Search

Bài 1265: Một Kiếp Người – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến, chỉ còn đôi ba ngày nữa là một năm cũ sẽ qua đi. Năm mới kề cận trong từng thời khắc khi tiếng tích tắc của đồng hồ cứ nhẹ nhàng chẳng nuối tiếc, chẳng chờ đợi, cũng chẳng mong chờ, thật là tự nhiên trôi. Còn chúng ta, mỗi một người ở trong một hoàn cảnh khác nhau. Thời gian lặng lẽ trôi, nhìn lại cuộc đời một kiếp người của chúng ta, ta nghĩ sao? “Một Kiếp Người” là chủ đề gửi về để cùng suy ngẫm trong những ngày cuối của năm 2020.

Mời các bạn đi vào hơi thở chánh niệm, trụ tâm trong tánh thấy biết của hơi thở. Tiếp đón năng lượng từ bi của Phật ban rải xuống và dùng trí tuệ, từ bi để chúng ta cùng nhau tìm về một kiếp người của mình.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, để chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực để chúng con hiểu thấu về “Một Kiếp Người”. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, có lẽ trong cuộc đời của chúng ta ít có cơ hội ngồi một mình để suy nghiệm một kiếp người như thế nào. Ngoại trừ khi chúng ta bị rơi vào một tình cảnh đau khổ vô cùng. Đau khổ đến mức mà chúng ta phải ngồi lại để nhìn về cuộc đời. Trong những lúc như thế, tâm tư của chúng ta chạy tán loạn, không biết như thế nào. Thật nhiều những tư tưởng và ý nghĩa đan xen lẫn lộn, thêu dệt để diễn tả về một kiếp người. Tuy nó không chính xác, nhưng ít nhất trong lúc đó ta nếm được mùi vị của cuộc đời của chính mình. Có những mùi vị khi nếm được nước mắt cứ chảy dài không thể ngừng. Có những mùi vị của cuộc đời khi nếm được ta buồn một cách thê thảm, lê thê, lất thất đến mức mà xả mình trong bia rượu, trong những cuộc chơi trác táng bất cần đời. Có những mùi vị khi ta nếm được ta cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, sống đó rồi chết đó, rồi từ đó chúng ta không quan tâm đến điều gì, để trở thành một người sống vô định mất phương hướng. Cũng có những mùi vị làm cho chúng ta lìa xa cha mẹ, bạn bè, trốn tránh xã hội, đi vào rừng sâu núi thẳm như tìm một điều gì đó huyễn tưởng, khó hiểu. Nhưng cũng có những mùi vị của cuộc đời nâng cao phẩm cách sống để rồi trở về sống trọn vẹn với nghĩa tình của người con, của người cha, người chồng, người mẹ, của một kiếp người có giá trị.

Mỗi một chúng ta trong từng giai đoạn của cuộc đời thăng trầm, cay đắng, ngọt bùi, nhất định sẽ để lại thật nhiều dấu ấn để chiêm nghiệm về một kiếp người. Ta cứ nhìn qua những bậc vương giả thời xưa, như vua chúa nổi tiếng lừng danh như ông đại đế Alexander, Napoleon, Thành Cát Tư Hãn; hay tất cả những bậc vua chúa ngày xưa quyền lực cổ kim ở Đông-Tây. Tất cả rồi đến những quốc gia nhỏ bé như Việt Nam, biết bao nhiêu vị vua chúa (nếu đọc về lịch sử hiện hữu), rồi cuối cùng, một kiếp người cũng xong để trở về với lòng đất mà thôi. Nhìn một người ăn xin bên lề đường mới hôm nào còn thấy, nay đã vắng bóng xong một kiếp người. Một người giàu có lừng lẫy cả một vùng thời xưa, nếu người dân miền Tây chắc có lẽ biết được Hắc Công Tử (là người giàu có), Bạch Công Tử (ở Bạc Liêu), hai vị công tử Bạc Liêu này hình như để lại một cái giai thoại cũng lừng lẫy một thời nhưng nay có còn đâu. 

Trở về với những con người ta gặp được trong dòng tộc, ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, có lẽ cũng là những bậc đã thành tựu nhiều kết quả nhưng rồi cũng ra đi sau một kiếp người. Còn chăng là những mồ mả còn để đó. Chúng ta cứ từ từ liệt kê qua và rồi thấy biết bao nhiêu bạn bè của chúng ta, người thật là tốt theo quan điểm nhận xét của mình, người thật không tốt cũng theo quan điểm nhận xét cá nhân của riêng mình cũng từ từ chia tay chúng ta. Và không ai xa lạ đâu, chúng ta đang xếp hàng để đi tới đoạn cuối của cuộc đời, để kết thúc một kiếp người dưới mồ sâu hoang lạnh. Nếu cứ nghĩ sinh ra để sống rồi đi tới cái đích là chết, thì cuộc đời quá tiêu cực. Nếu cứ nghĩ rằng một kiếp người là chỉ đi làm, ăn uống, lấy vợ lấy chồng, có con cái, xây dựng nhà cửa, sinh hoạt với vật chất, với tinh thần, với những cách sống rất bình thường của loài người rồi kết liễu trong giây phút cuối cùng chẳng còn biết gì, nó cũng hơi tiêu cực. Và câu hỏi đặt ra có phải chăng một kiếp người sinh ra để rồi chết? Giữa khoảng trống của chết và sống đó chỉ là vơ vét vào những điều để tăng trưởng cảm xúc gọi là hạnh phúc, hay thỏa mãn những cảm xúc ta mong muốn. Nếu cuộc đời cứ như vậy thì có chăng ý nghĩa gì? Sống cũng như chết, chết cũng như sống. Khoảng trống của cuộc đời giữa sống-chết chỉ là những thứ vô bổ mà chúng ta miệt mài, hao mòn; hoặc là bào mòn sức khỏe, tâm trí, tinh thần để đi tìm một thứ mà biết chắc chắn chẳng thể mang theo được.

Có phải chăng Đức Phật không nhìn ra điều đó? Có phải chăng chúng ta cũng không nhìn ra điều đó? Hay tất cả mọi người đều nhìn ra nhưng cứ mặc kệ, cuộc đời là thế ai cũng phải trôi qua, có chi phải lo lắng quá nhiều, thôi hãy tự nhiên ăn chơi xả láng. Người giàu cũng chết, kẻ nghèo cũng chết, kẻ có đức hạnh rồi cũng chết, kẻ sống tha hóa cuộc đời vào những cuộc chơi vô bổ, hay tạo khổ cho muôn người rồi cũng chết. Chết là hết, có phải chăng đó là dấu chấm kết thúc cuộc đời người, hay dấu chấm hỏi cho những ai thường suy niệm về cuộc đời một kiếp người. Và câu trả lời cho dấu chấm hỏi đó là gì? Một kiếp người có phải chăng kết thúc khi chúng ta chết?

Cứ tạm gọi một kiếp người kết thúc khi chúng ta chết. Thế mà khi ta gặp đau khổ, ta gặp những chuyện buồn, ta gặp những chuyện không vui, ta làm gì? Ta đổ thừa cho số mệnh hay ta còn gọi là “ôi, là bởi vì kiếp trước nghiệp của ta quá nhiều!”. Hôm nay chúng ta cứ gọi là kiếp trước ta tạo nghiệp nhiều nên kiếp này ta phải vậy, phải trả, có vay có trả. Gặp người giàu có sung sướng, sinh trong gia đình đầy đủ điều kiện thì đôi khi tự hào, kiếp trước ta có nhiều phước, tạo được phước báu nhiều, sinh ra trong gia đình có cha mẹ thành công, rồi thừa hưởng gia tài lại có trí tuệ (tức là có não bộ hoạt động siêu suất, học đâu biết đó, học đâu hiểu đó). Dù bạn hài lòng với cuộc sống của bạn hay không hài lòng, ta vẫn luôn được nhắc nhở rằng bởi vì kết quả do nhân kiếp trước tạo thành quả kiếp này. Rất tốt cho chúng có chiều hướng suy nghĩ về kiếp trước cho nên kiếp này ta được hưởng cái tốt hay cái xấu. Tốt-xấu cũng là điều ta phải hưởng bởi nhân của kiếp trước. Nhưng cứ tự hỏi xem ta có suy nghĩ thêm một đoạn nữa không, tức là có nhân-quả của kiếp trước mang tới kiếp này thì có chăng ta phải tạo nhân-quả như thế nào để cho kiếp sau? Như vậy, một kiếp người không hẳn rằng chấm dứt ở chỗ chết, bởi ta thường có sự lui tới của kiếp trước bởi nghiệp thì chắc chắn vẫn có kiếp sau. Và nghiệp gì ta mang theo về kiếp sau? Nhưng tất cả kiếp trước, kiếp sau sẽ không có giá trị nếu ngay trong kiếp người hiện tại đây ta không làm chủ và sống được như những lời Phật.

Hãy nhớ về cuộc đời của Đức Phật, Ngài gặp biết bao nhiêu những con người từ những bậc Vương giả, vua chúa có quyền lực cao. Từ những bậc gọi là tỷ phú, đại gia như ông Cấp Cô Độc, Thái Tử Kỳ Đà. Từ những bậc trưởng giả học giỏi như ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ngài Ca Diếp. Từ biết bao nhiêu những người làm việc là quan thời đó, là những tỳ nữ của vua chúa, là những bậc học giỏi Bà La Môn. Ngay cả những kẻ thù hay những người đối nghịch luôn luôn đeo đuổi hại Phật như người anh em họ Đề Ba Đạt Đa. Tới những người rất bình thường dân giả chỉ biết đi hốt phân cho người như ông Ni Đề. Rồi tất cả mọi người, mọi tầng lớp xã hội, Đức Phật còn gặp cả những người tội lỗi vô cùng như ông Vô Não cả một đời giết người. Rồi Đức Phật còn gặp những người bệnh hoạn, sắp sửa chết Phật chăm sóc. Phật gặp cả người mà con họ chết rồi tới với Phật để tìm ra chân lý. Nói đúng hơn là cuộc đời của Đức Phật, Ngài gặp tất cả mọi hạng người. Mỗi một kiếp người đi qua cuộc đời của Đức Phật mà nhân duyên Phật gặp được, Phật đều đón nhận họ không cần biết họ là người giàu, kẻ nghèo, có học thức hay không. Câu hỏi là làm sao Đức Phật vẫn an nhiên tự tại, vui vẻ và hạnh phúc, nhân từ và bác ái để có thể mở rộng vòng tay đón nhận mọi kiếp người đi vào cuộc đời với tâm hoan hỷ? Cuộc đời của Đức Phật không chọn lựa những con người cao sang, giàu có, kiến thức cũng chẳng từ bỏ những người bần hàn. Mà Ngài đối xử với tất cả mọi kiếp người đi qua cuộc đời của Ngài bằng sự bình đẳng và từ bi. Bởi vì sao? Ngài đã thấy một kiếp người không phải sinh ra để chết, bởi trong nhân tố một con người hiện tại chúng ta đang sống mang kiếp người này, chẳng phải sinh ra để chờ chết, để vơ vét vào trong cuộc đời những điều gọi là thú vui của trần thế. Nhưng để làm sao phát huy và phát triển được tiềm năng vốn có là ta hiện hữu trong kiếp này.

Chúng ta nhìn cuộc đời được so sánh bằng tiền, bằng kiến thức, bằng quyền lực, chúng ta nhìn một kiếp người được so sánh bởi sự hơn thua. Nhưng Đức Phật nhìn một kiếp người chẳng hơn chẳng thua trong một chữ duy nhất cho là “Giác”. Khi chúng ta giác, chúng ta tỉnh, khi chúng ta tỉnh ta thấy được chân giá trị thực tế của một kiếp người. Và từ đó trong kiếp người đó với sự giác ngộ như vậy, ta lan tỏa được cái chất thực sự vốn có trong kiếp người hiện tại của chúng ta, chất đó là yêu thương, là từ bi. Cho nên Đức Phật là đấng từ bi, Ngài từ bi vô cùng đến mức chẳng mảy may phân biệt một chúng sanh nào, nhỏ to, thấp bé, quan trọng hay không quan trọng. Đối với Ngài, tất cả mọi chúng sanh đều bình đẳng trong tâm từ bi bởi Ngài là bậc đại giác. Nếu chúng ta trở về với cái tánh “Giác” đó, ta sẽ sống lan tỏa yêu thương từ bi, sống đúng một kiếp người để không tủi hẹn với cửu huyền thất tổ, với ông bà, với đấng bậc sinh thành đã giáo dưỡng sinh ra thân xác này, với các bậc thầy Tổ, với các thầy cô đã hướng dẫn cho ta đi vào đời.

Các bạn, ta theo Phật, ta là hàng Phật tử tại gia. Đặc biệt trong những ngày cuối của năm, ta phải chiêm nghiệm thật kỹ để nhìn thấu một kiếp người của chính mình, và nhận ra chân giá trị vốn có trong ta, cái chất vi diệu đó là từ bi bởi tánh “Giác”. Nếu các bạn giác được rồi sẽ nhận rõ được chất liệu siêu thế, phi phàm vốn có trong ta là từ bi, là yêu thương. Sống yêu thương để rồi không cần phải hỏi có gì không trong cuộc đời mà nhận biết rõ ta có – có yêu thương, có từ bi. Để ta đi vào cuộc đời này bằng tâm từ bi đó, tâm từ bi rất quan trọng. Tâm từ bi là chất liệu siêu thế vốn có trong ta và chỉ có ai giác ngộ mới nhận ra. Phật là đấng giác ngộ đã nhận ra, còn ta không cần thiết phải giác ngộ như Phật, bởi ta đã nhận Phật làm thầy – Ngài là đấng giác ngộ. Nhưng ta phải nhận Phật là bậc Thầy và phải nhận ra mình là học trò, để theo sự hướng dẫn của Phật mà làm theo những điều Phật dạy, nhất định ta sẽ làm được và thực hành được những điều bậc đã giác ngộ, tuy ta chưa giác ngộ. Phật giác ngộ thấy được trong thân phận làm người, trong một kiếp người luôn có tố chất yêu thương, từ bi. Và nếu như phát triển được tố chất từ bi, yêu thương đó, ta sẽ tăng trưởng được hằng ha sa phước báu ngay trong kiếp người này. Để thành tựu được sự hạnh phúc và bình an, thành tựu được tất cả những điều ta muốn có vừa đủ để sống trong cuộc đời làm người. Chưa cần chờ đến sự giác ngộ ta thành tựu bởi ta đã có bậc giác ngộ đi vào cuộc đời hướng dẫn cho ta. Chỉ cần làm theo những gì bậc giác ngộ dạy, ta sẽ hành được những điều bậc giác ngộ đã hành. Đây là câu ta phải suy nghĩ kỹ để thấu hiểu mới thấy niềm vui dâng trào.

Có biết bao nhiêu con người từ bỏ tất cả, mong rằng đi đến sự giác ngộ rồi mới hành được những điều bậc giác ngộ hành. Nhưng không nhất thiết, ta đã có Thầy của ta là Đức Thầy Bổn Sư – bậc đại giác ngộ. Ta chỉ cần chăm chỉ làm theo những gì bậc giác ngộ dạy, hành theo những điều đó. Các bạn, ta có khả năng làm theo những điều hướng dẫn của bậc giác ngộ. Nói một cách khác là ta có khả năng làm được những điều bậc giác ngộ đã làm. Có chi chờ đến lúc giác ngộ mới làm, phải không các bạn? Không cần thiết chờ đến sự giác ngộ mà hãy hành những điều bậc giác ngộ đã hành. Qua việc đi theo sự hướng dẫn đó, ta sẽ xây được ngôi nhà Niết Bàn một cách rất chậm, rất từ từ, rất kiên cố, rất vững chãi. Bằng những hành vi cụ thể, làm theo bậc giác ngộ đã hướng dẫn cho chúng ta là hãy sống và đối xử với nhau bằng sự bình đẳng – từ bi. Đạo Phật xoay quanh bình đẳng – từ bi. Sống bình đẳng – từ bi là có thể xoay chuyển được tất cả mọi dòng nghiệp thức bất thiện ta đã tạo ra. Sống bình đẳng – từ bi là sống đích thực của nghĩa cử người đã đón nhận Phật làm Thầy, đúng với hàng Phật tử tại gia chúng ta. Hãy sống với điều này. Nó thật là đơn giản không có khó, nếu các bạn nhận rõ kiếp người của ta sinh ra không phải là chờ chết mà kiếp người của ta sinh ra là để thăng hoa cái vốn vốn có trong ta, đó là sự bình đẳng tánh trí cùng với Phật, và có năng lượng từ bi vô hạn. Hãy lan tỏa trao ra thì chúng ta sẽ đón lại được tất cả.

Một kiếp người không nằm gọn trong hai chữ sinh ra rồi chết, và khúc giữa là vơ vét, bám vào bởi lòng tham. Mà một kiếp người sinh ra như hạt giống vốn có chất sống khi ươm vào lòng đất nó sẽ mọc thành cây trổ hoa, kết trái. Kiếp người của chúng ta vốn là hạt giống bình đẳng và từ bi. Nay được Đức Phật như một nhà nông siêu việt, chọn đúng thế đất của cuộc đời nơi mỗi chúng ta, và đã ghé ngang cuộc đời dạy dỗ chúng ta tự ươm hạt giống vốn có của mình vào lòng đời sanh diệt, thăng trầm này. Để trổ lên một mầm sen tươi, một cây cổ thụ như cây tùng cây bách, để có thể vươn cành mọc lá che kín ánh nắng, để làm cho những ai mệt mỏi và đau khổ có thể nương vào gốc cây của cuộc đời từ bi bình đẳng của chúng ta, nghỉ ngơi đôi chút mà trở lại phục hồi sức mạnh, tiếp tục đoạn đường họ phải đi.

Các bạn, sự bình đẳng trong từ bi rất quan trọng nơi kiếp người của ta. Ở đời thường nói khôn cũng chết, dại cũng chết để rồi chúng ta không còn quan trọng cuộc đời mà sống xả láng. Chúng ta nhớ rằng không phải! Đó là những tư tưởng được đan xen bởi những dòng suy nghĩ trong bế tắc của những người còn đắm mình trong vô minh. Còn dòng tư tưởng của bậc giác ngộ đã thoát ra khỏi vô minh, dưới ánh sáng trí tuệ Ngài nhìn rõ. Bình đẳng và trí tuệ, từ bi và yêu thương là điều vốn có trong ta chẳng cần phải tìm, chẳng cần phải bồi dưỡng nữa các bạn, chỉ cần ứng dụng mà thôi. Nếu ta đã có một điều vốn có, nó kỳ diệu như vậy các bạn còn đi tìm gì nữa, sao không ứng dụng vào cuộc đời? Để cho đấng bậc sinh thành được hạnh phúc, được trường thọ, được khỏe mạnh, được vui để bớt phiền bớt não sống vui với ta, sống hạnh phúc với ta. Để cho vợ chồng keo sơn gắn bó, biết tha thứ để tiến lên đỉnh cao hạnh phúc. Để cho con cái hiểu thấu chúng ta, sống để tinh tấn học hỏi, để thành nhân thành tài. Để cho muôn người ta quan hệ sống hài lòng, để cho cuộc đời của ta bởi nhọc nhằn. Và để cho tâm từ bi lan tỏa như hương đức hạnh ngược đời, ngược gió, ngược dòng thời gian vẫn lan tỏa mãi mãi chẳng bao giờ phôi phai. Một kiếp người như vậy là một kiếp người sống đúng với sự chỉ dạy của bậc đại giác là Phật hướng dẫn cho chúng ta. Không cần đợi cho đến khi giác ngộ mới bắt đầu sống bình đẳng và từ bi. Chỉ cần cứ đi theo lời dạy của Phật, sống đối xử bình đẳng, yêu thương và từ bi là ta đang sống với phẩm hạnh của một bậc giác ngộ.

Các bạn suy nghĩ về những ngày cuối của năm nay? Một năm tràn đầy những trắc trở, sợ hãi, đau thương, phiền muộn, chưa nói đến sự thất bại thê thảm của nhiều người. Và đã biết bao nhiêu con người từ bỏ cuộc sống trong năm nay cũng bởi vì sự khủng hoảng này. Rồi biết bao nhiêu con người đang sống rơi vào sự trầm cảm, lo lắng? Chúng ta còn có phước báu quá nhiều bởi pháp của nhà Phật đã nuôi dưỡng chúng ta có được sự bình tĩnh, nhẹ nhàng. Để chúng ta làm gì? Để ta thấu hiểu được ý nghĩa “Một Kiếp Người”, để từ đó ta phải sống đúng như vậy. Để như một tấm gương cho muôn người gần gũi với ta trong gia đình noi theo. Bởi nhìn thấy đời sống của ta là một đời sống mang lại hạnh phúc yêu thương thực sự. Có như vậy ta mới thực sự là đệ tử của Phật.

Các bạn, ở trên đời thông thường ta cứ chờ tới khi có. Có tiền thật nhiều rồi mới làm từ thiện, có trí tuệ thật nhiều rồi mới đi giúp đời. Ta cứ chờ, chờ hoài rồi cứ khất lần ngày này qua ngày kia. Ngay cả sự tu ở đời ta cũng khất, thôi để khi nào rảnh rỗi. Nhưng khi bệnh hoạn đau khổ mới chạy tới chùa đọc Kinh, cúng kiến, xin xỏ. Đó không phải là tinh thần của người con Phật. Tinh thần của người con Phật là tinh thần biết đi theo những lời dạy của Phật và hành ngay từ bây giờ. Dù rằng sinh ra tay trắng, chết rồi cũng trắng tay mà thôi nhưng giữa tay trắng – trắng tay đó, ta vẫn có năng lượng của nguồn từ bi Phật ban rải, đánh thức ta dậy. Và rồi ta có tâm bình đẳng đối xử với muôn người thì giữa hai khoảng trống của trắng tay – tay trắng có chi đâu để mà gạn lọc, để mà lượm lặt những ngôn từ tô điểm, tô vẽ ở giữa làm chi? Mà chỉ cần đi theo lời dạy của Phật. Hãy sống và đối xử với nhau bằng tâm bình đẳng yêu thương thì nhất định ta sẽ sống trọn một kiếp người có ý nghĩa.

Hãy nghĩ cho thật kỹ, các bạn và Bảo Thành đã có tâm từ thiện từ lâu. Chúng ta đã từng đi làm từ thiện những trung tâm dưỡng lão của những cụ bà, cụ ông bị bỏ rơi. Nhìn những dòng nước mắt trên khóe mắt khô cằn nhăn nheo của những vị lớn tuổi, không cầm được cứ chảy mãi bởi nhớ con nhớ cháu, nhớ cả cuộc đời hy sinh. Nhưng rồi phút cuối bị đẩy lùi ra khỏi cuộc sống của những con người ta hy sinh, chăm sóc. Các bạn tới các trung tâm dưỡng lão sẽ thấy được và câu hỏi rằng một kiếp người có phải là thế? Rồi chúng ta đi tới những trại mồ côi, những phận người sinh ra bệnh hoạn, khuyết tật, rồi còn bị ảnh hưởng não bộ thần kinh, chẳng được tự do, nằm ở trên giường mà bị xiềng xích. Câu hỏi có phải chăng đó là một kiếp người? Rồi ta lại nhìn thấy những em bé mồ côi sinh ra không cha không mẹ, phải nương vào bàn tay của các Ma Sơ, của quý Sư, Sư Cô, của những vị mạnh thường quân lớn lên trong cuộc đời. Câu hỏi kiếp người có phải là thế? Đi vào lòng đời, bên những lề đường thấy những người ăn xin, những người không tự chủ được cuộc sống, kiếp người là thế?

Hay như Bảo Thành có một người bạn đã quen trên 40 năm (thuở từ nhỏ). Khi xa quê hương trở về gần 40 năm sau, người đó vẫn như 40 năm trước, đắm mình vào trong rượu. Cuộc sống là tìm vào chất men, uống vài ly rượu rồi ngất ngưởng giữa cuộc đời. Cuộc đời có phải là thế, làm nô lệ cho ma men? Và biết bao nhiêu cảnh trong cuộc đời, câu hỏi của chúng ta là khi nhìn thấy có phải chăng cuộc đời là thế? Một kiếp người như vậy hay sao?

Nhìn lại chính mình, các bạn tự hỏi một kiếp người của chúng ta là như vậy hay sao? Được lập trình ở giữa chết và sống, là đi tìm miếng ăn miếng uống, quần áo, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, vợ chồng, con cái để cuối cùng kết thúc bằng sự chết. Hay chúng ta lại làm cuộc đời để hiểu rõ về kiếp người theo như lời Phật dạy? Dĩ nhiên ta không cần thiết phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ bỏ con, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ công ăn việc làm, bỏ những ước mơ cao đẹp thành tựu trong cuộc đời, bởi ta là Phật tử tại gia – không cần! Bởi những thứ đó là những thứ tự nhiên trong kiếp người nên có, nhưng có như thế nào? Có bằng tinh thần bình đẳng, có bằng tinh thần từ bi yêu thương thì tất cả những gì ta có đó sẽ trở thành ý nghĩa vô cùng. Còn nếu như chúng ta có tất những gì ta mong muốn mà thiếu đi chất liệu của sự đối xử bình đẳng và lòng từ bi nó sẽ trở nên vô nghĩa. Và một kiếp người của ta ở giữa là sự tham chấp của ái dục, của vật chất, của ước nguyện hão huyền, của ngũ dục để rồi kết thúc một đời người dưới mồ sâu hoang lạnh, người ta sẽ quên bạn. Sống không phải để người ta nhớ đến mình, mà sống để mình nhớ đến chính mình có một chất liệu cao quý, đó là sự biết đối xử bình đẳng và lòng từ bi vô thượng vốn có trong ta. Sống như thế là đã sống và hành đúng như bậc giác ngộ rồi. Và kết quả cuối cùng không phải đợi đến ngày mai, kết quả sẽ tới ngay trong hiện tại. Là chúng ta, Bảo Thành và các bạn sẽ có một đời sống an vui, một đời sống khỏe mạnh, bớt bệnh, bớt phiền não, sống tịch tĩnh, sống biết dung thông với mọi người, sống biết mỉm cười với tha nhân, sống biết san sẻ với tất cả. Và sống thực sự đúng ý nghĩa một kiếp người đã gặp được Phật pháp, một kiếp người đã nhận Phật làm Thầy, một kiếp người mà Phật đã dạy. 

Hãy đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực để cho chúng con hiểu thấu một kiếp người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)   

Mô Phật! Các bạn, chúng ta nấu cơm theo sự chỉ dạy của mẹ. Lấy gạo rửa cho sạch, đổ nước vào đun lửa một thời đúng mức cơm sẽ chín, để chúng ta hưởng dụng. Đức Phật là bậc Thầy dạy cho chúng ta nấu nồi cơm phước báu. Ta bỏ cuộc đời vào chánh niệm hơi thở, ta đổ vào đó năng lượng từ bi và ta quán chiếu thân tâm. Với ngọn lửa – lửa của lòng nhiệt huyết vươn tới sự thành tựu an lạc, bình đẳng, từ bi. Nhất định ta sẽ có một nồi cơm phước báu để ta hưởng dụng nuôi cuộc sống. Và để chúng ta cúng dường cho muôn loài để cùng với chúng ta sống trong sự bình đẳng và yêu thương. Sự tu ở đời với giáo lý của Phật không nhất thiết cứ phải lần mò, đợi đến lúc thành công. Mà từng bước, từng bước chỉ cần làm theo sự chỉ dẫn của Phật ta sẽ có một nồi cơm phước báu tràn đầy. Như cơm hương tích của ông Duy Ma Cật, thỉnh từ cõi trời hương tích mà dâng hiến cho muôn người, thơm lừng đức hạnh. Chúng ta cũng thế, đừng chờ đến phút cuối của cuộc đời mới lần mò vào cửa Thiền môn, nhà chùa để nhờ người thân mang hũ tro, hũ cốt cầu Kinh. Mà ngay trong lúc này, hơi thở vào thở ra với lửa nhiệt huyết vươn tới sự tinh tấn vượt qua bằng tự lực, đón nhận năng lượng từ bi của mười phương Chư Phật. Tưới tẩm vào cuộc đời, sống ngay bây giờ trong chánh niệm hơi thở. Để tâm trụ vào đó, giữ năm giới, tin vào ba ngôi Tam Bảo, nhìn rõ nhân quả thiện ác, hành mười điều thiện. Chúng ta, ai ai cũng có được nồi cơm hương tích từ cõi Phật hương tích.

Các bạn thân mến, thơm lắm. Thơm mùi đức hạnh, thơm mùi giới hạnh, thơm hơi thở chánh niệm, thơm năng lượng từ bi, thơm hành động, tư tưởng, lời nói được diễn tả và hành đúng trong cuộc đời bằng sự bình đẳng, yêu thương và từ bi. Có gì trao cho nhau? Có cơm Hương tích của cõi Phật hương tích. Có cõi lòng bình đẳng, có năng lượng từ bi vốn có nơi ta. Chỉ cần sống như vậy đã đủ và đã tốt đẹp lắm rồi cho phận làm người có đủ phước báu làm Phật tử tại gia. Các bạn cưỡng cầu điều gì cao hơn nữa? Dĩ nhiên, không thể làm việc nếu không no bụng. Nếu các bạn không có được chén cơm Hương tích để ăn vào thơm lừng cuộc đời bằng nghĩa cử đối xử với nhau bằng một đời sống bình đẳng, từ bi. Thì chúng ta chỉ là ngạ quỷ, là ma đói trong cuộc đời, tự thắt cổ mình lại và tưởng tượng cho bụng phình to ra, vơ vét nhưng chẳng thể ăn được. Bởi cái cổ quá nhỏ do chính lòng tham chấp của ta tạo ra. Sống mang thân kiếp người nhưng mà sống đời ngạ quỷ đói khát, mong cầu những điều huyễn ảo, vơ vét cho nhiều mà chẳng thể ăn được.

Các bạn hãy sống ý nghĩa một kiếp người. Thực sự một kiếp người đã học được Pháp của nhà Phật. Học được tánh đối xử với nhau bình đẳng và chan hòa năng lượng từ bi yêu thương tới muôn người. Một kiếp người ngắn lắm, gọn trong một hơi thở của sanh tử. Nhưng sẽ có ý nghĩa vô cùng cho chính giây phút ngắn ngủi trong chánh niệm đó. Nếu chúng ta trụ tâm trong tánh thấy biết, và đón nhận năng lượng từ bi của Phật, tăng trưởng đời sống bằng tâm bình đẳng tánh trí từ bi. Thì dù một giây sống trong cuộc đời này, kiếp người của chúng ta cũng tràn đầy ý nghĩa hơn sống cả trăm năm mà không thấm và hiểu được ý nghĩa này.

Các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Một kiếp người ngắn ngủi trong sanh tử. Chúng con nguyện an trú trong chánh niệm hơi thở, bình đẳng từ bi. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Có gì giữa vòng sanh tử? Có bình đẳng, có từ bi. Chúng con nguyện an trú trong chánh niệm hơi thở để sống bình đẳng và từ bi. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con không đứng đó để chờ chết hoặc đợi đến lúc giác ngộ. Chúng con phát nguyện thực hành theo lời Phật dạy sống bình đẳng và từ bi, ngay bây giờ trong kiếp người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Một kiếp người sẽ có ý nghĩa vô cùng, chúng con phát nguyện hành theo lời Phật sống chánh niệm hơi thở, quán chiếu cuộc đời bằng thấy biết, tăng trưởng từ bi và yêu thương. Sống trọn một kiếp người ý nghĩa theo lời Phật đã dạy. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện trụ vào chánh niệm hơi thở để lấy bình đẳng từ bi, yêu thương, sống trọn kiếp người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Một kiếp người có gì? Có sự bình đẳng, có từ bi và yêu thương. Chúng con phát nguyện trụ vào chánh niệm hơi thở, để hành đúng lời Đức Phật đã dạy. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật gia trì cho chúng con sống đúng lời Đức Phật dạy, sống từ bi bình đẳng, sống yêu thương và nhân ái. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.Và gia trì cho chúng con biết sống đúng phẩm chất cao quý là bình đẳng, từ bi mà Phật đã dạy. Nguyện hồi hướng công đức này tới các nhà nguyên thủ các quốc gia, sống biết đối xử bình đẳng yêu thương, và thành lập nên chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược biết sáng tạo và chế ra những vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh chữa lành các căn bệnh nguy hiểm trên thế giới này. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân. Và hồi hướng cho tất cả mọi người đang đau khổ phiền não, tìm được bến bờ hạnh phúc và an vui nơi sự tu tập Pháp Phật nhiệm mầu. Hồi hướng cho các vong linh được vãng sanh miền cực lạc.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn