Search

4091. Càng Tu Càng Đẹp

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Kính mời tất cả mọi người đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Bổn Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con miên mật hành trì Mật Thiền Chánh pháp để lan toả tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho tất cả các đấng bậc sinh thành tại tiền và hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Các bạn hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp cơ thể của mình. Cùng với nhau hoà tâm vào trong Chánh niệm của hơi thở, buông thư nhẹ nhàng. Hít vào bằng mũi ta phình bụng chậm rãi, thở ra bằng miệng ta hóp bụng chậm rãi và tổng trì mật ngôn quán chiếu tâm Từ bi, tâm Trí tuệ, tâm Tỉnh giác và Thiện lành.

Trong trạng thái buông thư, tổng trì mật ngôn Chánh niệm tỉnh giác, chúng ta biết thật rõ và ghi nhận thật rõ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ, tư tưởng khơi dậy, thể nhập vào trong sự tỉnh giác, tiếp hiện năng lượng của chư Phật gia trì cho chúng ta qua thân và tâm.

Hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng và lan tỏa đến cho nhau.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U(7 biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu! Chúng ta phải ghi nhớ cái quy luật của tự nhiên và quy luật nhân quả Đức Phật khai thị. Nếu chúng ta có ăn sẽ no, không có đói. Nếu chúng ta có uống nước sẽ đầy đủ, không bị khát. Dinh dưỡng cho thân là nguồn tạo ra năng lượng để cái thân này hoạt động bình thường. Nếu thiếu dinh dưỡng, ta thiếu năng lượng, thân dễ bị bệnh, làm cho tinh thần mệt mỏi. Đời sống của chúng ta có học và ra công chăm sóc, ta sẽ có được thành tựu. Trong Mật thiền Chánh niệm hơi thở, ai cũng nhận rõ đây là một sự tập, sự tu, cần có một sự nỗ lực đúng mức và cố gắng vượt bậc vượt qua những chướng ngại thử thách bận rộn của cuộc thường. Ai cũng bận rộn, không bận rộn chuyện nhỏ thì cũng bận rộn chuyện lớn, hoặc là chuyện đại sự, cho tới khi tàn sức, mờ trí mới nhận ra ta ít có khi nào chăm sóc cho mình, bỏ quên mình.

 Ai cũng có sự trải nghiệm rằng, lo lắng, làm việc nhiều bận rộn quá, quên ăn, quên uống, đến khi lâm bệnh bác sĩ nhắc nhở mới nhận ra. Điều này thường có nơi các bạn trẻ không ăn đúng giờ đúng mức. Và cái tuổi trẻ ai cũng nghĩ mình có cái sức mạnh bạt núi rời biển, hiến dâng cho những mục đích cao cả mà quên sự chăm sóc cho chính bản thân. Cái gốc của Mật thiền là tăng trưởng sức mạnh do cái tự lực trong Thiền quán của hơi thở Chánh niệm Tỉnh giác gắn kết mật thiết với Tha lực. Tự lực và Tha lực là hai nguồn năng lượng giao thoa giữa ta và sự gia trì của các bậc giác ngộ. Trong hơi thở Chánh niệm, từng giây từng phút ta đưa tâm trở về với cái tánh biết, nhìn thật rõ và ghi nhận thật rõ từng hơi thở vào ra. Hít vào ta phình bụng, ta biết thật rõ hơi thở đó đi vào từ mũi xuống phổi sâu xuống đan điền khí hải bụng phình ra. Tánh biết theo sự quán chiếu đó giúp cho tâm của mình không có bị loạn tâm, không có bị động tâm, không có phóng tâm. Rất tốt! Cuộc đời này có bao nhiêu thứ làm cho ta loạn tâm và bao nhiêu thứ làm cho ta động tâm, bao nhiêu thứ làm cho ta phóng tâm. Loạn tâm, động tâm và phóng tâm theo những chuyện ở bên ngoài bị dẫn dắt, chúng ta hao tổn năng lượng thật nhiều, hư hao thần khí. Mà thường ở đời có ba cái thứ chính làm cho ta đắm đuối khó gỡ, đó theo lời dạy của Phật là: Tham, sân, si. Lòng tham có trong Bảo Thành, trong các bạn, lòng tham hiện hữu trong tư tưởng, lời nói và hành vi của tất cả mọi chúng ta, không ai mà không có. Lòng tham vô đáy. Mà khi ta tham, ta biết ta tham, đó gọi là Thiền. Chỉ có tánh biết thôi, chỉ biết thôi, ghi nhận rõ cái tâm tham đó đã tạo ra một cái lực thật mạnh để tự biến hóa cái lòng tham thành cái phương tiện để nhìn thấy, nhìn rõ, ghi nhận rõ, vững chãi hơn. Tiếc rằng lòng tham tới với chúng ta, chúng ta không nhận ra. Cho mãi tới sau này, phút cuối mới nhận thấy thì quá trễ.

Đức Phật dạy khi tham, lòng của chúng ta khao khát mọi thứ, tiền bạc, địa vị trong xã hội, tình cảm của con người, vật chất nuôi thân, nhà cửa để ở, thay vì đó chỉ là phương tiện để sống nhưng lòng tham đã đẩy ta vào sự đắm đuối, mê muội, bào mòn sức khỏe làm cho ô nhục tinh thần, đen tối thần trí. Và cái tánh tham đó dù ta có nhiều tới đâu cũng cảm thấy thiếu. Một cái hình ảnh gợi nhớ đến cái lòng tham trong lục đạo luân hồi đó là ngạ quỷ. Tham đến mức mà ăn bao nhiêu vẫn cảm thấy đói bởi cái cổ quá nhỏ. Đây là một biểu tượng để ta quán chiếu rằng lòng tham vô đáy, vơ vét cả đời, kiếp này qua kiếp sau vẫn thấy thiếu. Vậy nên chúng ta hãy nhớ: Người có lòng tham quá lớn thì trên khuôn mặt hao tổn tinh thần, năng lượng ở đó không còn. “Tướng do tâm sanh, tướng do tâm chuyển”. Tâm tham sẽ chuyển cái tướng hảo của chúng ta hiện hình như loài ngạ quỷ ăn hoài không hết. Đây là một biểu tượng để quán chiếu và thực sự các bạn thấy: mỗi khi ta tham cái mặt của ta nó đơ ra nhìn xấu lắm. Và ai có lòng tham, bạn tiếp xúc bạn thấy ngay khuôn của họ.

Người hay sân giận, mặt cau có nhăn nhúm, nhìn như thửa ruộng khô cằn, đáng sợ. Các bạn có khi nào tiếp xúc với ai đó sân giận mà họ sống với sự sân giận đó không? Mặt họ chuyển biến hung dữ hung tàn. Nhà Phật gọi ai sân giận hung dữ thì mặt quỷ hiện ra bởi sự sân giận tượng trưng cho địa ngục. Khuôn mặt mất đi cái sự khả ái phúc hậu, thay vào đó là sự hung tàn giận dữ. Sân quá, tham quá hóa ra ngu ngơ thì Đức Phật dạy lúc đó gọi là hiện tướng của loài súc sanh. Đây là ba biểu tượng trong Phật giáo để chúng ta quán tưởng và thấy: Đúng! Tâm ta làm sao thì năng lượng sẽ như thế, làm thay đổi khuôn mặt tướng hảo của chúng ta. Các nhà khoa học nghiên cứu, sự suy nghĩ của chúng ta gắn liền với những cái biểu cảm trên khuôn mặt. Hệ thống thần kinh trong não bộ điện não gắn kết với khuôn mặt và các tế bào khuôn mặt rất nhạy cảm để tiếp hiện năng lượng của điện não. Mọi suy nghĩ tham, sân, si đều có biểu cảm hiện ra trên khuôn mặt của chúng ta. Và những biểu cảm đó tạo ra những cái xung lực năng lượng và sự suy nghĩ, lâu dần biến chúng ta có cái biểu cảm mất đi sự thăng bằng của năng lượng. Mặt ta sẽ biến thái, biến sắc. Các bạn có nghe: “Giận quá hoá ngu”, sân giận quá, giận mà đến môi thâm tím cả mặt. Đó, giận mà môi thâm tím cả mặt có phải xấu không? Rất là xấu, ảnh hưởng đến gương mặt. Và khi các bạn vui tươi cười hớn hở, biểu cảm trên khuôn mặt hệ thống thần kinh tiếp dẫn tới các tế bào các cơ trên mặt thấy nó thơi thới, thấy nó mát, thấy nó đẹp. Điều này thật rõ. Tâm lý học, tâm thần học, khoa học về não bộ nói rất rõ về điều đó.

Tướng do tâm của ta mà hiện ra. Đức Phật có đến ba mươi hai tướng hảo, tám mươi vẻ đẹp và cái tướng hảo vẻ đẹp. Đó do chính cái tâm đức Từ bi, cái Trí tuệ bừng sáng và một đời sống Tỉnh giác luôn luôn làm các việc Thiện lợi lạc cho chúng sanh nên có được ba mươi hai cái tướng đẹp và tám mươi vẻ xinh xắn. Ta chẳng cầu mong có được ba mươi hai tướng hảo của Phật, tám mươi vẻ đẹp, nhưng nếu chúng ta hành trì cho rõ, đưa tâm về với hơi thở, đưa tâm về với tánh biết, đưa tâm về sống cái lòng từ bi bác ái, ta đã tưới tẩm cuộc đời của mình bằng tâm Từ bi. Mu A Mu Sa là hạnh Từ bi của mẹ Thiên Thủ Thiên Nhãn, mẹ hiền Quán Thế Âm, một biểu tượng của lòng yêu thương lớn để tướng hảo của mẹ Quan Âm đẹp như mặt trăng, sáng như sao trời. Đẹp lắm! Như tinh tú diệu vời trên cõi trời cao ngất. Chúng ta đưa tâm quán chiếu năng lượng Từ bi Mu A Mu Sa là đưa cái tánh biết thể nhập vào tướng hảo của mẹ hiền Quan Âm, mắt thương nhìn đời để tai của chúng ta có khả năng nghe tận cùng những đau khổ phiền não của chính mình và của tha nhân bằng tâm từ lan tỏa hồi hướng và chữa lành vết thương trong trái tim của người và sự rạn nứt trong lòng của chúng ta.

Lúc nào chúng ta cũng nghĩ về Tam Bảo, nghĩ về Phật trong Chánh niệm hơi thở. Mà đúng vậy Ma Sa Ốp Uê là Tỉnh giác. Tỉnh giác là Phật đây gọi là quán Phật.

Pháp là con đường đưa đến sự khai mở Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Lúc nào chúng ta cũng quán pháp, có trí tuệ khai thông đẩy lùi vô minh.

Tăng là yêu thương hòa hợp là: Mu A Mu Sa

Phật, Pháp, Tăng.

Các pháp thiện lành là mười pháp thiện Đức Phật dạy, Sa Bi Mô U.

Trong một hơi thở, mỗi người chúng ta đều quán chiếu, đều thể nhập vào Phật, Pháp, Tăng-ba ngôi Tam bảo và hành Thập Thiện. Trong một sát na, trong một giây và một hơi thở thôi, thể nhập vào Hồng ân của Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, hành trì các Pháp thiện, ngay giây phút đó chính là lúc ta đã giữ được năm giới. Bởi lúc đó tâm Tỉnh giác, tâm Trí tuệ, tâm yêu thương Từ bi, hành trì các Pháp thiện, quán chiếu thân tâm của mình thì năm giới kia trở thành lẽ tự nhiên vận hành nơi tâm. Ta đã giữ được giới nhất định tâm sẽ định và khai được huệ, Giới – Định – Huệ. Mật thiền Chánh niệm bao gồm tất cả chỉ trong một hơi thở với tánh biết quán chiếu Phật, Pháp, Tăng, quán chiếu mười cái Pháp Thiện, giữ được trọn vẹn năm giới. Sự tự lực đây là tự lực mà mỗi người cần phải hành trì để gắn kết với Tha lực của chư Phật. Do đó mà khi chúng ta hành trì Mật thiền, mỗi một người chúng ta tâm sẽ lắng dịu, năng lượng tiêu cực sân hận, tham si được chuyển hoá đẩy lùi, và năng lượng Từ bi thắp sáng trong tâm, năng lượng tỉnh giác Thiện lành được khơi dậy tươi mát trong lòng của chúng ta. Khuôn mặt của chúng ta không còn cau có, giận hờn. Nụ cười của chúng ta không còn héo tàn như nắng hạ giữa sa mạc. Tươi mát, đẹp lắm! Ta nếu thực hiện được như thế sẽ dần dần có được tướng hảo như Phật, vẻ đẹp như Phật. Một chút tướng hảo của nhà Phật thôi đã có trên đôi mắt, đã có trên môi miệng, đã có trên mặt của chúng ta.

Và dĩ nhiên càng tu sẽ càng đẹp. Những người càng tu mà tu trong Chánh niệm Tỉnh giác, trong Chánh niệm Từ bi, trong Chánh niệm Trí tuệ và Thiện lành, khuôn mặt sẽ thay đổi. Bởi mọi năng lượng ác, bất tịnh của tham, sân, si đều được pha lỏng ra, gạn lọc, thanh lọc và trong ta chỉ còn năng lượng của tình yêu, của sự sáng suốt, của sự tỉnh thức, của lòng bác ái, yêu thương, vị tha, bao dung. Năng lượng đó quý giá vô cùng! Khuôn mặt của các bạn sẽ đẹp, và khi bạn có một tâm hồn, bạn nhìn ai cũng đẹp. Năng lượng đó giao thoa với mọi người, ảnh hưởng tới mọi người, môi trường sống. Cảnh, vật và người bạn nhìn thấy với cái tâm hồn đẹp được tu luyện nơi bạn đều từ đó mà trở thành đẹp. Cuộc đời của bạn sẽ đẹp lắm! Tu là phải đẹp, đẹp từ trong tâm đẹp ra. Tu là phải làm đẹp, làm đẹp trong tư tưởng, làm đẹp trong lời nói, làm đẹp trong từng hành vi. Tu là biết trang điểm cho cuộc đời mỗi ngày một đẹp hơn bằng Chánh niệm hơi thở, Tỉnh giác, Trí tuệ và Thiện lành, bao dung, yêu thương. Chúng ta đã trang điểm cuộc đời bằng phấn son làm đẹp khuôn mặt. Nhưng phấn son đó nào có thể giữ mãi được? Nhưng cộng hưởng với những cái rất bên ngoài đời thường đó bạn biết trang điểm cuộc đời của mình bằng Từ bi, bằng Trí tuệ, bằng sự Tỉnh giác, bằng Thiện lành bao dung tha thứ, bằng nương vào ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, bằng hành trì mười pháp thiện và giữ giới thì bạn đã có được không phải là phấn son mà là năng lượng tự tâm để trang điểm khuôn mặt của bạn đẹp thêm đẹp lên mỗi ngày.

Quả thật không có ngoa, Đức Phật rất đẹp, và hầu hết các vị Thánh, Tăng, các bậc Thiện Tri thức càng tu càng đẹp. Khuôn mặt phúc hậu vô cùng, nụ cười thật tươi, tướng hảo thật đẹp. Dẫu vẫn biết khi chúng ta sinh ra vẫn chịu thật nhiều cái nghiệp của tiền kiếp và mang cái gen di truyền xấu tốt khác nhau. Nửa đời trước của chúng ta ảnh hưởng nghiệp của kiếp trước, nhưng nửa đời còn lại đều do cái tự lực giác ngộ, sống sẽ biến khuôn mặt và đời ta như thế. Ai sinh ra mà không thơ ngây đẹp? Nhưng dần dần ảnh hưởng của môi trường, đời sống tâm bị dao động, loạn động, mặt ta biến chuyển sự hung dữ, sự giận dữ, sự xấu. Chắc chắn ai cũng đã từng gặp những khuôn mặt đâu đó trong cuộc đời này xấu quá xấu quá vì họ sân, vì họ tham, vì họ si. Ai cũng nhận ra mà. Họ có tướng hảo xấu nhưng ta lại có cái tâm xấu, nên từ đó tâm xấu của ta nhìn thấy họ xấu càng xấu thêm. Và nếu như các bạn theo Phật dạy, rèn luyện cái tâm cho đẹp trong Chánh niệm hơi thở, bạn thay đổi được tướng hảo của bạn, càng tu mặt càng đẹp và tâm của bạn đẹp. Tâm đó làm cho mặt đẹp. Tâm đó cũng làm cho khuôn mặt tất cả ai có nhân duyên bạn nhìn thấy trong cuộc đời này đều đẹp hết. Tâm đẹp nhìn đâu cũng đẹp. Tâm đẹp khuôn mặt cũng đẹp.

Lời Phật dạy không bao giờ sai. Bạn cứ vào trong phòng tắm, nhìn lên cái gương, giận đi, sân đi, cau có đi, bạn thấy khuôn mặt nó tối tăm dữ lắm. Hoặc mỗi khi bạn sân giận bạn nhìn vô cái gương, bạn thấy khuôn mặt rất hung tàn. Mỗi khi bạn tham, bạn nhìn lên cái gương, bạn thấy có nét tham ở trên mặt. Và tham, sân tạo ra sự ngu si, tăm tối hiện ngay trên trán. Người như vậy cái năng lượng trên trán sẽ quầng sẽ đen. Người tu đúng là người thay đổi được tướng hảo của mình. Trong Chánh niệm Tỉnh giác, Từ bi, Trí tuệ, Thiện lành, khuôn mặt của bạn sẽ tỏa ra hào quang. Người tinh tế nhìn mặt của bạn sẽ thấy được hào quang phát ra. Năng lượng tạo ra ánh sáng. Năng lượng tiêu cực tạo ra ánh sáng tối, những vùng tối đen, thâm. Năng lượng tích cực tạo ra ánh sáng trong, đẹp, màu sắc rực rỡ, tuỳ tâm mà nó phát ra. Hào quang trên đầu của Đức Phật, các vị Bồ Tát là biểu tượng của tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành, biểu tượng của Chánh niệm, biểu tượng của sự giác ngộ. Các vị Phật, các vị Bồ tát, nhìn khuôn mặt của các vị thật đẹp, thật phúc hậu. Chúng ta sẽ có khuôn mặt đó. Càng tu quán chiếu trong Chánh niệm tỉnh giác thấy, biết, ghi nhận thật rõ chân thật với chính mình, nhìn rõ cái xấu và cái tốt hòa tâm vào trong Chánh niệm, khơi dậy tình thương, thắp sáng sự suy nghĩ và đừng có tăm tối nữa. Ánh sáng trong sự suy nghĩ trong Từ bi giúp chúng ta thức tỉnh, biết bỏ ác hành thiện, nhất định bạn sẽ thay đổi được tướng hảo trên khuôn mặt của mình. Và các bạn nhìn đi, sau bao nhiêu ngày tháng các bạn tu, nay tướng hảo của các bạn thật đẹp, đẹp từ tâm hồn đẹp ra. Lời Phật dạy không bao giờ sai. Tự sửa tâm tánh của mình là tự sửa sắc đẹp của bản thân, không qua dao kéo mà qua sự chuyển hoá nội tại. Biến chuyển lòng tham, sân, si, thành tình thương, thành Trí tuệ, thành Tỉnh giác.

Các bạn! Càng tu các bạn sẽ càng đẹp, đẹp từ trong đẹp ra, đó là lời dạy của Phật. Mỗi người cần phải cẩn cận ghi nhớ hành trì để khuôn mặt mỗi ngày một đẹp, một phúc hậu. Tâm mỗi ngày một buông thư, biết yêu thương, biết tha thứ, biết bao dung, suy nghĩ sáng suốt hơn và lúc nào cũng tỉnh thức trong từng suy nghĩ, trong từng lời nói, trong từng hành vi.

Các bạn! Chúng ta hãy trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Ngài có ba mươi hai tướng hảo tốt, tám mươi vẻ đẹp, và Ngài đã dạy: “Tướng do tâm chuyển”, “vạn pháp do tâm”. Nay nhớ được lời Ngài dạy, chúng con tinh tấn thể nhập vào Chánh niệm hơi thở, sống đời Tỉnh giác, lan toả tình yêu thương, suy nghĩ cho sáng suốt, biết hành thiện bỏ ác.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn