Search

4081. Buông Bỏ Nghiệp Nóng Giận

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành xin kính chào hai anh Phạm Võ và Phạm Sơn, cô MC Lê Hà và tất cả quý ông bà anh chị em đang ở trong phòng Zoom của Phạm Gia Nutrition. Một phòng Zoom trên mạng mang lại lợi ích trên cái giá trị thành tâm, chân thật san sẻ những cái giá trị sống chung quanh cuộc đời của những con người rất bình thường như chúng ta. Trước khi chúng ta chia sẻ “Làm sao để buông bỏ cái nghiệp nóng giận”, Bảo Thành mời mọi người chúng ta hãy cho nhau ba giây, chỉ ba giây mình ngồi, mình nằm, hoặc mình đứng tùy theo hiện tại mình đang ở đâu, trong sự buông thư nhẹ nhàng trở về trong Chánh niệm, hòa nhập ba giây với hơi thở vào ra trong 3 giây rồi chúng ta chia sẻ. Để cho tâm mình có đôi chút tĩnh lặng lắng nghe những cái giá trị chân thật nhất của tất cả mọi người chia sẻ với chúng ta.

Chúng ta bắt đầu ba giây trở về trong cái Chánh niệm của hơi thở.

Dạ! Kính thưa tất cả các bạn! Chúng ta hãy dùng một cái ngôn từ nhẹ nhàng thân thiết là “các bạn”.

Các bạn thân mến! Ở trên đời này không phải cái điều gì chúng ta nói buông bỏ là có thể buông được. Không hiểu tại sao muốn buông mà không buông được, muốn bỏ mà không bỏ được? Đã biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, chúng ta quyết định phải buông phải bỏ, nhưng trong một chớp mắt của sự hành xử trong đời những chuyện ấy lại một lần nữa lặp đi lặp lại, khó buông khó bỏ. Nếu nói buông là buông được, cuộc đời chắc sẽ hạnh phúc và an lạc. Nếu nói buông mà có thể buông được, chắc cuộc đời này ít phiền não và đau khổ. Nhiều chuyện xảy ra mấy mươi năm trời, nhỏ thôi không có lớn muốn buông buông không được, đêm nằm nó tràn về trong tâm thức rồi cảm xúc không thể làm chủ, nóng giận hoặc là vui buồn hớn hở tự động nó diễn ra. Nhiều khi chúng ta nói rằng không hiểu tại sao có những chuyện rất bình thường mà ta không làm chủ được? Chúng cứ diễn ra theo cái chiều hướng tốt hoặc là xấu. Cuộc đời có hai phương hướng: tốt hoặc là xấu. Nghiệp sân giận hay nghiệp hạnh phúc an vui cũng là cái nghiệp. Nghiệp ở đây hiểu rõ hơn là cái lực nó dẫn chúng ta. Không đi sa vào cái câu chuyện nghiệp, mà chỉ nói rằng cái sự nóng giận của con người gây tai hại vô cùng.

Biết bao nhiêu những quốc gia bị điêu tàn trong chinh chiến cũng là bởi sự nóng giận, không nhìn rõ được các nguyên nhân gây ra sự khác biệt trong tranh chấp của các nguyên thủ các quốc gia. Nếu mình học lịch sử, hầu hết các cuộc chiến do bất đồng ý kiến bởi cái tâm sân trỗi dậy do cái lòng tự tôn tự đại, ngông cuồng ngạo mạn, kích thích bởi cái tâm tham. Ngày nay tưởng chừng như chiến tranh đã hết, bởi con người nhận thức được giá trị của cuộc sống thì mong manh Vô thường. Sự tàn khốc của chiến tranh nguy hiểm vô cùng. Thế nhưng ta vẫn thấy trên mạng thông tin đại chúng ngày nay, chúng ta nhận diện được chiến tranh vẫn còn và nguy hiểm hơn thời xưa thật nhiều. Nếu như các nguyên thủ các quốc gia thuộc cái khối cường quốc mà nóng giận không kiềm được, chỉ một ngón tay ấn xuống cái nút, cả một quốc gia có thể cả thế giới này trở thành hư hoại, không còn gì nữa.

Ai cũng thấy được cái giá trị của đời sống trong an lạc và hạnh phúc. Ai cũng hiểu thấu Vô thường thì ngắn ngủi, nhưng sự nóng giận kéo dài từ ngày này qua ngày kia, năm này qua năm kia mãi mãi, ta không một lần nhìn lại để hiểu thấu được nguyên căn cội nguồn của sự nóng giận chuyển hóa. Mà chúng ta cứ để nó ngấm ngầm như ngọn lửa thiêu đốt tâm can và mọi mối quan hệ của chúng ta.

Nóng giận không thể buông được các bạn ơi. Chỉ có thể chuyển hóa bằng một sự tu tập rõ ràng. Chuyển hóa để ứng hóa cái năng lượng thúc giục chúng ta tạo ra những hành động lỗ mãng thô ác. Năng lượng sân giận cũng là năng lượng của cơ thể, nó chẳng tốt chẳng xấu, như ngọn lửa. Lửa có thể dùng để nấu nướng, lửa có thể dùng để luyện kim, lửa có thể dùng vào thật là nhiều cái phương tiện trong đời sống này tạo ra nhiệt năng như nhiệt điện, tạo ra muôn thứ, nhiều lắm. Mùa đông bên Mỹ phải dùng lửa, những xứ lạnh tuyết phủ phải dùng lửa để sưởi ấm. Như vậy cái sự nóng cái năng lượng tạo ra cái nóng của mình thuộc dạng lửa đó không hẳn là không hữu dụng, nhưng phải học để chuyển hóa ứng dụng như thế nào. Còn không lửa đó sẽ thiêu đốt. Một cái máy sưởi không được giữ gìn một cách cẩn thận cho cái máy thật tốt, lửa do ga tiếp xúc cháy phun ra hơi nóng có thể đốt cháy nhà. Mà chuyện đó có. Có những cái máy sưởi bên Mỹ người chủ nhân không chịu sửa và nâng cấp, lâu ngày cũ rồi, bật sưởi lên nó gây ra hỏa hoạn chết người. Và có những cái hệ thống lửa của máy sưởi có thể sưởi ấm cả một cái tòa nhà thật lớn trong mùa đông băng tuyết. Như vậy cái năng lượng nơi mỗi một con người chẳng tốt chẳng xấu, mà cái dụng cho cái tâm được làm chủ nguồn năng lượng đó sẽ nghiên về vấn đề tốt hay xấu mà thôi.

Mời các bạn nghe một câu chuyện:

Thuở xưa, có một người trong cái gánh múa rối thời xưa đó. Có một con rối làm bằng gỗ lắp ráp thật là đẹp. Cái người chủ gánh múa rối này rất thương cái con rối này bởi chính ông đã tạo nên bức tượng gỗ của con rối này. Và đi đâu ông cũng mang cái con rối này ra để kể chuyện làm cho cho mọi người nghe. Những người thời xưa thấy con rối này y như hình người mà được người chủ gánh xiếc múa rối này mặc áo, tô son vẽ phấn. Và những lúc diễn, người ta đâu có biết rằng chính ông chủ gánh xiếc múa rối này là người đứng đằng sau để nói. Khi diễn thì y như thật, con rối nói, múa máy rất là hay, nên ai cũng nghĩ rằng con rối này như một con người thật.

Khi vua nghe thấy có một con rối hay như thế làm trò cho mọi người vui, vua thích, vua mời cái con rối tới, ông chủ gánh xiếc múa rối tới và làm trò cho con rối múa. Nhà vua và hoàng hậu, vua quan triều thần ở trong triều đình ai cũng thích. Nhưng một hồi vua phát hiện tại sao cái con rối này nó cứ nhìn chằm chằm vào hoàng hậu mà thôi? Vua để ý và thấy như vậy, vua ghen tức bực mình la to: “Tại sao cái anh rối này chỉ nhìn vào hoàng hậu, phải chăng có ý xấu gì?”. Vừa tức giận la hét, chịu không nổi nữa liền ra lệnh chém cổ cái anh rối. Người chủ gánh xiếc van xin thế nào vua cũng không chịu. Vua nổi giận mà, sân giận mà, tưởng cái anh rối này đang làm điều sàm sỡ nhìn xoáy vào hoàng hậu, phạm vào lỗi rồi nên phải trảm thôi. Anh chủ gánh xiếc nói với vua rằng: “Thưa vua! Nếu như phải giết anh rối này xin hãy cho tôi một ân huệ để có thể giết anh rối này”. Nhà Vua quay mặt chấp nhận. Anh chủ gánh xiếc liền kéo cái chốt ra cái chốt gắn liền tất cả những phần cơ phận của anh rối lại với nhau để có thể nhịp nhàng trong cái sự điều khiển. Thì toàn bộ những cơ phận của anh rối này từng phần rớt xuống đất nghe lộp bộp. Vua quay lại, lúc đó vua mới hiểu ra anh rối chỉ là một cái hình nhân được lắp ráp lại, không phải là con người thật và đang giúp vui cho mọi người. Trảm cổ anh rối thì rất dễ thôi, rút một cái toàn thân rụng rời. Vua mới hiểu ra thì cơn nóng giận của vua đã xong rồi. Và vua hổ thẹn vô cùng bởi mình đã mất đi cái sự khôn ngoan nóng giận trên một con rối chỉ làm bằng gỗ mà thôi.

Các bạn! Câu chuyện rất đơn đơn giản để cho chúng ta suy ngẫm rằng: Không cần biết bạn là vua, bạn là dân thường, bạn là người có trí tuệ hay kiến thức, bạn là người có hàm vị cao có chức quyền, là giám đốc, là chủ nhân, là chủ nhà, là người đứng đầu một cơ sở hay một quốc gia, một xí nghiệp hay một nhà máy, một gia đình, khi nóng giận, chúng ta cũng sẽ trở nên khờ khạo như ông vua kia, sẵn sàng xử trảm dù là những vật vô tri như cái hình nhân bằng gỗ được người nghệ nhân dùng trong cái gánh xiếc múa rối để mua vui cho mọi người. Thay vì đó là niềm vui chúng ta hưởng, nhưng nóng giận tiêu diệt niềm vui của chính mình và của mọi người. Rồi biến thành những hành động thật là ngu ngơ khờ khạo, dại dột vụng về. Câu chuyện đó thực ra trong mỗi người chúng ta cũng có được đôi chút. Đã thật nhiều lần rồi chúng ta cũng nóng giận, và khi nóng giận ai cũng muốn làm vua ra những quyết định xử trảm người khác. Vua thì xử trảm bằng ra lệnh, chúng ta xử trảm những người thân bằng những cái ngôn từ lỗ mãng, thô lỗ, ác độc. Một lời chúng ta nói khi nóng giận giết chết cả một trái tim yêu thương. Một ánh mắt sắc lẹm như dao trong nóng giận nhìn vào ông bà cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái hoặc người thân thiêu đốt tâm can họ suốt cuộc đời. Và có những cơn nóng giận đã sát hại đến người khác.

Có câu chuyện mà lướt qua trên những trang đại chúng chúng ta thấy. Trong một quán cà phê nhỏ, cà phê quán cóc mà, người Việt Nam thường tới uống bình thường thôi. Nhưng có một hôm anh kia ngồi ở cái quán cóc uống cà phê nhìn qua bàn bên kia có một nhóm người mới tới cười khà khà khà. Anh ta thấy cái nụ cười không ưa, rồi thấy ánh mắt nhìn không thích. Anh ta lủi lủi đi về đâu đó rồi bất chợt hiện lại quán cà phê tay cầm con dao lủi một cái, người kia chết liền, chết ngay tại chỗ. Chỉ vì nóng giận do cái nụ cười cái nhìn của người tới uống cà phê mà thôi. Sự nóng giận vô cớ vô cùng, không cần nguyên nhân, không cần một chuyện gì hết, nóng lên là xử, là trảm. Có những người chồng nóng giận trở thành vũ phu, đập nhà đập cửa, hành hạ người vợ đau khổ khôn xiết. Có thật nhiều chị em phụ nữ mặt mày tím tái, phải đi tới nhà thương vì những người chồng nóng giận quá mức. Dù vợ là người yêu, con của người ta cưới về làm vợ, nhưng nóng giận lên đầy đọa vợ không khác gì như con rối, trảm là trảm. Và có những phận làm con, cha mẹ nóng giận đánh đập một cách không thể nói được. Chẳng phải chỉ có đàn ông, đàn bà cũng nóng giận nổi tam bành mà, nóng giận nguy hại lắm.

Nhưng các bạn ơi! biết nóng giận là nguy hại, ảnh hưởng tới sức khỏe và các mối quan hệ cũng như công việc làm, nhưng chúng ta cứ để cho những cơn nóng giận trỗi dậy rất thường xuyên. Vì có ai đầu tư thời gian nghiên cứu, nhìn cho rõ và nhận diện được sự tai hại của nóng giận cũng như khi cơn nóng giận nó trỗi dậy đâu? Ta cứ buông thả nổi trôi, cái gì tới thì tới, cái gì đi thì đi, chẳng màng, sống bất cần, miễn là thể hiện được cá tánh. Ta tạm bợ ôm vào người cái định nghĩa “Ta như thế”, để rồi cái “ta” cứ vậy mà nóng giận, làm cho biết bao nhiêu con người phải đau khổ. Các bạn thân mến! Chắc chắn mỗi người chúng ta đều nhận diện được sự tai hại của những cơn nóng giận rồi. Chúng ta sợ rồi, chúng ta biết nó nguy hại rồi, nhưng ít có khi nào chúng ta muốn chuyển hóa, muốn tu tập, muốn luyện để có thể chuyển hóa những cơn nóng giận. Các bạn có nhớ không trong một đám bạn đi chơi, bất chợt một ai đó nóng giận, ngay cả trong tiệc cưới đám hỏi, tiệc vui với bạn bè hoặc đi chơi, ăn bữa cơm gia đình vào cuối năm, dịp tết hoặc những buổi liên hoan gặp gỡ nhau trong sinh nhật, hay chỉ là hội họp bạn bè, nhiều người đã nóng giận một cách điên khùng. Những lúc ấy cũng có cái hiệu lực của những người bạn thân ôm người nóng giận lại và khuyên cái người đang nóng giận đó “thôi buông đi, thôi bỏ đi, bỏ qua đi, bỏ qua đi”. Và người bạn kia ôm chặt lấy người nóng giận nhắc đi nhắc lại: thôi bỏ qua, bỏ qua đi buông đi. Vừa nhắc bỏ qua và vừa nhắc buông đi, đồng thời lại đẩy cái người nóng giận lùi lại đằng sau, và dần dần dắt họ đi xa khỏi cái đám đông của bạn bè, hoặc nơi tiệc tùng, hoặc nơi đang xảy ra sự việc đó. Người ta gọi là can thiệp vào đó các bạn. Có khi nào các bạn thấy có ai đó can thiệp vào sự nóng giận của bạn bè họ chưa? Hoặc đôi khi chỉ là người dưng thôi mà bất chợt thấy người ta nóng giận đang gây tai hại cho người khác, người dưng có cái tình thương thấy được sự nguy hại liền nhảy vào ôm cái người đang nóng giận và nhắc đi nhắc lại: Thôi bỏ đi ông ơi, bỏ đi cô ơi, bỏ đi chú ơi, bỏ đi bác ơi, chú ơi chị ơi thôi bỏ, buông, bỏ, buông, vừa buông vừa bỏ, lặp đi lặp lại và đẩy đi đẩy đi cho xa. Hiện tượng đó chắc chắn các bạn đã có cơ hội diện kiến và thấy rồi. Nhưng cần người ngoài tác động vào, bởi khi sân giận như vậy, cái người sân giận kia không thể kìm chế được đâu. Nói đến ông vua sân giận không ai kiềm chế được hết. Bởi là vua mà, khi họ đã tôn họ lên một cái bậc nào đó có quyền, trong cái thế, cái địa vị do cái tôi thì nhất định không ai can thiệp được. Vua mà can thiệp vào sẽ bị chết. Ngoại trừ cho tới giây phút cuối nhìn thấy toàn thân của người gỗ con rối rớt xuống dưới đất lộp bộp do bị tháo cái chốt gắn liền lại mới nhận ra đó chỉ là người gỗ. Chỉ khi nào ta nhìn thấy sự đổ nát tang thương của cái kết nơi sự nóng giận, lúc đó hoặc ta mới ngộ ra nhưng thật trễ rồi.

Làm sao buông được sự nóng giận, biết được sự tai hại nguy hiểm của nóng giận rồi, không bàn tới. Nhưng làm sao để buông được sự nóng giận, cơn nóng giận các bạn? Chúng ta cần một người bạn thân có mặt ngay lập tức khi cơn sân giận của ta trỗi dậy ôm chặt ta, đẩy lùi ta về phía sau và nói với ta, nhắc nhở cho ta rằng: Hãy buông, bỏ, buông đi bạn ơi, bỏ đi bạn ơi và đẩy ta xa ra cái hiện trường đang gây tạo sự nóng giận cho chúng ta. Các bạn có đồng ý đây là một phương pháp thường xảy ra. Nhìn nó bình thường nhưng hữu hiệu. Các bạn có khi nào nhìn thấy cảnh đó chưa? Và thấy được sự can thiệp của người thân, người quen, hay người gần đó ôm chặt cái người nóng giận đầy lùi ra đằng sau và nói buông bỏ chưa? Chắc chắn là có. Người bạn đó ở đâu? Đức Phật dạy cho chúng ta: “Người bạn đó chính là cái tâm được tu luyện”. Để buông bỏ sự nóng giận một cách dễ dàng, cần có người bạn thân qua cái công hạnh hành trì tu tập của Chánh niệm, luôn luôn tỉnh thức qua cái hơi thở để nhận diện sự nóng giận khi nó khơi lên trong tâm của chúng ta, trong tất cả mọi mối tương tác hằng ngày. Nhận diện được sự nóng giận nó tới và thì thầm với nó ngay: buông! bỏ! Và đẩy lùi cái cơn nóng giận đó bằng người bạn tri kỷ thân thiết của chúng ta là hơi thở, hít vào thật sâu thở ra chậm rãi, ôm chặt vào tư tưởng đó và thì thầm hoặc nói to: buông đi, bỏ đi. Ra lệnh như vậy thật dõng mãnh và ôm cái cơn nóng giận đó bằng Chánh niệm hơi thở thì nhất định bạn sẽ đầy lùi được cơn nóng giận của bạn, rồi chuyển hóa cái năng lượng nóng giận đó thành cái năng lượng yêu thương và tha thứ.

Hy vọng các bạn nghe kịp. Chúng ta cần phải kết thân với người tri kỷ là hơi thở Chánh niệm để ôm ta chặt vào trong lòng, để ôm những cơn giận của ta thật chặt vào trong hơi thở, cột chặt vào trong hơi thở Chánh niệm và ra lệnh cho những cơn nóng giận đó rằng: buông, bỏ. Đơn giản thôi nhưng câu chuyện mà Bảo Thành ví dụ qua người bạn hoặc người nào đó ôm chặt người nóng giận đẩy lùi ra phía sau và nói rằng buông đi, bỏ đi, có kết quả. Nhiều khi người nóng giận quá mạnh, một người bạn không thể làm được thì hai người bạn, ba người bạn, một nhóm bạn. “Ba đánh một, không chột cũng què”, ba người bạn ôm chặt cứng, đẩy lùi ra đằng sau và nói rằng buông đi, bỏ đi, dù có nóng giận tới đâu sức cũng không đủ mạnh để chống lại ba người bạn. Chúng ta có đến ba người bạn, nói rõ hơn hơn cả ba người là bốn người, ôm chặt cái tư tưởng nóng giận khi nó khơi dậy, khi nó trỗi dậy, khi nó trổ quả bung ra. Nếu được tập luyện ta luôn luôn có đến bốn người bạn kề cận. Bốn người bạn đó như bốn vị Hộ pháp, như bốn vệ sĩ không cần phải thuê và trả tiền nhưng lúc nào cũng hiện diện trong đời sống. Nếu chúng ta biết liên kết với bốn người bạn đó thì khi nóng giận bốn người bạn đó sẽ ôm chặt cái tánh nóng giận của chúng ta, đẩy lùi về phía sau, nhắc nhở buông bỏ, liền cơn giận, nóng, sân kia biến mất ngay.

Người bạn thứ nhất Bảo Thành đã nói rồi đó chính là: Chánh niệm của hơi thở.

Người bạn thứ hai là: Quán tâm Từ bi.

Người bạn thứ ba là: Quán tâm Trí tuệ. Trí tuệ tức là để nhìn cho sáng suốt, đừng có u mê như ông vua kia, cái con rối bằng gỗ mà cũng nóng giận đòi xử trảm.

Người bạn thứ tư là: Tỉnh thức là tỉnh giác tức là bình tĩnh. Chính trong Chánh niệm hơi thở sẽ dần dần giới thiệu chúng ta tới người bạn thứ hai là tâm yêu thương.

Người bạn thứ ba là sự sáng suốt nhận định mọi vấn đề.

Người bạn thứ tư là sự bình tĩnh để xử trí.

Các bạn! Đây thật sự là một cuộc cải cách đời sống của mình qua sự huân tu để xây dựng cái tình cảm thắm thiết với bốn người bạn vốn có trong chúng ta như bốn vị vệ sĩ, như bốn vị thần Hộ pháp, hộ mạng che chở cho chúng ta, để có thể buông được cơn nóng giận, để có thể chuyển hóa được cơn nóng giận thành cái năng lượng vi diệu gắn kết trong tình thương bao dung và tha thứ.

Các bạn thân mến! Muốn có được bốn vị thần Hộ pháp này, muốn có được bốn người bạn tri kỷ thân thiết để che chở giúp đỡ ôm chặt cơn nóng giận của ta, đẩy lùi lại phía sau và nói một chữ: buông, bỏ! Liền lúc ấy cơn nóng giận rơi rụng chẳng còn. Bạn cần phải hành trì thực tập mỗi ngày. Nếu bạn thực tập trong vòng 21 ngày liên tục năm phút mỗi ngày bạn liền có được bốn người bạn thân kia. Người thân thứ nhất chí thân chí cốt luôn luôn che chở bảo vệ như vệ sĩ, như thần hộ mạng đó là Chánh niệm của hơi thở, đó là từ bi, đó là sáng suốt, đó là bình tĩnh.

Rất đơn giản. Tức là qua hơi thở của Chánh niệm, ta tiếp cận được với tình thương lớn hơn và có cái nhìn sáng suốt cho mọi sự việc bình tĩnh để xử lý. Những người làm lớn đứng đầu một quốc gia rất cần có cái tình thương để che chở công dân của mình, cần sự sáng suốt để quyết định vận mệnh quốc gia, cần sự bình tĩnh để xử lý những vấn đề bất chợt xảy ra không như ý muốn. Người đứng đầu trong công ty một cơ sở thương mại, một nhóm bạn hoặc gia đình, đúng hơn, cái tâm đứng đầu vận mệnh của cuộc đời của chúng ta cần phải tập luyện để luôn luôn trầm tĩnh, có Chánh niệm nhìn rõ, biết rõ, ghi nhận rõ để phát huy cái tình thương lớn rộng để nhìn thấu suốt bình tĩnh kiên cường xử lý phù hợp, ta sẽ thành công. Đơn giản, sự thành công mà có ngay đó là an lạc và hạnh phúc, không đổ vỡ trong mọi mối quan hệ của đời sống. Đặc biệt hơn cái lợi ít đó là sức khỏe của thể chất, sự trong sáng của tinh thần và sự thăng hoa của tâm linh.

Kết lại! Để làm chủ cái sự nóng giận của chúng ta, không thể nói buông mà nó buông. Nói buông sẽ buông chỉ có hiệu lực qua sự hành trì, qua sự tu tập để có để có được bốn vệ sĩ là bốn vị thần Hộ pháp che chở hộ mạng giữ chúng ta, ôm chặt cơn nóng giận nói một từ: buông, liền buông ngay và đẩy lùi cơn nóng giận về phía sau, tăng trưởng tình thương, năng lượng tốt đẹp trong bao dung và tha thứ. Đó là Chánh niệm hơi thở, quán chiếu tình thương, tâm Từ bi, quán chiếu tâm Trí tuệ sáng suốt, quán chiếu sự bình tĩnh Tỉnh giác. Chỉ có đơn giản như vậy thôi đã đưa đến sự thành tựu. Mọi cơn nóng giận tiêu tan, mọi ngọn lửa bừng cháy thay vì thiêu rụi cả khu rừng, cả đời sống con người liền tắt lịm và để lại khoảng trống không có khói mù của sự u mê chấp chược nhưng bừng sáng trong cái lòng bao dung và tha thứ. Ai đã thực hiện điều đó? Chính Đức Phật đã làm chuyện đó. Ai đã làm được chuyện đó? Chính tất cả các bậc đứng đầu các tôn giáo. Ai đã hành trì điều đó và thành tựu được? Thật là nhiều người trong cuộc sống của chúng ta ngưỡng mộ.

Các bạn! Chúng ta không khác gì những vị ấy nếu dành cho mình năm phút mỗi một ngày để kết thân với Tứ Đại Vương Phật, kết thân với Tứ đại Hộ pháp, kết thân với bốn vị tri kỷ gắn kết với đời người mãi mãi để ôm chặt cơn giận đầy lùi phía sau nói một từ “buông”, nóng giận kia liền rơi rụng hết, hiển lộ tình yêu thương bao dung tha thứ. Các bạn! Bạn sẽ thành công thôi. Nhắc lại một lần nữa, bốn vị hộ pháp, bốn vị thần che chở cho chúng ta đó là Chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi để có tình thương rộng lớn và bao dung, quán chiếu tâm Trí tuệ để có cái nhìn sáng suốt tận tường hiểu thấu để thông cảm đồng hành và buông bỏ, quán chiếu tâm Tỉnh giác để có sự bình tĩnh kiên định, xử lý mọi vấn đề to nhỏ tùy theo cái phương vị cái thế ở đời của chúng ta đang hiện diện, để làm tốt để tốt đẹp để an lạc hạnh phúc cho ta và cho người. Và để cơn giận được chuyển hóa thành nguồn năng lượng hữu ích, dâng hiến cho gia đình, cho bản thân, cho quốc gia, cho xã hội, cho bạn bè, cho tất cả những ai ta có duyên đang tương tác trong cuộc đời này.

Dạ! Xin cảm ơn tất cả các bạn đã lắng nghe.

Các bạn cũng có thể chia sẻ về chính cái sự kinh nghiệm trải nghiệm của mình qua những cơn nóng giận tai hại như thế nào, và làm sao cơn nóng giận của mình nó nguôi đi nguôi đi do sự hỗ trợ ở bên ngoài hoặc là người nhà. Qua những tình huống đó để Bảo Thành và tất cả các bạn khác có cơ hội rút tỉa như một kinh nghiệm đi vào sự thực tập để không xảy ra tức là phòng lừa được chuyện đó. Mình chia sẻ những kinh nghiệm sống một cách đích thực đó là giá trị của đời sống. Chắc chắn quý ông bà anh chị em, những vị lớn tuổi ở trong nhóm mình đây nhiều lần trải qua những cơn nóng giận rồi, mình hãy chia sẻ với nhau đi. “À! lúc đó, hồi đó, tình huống đó tôi nóng giận, rồi có ai can thiệp không? Có ai đẩy tôi ra sau không? Có ai nhắc nhở tôi không? Hoặc những sự cố xảy ra như vậy có cơn nóng giận nó ngừng ở chỗ nào, mức độ nào? Sự chia sẻ này rất có giá trị một cách rất chân thật rất có giá trị và sâu sắc lắm. Cho nên Bảo Thành cũng như gia đình Phạm Gia cũng như cô MC rất mong muốn được lắng nghe sự chia sẻ của các bạn cùng với Bảo Thành để góp ý vào nâng cao cái giá trị sống trong buổi chia sẻ hôm nay.

Dạ! Xin mời chúng ta hãy chia sẻ với nhau.

MC dẫn lời chia sẻ của bác Phạm Văn Mùi:

Dạ xin chào thầy! Dạ qua bài thầy chia sẻ thì trong đó mình phải buông bỏ nóng giận. Trong đó con có bốn câu hỏi xin thầy trả lời và góp ý cho con và tất cả anh chị em trong nhóm.

Câu hỏi đầu tiên: Trong gia đình anh chị em ruột mình có nên buông bỏ cái cục giận hay không?

Điều thứ hai: Tình anh em bạn bè hay tình yêu, nói chung là tình nghĩa mình có thể buông bỏ được hay không?

Điều thứ Ba nữa là trong nơi mình đang làm việc?

Điều thứ tư nữa là khi mình bước chân ra ngoài đường lỡ có phải va chạm cái gì đó xe cộ thì mình có nên buông bỏ sự tức giận để hài hòa để không còn xảy ra sự cố gì.

Dạ con có bốn câu hỏi xin thầy giải thích thêm ạ

Lời thầy:

Xin cảm ơn bác Phạm Văn Mùi.

Trả lời: Bất cứ một mối quan hệ nào trong gia đình, huynh đệ, anh chị em, nơi công xưởng, ngoài đường phố, mọi va chạm trong cuộc đời cần phải buông bỏ những cơn nóng giận. Và chúng ta buông bỏ được bằng sự tập luyện. Nếu không tập luyện, không thể buông bỏ, đụng một cái như xăng đổ vào lửa rồi cháy ngay. Chúng ta thấy có những cuộc va chạm trong gia đình, giữa anh chị em thôi bất hòa cả cuộc đời, ảnh hưởng đến cái sức khỏe của cha mẹ mình. Người anh, người em, người chị chia tay mãi mãi và rồi còn nhồi sọ cho con cháu mình cái sự phân biệt lẫn nhau và tránh xa nhau. Chắc chắn ta đã nhìn thấy những cảnh đó nơi thôn xóm hoặc gia đình ai đó hoặc có thể nơi kinh nghiệm của bản thân mình. Đó là một sự đáng tiếc đau buồn vô cùng cho những bậc làm cha làm mẹ phải chứng kiến anh em tương tàn với nhau. Tu tập sẽ bỏ được, không tu tập thật khó bỏ.

Trong công sở trong sự tương tác cũng như vậy. Và sự khốc liệt nguy hại nhất của những cơn nóng giận trong gia đình làm cho cha mẹ mình đau khổ lắm phải đứng ở giữa những người con tranh giành trong sự nóng giận hoặc nổi nóng bất thường.

Hãy nhớ rằng: buông bỏ cơn nóng giận cần phải có sự thực tập và buông bỏ được sự nóng giận là chuyển hóa được cái năng lượng bất tịnh thành cái năng lượng thanh tịnh.

Ví dụ rất cụ thể thôi. Thời xưa cái hầm phân heo người ta bỏ để tưới cây thôi, sau này những nhà làm ga, những nơi nông trại hoặc những nhà ai nuôi heo nhiều, người ta biết xây cái hầm sâu đựng phân heo và có những cái máy dẫn ga từ phân heo để có thể trở thành lửa để nấu cơm hoặc dùng vào những phương tiện khác. Có những chuyện tưởng rất tồi tệ, nhưng nếu chuyển hóa đúng ta ứng dụng vào thì cái năng lượng thay vì dồn và sự nóng giận ta có thể chuyển hóa thành nguồn năng lượng thúc đẩy ta tiến hóa tốt hơn. Khi chuyển hóa được nóng giận, buông bỏ những cơn nóng giận có lợi vô cùng. Bởi lúc ấy nó làm cho bốn cái viên ngọc quý nhất của đời người. Viên ngọc thứ nhất là: Ngọc yêu thương, đây là mỹ ngọc cao quý nhất được sáng, được tỏa sáng để tình anh em trong gia đình gắn kết yêu thương nhau, anh em như thủ túc, chị ngã em nâng, huynh đệ không tương tàn. Viên ngọc yêu thương này rất cao quý, và chính Đức Phật đã đội lên trên đầu để tỏa sáng soi sáng cho thế gian. Chính các vị Bồ Tát đã đưa lên trên đỉnh đầu viên ngọc thương đó là “Từ Bi”. Không có một vị Phật nào, một vị Bồ tát nào, một vị đứng đầu tôn giáo nào mà không có viên ngọc cao quý là tình thương đặt ở trên đầu. Cho nên buông bỏ nóng giận sẽ có được viên ngọc cao quý của tình yêu thương.

Viên ngọc Trí tuệ của sự sáng suốt nhìn thật rõ. Khi chuyển hóa được nóng giận, buông bỏ được nóng giận bằng sự thực tập, ta có được như một sự sáng suốt phi thường. Dù chuyện to hay chuyện nhỏ, ta luôn luôn nhìn thấu nhìn rõ để thông cảm, ghi nhận để đồng hành cùng. Rất hay! Nếu như trong anh em của gia đình, bạn bè nơi công việc, thôn xóm, hãng xưởng hoặc ngoài đường bất chợt chỉ là sự va chạm, nếu ta nhìn thấu được cái sự va chạm đó, nguyên nhân va chạm đó, lỗi người lỗi ta không quan trọng, chỉ còn sự đồng cảm và rồi dìu dắt nhau vượt qua sự va chạm đó bằng tình thương che chở giúp đỡ lẫn nhau. Đó là viên ngọc thứ hai: Minh Tuệ Ngọc, rất hay!

Cái viên ngọc thứ ba đó là sự bình tĩnh. Để có được sự bình tĩnh dù bất cứ một cương vị nào nếu bạn có bạn sẽ thành công. Bình tĩnh sẽ giúp cho bạn kiên định đứng vững và giữ được cái lập trường trên mọi phong ba bão tố của cuộc đời.

Cho nên để trả lời ta nên buông bỏ cơn nóng giận và sự buông bỏ nóng giận trong mọi mối quan hệ là có thể thực hành được qua sự tập luyện của hơi thở Chánh niệm. Như câu chuyện Bảo Thành đã ví dụ: khi nóng giận bạn ôm chặt mình, đẩy về phía sau, “thôi bỏ đi mày ơi, bỏ đi bạn ơi, buông buông, bỏ”, bạn của ta vừa nói buông vừa nói bỏ và vừa đẩy lùi ta về phía sau. Các bạn có thể chưa có cái kinh nghiệm bản thân nóng giận có ai can, nhưng chắc chắn ta nhìn thấy cái cảnh đó rồi, trong cái cảnh hỗn loạn đó thế nào cũng có người ôm chặt cái người nóng giận đó đẩy lùi về phía sau và quát thật lớn “buông đi bỏ đi, thôi bỏ qua đi đẩy lùi anh ta đi”. Và nó chặn đứng được điều đó thì chúng ta phải huân tu hít vào thở ra, quán tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác để có tình thương lớn, để có cái nhìn sáng suốt, để có cái sự bình tĩnh kiên định, và thì thầm với chính mình, nhìn rõ cái tánh sân của mình khi nó khởi lên, và nói một câu thật mạnh như vua ra lệnh: “bỏ, buông” thì cơn giận đó liền biến mất. Đây là thực tế kinh nghiệm của biết bao nhiêu những vị giác ngộ đã thực tập. Và bản thân Bảo Thành đã thực tập thấy hữu hiệu vô cùng. Và những ai mà Bảo Thành giới thiệu qua cái thiền này họ thực tập và họ thấy hữu hiệu rất là tốt.

Cho nên Bác Mùi ơi! Chúng ta hãy cùng tập thì thầm với chính mình. Đừng đợi đến người khác ôm chặt mình, đẩy lùi ra phía sau, có thể hơi trễ. Mà mình hãy dùng hơi thở Chánh niệm ôm chặt cái tư tưởng sân giận của mình, mang cái tình thương tưới tẩm vào đó cho nó nguôi đi. Bởi đó là anh ta, là em ta, là chị ta, là mẹ ta, là bạn ta, là con người cùng sống chung trên hành tinh này. Hãy yêu thương nhau và hãy nhìn cho rõ tại sao mình và anh em nóng giận với nhau. Có phải vì tranh giành không? Hay có phải vì tức giận không? Hay vì cái tôi không? Hay vì nguyên nhân gì đó, hãy nhìn cho rõ rồi “lùi một bước trời cao đất rộng”. Lùi xuống một bước, tại sao lùi? Bởi vì đó là anh, chị, em. Tha thứ cho nhau, lùi lại một bước trong tình huynh đệ tình người, không hổ mặt nhau đâu. Và trong cái sự tu tập đó giúp ta bình tĩnh vô cùng. Bình tĩnh trong cuộc đời là cái giá trị cốt lõi cần có nơi mỗi một con người để kiên định kiên nhẫn vượt qua để thành công trên mọi cái ước mơ mình mong muốn.

Dạ thưa anh! Đó là sự chia sẻ của Bảo Thành cảm ơn anh đã lắng nghe!

2. Chia sẻ của chị Lê Trần

Dạ con cảm ơn thầy và cảm ơn đại gia đình Phạm Gia đã có buổi chia sẻ ngày hôm nay.

Con xin chia sẻ một chút về buông bỏ cái nóng giận đối với bạn của con mà con thực hành được. Mặc dù nó không phải hiệu quả hoặc là nó không phải 100 % nhưng mà nó cũng có một phần ở trong đó. Khi mà con có lớn tiếng hay là con cãi nhau chuẩn bị lớn tiếng, hay một cuộc nói chuyện đến một cái đỉnh điểm nào đó mà mình biết là nó chuẩn bị chạm mốc rồi á thì lại có một cái suy nghĩ, một cái câu hỏi ở trong đầu con rằng là: Mình có thấy là cái mối quan hệ này của mình nó quan trọng hay không? Và mình thật sự có muốn giữ mối quan hệ này hay không? Và khi mà con đặt cái câu hỏi đó thì thật sự còn giữ được cái sự bình tĩnh của mình và mình kềm được cái sự nóng giận của mình được rất là nhiều. Bởi vì đa số là bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay là anh chị em của mình thì chúng ta hoàn toàn không muốn phá vỡ cái mối quan hệ đó. Khi mà con đặt cho mình một cái câu hỏi như vậy thì mình giữ được sự bình tĩnh của mình rất là nhiều. Và đặc biệt thì cái này con áp dụng vào đối với người thân của mình, đặc biệt là mẹ của con, và áp dụng vào hiện tại thì đối với con nó cũng không có đạt được cái kết quả và đạt được cái kỳ vọng như con mong muốn. Mẹ con là người rất là nóng, khi mà con nói chuyện với mẹ thì đa số con sẽ là người lép vế hơn rất là nhiều. Nhiều lúc con cũng chọn cái cách là mình sẽ im lặng, khi im lặng rồi thì sẽ bị làm tới thì lúc đó mình có cảm giác là nó chuẩn bị bùng nổ đến nơi rồi, lúc đó con vẫn im lặng. Có nhiều lần thì con vẫn im lặng, sau đó mình lại nghĩ rằng chút nữa ra thì mình sẽ nói chuyện với mẹ như thế nào? Câu hỏi như vậy xong thì nhiều lần con đã phải nói chuyện với mẹ xong có một cái cách mà thầy chỉ cho con áp dụng đó là chúng ta thiền, Chánh niệm, nhìn lại. Và lúc đó con nhìn ra được là nếu chúng ta buông bỏ được cái nóng giận và tha thứ một cái gì đó thì thật sự bên trong con người của mình nó phải rất là lớn, chúng ta phải rất là lớn. Chúng ta phải rất là bao dung cái người đó và hiểu cái tình yêu thương và lòng biết ơn rất là nhiều thì chúng ta mới có thể thoát được cái sự nóng giận đó. Còn có một cái lần gần đây nhất đó chính là cảm giác của con không thể chịu được nữa và con vẫn nhẹ nhàng nhưng mà con lại sợ cái cảm giác rằng là mình nhẹ nhàng rồi xong rồi thì những cái cuộc cãi vã tiếp theo, những cuộc xung đột tiếp theo thì mình lại sợ cái cảm giác đó. Mình lại sợ cái cảm giác là mình sẽ bị tổn thương thêm một lần nữa. Và cái lần này thì con cho phép là con im lặng. Thì không nói chuyện cũng hơn hai tuần, nhưng mà cảm giác nó không thể ổn một chút nào cả. Và thật sự ra con không biết là cái lần này mình nên giải quyết và xử lý như thế nào? Bởi vì con sợ cái cảm giác là mình làm lành lại thì lần tới có một cuộc cãi vã hay một cuộc nói chuyện nào đó thì mình sẽ phải chịu lại cái cảm giác đó, vì mình thật sự chưa có đủ quá lớn để mình chịu lại cái cảm giác đó. Thì con muốn xin lời khuyên của thầy và xin lời khuyên của các anh chị, cô bác ở trong cái phòng Zoom của mình.

Con cảm ơn thầy và cảm ơn cả nhà rất là nhiều ạ!

Lời thầy:

Dạ thưa chị Lê Trần! Chúc mừng chị! Chị đã có một vị thiện thần thì thầm với chị rồi. Đó là khi nóng giận cái tiếng nói lương tâm thì thầm với chính mình để nhận diện ra được cái giá trị của cái người đó là ai, từ đó buông bỏ được. Người ta nói trên vai phải của mình có vị thiện thần, người xưa nói như vậy. Bên vai trái có hung thần, cho nên có những sự việc xảy ra đôi khi ta bị hung thần nó thì thầm: “Tới luôn đi, tới luôn đi cô, tới luôn đi mày, làm tới luôn đi cho nó đã”. Thế là chúng ta xả láng, rồi cái nhận diện ra, xấu hổ quá. Nhưng có những người lại có thì thầm bằng vị thiện thần: “Thôi ngưng đi mày ơi, thôi đừng làm như vậy, mẹ đó, anh đó, chị đó, bạn đó, người ta đó. Mình nghe cái sự thì thầm đó mình ngưng. Cho nên nếu kinh nghiệm chúng ta luôn luôn có hai luồng tư tưởng thì thầm: một là xúi giục chúng ta, hai là khuyên bảo chúng ta. Mình Chánh niệm được trong cái đời sống của mình, mình sẽ tăng trưởng được cái sự liên kết với thiện thần để có được cái tiếng nói lương tâm thiện lành thì thầm với mình, thì những sự cố xảy ra thật nhanh để chúng ta có thể kèm tỏa được.

Cho nên chị Lê Trần đã có vị thiện thần rồi, nói với mình rằng: “Thôi buông bỏ vì đó là mẹ nên kèm chế được”. Người ta nói im lặng là vàng, nhưng hãy nhớ, im lặng không đúng chỗ, không đúng thời, không đúng sự việc là liều thuốc độc giết chết người đối diện hoặc chính bản thân của mình. Trong mọi mối quan hệ, im lặng quá, giết chết tình cảm của nhau. Sự im lặng đó chính là mũi tên hai đầu giết chết cả hai người. Cho nên im lặng cần phải im lặng, lúc nào, thời nào. Thì khi người thân của mình nói chung, không cần biết là cha mẹ, ông bà nói chung với thân có thể là bạn bè nóng giận, bạn im lặng nhưng không thể im lặng để làm cho cái tâm của mình chai lì để ngăn chặn sự phiền não. Mà phải gọi rằng “âm thầm, lắng nghe” biến cái sự im lặng lạnh lùng kia thành sự lắng nghe, gọi là hạnh lắng nghe của Ngài Quan Âm Bồ Tát. Rồi chúng ta tưới tẩm, như mình nhìn thấy cái cây khô, mình âm thầm mình tưới nước vào nó sẽ tươi lại thôi. Hoặc là mình không cần âm thầm, hiện diện rõ để tưới vào. Cho nên khi chúng ta học được cái hạnh trong Chánh niệm, lắng nghe người đối tượng nói dù trong những cơn nóng giận và âm thầm tưới cái năng lượng của tình yêu thương. Và để yêu thương người, ta phải nhận diện thật rõ người đó là cha, là mẹ, là anh chị em, hoặc là người thân, hoặc là người dưng giữa đường thôi rằng tất cả mọi người trên thế gian này tôi đều đã mang ơn họ. Đức Phật dạy chúng ta như vậy, ngay cả cọng cỏ cọng rau, hạt lúa hạt thóc, cây kim sợi chỉ, chúng ta đang có đều phải quán chiếu và tri ân, biết ơn ai đó đã hiến tặng cho ta. Cho nên quán chiếu cái tình thương và quán chiếu lòng biết ơn, tri ân trong mọi ngày mọi lúc, khi có thể, sẽ giúp cho chúng ta gần gũi hơn với vị thiện thần, có được cái tiếng nói lương tâm hoặc tiếng nói ở trong bụng mình nó nhắc nhở rằng: “Thôi ngưng đi. Người đó người tốt hãy biết ơn và tri ân”. Khi chúng ta biết ơn và tri ân chính là lúc chúng ta có cái nhìn sáng suốt rồi. Người ta bảo trí tuệ và sự sáng suốt tới từ đâu? Tới từ người có lòng biết ơn và tri ân. Sự bình tĩnh và kiên định tới từ đâu? Tới từ người biết ơn và tri ân, có tình thương san sẻ với tất cả mọi người.

Cho nên thưa chị Lê Trần! Lần sau nếu có thể xảy ra sự cố, cũng y như hai đội banh thôi, đá nhau nhất định phải có đội sút vô gôn bên kia, nhất định phải có người luôn luôn nuôi dưỡng cái tinh thần phải thắng. Phật nói: “Chiến thắng gây hận thù”. Người ta thắng mình là người ta gây hận thù, mình nuôi sự hận thù, mà thất bại gây khổ đau. Trong những cuộc đấu khẩu, họ chiến thắng gây hận thù, mà mình thua mình gây khổ đau. Hãy nằm ở ngoài vòng thắng-bại để tâm được tịch tỉnh. Nói dễ nhưng phải thực tập. Làm sao để nằm ngoài vòng thắng bại trong những cuộc chiến đấu khẩu? Hãy rút ngay và an trú tâm vào trong Chánh niệm của hơi thở, mang bình nước Cam Lồ tịnh Thủy của mẹ Quan Âm là tình thương tưới vào sự cố đó khi lửa đang phun lửa sẽ tắt. Bởi vì trong ngũ hành hoả và thủy tương khắc. Người ta bốc hỏa, người ta đấu khẩu, người ta hành động lỗ mãng, phải mang nước để cứu hỏa, nước đó là nước tình thương. Nếu bạn học về Ngũ hành tương sinh tương khắc, thủy và hỏa tương khắc nhau. Cho nên cha mẹ, người thân đang nổi hoả đùng đùng, mang nước Từ bi tịnh thuỷ bình tĩnh, yêu thương, biết ơn và tri ân đổ vào đó, tưới vào đó, bạn sẽ có một sự trải nghiệm tuyệt vời. Nhận diện được rằng: “À hoá ra trong ta vẫn còn có một sức mạnh sâu lắng trong nội tâm, chuyển hóa được sự nóng giận của người khác và chăm sóc tưới tẩm cho sự tươi mát của chính mình”.

Hãy thực tập cái điều đó thêm chút xíu nữa nha chị Lê Trần. Nhớ rằng chị có viên dạ minh châu đó là tình thương lớn vốn có trong chị. Chị có viên dạ minh châu, đó là sự nhìn sáng suốt nhận rõ được các mối quan hệ chị đã có rồi. Chị cũng có viên dạ minh châu, đó là sự bình tĩnh để nghe được tiếng nói ở trong bụng mình, trong lương tâm mình thì thầm. Và đặc biệt hơn chị có được viên dạ minh châu, đó chính là công hạnh thiền quán của chị.

Hãy thực tập thêm chút nữa như người thợ kim hoàn biết gọt giũa cắt để viên dạ minh châu của chị vốn có đó tiếp nhận được ánh sáng và tỏa sáng hơn trong cuộc đời của mình.

Đó là lời chia sẻ của Bảo Thành. Mong rằng chị Lê Trần nghe và góp ý cùng, và mọi người cùng góp ý với nhau.

Chị Lê Trần: Dạ con cảm ơn thầy đã chia sẻ và giải đáp vấn đề đó cho con. Chúng ta cũng cần phải tu tập thêm rèn luyện thêm để lớn hơn cái con người bên trong của mình. Con cảm ơn thầy và cảm ơn cả nhà rất là nhiều ạ

3. Câu hỏi của điểm cầu Quang Quân Nhường ạ thì bạn có hỏi là: “Con thưa thầy, tính còn rất nóng nhưng nói rồi thì để bụng. Con đã cải thiện tính đó rất là nhiều nhưng vẫn còn. Mong thầy chỉ dẫn giúp con. Con cảm ơn thầy ạ!

Lời thầy: Dạ thưa chị và các bạn, Đức Phật dạy rằng, chúng ta hình thành nên cái thân người này do ba yếu tố: tham, sân, si. Bảo Thành có sân như bạn thôi, không khác đâu. Và các bạn cũng có cái tâm sân như Bảo Thành bởi chúng ta được hình thành bởi ba yếu tố tham, sân, si, ôm chặt vào cái nhân của Phật tánh tức là tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác.

Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác là ba cái phẩm tánh của Phật.

Tham, sân, si, là ba cái cá tánh của phàm phu.

Tà không thể thắng Chánh. Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác sẽ đầy lùi tâm tham, sân, si đi. Ai trong chúng ta cũng có tâm sân. Chúng ta kềm tỏa được, nuốt vào trong bụng và nhận rõ cái giá trị trong tương tác của các mối quan hệ. Do chính vì có tình thương đó, mọi cơn giận được nuốt vào bên trong và triệt tiêu tiêu hóa bằng tình thương. Không phải một lần ta có thể bỏ được đâu, nhưng đó là cái kinh nghiệm tốt của anh rồi. anh đã nhận được và ứng nghiệm được. Chỉ cần thực tập đi thực tập lại nhiều lần, y như người luyện võ tập tấn cho nó vững để quyền cước của chúng ta mạnh mẽ, để thân pháp di chuyển lanh lẹ, đối phương không đánh gục. Nếu thực tập những điều bạn đã thực tập, nuốt vào trong bụng thay vì để ngậm ngùi khó chịu lỉnh kỉnh thì ta nuốt vào trong cái đại dương mênh mông ở dưới bụng của tình thương. Bụng ta, cái bụng của ta về đông y dưới cái rốn gọi là khí hải đan điền. Khí của biển, vững chắc như Ngài địa Tạng tạm dịch là như vậy. Có cái luồng khí vững chắc dưới rốn, vững chắc như đại địa, không bao giờ bị nổ tung. Lần sau khi anh nuốt vào trong bụng, hãy tự nhắc với mình rằng: không phải nuốt vào trong bụng để chấp nhận, mà đưa nó xuống biển tình yêu thương nơi bụng. Chỉ thay đổi cách suy nghĩ thôi thì dưới cái biển tình yêu thương mênh mông vô tận dưới bụng của anh đó, hằng hà sa hoặc thật nhiều những cơn nóng giận nó tắt nguội ngay. Biển yêu thương là Thủy mà, là nước mà, theo ngũ hành nó là nước là thủy, cho nên mọi cái cơn nóng giận là lửa khi chúng ta dìm vào trong biển yêu thương đó nó tắt nguội ngay. Đừng nghĩ rằng thôi cố gắng nuốt nuốt giận nuốt giận nuốt sân. Mình cứ nuốt như vậy mai mốt nó tắc nghẽn, nó đầy quá, nó không có chuyển hóa được, rồi nó nổ tung ra. Nhưng thay vì nghĩ là bụng thì quán chiếu đó là biển tình yêu thương, là tâm Từ bi. Cho nên khi đó anh bình tĩnh một chút xíu thêm một chút xíu. Lần sau lấy đó làm kinh nghiệm, hít vào thật sâu phình bụng ra, và quán tưởng tức là nghĩ rằng bụng ta là biển tình yêu thương, mọi cơn giận như mọi cục than, mọi ngọn lửa đều được dìm xuống cái biển yêu thương đó.

Hãy nói với mình như vậy:  Hít sâu phình bụng, thở từ từ, nhìn đối tượng đang tạo ra sự nóng giận đó, nhận định giá trị của mối quan hệ với lòng biết ơn hoặc tri ân, anh sẽ có nội lực thâm hậu lần sau chuyển hóa được cái cơn nóng giận nhanh hơn, mạnh hơn, nhiều hơn và tốt hơn. Nếu sự thực tập đó lặp đi lặp lại thường xuyên, Bảo Thành và các bạn đều có nội lực thâm hậu để đương đầu với mọi cơn nóng giận và buông bỏ một cách dễ dàng.

Dạ Mô Phật!

Dạ con xin được cảm ơn phần chia sẻ của thầy ạ.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn