Search

Lóc Thịt Nuôi Cha Mẹ

Công Minh đánh máy, Tuệ Uyên biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube “Thất Bảo Huyền Môn”.
Các bạn thân mến, cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi qua và mỗi ngày Bảo Thành trên kênh này có một câu chuyện nhỏ để gợi ý cho chúng ta về một chủ đề chúng ta tư duy hàng ngày, như tách cà phê các bạn uống mỗi sáng, như một sự gợi ý được đưa vào lòng khi các bạn nghe.

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành đi vào câu chuyện trước rồi chúng ta sẽ coi sự gợi ý của câu chuyện như thế nào. Đây là câu chuyện tiền thân của đức Phật. Một hôm đức Phật kể về câu chuyện tiền thân của ngài cho một số đệ tử của mình nghe, hôm đó đức Phật kể như vầy.

Có một ông vua và hoàng hậu ở quốc độ đó sinh được một thái tử đã lớn, điển trai, sức mạnh phi thường. Nhà vua cứ nghĩ rằng sẽ truyền ngôi cho thái tử. Tuy nhiên trong đêm nhà vua ngủ, nhà vua nằm mộng. Có một giấc mộng thật là linh thiêng báo rằng có một vị cận thần sắp sửa giết hại nhà vua và hoàng hậu để đoạt ngôi, chiếm quyền. Vua suy nghĩ thâu đêm mới thấy hành động của ông quan cận thần này thật sự có và đã có quân theo đầy đủ hết rồi, chỉ chờ đúng khi sáng dậy sẽ giết vua và hoàng hậu cùng thái tử chiếm đoạt ngôi. Nên ngay trong đêm đó vua và hoàng hậu cùng thái tử mới trốn khỏi kinh thành, đi tới nước bạn bên cạnh để ẩn trốn. Trên con đường đi, nước bạn thì ở xa, thâu đêm trong rừng lại tới ngày băng rừng vượt núi như vậy, sự mệt mỏi và đói đã tới, nên ông vua muốn giết hoàng hậu để ăn thịt nuôi thân và nuôi thái tử. Khi vua định như vậy, thái tử biết được ngăn chặn vua cha và nói với vua cùng hoàng hậu rằng: “Con sẵn sàng mỗi ngày lóc một chút thịt để dâng lên cho cha mẹ đủ sức vượt qua, đi tới quốc độ bên cạnh mà an trú.” Vua và hoàng hậu nghe xúc động nhưng vì sự tồn sanh của mình và của thái tử cho nên vua đón nhận. Thái tử cứ mỗi ngày lóc một chút thịt để nuôi cha và mẹ, vua cha và hoàng hậu. Ngày tháng trôi qua khi gần tới quốc độ kia thì thái tử bị kiệt sức, không còn sức, thái tử không đi được nữa và phải nằm tại bìa rừng và thúc dục vua cha và hoàng hậu hãy cố gắng đi một chút xíu nữa là tới. Đặng chẳng đừng, vua cha và hoàng hậu đành phải từ bỏ thái tử mà đi qua quốc độ kia ẩn trốn. Trong khi thái tử nằm ở đó chờ chết không thể đi được, chư thiên xúc động về tấm lòng của một người con sẵn sàng lóc thịt ra để nuôi dưỡng cha mẹ của mình. Nhưng để thử coi lòng của thái tử có dũng mãnh như vậy hay không, nên chư thiên liền hóa hiện thành con cọp vồ thái tử. Trong lúc vồ thái tử, thái tử không sợ hãi mà thái tử còn sẵn sàng nói trong hơi thở rằng: “Nếu vì ta để cho ngươi có thể sống, hãy tới mà ăn đi.” Sự sẵn sàng lóc thịt nuôi cha mẹ, nay còn sẵn sàng hi sinh luôn cái thân này cho con cọp. Cho nên khi thái tử đón nhận được điều đó, thái tử hạnh phúc vô cùng. Sau khi thái tử nhắm mắt chờ con cọp vồ thì con cọp liền hóa hiện thành chư thiên, trời Đế Thích cảm động vô cùng trước lòng dũng mãnh của thái tử. Các bạn thân mến, và sau đó thái tử đã được chư thiên trị bệnh khỏe mạnh sống lại. Khi nhà vua và hoàng hậu ở bên kia an trú, ông vua bên kia đã giúp cho hoàng hậu và vua trở về để đánh chiếm lại ngôi báu. Trên đường đó đã gặp được thái tử và cùng đưa thái tử về và ông vua bên cạnh đã giúp cho ông vua này và thái tử chiếm lại ngôi báu, bình định lại đất nước và trị vì thiên hạ trong cảnh thái bình an vui. Vua cảm kích tấm lòng hi sinh của thái tử đã truyền ngôi cho thái tử mà về hưu.

Các bạn, chính người con lóc thịt nuôi cha mẹ đó là tiền thân của đức Phật trong kiếp trước. Đó là lời kể của đức Phật, thái tử đó tên là Tu Xà Đề, sau này lên ngôi minh vương, vua Tu Xà Đề.

Các bạn thân mến, trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao nhiêu lần chúng ta gặp hoạn nạn ta có dám hi sinh cho người ta thương yêu hay không? đặc biệt có những con người đã từng trải qua chiến trận trên những làn đạn của cuộc chiến, sẵn sàng đưa lưng ra hứng đạn để cho con được tồn sinh trong làn đạn, trong bom đạn của chiến tranh. Có những vị cha mẹ như vậy, dám hi sinh như vậy. Nhưng đây nói đến người con kìa. Trong những cuộc hoảng loạn, trong những chuyện mà bất chợt thay đổi, hoàn cảnh cuộc sống không như trước, hầu hết các cha mẹ luôn hi sinh để bảo vệ cho con nhưng có mấy người con dám hi sinh lóc thịt để nuôi cha mẹ? Ngày nay lóc thịt nuôi cha mẹ không còn, nhưng mà phải nói đến sự hi sinh, hi sinh sức lực tài trí, hi sinh tất cả để có lòng hiếu đạo phụng dưỡng cha mẹ ngày nay. Thật là khó. Không phải ai cũng không làm được nhưng vẫn có một số đông vì những hoàn cảnh trái ngược trong cuộc đời, khi sống, khi lớn, môi trường đã làm thay đổi nhân cách mà khi cha mẹ gặp hoạn nạn, chẳng phải là già cả, hoạn nạn khi tuổi vẫn còn lớn, hay tuổi còn trung niên thì phận làm con vẫn sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, chẳng đưa vai gánh vác chăm sóc cho cha mẹ. Ngày nay ở xã hội hiện tại, biết bao nhiêu những người con đã phải buông tay không che chở cho cha mẹ, vì sao nên nỗi? Vì sao các bạn? Cái hiếu đạo trong nhà Phật có còn không? Cái hiếu đạo trong lòng của con người có còn không? Đức Phật tiền thân của ngài năm xưa đó lóc từng miếng thịt cho cha mẹ, để nuôi cha nuôi mẹ. Nhưng phận làm con ngày nay để hy sinh cho cha mẹ, tìm thật là khó, khan hiếm vô cùng. Để mà nói phải lóc thịt nuôi cha mẹ không còn nữa. Ta không đặt hoàn cảnh cũng phải hi sinh quá mức như vậy, nhưng ta đặt ở hoàn cảnh là chúng ta có còn lòng hiếu đạo đối xử tốt với cha mẹ, thương yêu cha mẹ, một lời chào trong sự kính trọng, một phẩm vật dâng lên cho cha mẹ nhỏ bé thôi, gọi là tấm lòng của con đối với cha mẹ sao bây giờ khan hiếm quá, tìm hoài không ra. Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn, nhân nghĩa đã đảo lộn, nhan nhản ở trên thông tin báo chí hàng ngày, trên Facebook hay các kênh mạng truyền thông biết bao nhiêu những người con đánh đập cha mẹ, biết bao nhiêu những người con ruồng bỏ cha mẹ, biết bao nhiêu những người con không phải là lóc thịt nuôi cha mẹ mà lấy và chiếm đoạt hết của cải của cha mẹ, lấy hết tất cả gia tài của cha mẹ chiếm đoạt rồi đuổi cha mẹ ra bên ngoài. Thấy vẫn còn những cảnh những người cha người mẹ tám, chín chục tuổi, già nua cả cuộc đời hi sinh cho con thế nhưng khi về tuổi già lại phải lang thang đầu đường xó chợ bán từng tấm vé số để nuôi thân. Thấy người cha người mẹ khi tuổi đã lớn mà bị những người con quăng ra cuộc đời. Cả cuộc đời tần tảo, lưng đã còng, sức đã hết vậy mà khi con cái trưởng thành lại đuổi cha mẹ ra khỏi chính ngôi nhà cha mẹ xây dựng nên cho mình. Rồi cha mẹ phải lang thang đây đó cuối cùng phải tụ tập vào những trung tâm từ thiện dưỡng lão sống cô đơn. Mà chính Bảo Thành khi đến thăm viếng những bậc cha mẹ đó, những giọt lệ đau khổ khô cằn không còn nữa, trên khóe mắt già nua của cha mẹ vẫn còn nhỏ từng giọt máu xuống trên khóe mắt đó. Nước mắt còn đâu để khóc, chỉ còn cô lại những giọt máu đau thương vì con cái đã xua đuổi cha mẹ. Còn đâu những người con lóc thịt nuôi cha mẹ nữa, còn không? Đó là câu hỏi để mọi người tư duy.

Chúng ta ở trong trái tim vẫn còn tình thương đối với con, nếu ta lập gia đình có cha mẹ mà bị ta ruồng bỏ, hãy nhìn xuống con cái của ta, nó đang nhìn ta hành động, có thể trong ánh mắt của trẻ thơ thấm nhuần chân lý là khi cha mẹ lớn thì hãy đuổi ra khỏi nhà vì như cha mẹ ta đã đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, là ông bà đó, thì đây là cách sống chúng sẽ áp dụng lại cho ta đó.
Các bạn ơi, ngày nay không cần phải lóc thịt nuôi cha mẹ nhưng sự hiếu đạo ở đây là dù bần hàn nghèo khổ hay sang giàu, hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta nên nhớ cả cuộc đời cha mẹ đã hi sinh thì khi cha mẹ đã đến tuổi già không phải bị quan cận thần chiếm đoạt ngôi báu mà bị tử thần đang gõ cửa từ từ để mang đi, bị cái tuổi già nua đang chiếm đoạt đi tất cả những sức trai tráng khỏe mạnh dũng mãnh, bị thời gian lấy đi tất cả. Cha mẹ đang bị thời gian, cha mẹ đang bị tuổi già, cha mẹ đang bị thần chết chiếm đoạt và xua đuổi, trên con đường đang đi đó ta là phận làm con có dám lóc thịt nuôi cha mẹ không? Có dám hi sinh để nuôi cha mẹ không? Có dám dưỡng cha mẹ trong lòng hiếu đạo hay không?

Ông vua kia và hoàng hậu bị một quan đại thần có binh lính để chiếm đoạt ngôi vua để rồi phải nương náu ở xứ người. Cha mẹ đang bị thần chết, đang bị thời gian đang bị tuổi già, đang bị bệnh hoạn, đang bị cô đơn, bốn ông thần gian ác này đang tìm cách giết cha mẹ. Chúng ta không cõng được cha mẹ chạy trốn mà còn xua đuổi cha mẹ vào những trại dưỡng lão, mồ côi hoặc vất vưởng trên lề đường bán vé số nuôi thân thậm chí nằm đây nằm đó ăn xin từng miếng để sống.

Các bạn, tiền thân của đức Phật lóc thịt nuôi cha mẹ, hiện thân của chúng ta làm gì với cha mẹ đây?

Cha mẹ tuổi đã lớn cao
Thời gian mới đó bây giờ già nua
Có ông quan tên là thần chết, tuổi già sức yếu bệnh hoạn đang theo.
Phận con ta phải làm gì?
Chữ trung hiếu đạo nghĩ cho thẳng lòng.

Các bạn ơi, các bạn cố gắng tư duy dù hoàn cảnh nào đi nữa cha mẹ vẫn là đấng sinh thành, lòng hiếu đạo đó các bạn cố gắng làm tất cả, dù phải chết cũng phải làm vì cha mẹ là hai đấng sinh thành ra ta.

Cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts