Search

Quốc Sư Thông Tuệ

Bảo Giác Tường đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh facebook “Chua Xa Loi”.

Các bạn!  Ai ai cũng muốn có một đời sống thanh bình. Ai ai cũng có một đời sống như những đời sống của người khác, lẫn lộn trong sự an bình, đau khổ và phiền não; nhưng ước muốn là chúng ta muốn sống an bình, thanh bình và hạnh phúc. Bảo Thành đi thẳng vào một câu chuyện thời xưa, thời lập quốc của hai quốc độ nọ. Một ông vua, người anh thì làm vua ở quốc độ này, người em làm vua ở quốc độ kia. Người anh có trí tuệ cao siêu, lại có lòng muốn lấn chiếm đất đai của những quốc vương khác để làm cho đất nước của mình lớn. Lòng tham mà mở mang bờ cõi làm cho quốc độ hưng thịnh bằng chiếm đoạt, cho nên người anh lại có võ có tài, vừa là vua mà cũng như một quan võ, càn quét khắp nơi, mở mang bờ cõi, chiếm đoạt của những nước lân bang nên giàu có, nhưng ngược lại dân chúng thì thống khổ sợ hãi. Người em thì ngây thơ, được làm vua một quốc độ, thấy dân chúng làm việc bình an, quốc độ cũng đủ lớn để cai trị, nên chỉ nghiên cứu về ngành nông, phát triển kinh tế cho dân được thịnh vượng và luôn luôn khuyến mọi người tu đạo, tu tâm và sống hiền lương mộc mạc. Dân chúng ở trong quốc độ đó thấy ông vua này lòng không tham, gần gũi với dân, cho nên dân chúng hạnh phúc lắm, mặc dù quốc độ của ông ta không giàu có, không tiền bạc, cung đình cũng không xây dựng lớn lao như ông vua anh, nhỏ nhỏ như những túp lều sống quây quần cùng với người dân.

Hai đất nước này, một đất nước thì dân khổ và sợ hãi bởi ông vua anh thì tham quyền tham lợi, hung hăng giận dữ lại còn si mê không nhìn thấy tai hại lấn chiếm nước ngoài; còn ông vua em thì hiền lương, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, hoà mình với dân chúng, sống hạnh phúc an vui. Nên người dân ở bên nước người anh thấy như vậy mới từ từ vượt biên đi qua sống ở bên nước người em. Và ông vua anh để ý mới thấy kỳ, dân của mình thì được mình mang tài võ học cao siêu, lại có đức độ, lấn chiếm được biết bao nhiêu bờ cõi, hung và mạnh như vậy nên quân địch gặp thấy là sợ, đất nước đã mở rộng biết bao nhiêu, tiền tài có nhiều, dân chúng ăn đầy đủ, tại sao lại sợ, trốn bỏ qua nước người em.

Nhưng vào một dịp hai anh em gặp nhau, thường thường giữa hai biên giới của hai anh em có một nhà nghỉ, nơi đó có một bậc cao tăng thường ở giữa như một vị quốc sư để luôn luôn tham vấn vị vua anh và vua em tới để trao đổi. Hôm đó hai vị vua này tới hẹn gặp vị quốc sư. Người vua anh mới nói với quốc sư rằng không hiểu sao bên nước của người vua em dân chúng lại vui vẻ và hạnh phúc, mà dân chúng bên tôi cứ ùn ùn kéo qua, chưa hiểu! Vị quốc sư mới nói với vua anh rằng nếu như nhà vua sống và bị điều khiển bởi một người cực tham, cực sân và cực si, thì nhà vua có muốn sống ở đó, và đời sống của nhà vua có an bình hay không. Ông vua thông minh vô cùng, nói không, tôi không muốn sống bởi không an bình. Quốc sư lại nói chính vì bao nhiêu năm trời ngài lên ngôi, mở mang bờ cõi, để rồi quên đi trách nhiệm rằng là giúp cho dân sống an vui, nhưng lại tăng trưởng lòng tham mở mang bờ cõi, hung dữ giết người, lấn chiếm trong một cách cuồng si, bao nhiêu năm trời rồi, dân sợ! Người dân chỉ muốn đời sống an bình. Còn ngược lại người em, quốc độ nhỏ thời xưa mà vua cha nhường lại cho hai vị đây, người em vẫn giữ nguyên thuỷ nhỏ như vậy, nhưng lòng không nhỏ, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, sống hài hoà với dân chúng, nghèo đó, nhưng mà kinh tế thịnh vượng êm ấm! Cho nên người dân nước đó chẳng bao giờ khổ bởi không có chiến tranh. Do vậy mà người dân bên này mới đi qua. Sống ở trên đời nếu sống dưới người tham sân si thì chẳng bao giờ bình an, có đời sống thanh bình. Con người có sự lựa chọn tìm đến sự thanh bình mà sống. Người vua anh hình như nhận ra, cho nên cuối cùng đã bắt tay hòa hợp với người em và nói người em lên thay mặt để trì vị cả hai quốc độ, còn người anh thì lùi về đằng sau để tịnh dưỡng ở trong ngôi chùa của vị quốc sư để nhìn tâm của mình.

Sau một thời gian, người em trị vì cả hai quốc độ thịnh vượng êm ấm, người anh đã thấy được màu nhiệm của người vô tham vô sân vô si, dân chúng hạnh phúc nên mới lộ đầu cai trị trở lại bằng tâm như của người em mà vị quốc sư đã hướng dẫn. Từ đó, hai quốc gia này thịnh vượng êm ấm. Và người dân đi qua đi lại sống bình an, bởi được hai vị vua không tham không sân không si trị vì.

Các bạn! Thật là tuyệt vời! Nếu như chúng ta sống dưới người tham sân si thì chúng ta thật sự không được thanh bình. Chúng ta không được thanh bình! Cái tâm của chúng ta như một vị quốc vương, như một vị quốc sư biết suy nghĩ đúng sai. Cái miệng của ta là quan văn, cái thân của ta là quan võ. Có thể miệng ta là quan văn như người em, thân ta là quan võ như người anh – thường hay có những hành động thể hiện sự tham sân si. Vô phước nếu như người em cũng tham sân si thì thôi, biên giới kia, giữa biên giới của tham sân si hỉ nộ ái ố này chẳng có ông quốc sư nào có thể tồn tại được! Rất may, vẫn có một người em sống vô tham vô sân vô si nên sức mạnh đó vẫn cảm hoá được.

Cho nên ở trên đời nếu thân làm bậy thì miệng phải biết giữ. Nếu miệng làm bậy, thân phải biết kiềm. Một trong hai phải biết kiềm giữ thì quốc độ, thân tâm của chúng ta mới được toàn vẹn, nếu không nó sẽ hư. Nhớ! Nếu chúng ta sống mà bị điều khiển, sai khiến bởi người có lòng tham sân si vô độ, chúng ta chẳng bao giờ có đời sống thái bình và người đó ta nhất định chẳng bao giờ nghe họ nói đâu. Nghe là mình sẽ sai, sẽ chết và sẽ bị hại bản thân. Cho nên, tham sân si là ba điều nếu được thể hiện bởi một người nào đó, thì người đó dù có làm, có nói gì đi nữa thì ta cũng không bao giờ được phép nghe họ nếu họ có lòng tham sân si quá lớn. Vị quốc sư của chúng ta là tâm thanh tịnh cần phải được quán chiếu để nhận thức ra miệng và thân của chúng ta có dính mắc gì đến tham sân si hay không.

 Người vua anh dù có tham sân si cực độ, nhưng ít nhất vẫn còn nghe được tiếng nói lương tâm của vị quốc sư – là tâm đó, nên ngồi lại nhìn để tịnh dưỡng tâm, cho người vua em biết dùng tâm thiện lành vô tham sân si mà trị vì hai nước để đưa đến sự thái bình và bình an. Chúng ta cũng vậy, đừng quá vội vàng đâm đầu vào sự mở mang bờ cõi để rồi tham sân si cực độ, nguy hại! Hãy dành nhiều thời gian sống thật gần gũi với từng ngôi lời và hành động của chúng ta qua tâm biết quán chiếu. Tâm ta là vị quốc sư biết điều hay lẽ phải, luôn luôn biết quán chiếu, dùng tâm nhìn, nhìn miệng, nhìn hành động, nhìn ngôn ngữ và hành vi để điều chỉnh cho phù hợp, thì chúng ta sẽ trị vì cuộc đời của chính mình trong sự an yên và có hạnh phúc. Còn nếu như chúng ta lầm lạc, cứ muốn mở mang quyền danh ở đời, tiền tài ở đời, ô nhiễm ở đời, ta như người vua anh, thì sự sống, dân chúng của chúng ta – tức là sự sống của chúng ta sẽ bị bào mòn, chạy trốn chúng ta và chúng ta sẽ chết thôi.

Do đó, để giữ được sự hài hoà giữa thân và tâm, miệng và hành vi của chúng ta, ngôn ngữ ứng dụng và hành vi của chúng ta cần phải luôn luôn được quán chiếu và được sự tham vấn, hướng dẫn của tâm biết quán chiếu. Tâm ta là vị quốc sư luôn luôn đến tìm gặp tâm thanh tịnh trong chánh niệm đời sống, để vị quốc sư là tâm đó khuyên bảo chúng ta, khuyên bảo hành vi chúng ta, điều chỉnh lại ngôn ngữ chúng ta, điều chỉnh lại để cuộc sống được tốt đẹp bởi những ai sống dưới những người tham sân si chẳng bao giờ được thái bình. Những ai sống dưới môi miệng và hành vi tham sân si chẳng bao giờ được thái bình.

Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts