Search

3174. Con đau khổ vì yêu một người mà người ấy ít quan tâm con, làm sao để hết đau khổ?

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên các kênh YouTube, Facebook, Zoom mà các bạn đồng chia sẻ để lan tỏa sự tu tập tới với mọi người.

Giờ tu tới rồi, chúng ta hãy thành tâm cùng hướng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Thưa chư vị Bồ Tát! Chỉ còn vài ngày nữa năm 2022 sẽ qua đi, ngồi ở đây giữa đất trời mênh mông vô tận là thân phận của chúng sanh, loài người. Chúng con thành tâm nguyện xin chư Phật mười phương, chư Bồ Tát ban rải thật nhiều năng lượng Từ Bi yêu thương, để chúng con đón nhận được và tự mình thấu hiểu, đứng dậy miên mật tu tập, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu cuộc đời và các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật phóng quang tiếp dẫn hương linh của Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã quá vãng. Chúng con hồi hướng cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm an lạc, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi xuống trong tư thế buông thư phù hợp với cơ thể của mình, ngồi cho vững chãi, lưng, cổ và đầu cho ngay thẳng, nhẹ nhàng, buông lỏng. Trong mật thiền ta lấy hơi thở chánh niệm để quay vào bên trong, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác, tiếp nhận năng lượng. Hơi thở của chúng ta khi hít vào từ mũi xuống dưới bụng một cách chậm rãi vừa sức của mình, phình bụng ra. Khi thở tâm của ta sẽ đi từ bụng dưới đan điền khí hải, hóp vào lên trái tim, lên ấn đường và lên bách hội. Lúc ấy hóp bụng vào ta tổng trì ba mật ngôn Từ Bi – Mu A Mu Sa, Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Tỉnh Giác – Ma Sa Ốp Uê. Ba mật ngôn vi diệu này hòa nhập vào với chánh niệm của hơi thở, trong quán chiếu chúng ta sẽ kích hoạt được năng lượng vốn có nơi mình, nội tâm của mình gắn kết với Phật, với chư Bồ Tát và nghĩ tới tất cả mọi người, mọi chúng sanh, chúng ta sẽ lan tỏa được năng lượng ta tiếp hiện trong từng giây phút khi đồng tu với nhau, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, tâm nhận biết qua bốn bước từ dưới bụng, tim, ấn đường và bách hội, trong khi thở hóp bụng và tổng trì mật ngôn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Đặt một thời khóa để đưa sự bận rộn của kiếp người bình thường này qua một bên, trở về với hơi thở trong chánh niệm, tiếp hiện năng lượng của các bậc giác ngộ, kích hoạt và khơi dậy năng lượng sống trong mỗi người chúng ta rất cần thiết. Ta phải biết và hiểu rồi đi vào công hạnh thiền tu mật thiền, để chăm sóc cho đời sống sức khỏe của thân, tinh thần và tâm linh, chuyển hóa những sai lệch lầm lỗi, đi vào sự ngay thẳng của tâm chân thật để có được kết quả sống tốt đẹp. Đức thế tôn Ngài luôn luôn quan tâm đến đời sống của Phật tử tại gia, của tất cả mọi chúng sanh nói chung. Ngài yêu thương chúng sanh, Ngài là bậc từ bi yêu thương thật lớn, sẵn sàng đồng hành với tất cả mọi loài chúng sanh có tâm cầu đạo hành pháp, tu tập theo các phương tiện, các pháp phù hợp với mình. Người tu tại gia hay xuất gia chẳng có khác biệt, bởi đều như người làm vườn biết chăm sóc cho mảnh vườn của mình, để cỏ dại, cỏ gai không mọc lên, biết lượm lặt sỏi đá và biết bón phân, tưới nước, gieo mầm, chăm sóc.

Đức Phật khi còn sống trên trần gian, Ngài giảng thật nhiều những bài pháp quan tâm đến đời sống của gia đình. Chẳng phải như trong kinh ta đọc theo nghĩa thú được đặt để trong văn tự, để rồi những người khác khi đọc vào chưa thấu luôn luôn nhận ra, thấy và phê bình đạo Phật là một tôn giáo, là một đạo yếu đuối, sống chẳng sống cứ cầu cầu cái gì của kiếp sau, cái gì cũng diệt, diệt hết rồi lấy gì để sống. Bởi sự mặc định Phật giáo là diệt dục, bởi họ nghỉ cái dục là thân dục. Chữ dục nói đúng hơn là sự đắm chìm, diệt là đừng đắm chìm trong những điều băng hoại, những điều tội lỗi, những nghiệp chướng, những bất thiện. Diệt dục nên hiểu nhẹ nhàng là đừng đắm chìm nữa, bởi những điều ấy sẽ gây tạo đau khổ phiền não. Nếu như cuộc đời làm người mà cứ đau khổ phiền não hoài từ trong gia đình, cuộc sống của vợ chồng, vợ chồng không hạnh phúc con cái sao hạnh phúc.

Trong cuộc sống của ông bà cha mẹ cũng như vậy thôi, từ nguyên tổ của dòng tộc nhà mình, nếu truy cho cùng về ngày đầu nguyên thủy thì chắc dài lắm, không ai còn có thể nhớ được, quá lắm là bốn đời, hơn nữa là năm đời ta có thể biết đó là đầy đủ phước báu thấy được ông cố, ông tằng, rồi đến nội, ngoại, ông bà, đến cha mẹ, hết rồi. Vẫn là những cặp yêu thương, vẫn là Phật tử tại gia, hay nói đúng hơn vẫn là một mái ấm gia đình. Ta đã hiểu lầm thật nhiều đạo Phật là ngăn cấm toàn diện, không có sự sống nơi gia đình, phải bỏ hết, bởi cứ nghĩ đến cha mẹ, ông bà, vợ chồng là nghĩ đến dục. Không phải! Đắm chìm trong bất thiện không thể thoát ra đó gọi là dục.

Đức Phật tới Ngài dạy dỗ để cho từng cặp, từng gia đình và từng cá nhân hoàn thiện đời sống của mình qua cái thấy, hiểu, thấu, buông bỏ. Thấy, hiểu thấu, buông bỏ cái gì? Cái ác, cái sai. Thấy, hiểu thấu để tác thành cái gì? Những điều tốt và thiện lành, rõ lắm. Hơi thở mật thiền là một phương tiện, là một trong những phương tiện mà Phật dạy, mà chúng sanh hoặc các chư vị tổ đã ứng dụng và thành tựu được sự an lạc hạnh phúc. Chuyển hóa được phiền não, đau khổ, ngừng được những tội lỗi, lầm chấp. Sáng được trí tuệ nên lưu truyền lại cho hậu thế. Ai đó có nhân duyên với pháp môn nào, phương tiện nào, ta tu, ta cũng sẽ thành tựu như chư Tổ và cố gắng ta cũng thành tựu như các vị Bồ Tát và thành Phật. Điều này là tất yếu, khi nào, lúc nào thì tùy vào công hạnh phước báu, công đức, sự nỗ lực trên con đường tu của mỗi cá nhân.

Những ngày cuối năm này ai cũng sẽ trở về nhà nơi mái ấm nếu đi làm xa hoặc những cuối ngày khi trở về nhà, ai là người ta sẽ gặp nơi ngôi nhà của mình các Phật tử tại gia? Ai là người ta sẽ gặp nơi ngôi nhà thân yêu của mình, mái ấm thân yêu của mình? Nhất định nếu có đầy đủ phước còn sống chung ông bà cha mẹ, còn nếu đã ra riêng rồi thì người ta gặp nơi mái ấm phải là vợ hoặc chồng, con cái. Còn ai đó còn độc thân thì về trực diện với hoàn cảnh thực tế trong cuộc sống. Đức Phật nói thật nhiều và khuyên bảo khi hai người đã tìm hiểu, đã quan sát, đã thấy nhân duyên phù hợp để rời xa gia đình của ông bà, cha mẹ, tới sống chung là vợ, là chồng. Phật rất quan tâm đến đời sống vợ chồng, đừng nghĩ Đức Phật là bậc giác ngộ, diệt dục, từ bỏ vợ con rồi không bao giờ hiểu thấu và dạy khai thị làm sao cho đời sống của vợ chồng hạnh phúc đâu. Ngài quan tâm thật nhiều, nếu chúng ta nhìn cho rõ thì hàng xuất gia chưa là bao, mà tại gia thật nhiều. Đối tượng Phật dạy là chúng sanh, chẳng phải là người cạo đầu vào chùa tu, là chúng sanh trong đó có thật nhiều các Phật tử tại gia, là đối tượng Phật tới khai thị, dạy dỗ, giáo dưỡng, dắt dìu để được hạnh phúc, bình an, bớt khổ, bớt phiền, bớt não.

Bạn đồng tu gửi câu hỏi về nói rằng: “Bạn yêu một người, yêu nhiều lắm, nhưng người bạn yêu chẳng quan tâm, đau khổ, phiền não, phải làm sao đây?”

Giống câu bài hát Bảo Thành nghe như còn nhớ lỡ yêu rồi em biết làm sao đây. Trong mọi thứ của cuộc đời từ tình yêu, công việc, sinh hoạt, tương tác có nhiều chữ lỡ xảy ra, lỡ là nhiều lắm, là thường lắm. Lỡ ăn uống no rồi mà bạn lại rủ đi dự tiệc, lỡ đường rồi chạy quá lố, nhiều cái lỡ lắm. Cái lỡ nào cũng quay lại được hết nhưng cái lỡ trong những cuộc tình, cái lỡ trong tình yêu không phải dễ dàng quay như lỡ đường để trở về con đường cũ. Đức Phật nói thật rõ về tình yêu đôi lứa dựa trên nền tảng rất căn bản của người tu, tu không cạo đầu xuống tóc, mặc áo nhà tu gọi là tu, tu tức là sửa những lầm lỗi.

Trong tinh thần Tứ Đại Bi Tâm – Từ Bi Hỷ Xả ở thiền môn cũng phải thực tập, hiểu và thực hành được từ bi hỷ xả. Ở đời trong mái ấm gia đình, cuộc sống vợ chồng, người yêu đối với nhau cũng phải hiểu thấu từ bi hỷ xả. Ta cứ nghĩ tình yêu của nhân thế giữa trai và gái chẳng nhằm nhò dính líu gì với bốn chữ từ bi hỷ xả và các ông thầy tu, các bà thầy tu biết gì về tình yêu, biết. Bởi ai trong chúng ta cũng đã, cũng từng và đang yêu, yêu như thế nào tùy từng người. Bảo Thành đã đang và luôn luôn yêu và biết yêu. Người tu không phải chẳng còn biết yêu, hiểu được yêu là gì. Tứ đại bi tâm từ bi hỷ xả hiểu đúng, hành đúng đó chính là tình yêu tuyệt vời nhất mình đối với mình, mình đối với vợ, với chồng. Lỡ yêu một người mà họ không quan tâm đến cảm giác, đến cảm xúc, đến đời sống của mình, rất buồn. Nên mỗi một người chúng ta luôn luôn có những cảm giác, cảm xúc cần được sự quan tâm chia sẻ, an ủi, cần có một bờ vai dù vững như thái sơn, hay thong dong như mây trời, nhẹ nhàng như suối nước, dựa vào cũng là chỗ đôi lứa rất cần, kiếp người là như vậy. Nhưng tình yêu của kiếp người đúng với tinh thần từ bi hỷ xả theo lời Đức Phật dạy là tình yêu rất cao thượng, cần được tôn vinh, nhắc nhở, cần được hiểu thấu để thực hành. Để cho vợ chồng, cho ai đó có nhân duyên kết lên một gia đình, sống hạnh phúc, sống yêu thương, bảo đảm nguồn an lạc hạnh phúc đó trường tồn trong mỗi ngày và trao truyền lại cho con cái sống tiếp tục như thế.

Từ Bi Hỷ Xả – chữ Từ đừng nghĩ theo những văn tự phân tích khúc chiết, theo minh triết Phật học, Phật ngữ. Từ là ngôn ngữ nói rằng người sống chung với nhau là vợ chồng, phải biết hiến dâng hạnh phúc cho người mình yêu. Sự hiến dâng hạnh phúc cho người mình yêu qua sự suy nghĩ của mình đúng với suy nghĩ người mình yêu, qua ngôn từ mình sử dụng, qua hành động, sự quan tâm. Hiến dâng hạnh phúc mà, bạn không quan tâm thì bạn đâu có hiến dâng hạnh phúc, bạn đang tạo đau khổ cho người mình yêu thương, phiền não cho người mình yêu thương. Các bạn có biết không, mình vinh danh tình yêu nhưng ngược lại đọa đày làm cho nhau khổ, đó chẳng phải là tình yêu. Từ bi luôn luôn song hành với trí tuệ, thấu hiểu là tình yêu chân thật, thấu hiểu san sẻ là nền tảng của tình yêu nơi mỗi một người, mỗi một gia đình. Không thấu, không hiểu chẳng thể gọi là tình yêu, nhưng nhân danh tình yêu để đọa đày nhau thì đó là chúng ta đã đưa mình vào nhà tù trăm năm, ký hợp đồng với sự hành hạ của người khác. Phải rất khôn khéo, phải rất tỉnh thức, phải có một cái nhìn sáng suốt để trao thân gửi phận cuộc đời đối với người mình yêu, lập nên một mái ấm gia đình. Mỗi người cần phải học thật nhiều dù không hoàn hảo, phải biết và hiểu được bước vào đời sống gia đình, vợ và chồng, nam và nữ cần học hỏi tăng trưởng kiến thức của Phật học, kiến thức tình yêu của con người để làm sao thăng hoa, san sẻ, quan tâm để đúng với chữ từ, tức là hiến dâng hạnh phúc cho nhau.

Hỏi thử lòng mình trong cuộc sống vợ chồng yêu thương, mái ấm của gia đình, chúng ta thật sự có hiến dâng hạnh phúc cho nhau hay không? Hay ai đó là vợ, là chồng đang bị đối tượng kia đọa đày, có! Vậy nên có những người vợ, người chồng đau khổ vô cùng, bởi người mình yêu trong gia đình không quan tâm đến cảm giác của mình, không hiến dâng hạnh phúc của họ cho mình. Hãy nói về điều này trước tức là đối tượng yêu biết hiến dâng cho nhau. Nhưng nếu như chúng ta ở trong hoàn cảnh đối tượng kia không quan tâm, hiến dâng hạnh phúc cho mình thì cũng phải đặt lại câu hỏi, ta quan tâm và hiến dâng hạnh phúc của ta trong sự quan tâm đến cảm giác của người mình yêu thương chưa? Có chăng hay là ta chưa làm được điều đó, mà cầu quá nhiều đối tượng kia phải quan tâm đến ta.

Yêu thương trong tâm từ có nghĩa là hiến dâng hạnh phúc của mình, quan tâm đến cảm giác của người khác. Nếu đối tượng đó hoàn toàn không quan tâm đến cảm giác của bạn, mà bạn thật sự hiến dâng hạnh phúc của mình cho người mình yêu thương, quan tâm đến cảm giác của họ. Đá còn mòn được do nước chảy, tình yêu, sự quan tâm, hạnh phúc bạn hiến dâng đó sẽ bào mòn chướng ngại, ngăn ngại, để cho người mình yêu thẩm thấu được sự quan tâm, hạnh phúc của mình hiến dâng trong cuộc sống hôn nhân, đó là chữ từ. Từ rất quan trọng, Tứ Đại Tâm nhà Phật dạy ứng dụng vào trong đời sống gia đình thì gia đình rất hạnh phúc.

Chữ Bi, từ rồi đến bi. Bi là gánh bớt, là chia sẻ bớt, là lấy bớt đi sự đau khổ của người mình yêu. Bạn có chia sẻ đau khổ của người mình yêu chưa? Bạn có lấy bớt đau khổ của người mình yêu, có chưa? Bạn có san sẻ được với nỗi thống khổ của người mình yêu, có không? Hay bạn lại mang đau khổ tới cho người mình yêu, đọa đày cho người mình yêu khổ hơn và trút xuống cho người mình yêu biết bao nhiêu sự thống khổ trong cuộc đời. Đó là chữ bi đó. Vợ chồng có tâm bi là tháo gỡ, là lấy bớt, là san sẻ, là bào mòn đi sự khổ của nhau. Bạn không quan tâm đến người ấy là bạn đang làm cho họ khổ, khổ thêm. Thấu được chữ Bi này, thấm được chữ Từ, kết lại thành Từ Bi, gia đình đó hạnh phúc.

Nhưng trong cuộc sống quá vội của cuộc đời và sự suy nghĩ thoáng qua chẳng sâu, ta mặc định đạo Phật là diệt dục, chẳng dạy về tình yêu đôi lứa để trân quý nhân duyên đặc biệt, trong vô lượng kiếp đã tạo nay mới thành duyên vợ chồng. Để rồi đối xử với nhau theo kiến thức của phàm phu, đọa đày, trưởng giả. Các bạn, cuộc sống trưởng giả, gia trưởng, cuộc sống mà chuốc khổ cho nhau, chẳng biết hiến dâng hạnh phúc cho nhau, nơi đó là tù ngục, là địa ngục rõ hơn. Từ bi cần phải hiểu thấu để ứng dụng vào đời sống. Bạn có thấy được người mình yêu khổ vì bạn không quan tâm đến cảm giác của họ không? Nếu vậy thì lấy đi một chút khổ đó đi, dẹp đi một chút khổ đó đi, san sẻ một chút gì đó để cho khổ bớt đi. Rõ ràng bằng sự quan tâm qua lời nói hàng ngày, qua sự tương tác, qua sự suy nghĩ đồng một hướng.

Nói đến chữ Hỷ rất hay, ta mang niềm vui. Chữ Bi là làm cho bớt khổ, san sẻ để cho họ bớt khổ, lấy cái khổ đi cho người mình yêu. Thì chữ Hỷ là mang niềm vui tới cho người mình yêu. Một lời nói, một sự quan tâm rất nhỏ, một ly cà phê, một tô phở, một chén cơm, giúp vợ, giúp chồng giặt giũ, lo cho con cái, làm cho đúng, tích lũy tiền bạc để giáo dục con cái, lo cho gia đình,… tất cả những trách nhiệm đó tức là hỷ, san sẻ niềm vui cho nhau. Bi chẳng thực hành chuốc khổ cho nhau. Hỷ chẳng thực hành, chẳng san sẻ niềm vui, điều đó sai. Phật quan tâm đến chúng ta đời sống gia đình, Phật dạy có tâm từ bi hỷ. Cho nên hỏi lại trong cuộc đời của mình, mình có san sẻ niềm vui tới cho người phối ngẫu, cho người chồng, người vợ, người yêu của mình hay không? Hay quá ích kỷ, niềm vui thì chung với bạn, dọc đường gió bụi, ăn nhậu sớm hôm, tan ca là nhập vào quán liền, vợ con một đống ở nhà sầu đau. Các bạn, đó chẳng phải là san sẻ niềm vui với vợ, với chồng. Không hẳn chỉ có đàn ông như vậy, cả phụ nữ ngày nay cũng đầy ở các quán. Ta đổ dồn những sự sung sướng trong từng khoảnh khắc, rồi tắt liệm muôn đời ở những quán nhậu, bàn ăn với bạn, với bè, với sếp. Nhưng lại quên ở nhà có vợ, có chồng, có con đang đợi, chẳng san sẻ. Đây là một tệ nạn đang xảy ra trong xã hội hiện thời ở tất cả các quốc gia, mà Việt Nam thấy rõ nhất.

Tâm Xả là tâm không phân biệt. Sự khác biệt giữa vợ và chồng, giữa người yêu với nhau không nhìn thấy bởi tâm không chấp, nên xả bỏ mọi sự khác biệt, không vướng mắc để thực hiện được sự hiến dâng hạnh phúc, sự tháo gỡ đau khổ, san sẻ đau khổ với vợ và sự san sẻ niềm vui đối với chồng, với vợ, đối với người yêu. Tinh thần Tứ Đại Tâm – Từ Bi Hỷ Xả hiểu theo cách thông thường như đó, như thế, như ấy, thì vợ vợ chồng chồng trong gia đình của chúng ta nhất định sẽ tràn đầy tiếng cười, có ánh sáng của tình yêu soi đường đi, có năng lượng của sự dung thông gắn kết. Đó là một gia đình Phật tử, đó là một gia đình tiếp hiện được lời dạy của Phật, ứng dụng vào trong cuộc đời. Đừng hiểu sai rằng Phật giáo là diệt dục, diệt dục diệt, diệt, diệt, diệt hết. Đó là cái hiểu tối nghĩa, hiểu biết sáng suốt nhớ rằng từ bi gắn kết với trí tuệ, tình yêu phải có sự thấu hiểu, đó là nền tảng của hạnh phúc đối với gia đình. Từ bi hỷ xả là nền tảng vững chắc cho mỗi người, cần phải xây dựng cuộc sống hôn nhân, gia đình trên nền tảng đó.

Từ Bi Hỷ Xả không thuộc vào phạm trù quá cao siêu, áo nghĩa, giải thích theo kinh thư trong sự chánh tư duy của người Phật tử tại gia, Bảo Thành lập lại thì Từ là hiến dâng hạnh phúc, cho người mình yêu thương. Bi là tháo gỡ, lấy bớt và san sẻ những nhọc nhằn, thống khổ cho nhau. Hỷ là san sẻ niềm vui. Xả là không có phân biệt, kỳ thị, chấp trược. Một tình yêu đối xử được như vậy cao đẹp và một gia đình có đầy đủ bốn chữ đó ứng xử giữa vợ chồng, giữa người yêu với nhau, giữa ông bà cha mẹ với nhau, với con cái nữa, giữa những mối quan hệ tình cảm của con người, thì nơi đó có Phật, có Bồ Tát, có long Thần Hộ Pháp chư Thiên, có quới nhân xuất hiện đồng hành, sống chung với chúng ta.

Phải làm sao khi yêu một người, khi lỡ yêu rồi biết phải làm sao khi người đó không quan tâm? Nếu thật sự bạn rơi vào chỗ yêu một người mà người đó không quan tâm đến cảm giác của bạn, không sống đúng với tâm từ bi hỷ xả của nhà Phật. Đầu tiên bạn phải sống đúng với tâm từ bi hỷ xả đối với người ấy trước. Bạn có hiến dâng hạnh phúc của bạn dưới mọi góc cạnh của cuộc đời cho người đó chưa? Bạn có san sẻ, lấy bớt và tháo gỡ những thống khổ cho người ấy chưa? Bạn đã san sẻ niềm vui toàn diện cho người ấy chưa? Bạn đã xả bỏ mọi sự khác biệt, chấp trược, khác biệt ở đây là họ không quan tâm đến cảm giác của mình đó, bạn đã xả bỏ được sự không quan tâm của họ đối với mình, để rồi quan tâm họ chưa? Hay là vì cảm xúc, cảm giác rằng họ không quan tâm đến cảm giác của ta, rồi ta xả đây tức là bỏ luôn ông ấy, bỏ luôn cô ấy để đi tìm một người quan tâm đến mình. Hỏi thế gian nơi đâu có người quan tâm đến ta? Nếu ta không biết quan tâm đến chính mình và quan tâm đến người mình yêu, thế gian này mênh mông vô tận, hay nhỏ bé cũng chẳng có ai quan tâm đến mình đâu.

Học được lời khai thị của Phật, mỗi người làm trọn vẹn đời sống của mình trong gia đình, thì đối tượng là vợ, là chồng nếu chưa thực hiện được tâm từ bi hỷ xả đúng nghĩa trong cách sống đối xử với vợ hoặc chồng, nhất định trong thân giáo của người vợ, người chồng sống đúng với tâm từ bi hỷ xả đó sẽ dần dần thẩm thấu thấm vào người mình yêu thương, họ sẽ nhận ra để cùng sống như ý tưởng cao đẹp của ta. Gần mực thì đen, họ không quan tâm đến cảm giác của mình, tâm mình đen tối, rồi mình chẳng cần quan tâm đến họ nữa. Thế là đã đen, đã tối còn trùm kín sự chấp trược lại. Nhưng nếu họ đang ở trong vùng tối của tâm thức, không hiểu được tinh thần từ bi hỷ xả, mà ta là ánh đèn sáng, sống được với tinh thần tứ đại tâm, biết hiến dâng hạnh phúc, biết tháo gỡ sự thống khổ, biết rời đi những thống khổ của người ta và san sẻ niềm yêu thương, hạnh phúc, cũng như bỏ đi những sự chấp trược, dị biệt, sai biệt cho nhau, để tiến tới mà tận hiến. Đó là ánh sáng của thân giáo, của đời sống đích thực, thì ánh sáng đó người đen tối gần đèn họ sẽ sáng, thật rõ. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, họ đã đen ta phải sáng, ánh sáng của ta sẽ làm cho bóng đen sai lầm, không quan tâm đến cảm giác của mình dần dần được nhận rõ và họ sẽ quan tâm. Cầu bất đắc là khổ, sao cứ ngồi đó mà cầu mong người khác quan tâm đến chúng ta, quan tâm đến cảm giác của chúng ta. Đạo Phật là tự sửa bản thân và sống đích thực với lời Phật, đời sống ấy sẽ làm cho những người gần gũi với ta hiểu được và sống như chúng ta.

Mong rằng trong những ngày cuối năm này, mỗi một người là vợ, là chồng trong mỗi một mái ấm của gia đình, khi ngày tết trở về ta cùng về đó để chúc phúc cho nhau. Hãy nhìn nhận lại đời sống của mình có lầm lỗi, có sai, có tốt, có xấu, bỏ đi những sai lầm, tiếp tục những tốt đẹp, có lầm thì sữa, có lỗi thì sám hối. Và suy nghĩ về đời sống tứ đại tâm từ bi hỷ xả trong gia đình của mình qua lời Phật dạy dỗ, để ứng dụng vào. Để ngày Tết tới những chuyện của năm cũ ta bỏ đi hết và bắt đầu xây dựng một cách sống mới, đúng với tinh thần tứ đại tâm nơi gia đình, nơi tình nghĩa của người yêu, nơi tình nghĩa của vợ chồng, nơi tình nghĩa của người đối với người. Hãy là đuốc sáng soi đường cho mình đi, dẫn lối cho người khác thoát khỏi bóng đêm đen tối của vô minh. Các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Phật dạy đơn sơ nhẹ nhàng và lời của Ngài ứng dụng được trong mọi hoàn cảnh sống của chúng sanh, cũng như từng mái ấm gia đình của Phật tử tại gia chúng con. Chúng con nguyện tu, nguyện học để hiểu thấu được lời Phật dạy và thực hành, ứng dụng, mang lại hạnh phúc. Trân quý những người có duyên đi vào cuộc đời là vợ chồng, là ông bà, cha mẹ, con cái, người thân và các bạn đồng hành trong nhân thế. Xin Phật luôn luôn gia trì cho chúng con hiểu thấu, để giữ vững tình yêu trong tinh thần Tứ Đại Tâm – Từ Bi Hỷ Xả.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa và hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn