Search

Ôm Giữ Bửu Bối

Bảo Diệu Tâm đánh Máy, Tuệ Uyên biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến! Hầu là kiếp con người, chúng ta luôn mong cầu tìm được những điều tốt đẹp, học được những bửu bối, nắm bắt được nhiều chuyện hay, vơ vét những cái được gọi là mong muốn để mang về. Ngày hôm nay cũng ước mơ đó, nhưng ngày mai ta muốn nhiều hơn. Ngày hôm nay có được nhiêu đó, ngày mai ta có nhiều hơn. Ngày hôm nay nắm bắt được như vậy, ngày mai ôm ấp chồng chất nhiều hơn. Con người là vậy, ai cũng như thế. Bảo Thành và các bạn đều có một cách nhìn như vậy. Nếu được đi học, chúng ta muốn học thật nhanh, muốn nắm bắt thật rõ, bởi câu ở đời thường hay gọi là bửu bối. Ta muốn có bửu bối để mau thành tài. Ta muốn có bửu bối để không phải ngồi dài trên ghế nhà trường. Ta muốn có bửu bối để chẳng phải làm tiểu mà trở thành Hòa Thượng luôn. Đó là những tâm lý của con người mà hầu hết trong chúng ta đều có. Muốn nhanh, muốn có và muốn nhanh có đó, nắm bắt là phải tận gốc bửu bối, phải bửu bối thấy hay chứ còn cái mà không hay không có thích. Đi tới đâu cũng phải tìm cái hay để có, đi tới đâu cũng phải nắm bắt cái hay để giữ, đi tới đâu cũng phải vơ vét những tuyệt kỹ để mang về.

Có một lão phu được gọi là thiền sư, tu mà tóc không có cạo, râu không có xuống, ăn mặc thì ôi, lồm xồm, dơ dáy. Ơ thế mà dân làng lại kính phục, lại thương yêu, bởi ông ta tự tại với trời đất, ngang nhiên với mọi chuyện, chẳng có gì gọi là phiền não tới với ổng – thiền sư. Người ta gọi là thiền sư áo vải, râu dài, tóc tới ngang vai. Ngày thì nhìn suối, đêm thì ngắm sao. Ông ta không có buồn, các bạn à. Có một anh chàng ở trong thôn tới mới nói Thiền sư: “Thưa thiền sư Ngài tuổi đã cao, tôi còn rất trẻ. Ngài nay đã yếu, tôi còn rất khỏe. Ngài thì sắp chết, tôi còn sống dài. Cho nên sự chứng đắc của ngài, bửu bối của ngài mà không đưa xuống cho tôi thì chắc có lẽ ngài sẽ chết, mệt lắm chẳng được gì. Tu cuối cùng chẳng để lại cho đời cái gì. Tôi tới nhận ông làm sư phụ, ông nhận tôi làm đệ tử đi. Rồi truyền hết bửu bối đưa cho tôi”. Ông thiền sư gật đầu cũng thích thú, bởi bao lâu có ai tới nhận mình làm thầy đâu. Có chăng người ta cũng nương nhờ, à, cái được gọi là thiền sư để cho thôn xóm vui vậy mà. Ông ta nhận người đó còn có sức trẻ, còn có sức khỏe, còn sống mãi làm đệ tử. Ngày trước ngày sau ông đệ tử này nói: “Thưa thiền sư, bửu bối ngài đưa đây cho con, để con mau thành”. Thói quen của ông thiền sư là thích đi lang thang trong thôn làng. Cứ đi từ nhà này qua nhà kia không ghé vô, chỉ đi ngang vậy thôi. Sáng đến tối rồi mới về. Sáng thì ăn, ngồi thiền, tu gì không biết, mà ông ăn xong là ổng đi tới tối mịt mới về. Người đệ tử này theo ông thiền sư cũng đi, cũng đi từ sáng đến tối, mà ông thiền sư không có dạy gì hết cuối cùng hắn mới nói: “Thôi thiền sư à, già rồi, bửu bối đưa đây”

Thiền sư hôm đó mới vô trong bàn thờ lấy ra một hộp vuông bự, ở bên trong khắc một vài dòng chữ kinh gì đó không hiểu nữa, mà người đệ tử đọc cũng không biết và trao cho người đệ tử nói: “Ngươi hãy ôm cái bình này. Cái hộp này, cái hòm này đó, là cái hòm kinh điển. Nó thần thông dữ lắm, ngươi phải ôm đi theo ta, để khi chứng đắc ngươi sẽ thành như ta”. Người đệ tử mừng vô cùng, bởi vì nay ông thiền sư trao cho mình một cái hòm, mở ra thì trống rỗng nhưng bốn vách bên trong của hòm ghi li ti những chữ nhỏ, mà ông thầy nói những chữ này thần thông dữ lắm, chỉ cần ôm theo thôi là thần thông có sức mạnh. Nên anh ta vui mừng, anh ta khệ nệ ôm theo hòm đó, lại đi kinh hành từ sáng đến tối với thiền sư. Cũng trải qua một vài tuần, nặng dữ lắm rồi, nhưng mà rồi muốn thêm bửu bối nữa nên bảo: “Thiền sư đưa thêm bửu bối đây. Cái này con có rồi, đủ rồi đó, một tuần là đủ rồi”. Thiền sư mới lại lấy một gốc cây. Ở trên gốc cây đó cũng khắc những dòng kinh, rồi đặt gốc cây nhỏ đó vô trong cái hòm nói: “Ngươi đã có cái hòm, có kinh điển thần thông. Nay ta trao gốc này, đây là gốc nha, gốc ghi khắc kinh thần thông đặt vào trong hòm. Ngươi cũng khênh với ta nữa đi”. Người học trò khênh đi khệ nệ cũng tháng này, qua tháng kia, lúc này thì chân cũng đã run rồi và thở hổn hển rồi. Đi từ sáng đến tối ngày qua ngày, cứ đi như vậy riết nhưng mà lòng tham vẫn nói tiếp: “Thiền sư, tuần thứ hai đã xong, nặng thiệt nhưng mà bửu bối thì mới có hai cái, còn nữa đưa đi”. Thiền sư này lại vào đằng sau lấy ra một đống đá, trên đó ghi toàn những phù phép gì chẳng biết nữa đổ vào trong hòm mới nói: “Ôi ta trao cho người cái hòm đầy kinh, lại có tận gốc những kinh sách. Nay ta có viên đá này, hòn đá này khắc ghi những cái lá phù để hộ mạng che thân. Ta trao hết vô cái hòm, ngươi khênh với ta đi. Trước để học, sau là để trợ giúp cho dân làng.” Anh ta khênh một vòng mới có ngày đầu về tới nơi đứng không vững, té cái sập kêu mệt quá, nhưng ông ta không muốn bỏ. Thiền sư nói: “Thôi mệt quá, thôi trả lại cho thiền sư đi, thiền sư cất đi”. Anh ta không muốn bởi bửu bối trao ra rồi trả lại đâu có được. Sáng sớm đi một vòng trên thôn xóm, anh ta bước ba bước thì té cái nhào, sa sầm mặt mũi. Thiền sư mới nói: “Thôi của con mà, nó là của con thầy đã trao. Thôi con để ở nhà đi để đi với thầy.” Anh đang nghĩ câu này có lý đó nha, thầy trao là của mình, thôi để ở nhà rồi đi. Anh ta đi hai, ba bước khỏe, thở không thấy mệt, chân không thấy rung, sức khỏe dữ lắm. Vị thiền sư mới quay lại:

  • Sao con có thấy khỏe hơn lúc trước không?
  • Con khỏe dữ lắm.
  • Sao khỏe vậy?
  • Tại vì con để hết đồ ở nhà rồi.

Thiền sư mới nói thật nhẹ: “Khi con biết buông tất cả, chính cả những gì con cho là cao quý nhất thì nhẹ nhàng như thầy đây, kinh hành khắp xóm chẳng bao giờ biết mệt. Còn nếu như con cứ khư khư ôm cái gọi là bửu bối, giữ mãi ở trong đời. Đó con thấy không, đi đâu có được. Mệt đó nha, mà ba bước đã té. Đó là ngày đầu, chứ còn nếu như con cứ dai dẳng mà ôm như vậy, con sẽ chết dần, chết mòn, chết gục trên món gọi là bửu bối”. Thành tựu trong cuộc đời là quan trọng, không phải là cái vơ vào, ôm vào, là cái biết buông xuôi.

Các bạn thân mến! Hầu hết mọi người khi chúng ta đi vào con đường tâm linh để học, con đường Phật pháp để học. Chúng ta cứ muốn ôm vào tất cả, cứ nghe thầy này giỏi lại chạy tới, nghe thầy kia giỏi là chạy tới, nghe kinh này hay là tụng, nghe sách này hay để đọc. Rồi pháp hội này, trời ơi tốt lắm, là chạy tới sám này, sám kia, quỳ này lạy đó. Có những cuốn kinh, chúng ta đọc kinh, chúng ta lạy. Mà có những người lạy từng chữ, có người lạy từng bước một vì bửu bối mà. Tất cả chỉ là sắc tướng, tướng sắc khoác lên trên mình. Bao nhiêu lâu ta cứ hiểu rằng bửu bối đó là cái giúp cho chúng ta thành, thì chúng ta tự tiêu hao sức lực của mình mà thôi. Tụng kinh kêu gào cho riết ung thư cổ họng biết làm sao đây? Các bạn cứ nhớ đi, sám kia thì đọc tối ngày, bao nhiêu tội lỗi chất chồng sao ta?

Các bạn! “Buông”! Một chữ buông của nhà Phật vi diệu vô cùng. Chính vì những cái của hạnh mà bẩy năm Đức Phật tu đó chẳng chứng đắc, Ngài bỏ hết, Ngài bỏ hết lấy con đường trung đạo. Ngày nay chúng ta vô tình đã lọt vào con đường khổ hạnh của Phật, khổ là khổ bái sám hằng đêm. Đấy chúng ta bái những gì? Ngũ bách gia năm trăm vị Phật, thập vạn Phật, bái một vạn lần. Thậm chí có những người đọc kinh một chữ lạy một cái, khổ hạnh. Có người nhốt mình vào Tam bộ nhất bái từ Bắc chí Nam từ Nam chí Bắc, khổ hạnh. Nếu mà chỉ có bái lạy như vậy thôi để thành, để chứng đắc thì Phật chẳng cần phải tốn bốn mươi mấy năm trời hao tổn nước miếng, khỏe ngồi không là được rồi, dạy người ta bái lạy. Nếu mà cứ tụng kinh, gõ mõ, bái sám rình rang, để mà thành thì không phải, không phải. Rồi chúng ta còn đặt thêm những sắc tướng cho nó màu nhiệm, huyền bí, chuẩn tế, kinh kệ, bắt này, đuổi kia, được này, có nọ. Cái đó là ảo, chỉ là tướng, chỉ là tạo cho ta có chút hưng phấn để hưng phấn mà đi lên.

Nhưng thực tế khi rõ rồi, chúng ta phải biết “buông”. Ba bửu bối của ông thiền sư trao cho học trò trẻ khỏe mà sống mãi kia là cái hòm. Có kinh điển ở trong đó, cả một hòm kinh điển rồi thêm cái nữa là cả một cái gốc kinh điển, thêm cái nữa là cả một đống đá có phù phép ở đó. Hòm kinh điển, gốc kinh điển, đá phù phép sức đâu mà ôm? Ba bước té nhào, chân rung, suy sụp tinh thần chẳng ôm được. Nhưng khi buông xuống rồi những bửu bối được gọi là bửu bối, những thần thánh được gọi là thần thánh, những tạo tác ra do Thầy này Thầy kia, Tổ này Tổ kia chế tác ra mà để làm cho chúng ta xa rời ý nghĩa của Đức Phật. Dạy chúng ta trở về với hơi thở chánh niệm để trong hơi thở chánh niệm nuôi dưỡng thần thức trong chánh Pháp, nhìn rõ nghiệp quả. Nhân: nhân ác buông bỏ; Nhân: nhân thiện, quả Phước báu tiếp tục hành. Chỉ nhìn rõ là đại phước rồi, nhìn rõ chứ không phải ôm nhân quả vào. Chúng ta không nhìn rõ thấu nghĩa của kinh điển rồi có nhân duyên Pháp quyến thật nhiều tin tưởng vào ta, người ta nói gì họ cũng phải theo. Nói một câu lạy một câu, nói một chữ lạy một chữ, vô tình đã lọt vào con đường khổ hạnh bẩy năm của Đức Phật.

Hồi xưa Phật là khổ thân, khổ tâm sắp chết, hên là nhờ chén sữa của cô gái để mà sống trong con đường trung đạo giác ngộ. Ngày nay chúng ta đang hao mòn sức lực trong cái lạy, cái bái từng câu từng chữ, từng bước chân. Ngày nay chúng ta đang tu khổ hạnh trong cái gào thét trong kinh, trong sám, trong mõ, trong chuông. Các bạn không phải vậy, chẳng phải vậy, có thể là vậy nhưng chỉ là phương tiện dẫn nhập thôi. Những phương tiện đó chúng ta đang lao tâm khổ trí. Chúng ta đang sống trong khổ sở ôm ấp cái hòm như người đệ tử. Hòm kinh, gốc kinh, phù phép chế biến cho nhiều, ôm ấp cả đời, sức còn là bao nhiêu? Sức trẻ mà ba bước té nhào, huống chi là cằn cỗi, già nua mà làm được gì.

Các bạn! Các bạn nhớ điều đó. Chúng ta tới học Phật là để giải thoát, chứ không để mang vào. Sống con đường trung đạo để hiểu được chân lý của nhân quả, để buông chứ không phải là vùi đầu khổ hạnh như Phật năm xưa. Bẩy năm khổ hạnh mà khổ khổ, mà khổ hạnh ở trong rừng, trong hang, trong núi tiều tụy có làm được gì đâu. Đến khi sắp chết rồi lần mò ra mới được một chén sữa dê để rồi tỉnh ngộ. Phật đã dạy đừng đi vào con đường đó, thế mà ngày nay chúng ta:

Công phu sớm tối hằng ngày

Kinh kia đọc mãi nát còn hay không?

Mõ chuông thì đánh trống ầm ầm

Bái lên bái xuống gật gù thế thôi

Còn Tâm kia tội lỗi quá nhiều

Bao nhiêu nghiệp chướng nào hầu có ta?

Bởi sao con mắt ta mù loà

Ta không nhìn rõ để buông, để buông mà hành đạo.

Hành đạo ở đây tức là nhìn rõ nghiệp quả “Buông” xuống. Kinh sách cũng còn phải buông, hòm kinh cũng phải buông, gốc kinh cũng phải buông, phù phép cũng phải buông. Tướng sắc cũng phải bỏ hết. Trở về với hơi thở chánh niệm nhẹ nhàng trên con đường trung đạo, đừng miệt mài trong những khổ hạnh, sắc tướng của thầy này, thầy kia. Đừng vì sự ngưỡng mộ do nhân duyên tương ưng là thầy là trò, Pháp quyến đông rồi chúng ta lại hướng dẫn đặt để cho những người khác, những phương thức mà chính ta thấy chẳng có lợi lạc gì trên con đường giải thoát mà chỉ là phương tiện dẫn nhập cho bước đầu. Đã gọi là phương tiện dẫn nhập trên bước đầu thì khi xong bước đầu tiên ấy, hãy kêu họ buông đi để nhẹ nhàng trở về với hơi thở chánh niệm tu tâm.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn