Search

Bài 1260: Hô Phong Hoán Vũ – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực để chúng con biết hô phong hoán vũ vào cuộc đời làm người này.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn!

Chúng ta đang đồng tu với nhau Pháp môn Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn. Vẫn như mọi ngày, nhắc nhở để chúng ta nhớ và ôn cho kỹ. Hơi thở chánh niệm rất quan trọng khi chúng ta tu tập, không phải rằng chỉ có lúc ta ngồi đồng tu như thế này. Mà từng giây phút trong cuộc đời, đi đứng, nằm ngồi, sinh hoạt của cuộc sống, công việc hằng ngày, xử thế trong đời, mọi góc cạnh, chúng ta thành lập thói quen an trú trong hơi thở chánh niệm. Để vận dụng được tánh thấy biết, có tầm quan sát thật rõ mọi hiện tượng xảy ra trong tương tác của cuộc sống.

Chúng ta điều ngự được hơi thở và giữ tâm ở trong hơi thở đó, đón nhận năng lượng siêu thế Mu A Mu Sa – năng lượng từ bi, cuộc sống của chúng ta sẽ thêm phần tốt đẹp mỗi ngày. Cuộc đời là một sự lựa chọn thực tập thói quen tốt, để có cuộc sống hạnh phúc bình an; hay là chúng ta mặc kệ, trôi lăn theo những thói quen xấu, để kết quả là sự buồn bã, đau khổ, phiền não tới với chúng ta. Mỗi người có sự lựa chọn khác biệt. Đối với các bạn và Bảo Thành chúng ta chọn con đường đồng tu, có nghĩa chúng ta chọn một con đường đi về sự hạnh phúc và bình an vốn có trong cuộc đời mà Phật đã khai thị.

Nay với chủ đề “Hô Phong Hoán Vũ”, như là có thần thông với mọi người, một chủ đề tuyệt vời, từ ngàn xưa con người đã mơ ước rồi. Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau hô phong hoán vũ. Xin Chư Phật gia trì để chúng ta có đủ trí tuệ, với công phu tu tập, đạt được khả năng hô phong hoán vũ trong cuộc đời.

Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay từ bi. Để chúng ta cùng tĩnh lặng, an chú trong 07 biến hơi thở, thẩm nhập được năng lượng siêu thế, để hô phong hoán vũ vào cuộc đời của mình. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực để chúng con đạt được sự hô phong hoán vũ trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, từ Cổ cho tới Kim, nghĩa là từ ngàn năm xưa cho tới ngày hôm nay, con người nói chung – các bạn và Bảo Thành vẫn mơ ước, mình có khả năng hô phong hoán vũ (có nghĩa là làm mưa làm gió) trong cuộc đời. Trong phim ảnh, trong truyện ta coi, thường vào những thời gian bị hạn hán, các vua chúa thời xưa thường hay thỉnh mời các vị Pháp sư lập đàn, tế trời, cầu mưa, cầu gió. Và sau khi tế đàn xong, thỉnh trời đất xong, thì rồng liền phun nước xuống dân gian, ruộng lại đầy nước, con người lại có thêm sự sống bởi trời đã mưa. Những chuyện đó tản mạn mãi trong những phim ảnh, những câu chuyện từ thủa nhỏ chúng ta đã coi, đã nghe. Và rồi lớn lên, cưu mang một niềm khao khát mơ ước,rằng chúng ta cũng như những vị Pháp sư kia có được pháp lực, tạo mưa tạo gió cho cuộc đời khi cần, cho muôn người và cho ta.

Làm mưa làm gió trong cuộc đời theo một nghĩa nào đó, chắc có lẽ chúng ta cũng từng trải qua. Biết bao nhiêu vua chúa, anh hùng, biết bao nhiêu con người dù có quyền hay bình dân, cũng từng làm mưa gió trong cuộc đời dưới nhiều ý nghĩa khác nhau. Để rồi cuộc đời của chúng ta, trải qua một đoạn đường, đôi khi thầm nghĩ lại, ta từng làm mưa gió trong cuộc đời; hoặc ai đó được ta gọi “à, người đó từng làm mưa gió, tạo sóng gió trong cuộc đời”. Tiêu cực hay tích cực cần phải đi sâu để bàn bạc, nhưng trở về một cái pháp có thể hô phong hoán vũ, làm mưa làm gió trong cuộc đời, chắc có lẽ đây là một thể loại pháp thuật các bạn và Bảo Thành mơ ước. Liệu rằng pháp thuật cao siêu như vậy, mà các vị Pháp sư ngày xưa từng tu luyện, phò vua giúp nước, chúng ta – Bảo Thành – các bạn, có thể tu luyện từ nơi bậc cao minh, trí tuệ, giác ngộ là Đức Bổn Sư hay không? Hay Đức Phật giấu ta, không cho ta tu luyện Pháp môn này.

Chúng ta hãy tư duy, là con người ai cũng yếu đuối, chẳng thể thành công tất cả mọi việc, nên từ đó ai ai cũng khao khát có được quyền năng di sơn dời hải, hô phong hoán vũ, làm mưa gió trong cuộc đời. Thể hiện tánh kiêu hùng, nhân cách của một anh hùng, của kẻ hùng, của sức mạnh nhưng thật ra những điều mơ ước đó, thể hiện bản năng yếu đuối của con người. Làm mưa gió trong cuộc đời – có, nhưng hô phong hoán vũ, mưa gió như lời Đức Phật ta chưa làm, bởi ta không học của Phật. Nhưng nếu chúng ta về học những lời của Phật, thì thực sự Bảo Thành và các bạn có khả năng hô phong hoán vũ, có khả năng làm mưa gió trong cuộc đời của mình và mưa gió trong cuộc đời cho những người cần thiết. Vậy thì loại mưa gió gì ta cần tạo cho ta, ta cần tạo cho người? Trước khi nói đến có thể làm mưa làm gió trong cuộc đời đúng pháp của Như Lai, thì ta trở về làm mưa làm gió trong cuộc đời không đúng pháp của Phật, mà là pháp của thế gian.

Các bạn thân mến, trong các kinh Đức Phật thường nói, có một thuật ngữ gọi là Bát Phong Xuy (tám luồng gió chướng). Chúng ta phải nhớ rằng, 08 luồng gió chướng này khi đương đầu mà tâm bất động, bát phong bất động (tức là đương đầu với tám luồng gió chướng) mà tâm vẫn thanh tịnh, người đó sẽ có được sự hạnh phúc. Còn đương đầu với tám luồng gió chướng này mà tâm bất tịnh, dao động, đau khổ, phiền não tới. Cho nên trong cuộc sống, ai ai cũng mong rằng mình có khả năng bất động khi đương đầu với Bát Phong Xuy (tám luồng gió chướng) thật là đen. Nó ở đâu tới? Nó ở chính nơi chúng ta tạo ra mà thôi, không phải do ông Phật, ông trời đem tới đổ vô đầu chúng ta bởi chúng ta không phụng mệnh các Ngài, không quy theo các Ngài, không tôn thờ và nghe lời các đấng đó, nên các đấng đó không thích ta, trừng phạt ta; mà do chính chúng ta đã dùng ma thuật trong suy nghĩ đen tối của vô minh, lầm chấp trong tham sân tạo thành tám luồng của gió chướng này.

Thuở xưa thật là xưa, thời Trung Quốc (đây là lịch sử, kinh kệ nói thôi), con người thường hay đấu nhau dữ lắm. Ông Tô Đông Pha cũng hay đấu với các bậc Thiền sư. Ông ta quen với một vị Thiền sư tên là Phật Ấn. Tô Đông Pha là người tài giỏi về văn thơ, cũng uyên thâm về Phật học. Khi tới thăm, ông Thiền sư Phật Ấn làm một bài thơ hình như hay lắm. So sánh Đức Phật là một đấng tuệ giác đứng trước Bát Phong (tức là tám luồng gió chướng của cuộc đời), Đức Phật bất động. Và ông Tô Đông Pha cũng cảm thấy trong bài thơ đó, thêm vài dòng chứng tỏ cho thiền sư Phật Ấn biết rằng, ông ta cũng là một bậc bất động trước Bát Phong xuy (tám luồng gió chướng của cuộc đời). Có nghĩa, gợi ý trong văn chương, ông ta tương đương với Phật, ông ta như là Phật đã chứng đắc phần đó, rồi để lại bài thơ cho Thiền sư Phật Ấn, lúc đó Ngài không có ở nhà. Khi Ngài trở về thấy bài thơ đó, Ngài điền vào hai chữ thật là gọn, gọi là “hạ phong” tức là gió thấp. Rồi gửi bài thơ đó trở lại cho Tô Đông Pha. Tô Đông Pha đọc xong, bực mình, khó chịu, liền lấy con đò chèo từ bờ sông biên kia qua bên này gặp nhà Thiền sư Phật Ấn, và nói một bài thơ Đức Phật bất động trong tám luồng gió lớn, vậy mà sao Thiền sư lại đề “hạ phong” tức là gió nhỏ. Ông ta không chịu được, ông ta giận dữ, bắt đầu xỉa xói, nói những lời này không hay với Ngài Thiền sư. Thiền sư Phật Ấn nói rằng: “một cơn gió nhỏ như vậy mà đã làm cho Tô Đông Pha phải bực bội, phải vượt sóng qua sông để gặp ta, huống hồ chi gió lớn sao có thể chịu được?” Lúc này Tô Đông Pha mới ngộ ra, thấy hổ thẹn.

Các bạn có khi nào thấy rằng, luôn luôn khẳng định với bản thân và mọi người, trước mọi thử thách trong cuộc đời, các bạn không bao giờ sa ngã, lung lay, các bạn bất động? Nhưng có khi nào các bạn chiêm nghiệm lại, chúng ta có phải chăng là Tô Đông Pha không? Có những chuyện rất nhỏ trong cuộc sống, xảy ra giữa tình nghĩa của bạn bè, của người quen, hoặc của vợ chồng, cha mẹ, người thân, ta đã đùng đùng nổi gió, nổi mưa, làm cho nhà cửa lung lay, tình cảm sụp đổ, tình nghĩa cha mẹ tan rã, rồi làm cho tình bạn không còn tốt đẹp nữa, có không? Có! Chuyện rất nhỏ xé ra to để rồi hư – hư hết mọi chuyện. Đó chính là chúng ta đã sử dụng ma thuật của vô minh, để làm mưa làm gió, gây sự tan nát trong tình cảm của con người với con người.

Trở về tám luồng gió chướng – gió lớn – đại phong mà cuộc đời ta thường sa ngã, rớt vào. Đức Phật nói có bốn cặp, cặp thứ nhất gọi là được và mất. Khi chúng ta được tiền tài, danh vọng, địa vị, tình cảm, nhà cao cửa rộng, được những điều ta mơ ước, ta sung sướng chất ngất trên đỉnh trời. Nhưng khi mất đi ta đau khổ, “ôi cha, ta không biết phải như thế nào”. Đây là sự trải nghiệm rất thực tế bởi chúng ta là người, chẳng ai có thể trốn tránh được cảm xúc vui sướng, đau khổ khi được và mất. Chúng ta có, cứ nhớ đi, nếu chúng ta mất đi một người thương yêu ta sẽ đau khổ biết bao, nếu chúng ta có được điều ta mơ ước ta sẽ hạnh phúc khôn cùng. Và rồi giữa cái mất, cái được đó, nó làm cho chúng ta cứ bồng bềnh. Lúc thì nổi lúc thì chìm, cảm xúc của chúng ta thăng trầm thay đổi, khổ lắm. Và cái được mất trong cuộc đời nó không có tồn tại mãi, vẫn biết như vậy tới rồi đi, được rồi mất nhưng ta cứ bị nó lôi kéo làm cho khổ.

Có một thuở, một Ông Bà-La-Môn tới gặp Phật, hỏi Phật rằng: Thưa bậc đại giác, Ngài là đấng giác ngộ, có trí tuệ viên mãn, Ngài đã tu đi đến sự chứng đắc. Vậy thì xin Ngài cho tôi biết, khi đã chứng đắc Ngài được gì và mất gì?”. (Đúng là hai chữ được và mất đây).

Đức Phật nói với Ông Bà-La-Môn rằng: Ta đã tu đi tới sự chứng ngộ và giác ngộ. Ta đã mất, mất gì – ta mất bản ngã của ta. Còn ta được gì – ta được sự thanh bình, thanh tịnh vốn có ở trong ta”.

Các bạn, một câu trả lời đã bao gồm tất cả những chân lý Ngài dạy cho chúng sanh, Ngài tu và chứng cái gì? Chứng ngộ, là bậc đại giác đại ngộ nhưng được gì, mất gì? Ngài mất bản ngã, còn chúng ta tu theo Phật, chúng ta chứng ngộ chưa? Chắc có lẽ cũng tự hào đôi chút – chứng rồi! Nhưng cái chứng này không phải đưa đến sự chứng ngộ để mất đi bản ngã, mà gọi là chứng ma để tăng ngã tướng của mình. Thế nên tu một chút xíu thôi là vỗ ngực ầm ầm như con khỉ xưng tên, xưng tuổi, xưng vương, xưng quyền, xưng lực, đủ hết. Trong thế gian thiếu gì những con người vỗ ngực xưng tên, bởi vì họ tu chưa chứng ngộ, chỉ chứng ma nên tâm ma hoành hành. Chưa mất đi bản ngã nhưng tôn cái bản ngã, vẫn gọi ta đây, tôi đây, ta thế này, tôi thế kia. Đời vẫn có, ngàn xưa, hôm nay và mãi mãi vẫn luôn tồn tại những con người như vậy. Và rồi họ chẳng được sự thanh tịnh như Đức Phật, họ được sự phiền não, bị sự đau khổ. Chúng ta tu Phật, nhớ phải học theo phương pháp bí truyền đặc biệt của Đức Thế Tôn, để có thể hô phong hoán vũ. Mưa gió về được – mất phải tiêu ngay, để chứng đắc sự thanh tịnh vốn có, và mất đi bản ngã của mình.

Cặp thứ nhất hai luồng gió đó là được-mất. Hai luồng gió thứ hai, luôn luôn đối nghịch, xoay hoài, nó quay mòng mòng làm ta nhức đầu, đó là gì các bạn có biết không? Đó là khen – chê. Một lời khen, ta bay lên trời như con đại bàng vỗ cánh, đạp nát hết tất cả mọi người, nhân cách của người khác. Chê một cái như là mặt trời bị sa xuống hang núi, gầm trời cuối đất, tan nát, động đất trỗi lên, muôn người đau khổ. Lời khen chê rất nguy hiểm! Khen làm mất danh dự bởi sướng quá quên luôn bản tính. Chê làm tính nóng nổi dậy, dễ nguy hại tới muôn người. Cho nên, đây cũng là một cặp gió luôn luôn đối nghịch, xoay chuyển trong cuộc đời; mà các bạn thường tạo ra những cơn gió, cơn mưa như vậy, gió này lôi kéo cuộc đời tạo ra những cơn mưa nước mắt, mãi mãi đau khổ.

Có một câu chuyện kể, có một anh cọp, anh ta là chúa của Sơn Lâm, dũng mãnh vô cùng, cai quản muôn thú. Gặp một anh Nai, mới nói nay như vầy: Nai ơi! Ta là Cọp, ta có khả năng thống lĩnh tất cả, hình như ta đã đưa tất cả mọi người tới cảnh giới bình yên, không còn đau khổ nữa. Nai thấy không, ta có được trí tuệ không màng đến tất cả những gì ở trên, chỉ làm sao tạo ra sự bình yên cho muôn người.

Anh Nai nói: Làm gì có chuyện đó anh Cọp? Anh nói không đúng rồi, anh đã làm được gì đâu, chẳng được một gì cái hết, cho nên tôi đâu có thấy cảnh giới thanh bình gì?

Anh Cọp tức giận, rống lên một tiếng, bay tới chụp cổ con Nai định ăn thịt bởi vì không biết tận hưởng sự thanh bình mà anh Cọp nghĩ rằng đã tạo ra. Anh Nai lùi lại hai bước, cười khẩy và nói rằng: Đấy đấy, anh Cọp có thấy chưa? Thanh bình ở đâu? Anh đang hung dữ như một Quỷ Vương tính chộp cổ giết tôi này, thì làm sao tôi thấy sự thanh bình?

Anh cọp lúc này mới ngỡ ra, cười lên một tiếng nhẹ nhàng buông thư, và thả tay ra, dắt tay anh Nai tiến về phía trước. Anh nai điềm tĩnh nói: Đây mới chính là cảnh giới thanh bình!

Các bạn, qua câu chuyện của loài thú thôi, chê một tiếng là muốn giết rồi, khen một tiếng lại nhẹ nhàng dắt tay đi. Cũng cùng một giây phút, khen – chê có hai sự hỉ nộ khác nhau. Đây là luồng gió thường lui tới trong cuộc đời mà không ai tạo ra đâu – chính ta. Ta làm mưa làm gió trong những lời khen chê. Người ta khen ta thích lắm, người ta chê ta muốn giết họ ngay, và rồi không những thế ta còn dễ khen những điều sai trái của người để tâng bốc người, nịnh bợ người, để người mang lại lợi lạc cho ta. Ta cũng hay dèm pha, chê bai những người làm đúng để mà chà đạp, đẩy họ xuống. Ta muốn người khen, ta không thích người chê nhưng ta lại thích chê người, chẳng bao giờ biết khen người. Cứ đối nghịch như vậy, ta đang làm mưa làm gió trong cuộc đời, trong hai cảm xúc khen-chê lui tới mãi. Các bạn có thấy khổ không? Đây là chính ta tạo ra làm mưa gió, hô phong hoán vũ, đày đọa bản thân, gây chết chóc cho muôn người.

Lại có một cặp gió chướng sẽ tới trong cuộc đời, đó là xấu và tốt. Nếu chúng ta ở đời, ai lỡ nói lời rằng, “hôm nay tôi thấy mặt anh hơi xấu, khí sắc không tốt” là buồn lắm rồi, là muốn giọng một cái vô miệng cho nó gãy răng. “Ăn nói tào lao, tầm phào! Tưởng hảo người ta đẹp như vậy mà dám nói là xấu”. Còn nếu mà khen, “chu cha, hôm nay cô đẹp thật”, ôi chúng ta bay bổng như con vịt trời bay lên trên. Giữa tốt và xấu, chúng ta thường để cảm xúc lúc thăng trầm, lên xuống, người nói xấu, kẻ nói tốt, định nghĩa xấu – tốt như thế nào đây? Và trong lời nói của con người khi diễn tả về cái xấu tốt, thường làm cho ta khổ, ta đau. Và chúng ta cũng vậy, khi tương tác thường hay chê xấu, nói tốt cái này cái kia. Người ta mua được một điều gì; hoặc có một điều gì –  ta chê là xấu ngay, và nói cái này mới tốt. Nhất là trong mùa Giáng Sinh – mùa Noel, chúng ta đi sắm đồ, chúng ta mua được những điều ta thích thú, nhưng về nhà chắc chắn sẽ có người nói “cái này không có đẹp, cái này xấu, đúng ra phải nên mua cái này mua cái kia”. Trong khi chúng ta bỏ biết bao nhiêu sức và tiền tài mua để tặng người, người nhận – người chê xấu, nói cái kia nó mới đẹp, mới tốt, làm trong lòng buồn lắm. Ngược lại, ta cũng đối xử như vậy mà thôi.

Cũng lại có câu chuyện về một loài thú. Có một anh sư tử bờm thật là dài, đi bốn chân, chững chạc đứng ở trên trên núi, vào ở trong rừng sâu, chẳng biết gì. Tiếng gầm của sư tử (gọi là sư tử hống mà) làm cho muôn thú phải sợ. Anh sư tử này thấy rằng mình có bốn chân vững chắc, đi không bao giờ té, thấy đó là cái tốt của mình. Thấy điểm tốt, cho nên đi đâu cũng tự hào mình oai phong, có tiếng rống như sư tử, rung động cả rừng núi. Nhưng cái đẹp nhất của loài sư tử vẫn là bốn chân vững chắc, cho nên con sư tử này gặp loài người mới banh mắt ra, rồi gầm lên một tiếng nói lời chê bai: “này loài người, nhà người thật là xấu, không như ta. Ta thật đẹp, ta có bốn chân vững chãi trong cuộc đời. Ta có bốn chân vững chãi, đi đâu cũng mạnh, cho nên ta là sư tử, ta là Chúa Sơn Lâm. Còn nhìn loài người kia, có hai chân, thiếu mất hai chân, nhìn xấu quá!”.

Loài người mới nhìn con sư tử và nói rằng: “à, anh nói như vậy sai rồi, tôi có hai chân đẹp lắm, anh có dư hai chân thành ra bốn, nhìn thật là xấu và tệ”.

Các bạn, như vậy thì định nghĩa của tốt – xấu là gì? Người có bốn chân tự khen mình đẹp, chê loài người có hai chân là xấu. Loài người có hai chân lại khen mình đẹp, chê loài sư tử dư đến hai chân. Trong cuộc sống, ta thì chạy theo những ý tưởng tốt xấu của lòng ích kỷ, riêng tư của mình, để luôn luôn phủ nhận những cái đẹp, cái tốt của người khác. Chưa bao giờ dưới ánh mắt nhìn của ta, thấy được chân giá trị, thiện mỹ tốt đẹp của con người khác. Bởi ta có lòng ghen ghét, vốn có, tốt xấu phân chia, và cộng thêm tính ích kỷ, nên chúng ta đi đâu cũng chê bai là cái này xấu, cái này tốt. Cứ như vậy, ta vùng vẫy mãi, ta đã làm mưa làm gió trong cuộc đời, khổ không? Khổ!

Chưa kể đến hai luồng gió chướng cuối cùng, gọi là hạnh phúc và đau khổ. Tìm cầu hạnh phúc mãi nhưng chẳng làm đúng pháp, để rồi đau khổ cứ tràn tới. Thế nên, trong cuộc đời của chúng ta nói cho thật rõ, thì tám luồng gió: được – mất; khen – chê; tốt – xấu; khổ và hạnh phúc. Tám luồng gió này, chúng ta đã tự tạo ra bởi chúng ta tu luyện pháp thuật của vô minh, được thúc đẩy bởi Phàm tánh tham sân si, cho nên chúng ta – cả cuộc đời khổ và luôn luôn tạo khổ.

Nay các bạn, chúng ta phải chấm dứt con đường ma đạo, ứng dụng ma thuật của vô minh, để không tạo ra mưa gió, không hô phong hoán vũ, tám luồng gió chướng để tâm ta động nữa; mà chúng ta phải hô phong hoán vũ, làm mưa gió đúng pháp của nhà Phật, để có được tâm bất động, tâm thanh bình, nhẹ nhàng trong cuộc sống. Chúng ta học như thế nào? Đức Phật dạy, chúng ta nếu thực hiện theo lời của Đức Phật, chúng ta sẽ làm mưa gió trong cuộc đời, nhưng không làm mưa làm gió theo Bát Phong Suy (tám luồng gió chướng); mà chúng ta sẽ làm được gió thanh bình – những cơn gió thanh bình tới lui trong cuộc đời.

Các bạn nói, làm sao có thể hô phong? Gió là phong đó, tạo ra luồng gió thanh bình đó trong cuộc đời? Phật đã dạy, tám luồng gió chướng là do ta tạo bởi vô minh; thì Phật dạy cho ta một bí kíp thượng thừa tạo ra luồng gió mới, làm tươi mát trong cuộc đời, mang lại sự thanh bình, có không? Có! Đó là bằng hơi thở chánh niệm.

Trong chánh niệm hơi thở, bạn mang cơn gió mát của cuộc đời đi vào, qua lồng phổi sâu xuống đan điền khí hải, tận mãi dưới luân sa để kích hoạt năng lượng tự thể vốn có. Nó thật thanh bình, tươi mát, nó lan tỏa ở trong châu thân, làm cho tinh thần hứng khởi, thong dong, thanh bình và tự tại. Luồng gió này ta làm được, ta có pháp Phật rồi đó. Các bạn chỉ cần hít vào nhẹ nhàng đưa qua phổi, rồi nó lọc, nó đưa oxi xuống sâu, thì đó là gì? Là tạo ra gió – gió thanh bình bằng chánh niệm hơi thở, thật đơn giản. Nhưng chính pháp thuật đơn giản nhưng siêu thế, mầu nhiệm này, ta đã bỏ quên, ta đã không chú tâm vào học hỏi, nên ta tạo những luồng gió chướng trong cuộc đời, được-mất; khen-chê; tốt-xấu; khổ và hạnh phúc. Nhào lộn như nhào bột để rồi nhét vào trong miệng nó đóng cứng, tắt thở mà chết.

Các bạn, các bạn có nghe rõ chưa? Nay chúng ta theo Đức Phật, chúng ta có thể hô phong, tức là tạo ra gió, được mà. Bảo Thành và các bạn từng tập rồi. Hít vào đó là hô, hô một tiếng hít vào một luồng gió mới lan tỏa ở trong phổi. Ta đã tạo ra một luồng gió thanh bình. Hoán vũ là làm mưa, mưa gì? Pháp vũ – mưa pháp, được không các bạn? Được! Bởi trong hơi thở của Thiền Mật – Thất Bảo, ta đưa luồng gió mới trong chánh niệm vào trong phổi, xuống đan điền khí hải – luân sa, để rồi chúng ta hoán vũ, tạo ra mưa – mưa pháp. Mưa pháp chính là mưa Phật điển Mu A Mu Sa, ban rải đổ xuống trên ruộng phước điền của chân tâm thanh tịnh trong hơi thở chánh niệm. Tràn đầy những giọt mưa Phật điển rải xuống cuộc đời khô cằn, đạo hạnh tiêu cực, bất thiện, nghiệp chướng nhiều đời của chúng ta. Như một sa mạc đen tối nay tràn đầy những giọt mưa pháp vũ, mưa ân điển, mưa Phật điển, mưa Mu A Mu Sa.

Các bạn – đúng! Chúng ta đã hô phong hoán vũ, chúng ta tạo ra gió thanh bình của chánh niệm hơi thở, chúng ta đã làm được mưa Phật điển. Mưa Phật điển Cam Lồ ban rải, rớt xuống, phủ đầy cuộc đời. Để rồi từ đó, nó đẩy lùi đi tám luồng gió chướng đen thui của cuộc đời, và những cơn mưa nước mắt đầm đìa trong năm tháng, trong vô lượng kiếp. Bởi những luồng gió đen kia, gió của được – mất; của khen – chê; của tốt – xấu; của khổ đau và hạnh phúc; mà ta vùi đầu vào trong đó, nhồi nặn vô lượng kiếp qua.

Các bạn, nếu các bạn nghe được điều này, thông được nó, liễu nghĩa nó, hiểu được nó, các bạn phải hân hoan vui mừng vô cùng. Bởi các bạn đã có thần thông vi diệu trong Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn đã hô phong hoán vũ, các bạn đã làm được gió, làm được mưa, làm mưa làm gió trong cuộc đời của bạn, nhưng mưa này là mưa Phật điển, gió này là gió chánh niệm hơi thở mang lại hạnh phúc, an vui, sức khoẻ, phiền não, bệnh tật tiêu trừ, siêu xuất khỏi cõi Phàm, thành tựu được bậc Thánh ngay ở ngay trong cuộc đời Phàm.

Các bạn, một pháp thuật cao siêu của bậc Minh Tuệ đại giác là Phật truyền dạy cho chúng ta, không phải là của những Pháp sư vô minh, của những Phàm tính tham sân si, nhồi nhét vào những luồng gió đen, làm cho cuộc đời đen tối mãi, lầm than, xoay vần trong lửa của tham sân si, tạo ra biết bao nhiêu khổ trong cuộc đời.

Các bạn, nay ở trong tay của các bạn đã có bí pháp của Pháp bảo Thiền Mật. Các bạn và Bảo Thành đã trở thành không phải là Pháp sư nữa, không phải là Pháp sư trong vô minh nữa các bạn. Mà chúng ta trở thành những con người thực sự, hưởng được pháp vi diệu của Phật, đó là một hành giả hành được pháp siêu việt của Phật, để làm mưa gió cho cuộc đời thêm hạnh phúc, thêm tươi, cho muôn người đạt được sự thanh bình trong cuộc sống. Ta đã tạo ra luồng gió mới trong cuộc sống, bởi hơi thở chánh niệm thấy biết rõ ràng, và bởi mưa ân điển từ bi Mu A Mu Sa.

Hãy đứng dậy và đứng lên để tiếp tục pháp thuật cao siêu này, để cuộc sống của chúng ta thoát ra khỏi những luồng gió đen trong cuộc đời được-mất; khen-chê; tốt-xấu; khổ và hạnh phúc. Bát Phong bất động, ta sẽ không còn lay động giữa những luồng gió chướng của cuộc đời. Bởi ta an trú, thường trụ trong luồng gió thanh bình của chánh niệm hơi thở, bởi ta đã đắm mình gội rửa trong những giọt nước mưa tha lực Phật điển, từ bi Mu A Mu Sa. Lành thay, lành thay! Các bạn và Bảo Thành đã có được điều đó, hãy lan tỏa ra cho muôn người. Và tất cả chúng ta hãy tinh tấn, tắm gội cuộc đời bởi mưa pháp, tức là pháp vũ của Phật qua Mu A Mu Sa, để gội rửa tánh Phàm, tẩy rửa trần ai, ly trần tẩy tục, lìa khỏi tham dục. Để chúng ta được những luồng gió mát trong chánh niệm hơi thở mang chúng ta trở về với cuộc sống thanh bình, tịnh tĩnh, an vui, hạnh phúc, miên trường trong pháp của Như Lai, chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa.

Mời các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, để chúng con thành tựu được pháp thuật Hô Phong Hoán Vũ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn thân mến, Bảo Thành chúc mừng các bạn, chúc mừng tất cả mọi người. Bởi vì nhân dịp cuối năm, chúng ta đã thành tựu được pháp thuật cao minh của Đức Bổn Sư truyền dạy. Pháp thuật hô phong hoán vũ tạo ra những luồng gió tươi mát trong cuộc đời bằng chánh niệm hơi thở, mang năng lượng thanh bình, lan tỏa vào cuộc sống của ta và cuộc sống của gia đình, xã hội. Ta đã hô được mưa, ta đã cầu được mưa pháp vũ (Pháp vũ: tức là mưa pháp) qua những tha lực Phật điển Mu A Mu Sa, thấm đượm vào trong cuộc đời, làm trổ mầm yêu thương lan toả. Các bạn, chúc mừng, các bạn đã trở thành những nhà Pháp sư siêu việt dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Chẳng phải là những Pháp sư tu tập những pháp thuật tạo ra tám luồng gió chướng được – mất; khen – chê; tốt – xấu; khổ đau và hạnh phúc, mà xưa tới giờ chúng ta đã lầm lẫn, vùi đầu vào trong đó, tạo ra những cơn gió, cơn mưa, xoáy lốc xoay vần trong đam mê tủi nhục. Khổ quá! Thôi thì từ nay, dịp cuối năm này, hãy đứng dậy trở thành một vị Pháp sư thực sự, cao tay ấn, bởi được truyền pháp thuật cao minh của Đức Phật. Hô phong hoán vũ, tạo ra luồng gió tươi mát trong chánh niệm hơi thở và có thể tạo ra mưa pháp vào cuộc đời qua ân điển từ bi, năng lượng yêu thương.

Chúc mừng các bạn, các bạn đã thực sự là những Pháp sư mà Bảo Thành rất mến thương. Bởi các bạn đã huân tu, đã tinh tấn để tạo được gió mát trong chánh niệm, mưa tha lực từ bi trong Mu A Mu Sa. Chúc mừng các bạn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái, để vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con đã tạo ra những luồng gió đen của được mất, đau khổ nhiều. Từ nay nguyện mang gió chánh niệm, mưa từ bi vào cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Vì vô minh, tham sân si, chúng con đã tạo ra những luồng gió đen của khen chê, mà bao đau khổ nhiều đời đã lui tới. Nay phát nguyện tạo luồng gió chánh niệm và tắm gội trong mưa từ bi của Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Từ muôn đời chúng con đã tạo ra luồng gió đen của tốt-xấu, cuộn tròn ở trong đó như nhà tù, khổ đau đã nhiều. Nay phát nguyện mang luồng gió chánh niệm vào sâu trong lồng ngực, gội rửa mưa pháp trong tha lực Phật điển yêu thương. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Từ muôn đời chúng con cứ vần xoay trong luồng gió đen của đau khổ và hạnh phúc, mà vô minh bao trùm chẳng thấy đường đi. Nay phát nguyện mang gió mát chánh niệm, tánh thấy biết tắm gội trong dòng pháp vũ – mưa ân điển Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện từ bỏ, tạo nên những luồng gió đen trong được-mất; khen-chê; tốt-xấu; hạnh phúc-khổ đau. Và sẽ tinh tấn tu luyện chánh niệm hơi thở – từ bi Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện từ bỏ ma thuật, đắm chìm trong vô minh, tham sân si, tạo nên tám luồng gió chướng đen cuốn trôi cuộc đời; mà phát nguyện tu tập pháp thuật cao minh, để tạo luồng gió chánh niệm, mưa ân điển từ bi tới với cuộc đời, tới với muôn người. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã trở thành những đệ tử của Phật, biết pháp thuật cao minh, hô phong hoán vũ, tạo ra những luồng gió thanh bình trong chánh niệm và những cơn mưa pháp từ bi, yêu thương. Nguyện lan tỏa trong gia đình để cha mẹ, vợ chồng, con cái được hạnh phúc. Lan tỏa trong xã hội để muôn người được yêu thương. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta đã tu xong rồi. Các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con, hôm nay đã được Phật truyền pháp thuật cao siêu, hô phong hoán vũ tạo được luồng gió mát, chánh niệm hơi thở, dưỡng khí nuôi cuộc đời. Và tạo ra pháp vũ ân điển từ bi Mu A Mu Sa, gội rửa uế trược, tưới tẩm, trổ mầm yêu thương.

Nguyện lan tỏa những luồng gió mát và mưa ân điển này vào gia đình, vào cuộc sống, vào xã hội.

Hồi hướng công đức cho các nguyên thủ các quốc gia cũng từ bỏ tà thuật, mà học pháp thuật tạo gió an bình, mưa yêu thương để chấm dứt chiến tranh. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược nương vào sự thanh bình, năng lượng tình yêu này, chế tạo ra nhiều vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế trên thế giới biết ban phát tình yêu thương qua trí tuệ, kiến thức của mình chữa lành bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai đang đau khổ, phiền não tìm được hạnh phúc và yêu thương, an lạc trong pháp Phật nhiệm mầu. Nguyện các vong linh được tái sanh về miền cực lạc.

Con xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts