Search

Tự Chuyển Hóa Mình

Bảo Ngân đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng từ bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn, gặp mặt nhau trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, có những lúc trời đang xanh, ta lại muốn mưa bởi ta có ruộng khô nên ta muốn trời trong xanh như vậy phải biến thành mây đen để làm mưa. Nhưng lại có ông hàng xóm, ông lại khao khát đám mây xanh khi trời đang mưa cho dệt mộng làm thơ, ổng lại cầu cho mây đen tan để mây xanh hiển lộ. Đó là nói về hai con người gần nhau sát vách có những giấc mơ hoặc mơ ước khác biệt. Kẻ thì cầu mưa, người thì cầu nắng. Cầu mưa, cầu nắng, nếu là có ông trời để ban nắng, ban mưa, ông ấy phải làm sao đây? Hai người sát vách chung lưng, kẻ kêu trời nắng, người thì kêu mưa, ông trời ở giữa hư không, khi nhìn xuống dưới biết làm sao đây. Nếu chúng ta là ông trời mà có hai người sát vách cầu hai tư tưởng khác nhau, kẻ cầu mưa, người cầu nắng, ta phải làm sao. Có phải chăng ta làm mưa bên ông cần mưa, làm nắng bên ông cần nắng, để rồi giữa hai ranh giới hai người hàng xóm, bên thì có mưa, bên thì có nắng. Vậy thì mệt rồi. Nhưng nếu có mười người khác biệt, trăm người khác biệt thì chắc ông trời sẽ phải chạy ngược, chạy xuôi, ông ấy mệt chết mất bởi vì ông thấy mỗi người cầu một ý rồi ông ấy phải làm được như ý của người ta, vậy thì làm trời để làm gì. Hóa ra trời chỉ là nô lệ cho ý muốn của con người, chỉ phục dịch cho con người. Thôi, xuống làm phàm phu, kêu trời phục dịch, muốn gì có đó.

Nghe có hơi kỳ nhưng nếu suy nghĩ một chút thì ta thấy làm ông trời khổ ha. Ai cũng cầu trời, cầu trời cho mưa, cầu trời cho nắng, cầu trời vừa mưa vừa nắng, cầu trời cho gạo cho đầy, ta cầu hết mọi thứ. Ông trời hóa ra chỉ là nô lệ. Hỏi các bạn, thế thì các bạn muốn làm trời hay làm người đây? Làm trời bị người sai khiến, thôi thì ở dưới đất làm người để khiến sai ông trời trên cao làm cho muôn sự ta muốn được thành như ước nguyện. Trời khổ quá, tội nghiệp ông trời! Cũng như có một vị thiền sư, ông thiền sư không bao giờ đi cúng kiếng, nhưng bởi vì dân làng thích và nghĩ ông thiền sư có đạo hạnh cao lắm nên ai cũng mời đi cúng kiếng. Ai mời ông đi cúng kiếng đám ma, đám giỗ, ông đều phải đi vì không đi thì dân làng buồn. Ông thiền sư không biết kinh kệ cúng kiếng chi đó nhưng ông có một đám đệ tử nên ông nhận lời để gọi là giúp đỡ người dân an tâm. Khi nhà cúng kiếng ma chay, người ta mời ông ấy tới, ông ấy dặn đệ tử mỗi người mang theo một trái mướp đắng (trái khổ qua), khi tới nhà gia chủ thì đặt trái mướp đắng lên bàn thờ, đọc kinh xong thì mang về. Các đệ tử nghe theo lời thầy, đến nhà ai cũng đặt trái mướp đắng lên bàn thờ như là bửu bối vậy. Bởi trái mướp đắng còn có tên gọi là khổ qua, dân gian thích thú tin rằng giống như khổ đã qua rồi nên tin ông thầy pháp lắm, tin rằng khi nhà có đám, ông thầy pháp đặt trái khổ qua lên bàn thờ, rồi cùng đệ tử đọc rình rang kinh kệ là khổ sẽ qua. Dân chúng mừng mỗi khi thiền sư tới là khổ sẽ qua. Rồi khi qua bao nhiêu sông, ông cũng nói đệ tử ngâm trái mướp đắng xuống dưới sông, đệ tử cũng ngâm rồi kéo qua bờ bên kia đi về. Trải qua cả một đoạn đường, cúng kiếng trên bàn thờ, cầu Phật, cầu thánh, cầu tiên gia hộ khổ cho qua rồi ngâm xuống dưới nước mang về nhà thì sư nói thôi đi luộc khổ qua đi, chúng ta ăn. Thiền sư cắn miếng đầu tiên rồi nói với các đệ tử: khổ qua nó vẫn đắng dù để trên biết bao nhiêu bàn thờ cúng kiếng, qua biết bao nhiêu dòng sông, cuối cùng luộc lên nó vẫn còn đắng, các con ăn thử coi. Các đệ tử đều ăn thử, ai cũng sợ, đúng là đắng thật. Thiền sư nói tiếp: này các con, trải qua bao nhiêu tế tục ở đời, Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp, chúng ta cúng cầu đủ hết, rồi ngâm qua biết bao nhiêu dòng sông, về trái mướp đắng vẫn đắng như xưa, đâu có khác gì. Mướp đắng vẫn là mướp đắng, vị đắng vẫn còn đó, không phải cúng kiếng mà hết đắng, cũng chẳng phải ngâm sông mà hóa ra ngọt. Chúng ta nghĩ gì về câu nói của thiền sư đây. 

Các bạn, nghiệp của chúng ta nó vào trong A-lại-da-thức (hay còn gọi là tàng thức), trong tâm thức của chúng ta, nó tạo thành tánh của nó, như cây mướp đắng trổ trái mướp đắng. Trái mướp đắng đó dù nó có được dự và được cúng kiếng, nghe kinh kệ suốt đi nữa, nó vẫn đắng, nó chẳng thể biến thành ngọt. Rồi trái mướp đắng đó dù có ngâm vào dòng sông, đắng đó cũng chẳng tan để hóa thành ngọt, vẫn là trái mướp đắng đó, vẫn như thế đó để cuối cùng luộc lên nó vẫn đắng. Các bạn, cuộc sống phải hiểu được lý tánh, hiểu được tánh do nghiệp tích lũy, nó sẽ không thể thay đổi được nếu chúng ta chỉ nhờ kinh kệ, cúng kiếng những cái này, những cái kia. Nó phải nhờ vào chính sự hiểu biết của chúng ta, sự chuyển hóa tự lực của mỗi một con người. Ông thiền sư bao đời có cúng kiếng ma chay đâu, nhưng chuyện thế gian lại cứ muốn làm điều đó, ông đành vì phương tiện mà tới. Nhưng hình thức để giáo dưỡng dân chúng hiểu được thật là khó bởi tánh của họ là cầu lợi.

Trái mướp đắng được đọc là khổ qua cho nên khi được dâng cúng trong bàn thờ của chùa chiền, am thất, của từng người cho ma chay, đám giỗ, cầu an, cầu tự, họ đều sung sướng hạnh phúc vì qua hình tướng của trái mướp đắng, trái khổ qua, họ thấy khổ đã qua nơi tư gia, nơi bản thân, họ hạnh phúc. Đó là về phần tướng, còn phần tánh mà ông thiền sư muốn nhắc với đệ tử của mình: dù có trải qua bao nhiêu tướng sắc mặc lên trên đó nữa, nó nằm trên bàn thờ, hay trôi trên dòng sông, mướp đắng vẫn là đắng, khổ chẳng có qua. Tánh đó mới là quan trọng. Làm sao để nó không còn đắng thì tự lực bên trong mỗi con người phải nhìn ra rõ tính chất của nó. Chúng ta phải nhìn rõ được nghiệp thức của chúng ta để chúng ta chuyển hóa nó, chứ không phải người khác tới kinh kệ rình rang, chuông mõ ầm ầm thâu đêm suốt sáng mà thay đổi được đâu. Nếu ta không tự giác học để chuyển hóa, thay đổi thì chẳng ai thay đổi được ta. Trái mướp đắng đã trải qua bao sự kì công cúng kiếng trên bàn thờ, bàn tổ, đình chùa, tịnh thất, am, đâu có hết đắng được, nó vẫn là mướp, ngâm qua sông cũng thế. Nếu các bạn không nhìn rõ được bản chất của trái mướp đắng là gì, không nhìn rõ được bản chất của dòng nghiệp thức các bạn đang cưu mang để chuyển hóa, các bạn cứ rình rang kinh kệ, nghiên cứu chữ nghĩa thì chất ở bên trong nó vẫn đắng mà thôi.

Để có được điều đó, sau khi chúng ta đã nghiên cứu những sự giải nghĩa của Phật qua kinh, qua sách, chúng ta phải nhìn rõ được qua sự giải thích nghĩa thú đó để nhận ra tánh của chúng ta, và từ đó trở vào, xếp đặt lại tánh đó. Tánh của phàm phu nó lộn xộn, lỉnh kỉnh thì nhìn rõ để sắp xếp cho nó gọn, chuyển hóa cho nó ngăn nắp. Nhưng còn một tánh nữa mà chư Phật đã nhắc, đó là tánh Phật. Nếu bạn không thể nhìn rõ được tánh Phật của bạn, nếu bạn không thể trở về với tánh Phật của bạn, làm sao bạn có thể sắp xếp được tánh phàm. Có những con người giải nghĩa: tánh đâu mang ra, Phật đâu cho thấy. Chẳng phải tánh mà mang ra cho người ta biết, Phật đâu mang ra để cho người ta thấy, mà chính ở trong lòng mỗi người phải chiêm nghiệm, trải nghiệm, phải tư duy với chánh kiến để thấy rõ Phật tánh trong ta. Cái thấy rõ đó chẳng cần phải dùng ngôn ngữ của đời thường để diễn tả, chẳng cần dùng ngôn ngữ văn hoa để nói, chỉ cần nhẹ nhàng mỉm cười, chớp mắt, thầm nghe hai tiếng ở trong tự tánh của mình nó nói thôi: “Phật tánh”. Ta nghe, ta trải nghiệm, chính Phật tánh đó, nó có diệu lực làm cho con mắt của ta sáng ra để nhìn rõ những phàm tánh lỉnh kỉnh, ngổn ngang trong cuộc đời từ vô lượng kiếp, rồi xếp nó lại, gọn nó đi, chuyển hóa nó, thay đổi nó. Trông ở bên ngoài không làm được điều đó, người mõ chuông chẳng làm được điều đó, nhà của ta ta không dọn, ai tới dọn nhà ta. Thần thức của ta, ta không tu cho nó sạch, ta không sửa thì ai sửa được ta. Nếu sửa được thì Phật đã sửa, nếu tu được cho ta thì Phật đã tu được cho ta rồi. Phật không có làm được điều đó. Đời sống của các thầy, đời sống của các vị thiền sư, đời sống của các vị xuất gia là tấm gương để cho ta nhìn rõ. Cái quan trọng là mỗi người phải nhìn qua gương đó để ta về sửa lấy chính mình, chứ đừng ngâm mình ở trong sông, ở trong những nước thánh, ở trong những điều huyền bí để nghĩ rằng ta sẽ thành ngọt ngào. Nếu bản chất của ta là mướp đắng, nó sẽ đắng, đừng nghĩ đặt lên trên bàn thờ cúng kiếng sách tướng thần linh, bồ tát, hương khói, trái cây, đồ ăn, cúng rình rang, rồi thầy này thầy kia quay cuồng nhảy múa để rồi ta được nguyện ý. Không phải. Trái mướp đắng trải qua bao nhiêu nghi thức, ngâm qua bao nhiêu dòng sông, nó vẫn đắng, vì tự thể của nó là đắng.

Tự tánh của Phật là sáng, còn tánh của phàm phu là đen. Chúng ta phải lấy sáng để soi vào đen, và nhờ cái đen để thấy được cái sáng của tự tánh. Nên khi các bạn thấy tâm trí của mình là vô minh, đen, cũng không sao, vì trong vô minh đen tối đó, ta nhận ra cái sáng của tự tánh. Cái sáng của tánh Phật và vô minh của tánh phàm phu nó lẫn lộn, dung thoa, chính trong hai cái, tồn tại giữa kiếp người, ta nhận ra nó. Ta lấy cái sáng của Phật tánh chiếu vào cái đen của phàm tánh. Chẳng đẩy phàm tánh đi xa, nương vào Phật tánh thì nhìn ra cuộc đời. Chúc các bạn nhìn mình thật là rõ, đừng đắm mình trong những khuôn mẫu, sắc tướng, hình thức ở bên ngoài. Hãy trở về với tự tánh của mình, hãy trở về bên trong, nuôi dưỡng mình bằng hơi thở chánh niệm. Nuôi dưỡng với chánh niệm như vậy, ta sẽ thấy được cái sáng của Phật tánh để hỗ trợ cho phần đen của phàm tánh. Tánh Phật hay tánh phàm đều tốt cho chúng ta, nếu chúng ta trụ được ở bên trong để nhìn rõ. Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts