Search

Bài 1261: Con Đã Thấy – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ đồng tu rồi, mới các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn!

Hôm nay ngày thứ 5, vào đúng ngày thế giới rất vui mừng đón một ngày lễ hòa nhập vào với niềm vui của một tôn tôn giáo lớn trên thế giới đó là ngày Giáng Sinh. Và cũng trong ngày Giáng Sinh của Thiên Chúa, Bảo thành và các bạn cùng chia sẻ về một chủ đề “Con Đã Thấy”.

Chúng ta đã thấy gì trong cuộc đời? Chúng ta đã thấy gì trong ngày lễ vui mừng của một tôn giáo khác? Hoặc chúng ta đã thấy gì dưới lời dạy của Đức Thế Tôn sau bao nhiêu ngày tháng chúng ta có nhân duyên học hỏi được?

Hãy cùng nhau đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, lấy từ bi và trí tuệ, chúng ta đi vào 07 biến hơi thở của chánh niệm, dùng tánh thấy biết quán chiếu sâu sắc về cuộc đời của mình trong ngày hôm nay. Để chúng ta hạnh phúc nói lên rằng “Con Đã Thấy”. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở ra từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Trước khi đi vào chủ đề “Con Đã Thấy” và chia sẻ về ý nghĩa này. Ngày vui của cả thế giới, hòa mình vào với niềm vui này, Bảo Thành xin chúc cho tất cả các bạn một mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc, sức khỏe và tươi trẻ, tràn đầy hy vọng và thành công.

Các bạn thân mến, khi nói đến chữ “con đã thấy”, chúng ta cứ suy nghĩ thật nhiều. Không phải ở trên đời này ai cũng thấy. Có những con người sinh ra lành lặn, có hai đôi mắt sáng như chúng ta, nhận thấy môi trường sống, nhìn được sự khác biệt giữa các màu sắc nhưng lại không nhận ra giá trị của chân lý sống. Nhưng ngược lại, có những con người sinh ra ở đời, đôi mắt khiếm thị nhưng sâu thẳm trong tâm thức của họ, họ lại nhìn thấy giá trị của sự sống, mặc dù dưới đôi mắt khiếm thị – nói đúng hơn, một thân thể tật nguyền. Cái thấy không phân biệt rằng ta có đủ các giác quan hay một trong các giác quan bị khiếm khuyết, mà cái thấy cần phải thấy ở trong sự suy nghĩ, trong cái tâm, sự tư duy.

Không phải cho tới ngày hôm nay, các bạn và Bảo Thành mới là những người học Phật. Từ thuở Đức Thế Tôn giác ngộ, Ngài truyền dạy Phật giáo – một chân lý sống, mà chân lý đó gần gũi thật nhiều với con người, để đưa con người vượt qua sự đau khổ, tới bến bờ giải thoát. Biết bao nhiêu những con người đã có nhân duyên, phước báu học hỏi rồi, nhưng kể từ ngày đó cho tới ngày hôm nay và mãi mãi, giáo lý của Đức Phật sẽ không bao giờ hư mất, bởi đó là chân lý – chân lý luôn hằng hữu. Nhưng ai đón nhận được chân lý đó và qua chân lý đó, ai nói rằng “Con Đã Thấy”. Và chúng ta thấy gì? Các bạn, có phải chăng chúng ta tới với Phật giáo là để thấy Phật hay thấy chân lý, thấy chân lý hay thấy Phật? Hay chúng ta chỉ thấy một tôn giáo lớn có nhiều người theo, hoặc bạn bè của chúng ta cũng theo Phật giáo, rồi chúng ta theo? Hay chúng ta chỉ thấy rằng đây là một tôn giáo mà sinh ra cha mẹ đã theo nên chúng ta theo? Hay chúng ta đau khổ, rồi cần một sự giúp đỡ để hết khổ, hết bệnh, hết đau? Ta đi theo và trong cái theo đó, theo bởi gia đình có truyền thống Phật giáo, theo bởi bạn bè đi theo Phật giáo, theo bởi một nhân duyên bệnh hoạn, đau khổ, phiền não đi theo Phật giáo. Trong tất cả nhiều hình thức đi theo Phật giáo đó, chúng ta thấy gì? Nếu như chúng ta không thấy được, mà chỉ vì đi theo do những nguyên nhân được liệt kê như các bạn có thể viết xuống. Thì chúng ta vẫn là người mù hai con mắt, mà mù luôn tâm thức, chẳng thấy gì. Hóa ra, ta theo Phật mà không thấy, ta chỉ là những người mê tín dị đoan.

Kể về chuyện thấy thời xưa, lúc Đức Phật sinh ra cho tới khi giác ngộ, Ngài thấy thật là nhiều, rồi ngài đi tìm chân lý. Chúng ta nhớ, nói sơ qua về Thiên Chúa giáo. Thuở xưa, con người không thấy được một con đường giải thoát, thấy được ơn cứu độ. Và trải qua bao nhiêu ngàn năm cha ông của họ đau khổ vô cùng, nên lúc nào cũng cầu rằng có một đấng từ trời xuống để cứu độ họ. Chính vì lẽ đó, Thiên Chúa đã từ trời xuống, sinh ra nơi máng cỏ như một Hồng Ân thật lớn để cứu độ. Nhưng chúng ta đi ngược lại lịch sử, thì trước chúa Giê-Su 500 năm trước, Đức Phật đã ra đời và giác ngộ.

Trong bối cảnh lịch sử của Ấn Độ thời đó, thì biết bao nhiêu những con người ở tầng lớp đau khổ nhất cũng đang ngưỡng cầu, khao khát một đấng giác ngộ tới. Để khai thị, dẫn đường cho họ vượt qua tăm tối, vô minh để họ được thoát khổ. Nhưng bao nhiêu sự ràng buộc nhiều đời trong truyền thống, trong máu huyết, trong dân tộc, tầng lớp của Ấn Độ thời đó, họ không thể thoát ra được. Cho nên, khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã cởi bỏ, Ngài đã cởi trói tất cả mọi sự ràng buộc của con người tự tạo ra, dưới hình thức của những cái tên thuộc về tôn giáo. Tôn giáo Bà La Môn lúc đó lớn lắm, ràng buộc người ta vào những khuôn mẫu mà các vị lãnh tụ tôn giáo đó chế tác ra, chứ không phải là chân lý của một bậc giác ngộ nhìn rõ. Cho nên, đi theo hệ thống đó, người người vẫn luôn gặp đau khổ, ngoại trừ những bậc ở bên trên mà thôi. Được gọi là hạnh phúc trong thế gian này, nhưng rồi cũng đau khổ, bởi chấp lầm vào những con đường không đúng. Thì chúng ta thấy rằng, Đức Phật khi Ngài xuống dưới thế gian này không khác gì chúng ta đâu. Như con người, Ngài là một Hoàng Tử, có khác chúng ta là con người không phải sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, nhưng nếu bỏ đi danh phận sinh ra từ gia đình này, Ngài không khác gì chúng ta. Ngài là một con người thực sự, Ngài không phải là ông trời sinh xuống để có quyền phép ban ơn. Ngài là một con người trải nghiệm đau khổ, phiền não, Ngài thực sự là con người như Bảo Thành và các bạn, không có khác. Khác ở chỗ là Ngài đã thấy – thấy gì? Thấy đau khổ để rồi đi tìm, tìm gì? Tìm chân lý thoát khổ. Trong sự đau khổ của cái thấy đó, Ngài đã từ bỏ tất cả ngôi báu là Thái Tử, có thể lên làm vua. Bỏ Kinh đô, bỏ Kinh thành, bỏ cha, bỏ người thân, bỏ luôn cả vợ cả con. Đi vào miền xa xôi tịch tĩnh, để rồi quán chiếu cái khổ mà con người phải chịu, tìm ra chân lý sống thành bậc giác ngộ. Đó là Đức Phật tới trong cuộc đời, Ngài là bậc giác ngộ, Ngài thấy khổ và đi tìm thấy chân lý.

Các bạn và Bảo Thành cũng thấy khổ, rồi chúng ta tìm tới Phật giáo, thấy được chân lý của Đức Phật. Nhưng nếu nói cho rõ với cảm xúc của mỗi người, ta tự hỏi, ta đã thấy gì? Con đã thấy thấy gì, thấy gì các bạn? Chủ đề “Con Đã Thấy”, thấy gì trong pháp tu của nhà Phật mà các bạn có nhân duyên thực hành trong những ngày tháng qua?

Hồi xưa, ở trong Kinh A-Hàm nói về một vị Tỳ Kheo đệ tử của Phật, ông đó tên là Wakani. Tỳ Kheo Wakani lúc này bị lâm bệnh và sắp sửa đi tới chỗ viên mãn cuộc đời. Lúc đó, ông Tỳ Kheo Wakani đang ở trong nhà của ông thợ gốm, không thể đi được bởi vì bệnh quá nặng, sắp chết rồi. Nhưng Ngài lúc nào cũng trông đợi gặp được Thế Tôn là Phật – là Thầy của mình một lần cuối trước khi ra đi. Nhưng bản thân của ông ta không còn sức khỏe để đi, nằm tại chỗ mà thôi. Cho nên, ông ta đã nhờ thị giả của ông hãy đi tới thỉnh lời ước nguyện của ông với Đức Thế Tôn, với Đức Phật và thỉnh Phật tới để ông ta được một lần Phật thăm viếng và chiêm bái Đức Phật lần cuối. Vì lòng bi mẫn cho nên Đức Phật đã theo Thị Giả tới thăm ông Wakani ở nhà ông thợ gốm. Ông Wakani thấy Đức Phật thì hạnh phúc vui mừng vô cùng. Đức Phật mới hỏi: Này ông Wakani, ông thấy ông có giữ giới thanh tịnh không?

Ông Wakani nói: Dạ thưa Phật, con đã giữ giới thanh tịnh rồi.

Và Đức Phật lại dạy: Vậy thì có còn gì bất tịnh, có còn gì ông hối hận không?

Ông Wakani nói: Thưa Phật, không! Con đã giữ giới thanh tịnh không có gì hối hận hết, nhưng từ trong thâm sâu trong lòng của con luôn mong rằng được gặp Phật, được gặp Thầy lần cuối trước khi ra đi.

Đức Phật mới nói với ông Wakani rằng: Này ông Wakani, gặp làm chi cái tấm thân hư thối này?

Bởi câu này chúng ta phải nghe này, bởi ai thấy Pháp là thấy Phật, ai thấy Phật là thấy Pháp. Câu này để nói cho ông Wakani thời xưa, khi lâm bệnh nhưng cho tới thời đại bây giờ, không phải là không nói cho ta – mỗi người đang học Phật đâu. Phật vẫn nói cho chúng ta, vì sao? Bởi vì khi ông Wakani đau khổ, sắp chết cầu để thấy Phật, và ông ta chỉ mong muốn thấy được Phật là hạnh phúc, vì lòng bi mẫn của một bậc Thầy, Đức Phật vẫn tới. Theo cảm tình của trái tim giữa tình Thầy – Trò, nhưng qua cái sự đó Ngài khai thị rằng, con đường chính vẫn là phải thấy Pháp của Đức Phật, ai thấy được Pháp của Phật người đó sẽ thấy Phật’; mà ai thực sự thấy Phật thì người đó thấy Pháp. Đây là một điều rất quan trọng.

Các bạn, giữa chân lý của sự Chánh Tư Duy, Chánh Kiến, còn có chân lý cảm tình Thầy – Trò, nhưng giữa chân lý và cảm tình không có lẫn lộn, thật rõ ràng. Phật vẫn tới để an ủi ông Wakani nhưng Phật vẫn khai thị rằng, “dù ta có hiện diện ở đây, ta cũng là con người rất bình thường như ông, cũng thân xác hôi thối, dơ bẩn này mà thôi”. Và chân lý phải làm sao nhìn qua thân xác hôi thối, dơ bẩn này để hết khổ kìa. Và chính vì đó ông Wakani hiểu được, nên thông và ông ta đã viên mãn bởi thấy được Pháp của Chư Phật khai thị, trong giây phút cuối liễu ngộ mà nhẹ nhàng ra đi.

Còn đối với các bạn và Bảo Thành, chúng ta thấy gì? “Con Đã Thấy” có phải chăng chúng ta đã thấy, thấy Phật ở trong chùa – nơi những tôn tượng có tướng hảo đẹp. Ta thấy gì? Thấy Phật ở trong kinh. Thấy gì? Thấy Phật trong cuộc đời, thấy Phật trên mọi nẻo đường, thấy Phật trong con người. Nếu chúng ta nói thấy Phật, mà đúng – nhiều người đã nói thấy Phật. Ngày nay, biết bao nhiêu con người đôi khi còn nói rằng Quan Âm Bồ Tát, Phật này Phật kia, đấng này đấng kia gá vào và họ nói họ thấy Phật. Rồi chỗ này linh thiêng lắm bởi nhiều người thấy Phật, chỗ kia linh thiêng lắm, nhiều người thấy Phật. Và sự đồn đại như thế, trong cuộc sống của con người này, nhiều lắm, ai cũng dám nói rằng ta đã thấy Phật. Chứ không còn lòng khao khát thật sự như vị Tỳ Kheo Wakani, để mong muốn thấy Phật thực sự.

Có lẽ chữ họ thấy Phật và họ luôn luôn nói rằng tôi đã thấy Phật, con đã thấy Phật, bạn đã thấy Phật. Họ nói như vậy để như có một cái quyền uy gì đó, để truyền trao những lời họ muốn nói. Nhưng bài Kinh trong A-Hàm nói thật rõ, nếu ai chỉ thấy Phật bằng tướng hảo, 32 tướng hảo đẹp thì chẳng khác gì thấy ma. Bởi vì chỉ thấy tướng hảo đẹp từ tôn tượng thôi, từ hình ảnh, từ mường tượng trong tâm tưởng, mà không thấy được Pháp thì cái đó ta đã đi theo Tà Pháp rồi. Đức Phật thấy qua hình ảnh tôn tượng, qua hình ảnh của bạn mơ mà thấy, tưởng mà thấy, tự kỷ ám thị mà thấy, lúc nào hình ảnh của Phật cũng đầy đủ hào quang, pháp tướng oai nghi – đẹp. Nếu chỉ thấy Phật như vậy tức là thấy ma, thấy tâm ma trỗi dậy. Tà Pháp, Tà Kiến đang lộng hành trong cuộc sống của chúng ta. Vì trong kinh A-Hàm, khi ông Wakani được Phật tới, Phật hỏi: “ông có còn gì để hối hận không?”  Ông ta nói: “Không! Con chỉ muốn gặp Phật” Và Phật nói: “gặp làm chi thân xác hôi thối này?”. Câu này nói rằng Đức Phật cũng như ta, thân tướng của Ngài như con người chúng ta. Nó cũng hôi, cũng thối, cũng dơ, cũng bẩn, cũng ăn, cũng uống, cũng tắm rửa, và cũng đi vệ sinh – không khác. Chẳng phải Ngài giác ngộ là thân tướng của Ngài phát ra ánh sáng. Bởi vậy, khi chúng ta cầu Phật để thấy Phật qua tướng hảo, mà được các nhà tạc tượng, các họa sĩ vẽ thì chúng ta sẽ đi theo Tà Pháp, thấy ma. Câu kinh Đức Phật thấy,  thấy rõ được tâm ý của đệ tử mình là Wakani nên mới hỏi có còn gì hối hận không. Như vậy ông Wakani chưa hẳn đã mong rằng thấy Pháp đâu, mà chỉ mong thấy Đức Phật mà thôi. Còn Đức Phật mượn điều đó, khai thị cho ông ta thấy rằng “nếu thấy được Pháp chính là thấy được ta”. Vậy các bạn và bảo thành tu theo Pháp của Phật, ta thấy Pháp gì? Ta phải thấy được Pháp duyên khởi của Vô Ngã, Vô Thường, Khổ. Nếu các bạn không thấy được khổ, pháp khổ là sự thật, là chân lý không ai chối được. Nếu các bạn không thấy được Vô Ngã, Vô Thường là chân lý là sự thật, thì các bạn đi theo Phật là đi theo Tà Pháp. Bởi các bạn đi theo Phật chỉ đi theo tướng hảo đẹp, đi theo quyền năng thần thông mong muốn để vô tình biến pháp của Phật theo sự tưởng tượng, Đức Phật như một tôi tớ tới phục dịch cho các bạn, để sửa chữa cuộc đời, để thay đổi cuộc đời, để làm việc cho các bạn – hết bệnh, hết khổ, hết đau, hết nghèo, hết đủ thứ, có được – vậy Đức Phật là nô lệ, là người phục dịch, cách suy nghĩ như vậy là sai. Cho nên, khi chúng ta nói con đã thấy là con đã được Phật, bởi vì con đã thấy Pháp Đức Phật dạy là đúng. Cuộc đời con thấy khổ, con nó thấy vô thường, con thấy vô ngã. Biết bao nhiêu anh hùng hảo hớn vỗ ngực xưng tên tôi đó, đấng này đấng kia, nhưng rồi cũng bị vô thường lui tới, còn đâu nữa? Dù vẫn vẫn nói trăm năm bia đá vẫn còn, bia đá đó còn đấy ngàn năm, bia miệng vẫn còn trơ trơ. Nhưng có ích lợi gì đâu, chỉ là tiếng dế kêu giữa đồng vắng hoang vu. Đời có khen ngợi, người có tán tụng có được gì?

Cho nên các bạn nhớ, sự sanh diệt vô thường, chính trong vô thường chúng ta thấy khổ. Bởi vì tưởng còn rồi mất, nó tới nó đi không nắm bắt được nên khổ. Và bởi vì nó tới nó đi vô thường đó, mà ta lại lầm tưởng cho nên cứ tưởng nó hằng hữu, nên mới nói còn có bản ngã. Ông Wakani hiểu được lời của Đức Phật qua chỉ một câu đơn giản, “cái thân hôi thối này gặp để làm gì?”. Ông ta nhận ra chân lý, thân này là vô thường sắp sửa đi tới đoạn cuối phải chết, chẳng thể níu kéo được. Cho nên ông ta nhẹ nhàng nhìn cái thân ra đi mà tâm thức an vui, bởi hiểu Phật. Chính điều khai thị của Phật, ông ta thấy Pháp của Phật dạy đó là pháp Vô Thường sanh diệt. Nay trong thời khắc lâm chung sắp đi, vô thường như thế, thấy Phật chẳng phải qua dung mạo quyền năng, 32 tướng hảo đại nhân. Mà thấy Phật là thấy được pháp Vô Thường Phật truyền dạy. Từ trong Vô Thường đó thấy rõ được nó, mới đoạn được khổ, mới từ bỏ được cái tôi, mới sống nhẹ nhàng, tái sanh về cảnh thiện.

Các bạn, qua câu kinh này, qua lời Phật dạy, chúng ta hãnh diện bởi chúng ta sẵn sàng nói “con đã thấy”. Bởi vì tất cả chúng ta đã thấy được pháp Vô Thường. Thấy ngày hôm qua mới đó hôm nay đã đâu còn nữa. Thấy một năm dài dăng dẳng nhưng chỉ còn vài ngày nữa biết chắc chắn chẳng còn, năm cũ sẽ ra đi. Thấy người thân nay đã mất, thấy biết bao nhiêu điều thay đổi, thấy thế giới đổi thay rồi thay đổi, chẳng ai giữ được điều gì. Tất cả đều vô thường sanh diệt theo một quy luật duyên khởi, tới rồi đi – có rồi mất. Nếu chúng ta không nhận diện ra được cái lý vô thường này ta hay ngạo nghễ, hay tự cao, hay tự xưng, hay tự khống. Để rồi ta cứ vỗ ngực xưng tên ta là đấng này, ta là con người này con người kia, có chút quyền danh ở đời thì vỗ ngực xưng vương xưng đế, dùng quyền lực lấn át người khác. Yếu đuối quá thì lại vỗ ngực xưng rằng ta đã thấy Phật, thấy Bồ Tát, cũng mượn vào quyền lực, tướng hảo của Phật. Phật không tới thế gian để chúng ta thấy Phật qua thân tướng phát quang, tướng hảo đại nhân – đẹp. Mà Phật tới thế gian như một con người rất bình thường, cũng đi bằng đôi chân này, cũng ăn uống bằng đôi tay này, cũng nói bằng cái miệng như chúng ta, cũng suy nghĩ vận hành tất cả mọi sinh hoạt cuộc sống không ta. Chẳng phải rằng Đức Phật giác ngộ để rồi cho chúng ta có một cái ấn tượng, bậc giác ngộ có 32 tướng hảo đại nhân. Phật giác ngộ để dẫn chúng ta hiểu thấu giáo pháp của Ngài đó là pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Cho nên, khi chúng ta tu giáo pháp của Chư Phật, hiểu được cuộc sống là vô thường nay còn mai mất. Chính vì điều đó, ta đã tăng trưởng tâm từ bi của chúng ta, và từ bi đó ta gắn kết với Chư Phật qua mật chú Mu A Mu Sa. Trú vào trong hơi thở để dùng tánh thấy biết, thấy pháp vô thường sanh diệt, hơi thở vào hơi thở ra. Thấy một hơi thở vào biết nó ra mà không vào ta chết. Từ hơi thở này thôi các bạn, ta đã chứng được vô thường, ta thấy được pháp của Phật dạy vô thường thực sự. Bởi những ai thở ra mà không thể hít vào – chết. Ngay chỗ đó ta đã ngộ được lý vô thường, duyên khởi sanh diệt. Và nếu các bạn thấy được trong hơi thở vào ra, sự vô thường sanh diệt đó với tánh thấy biết rõ thật rõ như vậy, là các bạn đã thấy được pháp vô thường. Để rồi làm gì? Các bạn không bám víu vào thân xác, yêu chuộng nó, để tưởng rằng cả cuộc đời bồi bổ, giữ, nắm nó, mà không bao giờ mất các bạn sẽ khổ. Thấy được vô thường nên các bạn vận dụng thân này làm phương tiện ứng dụng vào cuộc đời đi tới sự giải thoát. Đó là cái thấy viên mẫn và thấy được pháp vô thường, bám vào sẽ khổ, buông sẽ nhẹ nhàng hạnh phúc. Và rồi từ đó, như Đức Phật dạy thấy được vô thường sanh diệt, khổ, phá vỡ đi bản ngã của mình là thấy được Phật.

Cho nên, từ khi các bạn thấy được trong hơi thở vào ra vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã đó là các bạn đã thấy Phật. Các bạn và Bảo Thành hãnh diện nói rằng con đã thấy. Con đã thấy pháp vô thường sanh diệt trong hơi thở chánh niệm vào ra với tánh thấy biết. Con đã thấy, con đã thấy pháp khổ trong cuộc đời bởi bám vào cái tôi, cái bản ngã. Cái tưởng rằng nó có và hãnh diện nói rằng con đã thấy pháp đó, vô thường đó nên con đã thấy Phật. Dù rằng Phật không hiện ra bằng thân tướng, như thuở xưa bước tới lò gốm để thăm đệ tử của mình là ông Wakani. Nhưng Phật đã bước vào cuộc đời của chúng ta để chúng ta diện kiến qua hơi thở vô thường sanh diệt, qua năng lượng từ bi ban rải xuống cho chúng ta. Đức Phật tới thăm ông Wakani, ngoài thân tướng của con người với thân hư thối, Đức Phật nói đừng cần gặp cái thân hư thối mà được có danh là Phật, mà hãy gặp chân lý vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã kia. Ông Wakani hiểu được điều đó.

Chúng ta cũng vậy, không mong cầu để diện kiến Phật như một vị Thần Thánh bay xuống ở trên trời hào quang bừng bừng, oai lực, oai nghi, có thần thông. Mà phải cảm nhận được trong hơi thở vào ra, đời sống của con người chỉ bằng một hơi thở – vô thường. Để từ đó chúng ta nhìn thấy ta vô thường, người người vô thường, tất cả những cái gọi là mãi mãi như trái đất này, bao nhiêu tỷ năm rồi cũng vô thường sanh diệt, một ngày sẽ nổ tung tan biến. Mặt trời cũng thế, mặt trăng cũng thế, và tất cả mọi tinh tú rồi cũng tới rồi cũng đi, vô thường không tồn tại. Nên không nắm bắt, không ôm ấp, không chấp thủ. Hiểu được chân lý như vậy là hiểu được pháp vô thường. Biết bao nhiêu những phương tiện Phật dạy cũng để giúp cho chúng ta liễu ngộ được cái pháp này đây, pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã sanh diệt ngay trong từng giây phút thở vào thở ra.

Cho nên khi các bạn đi vào hơi thở chánh niệm, hít vào thở ra trụ ở trong đó, vận dụng tánh thấy biết quán chiếu những cái niệm, những tư tưởng, những cảm xúc, những suy nghĩ, nó vô thường, nó không có trụ. Cảm xúc về đau khổ nó cũng vô thường, tới rồi đi chẳng bao giờ còn mãi mãi để ta nắm trong lòng bàn tay. Cái vui cũng vậy, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền danh, sắc tướng ở đời không bao giờ tồn tại mãi, nó là vô thường sanh diệt tới rồi đi. Chính vì hiểu được nó vô thường nên ta đón nhận giá trị khi nó còn trụ lại trong thế gian này, vận dụng đúng mức để đi vào cảnh giới an vui. Chính vì vô thường mà chúng ta phải nhận thấy rằng ngay trong cuộc sống này, cha mẹ – đấng bậc sinh thành nếu còn, các Ngài cũng vô thường sanh diệt đó, nay mai mất đi rồi ta sẽ buồn lắm. Hiểu được điều đó ta sẽ không buồn, không buồn là bởi vì ta không chờ quý Ngài mất đi, để rồi tống táng Kinh kệ. Mà ngay khi cha mẹ – đấng bậc sinh thành còn hiện hữu trong cuộc đời, ta có tâm hiếu hạnh, sống đạo đức, vun trồng đức hạnh để phụng dưỡng quý Ngài với tâm đức của một con người đã học được giáo lý của Đức Phật. Và cũng ngay cái thân này vô thường sanh diệt tới lui như vậy đó, ta tận dụng thân này ngay bây giờ, đừng bỏ phí. Thẩm nhập được đời sống là vô thường ngắn ngủi, để chúng ta cố gắng làm sao gạn lọc tất cả những điều xấu, bất thiện qua một bên để tăng trưởng điều thiện, sống an vui. Như vậy mới có ý nghĩa, như vậy mới gọi là con đã thấy. Con thấy được pháp vô thường và con thấy được giá trị của thân người, con đang sống, con phát huy giá trị thân người này để làm gì? Để hướng thượng. Để làm gì? Để làm thiện. Và làm sao bạn có thể bạn làm được điều đó? Chính là bởi vì bạn đã thấu được pháp vô thường trong từng hơi thở vào ra. Và các bạn và Bảo Thành hiểu được điều đó thì chúng ta tự hào nói rằng con đã thấy, thấy Phật trong pháp vô thường của từng hơi thở chánh niệm hơi thở vào ra.

Thực sự, các bạn và tất cả hàng Phật tử tại gia của chúng ta nếu suy nghĩ cho kĩ, chúng ta đã thấy Phật. Không phải thấy trong tưởng tượng, không phải thấy trong tâm tưởng, không phải thấy trong kinh sách, không phải thấy trong các tôn tượng; mà thấy trong pháp vô thường tới lui trong cuộc đời. Chúng ta đã thấy Phật chẳng phải từ 32 tướng hảo, để ai đó vỗ ngực xưng tên đã thấy Phật trong tâm, trong giấc ngủ, trong giấc mộng, thấy Phật gá vào cuộc đời. Để rồi để Phật mượn xác Phàm này làm chuyện Thánh, dạy mọi người – không!. Chúng ta phải thấy Phật trong pháp vô thường, trong cái khổ. Nhiều người xưng tên thấy Phật và để Phật gá vào cuộc đời nhưng họ không thấy được pháp vô thường là khổ, tới lui sanh diệt, họ cứ tưởng rằng mãi mãi như thế, cho nên bản ngã xưng cao – cao lắm. Và rồi họ như ngồi ở bên trên, để mà giáng những lời dạy dỗ xuống cho mọi người phải theo.

Khi Đức Phật tới thăm Tỳ Kheo Wakaki, Ngài chỉ hỏi “ông có gì hối hận không? Nếu không có gì hối hận thì hãy nhìn vào pháp vô thường là thấy ta, tức là thấy Phật”. Chúng ta cũng vậy, cuộc đời chúng sẽ không giờ hối hận là bởi vì chúng ta đã thấy được pháp vô thường trong chánh niệm hơi thở. Bao nhiêu lâu đấng bậc sinh thành còn trụ thế, ta nhất định hiếu đạo phụng hiếng quý Ngài. Bao nhiêu lâu ta còn có gia đình là vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè thì nhất định ứng dụng thân phương tiện này, thiện xảo nó bằng tâm hướng thượng hướng thiện, gạt bỏ những điều bất thiện, để giao thoa lan tỏa năng lượng từ bi tới cho muôn người. Bằng những hành động sống đích thực với pháp chánh niệm hơi thở từ bi Mu A Mu Sa. Hiểu thấu được cảnh giới của cuộc đời vô thường sanh diệt, khổ, để triệt tiêu ngã tướng của mình đi, thì các bạn thực sự cùng với Bảo Thành hãnh diện và nói rằng con đã thấy. Con thấy Phật thực sự trong pháp của Phật đã dạy cho chúng con.

Và hôm nay trong ngày lễ Giáng Sinh vui mừng, hòa mình vào với niềm vui của tôn giáo bạn. Đấng từ trời theo niềm tin của họ đã giáng trần – đấng cứu độ, chúng ta lại nói về cái con đã thấy – con đã thấy Phật. Đức Phật thực sự đã quang giáng trong cuộc đời của con người, không phải chỉ một lần để rồi kỷ niệm như kỷ niệm ngày Phật đản; hoặc kỷ niệm ngày Giáng Sinh. Mà Đức Phật quang giáng, tức là Ngài hạ trần, hiển hiện trong đời sống của chúng ta trong từng hơi thở vào ra chánh niệm vô thường. Nếu các bạn trong từng hơi thở vào ra chánh niệm, quán chiếu vô thường, vô ngã, và khổ là các bạn có cơ hội đón tiếp Đức Phật vào cuộc đời trong từng giây phút, hãnh diện vô cùng. Bởi chúng ta đã thấy Phật trong từng giây phút nơi chánh niệm hơi thở, nhìn thấu vô thường, khổ, vô ngã, Phật luôn hiện diện trong ngay sát na đó, trong giây phút đó. Và mãi mãi trong cuộc đời của các bạn, Phật luôn có trong từng hơi thở, Phật luôn hiện diện trong từ hơi thở. Chứ không phải trong trí tưởng tượng, trong giấc mơ, trong tâm tưởng, trong chuyện mơ hồ của điên đảo mộng tưởng mà là sự thực, Phật sẽ tới thăm chúng ta. Như lời mời của ông Wakaki, Phật đã tới, bởi Ngài là đấng từ mệnh yêu thương, nên luôn luôn chăm sóc cho hàng tứ chúng. Chúng ta đã mời Phật tới qua chánh niệm hơi thở, Phật đã tới và chúng ta thật hãnh diện với hơi thở chánh niệm thấy được vô thường, khổ và vô ngã, thực hành đúng chân lý, cái pháp đó là chúng ta luôn luôn có sự hiện diện của Phật trong đời của ta, trong từng sát na của cuộc sống. Con đã thấy, con đã thấy được Phật.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con đã thấy, thấy Phật trong chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, chúng ta không theo đạo Phật là bởi vì phong trào tập tục, tập quán; hoặc là ở gần chùa; hoặc là có nhân duyên gặp các vị Thầy chùa, Sư Cô. Chúng ta lại không đi theo Phật bởi vì sự thần tượng hóa Đức Phật như một vị Thần có quyền năng. Chúng ta chẳng đi theo Phật bởi lời đồn đại của thiên hạ bởi Kinh sách viết lại tô điểm những cái mầu nhiệm. Chúng ta không đi theo Phật bởi vì Phật có 32 tướng đại nhân – đẹp. Chúng ta không đi theo Phật bởi vì người ta nói quá hay, hấp dẫn, người ta giảng quá siêu lôi kéo chúng ta. Tất cả đi theo như vậy và thấy Phật theo tánh trạng như thế đều là thấy ma, đều là Tà Pháp, đều là tạo cho người khác phỉ báng Phật mà thôi. Bởi Phật đã khẳng định thật là rõ, trong kinh A-Hàm khi Ngài tới thăm đệ tử của mình là ông Wakani. Ông Wakani ước nguyện thấy được Phật thăm là mừng lắm, Phật nói “thấy gì thấy gì trong thân xác hôi thối của tôi?”. Ai thấy Pháp là thấy Phật, ai thấy Phật thực sự là thấy Pháp. Nếu các bạn gọi là thấy Phật mà không thấy được pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, đó là thấy ma. Các bạn đang làm cho người ta phỉ báng Thế Tôn; mà chúng ta làm một chuyện gì để cho người khác phỉ báng Thế Tôn, phỉ báng Phật giáo, chúng ta tạo nghiệp rất là nặng. Cho nên các bạn nhớ, chúng ta thấy Phật chẳng qua tướng hảo, kinh sách, chẳng qua lời dạy, giáo pháp hay, nói hay, qua sắc tướng, qua lễ nghi kính lạy. Mà qua chân lý Phật đã dạy khi Phật gặp ông Wakani, “thấy gì nơi thân xác hôi thối của tôi?. Thân xác hôi thối này của tôi ông cầu làm chi để thấy?”. Thấy pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là thấy được Phật mà thực sự ai gọi rằng và nói rằng tôi thấy Phật, tức là phải thấy được pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Sống hiểu thấu, người đó có cuộc đời khác ngay, luôn luôn hạnh phúc và bình an. Cho nên trong kinh A-Hàm nói như thế để nhắc nhở chúng ta đừng cầu Phật tới, để biến Phật thành nô lệ, người đầy tớ, để phụng dưỡng làm việc cho chúng ta. Mà chúng ta thấy Phật như thế là thấy ma, Tà Pháp, Tà Kiến – sai. Mà phải thấy Phật qua chân lý duyên khởi Phật đã dạy, vô thường, khổ, vô ngã. Ai hiểu thấu thấy điều này, Phật luôn hiện diện trong cuộc đời.

Nhân mùa Giáng Sinh, hòa mình vào niềm vui của tôn giáo bạn. Chúng ta hiểu thấu Đức Phật hiện diện trong từng hơi thở chánh niệm vào ra, trong pháp Vô Thường, Khổ sanh diệt. Để từ đó chúng ta không có sự đối đãi đúng sai giữa tôn giáo này và tôn giáo kia. Bởi các tôn giáo dưới các hình thức gọi là giáo lý có được tạo và viết ra bằng những văn bản, ngôn ngữ cao siêu đi nữa cũng vô thường mà thôi. Mà phải thấy được Phật hiện diện trong hơi thở chánh niệm của chân lý hiểu rõ vô thường, khổ, vô ngã. Để chúng ta có một cái tâm bình đẳng tánh – trí từ bi, để tương ưng đối xử với mọi người chẳng mảy may phân biệt đúng sai, cao thấp.

Các bạn, Giáng Sinh vui vẻ, hạnh phúc, an lành, tươi trẻ và thành tựu. Cầu chúc cho muôn người thành tựu được điều đó trong hơi thở chánh niệm, thấu rõ vô thường, vô ngã, hiểu rõ được khổ ở trong cuộc đời bởi vô thường.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, chúng ta vận hành 07 biến nữa.

Đời là khổ bởi vô thường không tồn tại, nguyện thấy biết trong chánh niệm hơi thở để diện kiến được Phật nơi ngay pháp vô thường này. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Khi con đau khổ con đã thỉnh Phật tới thăm Phật đã tới cuộc đời của chúng con qua hơi thở chánh niệm để chúng con thấy được pháp vô thường. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Hãnh diện và tự xưng phát triển cái tôi cũng rồi vô thường sanh diệt, chẳng tồn tại. Chúng con đã hiểu và thấy được Phật trong các pháp vô thường của thế gian. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã thấy được Phật trong pháp vô thường, khổ vô ngã. Nguyện luôn luôn an trú trong chánh niệm hơi thở để từng giây phút trong cuộc đời chúng con luôn thấy Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Ngày xưa, Tỳ Kheo Wakani trước khi ra đi đã thỉnh Phật tới thăm. Chúng con từng hơi thở vào ra luôn luôn có Phật hiện diện trong chánh niệm. Nguyện quán chiếu vô thường, khổ, vô ngã để luôn luôn có Phật ở trong đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con không thấy Phật trong 32 tướng hảo đại nhân, qua các tôn tượng kinh sách. Mà chúng con đã thấy được Phật trong chánh niệm hơi thở, thấu rõ được pháp tướng vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã thấy Phật trong chánh niệm hơi thở bởi thấu rõ được pháp vô thường, khổ, vô ngã. Nguyện đối xử với nhau bình đẳng tánh trí, với tâm từ bi hiển lộ trong từng giây phút của cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong rồi, mời các bạn, chúng ta chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Hôm nay ngày Giáng Sinh, nương vào tin mừng của một tôn giáo bạn, đón mừng đấng cứu độ. Chúng con cũng nương vào hơi thở chánh niệm để thấy được Phật trong các pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con nguyện sống đúng với tinh thần của Phật, đối xử với nhau bình đẳng tánh – trí từ bi. Nguyện hồi hướng công đức tới các nguyên thủ các quốc gia, cũng có sự tu tập như vậy để thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện hồi hướng tới các nhà khoa học ngành y, ngành dược, để họ có trí tuệ sáng tạo ra nhiều vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Nguyện hồi hướng cho bác sĩ, y tá, y sĩ, những người nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới luôn chữa lành bệnh nhân. Nguyện cho muôn người đau khổ và phiền não tìm được sự hạnh phúc, bình an. Nguyện cho các hương linh được tái sanh cảnh thiện lành.

Con xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn