Search

Bài 1236: Không Còn Keo Kiệt – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Chúng ta đã tới giờ cùng đồng tu với nhau, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả đại chúng và các bạn. Hôm nay, chúng ta gặp nhau vào trong ngày mà tại ở nước ngoài (nước Mỹ) gọi là ngày ai ai cũng chuẩn bị đi về nhà gặp cha mẹ của mình, gặp những vị đã nuôi nấng, dạy dỗ mình để nói lên lòng tạ ơn với những đấng bậc đã sinh ra ta, đã nuôi dưỡng ta.

Theo truyền thống khi xưa, mà đất nước này khi tới đây – vùng đất này, đã được những người bản xứ nuôi dưỡng họ trong những ngày đầu của cuộc sống. Truyền thống ngày lễ tạ ơn đã lưu truyền mãi. Còn chúng ta trong cuộc trần lữ thứ này phiêu bạt khắp nơi, có khi nào cảm nhận được rằng có một bậc Thầy đã không quản ngại gian lao, khổ cực đã tới cuộc đời của chúng ta, để rồi đưa dẫn chúng ta thoát ra khỏi vô minh tới vùng trời sáng của sự tự tại, an nhiên không? Vị đó chính là Đức Phật.

Các bạn, Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn là Pháp môn mà mỗi người chúng ta sẽ có thật nhiều cơ hội mỗi ngày để trở về với lòng của mình trong chánh niệm hơi thở, và đón nhận năng lượng Từ Bi tới từ Phật. Thật là vi diệu, gần gũi lắm! Đức Phật – bậc Thầy thật gần gũi với chúng ta.

Các bạn, sự quán chiếu hôm nay gửi tới với đề mục “Không Còn Keo Kiệt” cũng là một chủ đề chúng ta cần phải chiêm nghiệm, để chúng ta phải tự nói với bản thân rằng chúng ta sẽ không còn keo kiệt nữa.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ – tay phải vào lòng bàn tay Từ Bi – tay trái, vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Để thấm được năng lượng Từ Bi của Phật, rồi chúng ta cùng quán chiếu với tâm rộng lớn hơn để mỗi người không còn keo kiệt khi đang sống ở cuộc đời này. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con sống rộng lớn hơn, chẳng còn keo kiệt nữa. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn. Với chủ đề “Không Còn Keo Kiệt”, chúng ta hãy mở rộng tấm lòng của mình để nhìn xung quanh cuộc đời của ta. Từ thuở nhỏ cho tới bây giờ, ai là người không bao giờ keo kiệt trong cuộc đời của chúng ta? Chúng ta đi từ từ để thấy thật rõ, từ đó mà biết cảm tạ, mà biết tri ân tấm lòng của những vị đó, cả cuộc đời đã hy sinh, đã tận hiến, đã cho tất cả vì ta. Những đấng bậc đó không bao giờ biết keo kiệt. Không ai xa lạ trong cuộc đời đâu các bạn. Không nói đến Phật giáo, không nói đến công giáo, không nói đến các tôn giáo khác. Chúng ta hãy đặt tôn giáo qua một bên trong lúc này, để mỗi người – thân phận làm người đây có một sự cảm nghiệm trung thực ngay chính bằng cuộc đời của chúng ta. Để nhận diện ra đấng nào là đấng không bao giờ keo kiệt, để rồi chúng ta học hỏi theo gương đó, để cuộc đời của ta, kiếp người của ta – ta không còn keo kiệt.

Nhìn rõ, các bạn nhận ra ngay đó là hai đấng bậc sinh thành không bao giờ keo kiệt. Cha và mẹ đã tận hiến cả cuộc đời, đã cho chúng ta – những người làm con tất cả. Cho cả tuổi xuân, cho cả cuộc đời, cho tất cả trí khôn, kiến thức, cho sức khỏe, cho thời gian, cho tiền tài, danh vọng, địa vị và kiến thức, cho cả hơi thở để sưởi ấm từng đêm trường lạnh lẽo. Từ thuở nhỏ sinh ra cho tới bây giờ và mãi mãi cha mẹ là những đấng bậc không bao giờ keo kiệt. Các Ngài rộng lớn mênh mông như biển trời, ôm ấp, che chở, dẫn đường cho chúng con đi.

Tôn giáo nào mà không nhắc tới cha, nhắc tới mẹ? Vị giáo chủ nào mà không nhắc nhở đồ chúng của mình về cha về mẹ? Đấng giác ngộ nào mà không dẫn đường cho chúng ta trở về để nhận rõ cha mẹ là các đấng không bao giờ keo kiệt trong cuộc đời? Các Ngài đã cho chúng ta tất cả rồi, tất cả và tất cả, mãi mãi và mãi mãi, không ngừng nghĩ.

Với sự cho đi như thế, với tâm không bao giờ keo kiệt cho mình, chỉ biết cho mình, bản thân của mình mà luôn luôn cho đi tất cả vì con cái. Nghĩa cử đó chúng ta nhận rõ thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ là một con người sống thật đủ ý nghĩa trong cuộc đời rồi. Chẳng cần một tôn giáo nào khác để nhắc nhở, chính cha mẹ là hiện thân trong cuộc đời, là những bậc Thầy cao cả. Từ tấm bé lọt lòng mẹ, khi hơi thở của ta còn chưa ổn, khi ngôn ngữ còn chưa biết nói, và khi tiếng cười, tiếng khóc còn xen lẫn vùng vẫy, trong ngay cả những điều ta không thể tự lo cho thân được. Cha mẹ đã cho tất cả, các Ngài không bao giờ và không bao giờ keo kiệt. Các Ngài có tâm lượng rộng lớn như biển trời mênh mông vô tận mà một đời, một kiếp của phận làm con dù có cho đi tất cả, báo hiếu với tất cả mọi phương tiện, như trong Kinh thường nói: “dù có cõng cha mẹ ở hai vai, dù có đội ở trên đầu, dù có lóc thịt, dù có cho cả mạng sống này, từ kiếp này qua kiếp sau, cũng chẳng thể tạ ơn cha mẹ sinh thành và cho ta tất cả đâu”.

Ngay chỗ này đây, nếu các bạn và Bảo Thành nhìn rõ thì chúng ta nhận thức được chân lý của bậc giác ngộ dạy không lìa xa điều này. Đức Phật tới trong cuộc đời sau khi trải nghiệm và giác ngộ, đã dắt dìu chúng ta trở về để không còn keo kiệt nữa, để trở thành người không bao giờ keo kiệt, để biết sống phụng hiến cho tha nhân, biết sống để cho đi. Yêu là cho tất cả, yêu là hiến dâng tất cả, ngay cả mạng sống của mình vì người mình yêu thương. Và đúng vậy, cha mẹ đã cho đi tất cả, cha mẹ đã hiến dâng ngay cả mạng sống của các Ngài cho người mình yêu đó là con cái. Ở trên đời không một người cha, một người mẹ nào mà không thương con. Khác biệt là sự thể hiện mà thôi. Trong sâu thẳm trái tim rộng mênh mông như biển trời kia đầy ắp tình người, sự yêu thương và tận hiến cho đi vì con cái cho tới phút chót của cuộc đời. Yêu là cho đi, cho cả mạng sống vì người mình yêu, đó chính là con.

Nhận xét được điều này ta mới thấy được sự cao quý của một kiếp người hiện diện nơi chính cha mẹ của mình, để thấy cha mẹ là những đấng bậc không bao giờ keo kiệt. Chúng ta lại từng bước đi để thấy sự không bao giờ keo kiệt đó hiện diện trong cuộc đời thật là nhiều, từ cha mẹ đó.

Buổi đầu đi vào học đường, thầy cô lại là những người hằng ngày đứng trên bục giảng, bán phổi của mình vì hít bằng bụi phấn, bán phổi của mình phải lao lực nói nhiều để dạy dỗ, truyền cho chúng ta kiến thức để làm người. Thầy cô trong cuộc đời đã không bao giờ keo kiệt tâm lực và trí lực để trao truyền kiến thức cho chúng ta, để thành nhân thành tài. Cộng hưởng với sự hy sinh của cha mẹ, đó là những vị thầy của cuộc đời. Cha mẹ là những bậc thầy cao quý, sau đó là thầy cô nơi học đường và những bậc Thầy trong cuộc đời đã tới, và các đấng bậc cha mẹ, quý thầy cô không bao giờ keo kiệt, hiến dâng và cho tất cả vì một thế hệ mai sau, vì những người cha mẹ, thầy cô yêu thương.

Còn có biết bao nhiêu những con người không bao giờ keo kiệt – cho tất cả vì chúng sanh, vì mọi người. Nay có phúc báu học được nền Phật học cao siêu nhiệm mầu từ đấng giác ngộ. Đấng giác ngộ đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài đã chọn được kho tàng vô giá cho hoài không cạn. Chẳng phải châu báu, kim cương, ngọc ngà, cung điện, quyền quý, sức lực ở đời. Là một vị thái tử lên vương quyền làm vua, điều đó cho cũng sẽ hết, nhưng Ngài cho chúng sanh kho báu của Trí Tuệ. Ngài đã đi tìm kho báu này trong cuộc đời từ nhỏ được đánh thức bởi những cái khổ mà người ta lầm lạc ở trong đời, để từ bỏ kho báu của trần gian qua cuộc sống dục lạc đi tìm một kho báu vĩnh cửu, đó là Trí Tuệ. Khi có được kho báu này sau những ngày tháng tu luyện và đạt ngộ, Ngài đã dấn thân đi khắp mọi nẻo đường, thôn xa xóm gần, hẻo lánh ở trong rừng cũng như thành thị. Gặp biết bao nhiêu con người Ngài đều mang lượng từ ân ban rải, trao tặng và hiến dâng. Không bao giờ keo kiệt, Ngài cho đi tất cả. Ngài là cha mẹ của chúng ta, Ngài hy sinh phụng hiến cho tha nhân, cho chúng sanh, cho các con đang lầm đường lạc lối. Đức Phật còn là bậc Thầy cao cả dạy dỗ chúng ta, trao truyền kiến thức để thành tựu được Trí Tuệ, chuyển hóa tất cả sự khổ đau phiền não để có được hạnh phúc trong cuộc đời.

Ngài là đấng bậc sinh thành và Ngài là bậc Trí Tuệ trao truyền cho chúng ta. Là Thầy – Đức Phật thật cao cả, Ngài không bao giờ keo kiệt. Ngài dạy cho chúng ta và truyền vào cho chúng ta năng lượng Từ Bi yêu thương. Từ trường yêu thương đó hiện diện trong mỗi người chúng ta, ngay giây phút đầu hiện thân làm người, và ngay giây phút đầu chúng ta chánh niệm hơi thở và trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mỗi người chúng ta đã cảm nhận được, cảm nhận được Đức Phật đã tới. Ngài đã trao, Ngài đã cho, Ngài đã gửi tất cả những gì cao quý nhất đó là lòng từ ân, đó là tâm lượng Từ Bi cho chúng ta, qua chánh niệm hơi thở, chánh niệm đời sống, qua mật chú Mu A Mu Sa.

Ngài không bao giờ keo kiệt đâu! Cho tới từng thôn, từng làng, từng xóm, từng kinh thành, từng quan, từng quân, từng vua chúa thời Đức Phật đều cảm nhận được Đức Phật luôn luôn cho đi. Cho tới hơi thở cuối cùng mà Ngài còn hiện diện trong cuộc đời để cho luôn tất cả những gì còn lại của Ngài đó chính là Xá Lợi. Ngoài Trí Tuệ còn truyền tụng lại cho ngày hôm nay qua giáo pháp trên Kinh điển, lời dạy của các bậc tôn túc cao quý. Tấm thân cuối cùng trong lửa thiêu trở thành tro bụi vẫn để lại Xá Lợi như một tín ấn cho cuộc đời để nhận thức được một bậc Thầy giác ngộ ở trong lịch sử.

Các bạn thân mến, Đức Phật đã cho đi. Ngài không bao giờ keo kiệt, như cha mẹ, như thầy cô, như những bậc Thầy đi vào cuộc đời cho tất cả vì chúng ta. Cha mẹ của chúng ta, thầy cô, đến trong cuộc đời và chính Đức Phật là những đấng luôn luôn cho đi. Chính vì sự cho đi tất cả của Ngài mà cả cuộc đời của Đức Phật với hai bàn tay chỉ có năng lượng Từ Bi, bao dung, bác ái, Trí Tuệ. Để khi gặp một cuộc đời nào đó, một con người nào đó, một chúng sanh nào đó, thì bàn tay của Ngài đã xoa dịu đi vết đau, chuyển hóa được nỗi khổ của họ, và chỉ được con đường để cho họ thoát khỏi vô minh.

Ngài không níu giữ, ôm ấp vật chất của cải ở trần gian này. Nói như vậy không phải Ngài không có, cuộc đời của Phật có biết bao nhiêu những vị tỷ phú tiền vàng chất đầy kho, đi theo Phật cho Phật nhiều lắm. Nhưng Phật chỉ sử dụng vật chất đó vào con đường để giáo hóa chúng sanh, vào con đường Hoằng dương đạo pháp, vào con đường độ sanh mà thôi. Nhà đại tỷ phú Cấp Cô Độc, nhà đại tỷ phú Thái Tử Kỳ Đà là hai nhân vật đại phú, tỷ phú thời đó đã theo Phật, chưa kể đến biết bao nhiêu những chư vị quan, vua chúa thời xưa. Thấy thật rõ trong lịch sử của cuộc đời Đức Phật, họ đã tới cúng dường thật là nhiều vàng bạc, đất đai cho Phật nhưng Phật chưa bao giờ ở đó mãi mãi, ôm giữ vật chất mà người ta hiến tặng cho Phật. Phật đã mang sự hiến tặng của muôn người rải tới cho những ai không có. Để từ đó mà trong trái tim của Ngài chỉ bừng sáng một loại ánh sáng viên thông tuệ giác, để soi đường người đi mà không lầm chấp trong vật chất, trong dục lạc của thế gian.

Đời sống thật là rõ, Đức Phật không bao giờ keo kiệt. Không những tại trần gian này mà Ngài còn lên những cung trời để thuyết pháp cho chư thiên, đi khắp mọi nơi với ứng hóa thân của Ngài để mang giáo pháp giác ngộ gửi tới tất cả mọi chúng sanh ở nơi pháp giới khác.

Ý nghĩa của Kinh cao siêu quá, nhưng hãy trở lại với đời thường là Phật tử tại gia đang sống một cách hiện thực đương đầu với cuộc sống. Tìm cơm để ăn, tìm áo để mặc, kiếm tiền để nuôi thân. Đời sống Phật tử tại gia – cơm gạo áo tiền là chuyện bình thường không có gì sai trái, mà ai ai cổ kim cũng phải trải qua những bước như thế. Chẳng ai rời cơm gạo áo tiền để sống đâu, ai cũng phải nương vào đó như một phương tiện nuôi thân để sống.

Phật tử chúng ta làm sao để không còn keo kiệt trong một cuộc sống mà phải bươn chải, tìm từng miếng cơm manh áo, tìm từng đồng tiền bát gạo mang về tích trữ, bảo vệ đời sống gia đình, nuôi nấng con của chúng ta.

Lời Phật không còn keo kiệt có ứng được không? Được! Bởi khi ta cho đi là ta có lại. Được ứng trong Kinh, một thuở Đức Phật luôn luôn đi khất thực, không ai xa lạ – vợ của ông tỷ phú Cấp Cô Độc không muốn cúng dường Phật đâu. Thế nhưng Đức Phật đã sai ông La Hầu La đi trước để nhận cúng dường nhiều năm cùng với thầy Xá Lợi Phất. Cho đến khi Đức Phật đi theo sau một thời gian dài, bởi thói quen cúng dường cho ông La Hầu La – là một người thầy tu còn nhỏ tuổi – đẹp, dễ thương, hình như giống giống người con đã mất của bà. Chính vì điều đó mà sau này Đức Phật đồng hành, bà đã cúng dường cho Phật, ngẩng lên thấy Phật ngỡ ngàng vô cùng. Phật nói: “cúng dường cho bậc đáng cúng dường luôn nhận trở lại phước báu vô cùng”.

Các bạn, đừng đợi khi ta trở thành nhà tỷ phú như ông Cấp Cô Độc, Thái Tử Kỳ Đà để rồi mang tiền, mang vàng rải trên đất, lấy đất làm chỗ cho Đức Thế Tôn giảng dạy. Mà ngay trong miền tâm địa bao la như biển trời của cha mẹ đó, thuở mà cha mẹ lấy nhau có gì đâu? Vậy mà cũng dư để cho chúng ta đi vào đời. Do đó là phận người bận rộn trong cuộc sống, là công nhân làm ở hãng xưởng 06 ngày một tuần, về thật là khuya, thức thật là sớm. Vừa lo cho con, cho chồng, cho vợ, lo cho tương lai, cũng chẳng phải vì điều đó mà ta không thể cho đi. Vẫn có câu nói “Có gì để cho?”. Các bạn hỏi lại đi, chúng ta có gì để cho? Để không bị kẹt vào sự keo kiệt? Tiền tài ư – có nhiều đâu mà cho? Vật chất ư – kho có đâu, chứa ở đâu mà cho? Ta cũng túng thiếu, ta cũng tìm từng ngày, từng giờ vừa đủ và có dư chút xíu cho ngày mai lỡ thì có đâu để cho.

Chúng ta cứ quan niệm cho là phải cho tiền, cho vật chất. Chúng ta cứ quan niệm cho là cho áo cho cơm, cho nhà cho cửa, cho những cái có thể thể hiện bằng bàn tay mà ở đây cho đi. Cho đó là cho hữu hạn. Cho vô hạn không phải từ vật chất mà là cho từ ngay trong trái tim. Cha mẹ đã cho ta cả trái tim, cả cuộc đời, cả sự sống trong dòng máu luân lưu, từ muôn đời của cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ truyền lại, cho hết. Ta cho người là cho tình thương, nếu tất cả những phẩm vật trao cho người mà không tới từ tình thương đích thực của trái tim nhận được điều này thì cái cho đó chỉ là cho về hình thức hữu hạn, ngắn hạn, chẳng tồn tại. Sự không còn keo kiệt phải tới từ ý thức, hiểu rõ ngay trong trái tim biết yêu thương. Không dựa trên nền tảng vật chất của sự giàu có mà dựa trên sự giàu có của tình yêu thương vốn có trong trái tim của mỗi người. Ai cũng có thể làm được pháp bố thí này, ai cũng sẽ trở thành người không bao giờ keo kiệt và không bao giờ còn keo kiệt nữa. Nếu nhận thức chúng ta là những người giàu có, có đầy đủ kho báu đang chứa trong trái tim, đang ở trong Trí Tuệ của chúng ta, có thể thể hiện qua ngôn từ, ánh mắt, lời nói, nghĩa cử, hành vi.Các bạn, đó là điều cao tột có thể cho đi và tận hiến cho muôn người.

Chúng ta thấy các bậc cổ đức khi xưa có gì đâu, chỉ có sự giàu có trong đức hạnh và tâm hạnh nuôi dưỡng bằng lòng Từ Bi và Trí Tuệ. Thế mà cho đi cả cuộc đời không hết, mà các Ngài vẫn luôn luôn là những người giàu có nhất trong thế gian. Còn có biết bao nhiêu vị tỷ phú, đại phú ở đời cồng kềnh nghênh ngang tiền bạc cho lắm, cho được bao nhiêu thì đã cạn rồi. Cái cho ở đời phải tới từ trái tim yêu thương, cái cho ở đời phải tới từ Trí Tuệ. Cho kiến thức, cho Trí Tuệ, cho tình yêu thương nếu có phương tiện kèm theo là vật chất thì tuyệt vời và cao quý. Chẳng cần biết số nhỏ hay số lớn, tất cả mọi tặng phẩm trao cho đời bằng Trí Tuệ và trái tim yêu thương đều cao quý, cao cả tột cùng không gì có thể sánh bằng.

Đức Thế Tôn thuở mà Ngài sắp sửa chết, quán chiếu thấy một người muốn cúng dường, ông ta nghèo đến mức mà không có gì nữa để cúng dường Phật một bữa ăn nhưng Phật thấy hình như vị này muốn cúng dường Thế Tôn một bữa ăn nên Đức Phật đã nằm đó chờ ông ta. Ông này vơ vét ở trong nhà các hũ đựng bột được một chút bột và nhồi lên một vài bánh bằng bột, nướng xong mang tới cúng dường Phật. Đoạn đường ông ta đi có gì đâu ngoài những cái bánh tìm được trong bình đựng bột, vét mới được một chút xíu mà thôi. Ông ta thấy một con chó đói, khổ, sắp chết, nằm ở vệ đường. Chẳng suy nghĩ, chẳng so sánh, thấy đói cứu đói, thấy khổ cứu khổ với những gì ông ta có – vài bánh làm bằng bột cho ngay con chó ăn. Con chó ăn xong khỏe mạnh đôi chút, nguẩy đuôi cảm tạ, nhẹ nhàng bước đi. Khi tới với Đức Phật ông ta nói: “Thưa Phật! Con cúng dường Ngài bằng vài chút bột làm thành bánh nhưng trên đường thấy con chó đói quá con cho nó ăn rồi. Thế là chỉ tới đây bằng hay bàn tay và trái tim”. Phật đã ấn chứng cho sự cúng dường đó.

Các bạn, ông ta không suy nghĩ so sánh giữa con chó và Phật. Bởi tình yêu của ông ta đã biến thành hành động và xử lý phù hợp, chẳng phải sự tính toán mưu cầu lợi ích, phước báu; mà chỉ thể hiện tình thương ở trong trái tim khi gặp một đối tượng gần chết dù là con vật. Tấm lòng đó đâu thể nói là keo kiệt, dù là nghèo không còn gì để ăn đó.

Chúng ta không phải là những người keo kiệt đâu. Bảo Thành và các bạn là những người không bao giờ keo kiệt nhưng chưa được khai thị và điểm hóa bởi Đức Thế Tôn. Do đó, chúng ta không nhận ra những bậc cao cả nhất ở trong nhà là cha mẹ, là những đấng đã hy sinh cả cuộc đời cho ta, là thầy cô đã hy sinh cả cuộc đời cho ta để giáo dưỡng ta nên người. Để rồi ta cứ đợi, cứ mong, cứ chờ đến khi thành tựu tiền bạc cho nhiều mới bắt đầu thể hiện sự gọi là không keo kiệt. Sự giàu có, sự cho đi và sự bao dung rộng lớn như biển trời chẳng đợi khi có bởi vốn đã có trong trái tim và Trí Tuệ. Nếu các bạn biết khai thác hai kho tàng này: trái tim yêu thương và Trí Tuệ thì nhất định các bạn sẽ là những nhà tỷ phú cho hoài không mất và trở thành những người không còn keo kiệt trong cuộc đời.

Các bạn, hãy noi gương Đức Phật – là một bậc Thầy cho tất cả, cho chúng sanh tất cả cho tới hơi thở cuối cùng. Ngài không bao giờ keo kiệt. Lại nghĩ về cha mẹ – đấng bậc sinh thành đã cho tất cả, không bao giờ keo kiệt. Lại nghĩ tiếp tục đến thầy cô, các bậc ân sư, những người bạn trong cuộc đời, những người tâm giao tri kỉ, những người sẵn sàng tới để phụng hiến cho ta khi ta bị thất bại, khi ta bị đổ ngã, khi ta bị đau đớn, khi ta bị khổ – phiền, khi ta tưởng chừng rằng cuộc đời không còn ngõ nào để đi. Thì ai là người đã tới đưa cho ta một bờ vai, một bàn tay, một ánh mắt yêu thương, một trái tim để lót đường cho ta tiếp bước trong cuộc sống ngày hôm nay?

Đức Phật đã luôn tới với chúng ta từ kiếp này qua kiếp khác, vô lượng kiếp rồi Ngài chẳng bao giờ bỏ chúng ta. Ngài đã tới, Ngài vẫn lui tới cuộc đời của những kẻ nhưng chúng ta đã xoay lưng lại với Ngài, để cho chúng ta một nền giáo pháp uyên thâm, để chúng ta trở thành những nhà đại phú, tỷ phú giàu có Trí Tuệ và tình thương.

Chúng ta tìm kiếm gì đây trong cuộc đời này? Học được của thầy Bổn Sư cũng phải giống Ngài một phần, sống biết phụng hiến và cho đi những điều ta có thể cho. Đừng tìm những điều ta không có để cho mà với tay vào trong cõi lòng của mình, nhìn thấy trong kho tàng tạng thức yêu thương vốn có bằng tâm Từ Bi và Trí Tuệ. Mang những tặng phẩm vô giá đó hiến tặng cho mọi người qua những hành vi, nghĩa cử cao đẹp như an ủi người sầu muộn khổ đau, thăm viếng người bệnh hoạn, chăm sóc cho những người liệt giường không thể tự lo cho bản thân, chia sẻ một chút xíu cho những ai đang gặp trong những nghịch cảnh bất hạnh của cuộc đời. Đồng hành với những bậc hy sinh cả cuộc đời chăm sóc cho những người đó, tại những trung tâm mồ côi, dưỡng lão, tại những trung tâm của các Ma Sơ, của các vị Thầy, của các Sư Cô, của những Phật tử; hoặc những cá nhân nào đó đã tận hiến hy sinh tạo thành trung tâm nuôi dưỡng và giáo dục, che chở và đùm bọc cho những mảnh đời bất hạnh kia. Một lần ghé ngang, nhiều lần ghé ngang bằng hai bàn tay trắng nhưng có nụ cười và tình thương an ủi những người trong đó; hoặc dấn thân làm một việc gì phụng hiến trong đó, cũng là nghĩa cử cao tột vô cùng. Để trở thành người không còn keo kiệt với phẩm hạnh cao cả ta đã học được từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và học được từ hai bậc thầy đầu tiên là cha mẹ của chúng ta, và các bậc ân sư, các cô thầy đã dạy cho chúng ta từ thuở nhỏ đến trường.

Các bạn, chúng ta không còn keo kiệt nữa bởi nhìn rõ sự cho đi chẳng giới hạn trên vật chất và tịnh tài. Mà sự cho đi là cho tình thương, cho kiến thức, cho Trí Tuệ, cho tất cả những gì ta có được trong cuộc đời. Không dựa trên nền tảng của vật chất mà nó khởi xuất từ tình thương vô hạn của người con Phật hiểu thấu được đạo lý của tình thương yêu.

Các bạn, chúng ta hãy đặt bàn tay phải là bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau, để cùng vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa, để chúng ta không còn keo kiệt nữa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rãi tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực cho chúng con để chúng con không còn keo kiệt, sống bao dung và tận hiến cho muôn loài. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn trong từng hơi thở chánh niệm vào ra và mật chú Mu A Mu Sa, chúng ta đón nhận được thật nhiều tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi từ mười phương Chư Phật. Từ trường yêu thương này là kho tàng vô giá, chất chứa đầy ở trong kho cho người Phật tử chúng ta trở thành người giàu có nhất, không còn keo kiệt biết sống để yêu thương, biết sống để cho đi. Yêu thương và cho đi tới tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Chẳng còn yêu thương và cho đi chồng của tôi, vợ của tôi, con tôi, cháu tôi, cha mẹ tôi, gia đình tôi, tôi – tôi – tôi – tôi. Nhiều cái tôi quá nó nặng, đâm ra tội tình cho cuộc đời. Nhiều tôi sẽ nặng, nặng riết thành tội. Tội tham chấp, chấp thủ, keo kiệt, sân si, đủ thứ lẫn lộn.

Các bạn, cuộc đời luôn luôn cần những tấm lòng hiểu được ân nghĩa của Phật trời, cha mẹ, thầy cô. Sống biết cho đi đối với tất cả những ai có nhân duyên ta gặp được trong cuộc đời. Chẳng phân biệt là gia đình tôi, vợ tôi, chồng tôi, cha mẹ tôi, con tôi, người thân của tôi mà là những ai tôi thấy trong cuộc đời gặp gỡ bởi nhân duyên.

Với ý niệm này chúng ta phá vỡ được hàng rào cản: “tôi – tôi”. Khi các bạn chết chồng có chui xuống mồ sâu cùng bạn không? Khi các bạn chết vợ có từ bỏ trần gian nhảy xuống dưới mồ để nằm chung với bạn không? Con cái mọi người cũng thế. Chết rồi quăng các bạn ra đồng trống giữa mồ sâu chôn kín, đủ rồi đi về. Một tháng, hai tháng khóc ròng ròng sau này chẳng còn nhớ nữa đâu. Thế thì tại sao cứ tôi, này chồng tôi, này con tôi, này cha mẹ tôi, cái tôi – tôi còn không giữ được thì huống hồ những gì thuộc về tôi có đâu.

Ta có phước báu thật là nhiều để gặp Phật, ta lại có phước báu hơn nữa là chúng ta tiếp cận và đón nhận được từ trường yêu thương, tha lực Phật điển Từ Bi của Phật ban rải, chạm vào cuộc đời của chúng ta ngay trong bây giờ bởi từng hơi thở chánh niệm và mật chú vi diệu âm Mu A Mu Sa. Đón nhận được tình thương cao quý như vậy, phận người hèn mọn của chúng ta thế mà còn nhận được. Chư Phật không bao giờ keo kiệt, đã tới và gửi vào cuộc đời lầm chấp, hèn mọn, tội lỗi, uế trượt của ta thì những gì ta có thể lãnh nhận được Phật đó là từ trường yêu thương sao không thể mang ra mà trao cho những người khác? Cần đâu đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của chồng của vợ, của người xưa tích lũy trở lại. Ta vốn có một cái cao quý hơn đó là năng lượng Từ Bi có thể trao tặng cho muôn người qua những hành vi nghĩa cử của cuộc sống, qua ánh mắt thương trao, qua nụ cười trìu mến, qua tư tưởng thanh tịnh, qua cuộc đời bình an.

Hãy cùng nhau sống với ý nghĩa này để mỗi người chúng ta không còn keo kiệt nữa và sẽ không bao giờ keo kiệt. Để noi theo đức hạnh của bậc Thầy cao tột cùng là Đức Bổn Sư, của đấng bậc sinh thành là cha mẹ, của thầy cô, của những bậc ân sư đã giáo dưỡng, đã hướng dẫn, đã dạy dỗ, đã trao truyền cho chúng ta kiến thức để làm người, để thành người và đang sống hạnh phúc ngay đời này. Sống là bao dung và cho đi, cho tất cả vì người mình yêu thương. Ai là người chúng ta yêu thương? Đức Phật khai thị rồi – tất cả mọi chúng sanh.

Các bạn thân mến, hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau vận hành 07 biến nữa. Để chúng ta noi gương của Đức Bổn Sư, đấng bậc sinh thành, thầy cô, những bậc ân sư đã giáo dưỡng. Để sống một cuộc đời có ý nghĩa không còn keo kiệt, sống bao dung và tận hiến. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực thắp sáng đuốc tuệ để chúng con không còn keo kiệt nữa mà sống bao dung, phụng hiến cho mọi loài. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn ơi, ta đồng tu xong rồi, chắp tay lại chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Đồng tu hôm nay có chút công đức nào xin biến thành năng lượng thanh tịnh gửi tới muôn loài chúng sanh.

Chúng con thành tâm hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia năng lượng tình thương và Từ Bi, để họ biết ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình, không gây và tạo tác chiến tranh.

Đồng hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược, trên thế giới chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế luôn chữa lành và giúp đỡ muôn người. Hồi hướng cho những ai còn đau khổ, phiền não tìm gặp được hạnh phúc và bình an. Hồi hướng cho các vong linh tử vong được siêu sanh miền tịnh độ.

Con xin Chư Phật Từ Bi Chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn