Search

Tôn Trọng Khi Tương Tác

Bảo Đức đánh máy

Hãy tôn trọng khi tương tác

Như ong hút mật hoa

Không hại sắc và hương

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bảo Thành kính chào quý Phật tử, các bạn đồng tu! Hôm nay Chủ Nhật, Bảo Thành lại gặp các bạn trên kênh Facebook Chùa Xá Lợi livestream để chúng ta đồng tổng trì Đại Chú Đại Bi và Thất Bảo Huyền Môn, nguyện cầu cho quốc thới, dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Chúng ta cũng đồng trì niệm Thần Chú Đại Bi để hồi hướng công đức cho tất cả Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người thương yêu của chúng ta đã quá vãng nhiều đời và chúng ta cũng cầu nguyện sự bình an tới cho muôn người còn đang sống!

Giờ đây đã tới giờ chúng ta trì Thần Chú Đại Bi và Thất Bảo Huyền Môn, nghe chia sẻ pháp thoại. Mời tất cả chúng ta quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

(17:52) Bảo Thành kính chào quý đại chúng, các bạn Phật tử khắp nơi đang ở trên kênh Facebook Chùa Xá Lợi!

Kính thưa các bạn! Hôm nay Bảo Thành chia sẻ để chúng ta có một khái niệm trong cuộc sống của người con Phật biết ứng dụng Phật Pháp vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chủ đề hôm nay của chúng ta là “Tôn trọng khi tương tác”.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta không đơn độc, trơ trọi một mình trên hoang đảo, mà dù có ở trên hoang đảo một mình chúng ta cũng phải tương tác với thiên nhiên, với vạn vật huống hồ chi ta đang sống trong một xã hội mà biết bao nhiêu con người cùng sống chung với chúng ta. Mỗi một ngày qua chúng ta luôn có sự tương tác với nhau trong cuộc sống, sự tương tác như vậy sẽ nói lên cái tâm nguyện của người con Phật trong sự tương tác hàng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy rõ có Đức Phật hiện diện trong cuộc đời của chúng ta hay không và những sự tu luyện Phật Pháp có được thể hiện, ứng dụng hay không hay cuộc sống hàng ngày trong sự tương tác sẽ nói lên chúng ta chỉ là những người biết về Phật, nghe về Phật, hiểu về Phật mà không thể ứng dụng được lời của Đức Thế Tôn truyền dạy cho chúng ta.

Phật Pháp nếu không có sự thể hiện hàng ngày trong cuộc sống thì Phật Pháp đó thật là thô cứng và Phật Pháp đó không sống động, nó như chỉ là những lời của triết học nói nghe cho hay, chẳng thể ứng dụng trong cuộc đời hay chúng ta có học mà không thể áp dụng thì chẳng khác gì như một bộ nhớ.

Trong sự tương tác mỗi một ngày của chúng ta đối với biết bao nhiêu con người, cái môi trường tương tác đó chính là môi trường để chúng ta tu luyện Phật Pháp. Tu luyện Phật Pháp không hẳn là phải tới Chùa, không hẳn là phải trì tụng Kinh miên mật hàng ngày, không hẳn là phải niệm Phật, trì chú, gõ mõ, gõ chuông hay chúng ta tham gia vào các cái thời khóa như nghe pháp, nghe Kinh. Tất cả những sinh hoạt đó cũng là một phần của sự tu luyện nhưng vẫn chỉ là về lý thuyết mà thôi, ta có ứng dụng được lời của Đức Phật vào đời sống hay không rất quan trọng. Giữa sự tương tác của ta với người có sự va chạm của cảm xúc, của suy nghĩ, của cái nghe và của cái nhìn, nếu chúng ta khéo và hiểu được lời Phật thì khi tương tác, cái nhìn, nghe và cảm xúc đó khơi dậy sẽ là cơ hội quý báu để mỗi người chúng ta ứng dụng lời của Phật dạy để tăng trưởng phước báu còn nếu chúng ta không nhìn rõ được điều đó, chúng ta sẽ làm hại phước báu của chúng ta.

Mỗi một ngày trôi qua, mỗi một con người ta tương tác là một cơ hội để chúng ta tăng trưởng những phước báu của mình. Cũng thế, mỗi một con người tương tác trong mỗi một ngày trôi qua cũng là một cơ hội để chúng ta làm tổn hại phước báu của chúng ta. Như vậy, ta phải làm sao để tăng trưởng phước báu? Ta phải ngừng cái điều gì để không tổn hại đến phước báu của chúng ta? Đó là suy nghĩ của một người thực sự thấu hiểu được lời giáo pháp của Đức Bổn Sư, của Bậc Thầy của Nhân − Thiên, của Trời − Người mà chúng ta đã quy y, đã nương theo để học. Chúng ta không làm được điều đó thì thật là uổng cho cái phước báu tại tiền, quy y theo Phật − Pháp − Tăng, biết được Phật − Pháp − Tăng mà không thể nào ứng dụng vào cuộc sống. Có câu:

Như ong hút mật hoa

Không hại sắc và hương.

Trong mùa xuân này, khắp nơi đều có hoa nở, chúng ta hãy đi ra ngoài ngồi gần một bụi hoa và chúng ta thử quan sát khi một con ong nó tới với bông hoa, nó làm gì? Và giữa cái sự tương tác giữa ong và hoa nó như thế nào?

Các bạn, ong tới với hoa là để hút mật, hút cái tinh chất của hoa tạo ra tạo thành mật để nuôi thân, tạo thành mật để dâng hiến cho cuộc đời nhưng khi ong tới với hoa, ong đáp xuống hoa thật là nhẹ, nhẹ nhàng đến mức không làm cho sắc của hoa phải tàn, nhẹ nhàng đến mức không làm cho hương hoa phải tan biến bởi sự tương tác giữa ong và hoa là một điều kỳ diệu mầu nhiệm của Pháp Thiện huyền diệu đang xảy ra. Ong tới trong sự nhẹ nhàng, tôn trọng đối với hoa để thỉnh những cái tinh chất tinh khiết, thuần khiết của thiên nhiên mà hoa đã tạo ra để luyện thành mật nhưng tuyệt đối tôn trọng sắc hương không làm hại, không làm tàn hư. Và hoa cũng biết rằng khi ong tới nhẹ nhàng như vậy thì dâng hiến những cái tinh túy trong cuộc đời để ong luyện thành mật nhưng cũng nương vào cái sự tương tác của ong đó mà chúng ta thấy muôn loài được trường tồn, tái sanh.

Sự tương tác giữa con người không khác gì như ong và hoa, giữa mỗi người chúng ta rất cần sự tương tác với nhau. Cuộc sống mà! Tương tác cần có, đó là sinh hoạt của xã hội. Mỗi một người có nhân duyên đi vào cuộc đời của chúng ta như ong và hoa gặp nhau, sự tương tác của ta với người như ong tương tác với hoa. Ta có tôn trọng người đó hay không và ta có tới với người đó để chúng ta đón nhận những cái tinh túy, cao quý nhất của người để luyện thành cái Trí Tuệ của ta hay không hay ta tới với người để gieo sầu muộn, đau khổ, phiền não? Sự lựa chọn khác biệt, ta và ong có khác nhau đâu? Nếu chúng ta không khéo thì khi chúng ta tới với người, chúng ta không đón nhận sự cho đi của người để đúc kết lên cái tinh túy, tinh anh của ta mà chúng ta lấy đi cái của người làm cái sự sống cho ta và tàn phá cuộc đời của người khác.

Có chuyện đó hay không? Có đó. Như những chú gà khi tới gần những vườn hoa, chúng mổ hoa, chúng ăn hoa rồi chúng còn cào bới tróc gốc để cho những loài hoa đó phải lật ngược, trơ trọi gốc lên trên trời để rồi hoa phải chết. Có ăn cho no bụng để sống như gà nhưng rồi bới móc tất cả, đảo lộn hết, sát hại loài hoa. Chúng ta có phải là một loài ong cao quý đi thỉnh những cái tinh túy ở đời để kết lên mật dâng hiến và không làm hại sắc,  hại hương của hoa, không làm tổn hại tới con người khác nhưng lại nâng cao cái phẩm giá của người đã trao cho ta? Hay chúng ta lại biến mình thành con gà để tới ăn cho no, lật ngược cuộc đời, sát hại những kẻ khác? Cuộc sống mà! Suy nghĩ ở chỗ này sẽ làm cho chúng ta khác biệt với những người khác, suy nghĩ ở chỗ này, thực hiện được như loài ong ta sẽ trở thành Thánh nhân.

Các bạn hãy vân du trở về với cuộc sống của gia đình, trong ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta, sự tương tác hàng ngày giữa vợ chồng, chúng ta có tôn trọng nhau hay không? Bởi chồng nhờ vợ dâng hiến cả cuộc đời như hoa hiến những cái gì tinh túy để cho người chồng tạo thành cái mật ngọt cho cuộc đời rồi trao lại cho nhau và người chồng khi đón nhận sự dâng hiến của người vợ cả cuộc đời đó có tôn trọng thực sự hay không? Hay là như chú gà bới gốc để ăn rồi sau đó dẫm nát tất cả những người thương yêu. Tu chính là ở chỗ đó, tu chính là cái chỗ chúng ta nhận biết rằng giữa sự tương tác của vợ chồng, chúng ta phải có một sự tuyệt đối tôn trọng như ong tôn trọng hoa. Đây là câu Kinh trong lời dạy của Đức Phật ở những trang mà Đức Phật nói cho Tổ và các Bậc Thầy ghi chép lại trong Kinh Pháp Cú nhắc nhở cho chúng ta phải thật khéo trong sự tương tác. Sự tương tác cần phải có sự tôn trọng, thể hiện cái sự tôn trọng đó là gì? Là cái tinh thần chân thật, là sự dịu dàng khi tương tác, là sự thành kính thương yêu, là tấm lòng Từ Bi khoan dung để tha thứ, để che chở, để đồng hành. Ong đồng hành với hoa nên có mật dâng hiến cho đời, hoa vẫn đó, sắc vẫn đẹp, hương vẫn thơm.

Cuộc đời của chúng ta từ thuở bé cho tới bây giờ, ta tương tác biết bao nhiêu con người, nếu nói trong gia đình, thuở nhỏ là ông bà, cha mẹ rồi chúng ta lớn lên trong cái sự tương tác đó. Nhưng trong sự tương tác đó hầu hết là một chiều bởi ông bà, cha mẹ thương yêu chúng ta, chăm sóc chúng ta và đổ tràn tất cả, dâng hiến tất cả chỉ vì một chữ “yêu”, yêu cháu, yêu con. Vì cái tình yêu đó nên ông bà, cha mẹ hiến dâng tất cả nhưng ngược lại, khi chúng ta lớn lên, sự tương tác của cha mẹ một chiều đó chúng ta có biết đi để trao trở lại để có hai chiều tương thông giữa ông bà, cha mẹ với ta và ta tương tác với cái lòng tôn trọng, kính trọng, hiếu trọng đối với ông bà, cha mẹ hay không? Nếu chúng ta làm được điều đó thì chính trong sự tương tác đó có sự chứng minh của mười phương Chư Phật, có Bồ Tát, Thánh Hiền hoan hỷ và lành thay Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp sẽ quang giáng hộ mạng cho bạn bởi bạn có sự tôn trọng trong tương tác đối với những Bậc sinh thành ra chúng ta.

Hình ảnh của con ong hút mật là hình ảnh tuyệt vời, nó nhẹ nhàng làm sao, nó đẹp làm sao, nó cao quý làm sao khi sự tương tác giữa ong và hoa có sự tôn trọng tuyệt đối trong sự dâng hiến và lãnh nhận. Cuộc đời nói rộng ra, khi tương tác với người ngoài trong công sở, tương tác với tình bạn trong giao tế, tương tác giữa tình người khi có nhân duyên gặp nhau, sự cao quý và đẹp như thế nào nếu hai bên đều thể hiện được sự tôn trọng, kính trọng trong chân thành thì chính sự tương tác đó, một búp sen đang được nở, một tòa sen đang được khai, một vị Phật đang tiến vào cuộc đời.

Chúng ta tu là phải lấy tất cả những sự sinh hoạt trong cuộc đời để vận hành quán chiếu, để ứng dụng lời của Đức Phật, Đức Thầy dạy cho chúng ta để chúng ta trở thành Thánh, mượn tất cả những cái sinh hoạt hàng ngày như một môi trường để rèn luyện thân, tâm.

Các bạn thân mến! Môi trường đó thật là tuyệt vời, chúng ta có phước báu ở trong một môi trường có được sự tương tác mật thiết với biết bao nhiêu con người và mỗi một con người là một loài hoa tuyệt sắc, tuyệt hương. Hương sắc của con người đó khi dâng hiến cho ta trong sự tương tác về mọi phương diện đều trao cho ta mật ngọt để tinh luyện thành những cái tinh anh nhất trong cuộc đời mang ứng dụng vào kiếp người. Chúng ta cũng vậy, khi đón nhận sự trao truyền thương yêu của người đó, của ông bà, cha mẹ hay những người ở bên ngoài, chúng ta trong sự tôn trọng lãnh nhận, ngược lại cũng phải biết dâng hiến cả cuộc đời đến với những con người đó trong sự tôn trọng.

Ta tới trong sự tôn trọng và cộng hiến với nhau trong lòng Từ Bi bằng cái năng lượng yêu thương. Thế giới sẽ đẹp làm sao, con người sẽ đẹp làm sao, thế giới sẽ mới mẻ và hương thơm của cuộc đời sẽ lan tỏa từ chỗ này tới chỗ khác, từ con người này tới con người khác. Cao quý, cao quý thay mỗi người chúng ta biết tôn trọng trong sự tương tác. Cuộc sống có nhiều mối tương tác, nếu chúng ta khéo, chúng ta nhớ được lời của Phật thì những mối tương tác đó sẽ làm cho chúng ta trở thành Thánh nhân, sẽ làm cho chúng ta tu luyện được tinh anh của cuộc đời như mật ong dâng hiến cho đời khi hút tinh túy từ loài hoa nhưng không làm tàn hương, hại sắc.

Ta đi đâu để tu? Ta học Phật từ đâu? Hàng bao nhiêu năm qua, các bạn đã nghe giảng, hàng bao nhiêu năm qua các bạn đã tụng Kinh, hàng bao nhiêu năm qua các bạn đã luôn gõ mõ, gõ chuông, sám hối, bao nhiêu lầm lỗi các bạn tạo, các bạn cứ lo sám hối nhưng có khi nào các bạn dành thời gian để tư duy trong Chánh Kiến, an trú trong Chánh Niệm để chúng ta thực tập đời sống Chánh Niệm, sống trong Chánh Niệm? Khi người biết sống trong Chánh Niệm là người biết ứng dụng lời giáo huấn của Phật vào cuộc đời, khi người biết sống trong Chánh Niệm là người biết mang lời Phật ứng dụng vào cuộc đời. Lời của Đức Phật là lời hằng sống, là lời mang lại sự sống, sự tái sanh, sự trở lại vươn lên hướng Thượng để hoàn thiện cuộc đời, phải ứng dụng lời Phật vào cuộc đời. Lời của Đức Phật dạy cho chúng ta để chúng ta mang vào cuộc đời ứng dụng để có được sự lợi lạc thật sự, lời của Đức Phật không phải chép bằng Kinh, bằng sách rồi chúng ta trang trí trên những cái giá cao. Lời của Phật không phải thâu băng, thâu dĩa để rồi trang hoàng cho cuộc sống, lời của Đức Phật không phải để khoe, không phải là vật để trưng bày. Lời của Đức Phật là lời hằng sống, là chân lý, là sự sống. Lời của Đức Phật có năng lượng cải hóa con người. làm con người tái sanh từ trong Vô Minh vào Niết Bàn, lời của Đức Phật có sức mạnh, có thần thông nếu chúng ta ứng dụng vào được.

Nếu các bạn ứng dụng được lời Phật dạy hôm nay như con ong hút mật hoa, không hại sắc và hương thì trong sự tương tác của ta với cha mẹ, ông bà, với vợ chồng, con cái, với nhân quần xã hội trong sự tôn trọng, thế giới này chính là Niết Bàn. Đức Phật sẻ mỉm cười chúc phúc cho chúng ta bởi chúng ta ứng dụng được lời của Ngài dạy, Đức Phật sẽ mỉm cười chúc phúc và thân chinh tới cuộc đời của chúng ta để đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc đời bởi Ngài là kim chỉ nam dẫn chúng ta về với Niết Bàn, bởi Ngài là phương trời cao rộng để cho chúng ta vỗ đôi cánh Thiện Pháp bay lên bầu trời cao rộng đó để hưởng được cái hạnh phúc vô biên, bất diệt.

Các bạn phải biết tôn trọng lẫn nhau. Trong những mối tương tác có thật nhiều người tới nhưng thiếu sự tôn trọng, tới để có được rồi sau đó đi ngược lại chân lý tôn trọng: phá phách hư hại, tàn ác, tàn phá. Thuở nhỏ, Bảo Thành đã từng chứng kiến có những đứa bạn trèo qua hàng rào của hàng xóm để lấy ổi, lấy xoài. Có những đứa trẻ thật là đáng kính, dù không có hàng xóm ở cạnh, nó vẫn thầm xin người ta rồi trèo lên hái xoài, hái ổi, hái cóc nhưng thật là tử tế không làm cho cành, cho cây bị hư. Nhưng ngược lại, có những đứa trẻ tinh nghịch vô cùng, trèo lên cây xoài, cây cóc, cây ổi hái trộm nhà người ta còn bẻ cành phá cây, có được trái ăn mà không biết bảo vệ cây. Đó là bởi vì nó không biết tôn trọng sự sống của cây ổi, cây cóc, cây xoài và cũng không tôn trọng cái con người đã trồng cây đó.

Chúng ta là những người đã được ông bà, cha mẹ thầy cô trồng lên một cái cây có kiến thức hiện hữu trong cuộc đời, chúng ta đang gặt hái cái thành quả của kiến thức đó để nuôi thân. Nếu chúng ta không biết tôn trọng bản thân, phá hoại bản thân, đang làm thân của chúng ta thân tàn ma dại trong những cái đam mê tửu sắc, ăn uống nhậu nhẹt, trộm cắp, nói dối, tà dâm cũng chính là chúng ta không tôn trọng cái cây mà ông bà, cha mẹ, thầy cô đã trồng lên cái nhân cách của chúng ta. Và chúng ta lại càng không tôn trọng những người đã trồng lên, không tôn trọng bản thân tức là hủy hoại bản thân đó qua những điều vừa nói đã là những người thiếu sự tôn trọng với những người bề trên đã trưởng dưỡng, nuôi nấng ta.

Khi chúng ta tiếp xúc với người ngoài, chúng ta có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau để sống thì những cái quan hệ phụ thuộc đó được nâng tầm lên trong sự tôn trọng sẽ trở thành mối quan hệ không phải trao đổi phụ thuộc nữa mà là những mối quan hệ dâng hiến để phụng hiến cho nhau, sống bình an và hạnh phúc, một sự tương tác, tôn trọng tuyệt phẩm của cuộc đời.

Đơn giản vậy thôi, lời Phật là như thế, lời Phật ứng dụng đơn giản như vậy!

Trong mối quan hệ của các bạn tương tác với muôn người, các bạn nhìn lại một chút xem các bạn tương tác với họ như thế nào? Bằng sự đón nhận, tôn trọng và trao đi cũng trong sự dâng hiến tuyệt đối tôn trọng hay không?

Đã là người như chúng ta, Bảo Thành và các bạn sẽ sai lầm, đã sai lầm và luôn sai lầm nhưng hôm nay sự hướng dẫn là để chúng ta không bao giờ sai lầm và sẽ nhìn lại những chuyện đã sai lầm để không còn sai lầm nữa. Tuổi đời có là bao, nửa đêm không biết có còn thức dậy được nữa không các bạn? Giữa đêm, giữa canh giữa cuộc đời, hơi thở này vào, ra ta có còn tồn tại nữa hay không? Chính vì sống ngay trong cái hơi thở Chánh Niệm, có một đời sống trong Chánh Niệm, chúng ta biết tôn trọng khi tương tác với muôn người là chúng ta tăng thêm tuổi thọ của mình, tăng thêm tuổi thọ đối với những người ta tương tác. Các bạn hỏi tại sao tôn trọng nhau trong tương tác ta lại tăng thêm tuổi thọ? Ta lại tăng thêm tuổi thọ cho người và cho ta?

Các bạn thấy không? Khi con gà tương tác với cây hoa, nó không có tôn trọng nên không những hoa có đời sống ngắn ngủi và rồi gà kia có còn thức ăn nữa đâu? Trong nay, mai nó cũng sẽ bị giảm tuổi thọ, rõ ràng như vậy. Nếu như loài ong, loài ong cao quý cỡ nào, khi hút mật của hoa còn biết gieo trồng mầm mống của hoa để kết lên một sự sống mới, như vậy không những tăng lên tuổi thọ cho bông hoa, cho bản thân mà còn mang lại một sự sống mới cho muôn loài. Chúng ta nếu tới với nhau bằng sự tôn trọng tuyệt đối khi tương tác, chúng ta sẽ có một niềm hoan hỷ, hạnh phúc, có sức mạnh trong bình an để chúng ta chuyển được phiền não, đau khổ, những nỗi niềm để rồi chúng ta sẽ an vui. Khi ta an vui bởi sự tôn trọng, khi chúng ta an vui bởi sự tương tác tuyệt đối tôn trọng như vậy, ta sẽ bình an, ta sẽ thấy hạnh phúc và ta sẽ tăng thêm tuổi thọ cho ta và người khi tương tác với ta cũng tăng thêm tuổi thọ.

Nếu ở nhà, con cái tương tác với cha mẹ mà như thù địch thì cha mẹ sẽ chết sớm bởi buồn quá, đau khổ quá. Gương mặt những người cha mẹ mà con cái tương tác như thù địch, bất hiếu, không đúng đạo nghĩa của người làm con thì cha mẹ mau già, thần sắc mau tàn, tuổi thọ mau hết, ngược lại đứa con cũng cằn cỗi theo năm tháng, chẳng thọ là bao. Nhưng nếu một gia đình nào đó, con cái tôn trọng cha mẹ thì cha mẹ sống lâu ở đời với con cái, cha mẹ luôn tươi trẻ, đẹp và mạnh khỏe, ngược lại con cái sáng sủa, học giỏi. Cái sự tôn trọng rất quan trọng, ta cần phải giáo dục nhau, ta cần phải nuôi dưỡng nhau trong sự tôn trọng, tôn trọng thật là cao quý! Nếu như các bạn không biết tôn trọng người khác thì các bạn sẽ sầu muộn, các bạn sẽ mau chết, các bạn biết tôn trọng người, các bạn sẽ mang lại sự sống tươi vui cho các bạn và cho mọi người.

Ở đời chiến tranh cũng chỉ vì không tôn trọng lẫn nhau, ở đời đánh nhau cũng vì sự thiếu tôn trọng. Nói gọn hơn một chút, trong đời sống gia đình giữa vợ chồng, nếu vợ chồng không biết tôn trọng trong sự tương tác mật thiết với nhau thì đời sống hôn nhân và hạnh phúc sẽ chết ngay trong nay, mai, đi đến sự ly dị, ly thân, từ bỏ, biến bạn thành thù. Cuộc đời khổ lắm! Thật là khổ.

Chúng ta phải học theo Đức Phật dạy để sống trong sự tôn trọng, chúng ta phải học cách mà Đức Bổn Sư đã truyền dạy cho chúng ta sống trong sự tôn trọng khi tương tác. Nếu cha mẹ tương tác với con cái mà không tôn trọng chúng, chúng sẽ bỏ nhà ra đi, chúng sẽ trở thành những đứa con thiếu đi sự dạy dỗ của cha mẹ, nó dễ đi vào con đường tội lỗi, hư hại cuộc đời, sát hại những người khác nhưng nếu cha mẹ khéo tôn trọng con cái và khéo nuôi dưỡng con cái trong sự tôn trọng và giáo dưỡng trong sự tôn trọng, chúng sẽ hiếu đạo với cha mẹ và chúng sẽ thành Nhân, thành Danh, thành những con người hữu ích cho xã hội. Gia đình là môi trường giáo dục, giáo dục trong sự tôn trọng, hiếu kính. Giáo dục trong sự tôn trọng khi tương tác với nhau, tương tác từ những suy nghĩ, chúng ta tuyệt đối không để tương tác để khởi lên những ý nghĩ xấu. Khi tương tác với con cái, với cha mẹ, với vợ chồng, với nhân quần xã hội đặc biệt không bao giờ để cho sự tương tác đó khởi lên những ý xấu, như vậy sẽ tổn hại đến sức khỏe của ta và tổn hại đến môi trường sống. Chúng ta phải biết tự giáo dục bản thân của mình, cái niềm kiêu hãnh trong sự tôn trọng lẫn nhau, chúng ta phải nuôi dưỡng cuộc đời của chúng ta trong sự tôn trọng và biết nuôi dưỡng cuộc đời trong sự tôn trọng đối với vật và người khi tương tác. Vật và người chứ không hẳn chỉ có con người.

Nếu tôn trọng ta sẽ tăng thêm tuổi thọ, ta sẽ làm trẻ hóa cuộc đời của chúng ta, ta sẽ làm cho khuôn mặt của ta đẹp, trẻ và dễ thương, ta sẽ làm cho khí phách của chúng ta hiền hòa, dũng mãnh, ta sẽ tăng thêm sức mạnh để dấn thân vào cuộc đời không biết mệt mỏi. Cần phải tôn trọng như:

Ong hút mật hoa

Không hại sắc và hương

Như người khi tương tác

Tôn trọng và yêu thương. 

Các bạn, đây là ứng dụng lời của Đức Thế Tôn, lời của Đức Thế Tôn là nước hằng sống. Nước đó tưới tẩm vào cuộc đời của chúng ta, chúng ta sẽ sống như bông hoa, như cây, chúng ta cần phải tưới, không có nước chúng sẽ chết. Lời của Đức Phật là nước hằng sống, nếu chúng ta biết tưới tẩm vào cuộc đời thì ta sẽ sống mãi, tăng thêm tuổi thọ. Lời của Đức Phật là nước hằng sống, càng tưới, cây càng tốt, đời của ta càng xanh tươi, càng đẹp, càng hoàn thiện cuộc đời theo chiều hướng hướng Thượng và chúng ta sẽ tạo thành một cái môi trường sống hạnh phúc trong gia đình và chúng ta sẽ kiến tạo một cái tâm thanh tịnh ngay trong cuộc đời này, trong những sự tương tác có sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu sự tương tác thiếu tôn trọng từ vợ, chồng, đời sống vợ chồng sẽ chết, mà nếu có sự tương tác bằng sự tôn trọng, đời sống vợ chồng sẽ thăng hoa, tồn tại mãi, hạnh phúc vô cùng, con cái cũng được sống trong một gia đình có sự tôn trọng giữa cha mẹ với nhau, một môi trường tốt, xã hội sẽ tốt đẹp. Tốt đẹp thay cho những gia đình nào biết tôn trọng nhau từ những mối tương tác vợ chồng và con cái.

Các bạn đừng như loài gà ăn rồi bới, phá phách hư hại cuộc đời của người khác. Chúng ta hãy như ong hút mật hoa nha các bạn! Không hại sắc và hương trong những sự tương tác tôn trọng và yêu thương.

Ở đời này, khi tương tác với nhau, tìm được những người đáng kính như cha mẹ thật là khó, không có cha mẹ chẳng có cuộc đời, đã có cha mẹ thì cha mẹ là những Bậc tôn kính, ta cần phải tôn trọng khi tương tác với các Ngài. Vợ chồng là những cái nhân duyên đặc biệt, gặp gỡ nhau trong cuộc đời để sống, ta tuyệt đối phải tôn trọng trong sự tương tác với vợ và chồng. Trong tình bạn, chúng ta cần phải tôn trọng trong sự tương tác, trong xã hội cũng vậy, và trong cái tình Thầy trò, quan hệ trong cái nhân duyên gặp gỡ của cuộc đời, càng biết tôn trọng nhau thì Pháp bảo của Như Lai càng hiển lộ ở trong lòng. Đá không thể thấm nước, tâm trơ trọi như đá bởi chẳng biết tôn trọng thì sao có thể thấm được Cam Lồ nuôi dưỡng thần khí? Nếu tâm của chúng ta mềm mại trong sự tôn trọng, biết nghĩ đến kẻ trên, người dưới, sống hòa hợp, tôn trọng thì thần khí của lời Đức Phật sẽ cảm hóa cuộc đời của chúng ta, sẽ nuôi dưỡng cuộc đời của chúng ta và sẽ giúp cho chúng ta thành tựu được Pháp an lạc trong cuộc đời.

Các bạn thân mến! Chúng ta hãy sống như ong biết hút mật hoa, không hại sắc và hương. Chúng ta đừng sống như loài gà bới bới, ăn ăn cho no mặc kệ cuộc đời chẳng biết mai sau. Đừng như vậy! Hãy như ong hút mật hoa.

Các bạn nhớ, trong khi ta tương tác phải tương tác bằng sự tôn trọng và tình thương với tất cả mọi người, với tất cả những Bậc đáng kính ở bên trên và trong tình nghĩa bằng hữu, bạn bè, người thân, người ngoài và ngay cả ở trong cuộc đời của chúng ta.

Các bạn thân mến! Đây là ý nghĩa để chúng ta chia sẻ trong ngày hôm nay. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy như ong hút mật hoa, không hại sắc và hương, trong cuộc đời khi tương tác, tôn trọng và yêu thương.

Chúc các bạn, các đại chúng và tất cả mọi người chúng ta sẽ thực tập theo lời của Phật để cuộc đời thêm hương sắc, thật là đẹp, thật là tươi, thật là dễ thương bằng sự tôn trọng khi tương tác lẫn nhau để giữ được mối giao hảo trong yêu thương, quý kính để tăng thêm tuổi thọ cho ta và cho người, để cải cái vận mạng của mình cho tươi vui , làm cho khuôn mặt thêm đẹp, cho ánh mắt thêm lung linh với cái Pháp Thiện hướng Thượng sẽ giúp cho đời trẻ, đẹp, khỏe mạnh, sẽ giúp cho muôn người hạnh phúc và an vui.

Cám ơn các bạn đã nghe Bảo Thành chia sẻ ngày hôm nay, nếu như chúng ta đã trì Đại Bi Chú, Thất Bảo Huyền Môn có được phước đức nào xin hồi hướng cho tất cả đồng thành Phật Đạo. Chúng ta cũng hồi hướng cho nhau biết tôn trọng khi tương tác. Cám ơn tất cả các bạn!                                                                        

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts