Search

Thi Ân Bất Cầu Báo

Bảo Lạc đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Nguyện xin Chư Phật Mười Phương ban rải năng lượng Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn, chúng ta lại gặp nhau trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, cám ơn các bạn đã đăng nhập vào kênh Youtube này.

Các bạn thân mến, cuộc đời thật là nhiều cảnh sống mà làm cho mỗi người chúng ta khi nhìn thấy phải tư duy một chút. Có những cảnh sống khi nhìn vào cứ làm thổn thức trong lương tâm của mình hoài. Bởi đâu đó chắc chắn mọi người đã than oán rằng: ta giúp người mà người chẳng có nhớ ơn, mà còn trả oán nữa. Rồi cứ đồn qua nói lại, người ta lại nói với nhau: đó thấy không, mình làm ơn mà mắc oán. Mà câu “làm ơn mắc oán” nó trở thành một thương hiệu quá quen thuộc đồn thổi trong dân gian để rồi những người thích làm phước thiện phải chùng tay, dừng bước sợ hãi. Bởi chính những người làm thiện, người có tâm hay giúp đời đó, đôi khi giúp người ta, làm ơn mà mắc oán. Làm ơn cho họ mà họ còn chửi, làm ơn mà họ không biết ơn họ còn chửi, đôi khi họ còn hại lại mình. Và thế là câu “làm ơn mắc oán” nó trở thành một định nghĩa, một chân lý để ai cũng sợ. Rồi đâm ra không biết làm thiện nữa. Hoặc đang làm thiện rồi ngưng hoặc chưa làm thiện rồi không dám làm. Làm làm chi, làm ơn mắc oán, cứ như vậy hoài. Rồi trong cuộc sống mỗi người chúng ta chẳng còn có tâm cảm yêu thương thật sự.

Một câu chuyện có một ông trưởng giả giàu có. Ông này có một đứa con duy nhất bị bệnh, ông ta giàu dữ lắm. Mà bệnh của con chữa hoài không có hết. Mà nhà giàu con bệnh chữa không hết ông đau lòng và buồn. Ông mới công báo cho thiện hạ biết rằng: nếu ai đó mà có thể chữa lành bệnh của con, ông hứa ông trao tặng gia tài của ông ta. Rồi có một vị bác sĩ tới chữa bệnh cho người con. Sau một thời gian người con hết bệnh và khoẻ. Nhưng ông đại phú này không trao tặng gia tài như lời hứa của mình. Ông thất hứa, một thời gian dài sau con của ông lại lâm bệnh nặng. Cũng chữa không khỏi và ông ta lại nói lời hứa nếu ai chữa khỏi, ông ta sẽ trao gia tài của ông ấy cho. Vị bác sĩ năm xưa lại tới và cũng chữa khỏi cho đứa con. Thế nhưng người đại phú này không trao tặng gia tài. Hứa mà không làm, thế đấy. Cuộc đời hứa mà không thực hiện lời hứa của mình. Một thời gian dài sau, con của ông đại phú lại bị bệnh, bao nhiêu người chữa cũng không lành. Rồi lại mời ông bác sĩ năm xưa tới để chữa bệnh. Ông bác sĩ mang lòng oán giận. Hai lần trước ngươi đã hứa, ta đã chữa bệnh. Nhưng ngươi không thực hiện lời hứa. Do đó, ông thầy thuốc này đã không dùng những thứ thuốc năm xưa trị bệnh cho con của ông đại phú. Trị bằng phương pháp khác, đại khái là tới trị bệnh bình thường. Thế rồi đứa con của ông đại phú lâm bệnh nặng và mất đi. 

Câu chuyện tưởng chừng chỉ có vậy. Nhưng nó hàm một ý rằng: trong cuộc sống của chúng ta, nếu như chúng ta thi ân mà cầu báo, làm phước mà muốn mong đáp lại phước báu của chúng ta. Tức là chúng ta tham đó, tâm tham mà làm. Ông bác sĩ kia chẳng qua cũng là một người tham kho báu của người đại phú, chữa bệnh vì tiền tài, danh vọng. Chẳng phải lương y như từ mẫu, chẳng phải là một vị bác sĩ chữa bệnh với tâm thiện tới chữa vì bệnh nhân, nhưng tới chữa bởi vì lời hứa. Để rồi lần thứ nhất thất hứa, lần thứ hai thất hứa ông bác sĩ ôm hận vào trong lòng. Thế là bao nhiêu hận ngày tháng dồn dập đã biến thành hành động mà giết hại chết một con người. 

Các bạn thân mến, Đức Phật dạy: “thiện bất cầu báo.” Mà trong con người, trong thế gian này những bậc thầy, ngay cả những vị lớn tuổi cũng thường hướng dẫn cho chúng ta khi làm một việc gì đó giúp đời, chúng ta không nhất thiết phải cầu ân để trả lại. Hãy trao đi tất cả mà đừng mong cầu được hoàn trả. Bởi với tâm cho mà để lãnh nhận trở lại, cầu lãnh nhận trở lại thì ta đâu có làm với tâm thiện đâu. Vị bác sĩ kia tới chữa bệnh không làm bằng tâm của một vị từ mẫu thương yêu. Mà làm bằng tâm tham. Từ tâm tham đó nó rất dễ sân hận, khi mong muốn có được điều hứa của ông đại phú.

Vẫn biết trong cuộc sống, biết bao nhiêu con người đối xử thật thậm tệ với ta. Họ hứa đủ điều để rồi khi ta tới, ta trao tặng cho họ, ta làm việc giúp họ. Nhưng họ không biết mang một lời cám ơn, tri ân, thậm chí còn gây oán cho ta. Nhưng đã là người làm việc thiện đó, thi ân đó chúng ta phải tự hỏi: ta làm việc thiện thi ân đó với tâm trạng như ông bác sĩ kia để cầu lợi, cầu danh, cầu tài hay ta làm bằng tâm thiện. Nếu làm như tâm trạng của bác sĩ kia thì tốt nhất chúng ta đừng nên làm. Còn nếu như chúng ta làm việc thiện thi ân với người khác bằng tâm thiện thực sự thương xót, thương yêu đồng loại. Cái tâm bác ái từ bi thì chúng ta không màng tới sự trả ân của người khác. Cho đi, bố thí, thi ân mà không cầu báo mới có được phước báu vô lậu, không phiền não. Vô lậu tức là không rỉ ra phiền não, lậu tức là phiền não. Chúng ta thi ân mà vô cầu báo, không cầu được báo trả, thì tâm ta không có phiền não. Còn chúng ta thi ân mà cần sự đáp trả thì khi họ không có đáp trả như ông bác sĩ đó, phiền não vô cùng. Trời ơi! Mình làm ổng hứa mà ông không thực hiện lời hứa. Rồi cứ dằn vặt trong tâm, cứ suy nghĩ mãi tâm tham muốn cầu đó, muốn người ta trả lại ân đức đó. Đã biến thành sân hận, vô tình nó phát triển lớn quá. Chuyển hoá không kịp, biến thành hành động giết người, hại vật, gây đau khổ cho muôn người.

Từ thiện, bố thí là những công việc thật là tốt, giúp đời với khả năng vốn có, sẵn có. Thật là tuyệt vời trong thế giới từ xưa cho tới nay, với cộng đồng nhân loại, rất cần những tấm lòng bác ái, từ bi, biết thương yêu, trợ giúp khi đói khát, khi bệnh hoạn, khi đau khổ. Đó là sự san sẽ yêu thương, đùm bọc trong cuộc sống. Để xã hội chúng ta sống ấm êm và hạnh phúc, an lạc và tươi vui. Nhưng chúng ta vẫn phải học hạnh của thánh nhân, hạnh của Phật dạy cho chúng ta “thi ân bất cầu báo”. Nếu chúng ta làm việc thiện bên tay trái đừng để tay phải thấy. Mà nếu như chúng ta làm việc thiện bên tay phải đừng để tay trái thấy. Hay đúng hơn tay trái, tay phải có thấy, mọi người có thấy thì trong tâm của chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ tới sự phải đền đáp công ơn ta làm việc đó. Mà chúng ta hành việc thiện đó bằng tâm từ bi, yêu thương không cầu đền đáp. Chỉ mong rằng như một tấm gương để muôn người noi theo gương đó mà làm từ thiện, làm phước, mở rộng lòng yêu thương, từ bi, giúp đỡ đến nhau. Đừng để tâm tham, tham danh, tham tiền, tham tình, tham vật chất, tham tất cả. Nó làm chủ sự ham muốn, để rồi khi làm một việc gì đó luôn mong cầu được đền đáp. Sự mong cầu đó mà không được đền đáp sẽ biến thành sân hận, nguy hiểm vô cùng. 

“Thi ân bất cầu báo” là câu phải tâm niệm ở trong lòng để cho những ai có tâm hạnh từ bi, bác ái. Lấy đó là tiêu chí vững chắc trên con đường hành thiện, để tạo phước. Chúng ta thi ân, không cầu báo. Chúng ta làm thiện không mong đền đáp. Chúng ta giúp đỡ người mà chẳng mong được trả, chúng ta trao yêu thương mà chẳng cần có lại hay không. Mà nếu như chúng ta có một chút xíu tâm niệm như người bác sĩ kia thì tiếng thị phi ở đời “làm ơn mà mắc oán” sẽ quàng vào cổ chúng ta, sẽ siết cổ chúng ta thở không được. Chúng ta sẽ cáu giận, oán than: trên đường đời sao có kẻ ta làm ơn mà còn bị oán. Để rồi câu đó mặc định như một chân lý để mỗi người dừng hẳn việc thiện, không biết làm việc bác ái. Để biến tâm thiện thành tâm giận dữ, sân si. Để biến con người đang có lòng rộng rãi, yêu thương thành con người ki bo, keo kiệt, giận hờn. Để biến chân lý bác ái, từ bi là phước báu thành chân lý “thi ân mắc oán, làm ơn mắc oán”. Để biến trí tuệ hiểu biết thành vô minh lầm lạc. 

“Thi ân bất cầu báo.” Lòng khoan dung độ lượng, lòng từ bi bác ái khi trao ra hỗ trợ đừng cầu trả lại, đừng cầu phải hồi ân. Vị bác sĩ kia có tài mà thiếu chút đức. Làm việc trị bệnh chỉ mong cầu được hưởng tiền tài của người khác. Vì thế khi không có, tâm của anh ta, của bác sĩ đó đã biến đổi thành tâm sân hận. Đừng để cho tâm tham biến thành hận thù, để vô tình tạo nghiệp sát. Ta không giết người bằng gươm giáo, bằng thuốc như vị bác sĩ kia. Mà đôi khi ta giết người bằng những lời nói sắt hơn dao. 

Các bạn của Bảo Thành thân mến, hãy tiếp tục làm việc bác ái, yêu thương mọi người với tâm thế như lời Phật khai thị “thi ân bất cầu báo”. Chính vì chữ làm ơn, chính vì cái chữ mà làm việc từ thiện giúp đỡ đời mà chẳng cần mong cầu hồi ân trở lại, ta sẽ tạo thành vô lượng phước báu trong sự an lành. Đừng biến mình trở thành một vị bác sĩ của câu chuyện này. Để lòng tham biến thành sân hận, để tình thương biến thành lửa, sắt, giết chết cả một con người bệnh hoạn đang cần tới ta. Chẳng màng tới lời hứa, tiền bạc, danh văn, địa vị. Chỉ màng tới ta là con người có tấm lòng rộng, từ bi và bác ái. Ta hành theo tâm thiện chẳng mong cầu được trả ân. 

Cám ơn các bạn đã nghe qua đoạn gợi ý này ngày hôm nay. Cầu chúc các bạn sống thiện và an vui.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts