Search

Bài 1264: Hạnh Phúc Trong Đau Khổ – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải pha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và xin Phật gia trì cho chúng con tìm được hạnh phúc ngay trong đau khổ của cuộc đời. Cũng thành tâm hồi hướng tới tất cả quý Phật tử đang lâm trọng bệnh được khỏe mạnh, được bình an tự tại. Hồi hướng cho tất cả hương linh Cửu Huyền Thất Tổ và cha mẹ, những người yêu thương quá vãng được siêu sanh miền Tịnh Độ.

Mô Phật! Các bạn thân mến, Đức Thế Tôn tu hành vô lượng kiếp liên tục để chứng đắc quả vị Phật là không còn luân hồi đau khổ và tìm ra phương pháp để giúp cho con người, chúng sanh đang hiện thân trong cõi Ta Bà này chuyển hóa được mọi khổ đau và phiền não.

Hôm nay với đề mục “Hạnh Phúc Trong Khổ Đau” với hơi thở chánh niệm tu tập, với tánh thấy biết, quán chiếu thân-tâm-cảm-thọ qua từng giây phút, để chúng ta sàng lọc, gội rửa những bất thiện nghiệp của chúng ta. Ngừng hẳn để tăng trưởng những hành vi, lời nói và suy nghĩ theo thiện pháp. Mong rằng những điều như vậy đúng chân lý Đức Phật đã dạy, để cho mỗi người chúng ta hiểu thấu, thực hành mà bớt khổ, thêm vui.

Và giờ đây đã đến giờ, mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Chúng ta hãy lấy trí tuệ và từ bi vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Trong Thiền Mật song tu,  khi các bạn hít vào – thở ra với mật chú Mu A Mu Sa, phước duyên của từng người khác biệt, tuy nhiên ai trong chúng ta cũng dần lãnh hội được tha lực Phật điển ban rải, tác động vào thân tâm, giúp cho chúng ta khởi nguồn yêu thương, từ bi, có sự tịch tĩnh, an nhiên, hoan hỉ để quán chiếu những dòng suy nghĩ, cũng như về chính bản thân của mình ngay lúc này. Mời các bạn.

(Hít vào thì bằng mũi và khi thở ra các bạn nhớ trì mật chú đều – nhẹ nhàng).

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực để chúng con tìm thấy hạnh phúc trong đau khổ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú

Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn!

Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người chúng ta đều trở lại sự đồng tu và sự đồng tu của chúng ta đã miên mật mỗi ngày. Dĩ nhiên trong những hoàn cảnh khó, có các bạn không thể liên tục đúng giờ tu, nhưng vẫn bắt kịp trong sự đồng tu khi coi lại. Phương tiện tuyệt vời của ngày nay là chúng ta có thể lên trên mạng vào trong kênh Youtube, để rồi cùng liên kết với Bảo Thành đồng tu. Dù trực tiếp hay gián tiếp, sự đồng tu của chúng ta vẫn mang lại sự lợi lạc tốt đẹp cho nhau. Bởi như Chư Phật đã dạy, chết không phải là hết, thân xác bị tiêu tan trở về với bụi đất với cát bụi, trở thành tro bụi cũng chưa hết. Bởi năng lượng của thiện nghiệp và ác nghiệp vẫn là nhân tố chính vẫn tồn tại để đi vào tái sanh. Do đó, trực tiếp hay gián tiếp tu tập cùng với nhau, nguồn năng lượng từ bi của Chư Phật thông qua những phương tiện như vậy vẫn có thể chuyển đến mọi người chúng ta với tâm chân thật, thành kính đón nhận và khép mình trong sự khiêm tốn, mở tâm can, trí tuệ lắng nghe, tu tập thì ai trong chúng ta dù trước hay sau cũng sẽ lĩnh hội được năng lượng từ bi của Phật.

Các bạn, với chủ đề “Hạnh Phúc Trong Đau Khổ”, ở trên đời không ai mong đau khổ hết. Khi chúng ta sinh ra, nếu khi bắt đầu biết suy nghĩ để có được sự mong cầu cho cuộc đời, chẳng có ai đi mong cầu sự đau khổ đến với mình. Ai cũng mong ước hạnh phúc, ai cũng mong ước những điều tốt đẹp, chẳng ai mong cầu những điều không đúng, không hài lòng để gây tạo đau khổ cho chúng ta. Vẫn biết đó là những niềm ao ước của mỗi người khi có trí khôn, nhưng từ thuở chưa khởi được những tư tưởng, mơ ước thì đau khổ đã tới với con người. Ta cứ nhìn thử một em bé, hỏi nguyên nhân tại sao em lại khóc khi thật sự chưa có được kiến thức dệt mơ, dệt mộng, mới sinh ra ở đời òa khóc rồi, và sau đó em vẫn khóc. Như vậy chúng ta phải định nghĩa đau khổ nó tới ở đâu và đau khổ là gì?

Hôm nay, với chủ đề chia sẻ để chúng ta nâng tầm kinh nghiệm, trải nghiệm để trở thành một người có đầy đủ nghệ thuật sống theo lời của Đức Phật, trang điểm cuộc đời, hiểu thấu và chuyển hóa những đau khổ. Các bạn, Đức Phật xuất gia đi vào lòng đời để rồi đi tới sự giác ngộ, mục đích cũng bởi vì một chữ “khổ”. Chúng sanh khổ, nếu chúng sanh không khổ không cần phải có Đức Phật, chẳng cần một vị giác ngộ dạy cho chúng ta. Nhưng bởi vì chúng sanh khổ, chủ đề “khổ” là điều khởi nguồn cho Đức Phật đi tìm chân lý. Và khi Ngài giác ngộ, Ngài thấy khổ đó hiện diện ở mọi nơi. Chỗ nào có chúng sanh – khổ nó hiện diện nơi đó, cho nên khổ nó ở đâu tới? Nó ở bên trong hay bên ngoài? Có chúng sanh là có khổ, không có chúng sanh thì hết khổ. Vậy “khổ” nói theo một nghĩa đơn giản là vốn có trong chúng sanh. Điều gì đã gây ra khổ và gọi tắt theo chữ ngày hôm nay cho đơn giản, để cho nó thêm vầng, thêm điệu, thêm mùi vị của khổ, chúng ta thêm chữ “đau” ở đằng trước.

Thực ra, đau không có khổ các bạn. Ở đời, đau chưa hẳn là khổ, khổ chưa hẳn là đau nhưng mà tiếng Việt đã đưa hai chữ “đau khổ” là thể hiện cho những cảm giác khó chịu, cảm giác không ưng ý, cảm giác bực mình, cảm giác phiền quá, cảm giác không hài lòng. Ta tóm gọn lại gọi là đau khổ mà những cảm giác đó ở trong đời ai cũng có.

Các bạn có khi nào cảm giác khó chịu không? Bởi vì đi một bữa tiệc đám cưới, chủ nhân lại xếp mình vào chỗ mà mình không thích – khó chịu quá. Cả một tiệc cưới vui vẻ của người bạn đó mà mình bực mình, khó chịu, nhất là các bạn nữ trang điểm đẹp, phấn son thật đẹp, tuy nhiên lại được xếp vào ngay bàn mà có những đối tượng hoặc khung cảnh không phù hợp, như xa dàn nhảy rồi ngồi ở đằng sau; hoặc ngồi không gần những bạn bè quen biết. Đám cưới nhạc vui rồi đủ mọi thức ăn ngon, không khí để chúc mừng bạn nhưng chúng ta cảm thấy bực mình. Và chính trong sự bực mình đó, trong một buổi tiệc cưới vui ta không có vui mà ta cảm thấy đau khổ. Để rồi trên nét mặt của chúng ta thể hiện sự cau có, khó chịu mà bực bội quá thì người nó nóng, nóng quá thì mồ hôi nó tan ra, mồ hôi nó chảy thì phấn son bắt đầu nó kì cục. Đó là những hiện tượng rất bình thường của con người, nhưng trong bình thường đó người khôn ngoan nhận thức ra đau khổ tới là chính vì chúng ta không biết chấp nhận, và chúng ta không bao giờ chịu hài lòng với mọi hoàn cảnh khi chúng ta tiếp xúc với. Chính do tâm mong cầu, hiểu được như vậy ta thấy được nguyên nhận của gọi là “đau khổ”.

Các bạn có thấy không, trên một chuyến xe di động ở ngoài để tới chỗ mình mong muốn, mấy ai mà không trải qua những kinh nghiệm đau khổ? Là bởi vì bực mình khó chịu, chẳng biết người đó là ai, phóng thật là nhanh, vừa qua khỏi đầu cúp một lượng qua bên kia, lạng một vài vòng là con mắt đã đau khổ rồi, đâm vô con mắt, rồi thì miệng lẩm bẩm, thậm chí còn có người chửi những lời thô ác, tạo ra khẩu nghiệp. Cũng chỉ vì người ta cắt ngang đầu, chạy ngược xuôi thôi, bực mình mà. Và tự nói sao trên đời lại có những kẻ ngang ngược như thế? Đó là chuyện trên đường, chuyện đi đám cưới. Đi ra ngoài chợ mua một món đồ chuẩn bị cho một bữa ăn trưa, ăn sáng về nhà cũng bực bội. Chồng có hỏi thì biết bao nhiêu chuyện kể, nào là muốn mua món này bà đó bán này không như hài lòng và rồi cuộc đời của con người chúng ta hình như mở mắt ra là bắt đầu tiếp xúc và va chạm là biết bao nhiêu chuyện không như ý nó tới. Và rồi những chuyện không như ý ta không bao giờ chấp nhận những chuyện không như ý, bởi lòng của con người luôn mong cầu những chuyện như ý. Mà những chuyện như ý ở đời hình như nó hiếm, nó hiếm muộn luôn, đến mức mà tìm hoài không có ra. Còn những chuyện bất như ý thì nó tràn lan hết cho nên sự bực mình dễ trỗi dậy và đau khổ từ đó mà đâm chồi nảy lộc, tùm lum ở trong người. Làm cho chúng ta trở thành khu rừng hoang, toàn là gai góc và những thứ cây độc dược đụng vào có thể chết người, đụng vào có thể chảy máu. Nhỏ nhỏ hoặc là lớn, ai ai cũng từng trải nghiệm qua những giây phút đau khổ của cuộc đời. Đau khổ là những cảm giác không có hài lòng, không có được thoải mái, không có được bình an, không được như ý. Nhưng chúng ta thêm chữ “đau”, chẳng qua ta khổ là bởi vì không đáp ứng nhu cầu như ý của ta, thêm chữ “đau” để diễn ta thêm niềm đau nỗi khổ. Nhưng mà trên đời chưa hẳn vậy bởi vì có những thú đau thương, có những người đau mà hạnh phúc. Tại sao có người đi cho người ta lấy kim chích vào tay, hút máu ra mà vẫn hạnh phúc? Là bởi vì khi để cho bác sĩ, ý tá chích vào tay hút máu để hiến máu cho mọi người, người ta thấy được mục đích của cái đau đó nhưng hạnh phúc, cho nên chưa hẳn đau là khổ. Có những người đi vô nhà thương nằm đó cho người ta mổ bụng, moi một trái thận ra ghép cho người khác vậy mà hạnh phúc vô cùng, đau nhưng mà hạnh phúc chứ không khổ. Có những con người thậm chí mà còn đi tới nhà thương để cho bác sĩ móc giùm con mắt nhưng hạnh phúc vô cùng, bởi vì móc mắt ra để hiến cho người mù cả đôi mắt.

Chúng ta thấy ở trên đời này có biết bao nhiêu cái đau nhưng mà hạnh phúc. Cứ thấy như mẹ của chúng ta đau đớn biết chừng nào khi sanh nhưng hạnh phúc khôn lường khi tiếng khóc vừa chào đời của bé thơ. Rồi trong suốt chiều dài của cuộc đời của người mẹ, biết bao nhiêu những chuyện đau khổ của người con mạng lại, như từ chuyện thay tã, mớm cơm, lo thuốc, rồi khi con bệnh hoạn, đau khổ, thế này thế kia mẹ thật là đau nhưng không khổ. Bởi chính vì tình yêu đó mà trong cái đau như vậy người mẹ cảm thấy hạnh phúc, sung sướng bởi lo lắng được cho con. Cho nên đau chưa hẳn là phải khổ, đau hạnh phúc – có, đau khổ – có.

Trở lại không phân tích chữ “đau khổ” theo dạng đó mà chỉ nói dạng chung chung thôi, đau khổ là những cảm giác không như ý, không hài lòng, khó chịu, bực bội làm cho chúng ta phiền não thì đúng hơn. Đó là một dạng đau khổ mà hầu hết ai cũng gặp hàng ngày trong cuộc sống. Hạnh phúc ngược lại tới sự đơn giản theo ý nghĩa là những cảm giác thoải mái, thanh bình, tự tại, tự do, ung dung, ăn một miếng no là hạnh phúc rồi, đi chơi một cuộc với bạn bè là hạnh phúc rồi, đây nói đến ý nghĩa hạnh phúc đơn giản chưa nâng tầm hạnh phúc là Niết bàn. Hạnh phúc của con người là những cảm giác hài lòng, đi ăn một bữa sáng cùng với một người bạn cởi mở, gặp một ông chủ nhà hàng lại tươi cười chào đón, một tô cháo, tô bún hay tô phở ăn vào lại ngon nữa là khởi đầu một ngày hạnh phúc lắm. Cho nên chúng ta thường chúc cho nhau hạnh phúc trong mỗi ngày. Định nghĩa của đau khổ và hạnh phúc này nói đến cảm giác thoải mái hay cảm giác khó chịu đều tới từ tâm chấp nhận hay không chấp nhận, mà tâm chấp nhận hay không chấp nhận theo nhà Phật gọi là sự đối đãi. Chúng ta thường hay đối đãi mà trên đời thường đãi mà không như những thợ đãi cát, đãi đất để tìm vàng; chúng ta đãi để tìm ra cái khổ để rồi than, rồi kể để rồi nhồi nhét cái khổ đó vào trong tai, trong đầu, trong cuộc sống của người khác. Cho nên đã khổ mà còn muốn ô nhiễm, còn muốn lây nhiễm. Vậy thì hạnh phúc trong đau khổ là gì? Hãy nhìn một suy nghĩ đơn giản như Chư Phật dạy, một bông sen đẹp vươn lên từ đống sình lầy, chỉ cái ý nghĩa của sen vươn lên từ đống sình lầy hôi thối thôi, người Phật tử nếu cố gắng tư duy trong chánh niệm sẽ thấy được ý nghĩa các cao tột ở đó, ý nghĩa cao cả và ngay trong sự ngộ ra hạnh phúc sẽ trào dâng. Nhưng ở trên đời không ai chịu suy nghĩ mấy, ngửi thấy mùi sình hôi tanh rồi là la là chửi, bởi chúng ta đã không chấp nhận bài học Đức Phật dạy. Đức Phật là một nhà nghệ thuật trang điểm đời sống bởi có một nhìn thấu rõ được bản chất của mọi hiện tượng, cho nên Ngài biết mượn hiện tượng hiện hữu đó trang điểm cho nó đẹp của cuộc đời. Các bạn không thể trồng sen trên hư không mà chẳng thể trồng sen trên đất khô, bắt buộc phải trồng sen trong đống sình. Các bạn có thấy ngày hôm nay không, nếu cách đây 20 năm, 30 năm các bạn không có cơ hội nhìn mấy. Bởi làm sao có những cái gọi là bãi rác lớn khổng lồ đâu, có chăng là chỉ một chút rác rồi tiêu hết rồi. Nhưng khoảng độ gần đây, công ty thâu lượm rác thật là lớn, họ còn đầu tư những xe đi hốt rác thật là tiện nghi nhanh chóng và có biết bao nhiêu người làm việc trong hãng rác đó. Rác thay vì chúng ta xả ra bỏ, vẫn có công ty hốt vào mang ra và chính trong đống rác rưởi hôi thối của những thứ ta bỏ đi đó, hãng rác đã trở nên là triệu phú, tỷ phú giàu có. Bởi trong đống rác ta bỏ đi được phân ra từng thể loại để rồi tái tạo trở lại, còn phần cuối cùng không tái tạo lại những vật dụng để sử dụng thì cũng tái tạo thành phân, bón cho cây cối. Cho nên những đống rác lớn, đầu tư đúng sẽ trở thành những nhà tỷ phú, những công ty lớn thật là giàu.

Có những con người ngày nay đi lụm ve chai thôi, bán ve chai, bán đồng nát mà có thể xây được những tòa nhà cao trở thành triệu phú giàu có. Các bạn cứ nhớ, nhìn thử xung quanh cuộc sống, những khu phố ngày xưa chưa mọc lên thì ở trong khu phố đó chỉ là những bãi sình lầy, nước tụ, nước ao, hôi thối. Mà ngày xưa chẳng ai biết sử dụng làm gì với đất đó ai mà mua, chẳng qua chỉ trồng rau muống cho nên những đống sình rau muống ngày xưa đó, ngày nay nó đắt còn hơn vàng. Điều đó ta thấy có mà, có những công ty rác rưởi, có những đống đất sình lầy chỉ là hồ ao trồng rau muống; hoặc thậm chí có những đồi đất chưa ai muốn đụng tới toàn là đá không, khô cằn trồng không được bỏ, ta đi tìm đất tốt thôi. Thế vậy mà đống sình lầy ao rau muống ngày nay đã trở thành những thành phố, chung cư, những đống đất khô cằn, sỏi đá nay trở thành những hầm đá và nơi đó ai làm chủ được sẽ giàu có vô cùng.

Cuộc đời của con người đau khổ như những gò đất toàn là đá, đau khổ như những ao hồ rau muống toàn là sình lầy hôi thối. Đau khổ nó tràn lan khắp mọi nơi, nó ở đầu đường xó chợ, góc phố, ở trong nhà, ở trong tâm, chỗ nào chúng ta đi chúng ta cũng cảm thấy đau khổ. Như vậy nếu ở trên đời có một thứ gì đó mà đi đâu cũng gặp, đi đâu cũng thấy, đi đâu người ta cũng thấy có sự hiện diện của nó chắc chắn thứ đó là thứ được buôn may bán đắt nên chỗ nào cũng có. Còn nếu như mà không ai buôn may bán đắt thì thứ đó nhất định không tìm đâu ra, hiếm – ai xài đâu. Do vậy ở đâu chúng ta cũng thấy khổ thì chính chỗ khổ đó, chữ đau khổ đó là một mặt hàng vô giá nếu dưới con mắt của nhà nghệ thuật biết sống đúng lời của Đức Phật. Nếu chúng ta thực hành theo lời của Đức Phật dạy, nhìn rõ rằng ở đâu cũng có đau khổ thì chính rằng chân lý Đức Phật dạy sẽ giúp cho chúng ta thấy được chỗ khổ đau đó. Chỗ đau khổ đó chính là nơi ta có thể tìm thấy hạnh phúc. Biết bao nhiêu con người gọi là khù khờ khi xưa, đất không có chỉ một vài sào, một vài mẫu đất toàn là ruộng, toàn là nước, toàn là rau muống, nay trở thành triệu phú, tỷ phú. Biết bao nhiêu người chúng ta thấy chẳng ai chia của, không ai muốn lấy đất, đất cha mẹ để lại gò đất đá bỏ đi, thế mà nay trở thành giàu. Một câu chuyện đơn giản trong cuộc đời như câu chuyện “Ăn khế trả vàng”, chuyện đó kể về hai anh em, các bạn đã nghe qua.

Chúng ta thấy sinh ra ở trên đời, một người thì thông thái – một người khù khờ, đến khi cha mẹ mất để lại những đất tốt thì một người đã lấy mảnh đất tốt cùng với vợ, còn một người thì đẩy lui xa bên cạnh mảnh đất có cây khế. Thế vậy mà mảnh đất chỉ có cây khế thôi, sau này được chim tới ăn khế và rồi đã trả lại vàng trở thành giàu có. Ở đời ngược xuôi, xuôi ngược có những gọi là không ai đón nhận nhưng vẫn đầy đủ những tố chất để chuyển hóa từ sự khổ đau, đau khổ thành hạnh phúc. Quan trọng là tâm của chúng ta chấp nhận như thế nào những hiện tượng gọi là đau khổ trong cuộc đời. Trong một buổi tiệc nếu các bạn khó chịu vô cùng bởi vì xếp vào chỗ không đúng, bạn sẽ tự làm bạn đau khổ bởi bạn không chấp nhận chỗ xếp đặt đó, thay vì một buổi tiệc phải vui các bạn đau khổ cả buổi. Trong buổi đại tiệc của con người được sinh ra trong đời này, khi sinh ra trong đời là ta đang thông phần vào một buổi đại tiệc thật là lớn của chính cuộc đời của chúng ta. Nếu chúng ta không biết đón nhận và học chấp nhận những hiện tượng xảy ra bằng tâm hoan hỉ, thì chúng ta đã đi dự một buổi tiệc bất như ý bởi chính ta không đón nhận, cho nên ta khổ đau hoài. Còn nếu chúng ta khôn khéo, đón nhận thực tế thì ao rau muống trở thành miếng đất tốt, gò đất đá kia trở thành hầm đá, cây cây khế thì được ăn trả vàng. Cuộc đời chính trong đau khổ như vùng sình lầy sẽ có sen trỗi dậy.

Đức Phật dạy cho chúng ta nghệ thuật sống để trang điểm ngay chỗ mà gọi là không như ý, tạo ra những cảm giác khó chịu, bực mình không có thoải mái gặt hái được hạnh phúc. Bởi vì những cảm xúc đó tới hiểu rõ nguyên nhân, chính là bởi vì chúng ta chấp mà thôi, không biết đón nhận. Người chấp và không biết đón nhận là người không có lòng tri ân, cho bao nhiêu được bao nhiêu họ cũng khổ. Con người biết đón nhận và có lòng tri ân dù chỉ một chút xíu thôi, là đối với họ đã dư và hạnh phúc tràn đầy. Còn người không có lòng tri ân và sự đón nhận cho nên họ không biết chấp nhận, lòng của họ dễ nổi cáu, nổi sân, nổi giận, khó chịu. Họ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời. Còn người có lòng tri ân và có lòng biết đón nhận, người biết đón nhận luôn biết tri ân, người đó luôn tìm thấy hạnh phúc trong tất cả mọi hiện tượng, thay vì người khác cảm thấy khó chịu thì họ luôn luôn hài lòng, hạnh phúc và bình an. Điều này là sự thực, đời sống của con người đây là một sự thực, không ai chối cãi được. Đức Phật tới nguyên nhân chính vì đau khổ và chính vì Ngài giác ngộ, hiểu rõ đau khổ không bao giờ khan hiếm trong cuộc đời, nó tràn lan, nó đầy hết trong mỗi kiếp người của chúng ta. Và Đức Phật đã tìm ra, chính những cái gì quá nhiều quá dư đó mà chúng ta không biết đón nhận nó sẽ khổ. Còn chúng ta biết đón nhận với lòng tri ân đàng hoàng, thì tất cả những gì vốn có với ta đều có khả năng trồng vào đó mầm mống của hạnh phúc. Như người tìm thấy đất toàn là nước không thì nhất định nhà nông biết rằng phải gieo lúa ở đó mà thôi. Như người trồng sen thấy đất sình là hạnh phúc vô cùng dù nó có mùi. Thậm chí những nhà làm phân nông nghiệp thấy đống phân hôi thối, hạnh phúc vô cùng, bởi vì nhìn qua mùi hôi và đống phân đó họ nhìn ra giá trị. Khi có một cái nhìn viên dung, có một nhìn đúng đắn trong tâm đón nhận và lòng tri ân thì chúng ta sẽ nhìn ra chân giá trị của mọi hiện tượng đang xảy ra trong cuộc đời. Và ngay khi nhìn thấy chân thực giá trị của hiện tượng đó, ta có cơ hội gieo mầm hạnh phúc ngay trong cái gọi là đau khổ. Còn nếu không thì toàn là những chuyện chúng ta cảm thấy phiền lòng mà thôi. Nhất định các bạn và Bảo Thành đã từng than phiền, “Hôm nay phiền quá! Sao phiền vậy? Cô bạn làm phiền quá, anh bạn làm phiền quá! Sao phiền? Chồng làm phiền quá, vợ làm phiền quá! Rồi sao phiền? Con cái nó không nghe phiền quá! Là bởi vì sao, hỏi sao chồng làm cho chị phiền? Bởi vì ổng không nghe. Sao vợ phiền? Bởi vợ không làm như ý”. Hầu hết là những chuyện phiền và bực bội là bởi vì ta không biết đón nhận, ta luôn luôn không biết chấp nhận trong cái tâm đón nhận một cách chân thành, mà ta luôn luôn khước từ cho nên chuyện gì cũng khó chịu. Nhất định các bạn đã từng xem những cuốn phim dài hàng bao nhiêu năm trời về sinh hoạt của gia đình. Từ phim Tàu, phim đại Hàn, phim Mỹ, phim Việt Nam, luôn diễn tả về cuộc sống xung đột giữa con người với con người trong gia đình. Cũng chính vì những chuyện không bao giờ làm hài lòng nhau bởi ai cũng có tôi quá lớn, nghĩ rằng ta ở trên, ta là người bề trên, ta là người ở cõi trên sống lơ lửng, để rồi bắt muôn người phải làm theo ý mình. Từ đó mà muôn sự đời ai có tác động tới cuộc đời của họ thì luôn luôn chẳng như ý, người đó luôn cảm thấy khó chịu, phiền não, bực mình. Bởi vì người cõi trên, Bảo Thành dùng từ “người cõi trên” nên chẳng hiểu chuyện ở cõi trần, gặp chuyện gì cũng không như ý, khó chịu, bực mình chẳng bao giờ hạnh phúc.

Trước khi Đức Phật giác ngộ (Thái Tử giác ngộ) thì chúng ta thấy chưa có nghệ thuật sống nhìn trong đống sình lầy có bông sen. Nhưng khi Đức Phật giác ngộ, Ngài tìm ra một nghệ thuật sống để thấy ngay trong chỗ bực mình, khó chịu, tạo ra cảm giác gọi là đau khổ đó là một bông sen, là giá trị tuyệt vời tạo ra hạnh phúc. Bởi vì cuộc đời này đau khổ có mặt ở tất cả mọi nơi, ở đâu có đau khổ ở đó có hạnh phúc. Nếu chúng ta học được cách trang điểm cuộc đời khi nhận thức được giá trị của đau khổ hiện hữu do đâu mà có. Để ngay trong đó chỉ xoay chuyển cái nhìn, hay góc độ đứng ta sẽ tìm ra hạnh phúc. Các bạn có thấy không, không những như thế mà ngay cả những bãi tha ma ngày xưa nằm ở những chỗ không ai muốn tới ở, ngày nay đã trở thành thành phố. Người ta có thể chuyển một bãi tha ma thành một thành phố đẹp, một đống sình thành một chung cư đắt tiền, một gò đá trở thành một nơi có thể đào ra tiền, trong đống rác cũng tìm ra. Thì Đức Phật đã tìm thấy trong đống rác của đau khổ hiện diện mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc, trong cuộc đời của con người. Và đã khai thị để chuyển cái nhìn của chúng ta từ không chấp nhận, không đón nhận, từ cái tôi khó chịu để tạo ra cảm giác đau khổ đó, thành một cái nhìn để thấy giá trị là hãy đón nhận bằng tâm chân thật và từ bỏ đi tất cả cái tôi của mình. Để luôn biết tri ân tất cả những gì đang tới với chúng ta trong cuộc đời, để biết nhìn những hiện tượng đang tới đó, tư duy cho thật rõ để trong tất cả những cái gì đang có mặt trong cuộc đời của chúng ta, bằng cái nhìn của tuệ giác, để tạo cho mình một cơ hội tìm thấy hạnh phúc ngay trong những hiện tượng đó. Và phương pháp Đức Phật dạy không phải chỉ nói như thế rồi suy nghĩ. Phương pháp Đức Phật dạy, hạnh phúc luôn có mặt trong đau khổ, và đau khổ luôn có mặt và hiện diện ở mọi nơi trong mọi kiếp người, kiếp chúng sanh. Cho nên đã là con người thì không thể nói rằng không có đau khổ, luôn luôn có đau khổ nó hiện diện. Và luôn luôn có đau khổ hiện diện trong cuộc đời thì ngay chỗ đau khổ đó nhất định có hạnh phúc. Cho nên trong dân gian vẫn từng nói, tìm cái sống ngay trong cõi chết, cái này thật sự là có. Đức Phật dạy để có thể nhìn các hiện tượng sanh diệt trong cuộc đời mà ta luôn luôn cảm thấy rằng nó tạo khổ cho ta, để rồi chuyển hóa thành hạnh phúc, thì chỉ bằng một phương pháp đơn giản – nhận diện trong đời sống chánh niệm. Nhận diện ra những hiện tượng gì đó ta không chấp nhận trong cuộc đời, mà luôn tạo đau khổ bằng hơi thở chánh niệm và khởi lòng từ bi, hoan hỉ nhất định những hiện tượng từ xưa đến giờ tạo khổ cho chúng ta, sẽ liền trổ mầm hạnh phúc ngay cái nhìn chân thật bằng chánh niệm hơi thở.

Tóm lại, chúng ta khi thực hành pháp thở chánh niệm, nhìn sâu vào những hiện tượng không như ý, những điều tạo khổ cho chúng ta, và đổ vào đó năng lượng tích cực của tâm từ bi thì mọi hiện tượng đó liền được ta đón nhận như đống sình lầy biết chọn để trồng sen, như hồ rau muống biết chọn để bồi đất vào biến thành một đô thị lớn. Như trong chợ đời, trong bữa tiệc, trong đại tiệc của cuộc đời toàn những món bất như ý bày ra, nếu biết ăn, biết nhìn, biết uống đó thật là một bữa tiệc, gọi là yến tiệc lớn nhất trong cuộc đời. Luôn luôn cảm thấy khoái khẩu bởi những mùi vị của cuộc đời đưa tới như những món ăn đó, được đón nhận và được chuyển hóa bằng năng lượng từ bi, nó sẽ hợp khẩu vị tạo ra niềm hạnh phúc mà thôi. Cho nên tìm hạnh phúc ở đâu? Ngay trong đau khổ. Làm sao có thể thấy được hạnh phúc trong đau khổ? Bằng chánh niệm hơi thở từ bi. Các bạn dù đi tới tất cả những bậc thiện trí thức hay những bậc Tôn Túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, Giáo Thọ Sư; hay các bạn đi tìm những bậc trí tuệ cao siêu, các Ngài cũng phải nhắc nhở lại lời của Đức Phật mà thôi. Có nghĩa là hạnh phúc ngay trong khổ đau, bằng cách thực hiện đời sống chánh niệm hơi thở từ bi. Cho nên đời sống chánh niệm hơi thở từ sẽ giúp cho chúng ta biết đón nhận tất cả bằng lòng tri ân. Để học cách ứng dụng những hiện tượng đến với cuộc đời, khơi nguồn cho hạnh phúc ngay tại chỗ đó, chứ không khước từ bằng cái tâm khó chịu, bằng cái tâm từ chối, bằng cái tâm tự cao tự đại, hạnh phúc ngay trong đau khổ.

Hãy học nghệ thuật sống của Thế Tôn dạy, của bậc trí tuệ – đại giác đại ngộ, thực tập một đời sống chánh niệm hơi thở từ bi, thì mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời xưa nay mà các bạn cảm thấy đau khổ, bạn liền biết diệu dụng hiện tượng đó để gieo mầm hạnh phúc, gặt hái được hạnh phúc cho chính cuộc đời của các bạn.

Chỉ một vài ngày nữa hết năm 2020, nhìn biết bao nhiều chuyện bất như ý xảy ra trong đời, nó tạo cho chúng ta những cảm giác khó chịu, bất an, và rồi nó tụ lại thành những nỗi đau khổ của cuộc đời. Hãy học nhìn như Đức Phật, trở về với đời sống chánh niệm hơi thở, sống biết hít vào thở ra nhẹ nhàng, dùng tánh thấy biết nhìn hiện tượng đó bằng Chánh Tư Duy và Chánh Kiến, khởi nguồn tâm từ gieo vào những hiện tượng đó, bằng lòng và đón nhận, tri ân và ghi nhớ. Nhất định ta sẽ tìm được cảm giác thanh bình, cảm giác tự tại, cảm giác thoải mái gọi là hạnh phúc.

Các bạn có còn nhớ những giây phút các bạn cảm thấy hạnh phúc ở trong đời không? Những giây phút như vậy nó thanh bình, nó nhẹ nhàng, nó thoải mái, nó êm ái. Nó như ý – đau khổ, không như ý – khó chịu, bực mình và rồi toàn là những chuyện làm cho phiền quá. Cái đó là do đâu? Cái nhìn của chúng ta mà thôi. Hãy học thay đổi cách nhìn bằng khởi nguồn năng lượng của tâm từ trong chánh niệm hơi thở. Mọi hiện tượng tới lui trong cuộc đời, miền đất đầy sình hôi tanh để khởi mầm trồng một đóa sen ở trong lòng. Hạnh phúc tới từ sình lầy như sen ngoi lên, hạnh phúc tới từ những điều bất như ý xưa giờ ta không biết đón nhận. Hãy học đón nhận bằng lòng tri ân, tưới tẩm vào đó năng lượng tích cực, từ bi. Nhất định những chuyện gọi là đau khổ sẽ liền biến thành hạnh phúc cho cuộc đời của chúng ta.

Các bạn hãy đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, ta đón nhận hơi thở chánh niệm vào lòng, dùng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy nhìn rõ mọi hiện tượng lui tới trong đời để tìm được hạnh phúc trong đau khổ xưa nay ta thường nghĩ. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực để chúng con tìm thấy hạnh phúc trong đau khổ bằng chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn thân mến, Đức Phật nhìn thấy khổ sinh-lão-bệnh-tử, những điều không như ý, oan gia trái chủ, chia lìa người yêu thương, sự thịnh suy của cơ thể. Ngài tìm thấy đó là khổ, nhận thấy đó là khổ, đi tìm con đường hạnh phúc và cuối cùng Ngài nói rằng chúng ta phải nhận diện sự có mặt của khổ đau trong cuộc đời. Khi nhận diện và chấp nhận sự có mặt của khổ đau chính là lúc như người nông dân biết cày ở dưới ruộng sình lầy kia, gieo mạ non thành cây lúa. Biết nhận diện sự có mặt của khổ đau, các bạn chúng ta sẽ bắt đầu khơi mầm hạnh phúc. Tất cả những cái gì khổ đau đó mà chúng ta cảm giác được, đều vì chúng ta là người khó tánh, tự cao, nói đúng hơn là người khó chịu. Người khó chịu mặt hay nhăn nhó, chuyện gì xảy ra cũng không như ý, mà chính bản thân của họ làm họ cũng chưa như ý nữa. Bởi vì họ quá khó chịu, đơn giản trong hai chữ đó không phân tích sâu. Nếu các bạn luôn đau khổ, các bạn nhớ chính là bởi vì các bạn là người khó chịu. Hãy thay đổi, cũng có “chịu” nhưng mà đừng “khó” bằng chữ “dễ chịu”. Người khó chịu thì chẳng có dễ thương, người dễ chịu thì dễ thương. Chúng ta nếu có một cái tánh dễ chịu khi tương tác trong mọi hoàn cảnh, ta sẽ trở thành người dễ thương nhất trong cuộc đời và như vậy ta luôn có hạnh phúc. Không đi sâu các bạn nhưng thực tế đây là một chân lý hữu dụng và thực dụng lắm. Chúng ta rất cần trở thành người dễ chịu để có được hạnh phúc. Dễ chịu với cha mẹ, dễ chịu với con cái, dễ chịu với vợ với chồng, dễ chịu với những người bạn giao tế trong cuộc đời, dễ chịu với mọi người và rồi dễ chịu với chính cách sống của bản thân. Khi dễ chịu như vậy ta là người dễ thương, ta là người hạnh phúc, ta là đống sình lầy trổ bông sen, ta là đống rác rưởi có vàng có ngọc ở trong đó, ta biết rãi vàng trong đóng sình lầy của cuộc đời, ta nhìn thấy kim cương đá quý trong bãi rác của những thành động, tạo tác những hiện tượng xảy ra xưa kia cho tới giờ ta chưa biết. Dễ chịu đón nhận nay sẽ thấy được sự cao quý đó.

Chẳng cần phải tìm hạnh phúc ở nơi đâu, hạnh phúc và đau khổ chính là ở trong cuộc đời của chúng ta. Chỉ cần thay đổi cách đối ứng bằng một cái tâm dễ chịu với tất cả mọi người, mọi cảnh, mọi sự việc ở trong đời, ta nhất định sẽ tìm thấy hạnh phúc đó gọi là hạnh phúc trong đau khổ. Đau khổ và hạnh phúc sẽ hiện diện nếu bạn nhìn cuộc đời bằng tâm khó chịu là đau khổ, còn nhìn bằng tâm dễ chịu là hạnh phúc. Chỉ cần thay đổi để ta trở thành người khó chịu hay dễ chịu; thì hậu quả tới với các bạn là đau khổ, hay kết quả tới với các bạn là hạnh phúc, các bạn nắm rõ ngay chỗ đó.

Hãy cố gắng thực tập chánh niệm hơi thở để biến tất cả những miền khó chịu tồn đọng, ứ đọng trong tâm thành dễ chịu. Để gặt hái hạnh phúc trong tất cả những gì gọi là đau khổ của cuộc đời từ xưa đến nay.

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Con học theo lời chỉ dạy của Phật sẽ nhận diện ra đau khổ có mặt ở tất cả mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi kiếp người, để từ đó thực tập chánh niệm hơi thở từ bi, gieo mầm yêu thương. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Bởi bao nhiêu lâu nay chúng con thật khó chịu nên mọi sự việc xảy ra trong đời không biết đón nhận đau khổ đã tới. Nguyện thực hành chánh niệm hơi thở từ bi, chuyển hóa để có được hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Từ bao đời chúng con cứ bay lơ lửng như người ở cõi trời, nay hiểu được phát nguyện trụ xuống lòng đất vững chãi, thực hành chánh niệm hơi thở từ bi để có được hạnh phúc trong đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con cứ chất chứa và khó chịu với cha mẹ, khó chịu với vợ chồng, con cái, khó chịu với tất cả mọi người tương tác trong đời. Nguyện thực hành chánh niệm hơi thở từ bi để có tâm tánh dễ chịu với tất cả mọi người và hoàn cảnh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Nguyện có một cái nhìn tinh tế và một nghệ thuật sống nhận diện trong sình lầy mầm sen đang trỗi dậy, trong bãi rác đau khổ của cuộc đời hạnh phúc đang trổ mầm bằng chánh niệm hơi thở từ bi xin Chư Phật gia trì cho sự thành tựu này. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú

Mu A Mu Sa.

Hạnh phúc không ở đâu xa nó hiện diện ngay trong đau khổ của cuộc đời, xin gia trì cho chúng con có tâm biết đón nhận và tri ân để luôn nhận diện ra hạnh phúc hiện diện trong cuộc đời nơi đau khổ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Nguyện mười phương Chư Phật gia trì cho chúng con có đủ định lực nhìn thấu suốt mọi hiện tượng trong cuộc đời bằng chánh niệm từ bi, để chúng con luôn nhận diện ra sự đau khổ có mặt mà gieo mầm yêu thương hạnh phúc. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn, chúng ta đã tu xong rồi, Bảo Thành cảm nghĩ rằng các bạn và Bảo Thành nhất định sẽ hạnh phúc thôi. Đau khổ là chất để chúng ta khơi mầm hạnh phúc. Nguyện cho các bạn và Bảo Thành hiểu được giá trị của cuộc sống, chẳng phải là chỉ có đau khổ bằng thực hành chánh niệm hơi thở từ bi. Các bạn và Bảo Thành sẽ tìm thấy hạnh phúc trong đau khổ của cuộc đời. Cảm ơn các bạn đã đồng tu. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài, để cho muôn loài tìm thấy hạnh phúc trong đau khổ bằng tâm biết đón nhận và tri ân qua sự thực tập hơi thở chánh niệm từ bi. Chúng con nguyện hồi hướng công đức tới các nguyên các thủ quốc gia, biết ngồi xuống thành lập các chính sách hòa bình cho thế giới. Chúng con nguyện hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược biết chế tạo ra vắc-xin (vaccine) và thuốc trị bệnh. Nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên toàn thế giới sẵn lòng và có tâm để chữa lành các bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai còn đang đau khổ biết tìm thấy hạnh phúc trong chánh niệm hơi thở từ bi. Nguyện cho những vong linh được tái sanh cảnh Tịnh Độ.

Xin Chư Phật từ bi mười phương chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn