Search

Con Gà Và Hạt Bắp

Công Minh đánh máy, Tuệ Uyên biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn!

Chúng ta đang ở trên kênh youtube “Thất Bảo Huyền Môn”. Các bạn thân mến, nếu thật sự chúng ta sống thoáng một chút xíu, sống nhẹ nhàng một chút xíu, sống biết buông thư thì tinh thần của chúng ta sẽ thong dong lắm. Đời sống có nhiều điều phải suy nghĩ và sự suy nghĩ của cuộc đời nó cứ xoay vần kéo mãi, dẫn mãi làm cho mỗi người chúng ta lo âu phiền muộn. Và sức chịu đựng của chúng ta có giới hạn đó. Nếu chúng ta không biết buông bớt đi rồi chúng ta cứ ôm giữ mãi, chất chồng mãi, tự đày đọa tâm của mình, để cho đầu óc của mình bị tổn thương. Đó cũng là một trạng thái, một hiện trạng xảy ra ngày hôm nay cho thế hệ trẻ khi mà mỗi một con người chúng ta cưu mang quá nhiều ước mơ, rồi mong muốn thành đạt quá nhiều mà không lượng sức mình. Có những thanh niên, thanh nữ trẻ mài dùi kinh sử ở trên học đường để thành nhân thành tài. Cộng thêm lại nghĩ đến xã hội bon chen quá nhiều, một mặt vừa muốn kiến thức ở học đường, một mặt lại muốn vơ vét những sự thành tựu trong cuộc sống. Ngồi ở học đường mấy năm trời mới có thể thành danh, ở ngoài đời bươn qua một chút, chải qua một chút là có tiền, có phận, có danh. Lấn cấn giữa kiến thức thực thụ để thành nhân hoặc là tiền tài thực thụ để sống giàu có, nó cứ luẩn quẩn rồi nó cứ dằn vặt và cuối cùng giữa sự lo âu phiền não đó, nó tạo thành cái khối lớn dằn vặt trong tâm thức, làm cho khó có thể giải quyết được và cuối cùng là thế nào? Thần kinh bị căng thẳng.

Có một câu chuyện: một cậu học trò được cha mẹ cho ăn học thật là nhiều, cậu ta học thật là giỏi. Kiến thức uyên bác của cậu được tiếp thụ thật là nhanh. Nhưng sống trong một xã hội mở cửa nền kinh tế, tiền bạc anh ta thấy được từ bạn bè tới quá nhanh, mà những đứa đó đâu có cần học gì, chỉ sơ sài mà thôi. Và anh ta đã so sánh giữa kiến thức có được trong bao nhiêu năm miệt mài trên ghế của nhà trường chưa tìm ra tiền mà đã đến tuổi mà muốn có tài, có danh, có này, có kia mà vẫn phải học. Kiến thức có rộng nhưng sự hiểu biết về sự vần xoay giữa tài-danh-tiền, giữa cái lợi ảo của thế gian nó lấn cấn, nó độn lẫn với nhau, nó lỉnh kỉnh đó trong đời và anh ta không tìm ra hướng giải thoát. Cuối cùng anh ta bị ảo tưởng của cuộc đời, mà cái câu ngày nay Việt Nam hay gọi là ảo tưởng sức mạnh.

Chính trong sự ảo tưởng sức mạnh để có được tất cả, anh ta đã bị khủng hoảng, thần kinh bị điên loạn và chẳng có sự tịch tĩnh, trí tuệ hình như bị rối mà người đời gọi là bị tưng tưng tửng tửng, khùng khùng điên điên. Và kể từ lúc đó anh ta học không được, làm việc cũng không được. Tối ngày anh ta cứ nói với cha mẹ rằng có con gà nó cứ dí theo anh ta nó ăn. Và anh ta cảm thấy như là anh ta chính là cái hạt bắp, con gà cứ dí cứ ăn và ngày qua tháng lại cứ thấy gà là anh ta chạy, chạy không kịp nổi. Bởi vì anh ta thấy con gà cứ dí để ăn cái hạt bắp. Cha mẹ hỏi “Tại sao con chạy?” thì anh ta nói rằng anh ta là hạt bắp, con gà cứ dí à. Cha mẹ thấy buồn lắm bởi con bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, đầu óc rối loạn, tưởng mình là hạt bắp và thấy gà cứ tưởng như gà đang dí, sống trong sự hoang tưởng như vậy, biết bao nhiêu tiền tài kiến thức cha mẹ dồn vào để có hoàn toàn sụp đổ. Và cha mẹ buồn vô cùng bởi vì khối gia tài của cha mẹ đã chuyển thành kiến thức cho con, nhưng con nay vì sự bức xúc trong cuộc sống đã bị khủng hoảng, sống trong ảo tưởng và dần dần cứ bị cái tưởng đó dẫn đi, tưởng mình là hạt bắp bị gà dí mãi.

Cuối cùng cha mẹ mới cho con đi tìm bác sĩ, tới vị bác sĩ tâm thần được bác sĩ tâm thần hướng dẫn và chữa trị. Khi đã chữa trị xong anh ta nói với bác sĩ rằng anh ta đã hết bệnh rồi, đã khỏe rồi, không còn ảo tưởng nữa. Bác sĩ chưa chấp nhận bởi vì qua sự kiểm tra của bác sĩ, anh ta vẫn còn bệnh hoạn thật là nhiều, vẫn còn bị hoang tưởng nó chế ngự nhưng anh ta khẳng định nói với bác sĩ rằng anh ta không có bị. Bác sĩ làm một bài thử và nói rằng anh đã hết bệnh, vậy thì thôi anh hãy về đi. Khi anh ta bước ra khỏi cửa phòng khám của bác sĩ, bác sĩ thả một con gà ra, anh ta chạy, chạy không kịp, anh ta chạy vòng quanh vòng quanh và kêu rằng ôi bác sĩ ơi, con gà nó đang dí theo hạt bắp, nó đang mổ hạt bắp, hạt bắp sợ lắm. Bác sĩ bắt con gà lại và nói với anh ta, anh đã thấy chưa, anh chưa hết bệnh hoang tưởng, trong đầu của anh vẫn luôn nghĩ anh là hạt bắp và luôn nghĩ rằng con gà nó dí anh mà thôi, anh còn bệnh. Nhưng anh ta nói với bác sĩ rằng:

  • Không, tôi hết bệnh rồi.

Bác sĩ nói:

  • Tại sao? Anh đâu thể hết bệnh khi mà con gà đứng đó anh cứ tưởng tượng anh là hạt bắp để rồi nó dí anh đó.

Anh ta mới nói rằng:

  • Thưa bác sĩ, tôi thấy con gà. Tôi biết tôi không phải là hạt bắp, nhưng con gà vẫn dí.

Bác sĩ hỏi:

  • Tại sao con gà vẫn dí anh?
  • Bởi vì tôi biết tôi là người không phải hạt bắp nhưng con gà nó đâu biết tôi là người, nó tưởng tôi là hạt bắp nên nó vẫn dí tôi, nó dí để nó ăn tôi, nên tôi sợ nó mổ.

Bác sĩ nghe qua sự lý luận này không cầm nổi nụ cười của mình, rồi cũng phải cười một nụ cười ngớ ngẩn như người ngẩn ngơ kia xáo trộn trong ảo tưởng của cuộc đời.

Các bạn thân mến, các bạn có muốn trở thành anh bạn đó hay không? Sống trong ảo tưởng bởi vì không chuyên nhất cái tâm của mình trên cái nền tảng vững chãi, vững chắc của kiến thức mà cứ đua đòi tìm gia tài của cải vật chất thế gian, lẫn lộn trong vòng kiến thức, ở đời vẫn có như vậy. Một mặt học lại không học hành, có một chút kiến thức lại đắm chìm trong vật chất, trong danh tài sắc tướng, để rồi cứ vật lộn ngược xuôi hoài, lẫn lộn trong đó thành ra ảo tưởng. Và cũng có những con người ở trong một hoàn cảnh nào đó muốn vươn lên nhưng không vươn lên bằng kiến thức, ngồi đó mà mơ tưởng, nhập vào trong cái tưởng thức ảo tưởng vô cùng để khùng khùng điên điên, nói hươu nói cuội, gặp gà tưởng mình là bắp, nó dí chạy cả cuộc đời.

Các bạn thân mến, con người ta hay sống trong ảo vọng, tưởng mình thế này thế nọ và cũng tưởng người khác đang nghĩ mình là thế này thế nọ mà mấy khi nhìn mọi sự vật như nó đang là đâu. Anh chàng này đã bị bệnh cho nên nhìn con gà tưởng mình là hạt bắp, sợ con gà dí. Cuộc sống chúng ta vẫn có một cái nhìn, nhìn người khác rồi tưởng họ nghĩ về mình như thế này, nghĩ về mình như thế kia. Thế đấy, cái khổ nó mới tới cho chúng ta. Nhất định Bảo Thành đã từng trải qua và các bạn cũng vậy, chúng ta nhiều khi cũng nhìn người này rồi suy nghĩ rằng họ đang nghĩ về ta xấu lắm, họ đang chê bai ta. Rồi khi họ nói chuyện, ta lại nghĩ rằng người này đang nói xấu, nói xóc mé, nói đâm thọc, đang nói về ta đó. Và ta cứ nhìn, nhìn họ rồi nghe họ nói, nhìn họ làm là liên tưởng tới những điều họ luôn luôn nói và nghĩ là xấu về ta thôi chứ ta không nhìn họ chính là họ. Chúng ta chưa nghe được những lời của họ nói như chỉ là nghe mà chúng ta quá vội vàng trở thành người đặt để mặc định cho những đối tượng đối diện với cuộc đời của chúng ta theo những tư tưởng, chiều hướng xấu. Như vậy thường gây ra phiền não và rồi gây ra chiến tranh tạo ra nghiệp tổn phước báu. Còn ở trên góc độ nhìn người nghĩ họ tốt với mình thì hóa ra bị lầm.

Chúng ta nhìn một đối tượng tới với cuộc đời thường có hai góc độ, một là nghĩ họ xấu, nói xấu, chê xấu ta và nghĩ xấu về ta. Hai là họ nói đẹp, nói tốt, nghĩ đẹp về ta. Giữa cái đẹp và cái xấu, cái thích và cái không thích, cái thương và cái ghét nó cứ lẫn lộn lấn cấn hoài, riết rồi chúng ta bị ảo tưởng của sự suy nghĩ trong tâm thức của mình dẫn đi, không kềm được, như anh chàng kia cứ nhìn gà tưởng mình là bắp sợ gà dí. Chúng ta nhìn người, nghe người, thấy người cứ tưởng người là gà, ta là bắp, họ dí họ ăn thịt, nghe có vẻ ngộ nghĩnh. Nhưng sự thật ở trên đời đã xảy ra và trong tuổi trẻ hiện thời khi mất đi phương hướng trong cuộc đời, ta dễ lâm vào những cảnh mà chúng ta không thể tự thoát ra được. Đó là đắm chìm trong ảo tưởng, đắm chìm trong ảo tưởng bởi không tự lực cầu đến sự thành tựu bằng kiến thức mà chỉ mơ ước hão huyền khi so sánh với những người ở bên ngoài, hoàn cảnh ở bên ngoài tựu ưu hơn ta để từ đó tự ti, tự kỷ, mặc cảm và đâm ra chỉ sống trong ảo vọng. Không còn dùng sức, trí tuệ, kiến thức vốn có trong ta để vươn lên trưởng thành mà chỉ sống trong ảo vọng thẫn thờ, mất hết sức sống, ngồi mơ mơ màng màng, rồi chẳng làm được gì nữa, cứ ngớ ngẩn nhìn gà hóa cáo, rồi hóa bắp, rồi hóa đủ thứ và thấy hình như ai cũng xua đuổi chúng ta.
Các bạn thấy chưa, cuộc sống cần phải có một đời sống thực tập, cần phải có một đời sống an trú ở trong trí tuệ thực sự. Để có được như vậy mỗi người chúng ta phải ráng nghe theo lời của đức Phật dạy, cố gắng giữ cuộc đời của mình trong hơi thở, giữ kiến thức của mình trong hơi thở, sống một đời sống chánh niệm, sống trong tỉnh thức và luôn luôn nhận rõ mọi hiện trạng của cuộc đời tới và đi ngay trong giây phút này, đừng liên tưởng quá xa khỏi tầm tay, đừng ảo tưởng quá rộng khỏi trí tuệ của mình để rồi mình đâm ra hoảng sợ, làm rối loạn cái não trạng của mình thành kẻ khùng điên ảo tưởng trong cuộc sống.

Pháp của nhà Phật vi diệu. Nếu mỗi người chúng ta biết trụ trong sự an lạc tịch tĩnh chánh niệm, chúng ta không những khỏe vui mà còn có thể thành tựu được các thể loại phước báu đầy đủ về các phương tiện của cuộc sống. Chúc các bạn thành tựu, chúc các bạn trưởng thành, chúc các bạn nghe được lời Phật phù hợp với căn duyên, mang vào thực hành để giáo pháp của chư Phật là phương tiện dẫn các bạn tới sự thành công viên mãn có sức khỏe, có trí tuệ và luôn an vui trong cuộc đời.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts