Search

Bảo Giác Tường đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh facebook “Chua Xa Loi”.

Các bạn thân mến! Ai ai trong chúng ta cũng thích có đầy đủ mọi phương tiện, tiện nghi của cuộc đời, điều đó hẳn nhiên không sai. Đời nếu có điều tiện nghi thì điều đó là tốt! Giữa hai chiếc xe, ta luôn luôn mong muốn chiếc xe nào có nhiều tiện nghi, giá cao hơn, sang trọng hơn; ta đâu muốn chiếc xe ít tiện nghi, giá rẻ, nhìn không được sang trọng! Trong sâu thẳm của trái tim, ai trong chúng ta là người cũng thích cái đẹp, thích tiện nghi. Chính vì đó mà ta hay mua sắm.

Có hai chị em dâu ở trong nhà, lấy cùng hai người anh em trong gia đình. Hai chị em dâu này sống chung với nhau và rồi sau này tách rời ra mỗi người một nhà, bởi vì hai người này là chị em dâu lấy cùng một người anh và một người em. Nhưng người chị dâu này thích sống tiện nghi, người chồng thật là giàu, buôn bán. Và người chị dâu này thường đi mua đồ sắm sửa trong nhà: xe hơi nè, ghế salon nè, xây nhà lầu nhiều tầng…luôn luôn sắm đầy đủ mọi tiện nghi, mua nhiều thứ tiện nghi, nhà cao rộng, tiện nghi đầy đủ hết, trong khi nhà chỉ có hai vợ chồng với một đứa con, phòng ốc cao, nhiều tầng, tiện nghi quá nhiều, sử dụng không hết. Còn ngược lại, người em dâu sống gọn gàng, một căn nhà tầng trệt (gọi là nhà cấp 4), trang trí vừa phù hợp. Người em trai cũng không buôn bán giàu có như người anh. Hai cách sống! Nhìn vào trong thôn làng đều thấy thích người chị dâu tiện nghi đầy đủ, người anh buôn bán. Còn người em dâu thì sống mộc mạc, đơn giản.

Nhưng sau này, 30 năm sau, người chị dâu và người anh trai kia đã bị vỡ nợ, nhà cửa mất hết, bao nhiêu tiện nghi ở trong nhà người ta tới tịch thu, vỡ nợ. Riêng người em dâu, cũng căn nhà trệt cấp 4, phương tiện bình thường không tiện nghi mấy, vừa đủ, thì bỗng chốc trở nên người giàu có, sống trong một căn nhà cấp 4. Dân làng lúc này mới thấy kinh ngạc. Và mọi người lúc này mới hiểu ra chân lý của cuộc đời. Người em này tuy làm việc bình thường nhưng sống vừa đủ, tiện nghi vừa đủ và tích luỹ được, trải qua 30 năm có đủ số vốn lớn trở thành người giàu có. Còn người anh tuy là buôn bán nhiều có tiền, nhưng người vợ – chị dâu là người thích tiện nghi sắm quá nhiều đồ, vượt ngoài tầm tay tiêu xài quá mức; để rồi người chồng buôn bán, thiếu nợ, vay vốn, đến lúc kinh tế suy sụp và số tiền xài quá mức của người vợ trong vấn đề tiện nghi của cuộc đời đã tăng thêm lực làm cho công việc khó khăn khi gặp thử thách chướng ngại, cho nên cuối cùng vỡ nợ.

Các bạn! Nhìn vào điều đó để chúng ta thấy thật rõ, người mà đắm đuối ở trong tiện nghi của vật chất nhiều, người đó càng ngày sẽ nghèo đi. Người biết đủ, không đắm chìm trong xa hoa phú quý, tiện nghi của cuộc đời phù hợp với cách sống, người đó càng ngày sẽ càng giàu. Chân lý này bất hủ! Người đắm chìm trong tiện nghi sẽ bị nghèo mạt mà thôi, còn người biết đủ, sống phù hợp với tiện nghi thanh tịnh đơn giản càng ngày càng giàu.Ý nghĩa này có thể đi vào đời sống của tâm linh. Người mà thích đắm chìm trong tiện nghi là người thường tìm tới con đường tu học để cầu mong thành tựu về vật chất, thành tựu về quyền lực, thành tựu về những thứ đáp ứng nhu cầu cảm xúc, nhu cầu tiền tài, nhu cầu tình cảm, nhu cầu nhà cửa, nhu cầu ăn uống.

Không khác gì như người chị dâu phung phí, nếu chúng ta tới với con đường tu học của Phật mà chỉ phục vụ cho nhu cầu một cách quá mức như vậy, chẳng khác gì như người chị dâu tiêu xài hoang phí, sẽ tán tài tán lộc. Chúng ta khi tới với cửa Phật mà chỉ cầu để có được những vật chất của cải thế gian là chúng ta đang đốt cháy phước báu của mình, chúng ta sẽ phải sạt nghiệp phước báu, chúng ta sẽ bị phá sản phước báu và chúng ta sẽ trở thành nghèo khổ như người chị dâu mỗi khi bể nợ. Còn những ai đi vào con đường tu của nhà Phật, không đắm chìm trong tiện nghi của vật chất và khiêm tốn, khiêm cung nhẹ nhàng, sống đủ, sống vừa là người đang biết tích luỹ kho phước báu càng ngày càng tăng trưởng, và người đó nhất định sẽ giàu. Kẻ biết tiết kiệm, kẻ biết tích lũy, kẻ không phung phí là kẻ luôn biết giữ phước báu để thành tựu. Kẻ hoang phí và tiêu xài đắm đuối trong tiện nghi là người tự huỷ hoại bản thân đưa đến sự phá sản. Phá sản về vật chất đã mệt, phá sản về phước báu của đời sống tâm linh – khổ vô cùng!

Chúng ta tu theo đạo Phật, nhớ, tăng trưởng phước báu, chớ cầu tiền, cầu tài, cầu vật chất, chớ cầu tình, chớ cầu Phật, cầu pháp để đáp ứng nhu cầu của cuộc đời; mà chúng ta cầu sự thanh tịnh, cầu sự trí tuệ qua sự thực hành những lời Đức Phật dạy một cách thực tế, để tái tạo dòng suy nghĩ thanh tịnh, để chuyển hoá ngôn ngữ dễ thương hoà ái, để tác thành những hành vi nghĩa cử thiện lành. Đừng đắm chìm trong những sự cầu cạnh đáp ứng nhu cầu vật chất, cảm xúc của cuộc đời, chúng ta sẽ phá sản phước báu! Đừng phá sản phước báu! Phước báu có được ngày hôm nay tích lũy nhiều đời và cũng là một phần của tổ tiên ông bà truyền lại cho chúng ta. Chớ biến mình thành người con bất hiếu làm tiêu tan phá hoại phước báu của ông bà, của tự thân. Hãy cố gắng sống một cuộc đời biết suy nghĩ cặn kẽ, đừng xài hoang, xài phí, đừng đắm chìm trong tiện nghi. Tiện nghi mà, ai không thích, nhưng đừng đắm chìm, vừa đủ là được rồi! Cuộc sống có nhiều bạn thấy một người bạn mua một chiếc xe giá trị 30 triệu, mình thấy không được, mình nhất định phải mua một chiếc xe, tức là bon chen để có được chiếc xe đẹp hơn – 40 triệu! Thấy bạn đeo một chiếc nhẫn vàng, về nhà nhất định phải moi tiền mua một nhẫn vàng đính kim cương. Chúng ta thích khoe, thích se sua với mọi người, thích đắm chìm trong phương tiện. Nhà cửa thì xây vượt nóc, đồ đạc thì mua đầy nhà không xài, không sử dụng hết, thật hoang phí tiền tài, tiện nghi đắm đuối, tổn hại phước báu! Khi nghề nghiệp không làm được nữa, thời gian trôi qua mình già dần đi, sức kiệt dần đi, lúc đó mà nghèo khổ là chịu không được nữa.

Trên cuộc đời tâm linh cũng như vậy! Khi còn trẻ, ta tu, ta biết bòn mót từng chút phước, tiết kiệm từng chút một để khi lớn tuổi nương vào phước báu đó thành tựu sự an lạc. Tuổi trẻ không chịu tu, cứ phung phí hao tổn phước báu, đến khi lớn tuổi rồi chân run, mắt mờ, đầu óc không nhớ nữa, chúng ta sẽ trở thành người ăn xin trong miền đất tâm linh mà thôi! Bởi vậy chúng ta thấy ở trong chùa, nhiều kẻ ăn xin tới để lắc xin xăm, tới để nguyện đốt nhang để xin, ta ăn xin tâm linh! Ta đã phá sạch phước báu nên cuối cùng ở trong cuộc đời tới với cửa Phật chỉ là kẻ ăn xin trong đời sống tâm linh. Tại sao? Tại sao ta lại biến mình trở thành kẻ ăn xin trên con đường tu đạo? Chúng ta hãy tiết kiệm phước báu, chớ se sua, chớ phung phí, đắm chìm trong phương tiện của vật chất thế gian để làm tổn phước báu của cuộc đời. Sau này thời gian càng trôi qua, càng lớn tuổi, ta càng có được sự hạnh phúc và bình an, trở thành người giàu có trên vấn đề tu luyện, có dư phước báu để thành tựu sự an lạc khi tuổi đã cao. Đừng phung phí như người người chị dâu, chồng thương buôn giàu có nhưng phung phí nhiều rồi cũng sạt  nghiệp, khổ. Người em dâu này biết tiết kiệm, biết dành dụm thế mà hai vợ chồng cuối cùng trở thành người giàu. Rất khổ – khi lớn tuổi mà mất hết phước nha các bạn! Trẻ mà phung phí, bon chen, đắm chìm trong tiện nghi của thế gian. Lớn, già rồi, lớn tuổi rồi sẽ trở thành người ăn xin trên miền đất tâm linh. Thật là buồn! Chớ biến mình thành kẻ ăn xin, hãy biết tiết kiệm, bòn phước từng chút, tiết kiệm, đừng ỷ vào ta có phước báu nhiều để rồi tiêu xài hoang phí như người chị dâu ỷ vào người chồng làm ăn ra để rồi tiêu xài, sắm sửa nhiều thứ, phung phí quá, đến khi gặp chuyện thử thách chợt trở thành người nghèo, phá sản, mạt!

Chúng ta nhớ, càng lớn tuổi càng phải tăng trưởng trí tuệ khôn ngoan và phước báu, chứ đừng để khi lớn tuổi mà mất phước, lu mờ trí tuệ, phước báu chẳng còn, rất là khổ. Đối với Phật tử tại gia của chúng ta, nhớ rõ điều này để chúng ta phải biết tiết kiệm, bòn phước tích lũy để trong cuộc sống mỗi ngày trôi qua, kho phước báu nhiều thêm, để có được sự an lạc trong cuộc sống. Chớ phá sản kho phước báu của mình bằng sự phung phí, đắm chìm trong phương tiện vật chất của thế gian.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts