Search

4013. Có Phải Chăng Cưng Chìu Là Làm Giảm Phật Duyên Của Con?

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật tu tập mật thiền chánh pháp Phật trong chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời Tỉnh Giác và thể nhập vào Phật tánh chân như, ngõ hầu quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bạn tay trái, trở về với hơi thở của chánh niệm. Quán chiếu tâm Từ Bi yêu thương qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm Phật chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từng mật ngôn hòa quyện vào trong hơi thở của chánh niệm, chúng ta sẽ tiếp hiện được năng lượng vi diệu của Phật vào thân tâm, để chuyển hóa tự thân của mình và hồi hướng cho nhau, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn vẫn được nghe Đức Phật dạy tất cả các nghiệp đều do sự suy nghĩ tạo ra, ngôn ngữ tạo ra và hành vi tạo ra, phước báu cũng như vậy. Nếu như tư tưởng, lời nói và hành vi thiện lành ta tạo nhân duyên tràn đầy phước báu, còn ngược lại ta tạo ra tai họa tổn phước, gặp nhiều nghịch cảnh đau khổ. Có bạn hỏi rằng “Nuông chiều con có phải chăng làm giảm Phật duyên của con?”.

Khi mình dạy dỗ con có những đứa con trẻ dễ nghe, cũng có những đứa con trẻ có cá tính khó chịu, bực mình, gầm gừ lăn đùng ra đất. Hiện tượng này có đầy ở trên thế giới, chẳng có gì quan trọng. Nhưng quan trọng là người trong tôn giáo đặc biệt các vị Thầy, thường mang những hành vi đó phán cho một câu cứng ngắc như đinh đóng cột rằng đó là nghiệp chướng và cứ nuông chiều để con hư giảm Phật duyên. Chúng ta đều hiểu không hẳn trẻ thơ, mà người lớn nếu nuông chiều để rồi sự nuông chiều đó dẫn đưa con cái, người thân của mình vào con đường tội lỗi, tạo nghiệp thì đó chắc chắn làm giảm phước báu, Phật duyên rồi, chắc chắn.

Các bạn thấy rồi rõ quá, còn nếu như bạn nuông chiều theo cách dùng nhu để nâng đỡ trẻ thơ hoặc người thân nhận thức ra cái sai, cái đúng, thì đó chẳng phải là sự nuông chiều. Nuông chiều là cái gì cũng gật đầu, cái gì cũng chìu được, con cần gì, muốn gì, thích gì nũng nịu đòi là ta tuôn ra hết, chẳng suy nghĩ gì, theo thói quen ấy lớn lên muốn là được. Chắc chắn trong cuộc sống khi đã đến tuổi trưởng thành, nhiều điều muốn không được thì đứa trẻ nay là thanh niên, thanh nữ kia sẽ bực bội và dẫn đưa vào con đường tội ác. Các nhà khảo cứu về tâm lý học thấy được điều đó. Bạn nuông chiều con trẻ khi dạy dỗ con của mình theo phương pháp nhu cương, lúc mềm lúc cứng nhẹ nhàng. Mềm không nuông chiều để chúng nũng nịu làm hư, cứng không xâm hại đến thân xác như đánh đập, như chửi mắng, xâm hại tinh thần, chì chiết làm tổn hại đến sức khỏe là được rồi.

Trên đời này dĩ nhiên có những bạn trẻ trong nền giáo dục con thơ chưa nắm vững, vẫn nuông chiều quá mức và cương quá cứng, tạo ra sự nguy hại cho trẻ điều đó đáng trách, vậy các bạn biết rồi làm giảm Phật duyên đấy. Nhưng chúng ta bỏ chữ nuông chiều đi các bạn, chúng ta lấy ngay chữ khéo, thật khéo của người mẹ người cha lúc nào ngọt ngào, lúc nào cứng, lúc nào răn đe, lúc nào khuyên lơn, lúc nào sẵn sàng ứng phục những điều trẻ biết, trẻ muốn để giúp trẻ nhận thức, học hỏi và sửa sai. Giáo dục trẻ thơ là một phương pháp ngày nay các nhà khoa học về giáo dục, tâm lý nghiên cứu thật kỹ để hướng dẫn cho các cha mẹ trẻ những phương pháp tối ưu, dạy dỗ con cái của mình để con cái trưởng thành.

Câu trả lời nuông chiều có phải là làm giảm Phật duyên hay không? Xin trả lời là có, nếu sự nuông chiều trẻ thơ đó đưa đến chỗ tạo thành một thói quen hư, không thể sửa được và sau này đứa trẻ kia phá phách, nghịch ngợm, bất tuân, bất kham, gây tội ác. Không những làm giảm Phật duyên với bé, mà còn là ra thật nhiều nghiệp chướng, nguy hại cộng hưởng lẫn nhau cho gia đình. Nuông chiều trẻ thơ có phải làm giảm Phật duyên không? Xin thưa không, nếu sự nuông chiều đó là một cách nhu nhuyễn theo tâm lý học, tìm hiểu ứng dụng nhiều phương pháp, thuật ngữ ngọt ngào, động tác dễ thương, tạo cho đứa trẻ không biết sợ, nhẹ nhàng tự tin và rồi dẫn dắt trẻ vượt qua những lầm lỗi, những sai trái và hoan hỷ, hạnh phúc, vui tươi trong cuộc đời. Góc cạnh nào cũng như vậy, có lợi và có hại tùy theo chúng ta ứng dụng như thế này. Cho nên nuông chiều đến hư thì tạo ra sự phản hồi rằng giảm Phật duyên. Nhu nhuyễn nhẹ nhàng để hướng dẫn, giáo dục tâm lý, tạo cho phúc duyên vô lượng, có vậy thôi.

Trong cuộc sống này mỗi một người trong chúng ta nhất là những người mẹ còn trẻ, khi con cái dù trai hay gái, cha mẹ đều mong muốn con cái của mình có được một nền giáo dục căn bản, phúc đức ngay tại gia đình. Đôi khi cha mẹ hối thúc quá, mong cầu quá để con mình phải rập khuôn như tư tưởng mình nghĩ, thế rồi khi gặp sự phản chiều, trái ý, cương cứng, khóc la, lăn đùng ra đất, dậm chân tại chỗ, miệng gầm gừ, ta bực mình rồi đi đến sự đánh đập con cái, chuyện đó có. Là những bậc phụ huynh ngày nay, chúng ta rất dễ tiếp cận được với nền giáo dục tâm lý hướng dẫn trẻ thơ ở trên các bài giảng, ở trên phương pháp của những nhà giáo dục đã bỏ lên trên mạng rồi, chỉ cần bạn tìm kiếm đọc, học hỏi, nghiên cứu bạn sẽ thành công. Không phải như hồi xưa đi cả dặm đường, cả trăm dặm đường mới tìm được người hướng dẫn. Ngày nay chỉ có ngón tay quệt quệt vài cái, thông tin gì chuẩn mực trong giáo dục cũng đều có trong lòng bàn tay.

Các bạn, mật thiền chánh niệm hơi thở là một ngành giáo dục tâm linh, giáo dục bản thân mình và giáo dục tất cả những người xung quanh, ngay cả đối với con cái, để lan tỏa tới ông bà, cha mẹ, vợ chồng, người thân. Giáo dục tâm linh siêu xuất chẳng phải dựa theo nền tảng của tâm lý, mà được khai dẫn bởi nền tảng của Phật lý nhiệm mầu nơi bậc giác ngộ. Đức Phật thấy mọi loài đều có thể chuyển hóa và thay đổi được. Nếu như trong sự tương tác hàng ngày của cuộc sống, các bạn và Bảo thành luôn luôn lấy tâm từ bi để đối xử với nhau. Đại từ đại bi thương chúng sanh, các bạn thấy chưa, đại hỷ đại xả cứu muôn loài, điều đó ta thường tụng. Tâm đại từ đại bi là tâm thương yêu mọi loài chúng sanh, hỷ xả, hoan hỷ đó, xả bỏ không chấp trược thì cứu được muôn loài. Các bạn, đó là phẩm hạnh của Mẹ Quan Âm.

Trong mật thiền ta luôn luôn tập trung vào đề mục quán tâm Từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, với hơi thở của chánh niệm hít vào thở ra, chúng ta tiếp hiện được năng lượng vô biên của Phật, làm giàu cuộc sống tinh thần và tâm linh. Khi tiếp hiện được năng lượng Từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, chúng ta đều tiếp hiện được nguồn năng lượng đó vào thân. Và khi nghĩ đến ai, hồi hướng cho ai, thì chúng ta y như cái phone được gắn vào nguồn điện để sạc pin. Trẻ thơ cũng như người ta yêu thương trong gia đình, luôn luôn bị hao tổn năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày. Khi một người mất đi năng lượng của thân tâm, dù trẻ hay già thì mất đi sự thăng bằng của tư tưởng, tạo ra những hành động không cân xứng. Nếu như gần cái bình sạc, nguồn năng lượng thanh tịnh sẽ giữ được sự thăng bằng.

Vậy mật thiền trong cuộc sống hiện tại đời thường, chúng ta tạo ra một bình sạc pin vi tế nhanh, lẹ, thật dễ, để hồi hướng năng lượng cho người mình yêu thương nhất là con cái, những trẻ thơ trong gia đình. Một đứa trẻ không cần biết làm sai cỡ nào, thì khi gần gũi người mẹ, người cha yêu thương, từ bi lan tỏa, đứa trẻ đón nhận được và tự nhiên có cảm ứng giao thoa năng lượng và biết điều chỉnh. Trẻ thơ cũng có trí tuệ, trẻ thơ vốn không lằng nhằng như chúng ta, chẳng nghĩ vặn vẹo vì rất thẳng, trẻ thơ luôn luôn có khả năng cảm nhận năng lượng bởi không có chấp trược chướng ngại. Mu A Mu Sa là mật ngôn tiếp hiện năng lượng và chỉ cần sống gần với con cái, khởi lên những tư tưởng thiện lành để dẫn dắt giáo dục con bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, dễ thương. Trong sự tỉnh giác thấu rõ, nhìn suốt dựa trên nền tảng trụ vững chãi trong tánh thiện, tánh Phật đó các bạn, thì trẻ thơ kia sẽ có nhiều lợi lạc. Cha mẹ thật khéo ứng dụng những phương pháp nhu cương tùy thời để dẫn dắt con cái học giỏi, học ngoan và không ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, tâm linh của cháu.

Các bạn biết không, khi chúng ta mắng nhiếc con của mình là chúng ta đang xâm hại tinh thần. Những trẻ bị xâm hại tinh thần lớn lên trong sự dằn vặt, âu lo, mất tự tin, thường bị trầm cảm, tự ti, dễ gây ra tội ác, điều này các cha mẹ cần phải chú ý. Luôn luôn phải tẩy rửa tâm thức của mình bằng năng lượng từ bi, đại từ đại bi thương chúng sanh, thương con cái mình bằng tâm từ, tâm bi, đại hỷ, đại xả cứu muôn loài. Ta nghĩ đến điều Đức Phật dạy những câu kệ, câu kinh nơi chùa chiền thường tụng. Ta ứng dụng rõ ràng và trụ tâm nơi Mu A Mu Sa trong chánh niệm. Bạn chẳng phải nuông chiều đứa con để làm giảm Phật duyên, mà bạn đang kích hoạt nguồn năng lượng tối thượng nơi con của mình, đó năng lượng tình thương.

Ngoài vấn đề thực tập Mu A Mu Sa để tự giáo dục mình, mà lan tỏa nền giáo dục thanh tịnh tới con cái. Ta còn từ giáo dục bản thân qua nguồn năng lượng trong suốt của trí tuệ, nhìn thấu. Nhìn thấu để thông cảm, nhìn thấu để buông, để xả và để yêu thương đồng hành cùng nhau. Một đứa trẻ dễ bực mình, phùng mang trợn mắt, dậm chân la ó, thực ra chẳng phải trẻ mà trong chúng ta luôn có những nội khí xung đột lẫn nhau, nếu không khéo tạo thành một tiền đề, thói quen, rất dễ khơi dậy. Nhưng nếu là cha mẹ có trí tuệ, thực tập mật thiền qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, như con mắt để gắn thêm kính nhìn thật rõ, thấu hiểu được cá tánh của con và chiếu rọi vào tâm hồn của chúng. Mang sự yêu thương nâng đỡ, nhất định trẻ thơ sẽ không còn như vậy nữa.

Một trong những năng lượng ảnh hưởng rất lớn tới con cái của mình đó là sự u mê hoặc tỉnh giác. Nếu cha mẹ u mê thì con cái sẽ lầm lỗi đen tối, nếu cha mẹ tỉnh giác thì con cái sẽ sáng suốt thành công. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê trong chánh niệm hơi thở giúp cho Bảo Thành và các bạn sống luôn luôn tỉnh thức, sống trong sự thức tỉnh từng giây phút. Mật ngôn thứ tư ta thực tập nữa là Sa Bi Mô U, mật ngôn quán chiếu tâm thiện lành, tâm Phật chân như luôn luôn quán chiếu trong ta, trong trẻ vốn có tâm thiện. Mang yêu thương nâng đỡ, mang trí tuệ soi chiếu, mang sự tỉnh giác để giữ sự thăng bằng và các pháp thiện lành được thực hiện trong cuộc sống qua những suy nghĩ ứng xử, qua những lời nói khi tương tác, qua những hành vi khi gặp gỡ nhau. Thì giúp cho nhau ấm lòng và sống hạnh phúc hơn.

Các bạn, mật thiền là một pháp môn phương tiện phù hợp và rất dễ thực tập. Như cái phone cần phải sạc pin, ta sạc pin thôi, rắc rối để làm chi, khi pin đầy rồi kích hoạt những phần mềm trong phone, ứng dụng được cho những phương tiện của cuộc sống như chụp hình, ghi âm thanh, video hoặc gọi phone hoặc lên trên Facebook, các phương tiện hiện đại. Chúng ta cần sạc nguồn năng lượng thanh tịnh của Phật qua cái bình sạc của tâm Từ bi, tâm Trí tuệ, Tỉnh giác và Thiện lành, gọi là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán. Pin tâm linh của bạn sẽ đầy suốt cuộc hành trình trong cuộc sống này, không bao giờ cạn và có dư như cục pin dự phòng, trao tặng cho những ai trong cuộc đời này đồng hành với chúng ta mà thiếu năng lượng.

Tuần trước Bảo Thành và một số bạn hành hương đến Campuchia tới núi Tà Lơn, vì những ngọn núi linh thiêng và sự tương tác liên tục giữa cảnh trời đất và Phật, chùa chiền đẹp quá. Các bạn luôn luôn chụp hình lưu giữ trong phone, vì thế pin của phone xuống rất nhanh, nhưng rất may trong số đó các bạn đã mang theo cục pin dự phòng và tài xế có ổ cắm điện trực tiếp, để ai cắm điện trực tiếp sạc pin hoặc dùng dự phòng đều có đầy đủ năng lượng cho cục pin của mình, để tiếp tục cuộc hành trình chụp hình. Cuộc sống này cục pin dự phòng cao siêu nhất chính là quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Cục pin tâm linh luôn đầy ắp năng lượng để gọi là thông suốt các cuộc hành trình nơi cuộc đời này, các bạn không sợ bị tụt nguồn năng lượng, sập nguồn năng lượng bởi luôn có cục pin dự phòng qua công hạnh mật thiền tổng trì mỗi một ngày.

Cục pin này nếu bạn thực tập mỗi ngày đúng, không bị chai thì năng lượng luôn đầy. Còn nếu bạn không thực tập, không tu, không những nó bị chai mà nó bị sập nguồn, khi cần chẳng còn năng lượng đâu. Đừng đợi đến khi tổn hao năng lượng mới sạc pin ở nơi cục pin dự phòng, mà luôn luôn trong cục pin dự phòng phải đầy đủ năng lượng và ta luôn luôn mang theo. Cuộc sống này mỗi một giây một phút ta luôn luôn sạc cục pin dự phòng qua chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, thì cục pin dự phòng nơi tâm của chúng ta có dư năng lượng để tiếp ứng khi cần trong cuộc sống cho mình, cho trẻ thơ, cho những người yêu thương.

Các bạn, sự tu tập trong nhà Phật là một sự hành trì, hành trì là một sự tu luyện bỏ công sức thực tập mỗi ngày, đó chính là nhân hành trì trong Phật pháp thì đạt được quả phước báu vô lượng. Còn nếu bạn không hành trì Phật pháp mỗi ngày, nhân kia có đâu thì mong cầu quả tốt, đó là điều vô lý. Ai chỉ cầu những điều tốt cho mình, con cái học giỏi, ngoan ngoãn mà không hành trì để sạc pin cho đầy, pin yêu thương, pin có cái nhìn sáng suốt, pin năng lượng qua sự tỉnh giác và các pháp thiện lành, bác ái yêu thương, thì nhất định con cái của mình làm sao mình có thể giáo dục được. Các bạn thân mến, chúng ta là cột trụ trong gia đình nhất là cha mẹ luôn luôn phải nhớ, ngoài sự giáo dục ở học đường, ở xã hội, giáo dục nơi ông bà, cha mẹ, người thân tiếp cận hàng ngày. Thì cha mẹ là cội nguồn giáo dục căn bản vững chãi, rất dễ tiếp cận và rất dễ truyền dạy chuyển hóa cho con của mình.

Cho nên đừng đi vào sự nuông chiều gì cũng được, để rồi con hư khi thói quen đó lặp đi lặp lại. Sau này khó hướng dẫn con cái và như vậy Phật duyên cũng giảm. Còn nếu chúng ta không nuông chiều nhưng nhẹ nhàng tâm lý, hiểu đúng phương pháp của Phật, tích trữ năng lượng thanh tịnh qua sự hành trì mỗi một ngày, để hồi hướng cho con của mình trong cuộc sống. Ứng dụng ái ngữ thiện lành dạy dỗ, ứng dụng những tư tưởng thông thoáng, không chấp trược để tỏ bày cho con cái. Có những hành vi luôn luôn phải nhân ái, thì như vậy con của bạn là sẽ trưởng thành và thành công. Có biết bao nhiêu những bậc cha mẹ nuông chiều con cái quá mức, đến khi con đòi chịu không nổi, nổi sân lên và đánh đập con cái của mình nhìn rất tội, hành vi đó tạo nghiệp, giảm Phật duyên cho chính mình và con của mình.

Cha mẹ nào cũng thương con, đấng bậc sinh thành nào cũng thương con cái, nhưng không phải thương là nuông chiều. Mà thương thì cần phải xây dựng một con đường giáo dục căn bản nhất qua thân giáo, tức là cuộc sống của chính mình. Cuộc sống của người mẹ, cuộc sống của người cha ảnh hưởng thật nhiều đến đời sống của con cái. Con cái như trang giấy trắng, đời sống của cha mẹ có thể viết lên trang giấy trắng đó những tư tưởng thanh cao hay những tư tưởng xấu xa. Bạn thương con bạn nhất định phải tu và hành trì Phật pháp mỗi ngày, mỗi ngày. Pháp môn nào phù hợp, phương pháp nào hợp với căn cơ, khi tu bạn thấy an lạc, hạnh phúc, thấy thân khỏe, tâm an, thấy cuộc sống hoan hỷ, thấy thăng tiến trong cuộc đời này về mọi mặt. Đó là pháp môn vi diệu phù hợp với bạn, không cần biết pháp môn đó như thế nào. Đừng phân rẻ pháp môn, để rồi chúng ta cứ chọn các pháp môn của Phật như chọn hàng ở ngoài chợ, lật qua lật lại làm cho nó dập nát tâm can của mình mà chẳng bao giờ biết ứng dụng vào sự hành trì.

Các bạn nuông chiều con cái để rồi con cái gầm gừ, la mắng, giận dữ, lăn đùng ra đất khóc, muốn gì được đấy chúng sẽ bị giảm Phật duyên và lớn lên trong một thói quen nguy hại. Nhưng nếu bạn không nuông chiều, biết giáo dục bằng tâm lý mỗi một ngày và mang đời sống của mình qua sự hành trì, để năng lượng vi diệu ảnh hưởng đến đời sống của con cái. Tương tác với con bằng những hành vi cao thượng thanh cao, nói năng với con bằng những ngôn ngữ dễ thương trìu mến và luôn luôn suy nghĩ về con, định hướng cho con đi trên con đường cao đẹp. Nhất định các con của bạn sẽ có một thói quen tốt đẹp và tương lai của con trẻ sẽ như một bức tranh thủy mặc đẹp đẽ ở giữa đời. Trẻ thơ như trang giấy trắng, hãy cẩn thận trong phương pháp giáo dục, đừng vì một lý do gì mà nổi sân, nổi giận đánh đập con cái của mình. Hãy dùng những lời nói nhẹ nhàng, điều chỉnh lại tâm thái cho con. Hãy dùng ánh mắt yêu thương để xoa dịu những vết thương của con trẻ khi chúng bị phạm lỗi. Đừng có những hành động quá mức gây đau đớn cho thân xác của trẻ.

Các bạn, Đức Phật Ngài là một bậc cha lành hiền lương, luôn luôn dạy dỗ chúng ta những phương pháp giáo dục bản thân, hành trì để thoát khổ. Giáo dục con trẻ, người thân hành trì để lan tỏa yêu thương. Hãy thực tập điều đó thật rõ đừng đi đây đi đó nghe thầy bói, thầy phán con cái của mình nghiệp duyên như thế này, nghiệp duyên như thế kia, chẳng thể thay đổi thôi oan gia trái chủ. Tất cả con cái của chúng ta nếu là cha mẹ sử dụng đại từ đại bi, thương con trẻ của mình và đại hỷ đại xả để cứu vớt những lầm lỗi, thì con cái của chúng ta chẳng phải là oan gia trái chủ tới để hành hạ ta, mà là những mầm thánh thiện tới để gieo yêu thương vào cuộc đời. Mang yêu thương gieo vào nơi tối tăm, nơi tăm tối đau khổ kia sẽ có mầm hạnh phúc được khơi dậy trong ngày tháng, khi nó trôi qua bởi sự hành trì miên mật của chúng ta. Các bạn xin mời trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin Phật gia trì cho chúng con là những người cha, người mẹ biết ứng dụng chân lý Phật học và nền giáo dục tại gia, hỗ trợ cho con cái vượt qua những chướng ngại và trưởng thành trong tâm thái an yên tự tại.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tới tất cả muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn