Search

Bài 1244: Giúp Người Lầm Than – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Lạc đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Với chủ đề gửi về hôm nay, chúng ta đồng tu để chiêm niệm về lòng đại từ đại bi Đức Phật đã khai thị cho mỗi người cần phải huân tu. Chủ đề “Giúp Người Lầm Than” là một chủ đề để chúng ta cùng nhau suy nghĩ vào dịp cuối năm để chúng ta nhớ rằng trong cuộc đời này còn có biết bao nhiêu những người lầm than mà mỗi người chúng ta khi học Phật cần phải phát tâm để giúp người lầm than trong cuộc sống mà ta có nhân duyên, phước báu gặp gỡ họ.

Mời các bạn đi vào 07 biến hơi thở chánh niệm. Trụ tâm trong hơi thở, quán tâm trong hơi thở nhìn rõ mọi cảm xúc của thân tâm và phát nguyện đón nhận năng lượng từ bi từ mười phương Chư Phật để rải tới muôn loài chúng sanh. 

Các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi chúng ta bắt đầu.

Hơi thở các bạn được đưa vào bằng mũi, ngang qua phổi, đi xuống sâu ở vùng dưới xương cùng. Lúc đó, bụng phình ra, ta thấy hơi thở đi vào từ mũi và tánh biết – biết bụng phình ra, giữ ở đó 03 giây sau, chúng ta thở ra thấy hơi thở đi ra từ dưới bụng theo âm thanh Mu A Mu Sa với mật chú này, và biết được bụng của mình hóp vào. Chúng ta quán chiếu thân tâm và đón nhận năng lượng từ bi, từ trường yêu thương của Phật ban rải xuống trong thân tâm của chúng ta và từ đó lan tỏa tới muôn loài chúng sanh. 

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai tâm mở trí để chúng con biết giúp người lầm than. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)

Mô Phật!  Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến, hôm nay đã là những ngày cuối của năm 2020 tháng 12 rồi, tuần đầu của tháng 12 đang từ từ tiêu biến. Và mỗi người chúng ta có được sự cảm nhận bởi mùa đông đã tới, một tín hiệu lạnh lùng như thời gian vô tình cứ trôi mãi, tụt khỏi tầm tay của mỗi người chúng ta. Và ai ở trên đời này có thể nắm giữ thời gian ở với mình mãi mãi đâu. Thời gian như con thoi, tới lui liên tục, chẳng hề thương tiếc ai mà dừng lại viếng thăm một người nào. Nó chợt tới rồi biến mất như một năm mới thoáng qua giờ đã sắp hết. Chỉ còn mấy mươi ngày nữa là chúng ta phải chia tay với một năm cũ để bước vào thềm năm mới. Nhưng hôm nay chúng ta không nói về mùa xuân, mà nói về những ngày tháng cuối của năm, hay những ngày tháng cuối của cuộc đời đang tới với mỗi người chúng ta. Dù chúng ta là người thật trẻ hay người đã lớn tuổi, chẳng thể vì tuổi tác hay những năm tháng mà chúng ta mới sống lọt lòng mẹ, mà có thể nói rằng ta còn chiều dài của sự sống và ngày cuối chưa tới. Chưa lọt lòng mẹ, ngày cuối đã sẵn sàng đứng ở cửa, khi lọt lòng mẹ, cửa tử đã mở toang ra để sẵn sàng đẩy ta đi vào cửa tử đó chỉ trong chốc lát mà không ai có thể ngờ được, ngày đó, giờ đó, lúc nào, chúng ta phải bước qua cửa tử để đi về đâu, mỗi người chúng ta hầu như không để ý tới. 

Các bạn thân mến, cuộc đời sinh ra làm người có hai cửa, mà mỗi người chúng ta khi làm người có trí tuệ bắt đầu suy nghĩ theo các tôn giáo, chúng ta có hai cửa. Một là cửa tử để đi vào cửa của địa ngục hay bước cửa tử để đi vào cửa thiên đàng, niết bàn. Cửa tử là cửa chung để bước vào sau đó rẽ ra đi vào cửa địa ngục hay cửa thiên đàng, niết bàn. Ai ai cũng phải nghĩ tới.

Các tôn giáo đều dạy cho chúng ta khi bước vào cửa tử, cánh cửa của địa ngục, niết bàn hay thiên đàng mở rộng, ta phải có sự lựa chọn, không phải đợi đến lúc cửa tử mở bước vào, mà trước khi cánh cửa tử mở ra mỗi người phải chuẩn bị như một người khôn ngoan, biết chuẩn bị hành trang đầy đủ để bước qua cửa tử, đi vào ánh sáng của ngưỡng cửa niết bàn đang mở rộng đón chờ ta. Đừng như người khờ dại không biết gì, lao đầu vào cửa tử, thấy ánh sáng của những ngọn lửa đang thiêu cháy trong địa ngục lại đâm đầu vào để tự thiêu đốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta không nói đến điều đó trong ngày cuối năm như một lời hù dọa sự chết tới với mỗi người. Nhưng nói về ý nghĩa sau cùng của mỗi một đời người đều phải đi qua, để khi còn sống các bạn và Bảo Thành chúng ta chuẩn bị hành trang gì để không phải bước qua cửa tử nữa mà bước vào cửa tái sanh trong niết bàn mở rộng. Đây là ý nghĩa của chủ đề “Giúp Người Lầm Than”. Ai trong kiếp người cũng thật là nhiều lần phải chứng kiến biết bao nhiêu con người lầm than trong cuộc đời. Lầm than từ thuở bé sinh ra với một thân tật nguyền đau khổ, chẳng ai thèm nuôi, quăng vào thùng rác để rồi cuối cùng có nhân duyên gặp được người thương thì phải nằm ở trong những trại mồ côi mãi mãi trong cuộc đời chờ phút cuối để đi vào cõi vãng sanh. Và rồi có những mảnh đời sinh ra đến phút cuối lớn tuổi lại đi vào ngõ cụt bởi sự bỏ rơi nơi con cái. Đó là những bậc cha mẹ, ông bà cô đơn lạnh lẽo ở phần cuối cuộc đời, khổ vô cùng. Đó là những con người sinh ra bất hạnh trong bệnh tật, phong cùi, tật nguyền, đau khổ, đói rách. Biết bao nhiêu những cảnh như vậy vẫn xảy ra. Bên lề đường của cuộc đời vội vội vàng vàng lái xe đi bộ, mỗi một ngày ta vẫn thấy đâu đó ở những góc ngã ba, ngã tư hay ngay ở trên đường bận rộn đó, có những con người lầm than – khổ, có những bà cụ chân yếu tay mềm, lưng còng trên khuôn mặt như thửa ruộng cằn cỗi vẫn phải đi bưng bát, bưng bình, lặn ngụp khắp trời đất nắng mưa để có được một bữa ăn. Thậm chí có người tật nguyền rồi, bệnh hoạn rồi mà vẫn phải bò góc đường, góc chợ để thỉnh một chút thừa ân cơm nguội, canh lạnh ở đường để về mớm cho một người thương khác đang bệnh hoạn nằm liệt ở trên giường. Biết bao nhiêu những cảnh như vậy, ai trong chúng ta cũng có thật nhiều lần nhìn qua, có khi nào chúng ta không có cảm giác đó. Bởi vì trái tim đã vô cảm, chẳng thể rung động trước ngưỡng cửa của cuộc đời, biết bao nhiêu con người lầm than hiện diện. Mà chúng ta chỉ vui sướng với nỗi niềm hạnh phúc và những gì ta có được trong đời. Không phải là sự trách móc nhưng là một lời gợi ý để chúng ta tăng trưởng cảm xúc của mình về muôn mặt để sống trọn vẹn trong kiếp người, để cửa tử không còn là cửa tử mà là ngưỡng cửa đi vào sự an lành và hạnh phúc để bước thẳng vào niết bàn theo lời nhắn gửi và chân lý Đức Phật truyền dạy cho chúng ta là giúp người lầm than. Các bạn, khi biết giúp đỡ người lầm than chính là ta đã phá vỡ cửa sanh tử, cửa ngục của vô minh, địa ngục của tăm tối để thấy rõ cửa thiên đàng mở rộng đón ta đi vào sự tái sanh, an lạc và hạnh phúc. Đây là sự thực không phải là sự hão huyền trong văn tự, cách nói để chúng ta nghe như được bay bổng. Không phải! Nó là sự thực bởi chân lý không thể diễn giải mà chân lý được khai thị bởi bậc giác ngộ. 

Các bạn thân mến, chúng ta là Phật tử tại gia, nhất định chúng ta luôn luôn gặp những cảnh lầm than, không hẳn như ở ngoài đời nơi những mảnh đời bất hạnh, đôi khi chính trong gia đình có những cảnh lầm than vô cùng. Có những người mẹ cô quách đêm trường khóc một mình mà chẳng ai hay. Ôm gối đó mà như nằm ở trên đống nước, bởi thao thức về chồng, khổ về con, đó cũng là một cảnh lầm than trong cuộc đời. Bởi đau khổ ngặt nghèo trong những mối tình cảm giữa chồng, trong sự giáo dưỡng đối với con. Cũng có những người cha tưởng hùng dũng như thái sơn vậy mà giữa đêm trường từng giọt máu vẫn rỉ ra trong trái tim đau đớn vô cùng. Vì đâu? Vì những cảnh ngặt nghèo ở trong cuộc sống kinh tế, bương chải đường đời lo miếng cơm manh áo, giáo dục con cái, chăm sóc cho vợ. Cảnh lầm than không chỉ nói tới những mảnh đời bất hạnh về bệnh tật, đau khổ, mồ côi, bỏ rơi mà nó còn hiện hữu ở trong mỗi một cảnh đời của những người như chúng ta tưởng chừng không có gì, không có một chuyện gì xảy ra. Thế nhưng lầm than, đau khổ đó nó vẫn ẩn sâu trong trái tim tận cùng khốn khổ, mà mấy ai có thể nhìn thấy được để đi vào cuộc đời an ủi ta.

Giúp người lầm than tức là an ủi họ, không cần biết ngữ cảnh gì, cảnh giới nào, quốc độ nào, hoàn cảnh nào, khi rơi vào tình cảnh lầm than, rất cần sự chăm sóc và an ủi. Mà làm sao chúng ta có thể nhận ra sự lầm than đó để dấn thân vào con đường an ủi giúp đỡ họ. Phật dạy, mang lời chân lý của Phật để nhắc lại cho Bảo Thành và các bạn thấy tầm quan trọng của sự giúp đỡ người lầm than. Trong Kinh A Hàm và Kinh Trung Bộ hoặc rải rác trong các Kinh Đại thừa, ngay cả ở trong những Kinh từ thuở xưa Tạng Pali – Sanskrit, chúng ta luôn luôn được nghe được nghe lời Phật giáo dưỡng và dạy như thế này: giúp đỡ người lầm than, chăm sóc người bệnh hoạn, an ủi người đau khổ, chia sẻ với những người nghèo khó, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, chăm sóc cho những ai không thể chăm sóc. Tất cả những hành động đó bằng tình thương chân thật thì chính là chăm sóc cho Thế Tôn, cúng dường cho mười phương Chư Phật. Hành động biết chăm sóc cho Thế Tôn, cúng dường cho mười phương Chư Phật qua những nghĩa cử như thế có phước báu vô tận, vô lượng, để có sức mạnh siêu thế, phá tan cửa ngục tăm tối vô minh, mở được cửa niết bàn mà đi vào tận hưởng sự hạnh phúc, bình an. Đức Phật đã nói như vậy, các bạn có khi nào nghe chưa, chắc có lẽ chưa, cho nên các bạn không để ý. Còn nếu như các bạn đã nghe qua ngày hôm nay, các bạn là Phật tử tại gia, chúng ta nhất định phải ứng dụng lời dạy của Đức Phật để mở cửa thiên đàng, niết bàn, phá vỡ cửa ngục, bước vào tận hưởng hạnh phúc và an lạc ngay trong cuộc đời này.

Trong Kinh còn nói thật rõ, thuở đó Đức Phật và ông A-Nan đi thăm các đệ tử của mình, bất chợt gặp một đệ tử là vị Tỳ Kheo đó bị bệnh kiết lỵ không ai chăm sóc, loay hoay một mình té vào đống phân và nước tiểu của chính vị Tỳ Kheo đó, nằm liệt ở đó không ai giúp đỡ. Các hàng Tỳ Kheo đồng môn tránh xa bởi hôi thối và chính người Tỳ Kheo này sống một cuộc đời không làm ưng ý những bạn bè, đồng môn nên chẳng ai muốn chăm sóc khi bị bệnh kiết lỵ, không thể tự lo cho thân.

Thế Tôn đã hỏi người Tỳ Kheo – đệ tử của mình:

  • Không có ai chăm sóc cho con sao?

Người đó thều thào trong đống phân và nước tiểu của mình hôi thối tận cùng và thưa Thế Tôn:

  • Không một huynh đệ nào thương và chăm sóc cho con.

Đức Phật liền sai ông A-Nan đi lấy nước và chính Đức Phật đã nâng đầu người đệ tử của mình vực dậy từ trong đống phân và nước tiểu, cùng ông A-Nan ẵm người đồng môn đó lên trên giường. Đức Phật đã lấy nước đó rửa, tắm cho đệ tử của mình cùng với A-Nan.

Chỉ nhìn sơ qua hành động đó thôi, nghĩa cử của một Đức Phật, của Bậc Thầy, của Thế Tôn mà sẵn sàng chẳng sợ sự dơ bẩn của nước tiểu và phân của đệ tử mình, xắn tay áo lên cùng với ông A-Nan tắm rửa cho đệ tử của mình. Và sau đó Đức Phật đã căn dặn hàng tứ chúng rằng: các con trong tình đồng môn phải luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ và chăm sóc cho bệnh nhân và những người lầm than trong mọi cảnh của cuộc đời. Các con phải học tất cả những phương pháp để có đủ khả năng giúp đỡ và cũng truyền vào trong đó thông điệp như đã được nói. Giúp đỡ người lầm than, bệnh hoạn, đau khổ, nghèo khổ, túng thiếu, bệnh tật, đói khát chính là giúp đỡ Phật, cúng dường Phật.

Khi chúng ta an ủi người nghèo khó, người đau khổ, chia sẻ miếng cơm manh áo, nước uống, thuốc cho người bệnh, chăm sóc cho người già, nâng đỡ kẻ mồ côi, bệnh hoạn, chính là chăm sóc cho Thế Tôn, chính là cúng dường cho Đức Phật. Không có phước báu nào cao cả hơn là khi chúng ta có nhân duyên chăm sóc cho Thế Tôn và cúng dường Thế Tôn. Bởi ai mà có thể có được nhân duyên, phước báu chăm sóc cho Thế Tôn, cúng dường Thế Tôn thì người đó chính là người kề cận bên Phật, là thị giả của Phật, người đó phước báu vô cùng, người đó sẽ có phước báu và năng lượng siêu việt để phá vỡ cửa địa ngục, xoá tan đi miền tăm tối vô minh để tự tại, thong dong bước vào cửa của niết bàn mở rộng đón mời ta tận hưởng hạnh phúc và an lạc. 

Các bạn, một thông điệp cao cả, một chìa khoá rõ ràng được đặt để trên bàn tay của chúng ta qua nghĩa cử giúp người lầm than trong cuộc đời. Đây là một pháp tu đơn giản nhưng nhiệm màu, một pháp tu bình dị, ai trong chúng ta không cần thiết là có kiến thức hay không đều có thể thực hiện pháp này, pháp cúng dường, chăm sóc cho Thế Tôn qua những con người và chúng sanh hiện tiền ta gặp được khi họ lầm than vì bệnh hoạn, vì đói khát, vì đau ốm, vì khổ, vì không thể tự chăm sóc cho bản thân khi bệnh, khi buồn, khi đau, khi khổ, khi ngặt nghèo, khi sinh ra trong những tình trạng như thế. Chúng ta là Phật tử tại gia, là sứ giả của Như Lai mang thông điệp yêu thương từ bi tới để xoa dịu những vết thương lòng của muôn người. Khi xoa dịu vết thương lòng của những mảnh đời bất hạnh, lầm than đó chính là đang làm cho chìa khoá mở cửa niết bàn được nhẹ nhàng xoay chuyển, để mỗi người chúng ta tận hưởng hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Có cần chi nữa đối với các bạn là Phật tử tại gia phải mài dùi những giáo nghĩa cao siêu đâu. Mà nó ở ngay hành động cụ thể mà mỗi người chúng ta đều có thể làm được, hành được trong cuộc sống. Trên đoạn đường đi làm chắc có lẽ sẽ thấy được một vài người lầm than, bò lê trên lề đường xin miếng ăn, mỗi một lần chúng ta cúng dường cho họ tức là cúng dường cho Phật. Mỗi một lần chăm sóc cho họ là chăm sóc cho Phật. Và mỗi lần như thế thì cửa niết bàn lại hé mở rộng ra cho chúng ta đi vào tận hưởng hạnh phúc và an lạc. Chẳng phải cho kiếp mai sau khi chết, mà ngay trong kiếp này. Mỗi lần như vậy thì gia đình thêm hạnh phúc, cuộc sống thêm bình an. Và chúng ta thấy đây là một pháp tu cao siêu nhiệm màu, chính trong pháp thiện mà Đức Phật nhắn nhủ trong Kinh A Hàm, Kinh Tăng Chi Bộ, và các Kinh khác rải rác đây đó. Nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn luôn ý thức và dấn thân làm từ thiện giúp đời, giúp người lầm than. Thấy được giá trị viên thông như thế, thấy được một giá trị tuyệt vời mà ai ai cũng có thể hành được để thoát vô minh, để phá tan cửa ngục bằng cách giúp đỡ người lầm than. Chứ không phải phá tan cửa ngục như một truyền thống mà mở cửa mã của mấy vị thầy cúng mang con gà cột đó làm lễ mở cửa mã, phá tan mười tám tầng địa ngục để dẫn đưa người thân ta về trời hay về niết bàn, cảnh giới an lành đâu. Đó chỉ là những nghi thức mê tín dị đoan không phù hợp. 

Phật dạy cho chúng ta một nghi thức siêu mầu rõ ràng đó là giúp người lầm than, kẻ bệnh hoạn, đói rách, đau khổ. Nó là một chân lý hiện tiền rõ ràng để tăng trưởng lòng từ bi và yêu thương với tâm từ bi không phân biệt, bình đẳng đối ứng với mọi loài, mọi vật. Khi bị rơi vào tình cảnh lầm than của mọi cảnh của cuộc đời, ta là người con Phật tại gia, sẵn sàng mở rộng lòng từ tâm, bao dung và thương yêu tới chăm sóc cho họ khi có cơ hội và nhân duyên. Nếu như ai biết phát tâm làm điều này thì người đó cửa ngục đang khép dần và tự tiêu huỷ. Và rồi cửa niết bàn đang hé lộ để mời gọi ta đi vào. Ngày chết không còn là một ngày sợ, mà ngày đó là ngày bước vào để thăng hoa đời sống trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc nơi niết bàn ta đã tạo ra ngay ở trong cuộc đời này bằng những nghĩa cử, bằng những hành động, hành vi, suy nghĩ, và những lời chúng ta ứng xử để giúp người lầm than mà nhân duyên có được diện kiến họ.

Nhìn xuôi nhìn ngược trong cuộc đời, nhất định trong gia đình của chúng ta vẫn còn, thân tộc của chúng ta vẫn có. Đôi khi chính là cha mẹ, hay là vợ chồng con cái, người thân đang rơi vào tình cảnh lầm than của bế tắc, nơi tình cảm, nơi vật chất, nơi bệnh hoạn, nơi sầu muộn, nơi khổ. Ta có con mắt trí tuệ của người con Phật phải nhìn thấy nỗi niềm đó nơi những đấng bậc sinh thành, nơi cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân để chúng ta biết giúp đỡ những người thân rơi vào cảnh lầm than đó. Giúp đỡ họ là giúp đỡ Phật, chăm sóc họ là chăm sóc Phật. Và biết giúp đỡ và chăm sóc cho người lầm than dưới mọi cảnh của cuộc đời chính là giúp đỡ và chăm sóc Phật, là cúng dường Phật, là nghĩa cử siêu mầu phước báu vô cùng để chúng ta phá tan vô minh, dẹp đi luôn địa ngục tăm tối, để mở cửa niết bàn mà sống an vui ngay tại gia đình. Chân lý tỏ lộ ngay chỗ này, thấu được chỗ này, hiểu được như vậy và hành đúng theo như Kinh A Hàm dạy, Kinh Tăng Chi Bộ dạy và các Kinh dạy và khai thị lời Phật thì chúng ta phải tâm niệm rằng: nếu như ai biết giúp đỡ người lầm than, chăm sóc bệnh nhân, an ủi người đau khổ, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, cho người đói miếng cơm, cho người khát ly nước, cho người bệnh hoạn thuốc, và biết tiếp cận an ủi, chia sẻ, nhất là những người sắp lìa đời trong cảnh cuối, ta biết an ủi, hộ niệm họ bằng tâm từ bi thì chính là cúng dường chăm sóc cho Thế Tôn, phước báu vô cùng, niết bàn rộng mở, an vui hiện tiền, hạnh phúc ngay chỗ đó. 

Các bạn, tìm đến non cao, rừng sâu núi thẳm, sơn lam chướng khí, đập đầu vào trong những cuốn Kinh dài và dày hàng thế kỷ để tìm gì mà không làm ngay công việc này để có thể có phước duyên cúng dường và chăm sóc cho Thế Tôn. Lành thay, lành thay trong cuộc đời này ta có cơ hội nghe và thấy rằng dù Thế Tôn không hiện tiền ở trong kiếp này với chúng ta, nhưng năng lượng siêu thế từ bi của Ngài vẫn ở nơi đây với ta. Và chúng ta dù không có phước báu gặp được Phật nhưng vẫn có phước báu diện kiến qua cảm ứng năng lượng từ bi của Ngài để hãnh diện rằng ta vẫn còn có khả năng chăm sóc, cúng dường cho Phật qua những lời giáo lý, chân truyền nơi Kinh còn ghi lại, để chúng ta thực hành, để chúng ta thoát khổ, để chúng ta tự phá cửa ngục mà đi ra, bước vào cửa niết bàn, chẳng chờ đến phút cuối chết, chôn xuống mồ sâu ba tấc, rồi bắt đầu phải nhờ người ta cúng kiếng, mở cửa mã, phá cửa ngục, kêu khóc rầm trời có lợi ích gì đâu. Ngay bây giờ phá tan cửa ngục đi, ngay bây giờ hãy làm theo lời Phật để mở cửa niết bàn bằng trái tim nồng ấm của lòng từ bi. Lan toả ngay hiện tại để mỗi phút giây trong cuộc đời không phải là từng phút giây xoá tan đi một năm, một ngày, một tháng, một giờ, một phút của cuộc đời ta để bước vào cửa tử nữa, mà chúng ta hãnh diện vô cùng, bởi chúng ta đang bước về ngưỡng cửa niết bàn mở rộng chờ đón chúng ta. Chúng ta sẽ không phải bước qua cửa tử để chết mà chúng ta bước vào cửa niết bàn để sống mãi mãi trong hạnh phúc và bình an. Và niết bàn đó không ở đâu xa, ngay ở trong gia đình và cuộc sống hiện tại của mỗi người chúng ta. 

Các bạn thân mến, giúp người lầm than, ý nghĩa cao cả vô cùng. Vậy nên mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng, nếu cứ vùi đầu trong Kinh điển, pháp này, pháp kia, pháp cao, pháp thấp, lời giảng cao siêu, chi bằng chúng ta có thể làm được một lời đơn giản của Phật dạy là giúp đỡ người lầm than, an ủi người bệnh hoạn, cho cơm kẻ đói, cho nước kẻ khát, cho thuốc kẻ bệnh, an ủi người sầu muộn, bệnh hoạn, chăm sóc cho người liệt giường nằm đó, biết ghé ngang những trại mồ côi, trại dưỡng lão, trại phong cùi, những trại bệnh, và biết an ủi người thân khi sầu muộn, đau khổ, có những nỗi niềm cưu mang trắc trở khó thoát. Tất cả những mảnh đời, những con người đang rơi vào cảnh lầm than đó đều là những thửa ruộng phước điền cho ta, mở rộng lòng từ tâm để rồi khai duyên tăng trưởng phước báu, phá ngục vô minh, bước vào niết bàn, đơn giản quá ai làm cũng được. Nếu đơn giản làm cũng được thì mỗi người chúng ta phải dấn thân như một người đi xin, xin gì? Xin ân từ, xin tình thương của muôn người để có thể gửi tới cho muôn người đang cần tới.

Những ngày cuối năm, là những ngày chúng ta đang phải chạy rượt theo để bắt kịp những mục tiêu của đời người. Bởi sắp kết thúc một năm ai ai cũng rượt đuổi mục tiêu đó, mục tiêu về kinh tế, chỉ tiêu về tiền tài, về những mục đích ước vọng trong năm. Mà chỉ còn mấy mươi ngày nữa thôi, nhưng các bạn nhớ, những mục tiêu đó dù các bạn có đạt tới đỉnh cao của cuộc đời đi nữa, chết cũng chẳng mang theo được. Thay vào đó có thể là ta đạt được mục tiêu bằng lòng trải rộng trong tâm từ yêu thương để giúp đỡ người lầm than trong những ngày cuối của cuộc đời không, hay những ngày cuối của năm hay không. Thay vì miệt mài rượt đuổi cả năm cho những mục đích về kinh tế, kinh tài, về đủ mọi mặt, ta có thể cống hiến cho những ngày cuối của năm này, năm Canh Tý, năm 2020 còn 20 mấy ngày nữa thôi, bằng những nghĩa cử cao, bằng lòng từ thiện, bằng tâm từ bi. Hãy ghé ngang những mảnh đời bất hạnh đi các bạn, hãy ghé tới những con người đang nằm liệt giường trông chờ tình thương như ở trong trại dưỡng lão, bệnh tâm thần, người phong cùi, trại mồ côi, những em nằm đó, hay các bạn cơ nhỡ, hay những người ăn xin vất vưởng trên lề đường, ghé qua một phút nở nụ cười từ tâm. Giúp đỡ những cảnh lầm than đó trong những ngày cuối của năm, tức là tích phước, có đức mặc sức mà ăn. Bước vào thềm năm mới, chúng ta tích phước ngay bây giờ bằng nghĩa cử giúp đỡ người lầm than, đó chính là hành động của người khôn ngoan. Còn chạy theo chỉ tiêu của năm cuối để đạt được thành tích trong công sở, chính là những người khờ khạo, không biết chuẩn bị cho mình hành trang đi vào cuộc đời của năm mới tràn đầy hạnh phúc. Chữ phúc chỉ tới với chúng ta, lộc chỉ đến với chúng ta qua những nghĩa cử giúp người lầm than trong những ngày cuối của năm. Để khi năm mới tới ta hái lộc, ta hái phúc chính do công hạnh ta tu trong những ngày này đây.

Các bạn, hãy mở rộng lòng trong những ngày cuối. Ở bên Mỹ người ta còn tạo tháng 12 này là tháng bắt đầu từ thứ ba đầu tiên của tháng 12 người ta gọi là “Giving Tuesday”. Tức là ngày thứ ba cho đi và hiến tặng và chạy dài suốt tháng 12 cho tới năm mới. Một phong tục bình thường của một quốc gia không có Phật giáo, không theo Phật giáo, mới thôi, mới học khoảng chừng 50, 60 năm biết về Phật giáo, xa lắm là 100 năm, một thế kỷ họ mới được nghe về Phật giáo, rất là ít. Vậy mà trong xã hội này vẫn có ngày hiến tặng, ngày cho đi. Ngày cho đi đó bắt đầu vào ngày thứ ba đầu tháng 12. Dù ngay các em nhỏ cho đến cụ già, người ta hãnh diện trong ngày thứ ba đầu của tháng 12 và chạy dài suốt tháng 12 này cho tới cuối năm. Họ sẵn sàng cho đi, họ nghĩ tới những người lầm than trong cuộc đời. Thế vậy mà người Phật tử chúng ta không có được truyền thống ngày cho đi, hay cả cuộc đời hiến dâng, ta vẫn nói trên môi miệng phụng hiến Tam Bảo, phụng hiến nhân sinh cho xã hội, nhưng không bằng hành động cụ thể. Dù chỉ là một ngày chạy dài trong một tháng nhưng vẫn là cụ thể hơn là nói suông cả đời người, cả kiếp người.

Các bạn, hãy bắt tay trong những ngày cuối này, làm nên lịch sử thay đổi cuộc đời mình bằng nghĩa cử thật là tốt đẹp, thật là thiền vị. Để xông hương mười phương Chư Phật, hương từ bi của chúng ta. 

Các bạn, giúp người lầm than cao quý vô cùng, cao quý lắm. Bởi an ủi, giúp đỡ, chăm sóc cho những người lầm than, nghèo khổ, bệnh hoạn, đói rách, kém may mắn hơn chúng ta tức là chăm sóc cho Thế Tôn, cúng dường cho Thế Tôn. Hãy tu ngay pháp này. Bạn biết Kinh, biết tụng Kinh, biết đọc Kinh, nhớ nhiều Kinh hay không chẳng còn quan trọng. Bởi trong trái tim của một con người bình thường đều có tình thương để tỏ lộ chăm sóc, giúp đỡ người lầm than. Đó chính là Kinh điển liễu nghĩa cao cả, phước báu vô lượng mà không cần một văn tự nào diễn giải. Chỉ cần hành vi của chúng biểu lộ, bằng những hành động cụ thể trong những ngày này của năm cũ, của năm này đây, sắp trở thành năm cũ rồi, ngày cuối của năm, tháng cuối của năm, hãy cùng nhau bắt tay để làm nên nghĩa cử siêu việt cho chính cuộc đời của chúng ta.

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào bàn tay từ bi chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở trí tuệ để chúng con biết giúp đỡ người lầm than. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Đức Thế Tôn là bậc Thầy của trời người, là bậc Thầy của ba cõi, là bậc Thầy của tam thiên, đại thiên thế giới. Thế vậy mà Ngài vẫn sẵn sàng tới chăm sóc cho đệ tử của mình bị bệnh hoạn. Bị bệnh là bình thường, bị bệnh mà phải nằm trong đống phân, nước tiểu của mình, kiết lị hôi thối. Các bạn nhớ, nếu các bạn tới chăm sóc cho một người bệnh không thể tự chủ về vấn đề tiểu tiện, các bạn thấy sặc mùi như vậy đó. Mà Thế Tôn đã làm gương cho chúng ta, Ngài là bậc Thầy, Ngài đã làm gương. Chính tay Ngài nâng đầu người bệnh dậy cùng với ông A-Nan tắm rửa cho đệ tử của mình trong vũng phân và nước tiểu hôi thối đó thì tấm gương này là tấm gương của bậc đại giác đại ngộ. Và hành vi này là hành vi của bậc giác ngộ. Nếu chúng ta có được sự chăm sóc cho người thân như cha mẹ khi lâm vào cảnh không tự chủ bệnh hoạn như thế, hoặc chăm sóc cho ân nhân, cho những người ở cuộc đời ta gặp, cái tâm đó – tâm biết chăm sóc cho bệnh nhân đó, chăm sóc cho những người lầm than, an ủi, giúp đỡ những người lầm than đó chính là tâm Phật. Và nghĩa cử hành vi đó chính là nghĩa cử hành vi của bậc giác ngộ.

Đọc Kinh ư, gõ mõ ư, bái sám ư, rồi những khoá nhập thất ư, nghe giảng ư? Chúng ta nghe giảng nhiều rồi, nhập thất nhiều rồi, chúng ta gõ mõ, đọc kinh nhiều rồi, chúng ta tán tụng các bậc thầy vô thượng hoặc đi theo những bậc thầy có nhân duyên gọi là tôn kính, phù hợp. Nhưng sao lại không thể nghe theo và đi theo lời Phật dạy, chăm sóc, giúp đỡ người lầm than thì chuyện nhập thất, đọc Kinh, khoá tu thiền, khoá niệm Phật nó có nghĩa gì đâu. Không có nghĩa các bạn ơi! Bởi các bạn chỉ theo cảm tính, chạy theo những cảm xúc của đời người, để tôn vinh thần tượng những vị thầy trong cuộc đời này, những giáo nghĩa Kinh điển trong cuộc đời này, những pháp tu để mà gom vào thành tích, “ôi tôi tu bao nhiêu khoá, ôi tôi nhập thất bao nhiêu ngày, tôi ăn chay bao nhiêu tháng, tôi tụng kinh bao nhiêu đêm, tôi biết bao nhiêu vị sư phụ, tôi có biết bao nhiêu những khóa giảng, tôi nghe những lời giáo dưỡng, tôi nghe thầy này thầy kia”. Mà ngồi đếm ra thì trời ơi không biết bao nhiêu mà kể, hằng hà sa số. Nhưng lại không thể thực hành được nghĩa cử siêu mầu của bậc giác ngộ đã làm gương, Phật đã làm gương cho chúng ta, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người lầm than. Ngay trong đống phân và nước tiểu, Ngài chẳng ngại, sẵn sàng ôm người bệnh là đệ tử của mình lên, rửa ráy và chăm sóc. Và từ đó gửi thông điệp rằng: chính Phật đã làm, đây là nghĩa cử của bậc giác ngộ, đây là hành vi của bậc giác ngộ, đây là tâm của bậc giác ngộ, được đặt để trong hành vi thật rõ giúp người lầm than, chân lý ngay chỗ đó.

Bao nhiêu những bằng chứng nhận công đức từ những khóa tu nhập thất, tụng kinh, bao nhiêu những băng dĩa nghe chẳng có nghĩa gì. Xé bỏ đi các bạn ơi, nếu các bạn không thể làm được những hành vi này thì những bằng công đức, những giờ ngồi mà mài dùi kinh sử nghe giảng bao nhiêu năm qua của những bậc thầy tôn kính mà chúng ta tôn sùng, thần tượng hoá, chẳng bằng nghĩa cử giúp đỡ người lầm than đâu. Bởi nghĩa cử đó được thực hiện và làm gương chính nơi Đức Thế Tôn. Ta không làm được, ta không hành được thì những điều tu nhập thất, bằng công đức, giấy chứng nhận tu, rồi những quy trình được đặt để trên những văn bản thực tế để trao tặng cho chúng ta khi tham gia khoá tu, hoặc nghe này nghe kia. Chẳng qua chỉ là những lời sáo rỗng, thần tượng, mê đắm của chính ta, ta mê đắm, thần tượng. Thần tượng đừng nghĩ rằng chỉ là thần tượng của những bậc tài tử trong xã hội như những ca sĩ hoặc những diễn viên hoặc những người hùng đâu mà chúng ta đôi khi còn bị rơi vào cảnh thần tượng hoá những bậc tôn túc chúng ta thấy hợp, mà chẳng chịu tư duy để hành theo gương của Đức Thế Tôn. 

Hôm nay nhắc lại, Thế Tôn dạy chăm sóc cho người bệnh, giúp đỡ người lầm than, cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách mặc, cho người bệnh thuốc, an ủi người cô quạnh, giúp đỡ người bất hạnh chính là chăm sóc và cúng dường Thế Tôn. Hãy làm việc này trong những ngày cuối của năm này để chúng ta tích đức, tích phước và chúng ta noi gương đức hạnh của Thế Tôn thì chúng ta mới xứng đáng là Phật tử, là đệ tử, là sứ giả của Như Lai trong cuộc đời.

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào bàn tay từ bi chúng ta vận hành 07 biến.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở trí tuệ để chúng con noi gương đức hạnh nghĩa cử siêu mầu của Thế Tôn là biết giúp đỡ người lầm than. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Đức Phật dạy biết giúp đỡ người nghèo, biết an ủi người bệnh, biết chia sẻ với người thiếu thốn, biết cho cơm, cho nước, cho thuốc, cho áo mặc với những kẻ đã thiếu thốn chính là cúng dường chư Phật. Xin cho chúng con biết cúng dường Phật qua những nghĩa cử này. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã thấy gương của bậc giác ngộ, hành vi của bậc giác ngộ là chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người lầm than trong mọi cảnh của cuộc sống. Xin khai mở trí tuệ để chúng con học được và có được những hành vi của những con người có nhân duyên học được Phật pháp, noi gương đức hạnh của Thế Tôn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Đức Phật năm xưa đã làm gương cho chúng con, xắn tay áo lên mở rộng tình thương, chăm sóc cho người bệnh và dạy chúng con hãy giúp đỡ người lầm than, người bệnh, người nghèo, người khổ, người đói, người khát, người rách rưới, người cô đơn, người mồ côi, người bất hạnh. Bởi nghĩa cử đó là nghĩa cử chăm sóc cho Phật, cúng dường Thế Tôn. Xin cho chúng con biết học gương này để dấn thân, chẳng tìm cầu học vị, học hàm, kinh sách, những bằng công đức, những bằng của khoá tu. Mà học cách bằng tâm từ bi, dấn thân giúp đỡ người lầm than. Có được chút công đức nào, chúng con xin hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hoà bình cho thế giới.

Hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trong tuyến đầu luôn luôn giúp đỡ và chữa lành mọi người. Hồi hướng cho những ai đau khổ, bệnh hoạn được khỏe mạnh, được hạnh phúc, bình an. Hồi hướng cho những hương linh tử được tái sanh miện lạc cảnh.

Xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts