Search

3212. Sống Để Làm Gì?

Thu Hằng đánh máy

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Chúng ta hãy giữ trạng thái buông thư, hít vào và thở ra nhẹ nhàng, quán chiếu thân tâm của mình. Những cảm giác, những cảm xúc tới và đi nơi thân, những tư tưởng khởi lên hãy nhìn bằng tâm chân thật, mang yêu thương rải xuống những miền cảm giác của thân.

Các bạn, chủ đề mà mình tự hỏi mình, rất hiếm “Sống Để Làm Gì?”. Câu hỏi này có ai mà hỏi sống để làm gì đâu, không, ngoại trừ những người bị đau khổ một cách trầm trọng, tuyệt vọng, không còn ngoi đầu dậy nữa mới tự hỏi sống để làm gì? Nhưng câu trả lời đối với họ không quan trọng vì lúc ấy đối với họ cuộc đời như vô nghĩa, cuộc sống đối với họ là thỏa mãn những điều họ mơ ước, còn có ý nghĩa gì nữa, hết rồi. Có thật nhiều trường hợp ta phải gặp, ta bắt đầu hỏi sống để làm gì? Nhìn cho rõ thì thuở nhỏ sinh ra cho tới lớn ta được nuôi dưỡng, mọi người trong xã hội ít khi nào hỏi và có cơ hội hỏi sống để làm gì. Ta sống theo bản năng, ta ăn, ta uống, ta vui chơi, ta học, ta đi làm, ta có vợ có chồng, con cái, ta thành tài, có quyền lực, có tiền, nhà cửa,… muôn điều. Trong cuộc sống như vậy, ai trong chúng ta cũng không bao giờ hỏi sống để làm gì nhưng đều hay thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta, mọi người đang sống đều mưu cầu hạnh phúc và thành tài, thành đạt về muôn mặt trong kiếp sống của con người, từ đó ta ráng hết sức. Mình nhìn cho rõ thì thuở nhỏ cho tới bây giờ ta cứ xoay theo vòng tròn đó, vui buồn lẫn lộn, được mất có đủ.

Bảo Thành và một số bạn có thật nhiều cơ hội đi vào những nhà thương, nơi ấy có biết bao nhiêu bệnh nhân bị bệnh ngặt nghèo, cái chết chực chờ từng giây phút. Tuần trước Bảo Thành tới nhà thương thăm một người Phật tử quen biết, cũng gặp một cô bệnh ung thư, không nói cũng biết bởi cơ thể của cô không thể nằm ngồi, những tế bào trên người cô bắt đầu tan ra rồi, đụng vào là đau đớn, chích thuốc, vô thuốc cũng không được, ăn uống cũng không được, hoạ hiếm thì uống sữa hoặc nước yến, đau đớn lắm. Nhưng khi Bảo Thành tiếp xúc vẫn cảm nhận ở nơi cô có một sức mạnh quật cường, muốn vươn dậy để vượt qua thân bệnh, cầu sinh, trong thân bệnh như thế cô ấy vẫn mong được sống. Không biết rằng trong tâm tư của cô ấy, lúc đau khổ khi thân bệnh ung thư giai đoạn cuối, có khi nào hỏi những năm tháng qua đã sống và sống để làm gì? Hôm nay đang bệnh chờ chết, sống để làm gì nữa mà mong cầu.

Câu hỏi đó chẳng ai có thể trả lời được trọn vẹn được, đầy đủ ý nghĩa như những nhà triết học, triết gia, những người hay nói chữ, lý luận, diễn bày sống để làm gì. Bởi câu sống để làm gì đó mà diễn bày nó trở thành hoang tưởng. Nhưng thực tế đối với người bệnh cầu sinh và cầu sống là điều duy nhất, họ chỉ muốn sống, không muốn chết trong đau đớn, trong bệnh hoạn, ai cũng vậy. Có điều mỗi người chúng ta chưa có biết sự đau đớn của bệnh hoạn, nên chưa trải nghiệm được sự cầu sinh mạnh mẽ. Nếu các bạn đi đến nhà thương thấy được cảnh như vậy, không biết các bạn có chạm vào trong tâm thức qua cảnh được nhìn, để rồi tự hỏi mình ta sống để làm gì hay không?

Hàng xóm hiện thời Bảo Thành đang ở có một chàng thanh niên độ chừng 30 ngoài, anh ấy bị một chứng bệnh ngặt nghèo – ung thư gan thời kỳ cuối, chết lúc nào không hay. Trong đầu của anh ấy chán nản, chẳng cần gì nữa, ý nghĩa sống để làm gì lỡn vẫn trong đầu, anh không bao giờ nghĩ tới, còn khỏe lắm không biết chết lúc nào mà thôi. Lang thang chỗ này chỗ kia, đi đâu cũng xin rượu uống vào, sáng sớm mặt trời chưa mọc mà đã ngửi toàn là rượu thôi, thất thiểu đầu đường xó chợ, chỗ này chỗ kia, mai chỗ nọ. Dẫu vẫn biết cái chết cận kề khi bệnh ung thư như vậy, nhưng chúng ta ở ngoài cuộc vẫn phê phán anh ấy, tại sao phải đắm mình vào nơi men say?

Các bạn chưa rơi vào tình trạng đau khổ của thân bệnh, của tâm trí bị mất đi hoặc tâm can không thăng bằng trong cuộc sống. Thường chúng ta có 2 xu hướng cầu sinh hoặc chán nản, lao mình xuống dốc của những dục vọng trong cuộc đời. Nhất là những ai đó đang gặp những bế tắc về tài chánh, về tâm linh, có thể là những mối tình cảm lăng nhăng hay trong gia đình. Hầu hết ta vẫn bị rơi vào sự lãnh cảm của tinh thần, của cảm xúc, của đời sống, từ đó bất chợt khơi lên trong những ước vọng nơi sự tưởng tượng, cầu mong nhập vào trong tưởng tượng là ta tới cõi đau khổ nào đó mà ta không thấy. Các bạn, sống một đời tỉnh thức nếu chúng ta không suy nghĩ, nếu chúng ta không tư duy để có một đời sống tỉnh thức, mới có thể suy nghĩ thật rõ, xác minh, quyết định và đưa đời sống của mình vào con đường tốt đẹp hơn mà thôi.

“Sống để làm gì?” Bạn tự trả lời đi, đừng hỏi lung tung rồi phân tích cho rối, nhưng sống cần phải nhìn rõ cuộc đời của chính mình, nhìn rõ cái gì, nhìn rõ khổ đau và hạnh phúc. Bởi trong thâm tâm của chúng ta không phải chỉ có con người đều mưu cầu hạnh phúc, lời Phật nói như thế Ngài là bậc giác ngộ. Ai trong chúng ta không hỏi, ít hỏi, chưa bao giờ hỏi sống để làm gì? Nhưng nhất định chúng ta đều tự trả lời cho mình rằng chúng ta mơ ước một đời sống hạnh phúc và bình an, người trẻ cũng như thế và các cụ già cũng như vậy, những người đang bệnh thời kỳ cuối cũng y như vậy mà ước mơ.

Trả lời để cho đời sống được hạnh phúc Đức Phật dạy thật rõ, chúng ta phải tạo thật nhiều thiện nghiệp, chuyển hóa ác nghiệp mới có thể có được hạnh phúc. Sống hạnh phúc khi ta có và sống đau khổ khi ta đọa đày, sống hạnh phúc để làm gì và sống đau khổ để làm gì? Thật ra sống đau khổ là để đọa đày bản thân, để hại mình, hại người. Sống hạnh phúc, mưu cầu hạnh phúc cho mình là để phụng hiến tha nhân. Không ai đau khổ mà có thể phụng hiến được tha nhân đâu. Hãy nhìn vào đời sống của Đức Phật cả cuộc đời của Ngài là phụng hiến cho chúng sanh và vì thế Ngài đã đi tìm con đường thành tựu được hạnh phúc mà phụng hiến cho muôn người, vì sao? Vì Ngài thấy chúng sanh trong đau khổ mà không hay, không biết, như vùng sình lầy mà chẳng hiểu thấu, nhảy vào trong đó rồi chết chìm từng giây phút trong vũng lầy của ác nghiệp.

Chúng ta đừng cứ bày vẽ trả lời mà hãy thuận theo lời Đức Phật dạy, ai và chúng sanh nào cũng mưu cầu hạnh phúc và để có hạnh phúc chúng ta phải sống một đời sống lành thiện. Còn nếu không ngược lại ta chọn lựa con đường thủ ác thì đời sống sẽ đau khổ và phiền não. Đức Phật đã làm được điều ấy khi hiểu thấu những cái khổ của con người, cũng là bởi vì dục vọng và tham chấp, dục vọng và tham chấp đã phủ kín tâm tư trí tuệ, đã dẫn dắt suy nghĩ của chúng ta lạc vào cõi mê. Biết bao nhiêu việc ác chẳng bao giờ làm nhưng những suy nghĩ lẩn quẩn của những chuyện ác ta nói “Tôi chỉ suy nghĩ chứ tôi đâu có làm”.

Nhưng không đâu, đó là cách biện luận thôi, bởi vì trong tư tưởng của chúng ta, tư tưởng ác thì hành động cũng sẽ ác, lời nói cũng sẽ ác, nó đi liền với nhau. Do đó khởi lên từ trong tâm phải luôn luôn là những tâm ý thiện lành, để rồi thân và miệng của chúng ta thể hiện được những ngôn ngữ và hành vi tốt đẹp mới có hạnh phúc.

Đức Phật không dạy những gì nằm ngoài những điều chúng ta có thể thực hiện được, mà Ngài dạy một đạo lý thật bình thường là làm thiện sẽ hạnh phúc, làm ác sẽ đau khổ. Nghĩ thiện sẽ hạnh phúc, nghĩ ác sẽ đau khổ. Nói thiện sẽ hạnh phúc, nói ác sẽ đau khổ, vậy thôi, có gì đâu, ai cũng có thể làm được. Nhưng chúng ta không nghĩ như vậy, chúng ta sống theo bản năng. Đặc biệt ở Việt Nam, vào mỗi một buổi chiều khoảng chừng 5 giờ khi tan ca, tầm mà mọi người về nhà sau những giờ làm việc, ngày nay khác rồi phụ nữ và đàn ông đều chẳng chạy thẳng về nhà, số đông, họ ghé ngang những tiệm thật vui, quán cóc, tiệm sang trọng ăn uống no say, rần rần ở ngoài thành một phong tục tập quán, sau ca làm mệt là sự hưởng thụ. Hưởng thụ là chuyện bình thường để bồi dưỡng sức khỏe sau một ngày mệt nhọc, nhưng hưởng thụ như ở trong lao tù, ăn uống để chờ chết, say sưa để rồi đau khổ điều đó không nên.

Vậy Đức Phật dạy làm điều thiện đi để có được hạnh phúc an lạc, bởi tất cả đều mưu cầu hạnh phúc. Khi có được hạnh phúc và an lạc bởi hành thiện chúng ta sẽ bắt đầu khởi lên nơi tâm, chắc chắn, ta sống hạnh phúc để làm gì? Dĩ nhiên câu trả lời thật hiển nhiên cho những người có tánh thiện rằng, sống hạnh phúc là có được do làm thiện và hạnh phúc này ta đang sống là để phụng hiến cho muôn loài, cho tha nhân, rất bình thường. Bạn chỉ cần biết chăm sóc cho đời sống của bạn được hạnh phúc bởi những việc thiện, suy nghĩ thiện, lời nói thiện, chính là bạn đang phụng hiến cho tha nhân. Không cần bạn xuôi tới chỗ này chỗ kia để làm những chuyện lớn lao rằng từ thiện bác ái đâu. Nếu bạn không biết thương yêu mình, từ thiện thời gian để chăm sóc cho mình, có được đời sống hạnh phúc bằng các hạnh thiện, thì những việc bạn làm kia chẳng có tác dụng gì. Chăm sóc cho mình, tu luyện và học hỏi, nâng tầm kiến thức, hành được các pháp thiện lành để có một đời sống hạnh phúc chính là phụng hiến cho tha nhân và đó là câu trả lời cho mỗi người thật sâu sắc ta sống để làm gì?

Ta sống để hành các pháp thiện, ngõ hầu thành tựu được đời sống hạnh phúc và an vui mà phụng hiến cho tha nhân. Ta sống là để hành thiện mà thành tựu được đời sống hạnh phúc để phụng hiến cho tha nhân, chúng ta không sống để làm những chuyện thỏa mãn các dục vọng, gây và tạo đau khổ phiền não, làm ô nhiễm môi trường sống và gây tác hại cho xã hội, cộng đồng, gia đình. Ta sống để làm các việc thiện, thành tựu hạnh phúc, phụng hiến cho tha nhân. Nếu bạn vô tình hỏi ta sống để làm gì, thì hãy nhập tâm câu trả lời này để thấm nhuần mà tác ý như thiện, đi về phía trước, hướng tới sự cao thượng để bạn và những người bạn có nhân duyên gặp gỡ luôn hạnh phúc và an vui.

Sống là để hành thiện không phải làm ác, sống là để hành thiện, kiến lập những hạnh phúc trong cuộc đời, phụng hiến cho tha nhân. Đơn giản Phật dạy làm việc thiện là hạnh phúc, chỉ có vậy thôi. Đừng quá rắc rối, thật là nhiều người đã phân tích sống để làm gì, họ mượn những triết lý, triết học, những câu từ ý hay cài đặt như một bài văn, như một áng văn siêu xuất để chúng ta đọc, dù lạc vào những từ ngữ đó đâu có làm được gì đâu, cứ suy nghĩ miên man mang những từ ngữ về triết học như gọi là minh triết như vậy để mà lung lạc tinh thần, vô dụng lắm. Mở đầu bài hát nói sống một đời tỉnh thức, rất hay, ta phải sống một đời tỉnh thức để hành thiện, có được hạnh phúc, phụng hiến cho tha nhân. Đó là câu trả lời thật rõ, thật sáng, sống để làm gì nếu bạn tự hỏi bản thân. Ta sống để làm gì? Thì chúng ta sống một đời sống tỉnh thức để hành thiện, có được hạnh phúc, phụng hiến cho tha nhân.

Bạn suy nghĩ đi bạn sẽ thấy cuộc đời bạn có ý nghĩa vô cùng, không nên theo những bài viết, những lời ảo quá đẹp, quá hay, mà phải thực tế sống tỉnh thức. Trong gia đình ta thấy gia đình có hạnh phúc không? Rồi ta có tỉnh thức không? Không có hạnh phúc nơi gia đình, ta không tỉnh thức trong cuộc sống, ta u mê rồi vọng tưởng, nơi vọng tâm nó khởi lên những tư tưởng chìm trong dục vọng, gây bất an cho những người trong gia đình có thể là chồng hoặc gây bất hạnh cho con cái, đau khổ cho bản thân. Điều này luôn có trong mỗi người chúng ta, do vậy để sống tỉnh thức ta phải biết tu luyện chứ không hẳn cứ muốn tỉnh là tỉnh đâu. Và sự tu luyện một đời sống tỉnh thức đó là sự tu luyện quán chiếu trí tuệ vốn có trong ta. Sống một đời sống biết hành thiện là chúng ta phải tu và quán chiếu tâm Từ bi. Từ Bi và Trí tuệ sẽ giúp cho chúng ta nhận rõ để sống đời tỉnh thức và chuyển hóa mọi dục vọng thành năng lượng yêu thương, lan tỏa tới muôn người. Để từ đó ta hành được tất cả các pháp thiện dù rất nhỏ và có được hạnh phúc trong cuộc sống phụng hiến cho muôn người.

Hôm nay Bảo Thành chia sẻ với một ý nghĩa về sự sống của chúng ta, sống để làm gì? Câu hỏi các bạn gửi về Bảo Thành đã lặp đi lặp lại câu trả lời rồi, sống một đời sống tỉnh thức để hành thiện mà hạnh phúc phụng hiến cho tha nhân, đó chính là sống để làm gì. Mong rằng mỗi người chúng ta lẩm bẩm câu trả lời này đi, một chút xíu để tư duy rồi hành vào trong cuộc đời thực tế, thực tập ta sẽ thấy cuộc đời thay đổi. Để không còn nhắm mắt nhảy xuống vũng sình lầy rồi đau khổ mà than. Hãy đứng dậy làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc sống trong tỉnh thức. Hãy đứng dậy làm chủ hành động và lời nói, đừng buông lung, đừng phóng tâm để dục vọng của mình nhận chìm mình. Rồi tạo nghiệp và gài bẫy những người khác tạo nghiệp, đó là nghiệp rất nặng. Nghiệp ta tạo ra bởi không kiềm chế được dục vọng, làm chủ được tâm, phóng tâm, đắm chìm trong dục vọng, rồi còn lập kế để người khác sa đà vào đó thì nghiệp vô số. Những ai như vậy tức là một đời sống đang mang khối ung thư trong tâm thức, chết bất cứ lúc nào không hay. Dĩ nhiên nghiệp thì không thể chuyển hóa được, do vậy mong rằng mỗi người chúng ta hãy sống và tu tập theo chiều hướng quán chiếu, để dẫn đưa bản thân của mình vượt khỏi vùng sình lầy của tâm thức đen tối, phải sống tỉnh thức để làm các việc thiện, có được hạnh phúc, phụng hiến cho muôn người. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ít có khi nào trong cuộc đời của chúng con tự hỏi sống để làm gì, nhưng chúng con nhất định sẽ tự quán chiếu phải sống tỉnh thức, làm các việc thiện để có được sự hạnh phúc mà phụng hiến cho muôn người. Xin chư Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở chậm rãi hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts