Search

Minh Thiện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn, chúng ta đang trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, ngôi nhà tâm linh trên kênh YouTube dẫn chúng ta, tạo nhân duyên cho chúng ta có cơ hội gặp gỡ.

Các bạn thân mến, ở đời mỗi người là một kỳ quan. Trong cái kỳ quan vẫn còn nhiều điều kỳ bí, kỳ quan của thân người, kỳ quan của cuộc sống, có muôn điều kỳ bí ta chưa khám phá ra được và cả cuộc đời của ta cứ đi tìm sự kỳ bí, nơi những kỳ quan ở bên ngoài, nào đi du lịch để tìm thấy những sự hiếu kì, thỏa mãn nó, để chứng kiến được những cảnh, những kỳ quan đặc biệt do con người tạo hoặc do thiên nhiên. Chúng ta cứ miệt mài đi mãi, đi mãi nhưng rồi khi trở về nhà những kỳ quan đó có còn chăng nữa thì cũng chỉ ở trong ảo giác của ta, cố nhớ nhiều lắm chắc cũng vài hình ảnh.

Câu chuyện Bảo Thành muốn gợi ý ngày hôm nay nói tới một chuyện vui nhưng nó hay, nó ý nghĩa. Có một anh chàng đi tới một ngôi chùa, nơi ngôi chùa này có đông các tăng ở vì chùa này chùa tăng. Khi anh chàng này muốn vô trong đây để tu, do đó gặp vị trụ trì, lễ Phật kính tăng xong bắt đầu mới hỏi vị trụ trì, xin phép để được nhận vào trong ngôi chùa ở. Vị trụ trì mới nói với anh chàng này: “Ta sẽ nhận con vào đây ở, nhưng trước khi nhận chính thức, ta muốn con đi gặp tất cả mọi người để làm quen và thấu hiểu được tất cả những người sống ở đây. Bởi vì nếu con quen và thấu hiểu, con biết và thấu hiểu, sự quen biết và thấu hiểu từng người sống ở trong chùa sẽ giúp cho con sống tốt đẹp hơn ở trong chùa và tu hay hơn và dễ học”.

Anh chàng này đi từ sáng đến tối, gặp ai cũng làm quen và hiểu, rồi anh ta về bảo người trụ trì: “Thưa thầy, con đã đi gặp hết và làm quen rồi”. Vị trụ trì nói: “Con chưa quen hết, còn thiếu đó con à, thôi con tiếp tục đi đi”. Rồi anh chàng này tiếp tục đi, ngày thứ hai cũng đi gặp hết rồi, gặp hết hỏi, cũng chỉ số tăng sống ở trong chùa, biết hết rồi hỏi từng người, rồi làm quen thân lắm, rồi cũng về trình ngài trụ trì: “Thưa ngài, con cũng đã quen biết và hiểu thấu, con rất gần gũi với họ và họ cũng rất mong muốn con được sống ở nơi đây”. Nhưng vị trụ trì nói: “Còn thiếu con à, còn thiếu một người nữa, con đi làm quen đi. Đây là ngày thứ ba nha con, nếu ngày thứ ba này con không gặp được người đó và con chẳng thể làm quen và thấu hiểu được người đó thì ta không thể để cho con ở trong chùa này được. Những người khác con đã quen, đã biết, tiếp cận, đã hiểu và đã thấu nhưng còn người rất quan trọng ở trong chùa này con chưa thấy, con chưa quen, con chưa hiểu. Do đó, nếu ngày hôm nay con không tìm ra được người này và gặp được người này thì coi như ta không thể nhận con vào ngôi chùa này”. Anh ta đi từ sáng cho đến chiều, đi hết, lại cũng gặp những người đó mà thôi và hỏi han thì chẳng còn ai nữa. Vậy mà tại sao hai ngày đã gặp tất cả những người này, về gặp vị trụ trì cũng nói còn một người nữa mà chưa gặp, người đó quan trọng bởi người đó quyết định để cho vị trụ trì nhận mình vào trong chùa. Anh ta buồn lắm, anh ta đi rồi lại tiếp tục, đã gặp đi gặp lại những người đó mấy lần trong ngày này rồi và hỏi han rằng còn ai nữa thì mọi người đều nó không còn ai. Vậy sao vị trụ trì kia lại nói còn người, hay có lẽ vị trụ trì không ưng ý hay không thích ta, muốn gạt bỏ ta hoặc không đón nhận ta làm đệ tử để cho ta sống ở trong chùa tu hay sao? Sự thôi thúc và suy nghĩ đó cộng thêm với sự mệt mỏi bởi tìm không ra, cuối cùng anh đang ngồi bên bờ giếng để lấy nước rửa mặt cho nó nhẹ nhàng, đầu óc rối bù mệt mỏi quá, nghĩ rằng nước sẽ làm cho tươi mát hơn. Trong khi anh ta cúi xuống múc nước thì anh ta nhìn thấy bóng hình của anh ta dưới mặt nước, anh ta mới tư duy và anh ta bật cười. Anh ta bật cười ha hả rồi xoay lưng đi xuống núi về nhà ẩn tu.

Các bạn, các bạn có biết chuyện gì xảy ra hay không? Có lẽ ta có thể đoán được sơ sơ nhưng chính xác là anh ta nhận ra rằng chính cái người anh ta phải biết, phải quen và phải hiểu không ai khác chính là bản thân của mình. Cho nên khi nhìn xuống mặt nước dưới giếng, anh ta nhìn thấy khuôn mặt của mình thì hóa ra bao nhiêu năm nay anh ta chỉ đi tìm người ở bên ngoài, quen người ở bên ngoài để hiểu, thương yêu người ở bên ngoài mà chưa bao giờ nhìn rõ con người thật của mình, yêu con người thật của mình, hiểu con người thật của mình và làm gì cho chính con người thật của mình. Vị trụ trì ở trên chùa chỉ nhắc nhở anh ta rằng, tu chùa hay tu nhà không quan trọng, quan trọng là mỗi người chúng ta phải tìm lại được mình, phải nhìn rõ mình và hiểu thấu được mình thì đó mới gọi là tu. Và khi bạn đã tìm được mình, nhìn rõ mình, hiểu thấu mình rồi thì ở trong chùa, hay ở trong nhà, hay ở ngoài trời kia, sự tu cũng tới một cách tự nhiên. Ngộ được được điều đó nên anh chàng chẳng còn phải trở lại gặp vị trụ trì để mà xin ở nữa, bởi sự khai thị của vị trụ trì anh đã liễu thông nên một mạch về, xuống núi mà về nhà, ở trong ngôi nhà mà nhỏ bé như một túp lều tranh sơ sài, sống và tịnh tu ở trong đó để nhìn rõ bản thể của mình, nhìn rõ tánh tình của mình, nhìn rõ con người của mình.

Các bạn thân mến, khi chúng ta tu, không cần biết chúng ta ở trong chùa, trong tịnh xá, trong am thất, trong thiền môn hay gọi một cái gì đi nữa, tư thất, tựu chung cũng là chỉ những danh từ để thể hiện cái lớn, cái nhỏ, cái chung hay cái riêng, nhưng chúng ta không thể nhìn ra mình. Mà tỉ dụ như chúng ta chỉ nhìn cái bên ngoài, chỉ rong ruổi những người ngoài, tìm kiếm, hiếu kỳ ai ai, ai hay, ai giỏi, ai hơn, ai thua để rồi trong cuộc sống tiếp xúc với muôn người, như vậy ta đã đánh mất ta, ta đã đánh mất mình và ta cứ chạy theo để tìm người này, người kia. Như anh chàng kia, cả ba ngày liên tục chẳng hiểu được ý của vị trụ trì, ngược xuôi ở trong chùa gặp tất cả mọi tăng ở trong đó, tiếp xúc hỏi han tên tuổi rồi ở bao nhiêu lâu, tìm hiểu cặn kẽ để làm quen, để hiểu, để thân, mong hầu được sống ở trong chùa. Nhưng bản thân của anh ta lại không biết anh ta, không nhìn rõ anh ta, không hiểu thấu được chính mình và chẳng sống được với chính mình thì làm sao sống với người khác. Nếu chúng ta hiểu người mà không hiểu mình, ta đã mất mình. Nếu chúng ta biết người mà không biết mình, ta đã mất mình. Nếu chúng ta thấu hiểu và đồng hành được với người mà không thấu hiểu để đồng hành với chính ta, ta đã mất thì lấy gì để sống chung với mọi người. Trên cuộc đời chẳng cần phải sống chung với mọi người mà phải sống được với chính ta. Khi ta sống được với chính ta, tịch tĩnh hiểu ta, thấu ta, yêu thương bản thân của mình, và sống đúng chánh pháp để được an nhiên tự tại, chính lúc đó ta ngồi một chỗ mà hòa nhập với muôn người không có sự ngăn cản và chia cắt. Sự ngăn ngại và chia cắt trong cuộc đời tới từ chỗ không hiểu, không thấu. Hiểu ai, thấu ai các bạn? Hiểu thấu được chính mình mới là quan trọng. Các bạn thân mến, nên hiểu thấu được chính mình, đừng vội vàng rong ruổi, chạy theo những hình bóng bên ngoài. Hãy trở về, hãy quay về. Người đi tu là quay về sống tự tại, nương vào bên trong, chẳng phải bên ngoài. Ý nghĩa cao siêu vị trụ trì chỉ cho anh chàng này là hãy làm quen, hãy đi tìm, làm quen để thấu hiểu được chính mình, đó là mấu chốt trên con đường tu. Còn chúng ta làm quen mà không thấu hiểu được mình thì chúng ta chẳng thể tu. Chạy theo những tình bạn ở bên ngoài, chạy theo hình thức ở bên ngoài để quên mất mình thì khó tu vô cùng.

Các bạn thân mến, con đường tu, tu đâu cho bằng tu nhà phải không? Người xưa thường nói, thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa, ý không phải là chỗ nào quan trọng hơn chỗ nào, mà quan trọng ở chỗ ta có biết ta không? Ta có hiểu được mình hay không? Các bạn đừng nói Bảo Thành dùng chữ ta rồi phân biệt ta, để có chủ ngã, thôi tạm gọi là mình. Chúng ta là con người, là kiếp người, nếu chúng ta không hiểu được mình, nếu chúng ta không thấu được mình, nếu chúng ta không biết được mình, chúng ta không thể tu. Mà Đức Phật dạy cho chúng ta là tìm về với chính mình, trở về với chính mình, mình là ai? Các bạn có khi nào hỏi mình là ai không? Và tìm về với chính mình là tìm về cái gì? Đó là một câu hỏi huyền bí cao thâm, mỗi người phải tự hỏi và tự tư duy và tự trả lời.

Các bạn, sống ở trên đời đừng vội vàng bỏ nhà để đi tìm người khác, đừng vội vàng bỏ mình để hòa vào với người khác, chỗ quan trọng là chúng ta phải hiểu thấu được mình, thấy rõ được mình, biết trân quý cuộc đời của mình và yêu thương cuộc đời của mình. Bởi kiếp làm người chỉ có một cuộc đời hiện hữu ngay bây giờ, nó là phương tiện nhưng nó cũng có thể ra đi thật nhanh. Bao nhiêu lâu các bạn còn có phương tiện này đầy đủ, vẫn còn có trí tuệ tư duy, còn có sức mạnh để đương đầu với mọi trở ngại. Các bạn phải đứng dậy, phải áp dụng đúng và phải sử dụng, các bạn phải biết nuôi dưỡng nó, các bạn phải nuôi dưỡng nó trong đời sống chánh niệm, trong hơi thở chánh niệm. Các bạn, chính vì các bạn khi trở về, nhìn xuống được mặt nước để thấy được mình, khi các bạn nhìn vào cuộc đời để thấy rõ được các bạn, nhìn vào chính mình để thấy rõ được ở bên trong ta, ta là ai, thì chính lúc đó các bạn đã hết khổ, hết buồn, chính lúc đó các bạn đã tự tại và ngay đó là ngôi chùa của các bạn an trú. Ngay lúc đó các bạn sẽ thấu hiểu được sự khai thị của vị trụ trì kia và anh chàng này chẳng còn mong cầu bỏ nhà đi đâu nữa, mà trở về tự thân của mình tìm được sự tịch tĩnh, an nhiên trong chính cuộc đời của mình.

Các bạn hãy trở về với đời sống chánh niệm để tự tại và an vui. Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn