trí tuệ, vào khả năng của chính mình là người. Dần dần suy yếu, suy nhược, có thể đi tới điên khùng; hoặc đi vào cái cõi lưng lửng chẳng làm chủ được thân tâm, sống mà như vất vưởng, vô hồn. Đó là những tai hại mà các bạn – người Phật tử chân chánh hay một con người bình thường, chúng ta phải nhận thức rõ để ta đừng khi nào thả sự suy nghĩ mình đắm chìm vào trong đó, đừng khi nào tiếp cận. Gần mực thì đen, ta vào đó ta sẽ bị nhiễm cái mực, cái tính xấu đó vào làm ô nhiễm thân tâm của chúng ta.

Trở về lời dạy của Đức Phật, Đức Phật dạy mang thân người thật khó và thân người là phương tiện vi diệu. Từ chỗ này ta khẳng định rằng thân người của Bảo Thành, của các bạn, của tất cả mọi chúng sanh đều là phương tiện vi diệu. Mà để kích hoạt sự vi diệu của thân người, chúng ta phải tinh tấn chuyên chú về kiến thức trong Phật học để tăng trưởng trí tuệ, cũng như kiến thức về xã hội, về các môn học của loài người để mở mang kiến thức và trí tuệ. Cho nên mang thân người có khả năng tăng trưởng kiến thức qua sự học hỏi, khai mở trí tuệ qua sự tu tập. Do đó, thân người là phương tiện để đạt được kiến thức và trí tuệ. Kiến thức và trí tuệ là sự cao quý nhất đưa ta đến thành công trên mọi lĩnh vực nếu chúng ta muốn bước vào.

Ở đời thường hay nói, khi còn sống làm không được việc thì chết làm được gì nữa? Cái này đúng, một đứa trẻ đừng nói đến khi chết, còn nhỏ cha mẹ còn phải dạy dỗ đủ điều nó mới khôn lớn dần. Thậm chí có nhiều đứa có nhiều đứa dạy  phải nhiều lần lắm thì mới có thể có những kiến thức đó làm được việc; hoặc ý thức được những điều gì cần làm trong cuộc sống. Đó là một đứa trẻ, tất cả những ai là cha mẹ từng nuôi con đều hiểu, huống hồ chi một đứa trẻ còn rất nhỏ mà chết đi thần thức, linh hồn giả sử gọi là có, chưa tái sanh luân hồi, chúng cũng chẳng biết gì để làm bởi khi chết đi còn quá nhỏ chưa có kiến thức. Nếu chúng ta làm ăn để nói với khách hàng thì cần phải tăng trưởng nghệ thuật tiếp thị, kiến thức về những mặt hàng trao đổi và nghệ thuật tiếp khách. Để khi ta tương tác với khách hàng, tạo niềm tin cho người ta thấy được mặt hàng mình buôn bán. Còn như trẻ thơ, một linh nhỏ nó không biết gì, dù có cho ăn, có mồi chài đủ thứ đồ chơi dụ dỗ, làm sao có kiến thức để người ta mua hàng?

Các bạn thấy thật rõ mà, nhà Phật rất quan trọng về trí tuệ. Ở đời người ta cần kiến thức, trong nhà Phật trí tuệ là bao gồm cả kiến thức về tất cả các môn học ở đời và về chân lý giải thoát. Cho nên ma con thực sự không làm được việc đó. Nhưng chúng ta tự ám ảnh, ám thị với những khái niệm đó. Trên đời không ai nuôi ma con mà trở nên giàu có hết, không làm được việc đâu các bạn ơi. Người xưa gọi là nếu nuôi ma thì cuộc đời sẽ trở thành khố rách áo ôm, tức là nghèo khổ, gia đình sẽ bị ly tán, vợ chồng con cái không bao giờ hòa hợp, nếu kinh nghiệm các bạn sẽ thấy. Cuộc đời có thể nghe tiếng dữ dằn bởi hù doạ nơi ma, nhưng thực ra cuộc đời của những người đó chẳng thành công.

Nay trở về với chân lý của Phật, trí tuệ rất quan trọng. Các bạn đừng vọng tưởng đi theo cách nuôi ma nhưng và rồi chúng ta lại quên, không dùng kiến thức và trí tuệ trên con đường tu trong những cái vô tình, hữu tình hay cố tình, chúng ta đã lọt vào phương pháp nuôi ma. Các bạn và Bảo Thành thực ra là những con người đang nuôi ma con ở trong lòng. Các bạn đều là những thầy pháp, đều là những vị luyện, nuôi ma con trong cuộc đời, Bảo Thành cũng vậy thôi. Bây giờ ta suy nghĩ xem tại sao ta nói rằng mỗi người chúng ta nếu không cố gắng quán chiếu cho rõ thì vô tình hay cố tình trở đã thành người nuôi ma con.

Ma con là những đứa trẻ, tánh khí còn thơ, còn dại khờ và ta dụ dỗ cho ăn uống, cho tiền, cho đồ chơi để sai khiến làm điều vô lý trái với đạo đức. Các bạn và Bảo Thành đều có tánh khí rất trẻ, và tự mình mồi chài bản thân, dụ dỗ bản thân cho bản thân có những tư tưởng, suy nghĩ, những đồ chơi của cuộc đời. Để rồi cho những tính khí trẻ thơ, khờ dại thiếu kiến thức đó lao đầu vào cuộc đời làm những chuyện vô đạo đức. Bảo Thành đã từng phạm điều đó, các bạn chắc chắn cũng thế, gọi là nuông chiều cái tánh trẻ, tánh thơ dại của chính mình. Và nuôi dưỡng tánh thơ dại đó bằng tiền, vật chất, bằng những thứ đam mê ăn uống, hoặc những thứ ăn chơi trong cuộc đời để tánh thơ và dại của chúng ta đắm chìm trong đó. Rồi khi ta muốn làm gì thì tánh thơ dại đó nó trỗi dậy, biến hình thành ma con tự tung, tự tác, tạo ra biết bao nhiêu chuyện vô đạo đức trong cuộc đời.

Chúng ta, Bảo Thành và các bạn thật sự là những con người nuôi ma con trong cuộc đời, ta đang nuôi dưỡng tánh thơ và dại của chính chúng ta. Nếu như một linh hồn thơ dại của trẻ thơ chết đi, thì cũng có khả năng một linh hồn thơ dại của ta không chịu học hỏi để trở thành với bề dày kiến thức và trí tuệ của nhà Phật mà cứ kìm hãm trong những tư tưởng rất thấp, rất hèn, rất dại, rất khờ của trẻ thơ. Để muốn làm gì thì làm, thì chẳng khác gì ta có một thân xác 20 tuổi, 30 tuổi,…như một linh hồn rất thơ dại, rất ngây, rất thơ, và rất dại khờ dễ lầm lỗi và tạo nghiệp. Bởi ta đã thì thầm mớm cho linh hồn, thần thức, tâm tưởng, suy nghĩ của ta những chuyện rất trẻ con. Điều đó có, cho nên không khéo các bạn và Bảo Thành đã vô tình trở thành những người nuôi ma con. Ma con ở đây chính là đã kìm hãm ta không học hỏi, tu tập để cho trí tuệ bị lu mờ dần và bị nhốt vào trong hình hài trẻ thơ. Hình hài của những người khờ dại chẳng chịu hành trong sự tu tập và chăm chỉ học. Cho nên trước khi trách người ta phải nhìn lại và trách bản thân, chúng ta quá nuông chiều bản tánh thơ dại của chúng ta bằng biết bao nhiêu thứ vật chất, tiền tài, ăn uống, đủ mọi thứ hết. Ta vô tình không cho trí tuệ của ta được phát triển đúng mức, kìm hãm nhốt nó vào trở thành một thần thức vô học không kiến thức. Như đứa trẻ không được đến trường, cứ bị nhốt trong nhà cho ăn uống và cho lớn lên như một đứa trẻ thơ để mà sai khiến.

Có đấy, nhiều cha mẹ nhiều khi lại nghĩ và mơ tưởng ước gì con của mình cứ nhỏ như vậy để được ẵm, được bồng, chứ biết đâu lớn lên nó cứng đầu cứng cổ nói không nghe. Tư tưởng này có thoảng qua trong tâm tưởng của một số mẹ cha. Và hầu hết đại đa số chúng ta không bao giờ muốn học Phật bởi khi học Phật chúng ta liên tưởng rằng: “học giáo lý của Phật, chân lý của Phật rồi khi phạm vào nghiệp sẽ nhiều. Học mà sao nhiều điều cấm kỵ, phiền não quá, thôi sống xã láng ở đời đi. Khi có chuyện thì tới nhà chùa nhờ các Thầy, các Cô cầu an, cầu siêu, giải hạn, giải sao thế là hết”. Đó là quan niệm sai lầm, không đúng! Phật dạy, Phật không thể cứu ta, thì các vị thầy xuất gia hay các sư cô không ai cứu được các bạn, ngoại trừ các bạn tự đứng dậy thắp đuốc tuệ mà đi. Khi các bạn có tự lực đứng dậy cầu tuệ giác để đi, Phật sẽ tiếp cận, các thầy, các cô sẽ tiếp cận để khai thị cho chúng ta mở được trí tuệ đó mà đi trên con đường hành tới phía trước, tiếp cận với hạnh phúc và bình an. Cho nên chúng ta nhất định phải trở về với môi trường tu tập, tu luyện, chứ ngồi đó mà tưởng, mà mơ, đời người ta nói đừng có mơ, tưởng tượng cũng chỉ là tưởng tượng thôi, mơ thì cả đời cũng chỉ là mơ chẳng bao giờ thành sự thật. Phật đã daỵ thật rõ, người Phật tử tại gia cũng như xuất gia phải luôn luôn chú trọng tới vấn đề tăng trưởng trí tuệ của mình bằng các pháp thiền.

Thật là nhiều phương pháp, đừng nói ngồi ở đây gọi là thiền. Khi chúng ta đọc những lời kinh, tức là những cuốn kinh của Đức Phật dạy dỗ bằng tâm tĩnh lặng để hiểu biết đó cũng gọi là thiền rồi. Cho nên đọc kinh hoặc dưới một hình thức để cho dễ nhớ, gọi là tụng kinh, tụng niệm, chứ thật ra ta đọc vẫn được không có vấn đề. Khi đọc hoặc tụng niệm kinh; hoặc đọc tụng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát đều gọi là thiền. Nếu với tâm an trú ở trong đó để rời xa cái mê. Cho nên Pháp môn đọc, tụng kinh sách, niệm Phật, hồng danh Bồ Tát đều tốt. Hoặc là thiền, thiền chỉ, thiền định, thiền quán; hoặc là Mật Tông, hoặc là Tịnh Độ Tông, nhiều lắm.

Ngày nay mỗi một vị Tổ, mỗi một Phật tử, mỗi một vị thầy thấy nhân duyên phù hợp với một lời dạy của Phật trong kinh mang ra ứng dụng, điều đó đều tốt. Ai có khả năng học nhiều hơn như các bậc Đại Đức, Thượng Toạ, Hoà Thượng, các bậc Ni trưởng, Sư cô có trí tuệ giỏi như Ngài A-Nan, nhớ nhiều kinh lại có trí tuệ như Ngài Xá Lợi Phất, hiểu, tu tập để mở mang kiến thức, thẩm nhập chiều sâu, chiều rộng của Đức Phật dạy rất tốt. Nhưng vẫn có những người chỉ an trú trong một chữ, một câu của phương tiện nhỏ để chuyển hóa nội tâm cũng tốt. Nhiều càng tốt, mà vừa để hiểu, khai mở trí tuệ cũng càng tốt. Chẳng phải nhiều mà hơn người ít, cũng chẳng phải ít mà thua người nhiều, hơn ở chỗ là ta khai mở trí tuệ mà thôi. Trí tuệ cho ta hoặc là có khả năng, phương tiện để tiếp cận khai mở trí tuệ cho đại chúng, cho những chúng sanh khác. Tuỳ vào lời nguyện của chúng ta và khả năng phước báu của mình để mà tu luyện ta sẽ thành công.

“Nuôi Ma Con” là một chủ đề ngày nay nhiều lắm. Bởi vì thật nhiều các bạn bị mất phương hướng trong cuộc đời, không có công việc làm ăn, ở một lứa tuổi nào đó người ta đã thành công mà ta chưa có. Từ đó dễ bị dụ dỗ vào những con đường tà pháp nuôi ma con, để bán hàng cho được nhiều, để chiêu cảm khách, để dụ khách. Nhưng nhớ rằng tất cả những ý tưởng đó sẽ tạo ra nghiệp và ma con không thể làm được chuyện đó. Chẳng có tâm tưởng của ma con, chẳng có ma con của những linh hồn trẻ thơ nhập vào búp bê hoặc những hình tượng. Mà chỉ có linh hồn thơ dại của ta không chịu học hỏi cho có kiến thức về xã hội, kinh tế, khoa học, ngôn ngữ, về muôn mặt của cuộc đời. Và chỉ có tâm hồn thơ dại của ta chẳng chịu tu để khai mở kiến thức về Phật học, khai mở trí tuệ về chân lý thì ta chính là ma con mà tâm tham của chúng ta đang nuôi dưỡng nó.

Nói thật xa về thực tế nuôi ma con có thật bởi vì đó là những phương pháp ý niệm trong cuộc đời. Rồi từ đó ta đi trở về chính ta, suy bụng ta ra bụng người bởi bụng ta cũng tham, cũng chấp, cũng không muốn có kiến thức và trí tuệ nhưng muốn có tất cả. Từ đó, ta đã kìm hãm không cho thần thức của ta được nuôi dưỡng bằng kiến thức chân lý của Phật, nên thần thức của ta khờ dại như trẻ thơ, làm sai mà không biết cứ nghĩ rằng thần thức sẽ biết tất cả. Thần thức sẽ tăng trưởng trí tuệ tùy theo khả năng và môi trường. Chúng ta có phương tiện làm người, sắp đặt để thần thức có cơ hội học hỏi, không ai mới sinh ra mà có thần thức trí tuệ hết. Nếu có thì là do kiếp trước đã tu nay tái sinh trở lại với vốn phước báu kiến thức đã có ở kiếp trước. Còn tất cả chúng ta đều phải tu luyện, cho nên các bạn nhớ phải tránh xa những lời dụ dỗ về nuôi ma con. Bởi nếu các bạn là những người buôn bán, làm ăn càng phải tránh xa hơn. Và các bạn đã sống với môi trường như vậy nên nhớ để làm ăn được, để thành công trong công việc thì kiến thức trong nghề nghiệp rất quan trọng. Kiến thức tiếp thị, giới thiệu mặt hàng, kiến thức tiếp cận với khách hàng, kiến thức làm cho người ta hiểu về những điều mình là ăn, cần phải học hỏi. Và trên con đường khác, rộng lớn hơn đó là trí tuệ, các bạn cần phải tu, trí tuệ sẽ bừng khai, kiến thức sẽ đầy đủ, mọi việc các bạn làm trong cuộc đời nếu được sự  hướng dẫn và chỉ giáo thật rõ, tu tập và chăm chỉ các bạn sẽ thành công. Chẳng cần nương nhờ vào những ý niệm, khái niệm không phù hợp, chẳng đúng và chẳng bao giờ hữu dụng hết nhưng ngược lại tạo ra nghiệp, tổn phước báu.

Bảo Thành khuyên các bạn hãy từ bỏ ý tưởng nuôi ma con. Và cũng phải hiểu rõ trong một sự tỉnh thức tuyệt đối, nhìn nhận rõ từ lâu ta đã thầm nuôi một con ma ở trong lòng. Ma con là thần thức của ta, ta không cho thần thức đến trường để học. Nay hãy mở cửa dắt thần thức đến các chùa, tịnh xá, am thất, tới các bậc thầy cao quý như các Ni Sư, Sư Cô, Ni Trưởng, bậc Đại Đức Thượng Tọa, các bậc Hòa Thượng ở trong chùa, thiền viện, tịnh thất. Đừng sợ, các đấng bậc đó đều là những bậc cả cuộc đời từ bỏ một kiếp người đi vào chân lý của Phật để cho tự thân tỏa sáng và luôn luôn phát nguyện giúp đỡ tất cả mọi người. Ai đó nếu muốn tiếp cận với chân lý để mở mang trí tuệ hãy học, hãy cho thần thức của mình cơ hội tiếp cận với các bậc thầy để được học. Đừng nhốt nó vào những tâm tưởng tham để rồi dễ bị tự ái, tự ngã xâm chiếm làm cho nó hoang phí cả cuộc đời khi mang thân kiếp người với phương tiện vi diệu mà đức Phật đã thọ kí, đã khai thị, đã mở, đã nói.

Chúng ta nếu như đã nghe được lời Đức Phật dạy, thân này là phương tiện vi diệu nhất định phải quay về hiểu được điều khai thị đó. Và mở ra một con đường mới cho cho chúng ta là hãy tạo điều kiện để thân người này có cơ hội học hỏi những giáo lý của nhà Phật, tiếp cận với kiến thức của cuộc đời. Để cho thần thức được học mà trở nên trưởng thành, thành tựu trong cuộc sống. Chứ không dựa dẫm vào những ý tưởng nuôi ma con để phục vụ cho nhu cầu của tâm tham nơi chúng ta.

Bảo Thành tin tưởng các bạn nghe những gì Báo Thành nói và thấy rõ được bản thân của mình hơn để có một quyết định sáng suốt trong những ngày tháng tới.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Để chúng ta bắt đầu vận hành 07 biến từ bi quán chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sinh và gia trì Phật lực để chúng con biết nuôi dưỡng thần thức bằng trí tuệ của nhà Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)

Mô Phật! Thần thức của các bạn và Bảo Thành đã bị dụ dỗ, bị cám dỗ và được nuôi dưỡng bằng những sự chiêu dụ về vật chất, về đồ chơi, về sự ham muốn ăn uống nhiều kiếp rồi. Và thần thức thơ dại đó của chúng ta ngày hôm nay vẫn theo tập khí nhiều đời, thói quen nhiều đời tạo nghiệp trỗi dậy thật là mạnh. Và biến hình đa dạng phù hợp với ham muốn của chúng ta. Để từ đó như một người ở bên ngoài hiện hình là ma con; hoặc một linh hồn nào đó quay ngược trở lại dẫn dụ chúng ta sa đọa vào con đường sai trái, tội lỗi. Ta tạo tội rồi tội quay lại kéo ngược chúng ta như một đối tượng ở bên ngoài, chứ thực ra đó chính là ta. Gọi là nghiệp lực hóa hiện dưới nhiều hình thức phù hợp. Khi các bạn nghĩ đến ma con thì nghiệp lực ác nhiều đời mê muội trong tham chấp, trong ngũ dục của ta liền ứng hóa hiện thành những hình hài như vậy. Để chiêu dụ ngược lại ta sa đà vào vũng sình của bất thiện nghiệp trở lại, không còn lối thoát.

Do đó, chúng ta hãy chú ý để cố gắng tu, để vượt qua, và cũng chú ý tới những người yêu thương của chúng ta, nếu họ muốn làm ăn, họ muốn thay đổi cuộc đời, nhất định chúng ta hãy luôn khuyên bảo họ hãy thay đổi cuộc đời trong làm ăn; hoặc trong những sinh hoạt của đời này bằng tăng trưởng kiến thức qua sự học hành chăm chỉ. Và nếu các bạn có những bạn đang tu học mà muốn có được những sức mạnh ở bên ngoài trong thế giới vô vi, vô hình. Đời vẫn còn nhiều người không chịu tăng trưởng kiến thức để sống khi tương tác với mọi người, nhưng lại muốn các đấng vô hình can thiệp vào đời sống, can thiệp đời sống của sự tương tác với người qua sự làm việc, qua sự sống chung.

Thực ra ở đời Đức Phật dạy, sống chung với ai cũng dùng sáu cái tinh thần lục hòa, sống lục hòa là đủ rồi nhưng chẳng ai chịu tăng trưởng kiến thức đó để sống. Bởi họ không có sự kiên nhẫn, chẳng học được sự cam nhẫn, luôn nghĩ mình là đúng, là đỉnh đỉnh ai cũng phải nghe và phục vụ họ. Từ đó, khi gặp những chuyện trái chiều họ không có sự kiên nhẫn, bình tĩnh, an nhiên để học cách đối xử, đối ứng sống chung với mọi người nên họ dễ sân giận. Và cuối cùng là có con đường là cầu mong đấng vô hình, chư vị vô hình, ma con tới giải quyết vấn đề cho họ. Mặc dù, vấn đề đó chỉ cần có kiến thức trong cuộc sống là đã đủ.

Cho nên, hầu hết Bảo Thành và các bạn luôn bị rơi vào trạng thái làm biếng, lười biếng và không chịu học, không có kiến thức. Ta chẳng có kiến thức vì làm biếng sao có kiến thức? Không có kiến thức trong xử thế ở đời, không có kiến thức trong sống chung với tập thể, khi giao du với bạn bè, kiến thức về ngôn ngữ, tiếp cận, kiến thức về trang trí thân tâm của mình, kiến thức về làm ăn, tiếp thị, kiến thức về dạy dỗ con cái; hoặc kiến thức về hôn nhân gia đình; hoặc kiến thức về lòng hiếu đạo đối với đấng bậc sinh thành; hoặc kiến thức về sự đối ứng giữa người với người. Nên hầu hết chúng ta cứ cầu mong đấng vô hình, chư vị vô hình nào đó đến làm việc cho chúng ta.

Các bạn thử đi, nếu các bạn không thể tự sai khiến bản thân của mình học hỏi, và làm cho chính mình, phục vụ cho chính mình thì làm sao các bạn có thể sai khiến người ở bên ngoài phục vụ cho các bạn? May ra là cha mẹ yêu thương mình nhiều lắm cho nên sẵn sàng hy sinh, giúp đỡ chúng ta; hoặc vợ chồng, con cái. Người ngoài mà ra sai khiến là người ta đánh chết, huống hồ chi vị vô hình là ai? Đâu phải là người làm công, người ở, nô lệ để ta sai khiến. Cho nên tư tưởng đó không thôi ngay khi khởi dậy đã tạo nghiệp, sai lắm rồi.

Cho nên, ở đời phải bất cứ một phương diện nào cũng vậy, Phật dạy cái mà đối nghịch với chúng ta sẽ mang lại bài học vô giá cho chúng ta học cách để nhận ra rằng ta vẫn còn dư khả năng để sống. Nếu không gặp nghịch cảnh, không gặp sự đối nghịch sao có thể nhận thức được ta vẫn có lòng khoan dung, từ bi; hoặc ta vẫn còn tồn đọng sự sân hận, bản ngã, tự cao tự đại. Dù ở chiều hướng tốt là khai mở lòng khoan dung từ bi, hay chạm vào tự ái, tự cao thì cũng là tánh biết để nhận ra mình để sửa, để tăng trưởng. Cho nên khi gặp sự đối nghịch, sự chống đối, khác biệt đối với suy nghĩ và cách hành xử của chúng ta, nhớ nếu biết tĩnh tâm một chút thì ngay lúc đó ta sẽ học được thật nhiều điều. Còn nếu chỉ phản ứng để bảo vệ cái tôi của mình, cái chấp ngã của mình, tự ái của mình, thường người tự ái dễ rơi vào trạng thái của tự kỷ. Và người tự ái, tự kỷ nhiều sẽ biến mình thành con mọt để gặm nhấm, làm sụp đổ tất cả cuộc đời của chính mình và những người xung quanh. Và nếu có tư tưởng dễ bị chạm do sự đối nghịch khác biệt biến ta thành tự ái, tự kỷ thì như câu người xưa gọi là “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. Cái tự ái của ta nó sẽ chích ta chết ngay, nó sẽ tiêm độc vào cuộc đời như con khỉ nó dòm ngó đủ thứ, rồi nó sai khiến con ong chích chỗ này chỗ kia (tức là đâm chỗ này đâm chỗ kia). Người có tính tự ái thì thường hay đâm thọc, nói khống nói nhiều để cho người khác thương mình và thường hay chơi trò chơi ta là người bị người ta hành hạ, bị người ta chê bai, đối xử không tốt. Chứ không bao giờ dám can đảm nhận rằng vì ta tự ái quá nhiều, đặt cái ngã lên cao phủ hết mọi chỗ, để người khác phục vụ. Khi người ta không phục vụ, không làm theo ý thì tự ái dồn dập và dễ bắt đầu khống chuyện lên để mà lôi kéo những người khác thương mình, bởi vì mình là người bị hại chứ không nghĩ rằng chính tự ái của chúng ta biến mình thành người bị hại. Và đấy là trò chơi của con người, chúng ta thường chơi trò chơi chúng ta bị hại để người khác thương xót và rồi nói không lên để người khác ghét người kia mà thương ta, cái này tạo nghiệp vô số.

Trong nhân gian, Phật tử và bất cứ ai cũng thường có tự ái, tự ái tràn ngập, tự ái dâng trào để chơi trò chơi rằng ta là người bị hại. Mục đích duy nhất là cầu lợi cho ta bằng cách vu khống, nói chuyện không có, chứng tỏ ta là người bị hại để được thương xót ta. Để người đời thương xót ta và khống lên để người đời ghét người kia. Chuyện này luôn có trong xã hội và ở trong gia đình, các bạn nhớ đó cũng là một hình thức nuôi ma con. Khi chúng ta nuôi tự ái, tự ngã của mình là đang nuôi dưỡng ma con. Để lúc nào cũng nghĩ rằng ta là người bị hại, để nói điều sai vu khống, làm sao có thể chuyển hóa được tự ái đó? Chỉ bằng con đường chăm chỉ học hỏi, tu hành, nhận thức trong bạn và trong Bảo Thành có một con ma con đó là ma tự ái. Khi chuyển hóa được con ma tự ái này ta có đời sống chân thật, thiện lành, ta không bị hổ thẹn, ta luôn ngẩng đầu giữa trời đất, ta tịch tĩnh giữa hư không. Còn không sẽ biến thành con mọt chui vào nhà người ta phá rối, biến thành con ong, con khỉ chui tay áo ở trong nhà người ta để tìm cách đâm thọc, chơi trò chơi ta bị xâm hại, đó là tự ái. Chúc các bạn hiểu được để chuyển con ma tự ái thành niềm tin và sức mạnh của cuộc đời qua sự chăm chỉ học hỏi, nâng cao kiến thức ở đời, cũng như qua sự chăm chỉ tu học để khai mở trí tuệ.

Mời đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Để chúng ta bắt đầu vận hành 07 biến từ bi quán chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa.

Chúng con chẳng chịu học hỏi, tu luyện mở mang kiến thức và trí tuệ nên bao đời đã nuôi dưỡng thần thức của mình như con ma để sai khiến làm những chuyện tội lỗi, nguyện sám hối, tinh tấn tu hành. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Tự ái chính là ma con mà chúng con đã nuôi để chơi trò chơi là chúng con luôn bị kẻ khác xâm hại để cầu mong sự thương xót, khống chuyện để gây hận thù, chia rẽ, nguyện tinh tấn tu học và sám hối. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Tự ái và tự cao như những loài ma thì thầm những lời ma mị vào trong tâm tưởng khiến cho chúng con lầm đường lạc lối, tạo nghiệp. Nguyện tinh tấn tu học để được khai mở trí tuệ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã nhận thức được sống không tu học chết chẳng thể làm được gì. Nguyện tinh tấn tu học khi pháp phương tiện là thân người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Lòng tự ái và tự cao đã quay ngược lại hại chúng con, không ai hại chúng con, chúng còn không bị người ngoài hoại, mà bị chính lòng tự ái tự cao xâm hại. Nguyện tinh tấn chuyên cần tu học để chuyển hóa thân tâm tĩnh lặng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Tự ái luôn đè chúng con xuống trong sự tự ngã cao để khinh miệt mọi. Chúng con nguyện tu học để tinh tấn nhận thức rõ điều này, để từ đây phát triển thân tâm của mình bằng trí tuệ, chân lý của Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện khai mở trí tuệ bằng sự tinh tấn tu học, để khi tới thì tự tại thong dong, khi đi thì bình an hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta đã tu học xong rồi các bạn ơi, từ nay đừng nuôi ma con nữa mà hãy nuôi dưỡng tâm tánh bằng chân lý thiện lành của Phật. Hãy chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và chúng con nguyện sẽ chấm dứt nuôi dưỡng ma con trong thần thức của chính mình. Tinh tấn tu học để tăng trưởng kiến thức và khai mở trí tuệ, ứng dụng pháp phương tiện làm người, mang lại sự lợi lạc cho cuộc đời và chúng sanh chúng con đang sống chung. Nguyện hồi hướng tới các nhà nguyên thủ quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho những nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược chế tạo ra thật nhiều vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới an ủi và chữa lành bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai còn đang đau khổ, phiền não tìm được sự hạnh phúc và bình an trong sự tu học. Hồi hướng cho các hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts