Search

Nhà Tù Nguy Hiểm Nhất

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn!

Mỗi ngày một bài pháp gọn, hầu hết là những câu chuyện nhỏ trong thế gian, để cho chúng ta bắt đầu thấy được lời của Đức Phật luôn luôn đi sát với tất cả mọi cảnh sống của con người. Lời khai thị của Phật, chân lý của Đức Phật thật gần gũi với đời người, bởi Ngài là bậc giác ngộ, đi từ thân xác của phàm phu, hiểu được cách sống của con người, để thấy rằng ngay trong chính kiếp nhân sinh của chúng ta đây vốn đã có đầy đủ những điều cao quý. Chỉ cần chúng ta nhìn lại rõ ràng, thấu nghĩa được nó, chúng ta sẽ sống bình an và hạnh phúc.

Các bạn thân mến hôm nay Bảo Thành tính ngồi ở ngoài sân chùa để quay cảnh sân chùa, rồi chúng ta nghe những câu chuyện về pháp thoại. Nhưng ở ngoài kia đối với cảnh các bạn đang nhìn thật là nhẹ, nhưng thực ra nó đang mưa. Những cơn mưa phùn nhỏ giọt từ từ, ngồi ở ngoài đó sẽ bị ướt thân các bạn ạ. Tuy nó không mưa lớn bởi vì những cơn mưa lớn chúng ta nhìn thấy rồi, chúng ta có thể chạy trốn vào trong những túp lều hoặc mái hiên. Nhưng mưa phùn nhẹ nhẹ như vậy đôi khi chúng ta không nhận ra và thấy rằng hình như nó không ướt. Thực ra nó sẽ thấm từ từ vào, với cái gió lạnh của lập thu, trung thu đó các bạn. Thời tiết đang trở lạnh dần và những giọt sương hoà quyện vào với những giọt mưa phùn nhẹ thôi, mưa sương đó nó thấm dần, nó lạnh. Cho nên Bảo Thành nhận ra và trốn vào dưới mái chùa đây. Và các bạn cũng thấy những chú công theo sau nương vào mái chùa để tránh những giọt mưa, gần gũi với con người thực sự. Đây chính là hạnh phúc khi chúng ta nhận ra được những giọt mưa thật nhỏ, thật mong manh, nhưng đủ nếu lâu sẽ thấm vào làm lạnh và sanh bệnh.

Các bạn chúng ta đi tới một câu chuyện rồi chúng ta sẽ hiểu rõ tại sao mưa phùn nhỏ chúng ta cũng phải tránh.

Thuở đó có một nhóm tỳ kheo cùng với Đức Thế Tôn đi kinh hành, rồi đi ngang qua một thôn làng để họ khất thực cùng với nhau. Với Đức Thế tôn thời đó đi khất thực là chuyện rất thường, hằng ngày. Và khi vào ngôi làng khất thực đó thì đi tới một trại tù. Các hàng tỳ kheo thấy trại tù đó, những con người ở trong đó bị nhốt. Và những người bị nhốt đó toàn là những người gây ra tội nên bị nhốt. Và cái lao tù thì nó nhỏ, chật chội, hôi hám, dơ dáy bẩn thỉu, thiếu ánh sáng. Họ bị đày ải trong lao tù khổ cực quá, khổ cực quá. Các hàng tỳ kheo mới hỏi Chư Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, ở đời còn có hình phạt nào khổ hơn, lâu dài hơn thế không Thế Tôn? Thưa Thế Tôn, ở đời có cái đau khổ nào, và hình phạt nào đau khổ hơn ở trong nhà tù không? Đức Thế Tôn nói với họ rằng: Sự giam cầm trong nhà tù, bị nhốt trong nhà tù, bị phạt trong nhà tù kia chưa phải là nơi khổ ải nhất. Hàng tỳ kheo hỏi Chư Phật: Như vậy thì điều gì và nơi nào là nơi khổ mà chúng ta bị giam cầm?  Phật nói: Các con, hàng tỳ kheo thân mến của ta! nhà tù, lao tù kia chưa phải là chỗ khổ, nhưng có một thể loại lao tu ở trong tâm thì nhốt chúng ta đời đời, kiếp kiếp, luân hồi đau khổ vô cùng, khó có thể thoát, đó chính là tham ái, tham dục.

Các bạn, Phật dạy cho các tỳ kheo rằng: Tham dục và tham ái là nhà tù, trong cái lao tù đó sẽ khổ vô cùng. Và rồi Ngài giải thích cho các hàng tỳ kheo rằng: Tham ái nó dẫn chúng ta đi luân hồi mãi thôi, đau khổ mãi thôi. Tham dục và tham ái là hai cái nhà tù lớn nhất trong cuộc đời của kiếp nhân sinh chúng sanh. Bởi vậy Đức Phật mới dạy rằng: Chúng ta phải lìa ái, lìa dục, tức là phải bước ra khỏi hai cái nhà tù ái dục, thì sẽ tìm được hạnh phúc an lạc, còn không cứ đi ngược vào trong hai cái nhà tù, nhà tù của ái, nhà tù có dục thì nhất định khổ lắm. Hai chữ tham ái, tham dục không phải là chữ yêu thương, chữ tình yêu. Tham là đắm chìm trong ái dục, là bị chìm xuống không thể thoát ra được, vừa đam mê, vừa bị chìm đắm gọi là tham ái, tham dục.

Ở dưới mọi góc độ cuộc đời các bạn nhớ rằng, chẳng phải là chúng ta có vợ con, sống với vợ gọi là tham ái, tham dục. Ngay cả đồng tiền các bạn tham, yêu mến, quý mến nó, thương nó, yêu nó hơn cha hơn mẹ, mà không biết từ khước nó, để rồi đêm ngủ cũng ôm tiền, chết cũng ôm tiền, sống cũng ôm tiền, hằng ngày lúc nào cũng ôm khư khư lấy tiền, cái đó cũng là dạng tham ái, tham dục. Có bạn nói trên đời làm gì có kẻ lúc nào cũng ôm tiền? Có đó các bạn. Các bạn có thấy ở trên mạng nói, chiếu những cuốn phim chưa? Những con người khoe mẻ chưa? Vàng đeo đầy cổ, đầy tay đầy vai, tiền ôm đầy túi, thậm chí mà người ta còn thả tiền xuống nước để tắm. Đeo vàng mà đầy người, đeo không được bao nhiêu ký, mà có bao nhiêu ký vàng đeo hết lên trên người, đó cũng là tham dục, tham ái. Khi đeo vàng đeo của đầy ở trên người khoe khoang chứ không phải để trang điểm. Nó khác với sự trang điểm nhẹ nhàng có người nghe các bạn. Phật không dạy cho các bạn phải từ bỏ sự trang điểm, nhưng phải trang điểm bằng tình yêu thương nhẹ nhàng và thanh thoát, đừng trang điểm như khỏe tài khỏe của, cái đó thuộc dạng tham ái.

Trong tình yêu thương giữa con người với con người, nếu chúng ta cứ chấp cố rằng: đó là cha ta, đó là mẹ ta, đó là anh em ta, đó là thân xác ta, đó là cuộc đời của ta, đó là ta. Cái đó là bám vào cái ta, đó là một dạng tham ái tham dục thấy rõ nhất trong cuộc đời. Các bạn, chúng ta không phân tích thật là sâu về ý nghĩa tham dục tham ái, nhà tù, nhưng đối với hàng Phật tử bình thường như Bảo Thành và các bạn đang sống một đời sống bận rộn quá chừng, phải lo cơm áo cho con cái vợ chồng, lo kinh tế nhà cửa phòng trọ, chúng ta sống trong cái phòng trọ cuộc đời đã cực khổ rồi, huống hồ chi là sống trong lao tù của tham dục tham ái. Nhưng hiểu như thế nào để dễ dàng cho hàng Phật tử tại gia chúng ta, những con người công nhân, những con người nông dân, những con người cực khổ. Các bạn, nhà tù tham ái tham dục là chỗ chúng ta đặt mục tiêu tiền tài danh vọng và tất cả những thứ vật chất ở thế gian lên trên, cao nhất, như một mục đích để sống. Đắm chìm trong điều đó, các bạn như người đã bị nhốt vào lao tù cực khổ vô cùng. Các bạn có thấy cũng vì những điều đó mà có biết bao nhiêu bạn trẻ đã lao đầu vào đi tìm kiếm, cuối cùng không thành tựu được thì đâm ra nản chí, u buồn, khổ não, đau bệnh và đôi khi khủng hoảng tinh thần. Hãy đặt mục tiêu cao cả lên trên hết, đó là tình yêu tình thương, không có dính mắc, không có đắm chìm. Tình yêu bằng một trái tim biết tha thứ bao dung, và có một mục đích cao cả là làm sao cho tất cả những người ta yêu thương có được sự an vui như lời mà chúng ta thường tán tụng mẹ Quan Âm đại từ đại bi. Tức là biết ban vui cho muôn người, cứu khổ những ai đang đau khổ. Khi nói chữ ban vui ghê gớm quá phải không các bạn? Thực ra ban vui là sự chia sẻ niềm vui của chúng ta đối với muôn người.

Ví dụ như: Một người già đang bệnh hoạn cô đơn, chúng ta nếu không đến được cũng có thể gọi phone, hoặc nếu tốt thì tới một vài phút chia sẻ, nói chuyện tâm tình hoặc pha một tách trà, nấu một nồi cơm, mang một chút quà tới, đó cũng là chia sẻ niềm vui mà tăng cấp ngôn ngữ gọi là ban vui đó các bạn. Cứu khổ không phải như là mẹ Quan Âm cứu khổ, tầm thinh cứu khổ. Cứu khổ là an ủi những ai cô đơn, những ai bệnh hoạn, những ai bị đè nặng trong cuộc đời, những ai bất hạnh trong cuộc đời, những ai đang lâm vào cảnh khó nghèo, tù túng, hoặc chán nản, đau khổ, an ủi tức là cứu khổ đó các bạn. Còn nếu chúng ta cứ mang danh nghĩa ban vui cứu khổ như là một đấng ở trên cao ban xuống để cứu người ta thì chúng ta chưa đủ phần đâu các bạn, mình là người mà. Chỉ cần hiểu hai chữ ban vui, cứu khổ như chữ từ bi là biết chia sẻ niềm vui của ta trong hạnh lắng nghe, biết ban những niềm vui đó bằng sự chia sẻ và làm giảm bớt sự căng thẳng cho người khác, gọi là cứu khổ đó, là tới an ủi những người bệnh hoạn, những người già neo đơn, những kẻ mồ côi, những con người bất hạnh, sự an ủi đó rất cao quý. Và chia sẻ bằng cách tiếp xúc, nói chuyện, gửi gắm, trao tặng một món quà thật nhỏ, hữu dụng trong cuộc đời đó gọi là ban vui, chia sẻ và cảm thông rất cần. Chia sẻ và cảm thông mọi hoàn cảnh trong cuộc đời là chìa khóa để mở cái lao tù của tham ái, tham dục.

Các bạn, Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử rằng: Hãy dùng chìa khóa này, chìa khóa của từ bi, của sự chia sẻ và an ủi những con người đang sống chung với chúng ta, để mở cửa ngục tù, mở cửa tù của tham ái tham dục, để bước ra bên ngoài được tự do và hạnh phúc. Các hàng tỳ kheo đã hỏi Phật: “Nhà tù khổ quá, nhà tù bị nhốt, bị hành hạ, bị đánh, thế có nơi nào khổ hơn không?. Có hai căn nhà đó là nhà tù của tham dục và tham ái. Các bạn thân mến hãy theo lời dạy của Đức Phật, mang chìa khóa là sự chia sẻ và an ủi cho mọi người. Để mở cửa hai nhà tù tham dục và tham ái, để chúng ta tự thoát ra sống hạnh phúc bình an, thong dong tự tại những tháng ngày còn mang thân kiếp người, đang sống hiện tại với những con người ta yêu thương như cha mẹ, ông bà, những người thân, như những người bạn. Hãy nhìn chỗ tốt đẹp nhất của nhau để chúng ta tự mở cửa ngục tù của tham ái tham dục, để sống hạnh phúc và bình an.

Chân lý tối hậu ở chỗ đơn giản hóa cuộc sống và biết chia sẻ, biết an ủi những người đồng cảnh ngộ hoặc các cảnh ngộ với chúng ta.

Cảm ơn các bạn đã nghe! Cầu chúc các bạn giữ hai cái chìa khóa này trên tay để mở hai cái nhà lao tù tối tăm của tham dục, ái dục, để được tự do với đất trời tự tại với thiên nhiên

Cảm ơn các bạn đã nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts