Search

Quý Nhân Đã Tới

Một câu chuyện gợi ý cho chúng ta suy nghĩ để từ đó chúng ta sống cho an vui khi mà thế giới ngày hôm nay khác với thế giới của ông cha ta.  Ông cha ta có những thời gian thong dong tự tại, kinh sách nhẹ nhàng, và có những giờ giấc để trầm ngâm suy nghĩ, đàm đạo như là những buổi trà đạo…

Nhưng ngày nay kinh tế phát triển, một thế giới mở rộng và nền kinh tế lệ thuộc lẫn nhau, xoay vòng với một tốc độ thật nhanh, chóng mặt.  Chính vì tốc độ xoay như vậy mà mỗi một người chúng ta, sau những chuỗi ngày thật dài làm việc mệt mỏi khi nằm xuống vắt tay lên tráng, có lẻ cứ than thở hoài cho số phận của mình sao mà cơ cực như thế.  Rồi cuộc đời cứ lăn lộn mãi mà chưa thành tựu được bao nhiêu ước mơ cao cả.  Mới đầu thì nằm suy nghĩ, tự than thân trách phận cho chính mình, sau đó than vãn với những người trong nhà, rồi đến ra ngoài cũng than.  Có những người khi làm việc ở bên ngoài về, bao nhiêu sự cực nhọc khó khăn vất vả ở ngoài đem về đặt lên bàn cơm.  Và như vậy, những người trong gia đình cảm thấy nặng nề.  Bữa ăn là một buổi tuyệt vời của gia đình để chia sẻ cho nhẹ, nhưng chúng ta lại quên rằng về nhà nên đoạn đi tất cả những chuyện bên ngoài, mà thay vào đó lại đem những chuyện bên ngoài đặt để lên mâm cơm nên bữa ăn quá nặng nề, khó có thể thông cảm và chia sẻ

Từ đó mà chúng ta vẫn hằng mơ ước có dịp hưởng được những điều gì đó như ngồi cầu nguyện, ngồi mơ tưởng rằng có của ở đâu đó, từ trên trời, hay từ ai đó, một quý nhân đi ngang qua thả một hủ vàng để ta có thể thoát khỏi cơ cực trong cuộc đời

Có một anh chàng cắt tóc.  Thường người thợ cắt tóc là làm việc từ phần cổ lên tới phần đầu của người khách, cho nên khi cắt tóc thường hay tâm sự chia sẻ.  Nhưng anh chàng cắt tóc ở kinh thành này lỗi lạc đến mức mà quan quyền vua chúa đều tới cắt tóc nơi anh ta.  Chỉ có một điều là với bao nhiêu năm cắt tóc cho toàn quan quyền lớn, số phận của anh ta vẫn nghèo.  Cho nên khi cắt tóc, anh ta đứng ở đằng sau, chỗ của người thợ, ca khúc rỉ rả của loài dế, than vãn về cuộc đời cơ cực, từ đời ông bà tổ tiên truyền nghề cắt tóc cho tới tận nay, thế mà vẫn khố rách áo ôm, cơm không đủ, nhà không có, vẫn cơ bần như thế.  Lời than của anh ta cứ đi từ lỗ tai của người này đến lỗ tai của người khác.  Thế nên một hôm, có một vị quan đi tới cắt tóc, nghe lời than van và truy cứu lịch sử đó, thấy thương cho một người nhiều đời truyền nghề cắt tóc, ai cũng yêu mến, thế nhưng lại nghèo.  Vâỵ nên, để muốn tặng một điều gì làm thay đổi cuộc sống, ông quan nhét thiệt nhiều vàng vào một ổ bánh mì thật lớn, tặng cho anh ta ổ bánh mì. Khi anh ta có được ổ bánh mì, cám ơn ông quan.  Anh ta tiếp tục cắt tóc, chẳng ăn bánh mì bởi vì anh ta đã no hơi với sự than vãn nghèo khổ với muôn người cứ liên tục như vậy.  Người thợ cắt tóc chỉ ăn một chút là đủ rồi, rồi cứ than, than riết mà hơi nó đầy bụng.  Khách tới khách đi, khách đi khách tới, anh ta chẳng ăn ổ bánh mì kia.  Cho đến chiều, ổ bánh mì hình như cũng sắp hư.  Có một người nông dân tới cắt tóc, đói bụng quá, và thấy ổ bánh mì hình như bốc mùi sắp hư, mới hỏi người cắt tóc:  Tôi nay quá đói bụng, mà ổ bánh mì của anh gần hư rồi, anh có ăn không?  Người thợ cắt tóc nói tôi no rồi không ăn, nếu anh muốn, anh cứ dùng.  Cắt tóc xong, người nông dân thỉnh ổ bánh mì đó và đi về nhà, ăn một cách ngon lành.  Cắn dăm ba miếng thật lớn, cụp một cái, gãy cả cái răng cửa, anh ta mới nhận ra trong đó có mấy thỏi vàng thật là to.  Biết làm sao đây, anh ta ngước đầu lên, cảm ơn quý nhân đã ban tặng vàng.  Và từ đó, anh ta đã đi đến một ngôi làng thật xa để tránh sự tranh chấp, bắt đầu một cơ ngơi mới, phát triển cuộc sống sung túc và đầy đủ hơn.   Ông quan thấy ngỡ ngàng vô cùng, vì lần trước cắt tóc đã tặng vàng rồi mà sao anh thợ vẫn cứ than.  Anh ta cứ than vãn hoài như vậy.  Khi hỏi tới ổ bánh mì hôm trước tặng cho anh như thế nào, ăn có ngon không?  Nhưng anh thợ hình như chẳng màng tới ổ bánh mì, vẫn tiếp tục than vãn. Cho tới khi cuối ngày, câu chuyện cũng vãn, sắp sửa chia tay, ông quan mới hỏi lại lần nữa:  Vậy ổ bánh mì tôi tặng cho anh lúc trước đâu rồi?  Anh ta nói: Ồ, lúc đó tôi no không ăn và để nó bị ôi, có người tới xin, tôi đã tặng cho họ.  Ông quan chỉ mỉm cười, vì ông ta biết rằng đã tạo điều kiện tất cả cho người thợ cắt tóc này thay đổi cuộc đời, nhưng anh ta chưa đủ phước báu để nhận được phần đó.  Do vậy, vàng đã trôi vào tay một người mà chính ông quan cũng chưa hề biết. Ông quan thầm chúc phúc cho ai đó có được những thỏi vàng mà anh ta đã có qua ổ bánh mì bị ôi. Đáng lẻ chính người thợ cắt tóc cần phải ăn, lại không ăn, cần phải có, lại không có, cần phải được, nhưng lại không được.   Quan ngẫm nghĩ, ông trời có mắt.  Ai có phước thì hưởng.  Của tới tận tay, nhưng không có phước cũng không hưởng được. 

Các bạn thân mến, câu chuyện có vẻ đơn giản, nhưng có đấy. Trong cuộc đời, có nhiều người như chúng ta, có những lúc thầm mơ ước có được cơ hội để thành tựu một điều gì đó tốt đẹp.  Nhưng khi cơ hội tới, chúng ta không nhận ra, chúng ta để nó trôi mất khỏi tầm tay.   Con mắt không khéo léo tinh tường nhận ra, hay chính vì số mệnh chưa được hưởng khi quý nhân đã gõ cửa ngồi ngay tại nhà.  Cho nên số vàng bạc đã chuyển trao vào tay người khác.  Bạn và tôi có nhiều lúc có cơ hội đã đến.  Cơ hội để có tiền, cơ hội để có danh, cơ hội để có quyền, hay cơ hội để sống một đời sống tinh tấn chánh niệm.   Dù cơ hội về vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị, hay là cơ hội để chúng ta tiến lên một đời sống tốt đẹp hơn. Chúng ta đã bỏ quên rằng chúng ta đã có quý nhân, hay những bậc minh sư, những vị thầy đã tìm tới qua nhân duyên khai thị.  Chúng ta đã bỏ quên trong dòng đời nổi trôi để lăn vào sự bận rộn của cái miệng, cứ than vãn hoài làm chúng ta không sống được với thực tại rõ ràng, nhận thức cho rõ.  Bởi vậy cơ hội tới rồi cơ hội đi, quý nhân tới rồi quý nhân cũng bó tay tạm biệt bởi ta không nhận ra để đón nhận.   Anh chàng cắt tóc đã có vàng trong tầm tay.  Những thỏi vàng đó có thể thay đổi cả cuộc đời, và có thể trở nên một vị tài phú.  Nhưng của đến tay vẫn không lấy được, chính là do anh ta không sống trong hiện tại.  Anh ta cứ miên man trong những câu chuyện du thử của quá khứ.  Những cái than truyền kiếp, riết rồi tạo thành thói quen như là một tập khí.  Nghĩa là một lực vận hành, lôi kéo anh ta đi mãi trên những tư tưởng như vậy.  Như con trâu bị xỏ mũi kéo cày, cả cuộc đời chẳng biết phải làm gì.  Bởi vị bị xỏ mũi rồi, chỉ biết kéo cày, ăn cỏ, vậy thôi.  Ở đời cũng như thế, chúng ta có những thói quen.  Hay than vãn cũng là một thói quen xấu, bởi vì cái nghiệp đó, lực đó kéo chúng ta rời xa hiện hữu.  Vì vậy chúng ta thường bị sa ngã, không nhận thức được chúng ta cần phải sống trong hiện tại.  Bao nhiêu cơ hội tới trong tầm tay đều vuột mất bởi ta không an trú ngay tại nơi đây.

Đức Phật dạy cho chúng ta, người Phật tử phải làm sao một lần dứt khoát những chuyện đã đi qua, và đừng với tay xa quá để tìm kiếm những chuyện hư ảo chưa tới.  Ngay trong hiện tại phút giây này sống, nhận, và tri ân những gì tới với chúng ta.   Chúng ta cần nhận biết được cái tới, cái đi ngay trong hiện tiền này.  Đừng níu kéo cái đã ra đi, để rồi dệt nó thành một tấm vải che kín cả tương lai, phủ lên mặt của ta, không còn thấy gì.  

Mỗi người chúng ta luôn luôn có nhiều cơ hội phước báu tới với mình. Nhưng chúng ta cần có một sự tỉnh thức, tỉnh giác để nhận ra và lãnh nhận nó.  Còn không, khi nó tới thật sự đó, trước mặt, ta cũng không nhận ra.   Và như vậy ta cứ bị kéo trượt vào kho quá khứ than vãn mãi không thoát được.  Như con nhộng nằm trong cái kén, nếu không một lần cắn nát cái kén để chui ra hóa thành bướm bay lên thì cả cuộc đời nó bị cái kén đó bao trùm trong bóng đêm.  Quá khứ như một cái kén chụp đầu chúng ta.  Nếu muốn vươn ra bên ngoài, phải dùng thật nhiều sức mạnh.   Cái kén bảo vệ con nhộng, nhưng phải phá cái kén đó, nó mới thoát thành bướm.   Quá khứ bảo vệ ta, vì đó là kinh nghiệm giúp ta không tái tạo những điều gây ra nghiệp xấu.  Nhưng không phải cứ dùng quá khứ đó, như cái kén, chụp cả cuộc đời ta lại.  Hãy một lần dũng mãnh cắn đứt cái kén của quá khứ.  Đừng bao trùm nữa, sống ngay trong hiện tại, như con bướm vỗ đôi cánh bay lên thong dong.

Thật nhiều cơ hội ghé đến mọi người chúng ta.  Chính đức Thế Tôn luôn ghé ngang cuộc đời, bằng nhiều phương tiện trao tặng cho chúng ta trí tuệ, suy nghĩ để tiến lên.  Như ông quan kia đã trao cơ hội cho người cắt tóc… Nếu anh ta bớt nói, bớt than, có lẻ ổ bánh mì kia anh ta sẽ được hưởng khi còn thơm ngon kìa, chứ đâu có chờ cho đến khi nó bị thiu, bị ôi rồi mới tặng cho người khác.  Hãy đón nhận những gì đang tới với chúng ta bằng cách sống tỉnh thức ngay trong hiện tại

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts