Search

Nương Vào Giới Hạnh

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Tâm Sĩ bút ký

Bảo Thành kính chào các Bạn,

Chúng ta lại gặp nhau trên trang mạng Youtube “Thất Bảo Huyền Môn”. Trang mạng Youtube này là phương tiện để chúng ta gặp gỡ và chia xẻ những gợi ý của Bảo Thành, hy vọng sẽ giúp cho mọi người có chút tư duy, khi uống cà phê hay khi uống trà hay khi thư giãn, để lắng đọng thêm một chút. Cuộc sống bề bộn, nhưng cũng cần nhiều những giây phút tịch tĩnh tư duy những chuyện mới.

Các Bạn thân mến, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, có nhiều điều kỳ diệu chung quanh đang xảy ra. Có những điều kỳ diệu vô cùng, mà khi xảy ra rồi ta hạnh phúc, tuy nhiên có những chuyện xảy ra không như ý. Nhưng dù sao đi nữa, mỗi một con người chúng ta vẫn có những ước mơ, làm sao đi qua được chỗ kia từ chỗ này, có thể đi qua chỗ giàu có từ chỗ nghèo, đi qua chỗ đầy đủ kiến thức từ chỗ không kiến thức, đi qua chỗ bình an, an lành từ chỗ đau khổ, đi qua chỗ thành công, thành tựu từ chỗ thất bại. Chúng ta muốn vượt qua, vượt qua một khoảng trống, để đi tới sự thành công, thành tựu, có kiến thức, có tài vật, có sức khoẻ, có trí tuệ, từ chỗ ta đang đứng. Có những điều từ chỗ ta đang đứng ở thế như vậy, ta lại mơ ước đi qua bên kia. Mơ ước để đi qua bờ bên kia là đúng, không có sai, bởi con người luôn hướng thượng, luôn hướng tới những điều tốt đẹp, luôn mong muốn đi tới, đi tới và vượt qua để tới được. Nhưng không phải tất cả những người đi qua được bờ bên kia, đều am tường được phương thức, làm sao qua được bờ bên kia.

Chúng ta cứ mơ tưởng hoài để rồi có những suy nghĩ sai. Xuất khởi bước từ chỗ này tới chỗ khác, chúng ta đã tính sai, nên bị mất mác sức lực, tài trí, đôi khi mất cả cuộc đời, vì sự vượt qua.

Có một ông thầy giáo hỏi đám học trò của mình rằng: “Này các trò, các trò cho thầy biết, con sâu nó muốn đi qua bờ sông bên kia, làm sao nó đi qua được bờ sông?”. Có em học trò nói: “thì nó bơi qua sông”. Thầy Giáo nói: “Con sâu không thể bơi qua sông, bởi khi con sâu bơi xuống dòng nước, cá thấy con sâu sẽ đớp ăn mất, như vậy nó không thể bơi qua sông. Một học trò khác: “Thưa Thầy, nó sẽ men theo bờ cầu, bò qua bên kia. Thầy Giáo nói: “Cũng không đúng, bởi vì khi nó bò trên cầu, bao nhiêu người qua lại sẽ đạp chết nó”. Rồi có một em học trò nói suy nghĩ: “Thưa Thầy, nó sẽ được con chim ăn bụp bụp, rồi con chim bay qua bên kia sông, thế là nó qua được sông. Thầy Giáo nói: “Con chim ăn bụp bụp nó chết rồi, khi chim qua được sông con sâu đâu có còn nữa.

Các học trò suy tư, suy tư mãi, cuối cùng có một em nói: “À, cái kén ở trong có con sâu, thì con sâu này nằm trong kén, nó phải chờ một thời gian, sẽ biến thành bướm Thầy ạ, khi nó hoá bướm, nó có thể bay qua sông được”. Ông Thầy xoa đầu khen đúng, sâu để có thể bay qua bờ bên kia nó cần phải hoá bướm.

Các Bạn thân mến, một con sâu muốn hoá thành con bướm, nó phải nhốt mình trong kén một thời gian thật là dài, để cái kén đó bảo vệ nó vững chắc, cho đến đúng thời, đúng lúc, nó mới cắn cái kén để chui ra bên ngoài. Khi chui ra bên ngoài, nó phải chịu biết bao đau đớn để chuyển mình vùng vẫy, để từ thân một con sâu hoá thành con bướm, vỗ cánh bay qua bờ bên kia, đó là từng bước, từng bước đưa đến sự thành tựu.

Hôm nay sự thành tựu mà Bảo Thành muốn chia sẻ:  đó là thành tựu về cuộc sống ở đời. Chúng ta muốn vượt qua dòng sông, để tới được bờ bên kia, với sức qúa yếu đuối, vội vàng quá, nghĩ tới là tới, đắm mình trong dòng sông bơi qua, nhưng rồi chúng ta bị đuối sức chết giữa dòng, như con sâu vậy mà thôi, bơi bơi bơi cũng không qua được đâu, dòng sông rộng lớn. Chúng ta lại nghĩ quẩn nghĩ quanh, rồi nghĩ đến cái cầu, cầu ở đâu mà đi, rồi chúng ta lại nghĩ nương nhờ vào một vị nào đó mạnh lắm, đưa ta qua bên kia, người đó đâu. Tất cả sự vượt qua cầu qua sông, hay là chúng ta nương nhờ vào ai, cũng khó đi đến sự thành công. Các bạn thấy sự vô lý khi đi qua cầu để qua bên kia. Cầu dùng để mà đi sao vô lý, nhịp cầu nào sẽ đưa các bạn tới bờ bên kia, chỉ có nhịp cầu của kiến thức. Người nào sẽ đưa bạn tới bờ bên kia, chỉ có người bạn là kiến thức. Người nào có thể bơi qua bờ bên kia. chỉ có người có kiến thức.

Tựu trung kiến thức ở đời, mới giúp bạn thành tựu tất cả, để có một nhịp cầu vững chắc đi qua, không phải như con sâu mù mờ bò qua người ta đạp chết, bởi trên chiếc cầu qua bờ bên kia, cũng có nhiều gian truân và thử thách, cần phải chuẩn dưỡng bằng kiến thức, nếu chỉ dùng sức bơi qua bên sông, thì cũng phải dùng kiến thức nghiên cứu tập bơi để đi qua, đừng vội vàng như con sâu, cá đang chực ở dưới. Và nếu nhờ người khác đưa qua, cũng phải có kiến thức, vì ở trên con đường đi qua, sẽ gặp muôn trùng thử thách, kiến thức tựu trung vẫn là cần thiết cho cuộc đời. Kiến thức đó phải được thư nhàn như con sâu nằm trong kén, chịu biết bao nhiêu đau đớn, chui nằm trong cái kén tăm tối đó, như đang nuôi dưỡng kiến thức, kiến thức của con người hay kiến thức tâm linh để đi đến sự giác ngộ giống như nhau.

Trên con đường tìm cầu sự thành công của cuộc đời, hay trên con đường tìm cầu sự thành công của sự an lạc trong cõi tâm linh, mỗi người chúng ta phải tự lực nuôi dưỡng kiến thức đó bằng trí tuệ, và chúng ta phải giữ được năm giới, đang bao bọc che chở chúng ta, khi chúng ta còn yếu đuối, khi chúng ta chưa trưởng thành, khi chúng ta chưa vững, khi tâm của chúng ta chưa thanh tịnh, nhờ kén đó bao bọc mà tâm được an nhiên tự tại, để loài chim không bay đến giết chết chúng ta, những thử thách không dập vùi chúng ta xuống.

Khi chúng ta đi trên con đường tu đi đến sự giải thoát, năm giới rất quan trọng, bao bọc, hộ mệnh, bảo trợ cho chúng ta an toàn trong năm giới đó, để rồi chúng ta công phu tu tập, chuẩn dưỡng với tâm thanh tịnh, để hoá thành con bướm, bay qua bờ sông bên kia, bay qua được cả một biển khổ của cuộc đời.

Chúng ta cần phải cố gắng tích trữ biết bao nhiêu năng lượng tu dưỡng, lấy giới để làm kén bao bọc chúng ta, đến khi chúng ta đủ lực bởi giới định đó, chúng ta sẽ qua được bờ bên kia, sẽ gặp được sự an lạc. Chúng ta đừng qúa vội vàng như loài sâu nhảy xuống nước bơi qua thì cá sẽ đớp chết.

Khi chúng ta không giữ giới, như con sâu thân mỏng manh, xuống dòng sông cá đớp mà chết. Khi chúng ta không giữ giới, nhìn thấy hình như ai đó chỉ cho ta một nhịp cầu để đi qua, vội vàng bò qua, thời gian sẽ giết chết chúng ta, bởi ta không có giới, giới hạn, nhịp cầu kia cũng sẽ giết chết ta mà thôi. Giới hạn giúp cho chúng ta bước trên nhịp cầu vững chắc hơn, giới hạn giúp cho chúng ta bơi qua sông mà không sợ các loài cá ăn, giới hạn sẽ giúp cho chúng ta thăng hoa thành con bướm vỗ cánh giữa trời, bay qua bờ sông bên kia. Chúng ta không nương nhờ vào bất cứ một ai, mà là nương nhờ vào sự tự lực tu tập của chính mình, công phu của chính mình.

Năm giới rất quan trọng cho đời sống của người học Phật. Biết bao nhiêu con người học ngũ giới, nhưng đâu có hành các giới đó, giữ được các giới đó, có chăng chỉ là thọ giới cho có tiếng, có chăng thọ giới chỉ để cho biết là ta đã qui y Phật Pháp Tăng và thọ năm giới.

Khi chúng ta thọ, như chúng ta ăn thọ dục, mà chúng ta phải ăn vào bên trong, thì những món ăn thọ dục trở thành vật nuôi thân. Khi chúng ta thọ năm giới, thì chúng ta phải hành được năm giới đó. Bởi vì năm giới như cái kén, bảo hộ chúng ta, giúp đỡ chúng ta, hộ mệnh chúng ta trên con đường tu, để chúng ta hoá thành bướm khi hội đủ thời gian, có đủ định luật, để vượt qua muôn thử thách, bay qua bờ sông bên kia mà không sợ cá ăn, không sợ cầu dài đầy dẫy muôn loài, chờ bắt chúng ta, cũng chẳng sợ con chim sẽ ăn mất, tức là những cái tham của cuộc đời nuốt chửng chúng ta vào trong bụng.

Năm giới của nhà Phật là cái kén, là pháp hộ mạng cho thân tâm của chúng ta, khẩu ý của chúng ta thanh tịnh.

Các bạn ơi, năm giới rất quan trọng, làm sao con sâu đi qua bờ bên kia nó sẽ hoá thành con bướm, và để hoá thành bướm, thì nó đừng vội vàng bơi xuống hồ, nó phải cố gắng nằm trong kén, chờ đến khi đủ sức cắn kén ra hoá bướm. Khi chưa hoá bướm, với thân mỏng yếu đuối mà cứ lộ hình ra bên ngoài, thì chim trời sẽ ăn, nước sẽ cuốn trôi, cá cũng đớp, bò trên cầu cũng sẽ chết. Khi thân xác quá yếu đuối vội vàng rời kén, khi chúng ta chưa chuẩn dưỡng thành tựu được định huệ, từ bỏ năm giới mà không giữ giới, ta sẽ không đi tới được đâu.

Các bạn phải giữ được năm giới miên mật thường xuyên trong từng sát na, hành được năm giới đó, năm giới đó sẽ giúp các bạn thành tựu phúc huệ, định huệ. Năm giới là cái kén vững chắc hộ mạng trên con đường tu, các bạn đừng vội vàng bò ra khỏi năm giới, hãy thu mình gọn, sống trong năm giới đó, đừng bò ra. Hãy thu gọn lại mà sống, cuộn tròn sống trong kén của năm giới, thực hành miên mật, tăng trưởng định lực, phước huệ chân tu bởi giữ giới, giới định huệ. Các bạn nhớ giới rất quan trọng trên con đường tu, giới rất quan trọng cho mỗi Phật tử chúng ta. Năm giới rất quan trọng không hẳn cho Phật tử, ngay cả các bậc xuất gia cũng cần giữ năm giới nghiêm mật, mới có đủ đạo lực vỗ cánh bay lên trời, vượt sóng gió của cuộc đời tới bờ an lạc.

Chúng ta cố gắng đừng sợ, đừng có vội vàng, cố gắng ngủ trong năm giới này, thực hành năm giới này, để năm giới này bao bọc, che chở chúng ta khi ngủ, khi thức, khi ăn, khi uống, trưởng dưỡng với nó, nhất tâm giữ năm giới, nhất cử nhất động, đều được năm giới bảo hộ chúng ta trước sau, để chúng ta không khởi lên những nghiệp, những tâm bất thiện, để chúng ta được dũng mãnh trên định lực bởi giới hạn của mình, để tâm định đó như vậy khai thông vỗ cánh mà bay qua bờ bên kia, để an vui, an lạc, hạnh phúc.

Cám ơn các bạn đã theo dõi Bảo Thành gợi ý. Các bạn cố gắng giữ giới.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts