Search

Tên Trộm Và Thiền Sư

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến! Sống sao cho phải đây? cuộc sống phức tạp quá phải không các bạn? Sống sao cho đủ đây? Cuộc sống thật là thiếu thốn mọi thứ, và khi có chúng ta không bao giờ biết đủ. Sống sao cho phải lòng người đây? Bởi làm biết bao nhiêu thứ vẫn sai, và vẫn có kẻ chê người trách. Đời người, Ôi! biết bao nhiêu thứ quá! Đức Phật dạy cho chúng ta cách sống để vui đó các bạn ơi. Không phải sống để phiền não đâu, học một chút là sẽ vui. Như câu chuyện kể như vầy.

Có một vị Thiền sư đang ngồi thiền ở trong cái thất của Thiền sư. Thiền sư từng một mình ở trong thất. Có một tên trộm mò vào trong thất của thiền sư khi Ngài đang ngồi thiền để ăn trộm. Thiền sư đang thiền nghe thấy và biết có tên trộm đang lục đồ. Thiền sư liền hỏi: “Ngươi tới đây để lấy cái gì?” Tên trộm nói: “Tiền ở đâu? Ta muốn lấy tiền” Thiền sư nói: “Ở trong cái tủ, ngăn kéo thứ hai” Tên trộm mở cái ngăn kéo thứ hai lấy hết tiền, rồi nó hỏi: “Còn gì nữa không?” Thiền sư nói: “Còn ít gạo ở trong cái hũ ngay dưới nhà bếp” Nó đi xuống vơ vét gạo để mang đi. Thiền sư mới nói với theo: “Có lấy thì nhớ để lại một chút gạo, không ngày mai ta sẽ không có gạo nấu cơm để ăn” Tên trộm chẳng màng tới điều đó, lấy hết tiền, vơ hết gạo, quay mặt ra đi. Thiền sư nói với theo: “Đã lấy hết rồi trước khi đi cũng phải nói một lời gì chứ, sao lại đi im lặng như vậy?” Tên trộm mới nói với theo: “Cám ơn!”

Thiền sư lặng lẽ đi vào thiền định khi hai chữ “cám ơn” vừa nói ra. Còn tên trộm chạy băng băng xuống dưới núi như một kẻ vô hồn, vô nghĩa, trong tâm trạng rối bời dù trong tay có tiền của Thiền sư, có gạo của Thiền sư. Khoảng một thời gian trôi qua, tên trộm đó vẫn y theo cách đó mà đi ăn cắp, nhưng bị quan bắt được, quan tra tấn đánh đập tên trộm mới khai ra đã có một lần ăn trộm của Thiền sư ở ngay trên cái thất. Khi quan mang tên trộm này tới Thiền sư tra hỏi để lấy lại lý lẽ và chân lý cho Thiền sư. Quan mới hỏi tên trộm: “Tại sao? và có phải chăng người đã ăn cắp của Thiền sư?” Tên trộm khai ra nhưng Thiền sư nói: “Không! Anh ta không ăn cắp của tôi một thứ gì, tất cả tiền bạc và gạo là do chính tôi tặng cho anh ta. Anh ta có quyền lấy đi.” Tên trộm nghe thấy như vậy chột dạ sửng sốt vô cùng. Nhưng còn những sự ăn cắp của những nơi khác khai ra chứng cứ đã rõ ràng, nên tên trộm bị quan bắt đi nhốt vô tù.

Một thời gian dài sau được thả ra, tên trộm mò tới cái thất của vị Thiền sư kia, quỳ xuống đa tạ tấm lòng của Thiền sư khi xưa”. Chính vì trong suốt thời gian ở trong tù, tên trộm đã suy nghĩ thật là nhiều vào cái câu: “Thiền sư đã tặng” và cái câu Thiền sư đã nói: “Hãy để lại một chút để ngày mai ta có cơm”, nhưng tên trộm đã mang đi hết. Thao thức bao nhiêu năm trời vì hai câu nói là “Cám ơn!” “Tặng đồ” và không để lại một chút gì đó cho Thiền sư nấu cơm. Mấy mươi năm ở trong tù đó đã thay đổi bởi sự đương đầu với những lời nói suy nghĩ miên mật. Tên trộm khi ra tù đã hiểu được chân lý của cuộc sống. Tìm tới cái thất quỳ xuống mà xin vị Thiền sư nhận làm đệ tử để được tu. Thiền sư không có ý nhận, nhưng vì tâm huyết quỳ mãi ở ngoài với sự thành tâm chí nguyện tu để giải thoát, thiền sư đã nhận tên trộm làm đệ tử.

Các bạn! Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người của chúng ta ở một kiếp nào đó hay ngay trong kiếp này, đã từng làm một tên trộm. Chẳng trộm tiền của người, chẳng trộm gạo của người, ta có thể trộm đi nhân phẩm danh dự của người khác, mà chẳng để lại một chút gì đó gọi là để cho họ còn có để tồn tại mà lấy hết, mà cũng chẳng biết nói một lời cảm ơn. Không những vậy mà ở trong cuộc đời, có những con người khi được sự giúp đỡ của người khác, họ đã thầm trộm đi tiền tài, danh vọng, địa vị, không một lời cảm ơn để lại cho người khác. Như có những người đi làm, ông chủ rất thương mến tin tưởng, trao cho giữ chìa khóa, nhưng rồi người đó đã âm thầm lấy đồ. Cuối cùng cũng tìm kế để hại chết ông chủ, chẳng một lời cảm ơn. Ông chủ biết đấy, có thể âm thầm vì cảnh nghèo khổ để cho người ta lấy một chút gọi là sống. Nhưng ta chẳng biết tri ân, cảm ơn, ngược lại tìm đường để giết chết ông chủ.

Chúng ta phải biết hổ thẹn với những việc ta làm gọi là “lừa thầy phản chủ”. Thiền sư đã giáo dục một tên trộm trong một phương thức tuyệt vời là: Khi bị bắt, Thiền sư nói rằng: “Không! Ta đã cho”. Khi lấy đồ nhắc nhở “sao không cảm ơn”. Và chính cái câu này là câu đánh thức lương tâm của kẻ trộm và câu thứ hai “đừng lấy hết, hãy để một ít lại, ngày mai ta có đồ ăn”. Chúng ta có thể lấy đi thật nhiều từ những người thương yêu, nhưng hãy nhớ rằng đừng “Cạn tàu ráo máng” đừng lấy hết, đừng chà đạp, đừng tiêu sạch, giết sạch, hại sạch, tổn phước vô cùng, nghiệp chướng thật nhiều.

Đức Phật dạy cho chúng ta để chúng ta không trở thành những tên trộm đào tường, khoét vách, đi lấy của người không cho. “Không trộm cắp” là giới thứ hai. Mà lỡ trong cuộc đời của chúng ta là trộm cắp, nhớ rằng: Dù là Thiền sư có nói theo hay không nói theo, bởi khi ta trộm, ta gặp người hay ta không gặp người, thì cũng nhớ vì một hoàn cảnh nào đó đưa đẩy ta tới, thì ít nhất phải nhớ giữ được cái nhân phẩm tối thiểu rằng: Tri ân những người đã tạo ra để ta lấy đi mà tồn tại, bởi hoàn cảnh của ta. Nhưng sau đó nhất định phải sám hối. Bởi có những con người rơi vào hoàn cảnh không thể tự kiềm chế tính tham, hoặc một hoàn cảnh nghèo đói túng thiếu. Nhưng nhớ rằng: Dù là hoàn cảnh đó đi nữa luôn luôn phải biết tri ân và sám hối để sửa sai đó. Đừng để bắt được, lao tù hai mươi mấy năm trời trở lại sám hối. Tuy không muộn, nhưng hãy nhớ: Giá trị của con người nằm trên câu nói của người xưa: “Đói cho sạch, rách cho thơm” Dù đánh chết cũng nhất định không thể trộm cắp lấy của không cho. Mà lỡ lấy rồi cái đó thuộc về quá khứ, phải biết sám hối các bạn ạ.

Nghĩ lại trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn, nhất định chúng ta đã từng là những kẻ trộm, lấy đồ không cho. Ta phải biết hổ thẹn nha các bạn. Phải biết sám hối và phải biết trở về với cái tâm chân thật, để trực diện như tên trộm đến với Thiền sư. Đến với Thiền sư sám hối và xin tu, chúng ta phải tìm đến cái tâm chân thật của mình, thành kính đối với Phật, sám hối và đi theo chân lý, giáo lý của Ngài dạy để cải sửa cuộc đời của mình. Bạn và Bảo Thành nhất định không nhiều thì ít, không ít thì nhiều, đã từng là những tên trộm. Tên trộm của cuộc đời xâm nhập vào nhân cách tư tưởng, xâm nhập vào cách sống, xâm nhập vào nhà của người ta, xâm nhập vào cuộc sống của người khác, để lấy đi một vài thứ gì đó. Ai cũng từng như vậy, nhưng hãy nhớ đến câu của ông bà, cha mẹ, từ nay sám hối rồi thì phải nhớ rằng: “Đói cho sạch rách cho thơm.” Đừng vì đói, vì rách mà chúng ta đâm ra ăn cắp ăn trộm, lừa thầy phản chủ, sát hại đến người khác. Đừng đợi đến lúc vào trong tù nghe các bạn. Kẻ trộm kia vào trong tù còn có cơ hội thoát ra, chưa chắc chúng ta vào ngục tối rồi có thể thoát ra được nữa đâu. Cho nên sám hối càng sớm, sửa lỗi lầm của mình càng sớm, ta sẽ có nhiều cơ hội để sống lại cuộc đời mình. Rất cần! Thiền sư đã nhận tên trộm làm đệ tử. Đức Phật không khước từ chúng ta. Ngài luôn luôn nhận chúng ta quay trở về, bởi vậy mới có câu:

“Hồi đầu thị ngạn” Hồi đầu thị ngạn, dù các bạn đã làm chuyện gì, đã sai như thế nào? Không cần biết! Cố gắng hồi đầu trở lại. Cuộc sống rất tuyệt vời khi mỗi người chúng ta biết quay trở lại với con đường chân chánh. Cảm ơn các bạn đã nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts