Search

Từng Bước Thong Dong

Thong dong từng bước chân tỉnh thức 

Du ngoạn nơi miền đất thiện tâm

Hòa sâu nhịp thở nương tánh biết

An nhiên tự tại giữa dương trần.

Phước báu vô cùng khi trong cuộc sống thật bận rộn của chúng ta, trong cái cơ chế hoạt động một cách máy móc chẳng có ai không ngừng nghỉ mà chúng ta đây vẫn còn có thời gian để trở về với tự thân chiêm nghiệm lời Đức Phật. Để chúng ta mang lời Đức Phật dạy như nước từ bi tưới tẩm vào ruộng vườn thiện lành của tâm thức để từ đó chúng ta có được những cái mầm mống an vui, hạnh phúc tới trong đời. Không ai không trồng mà được gặt, không ai không gặt mà có được thức ăn. Để trồng người ta phải ươm hạt giống để thành mạ rồi người ta mới trồng mạ nó mới thành lúa, trổ đòng đòng để ra hạt cho chúng ta gặt hái. Đó là định luật thiên thu không thể thay đổi được, ở trên đời này không có gì mà ở trên trời rơi xuống. Nước mưa kia dù nhìn theo cái góc độ của chúng ta khi mưa tức là những giọt nước từ trời rơi xuống nhưng để lên tận cõi trời rồi rơi xuống lòng đất tưới mát cho muôn loài nó cũng phải bốc hơi lên từ từ, từng chút, từng chút, cô đọng lại khi đủ và bắt đầu rải xuống hành tinh của chúng ta. Ông bà cha mẹ và kinh nghiệm cuộc sống bản thân đã dạy cho chúng ta không có gì sẵn có để cho chúng ta hưởng, việc gì cũng cần phải có sự khởi đầu nơi tự thân làm việc mới có kết quả. Chân lý này nó được chứng minh và hiện hữu trong mọi sinh hoạt của cuộc đời, dù bạn thật đói, bạn không ăn thì không thấy no. Để có miếng ăn thì phải có người làm ra miếng ăn đó và rồi để có người làm ra miếng ăn đó lại còn có môi trường, có sự gắn kết với nhau. Từ điều đó chúng ta nhận thức thật rõ mọi loài mọi vật từ thiên nhiên, không khí, cỏ cây, con người luôn luôn có sự liên hệ gắn kết mật thiết. Nếu như hạt giống gieo vào lòng đất mà không trụ vào trong đất, lơ lửng giữa hư không thì không bao giờ trổ mầm kết trái, không bao giờ. Nó phải trụ vào lòng đất sâu, nó phải thối rửa ra để nảy mầm, để kết hoa, để mà có trái. Chúng ta cũng như vậy, tất cả những cái gì có được ngày hôm nay đều phải do cái kết quả của sự dấn thân, hành động, làm việc. Người có thành tựu cao là người làm việc và hành động bằng cái tư duy có kiến thức căn bản rõ ràng và sự hiểu biết. Hiểu biết về mọi mặt, kiến thức về mọi môn học sẽ giúp cho chúng ta đi tới sự thành công. Người không có hiểu biết, thiếu kiến thức khó thành công ở trong đời. Chính vì thế Đức Thế Tôn đã dạy cho chúng ta luôn luôn tinh tấn để khai mở cái kho tàng, cái tàng thức trí tuệ vốn có trong ta. Để từ đó trong kho tàng trí tuệ ta dễ thẩm nhập được những kiến thức ở đời cũng như kiến thức về tâm linh để có được một cuộc hành trình mà chúng ta tạo ra muôn sự lợi lạc cho ta, hạnh phúc cho người. Không ai mang tới cho ta được tất cả, chỉ có ta mà thôi, vẫn có sự hỗ trợ của cha mẹ thuở nhỏ khi mới sinh ra nhưng vẫn cần có sự vận hành riêng của em bé. Cha mẹ cho ăn nhưng mà cơ thể em bé không vận hành thì chẳng có thể sống. Như vậy sự tương tác giữa cha mẹ và em bé là mối liên hệ mật thiết của cha mẹ và các con, thiếu một bênh cũng chẳng thể tồn tại được, thiếu cha mẹ chẳng có em bé và ngược lại thiếu sự hoạt động tự lập riêng của em bé thì bao nhiêu sự cung ứng của cha mẹ cũng chỉ là không mà thôi. Cho nên giữa cái tự lực của ta phối hợp với cái tha lực trợ sức ở bên ngoài từ cha mẹ, từ những người thương yêu tới những bậc giác ngộ, những vị đã liễu ngộ cuộc đời, những bậc thiện tri thức, những vị thầy cô, những bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni. Chúng ta sẽ hình thành cái cốt cách của riêng mình do chính sự tự lực hòa nhập vào với sự trợ lực gọi là tha lực ở bên ngoài.

Hôm nay chúng ta nói “từng bước thong dong”, ôi thật là tuyệt vời cho hai chữ “thong dong”. Nếu cuộc đời của Bảo Thành và các bạn từng bước chân đặt trên hành tinh này mà được thong dong tự tại thì có còn gì để chúng ta mong cầu nữa. Tuy hai chữ dễ đọc, dễ viết “thong dong” nhưng hiểu được cái ý nghĩa và để đạt được cái sự thong dong này chúng ta thật sự đã chứng ngộ, đã lên quả Thánh rồi. Cái phẩm vị là một bậc Thánh nằm trong hai chữ thong dong. Chẳng phải là Thánh là có cánh bay mà là Thánh là con người bình thương thong dong trong từng bước chân đang sống ở cuộc đời. Để có sự thong dong này chúng ta không mọc ra hai cánh ở đằng sau khi sinh để rồi bay bay như những chư vị thiện thần. Mà chúng ta phải chắt chiu bằng cái công sức tự lực tu tập để gạn lọc theo chân lý của Đức Phật dạy mới có được từng bước thong dong. Cho nên từ xưa tới giờ chúng ta vẫn cầu sự thong dong mà chẳng ai đi đến sự hành động, sự tu tập, sự luyện bởi ta nghĩ rằng chỉ xin cầu là được. Ta cầu cha mẹ cho miếng ăn nhưng chúng ta phải ăn, các bạn nhớ một bên trợ lực, một bên tự lực tương tác tạo ra thành quả của sự thong dong. Khi nói đến sự thong dong từng bước chân là nói đến sự an trú ở trong chánh niệm trong tất cả mọi hành vi, tạo tác trong cuộc sống. Khi xưa cái pháp thiện kinh hành được ứng dụng bởi Phật bởi thời đó là thời sơ khai, ngàn năm trăm mấy chục năm trước, trên 25 thế kỷ rồi. Đức Phật đi từng bước chân và trong từng bước chân chánh niệm đó là nhận biết được sự tiếp hiện của sự sống trong từng giây phút khi bàn chân đặt xuống đất tiếp cái năng lượng vũ trụ, của trời đất, của con người nên một gắn kết. Tâm của ngài không tán loạn rừng xa núi cao mà hiện hữu ngay trên cái dương trần khi đặt xuống cho nên có từng bước thong dong. Trong 45 năm trời giảng pháp cho chúng sanh và suốt cuộc hành trình đó từng bước chân của Đức Phật đi vào cái thềm của trái đất này vẫn còn để lại dấu chân năng lượng siêu thế của chư Phật hiện hữu trong cuộc đời. Dấu ấn đó vẫn còn hiện hữu thật rõ dù Đức Phật không hiện hữu như một con người thực trong ngày hôm nay nhưng năng lượng từ bi của ngài vẫn còn đó bởi bước chân của ngài đặt xuống như cái mộc in dấu được đóng dấu để thông qua mọi chướng ngại của cuộc đời bằng năng lượng của từ bi, của hỷ xả. Một dấu chân đặt nhẹ bốn dấu ấn in hằn trên nền đất để muôn thuở về sau dấu ấn của từ bi hỷ xả trên dấu chân của Như Lai vẫn hiện rõ ở trong lòng của mỗi người con người khi giở từng trang kinh ra đọc lại lời của Phật ta vẫn thấy từng bước thong dong của một bậc giác ngộ là Phật in ấn ở trong từng kinh, tiếng kệ mà chúng ta đọc tụng, tư duy ngày hôm nay. Và trong cái dấu ấn đó vẫn còn cái hùng lực vi diệu, năng lượng từ bi hỷ xả.

Các bạn, thế giới này hòa bình có được cần phải có ở nơi trong tâm khảm của mỗi một con người, hòa bình trên thế giới chỉ có được phải có và khởi lên từ mỗi trái tim của từng con người. Sống trong chánh niệm, thong dong tự tại, từ bi hỷ xả để kiến tạo nên cái nền hòa bình tự thân lan tỏa thì thế giới mới có hòa bình. Thật là hạnh phúc, thật là thong dong từng bước trong cuộc đời nếu mỗi một con người chúng ta thực hành theo lời giáo dục của Phật biết tự lực đứng dậy để in dấu chân từ bi hỷ xả ở khắp mọi nơi khi chúng ta tới. Các bạn có thể nói ôi trời đất ơi hồi xưa không có xe phải đi bộ thì Phật còn có cái giáo lý kinh hành, có thiền kinh hành. Hôm nay nếu Bảo Thành và các bậc tôn túc nói về kinh hành, thiền định chánh niệm kinh hành từng bước chân thì hiếm quá, cái này là thứ hiếm rồi, nó trở thành hàng cổ, hàng độc rồi. Kinh hành là những hành vi thuộc về cổ rồi, ở trong nhà người ta ngồi trên ghế salon, bước ra khỏi cửa ngồi trên xe, đi xa một chút ngồi trên xe hơi, xe lửa rồi máy bay, đâu có kinh hành. Như vậy cái pháp thiền kinh hành trong từ bi hỷ xả có thể ứng dụng được trong cuộc sống của xe máy chạy ồn ào, phóng ga, nhận số một mạch tới xưởng, tới công ty, tới văn phòng, tới chỗ làm, tới chợ búa, thậm chí là nhà cách nhau vài căn cũng đi xe, ngày nay phương tiện giao thông quá tiện lợi đến mức mà người ta không sử dụng đôi chân nữa thì còn đâu mà dấu ấn của bàn chân kinh hành trong chánh niệm của từ bi hỷ xả? Nói như vậy là một cách nhìn hạn hẹp, chữ “kinh hành” không hẳn là kinh hành bằng đôi chân. Nhớ có những vì ngồi một chỗ mà kinh hành được tới mười phương trời. Có những vị Thánh nhân mà ngồi một chỗ kinh hành, phi hành tới tận hư không pháp giới. Phật xưa ngồi một chỗ mà có thể kinh hành, phi hành tới những cung trời giảng kinh, chuyện đó có. Bảo Thành đôi khi ngồi một chút xíu thôi, trong vòng 18 – 20 tiếng là đã phi hành về tới Việt Nam rồi bằng máy bay rồi đâu cần phải đi. Nhưng nói như vậy để chúng ta thấy cái sự kinh hành không còn bằng đôi chân mà ý nghĩa nó phải vượt qua cái sự suy nghĩ như vậy. Kinh hành tức là tâm ở trong chánh niệm để cảm nhận được đời sống hiện tại ngay bây giờ bởi những ngôn từ, suy nghĩ và hành vi ta tạo tác ra. Những gì ta đang di chuyển ở trong suy nghĩ, trong miệng, ngôn từ, trong những hành vi đó gọi là kinh hành. Cho nên một lời nói của chúng ta cũng là dấu ấn đóng mộc của từ bi hỷ xả, một suy nghĩ của chúng ta cũng là dấu mộc của từ bi hỷ xả, một bàn tay chìa ra để nâng đỡ những người nghèo khó để che chở bao dung những mảnh đời bất hạnh, một búp sen chắp tay lại dâng cho người cũng là dấu ấn của từ bi hỷ xả. Nếu tâm của chúng ta luôn hiện hữu trong chánh niệm của mọi hành vi tạo tác, ngôn ngữ và suy nghĩ đó chính là thiền hành trong thời hiện đại.

Các bạn ngồi trên xe máy chạy tới hãng, xưởng để làm nếu tâm của bạn trụ vào trong hơi thở của cái sự việc lái xe tức là đang kinh hành trong chánh niệm. Khi tới công xưởng làm việc, tâm dừng ở công việc đó, làm việc trong chánh niệm, trong sự nhận diện thật rõ cái công việc đó, đó là kinh hành nơi công xưởng. Nếu ở nhà các bạn đang rửa chén thì tâm các bạn đang ở chỗ rửa chén, hoan hỷ, từ bi, xả bỏ tất cả, hiện hữu nơi đó trong chánh niệm đó chính là kinh hành. Các bạn đang ăn uống, ăn uống bằng cái tâm từ bi hỷ xả, trải nghiệm được cái hương vị món đồ ăn mà vợ chồng hoặc cha mẹ nấu cho chúng ta chính là đang kinh hành. Các bạn đang uống một ly nước ở một cái tiệm bán nước, ép trái cây rồi các bạn uống vô, các bạn hưởng được hương vị ngay đó để rồi nhận biết ra cái hương vị của công sức cái người bán. Từ cái đó chúng ta hưởng được hương vị của công lao của những người trồng ra cái thứ trái cây đó mà hôm nay trong một sát na, hương vị của trái cây còn có hương vị của công sức người ép trái cây đó và hương vị công sức của người trồng trái cây đưa đến cho ta. Đó là kinh hành trong chánh niệm, nó tuyệt vời vô cùng. Từng bước thong dong chỉ có thể tới được bằng sự ý thức tu tập. Những phương thức tu tập ngày xưa của Phật ứng dụng vào thời điểm của lịch sử tuy nhiên không phải ngày hôm nay chúng ta không thể đi bộ kinh hành đâu. Đi xe phương tiện nhiều đó nhưng chúng ta vẫn phải đặt chân trên mặt đất, đặt chân trên xe, đặt chân trên máy báy và đặt chân trên mọi nẻo đường lui tới của cuộc đời. Từng bước chân trong công việc dù ngồi trên xe hay trên ghế, dù ngồi trong văn phòng hay ngoài đồng, ngoài ruộng hay ở trong xưởng, hay ở ngoài chợ, hay ở cuộc đời cũng đều là cái pháp thiện kinh hành nếu tâm vẫn an trú trong từng hơi thở vào ra. Bạn hết thở bạn chết, bạn còn thở bạn sống, chỉ cần nương vào hơi thở đó để tâm an trú tức là bạn đang thực sống trong chánh niệm. Nếu như vậy các bạn sẽ thành tựu được sự thong dong, chứng quả Thánh ngay trong thân kiếp phàm phu của kiếp người bình thường, chẳng cần phải đi tu. Tu chẳng có định nghĩa là cạo đầu, mặc áo, tu là sửa cái cuộc sống, những lầm lỗi, những cái sự thiếu hiểu biết, tăng trưởng những kiến thức để có trí tuệ, sống trong chánh niệm để từng bước thong dong. Các bạn:

Thong dong từng bước chân tỉnh thức 

Từ cái câu này chúng ta đã thấy nếu gọi là thong dong thì từng bước chân phải ở trong sự tỉnh thức. Còn nếu chúng ta hoạt động thật là nhanh, mang đến thành quả kinh tế cao, tiền tài đầy đủ nhưng không có sự tỉnh thức trong công việc đó thì cũng chỉ là máy móc mà thôi. Bảo Thành còn nhớ thời còn bé lắm coi phim Sác Lô, phim đó thời đó chưa có ngôn ngữ nói. Sác Lô làm việc trong hãng xưởng xoáy ốc đi tới cái chỗ vô thức không còn tỉnh thức. Đến mức là khi ngừng việc rồi gặp ai hai tay cũng xoắn ốc, gặp chỗ nào cũng xoắn. Các bạn, nhìn vô phim đó các bạn sẽ cười ha hả, hồi nhỏ coi cười vui lắm mà mấy mươi năm trời coi lại vẫn cười nhưng ngày nay coi lại thì thấy cái thiền vị ở trong cái đoạn phim hề của Sác Lô đó. Nếu các bạn chưa coi hãy vào Google tìm để cảm nghiệm được cái hương vị Thiền môn trong cái đoạn phim đó, ông ta đi tới trạng thái bị cái công việc dẫn đi, chẳng còn sự tỉnh thức, tay chân múa máy quay cuồng đã biến cuộc đời, một con người thực thành một cái máy.

Thong dong từng bước chân tỉnh thức 

Du ngoạn nơi miền đất thiện tâm

Các bạn, chúng ta với cái miền đất thiện tâm, an nhiên tự tại, chúng ta du ngoạn nơi miền đất đó thì chúng ta sẽ từng bước thong dong trong cái sự tỉnh thức. Dù các bạn làm việc gì đi nữa với cái hơi thở tỉnh thức để mà tận hưởng cái năng lượng từ bi, năng lượng của hỷ xả. Các bạn đã chứng quả Thánh, không cần khoác lên mình cái danh của một vị Thánh, Thánh ở đây là thong dong. Còn nếu như được xưng hô, tán tụng là Thánh mà từng bước chân vội vàng khấp khểnh, lo âu đầy rẫy ở trong tâm, hành vi ngang trái tạo nghiệp chướng thì sao được gọi là bước thong dong. Các bạn, các bạn phải nhớ khi chúng ta thong dong tự tại trong từng bước chân, từng hành vi trong cuộc sống, ta đã là Thánh. Thánh ở đây là có một đời sống tự tại, hạnh phúc, chánh niệm, tỉnh thức. Các bạn nhìn lại trong cuộc đời biết bao nhiêu kinh nghiệm ngang trái đã tới, nhớ sự thong dong rất cần. Mà nếu có được điều đó ta sẽ có được hạnh phúc, để có được điều đó phải thực tập. Bảo Thành còn nhớ khi Bảo Thành tới đây, tổ đình chùa Xá Lợi này, lúc đó hoang sơ, cỏ cây, rác rưởi bởi đây là một cái bãi đất trống hồi xưa. Người ta mang xe cũ quẳng vào trong bãi đất trống này, mấy trăm cái vỏ xe quăng bừa bãi đây đó, rác rưởi tràn ngập, nhà cũ sập, đầy cỏ mọc lên, cây mọc xuyên qua xe, cây mọc xuyên qua vỏ xe, rác rưởi không nhìn thấy đâu hết. Nhưng khi Bảo Thành tới, đặt bước chân xuống miền đất này nhớ lại lời tổ dạy và nhớ lời Đức Phật dạy trong kinh sống một đời sống chánh niệm, bước chân trên rác cũng nở tòa sen. Đúng vậy các bạn, chỉ cần từng bước chánh niệm thôi thì rác rưởi chúng ta bước lên cũng nở thành sen. Chiêm nghiệm cái câu nói của tổ dạy, lời dạy của chư Phật, Bảo Thành thực tập một đời sống chánh niệm tỉnh thức trong 4 mùa mưa, nắng, bão tuyết, dù hoàn cảnh sơ sài, một túp lều thật nhỏ ở nơi đây không cửa, lạnh lẽo cô đơn một mình đó mà trong lòng hoan hỷ hạnh phúc. Bảo Thành từng ngày, từng ngày đi bộ ở những chỗ có thể đi trên mặt đất, chậm rãi, nhẹ nhàng, cảm nhận cái sức sống ở nơi đây với hơi thở vào ra chánh niệm. Sự trải nghiệm đó cho tới ngày hôm nay đã kéo dài 19 năm, Bảo Thành đã ở đây 19 năm rồi, ở trong cái đất chùa Xá Lợi nơi đây tổ đình, bất cứ chỗ nào cũng có dấu chân của Bảo Thành. Bởi thực hành theo lời dạy của Tổ, của Phật hãy đặt chân xuống đó như một dấu ấn của từ bi hỷ xả để năng lượng của sự tỉnh thức, năng lượng của sự tỉnh giác lan tỏa. Và đúng vậy, ngày nay tổ đình chùa Xá Lợi vẫn hoang sư như một câu chuyện cổ tích ngày xưa bởi rừng cây vẫn còn đó, thiên nhiên vẫn tự tại nhưng tràn đầy năng lượng của sự tỉnh thức. Không hẳn từ dấu chân an lạc từ bi hỷ xả của Bảo Thành mà từng dấu chân của các bậc tôn túc, của Phật tử, của đại chúng, của thân bằng quyến thuộc, của thân hữu đồng tới đây trong 19 năm qua đã để lại cái dấu ấn của từ bi hỷ xả bởi tất cả những ai bước vào miền đất này, tổ đình chùa Xá Lợi đều có cái năng lượng từ bi, có cái tâm từ bi hỷ xả. Cho nên, hôm nay, tại tổ đình này tràn đầy năng lượng, đây là sự thật. Cuộc sống của chúng ta, Phật xưa đã dạy nếu nhìn một góc phố nào, một con đường nào, một quốc độ nào thì ở nơi đó, nơi các bạn đang nhìn đó đều có hình hài và dấu chân của Phật, đều có hình hài và dấu chân của các bạn bởi vì vô lượng kiếp qua ta đã tái sanh thật nhiều lần trong nhiều kiếp của chúng sanh đây đó. Không nơi đâu mà không dấu chân của ta, không nơi đâu mà không có xương cốt của ta, không có thân xác của chúng ta vùi dưới đó. Từng bước thong dong là một ý nghĩa cao cả có thể thành tựu được bằng sự thực tập rõ ràng.

Thong dong từng bước chân tỉnh thức 

Du ngoạn nơi miền đất thiện tâm

Hòa sâu nhịp thở nương tánh biết

An nhiên tự tại giữa dương trần.

Các bạn thấy, mình phải hòa vào trong cái hơi thở thật sâu để mà cái nhịp thở nhẹ nhàng đó nương vào caí tánh biết. Cho nên mỗi một cái hơi thở ở trong mọi sinh hoạt của cuộc sống bạn chỉ cần nương vào cái tánh biết và thấy, ta biết ta đang làm, ta thấy ta đang làm, ta biết ta đang nói chuyện, ta thấy ta đang nói chuyện. Với cái tánh thấy biết đó nương vào, hòa sâu trong hơi thở thì các bạn sẽ an nhiên, thong dong và tự tại giữa dương trần này. Và các bạn sẽ có được sự tỉnh thức hiện hữu trong từng giây phút của cuộc sống. Từng bước thong dong không còn là một ảo tưởng ngồi để mà mơ, để mà cầu xin. Từng bước thong dong dễ dàng như từng bước người mẹ hiền dạy cho các con cách nấu cơm. Bảo Thành còn nhớ thuở nhỏ thầy tổ dạy cho nấu cơm mà Bảo Thành mãi chơi, không có chú ý, chú tâm. Cơm nấu hồi xưa không dễ nha các bạn, đôi khi nó bằng cái nồi đất bình thường thôi, còn củi, gas không có mà xài bằng lá cây. Và khi đổ nước phải có chừng mực, vo gạo phải cho sạch, đặt cái nồi đất lên trên bếp bằng ba cái cục đá người ta hay gọi là ba ông táo, bỏ lá cây vô mà lá cây cháy thật là nhanh, phải bỏ liên tục và giữ lửa cho đều thì cơm chín mới ngon. Sẽ không bao giờ nấu được nồi cơm nếu không có cha mẹ, người đi trước hướng dẫn, dù có khó tới đâu thì thuở xưa thì cũng học thành tựu được, Bảo Thành đã nấu được nồi cơm đầu đời bằng lá tre. Rất hạnh phúc bởi có thầy dạy, bởi có cha mẹ dạy, nếu có được sự hướng dẫn của người đi trước nhất định chúng ta sẽ nấu được cơm ngon. Hay các cái nồi điện hôm nay nếu không có người hướng dẫn, nếu không có sách hướng dẫn ta khó thực hiện được. Cho nên có thầy thì không phải lầm lũi nữa, ta đã có Phật là thầy dạy cho chúng ta chỉ cần an trú trong từng hơi thở, hòa sâu vào nhịp thở đó, nương vào tánh thấy biết trong mọi hành động của cuộc sống mỗi một người chúng ta có thể làm được. Để có được sự thong dong trong từng bước chân của cuộc đời in dấu ấn của tâm từ bi, của năng lượng hỷ xả. Mỗi khi thức dậy, ngồi ở trên giường các bạn mỉm cười nhẹ nhàng, hít thở nhẩm 4 chữ từ bi hỷ xả. Bước xuống giường, vào nhà bếp chuẩn bị bữa ăn sáng hay bước xuống giường vào nhà vệ sinh để đánh răng súc miệng hay gấp quần áo cho các con, hay chải chuốt rửa mặt mày chúng ta cũng có thể tự tại an nhiên trong tỉnh thức của từng cái hành vi làm việc từ buổi sớm đó. Thì năng lượng từ bi hỷ xả của các bạn lan tỏa trong gia đình, gia đình của các bạn tràn đầy sự bình an, hòa bình được thiết lập. Từ đó, cái cửa nhà bạn đó bước ra từng dấu chân có ấn pháp của từ bi hỷ xả sẽ mang năng lượng an vui, hạnh phúc, thong dong và tự tại, tỉnh thức đi vào công xưởng, đi vào văn phòng, đi vào chợ, đi vào đời, đi tới sự tiếp cận với muôn người. Từng bước thong dong là một pháp tu đơn giản tới mức người ta coi thường nhưng cái tác dụng của phương pháp này, cái công dụng của phương pháp này, cái thành quả của phương pháp này nó cao vô cùng, nó là tuyệt đỉnh võ lâm. Ai mà thực hiện cho rõ, làm cho đúng sẽ chứng quả Thánh ngay trong cuộc đời, thong dong là quả Thánh. Các bạn, chúng ta hãy cùng nhau hít thở thật đều và:

Thong dong từng bước chân tỉnh thức 

Du ngoạn nơi miền đất thiện tâm

Hòa sâu nhịp thở nương tánh biết

An nhiên tự tại giữa dương trần.

Các bạn, từng bước thong dong là sự thành tựu của sự kinh hành, thiền định chánh niệm hơi thở trong mọi tạo tác, hành vi, ngôn từ chúng ta sử dụng ở trong cuộc đời. Chúng ta cùng nhau thực tập để từng bước thong dong bước qua, năm nay chỉ còn có mười mấy ngày nữa thôi, chúng ta hãy từng bước thong dong, chánh niệm hơi thở để bước qua năm mới kiến tạo nhiều phước báu, dâng hiến cho cuộc đời.

Cám ơn các bạn đã nghe!

PHẦN CÂU HỎI

Dạ thưa thầy, ai cũng muốn được thong dong nhưng mọi thử thách cứ đến với mình, vậy mình làm sao để vượt qua ạ? Mô Phật!

Mô Phật! Thầy vừa nói rồi, chư Phật đã dạy đời không phải là thử thách, khi chúng ta không đón nhận và nghịch với tâm ý của chúng ta thì gọi là thử thách. Trước khi chúng ta tới và sau khi chúng ta tới thì tất cả mọi sự đã như vậy rồi. Nếu như chúng ta gọi thử thách tới từ bạn bè của ta nói những chuyện không hay thì nhớ rằng bạn bè chúng ta đã tới cuộc đời này bằng phước duyên và có cái nghiệp tạo ra cái cuộc sống ăn nói như vậy. Cho nên chúng ta để vượt qua thử thách, để thành tựu từng bước thong dong trong cuộc đời nhớ chánh niệm hơi thở theo lời của Đức Phật mọi tạo tác, mọi hành vi, mọi nghĩa cử, mọi suy nghĩ, mọi ngôn ngữ luôn luôn phải tỉnh thức và dùng cái tánh thấy biết thấy ta đang nói, thấy ta tương tác với mọi người, thấy ta đang nghe. Và tánh thấy biết đó là thấy biết trong cái năng lượng của từ bi, của hỷ xả. Nếu người ta thị phi ta nghe được trực tiếp hoặc gián tiếp ta phải thấy rằng ta đang nghe, hít vào thở ra, ta đang nghe tiếng thị phi gián tiếp, trực tiếp bằng năng lượng từ bi, là ban vui, cứu khổ, hoan hỷ, xả bỏ. Chúng ta nhớ, phải thành tựu được sự thong dong, phải thực tập, nó không có khó cũng chẳng có dễ. Chỉ cần các bạn kiên quyết thực tập nó, nhất tâm thực tập nó các bạn sẽ thành tựu được bởi chư Phật đã thành tựu, các bậc cổ đức đi trước đã thành tựu và thật nhiều các bậc tôn túc ngày nay đã thành tựu được sự thong dong tự tại. Các bạn phải thực hành, thong dong không thể bán ở ngoài chợ mang tiền ra để mua, thong dong không thể tặng cho người thân, cũng không thể mang tới, gửi tới, trao cho chúng ta từ Phật mà cần phải theo sự hướng dẫn của Phật thực tập hơi thở chánh niệm tỉnh thức trong từng sự kinh hành của đời sống qua ngôn ngữ, qua giao tiếp, qua hành vi, qua suy nghĩ bằng chánh niệm hơi thở, tỉnh thức, thấy biết trong cái tinh thần của từ bi hỷ xả, bạn sẽ thành công. Cho nên, hãy thực tập, khó là bởi vì bạn chưa quen, cái gì khi quen rồi cũng rất là dễ, những cái sự tu tập đơn giản như vậy nhưng có cái giá trị và thành quả thật là cao. Chúc bạn kiên nhẫn thực tập và liên kết với những bậc thiện tri thức gần gũi với các bạn, tu tập để tự sách tấn bản thân và nương vào cái sự sách tấn của bạn bè để chúng ta vững bước tu tập, không có bỏ, liên tục nhất định bạn sẽ thành tựu được sự thong dong trong cuộc sống. Mô Phật!

Khi làm công quả ở trong chùa thì mỗi người một ý và cái sự khác biệt giữa những thế hệ với nhau nên thường xảy ra những bất đồng khi mà chênh lệch kiến thức và kinh nghiệm nhưng mục đích của mọi người vẫn là hoàn thành tốt các công việc thì con nên quán chiếu tâm và hành xử như thế nào khi gặp những vấn đề đó để con thong dong tự tại hơn?

Mô Phật!, Bảo Thành sống ở trong chùa đây, nơi miền đất này, tổ đình đây 19 năm rồi. Dĩ nhiên giữa Bảo Thành và các bậc tôn túc khác có cái cách làm việc khác nhau. Đối với Bảo Thành và đối với mọi người đều nhận biết rằng Phật dạy cũng như kinh nghiệm của tổ truyền dạy không bao giờ trên thế giới này chúng ta có thể tìm được người thứ hai giống y như chúng ta. Giống từ cách làm việc, suy nghĩ, từ sự sinh hoạt, quan niệm và sống với nhau như thế nào không bao giờ giống nhau. Ngay cả hai anh em, chị em sinh đôi cũng khác. Từ đó mà chúng ta nhớ rằng khi tới chùa làm việc công quả mọi người thường hay mang cái ý kiến, cái suy nghĩ, cái cách làm việc của mình vô để được tự do làm việc công quả nơi chùa. Chư Phật dạy đi tới đâu thì tùy duyên, nếu ở quốc độ đó phải nương theo cái luật của quốc độ đó. Nếu vào cái thôn, cái làng đó chúng ta phải hòa mình vào với phong tục tập quán. Điều đó thấy thật rõ, Phật giáo khi tới những quốc gia khác nhau hòa mình vào những tôn giáo bản địa, những cái nền tâm linh vốn có của từng dân tộc, của từng vùng miền để mà phát triển dẫn đưa người ta hướng tới con đường giải thoát. Do vậy khi các bạn làm công quả, như Bảo Thành kinh nghiệm khi các Phật tử tới chùa Xá Lợi, tổ đình đây làm công quả, phương pháp của Bảo Thành là làm sao để họ phát huy tuyệt đối được cái khả năng họ có thể cống hiến nhưng vẫn phải đặt cái suy nghĩ làm việc, sự cống hiến của khả năng họ vào trong cái điều gì mà tại nơi chùa, tổ chức ở chùa này muốn thành tựu. Cho nên khi chúng ta có một cái tài năng cống hiến, làm việc công quả ví dụ như vào nhà bếp làm công quả ta biết cách nấu ăn thật giỏi, lanh lẹ làm việc. Ở trong đó các cô bác, các anh chị tới làm việc đều có cái ý kiến nấu nướng khác nhau nhưng mỗi một con người khi tới làm việc công quả trong nhà bếp của chùa đều phải hòa mình vào cái phương thức và phương pháp nấu nướng, ăn uống của nhà chùa, cần phải lắng nghe sự hướng dẫn của quý thầy, quý sư cô, trong chùa nấu nướng như vầy, ăn uống như vầy và đây là quy luật của chùa. Cho nên làm công quả phải có tâm hoan hỷ đi theo sự hướng dẫn của những đấng bậc, của những vị đang sống với cái cách sống như vậy, cách nấu nướng như vậy, cách hoạt động trong nhà bếp như vậy. Khi chúng ta hòa mình, hòa sâu nhịp thở nương tánh biết, chúng ta phải hòa sâu vào trong sự tương tác, hành xử, làm việc và nương vào tánh biết để nhận thức, để tùy hỷ, để hằng thuận với cái phong cách làm việc của nơi đó thì sẽ không có đối nghịch. Nhưng ở trên đời, chúng ta tới chùa làm việc công quả thường mang cái cách suy nghĩ của mình áp dụng, ứng dụng, áp chế đặt để vào cho nên công quả không tạo được phước mà vô đó rồi bực mình khó chịu. Không những trong nấu bếp, trong dọn dẹp, trong những phương diện như tổ chức những cái lễ lớn hoặc như tổ chức những khóa tu thường thường gây ra sự tranh cãi, mất lòng, phiền toái giữa Phật tử với nhau. Bởi vì chúng ta luôn luôn mang ý tưởng của mình đặt để vào đó mà không hòa mình vào với cái tánh thấy biết trong hơi thở chánh niệm để tìm hiểu cái phương thức, nghi thức đó, cách làm việc ở nơi đó, nơi các bậc chủ tọa, các bậc tôn túc hoặc những người được chỉ định đứng đầu ở nơi đó. Cho nên nhớ khi vào làm việc công quả ở trong chùa dù là sự khác biệt hoàn toàn đối với tất cả mọi người ta đi theo cái ý của ban tổ chức, ta đi theo sự hướng dẫn của các bậc tôn túc hoặc của những ai được đề cử đảm nhiệm, có trách nhiệm trong cái sinh hoạt đó để chúng ta làm theo vậy với cái tâm hỷ xả thì cái năng lượng từ bi sẽ lan tỏa và ta sẽ vui. Và nếu như chúng ta chỉ đi theo cái tư kiến riêng của mình thì nhất định cái buổi công quả đó sẽ trở thành một ngày tạo nghiệp, vô phước. Công quả đúng ra phải tạo phước nhưng hóa ra bất đồng ý kiến, cãi nhau, nói xấu không những tại đó bực mình rồi mà khi về chúng ta còn thị phi, loan truyền nữa thì ngày công quả đó không còn là công quả nữa mà trở thành một ngày vô phước trong chúng ta khi đi làm công quả tại chùa. Mô Phật!

Mô Phật, cho con hỏi Mật tông kim cương thừa của Tây Tạng và Mật tông của Bửu Sơn Kỳ Hương có cùng nguồn gốc không ạ?Và có hành giả Mật tông viết là Tâm thức của người nữ nằm trên luân xa, mình phải hiểu nó như thế nào ạ?

Tất cả các pháp tu sẽ khác biệt khi được lưu truyền tới từng vùng miền nhưng có cùng một cái gốc của cái người học từ cái sự khai thị của Phật. Khi nói đến Mật tông thật ra không có cái gì hết, chỉ là một cái phương tiện để chúng ta thẩm nhập vào cái tâm của Đức Phật khai thị vốn có trong chúng ta là Phật tánh bằng một hình thức khác không đi qua văn tự quá nhiều mà đi thẳng vào đánh thức cái tâm bằng những mật chú. Mật chú không có gì là gọi là huyền bí, gọi mật chú là những sự ghi chú gọn trong những cái ngôn ngữ ngắn để nhắc nhở chúng ta tập trung. Cũng như bây giờ nếu thở thì cũng là mật chú bởi chúng ta an trú ở trong hơi thở, vậy hơi thở đã biến thành mật chú để giữ tâm an trú ở trong đó. Những câu mật chú là để giữ tâm của chúng ta an trú trong cái ý nghĩa của câu mật chú đó. Ví dụ như câu mật chú Mu A Mu Sa có nghĩa là xin chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống cho mọi loài chúng sanh thì tâm của chúng ta an trú trong cái năng lượng từ bi của Phật để rồi từ đó chúng ta kích hoạt cái tự lực cho dõng mãnh hơn mà nhận thức ra những điều chư Phật dạy. Cho nên mật tông, kim cang thừa hầu như ai cũng biết từ Tây Tạng tới tất cả những đất nước khác. Những ai tu tập đều tới từ một nguồn gốc là sự hướng dẫn của Phật nhưng nó khác biệt khi nó hòa mình vào trong phong tục tâp quán và sự nhận thức của các bậc tổ ở vùng miền đó. Cũng như nước từ trời rơi xuống là cùng một nguồn từ trời nhưng nó rơi xuống kênh thì thành nước kênh, xuống rạch thì thành nước rạch, xuống suối nhỏ thì thành suối nhỏ, xuống sông thành nước sông, xuống biển thành nước biển nhưng cái gốc vẫn là nước mưa từ trời. Cho nên gọn, dễ hiểu, tất cả các pháp tới đều do Đức Phật khai thị nhưng sự đón nhận của mỗi người khác nhau và sự hành trì các pháp môn đó sẽ khác dần do căn cơ và phước duyên của mỗi người. Nếu là dòng sông đón nước thành nước sông, dòng suối đón nước thành nước suối. Cũng như café, café pha với sữa thành café sữa, cho chút đá thì thành café đá, cho chút đường thì thành café đá đường nhưng mà cái hương vị vẫn là café. Mật tông vẫn tới từ sự hướng dẫn của Phật.

Trong cái câu hỏi bạn vừa nói, đối với luân xa người ta nói trong các luân xa có hình ảnh người nữ. Đúng, trong nhân gian khi hòa mình vào cái cách tu tập kích hoạt năng lượng luân xa, khi hòa mình vào với phong thủy, với tứ tượng, với ngũ hành bát quái, nói đúng hơn là với âm và dương. Đó là những cái cách học về năng lượng của thiên nhiên thuở xưa đã đặt ra, trước thời Đức Phật đã có những quan điểm, những cách học như vậy cho nên khi luân xa là một phương pháp của dân gian kết hợp năng lượng tự thể để đánh thức cái nguồn nhiên liệu đó, hỗ trợ cho thân được khỏe, được vui, được an để mà tâm chúng ta tu. Nhưng khi chúng ta đi theo cái phương pháp mở luân xa của dân gian sẽ được đặt vào trong những nền triết học của âm dương, nam và nữ, âm và dương. Nhưng khi chúng ta đi vào Mật tông, Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, đến với lời khai thị của Phật, đến với hai chữ bình đẳng. Bình đẳng tức là không phân biệt từ đó cái khái niệm âm dương, cái khái niệm nữ và nam không tồn tại trong chữ bình đẳng, đi tới cái sự âm dương nhất thể trong tánh Phật, không còn phân biệt, chỉ có tánh bình đẳng mà thôi. Cho nên trong các môn khác cũng hướng dẫn về luân xa đi theo nhiều khái niệm triết học đông phương vùng miền mà có những hình ảnh, lý thuyết khác biệt. Riêng với Thiền Mật song tu chúng ta không lệ thuộc vào âm dương nam nữ mà đi thẳng vào Phật tánh. Từ đó không có hình ảnh của nữ và của nam hiện hữu trong các luân xa mà chỉ có hình ảnh từ bi, hỷ xả, năng lượng tỉnh thức và giác ngộ. Mô Phật!

Xin hỏi thầy như mình đang học trên Kim Cang giờ học thêm bên thầy có được không ạ? Học hai pháp luôn có bị ảnh hưởng không? Mô Phật!

Chúng ta thường thường cơ thể sẽ theo thói quen, ví dụ người ở miền Nam cũng một loại bún, chúng ta ăn bún miền Nam quen rồi có thể gọi là bún miền Nam, nhiều lắm, bún mắm. Rồi chúng ta ra miền trung chúng ta ăn bún Huế, ra ngoài Bắc ăn bún riêu. Nhưng nếu chúng ta ở trong miền Nam mấy mươi năm, cả cuộc đời quen mùi bún mắm rồi đi ăn bún riêu hoặc chúng ta ăn bún Huế cái cơ thể của ta đã quen với cái hương vị nhất định bún Huế và bún riêu khi hương vị đó đi vào cơ thể nó sẽ đẩy lùi ra khỏi. Còn nếu như chúng ta là một người đi sinh hoạt cả ba vùng miền và tập cho mình một cái thói quen ăn bún gì cũng được thì chúng ta có khả năng tận hưởng tất cả mọi hương vị của các thể loại bún khác. Nếu các bạn có cái tâm và căn duyên phù hợp bằng sự tu luyện nhìn rõ để cái tâm không có sự dính mắc, chấp thủ thì các bạn là người cho phép mình có khả năng du ngoạn cả ba miền Trung, Nam, Bắc mà thưởng thức các hương vị khác nhau của từng người, từng vùng miền khi họ nấu nướng cho chúng ta ăn. Các pháp của nhà Phật có cái hương vị khác biệt, phương thức tu tập có hương vị khác biệt, phẩm vị khác biệt nhưng nếu các bạn không có cái tâm chấp thủ, luôn luôn có cái tâm rộng mở, các bạn có khả năng thực tập được tất cả các pháp trong cùng một niệm, trong cùng một sát na, trong cùng một giây hít vào và thở ra. Mô Phật!

HỒI HƯỚNG

Chúng con nguyện hồi hướng công đức cho buổi đồng tu này tới với tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.  

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts