Search

Sống Trong Chánh Niệm, 9 tháng 1 năm 2021

Khi lòng khoan thứ bao dung

Vạn cơn sóng dữ trùng trùng cũng tan

Từ bi buông xả nhẹ nhàng

Đoạn vơi phiền não tâm an phước đầy.

Mô Phật, Bảo Thành kính chào đại chúng, kính chào tất cả các bạn đồng tu! Chúng ta trong ngày thứ 7 hôm nay trong buổi chia sẻ Phật pháp của đời sống chánh niệm

Các bạn thân mến, không biết cuộc sống của mỗi người khác biệt như thế nào nhưng mọi người chúng ta đã có nhân duyên với Phật pháp, nhất định phải học theo những lời Đức Thế Tôn truyền dạy đó là phải tạo nên một thói quen sống đời sống chánh niệm trong cuộc đời của chúng ta. Các bạn, chỉ có một đời sống chánh niệm hằng ngày, hằng giờ trong đời sống hiện tại này thì chúng ta mỗi một con người mới có được cơ hội phát huy được cái lòng khoan dung của mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Lòng khoan dung rất cần thiết trong cuộc đời bởi nó tạo nên sự thông cảm, sự chia sẻ và sự hàn gắn những sự đau khổ, chết chóc, chia rẽ trong nhân loại. Nó còn xoa dịu đi những vết thương lòng ngàn năm khó quên, nó còn mang lại ánh sáng để mỗi người từng bước vượt qua đêm trường, đen tối. Nó còn mang lại lòng yêu thương lan tỏa, xoa dịu đi tất cả những vết sâu thăm thẳm của cái tâm sân giận mà người khác đã tạo ra để cho chúng ta ngày hôm nay chúng ta sống được vui. Lòng khoan dung là chìa khóa đưa chúng ta tới hưởng thụ cuộc sống an lạc và hạnh phúc thực sự. Bởi vậy mà Đức Thế Tôn đã thường dạy cho chúng đệ tử phải sống và thực tập trong chánh niệm để chúng ta biết ứng dụng lòng khoan dung vào cuộc đời. Trong những lời dạy của Phật hay ngày nay thường in treo ở chùa 14 lời Phật dạy, trong cái lời dạy thứ 12 Đức Phật dạy lòng khoan dung là lễ vật, là phẩm vật, là tặng vật cao quý nhất trong cuộc đời. Nếu chúng ta biết trao nhau phẩm vật, tặng vật, cái món quà cao quý này, lòng khoan dung này thì người người, nhà nhà chúng sanh nào cũng an vui và hạnh phúc. Đức Phật tóm gọn trong lời dạy đó để chúng ta thấy rằng lòng khoan dung là chìa khóa, là mấu chốt, là cái lời cô đọng nhất mà Đức Phật muốn nhắn gửi tới cho hàng Phật tử tại gia chúng ta, vì sao? Vì trong cuộc đời tại gia biết bao nhiêu chuyện xảy ra mỗi một ngày và các bạn phải nhớ rằng những người xảy ra như vậy nó không bao giờ ngờ được. Vẫn rõ là đều tới từ cái kết quả của những dòng nghiệp chướng do chúng ta tạo nhưng nó bất ngờ tới mức mà khi con người tiếp cận với nó thường quên đi lòng khoan dung của mình để rồi trỗi dậy tính sân si gây tạo biết bao nhiêu sự đau khổ cho những người yêu thương. Trong mảnh đất tâm của chúng ta Đức Phật dạy trong kinh nói thật là rõ, mảnh đất tâm của con người có hằng hà biết bao nhiêu những kho tàng cao quý, vô thượng. Có kho tàng của đại từ đại bi, có kho tàng của trí tuệ, có kho tàng của sự tinh tấn, an vui, có kho tàng của sự chánh niệm đời sống, có kho tàng của sự hiểu biết vượt ngoài tất cả, có kho tàng của Phật tánh. Có thật nhiều các kho tàng ở trong miềm đất tâm này và một trong những kho tàng ẩn nấp trong cuộc đời này, trong miền đất tâm của chúng ta đó là kho tàng của lòng khoan dung. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng tinh tấn học hỏi phương thức và cái cách khai mở và tìm kiếm cái kho tàng khoan dung thì cuộc đời của chúng ta sẽ đầy ấp tiếng cười, sẽ tràn đầy hạnh phúc, thế giới sẽ thái bình. Đây là thực sự.

Con người tìm trên cái quả đất này biết bao nhiêu kho tàng ở trong đó để phục vụ cho nhu cầu của đời sống, miếng ăn, áo mặc, nước uống, chỗ ăn ở. Thì trong đời sống tâm linh mỗi người chúng ta phải theo Phật để học biết cách để truy tìm đúng hướng để tiếp cận với kho tàng lòng khoan dung vốn có trong miền đất tâm của chúng ta. Ai ai trong chúng ta dù là trẻ tuổi hay lớn tuổi cả trăm đi nữa nếu có được một cái bản đồ, có được cách chỉ dẫn và chính xác đâu là kho tàng như kho vàng, kim cương, đá quý hoặc những của cải của tiền nhân để lại thì nhất định chúng ta sẽ theo sự chỉ dẫn đó bán đất, bán nhà, bán cửa để đầu tư để đào bới kho tàng đó và tận hưởng. Trong nhiều năm qua, biết bao nhiêu chỉ là lời đồn thổi à của người Nhật khi rút khỏi Việt Nam hoặc là của người Trung Hoa xưa hoặc của ông bà, tổ tiên, vua chúa thời xưa đâu đó còn chôn và ẩn giấu nhiều cái kho vàng, bạc châu báu. Ấy vậy mà có biết bao nhiêu con người khi biết được cái tin đó hoặc có được một chút thông tin hướng dẫn, họ đã bỏ tất cả tuổi thanh xuân, họ bỏ cả nhà cửa, bán hết, lấy tiền đầu tư vào cái công trình đào bới, tìm kiếm kho tàng đó mà thực có đâu, cuối cùng họ đau khổ. Nhưng hai chữ kho tàng vẫn là một cái điều gì đó hấp dẫn con người vô cùng, chỉ nghe thoang thoảng ở trong quán café ai đó kể về cái kho tàng nào đó thì nhất định tai sẽ ngóng lên để hóng chuyện. Nếu mà câu chuyện có vẻ thần kỳ thì nhất định ta sẽ đầu tư đi tìm kho tàng đó. Hình như trên thế giới này, cổ kim, người người trong hiện tại cũng như trong quá khứ vẫn luôn luôn thích thú và hai chữ kho tàng như một cái tiêu đề có sự kích thích thật là mạnh thúc đẩy tất cả bỏ tất cả. Bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ giang sơn quốc độ để đi tìm kho tàng. Thế nhưng Đức Thế Tôn dã dạy trong cuộc đời miền đất tâm của chúng ta ngài chỉ thật là rõ chúng ta có một cái kho tàng trân quý vô cùng đó là lòng khoan dung. Mà Đức Phật nói ở trong lòng khoan dung đó nó có những cái phẩm vật, nó có những cái lễ vật cao quý nhất để chúng ta ứng dụng vào đời hoặc để chúng ta dâng lên cho muôn người được hạnh phúc. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ chú ý, chúng ta đã lãng quên, đi tìm những kho tàng hư mất trong cuộc đời mà chẳng tìm kho tàng vĩnh viễn tồn tại, không bao giờ mai một và hư mất theo chiều của thời gian. Các bạn, những cái thông tin mập mờ mà người ta còn vùi đầu đi tìm kho tàng nhưng đối với Đức Phật là một người đã tìm ra kho tàng của lễ vật cao quý, phẩm vật siêu xuất đó là lòng khoan dung và còn vẽ chi tiết cái bản đồ và còn hướng dẫn tận tình thật là rõ. Để những ai muốn đi tìm cái kho tàng này đều có thể không cần phải lần mò mà từng bước thong dong tìm được kho tàng khoan dung, lấy ra cái phẩm vật cao quý nhất dâng lên cho cha mẹ, dâng cho ông bà, dâng cho những người thân và cúng dường lên chư Phật nữa. Chúng ta không để ý. Phật nói lòng bao dung là phẩm vật cao quý nhất vậy mà chúng ta không mang lòng khoan dung là phẩm vật cao quý đó cúng dường lên Phật. Chúng ta mang đồ ăn, thức uống, bông trái chỉ vỏn vẹn vài ngày đã có thể hư rồi, có mùi rồi mà cứ thế dâng lên cho Phật những phẩm vật như thế như tiền bạc, vàng bạc, của ăn của uống chẳng phải là phẩm vật cao quý đâu. Mà phẩm vật cao quý thể theo lời Phật dạy đó là lòng khoan dung cho nên phẩm vật này là phẩm vật vô tận cao quý, siêu xuất để mà mỗi người chúng ta nên lấy cái lòng khoan dung cúng dường lên chư Phật, trao đến những bậc sinh thành và lan tỏa đến muôn người trong cuộc sống.

Chúng ta thấy giá trị của lòng khoan dung có thể biến thù thành bạn, có thể chuyển hóa những người đau khổ tìm gặp được hạnh phúc. Vẫn biết cuộc đời là những vết thương, cuộc đời là những vết bầm dập của thử thách, đau khổ, thất bại. Chỉ có lòng khoan dung mới có thể làm xóa tan đi những cái vết bầm, những cái vết hằn đó trong lòng của chúng ta mà thôi và của muôn người. Đời sống của Đức Phật đã chứng tỏ cho chúng ta một cái gương của lòng khoan dung, rộng lớn, vô bờ bến. Hãy nhìn lòng khoan dung của Đức Phật đối xử với chúng sanh, đối với kẻ cướp, đối với kẻ trộm, đối với những kẻ thù của ngài. Ví dụ trong kinh nói đến ông Đề Bà Đạt Đa là một người anh em họ của Phật không những trong cái kiếp mà Đức Phật tại thế luôn luôn tìm cách giết hại Phật từ thuở còn làm thái tử trong cung đình cho tới khi thái tử đã chứng đắc thành Phật thì người anh em họ Đề Bà Đạt Đa vẫn đi tìm để bách hại Phật. Ngược vào trong quá khứ của tiền kiếp, Đề Bà Đạt Đa vẫn luôn cưu mang cái lòng sân hận để trả thù Phật. Oán với oán, oán không bao giờ hết, ân với oán, oán liền tiêu tan. Đó là sự thật. Nếu chúng ta mang những cái sự sân giận, trả thù thì những mối thù truyền kiếp sẽ được liên tục viết lên những trang sử sách tràn đầy đau khổ, nước mắt và máu. Nhưng chúng ta mang cái lòng khoan dung, lấy ân, lấy đức để mà xoa dịu, xóa sổ những hận thù thì chúng ta sẽ có một vườn bông thơm ngát tỏa đến mười phương chư Phật. Điều này kinh đã dạy. Chúng ta đi qua một câu chuyện để thấy lòng khoan dung có thể cảm hóa được lỗi lầm của người khác và các bạn nhớ lòng khoan dung có thể giúp cho chúng ta nhìn thấy những ưu điểm cao quý nhất nơi những con người xúc phạm đến ta. Lòng khoan dung không phải là sự nhu nhược để cho người ta đè lên đầu, lên cổ mà lòng khoan dung mở mang trí tuệ giúp cho chúng ta nhìn nhận được cái đẹp cao quý nhất trong lòng mỗi người. Có câu chuyện kể:

Có một lão thiền sư có một số đệ tử học ở trong cái thiền viện thật là nhỏ. Vào một buổi đêm, sương đang xuống, lão thiền sư có thói quen đi dạo quanh ở trong cái thiền viện nhỏ bé dưới những bức tường được che kín. Bất chợt lão thiền sư thấy một cái ghế để ở ngay cái vách tường, lão thiền sư mới hiểu có một chú tiểu nào đó đã trèo tường ra ngoài đi chơi vào buổi đêm. Cho nên ngài mỉm cười nhẹ nhàng nhìn lên trên đỉnh trời có ánh sao đang soi và nhìn những áng mây trôi nhẹ rồi cúi xuống di chuyển chiếc ghế khỏi cái bờ tường đó. Rồi lão thiền sư ngài quỳ xuống sát bờ tường ngay chỗ cái ghế đó, một lúc sau chú tiểu nhảy tường đi chơi trèo tường hạ chân xuống thì chú cảm nhận cái độ mềm và nhận thức được đây là bờ vai của sư phụ. Chú liền bước xuống rồi nhận ra thiền sư đang quỳ ở đó đưa vai cho mình bước xuống để trở về cho nên chú tiểu đã quỳ xuống. Lão thiền sư không nói một lời đưa tay dìu đệ tử lên nở một nụ cười thật tươi và nói con ơi trăng hôm nay thật đẹp, hãy đi cùng sư phụ để ngắm trăng. Chỉ có thế, một hành động cao cả của lòng khoan dung không chấp mắc đệ tử của mình vượt rào đi chơi, bờ vai nhỏ bé, gầy gò của một lão thiền sư lớn tuổi vẫn đủ sức để khai mở lòng khoan dung như đang thức tỉnh cái tâm của đệ tử chú tiểu. Thế là từ đó chú tiểu đàng hoàng tử tế, tinh tấn tu học chẳng bao giờ vượt rào ra ngoài nữa, đã vượt qua được cái chướng ngại của sự đam mê ham chơi để trở về với cái tình thương, khoan dung của sư phụ thiền sư.

Các bạn thân mến, lòng khoan dung giúp cho những con người sai phạm có một lối về bình an, lòng khoan dung giúp cho những ai đã xúc phạm đến chúng ta có một cái chìa khóa để mở cửa đi vào lòng người. Chúng ta đã lấy sức mạnh để đàn áp những người phạm với chúng ta, chúng ta đã lấy ngôn từ thô ác hoặc những hành vi không đúng gọi là trả đũa đã bao lần rồi nhưng cái đối tượng xúc phạm kia có khi nào thay đổi đâu. Không hẳn lòng khoan dung có thể giúp cho những người phạm tới chúng ta có thể trở về sống tốt đẹp hơn mà còn giúp cho chính chúng ta thấy được giá trị đích thực nơi lòng người. Trong giáo dục, lòng khoan dung như lão thiền sư kia đã dạy cho chú tiểu trẻ trở về với bản tâm thanh tịnh, ngay thẳng để mà tinh tấn tu học. Nếu các bạn là cha mẹ mở rộng lòng khoan dung để dạy dỗ con cái của mình như lão thiền sư thì nhất định những đứa trẻ ngỗ nghịch hoặc hay làm những chuyện không như ý cũng hiểu thấu được lòng của cha mẹ mà làm tốt đẹp hơn. Lòng khoan dung có thể vá trời, trời thủng chỗ nào chúng ta có thể dùng lòng khoan dung để vá huống hồ chi là những chuyện loanh quanh trong cuộc đời. Người ta nói cái lớn nhất trong trái đất này là biển, biển thì mênh mông vô tận nhưng biển còn nhỏ hơn vũ trụ, vũ trụ còn mênh mông hơn biển nhưng cuối cùng lòng người còn lớn hơn, bao la hơn cả vũ trụ. Thế mới gọi lời Phật cao quý, lòng người có cái kho tàng khoan dung nếu mở ra nó còn lớn hơn cả vũ trụ để mà ôm ấp tất cả vào bên trong tạo điều kiện cho tất cả sự tồn tại ở trong cái vũ trụ này có thể phát triển một cách hồn nhiên theo tự tánh. Chúng ta cũng vậy, nếu mở được cái kho tàng lòng khoan dung để đối xử với muôn người thì nhất định trong cuộc đời của chúng ta sẽ tạo nhiều cơ hội cho biết bao nhiêu những người có cái lòng nhỏ bé, ghen tuông, chấp trượt, ích kỷ sẽ mở rộng như biển trời bao la. Để mỗi người chúng ta thấy rằng chẳng còn một chút gì nhỏ bé trong cái góc của cuộc đời nữa mà nó rộng thênh thang như vũ trụ như câu nói vừa rồi biển thì lớn nhưng nhỏ hơn vũ trụ, vũ trụ thì lớn những vẫn nhỏ hơn lòng người bao dung, lòng khoan dung. Hãy trở về với lòng khoan dung như Đức Phật dạy để cõi lòng của chúng ta mênh mông hơn cả vũ trụ để biết bao nhiêu con người đi vào cuộc đời đã xúc phạm, đã làm những điều sai trái, đã làm tổn thương, đã làm rỉ máu trái tim, đã làm cho tâm trí của chúng ta cạn kiệt sức sống được hồi sinh trở lại hòa nhập vào với kho tàng khoan dung vô tận để sống mà hưởng phước báu. Và để cho muôn người đi vào lòng khoan dung đó để tự chữa trị những cái điều sai trái do họ đã phạm.Và cũng để cho chúng ta tìm ra cái kho tàng cao quý nhất ở trong tâm của mỗi một con người đó là lòng khoan dung. Các bạn, lòng khoan dung vô tận đó luôn hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta, đi tới một câu chuyện nữa để chúng ta thấy lòng khoan dung cao cả vô cùng, cảm hóa muôn người và giúp cho ta sống bình an:

Có một ông vua đi vào nhà tù, ông ta đi tới một phòng giam ở đó có một cánh cửa đóng kín ở trên cửa đó ghi chữ rõ ràng “cửa nhà tù” là nơi giam hãm. Vua mới hỏi người canh tù và những vị quan rằng ai là người bị nhốt trong cái phòng này mà của dày, kín như vậy lại còn để “cửa nhà tù” như thế kia. Các quan thưa với hoàng thượng rằng đây là kẻ phản nghịch thuộc dòng triều trước có công thần nhưng chẳng phục nhà vua, tìm đủ mọi cách để lật đổ vua, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt quốc độ của chúng ta. Nhưng là một quan võ dũng mãnh vô cùng thời triều trước, tất cả những cuộc chinh phạt và chống trả bảo vệ đất nước đều do vị quan võ này tạo nên sự hiển hách. Nhưng khi hoàng thượng trị vì thì quan võ không phục nên đã bị bắt nhốt ở đây nhiều năm tháng, dùng đủ mọi phương pháp để thuyết phục nhưng chẳng bao giờ quy hồi để phục vụ cho hoàng thượng. Hoàng thượng nghe xong kêu quan mở cửa nói thật là to hãy thay cánh cửa này đi, cửa gì mà dày kín, hãy thay cho nó nhẹ nhàng thanh thoát. Nhà vua bỏ đi nhưng dưới xếp đặt của vua cánh cửa được thay nhẹ nhàng, không có xích, mở toang, chỉ khép hờ mà thôi, vị võ tướng kia liền trốn ra bên ngoài. Sau khi trốn ra bên ngoài một thời gian mới thấy rằng đất trời này là của vua đang trị vì chẳng thể trốn ở đâu được cho nên cuối cùng trở về nhà tù để tự giam mình ở trong tù bởi vì không còn có chỗ dung thân. Ông ta khi trở về tới cái ngưỡng cửa nhà tù năm xưa ở trên có đề chữ cửa nhà tù thì ông ta không nhận ra cái cửa nhà tù hồi xưa dày cộm nữa mà thoáng, nhẹ nhàng, không có ổ khóa, tấm bảng ghi ở trên cửa nhà tù đã bị phá vỡ và thay bằng một cái bảng mới gọi là “cửa nhà mình”. Ông ta ngơ ngác nhìn vào cái bảng cửa nhà mình bước vào bên trong. Sau 24 tiếng đồng hồ suy nghĩ ông ta thuần phục đi tới quỳ lạy vua và xin mang cái tài đức của mình ra để hộ trì cho vua, vì sao? Vì vua đã có cái lòng khoan dung phá vỡ cửa nhà tù, dời đi cái tấm bảng “cửa nhà tù” biến thành cái “cửa nhà mình” với cái cửa khép hờ không khóa để chứng tỏ lòng khoan dung của một vị vua đương thời cho nên đã cảm hóa được vị quan võ kia cửa thời triều trước và phục vụ cho quốc độ để giữ thái bình cho con người.

Các bạn, một câu chuyện đơn giản nhưng dẫn chúng ta thấy rằng lòng khoan dung. Chúng ta có nhìn thấy được giá trị tuyệt đối của lòng khoan dung thay đổi được những con người chưa? Câu chuyện đó nói cho chúng ta rằng đối với những ai đó xúc phạm đến mỗi người chúng ta, chúng ta đã gắn mác ở trong tâm tưởng của mình có những căn nhà tù được xây dựng với những cái cửa thật cứng, với tấm bảng ghi thật rõ trên trán của họ – những người xúc phạm là cửa nhà tù. Ta nhốt họ vào trong cái ngục tù của sự sân hận, hung dữ và sự trả thù, vắng bóng tình yêu thương. Hãy noi gương ông vua kia đi, thay cái cánh cửa dày cộm đó, cửa sắt đó bằng một cái cửa thông thoáng. Thay cái bảng nhẹ nhàng ở bên trên không còn gọi là cửa nhà tù mà gọi là cửa nhà mình, cửa chân tâm, cửa từ bi, cửa lòng khoan dung. Chẳng cần phải xích, phải xiềng, hãy mở rộng. Chính cái lòng khoan dung của ông vua cửa nhà tù thay bằng cửa thật nhẹ không khóa, bảng cửa nhà tù thay bằng bảng cửa nhà mình để cho một vị võ quan thời xưa có thể bước vào như nhà của mình. Hạnh phúc dâng trào, bao nhiêu sự khác biệt tiêu tan để mà dấn thân phục vụ. Chúng ta cũng như vậy, những kẻ xúc phạm, sai phạm, kẻ thù, nghịch ý, làm cho ta tổn thương đau khổ nếu có thể chúng ta học theo lời Phật, học theo vị sư phụ thiền sư đứng đưa vai cho đệ tử bước vào. Học theo ông vua mở cửa cho người ra, thay bảng cửa nhà tù bằng bảng nhà của mình thì nhất định chúng ta sẽ tạo ra biết bao nhiêu cơ hội cho những con người xúc phạm đến ta mở rộng vòng tay để phụng hiến cho tha nhân và cống hiến với sứ mệnh phục vụ nhân loại. Điều cao đẹp của lòng khoan dung đầy rẫy trong xã hội và cũng hãy trở về với lòng khoan dung, từ bi vô tận của mẹ Bồ Tát Quan Âm ngàn mắt ngàn tay luôn lắng nghe trong tận thâm sâu của những sự cùng khổ nơi chúng sanh. Rải những bước chân an lạc đi vào để mà tưới tẩm nước cam lồ tịnh thủy rửa hết đi những vết trần ai đau khổ trong kiếp người, trong kiếp chúng sanh. Mẹ đại từ đại bi, Mẹ Quan Âm đại bi, bàn tay mẹ bao dung như thế, khoan dung như thế cho nên biết bao nhiêu chúng sanh đã được xoa dịu. Mẹ đại bị Quan Thế Âm hiển ngự trong trái tim, trong vòng tay, ánh mắt của mẹ hiền đang sống với chúng ta ở nhà. Mẹ của chúng ta khoan dung vô lượng, bao nhiêu lần những đứa con như Bảo Thành và các bạn đã xúc phạm tới mẹ, mẹ vẫn yêu, mẹ vẫn che chở, mẹ vẫn gỡ những cái cửa nhà tù thay vào đó cửa của hồng phúc yêu thương. Mẹ đã thay đổi tất cả những cái dơ dáy nhất trong cuộc đời của chúng ta để đặt vào đó cả một cái tình yêu như biển trời lai láng vô tận. Lòng của mẹ lớn hơn cả vũ trụ, rộng hơn cả đại dương, tình yêu thương, lòng khoan dung của mẹ là thể hiện ba ngôi Tam Bảo hiện tiền đang ở cùng với chúng ta, lòng khoan dung cao cả lắm các bạn ơi.  

Khi lòng khoan thứ bao dung

Vạn cơn sóng dữ trùng trùng cũng tan

Các bạn thấy khi lòng mà khoan thứ bao dung, lòng của chúng ta đó là biết khoan thứ bao dung thì vạn cơn sóng dữ trùng trùng cũng tan:  

Từ bi buông xả nhẹ nhàng

Đoạn vơi phiền não tâm an phước đầy.

Điều này thật đúng, lòng khoan dung là chiếc chìa khóa, là ngưỡng cửa, là biển trời mênh mông vô tận, là thuốc chữa lành tất cả và là con mắt trí tuệ nhìn thấy giá trị cao cả nơi mỗi một con người. Khoan dung để cho chúng ta có cơ hội nhìn nhận mọi người có những cái ưu điểm cao quý lẫn lộn trong những khuyết điểm tầm thường. Lòng khoan dung mở mang đôi mắt vàng để chúng ta biết chìa bàn tay nhân ái, che chở và đùm bọc, thật giản dị nhưng cao quý vô cùng. Lòng khoan dung là nấc thang đưa chúng ta lên đỉnh trời của tình yêu, gần gũi với chư Phật, xa lìa với quỷ dữ, tiếp cận với Bồ Tát, hưởng hương hoa của những bậc có giới đức. Lòng khoan dung trị tất cả những vết thương lòng, trị hết tất cả những bệnh tật xảy ra do cái tâm sân hận, nghiệp chướng tạo thành. Lòng khoan dung hàn gắn tình cảm của con người và tạo cho biết bao những bông hoa tâm nơi miền đất chân tâm nơi những con người đi vào cuộc đời của chúng ta trổ bông. Lòng khoan dung giúp cho tất cả mọi người tìm được kho tàng cao quý nhất đó chính là lòng khoan dung của họ, đó chính là lễ vật cao quý, phẩm vật tuyệt vời nhất. Chúng ta mang và trao cho đấng bậc sinh thành, tặng cho những người yêu thương. Và đặc biệt phẩm vật cao giá lòng khoan dung này chúng ta luôn luôn phải sử dụng để nâng lên trên đỉnh đầu mà cúng dường mười phương chư Phật. Các bạn, lòng khoan dung dẫn đường cho những vị Phật trong thế gian này tới tiếp cận với chúng ta. Hãy sống với lòng khoan dung, hãy sống với lòng khoan dung. Lòng khoan dung như trong 14 điều Đức Phật dạy chính là phẩm vật cao quý, là lễ vật tuyệt vời, là những cái gì trao đi có thể thay đổi được lòng sân hận, hận thù, mang lại hòa bình và an lạc, hạnh phúc cho mỗi một con người đang sống ngay trong hiện tại.

Các bạn, cám ơn các bạn đã nghe!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

PHẦN CÂU HỎI 

Theo như con thấy là chướng ngại cho lòng khoan dung của con người là cái sự e ngại người khác hay lợi dụng. Cái lòng tham của họ, họ muốn có một cái thế nào đó, có sự lấn át để mà đạt được những điều họ muốn. Thế thì xin sư phụ dạy cho con cách đối trị để có thể trưởng dưỡng lòng khoan dung của mình. Con cũng xin cảm tạ bài giảng của thầy về lòng khoan dung rất là hay, những câu chuyện thật cảm động nhưng mà những thắc mắc như vậy nó rất là đời thường, con xin thầy chỉ dẫn thêm?

Trên đời này chuyện gì cũng khó nếu chúng ta không có sự hướng dẫn nhưng chuyện gì cũng dễ thôi. Nhớ rằng trước thời Đức Phật nhân loại lần mò trong mọi phương pháp nhưng không tìm ra được. Nay dưới ánh sáng tuệ giác của Như Lai chúng ta có phước báu nhận được một bậc thầy vô thượng là Đức Bổn Sư, chỉ cần học theo Phật chúng ta sẽ làm được điều đó. Như những câu chuyện vừa kể trong bài pháp hôm nay chúng ta thấy con người dù muốn dù không những sự va chạm hoặc sự lợi dụng chúng ta với người khác để thành tựu những điều họ ước muốn nhiều lắm, nếu mà liệt kê thì vô số. Nhưng đối với chúng ta khi học Phật nhớ rằng lời Đức Phật dạy lòng khoan dung không hẳn giúp cho người mà giúp cho ta trên con đường học đạo. Làm sao để chúng ta có thể khai mở cái kho báu này, làm sao để chúng ta có thể sử dụng được kho báu này? Chúng ta nhớ Đức Phật không có cái gì mà không thể mở được nếu chúng ta biết gom tâm trụ vào trong hơi thở chánh niệm để chúng ta nương vào sức mạnh của chánh niệm hơi thở và lòng từ bi của chúng ta. Nhớ lòng từ bi cũng là một kho tàng lớn lắm mà mẹ Quán Thế  Âm, chư Phật đã mở toang cái kho tàng từ bi để phân phát cho tất cả mọi chúng sanh. Ta cũng vậy, để mà lòng khoan dung ứng dụng được ta cũng phải mở toang một kho tàng khác đó là kho tàng từ bi. Cho nên Đức Phật dạy khi các bạn nương vào chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi thì lòng khoan dung sẽ được mở, cửa nhà tù sẽ được phá, bảng nhà tù sẽ được thay bằng cái cửa nhà để đi về. Chúng ta sẽ làm cửa cho những người lạm dụng cuộc đời của chúng ta để thành tựu sự an lạc, cũng tốt mà, các bạn thấy không. Không khi chết rồi giun dế cũng ăn hết thân xác của chúng ta mà thôi, sao cuộc đời này không làm một cái cửa nhà để cho mọi người có thể lợi dụng cuộc đời của chúng ta để thành tựu sự an lạc cho họ. Nhưng để nói theo cái ý nghĩa đó mà thành tựu thì mỗi người chúng ta phải nhớ rằng biển thì rộng, bầu trời rộng lớn hơn nhưng lòng người khoan dung còn rộng lớn hơn trời.

Các bạn phải hít vào thở ra thật nhẹ, luôn luôn tư duy rằng Đức Phật là bậc thầy, nghĩ về lòng khoan dung của Phật, nghĩ về những gì Phật đã làm khi trực diện với những kẻ thù, những kẻ sát hại Đức Phật. Nghĩ ở đây tức là quán chiếu nha các bạn, nhưng dịch ra suy nghĩ, suy nghĩ tức là suy niệm hay trong cái pháp thiền gọi là quán chiếu, tư duy. Tư duy bằng cái không có dính chấp, tư duy tức là bắt đầu chúng ta quán chiếu những điều cao cả, những ân điển đặc biệt của Phật đã ứng dụng trong cuộc đời của ngài thật sự. Rồi về những bậc cổ đức, thánh hiền đặc biệt chúng ta quán chiếu về cái lòng bao dung của mẹ mình. Các bạn suy nghĩ, suy niệm về lòng bao dung của mẹ khi các bạn thực tập chánh niệm hơi thở rồi từ đó liên đới tới cái lòng bao dung của mẹ Quan Âm. Với cái cách quán chiếu như vậy sẽ giúp cho các bạn thấm nhuần được cái năng lượng bao dung, năng lượng khoan dung từ đó cái tâm từ bi của các bạn dần lan tỏa và các bạn sẽ thực hành được cái hạnh tha thứ. Điều này phải trải nghiệm trên cái sự tu tập rõ ràng, nói thì thật là dễ ai nghe cũng lọt tai, ai suy nghĩ cũng hiểu nhưng để thực hành được thì các bạn phải tu tập. Hôm nay lòng khoan dung trong bài pháp này, Bảo Thành kêu gọi các bạn hãy bước vào sự thực tập chánh niệm hơi thở và thiền quán về lòng khoan dung của Phật, của mẹ chúng ta và mẹ hiền Quán Thế  Âm luôn quan tâm, che chở cho chúng ta. Và suy nghĩ về ba cái mẫu chuyện Bảo Thành kể đó để chúng ta thấy rằng có biết bao nhiêu lòng khoan dung ở đời đã được thực hiện và kiến lập nên những sự hòa bình tốt đẹp. Ta noi gương những điều đó, chánh niệm hơi thở nhất định chúng ta sẽ thành tựu được. Các bạn phải thực tập, phải tu, đừng nghe hiểu rồi vỗ tay khen hay mà không thực tập thì chẳng khác gì chén cơm để trước mặt, bụng thì đói mà cứ khen cơm ngon nhưng chẳng bao giờ ăn. Thực tập tức là ăn cái chén cơm của Phật trao cho chúng ta, Phật trao cho chúng ta cái phương pháp thực hành hơi thở chánh niệm quán chiếu lòng bao dung của Phật, quán chiếu chủ đề đó, cái đề mục như vậy các bạn chính là người đã đưa tay ra, nâng chén cơm Phật trao ăn vào và trong bụng sẽ hết đói. Hy vọng các bạn hiểu được điều này. Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts