Search

Công Minh đánh máy, Tuệ Uyên biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn chúng ta đang gặp nhau trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, con đường phía trước vẫn còn thật dài. Mỗi ngày trôi qua, con đường sẽ ngắn dần và mỗi người chúng ta đều đang thành tựu được mục đích trong cuộc sống: mục đích sống làm người và mục đích trên con người tu tập tâm linh. Có nhiều chủ đề để chúng ta tư duy, có nhiều vấn đề cần gợi ý mỗi ngày để chúng ta nuôi sự trẻ trung trong suy nghĩ của mình. Bất cứ một chuyện gì ở trên đời chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng nó, nuôi dưỡng sự hiểu biết, nuôi dưỡng tình yêu thương, nuôi dưỡng cảm giác, cảm thọ, cảm xúc của mình. Nếu chúng ta quên không nuôi dưỡng nữa, chúng ta sẽ bị thoái hóa dần dần và những chuyện không nuôi dưỡng nó sẽ chết dần, chết mòn héo úa đi.
Có một câu chuyện kể, thời xưa đức Phật và tăng đoàn của ngài đi khất thực ở thành Xá Vệ. Lúc đó tăng thân cùng với Phật đi khất thực gặp thấy một nhóm người theo đạo Bà La Môn thời đó họ cãi nhau, tranh luận về tôn giáo. Họ cãi nhau một cách cục súc, xô bồ, ồn ào dù mang thân là những bậc giáo sĩ Bà La Môn nhưng khi tranh cãi về tôn giáo, họ cũng tay chân đụng nhau, miệng lưỡi choảng ầm ầm gây ra sự xáo trộn không đúng với phẩm giá của một vị tu sĩ Bà La Môn nữa. Khi khất thực xong đức Phật mới họp tất cả tăng chúng lại và kể câu chuyện hàm ý về những người Bà La Môn hay cãi nhau.

Đức Phật kể như vầy, thời xưa có một ông vua, ông vua này mộ đạo Phật và kêu dân chúng trong quốc độ của ông ta cố gắng tu đạo, cố gắng học về Phật pháp để cuộc sống có được sự an lạc hạnh phúc, quốc thái dân an, dân chúng sống trong sự hạnh phúc hòa bình. Nhưng quan thần và dân chúng cũng chỉ hời hợt ở bên ngoài chẳng tinh tấn, chẳng tu học. Ông vua biết được như vậy mới cho một đám người mù tập trung lại và dắt một con voi tới rồi cho mấy người mù đại diện đi sờ vào từng phần của con voi. Có người sờ vào chỗ tai của con voi rồi họ diễn tả với ông vua và quan thần rằng con voi hình tướng của nó như cây quạt bự, tại vì ông ta chỉ sờ vào tai mà thôi. Rồi lại có người sờ vào cái vòi lại diễn tả là con voi có hình như ống nước. Rồi có người lại sờ vào cái đuôi thì lại diễn tả con voi như cái chổi quét nhà. Có người sờ vào cái chân thì lại kể rằng con voi có hình hài như cái cột nhà. Chúng ta thấy tất cả những người mù sờ vào chỗ nào diễn tả con voi như vậy, và đức Phật kể câu chuyện đó rồi mới nói với các hàng tỳ kheo rằng: “Các con, nhóm Bà La Môn cãi nhau kia chính là nhóm người mù sờ voi đó. Và ông vua đó chính là tiền thân của ta trong một kiếp đó, ta là vua kêu gọi các con tu tập. Các con là thần dân đó nhưng bây giờ lại có cơ hội gặp ta để sách tấn. Còn nhóm Bà La Môn kia chính là những người mù sờ voi cãi cọ.” Họ mù, bởi vì họ mù nên họ không thể có được những vị minh sư, những bậc thầy giác ngộ dạy dỗ họ. Họ tranh luận, họ phiến luận, họ lý luận, họ tranh cãi trên từng chữ. Nhớ ở trong đạo Bà La Môn có kinh Vệ Đà cao siêu huyền bí bởi họ đặt để và tàng chứa trong những câu chữ ý nghĩa cao siêu mà thực ra họ chẳng có chứng ngộ, chẳng có vị minh sư nào chứng ngộ, ngồi vẽ vời như họa sĩ. Tâm như họa sĩ vẽ muôn màu muôn sắc, rồi cảnh ngũ ấm thế gian không sắc nào mà hiện. Cái ngũ ấm ở đời nó đủ màu sắc. Họ như họa sĩ, họ vẽ lên những ngôn từ sách vở, kinh Vệ Đà dày cộm như vậy. Và rồi cứ tranh luận từng chữ từng câu, người sáng tác ra câu chữ đó thì đặt ý nghĩa như vậy rồi kẻ sau đọc lại hiểu như kia, và cứ như vậy kẻ như vậy, kẻ như kia, thứ lớp khác biệt. Rồi cũng câu chữ đó người ta lột ra lột ra từng ý nghĩa tùy theo những người sáng chế ra văn tự đặt để ý nghĩa. Họ chỉ là những con người mù không nhìn thấy ánh minh của giác ngộ, không nhìn thấy được con đường giác ngộ đi về tới đâu. Họ không có thầy, họ không có minh sư.

Đó là câu chuyện về tiền thân đức Phật là một ông vua mong muốn dân chúng của mình học đạo. Còn cũng trong đó có những con người mù lại tái sanh thành những kẻ Bà La Môn gặp trên con đường đức Phật và tăng chúng đi khất thực, họ cãi cọ bên lề đường của cuộc đời, tranh luận.

Các bạn thân mến, hầu hết những người dính vào những sự tranh luận trên kinh sách, hí luận, tranh luận đối đãi từng chữ rồi thỏa mãn với câu chữ, văn tự, với tư tưởng, với định kiến, với suy nghĩ riêng tư của mình. Với những suy nghĩ riêng tư của mình họ thỏa mãn được điều đó họ thích lắm bởi chỉ một câu một chữ họ đọc, họ dồn bao nhiêu ý nghĩa của cuộc đời vô các câu chữ đó nên họ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, ai đó đọc vào câu đó chữ đó mà không nói được đúng như ý của họ bắt đầu có một cuộc tranh luận gay gắt xảy ra. Thực ra tốt mà, nếu chúng ta có tranh luận là có tăng thêm tầm hiểu biết. Nhưng ở đời khi tranh luận ít ai có tâm sáng lắng nghe để học, thường là tranh luận dựa trên tư tưởng suy nghĩ riêng của mình. Do đó những cuộc tranh luận thường là xảy ra trái ngược với sự ham học gây ra sự đau thương, chia rẽ rồi hận thù.

Đức Phật khuyên chúng ta phải có tâm thành để gặp được minh sư. Còn nếu như chúng ta không có minh sư chẳng khác gì người mù tái sinh thành các tăng sĩ Bà La Môn cãi nhau hoài. Thông thường Bảo Thành và các bạn, chúng ta là người thường thích lý luận. Ai cũng có lý luận và chiều sâu lý luận riêng tư cho mình. Sự lý luận đó không đi tới đâu hết bởi kết thúc của những cuộc lý luận, hí luận, tranh luận với nhau thường làm cho cái tâm sân trỗi dậy. Cuối cùng chẳng ai đúng cũng chẳng ai sai, bởi vì sao? Ai cũng đúng, ai cũng sai.

Đức Phật khuyên bảo chúng ta giảm bớt sự tranh luận để chúng ta tu trong sự tịch tĩnh, cho trí tuệ được sáng, không còn bị mù nhưng những người mù kia, được minh sư chỉ dạy rõ ràng. Mắt không còn mù, sáng tỏ trí tuệ để chúng ta có thể quan sát thật kỹ con voi, biết được con voi hình tướng như thế nào. Nếu chúng ta cứ tranh luận chẳng khác gì chúng ta là người mù chỉ sờ vào tai của con voi. Chúng ta mù là bởi vì chúng ta đắm chìm trong ý nghĩa riêng của chúng ta, sự hiểu biết riêng của chúng ta mà cái nhìn về sự hiểu biết của từng người riêng ta nó nhỏ bé lắm, nó chỉ là một phần. Nếu có hiểu có biết có chạm vào cũng chỉ chạm vào một phần của con voi. Pháp giới vô tận, làm sao trong các pháp tạng của Như Lai đó ta có thể thể nhập vào được nếu không có minh sư và đi tới sự giác ngộ toàn diện như Đức Thế Tôn? Khi chúng ta là phận làm người, dù kiến thức ở đời có uyên bác, có thể gọi là đại học sĩ về văn luật, giảng nghĩa cao siêu thì cũng nằm ở trong vùng tối tăm trí tuệ của phàm phu. Nếu không cố gắng tu tập đi tới sự chứng ngộ toàn diện như Thế Tôn, chúng ta cũng chỉ như con dế nó gáy thôi mà gáy to quá coi chừng con gà nó nghe được nó tới nó ăn thịt.

Các bạn ơi, cuộc sống ngoài những sự giới thiệu, gợi ý để tư duy, mỗi một người chúng ta luôn phải biết lắng nghe lời của đức Phật dạy, phải dùng toàn bộ trí tuệ của mình tư duy trên con đường chánh pháp của Như Lai để hiểu thấu và rõ được rồi sau đó lắng lòng lặng thinh tu tập để đi tới sự giác ngộ viên mãn. Còn nếu không chúng ta cũng chỉ là những bàn giấy trên đó có cuốn sách rồi cứ viết lung tung, loạn hết cả lên, tranh luận. Thông thường người ta nói uống rượu mới biết say, nhưng tranh luận cũng say sưa dữ lắm các bạn. Đó cũng là một chất say. Trong những cuộc tranh luận, trong những cuộc hí luận nó cũng dẫn đưa chúng ta say đắm, say mê khó thoát được. Nếu mà nhĩ căn của mỗi người biết lắng đọng như ngài Quan Âm biết lắng nghe vạn pháp trong hư không, xuyên suốt không ngần ngại thì mắt của chúng ta sẽ được sáng tỏ chẳng còn mù nữa, chúng ta có thể nhìn xuyên suốt tất cả mọi cảnh giới. Các bạn ạ, đừng như kẻ mù sờ voi la toáng lên voi như vầy, voi như kia. Đừng như kẻ mù sờ voi chỉ một phần như tai, như chân, như đuôi, như vòi rồi nói voi như quạt, như cái chổi quét nhà, như cột nhà, như ống nước. Các bạn, chúng ta dù có cao siêu uyên bác dùng trong chữ nghĩa gọi là đại học sĩ văn chương cũng chỉ đầy ắp những ngôn ngữ ngổn ngang. Do đâu, do chính loài người tạo ra, rồi chúng ta thủ đắc ngôn ngữ đó, thủ đắc cách suy nghĩ đó rồi đặt để mình trong những vai trò tối cao, từ đó đâm ra mù lòa con mắt trí tuệ. Các bạn đừng khi nào tự làm lòa con mắt của mình, hãy sống chân thành, sống tâm chân thành, hãy lắng lòng nghe Đức Phật dạy khai thị để chúng ta được khai mạc mở con mắt trí tuệ để nhìn tổng thể thể hình dáng con voi để không còn chấp vào bất cứ một chỗ nào khi vịn, khi sờ vào mà sẵn sàng đi cả một vòng tròn vừa sờ, vừa nhìn, vừa tư duy để thấy rõ hình dáng voi như thế nào, để đừng trở nên như những bà la môn, những người đứng bên lề đường của cuộc đời chẳng kinh hành trên dòng đạo của Đức Phật, cãi cọ hoài.

Chúc cho các bạn có sự thanh tịnh rời bỏ những sự tranh luận không mang lại lợi ích biết lắng lòng ngồi xuống nghe Đức Thế Tôn khai thị trong tâm thức của mình

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts