Search

Hy Sinh Là Cao Thượng

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Phước biên tập

Hy sinh bằng cả tình yêu
Bao dung độ lượng nâng niu giữ gìn
Chân thành phụng hiến quên mình 
Là lòng cao thượng hiển minh đất trời

Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay. Hôm nay thứ bảy, mời gọi các bạn cùng tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Hồi hướng cho các đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, bớt phiền bớt não, bớt bệnh tật, luôn sống đời an vui. Chúng ta cũng thành tâm hồi hướng công đức cho bé Bảo Duy có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc vượt qua chướng ngại về thân bệnh. Mời các bạn chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn. Hôm nay là thứ bảy ngày cuối tuần. Thật là tuyệt vời khi mà Bảo Thành và các bạn đã trải qua một tuần đồng tu với nhau trong sự phát nguyện đi tới sự giác ngộ và giải thoát bằng thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi. Nương vào đại hùng đại lực của mười phương Chư Phật, nương vào tình thương và sự gia trì đặc biệt của mẹ hiền Quan Thế Âm, chúng ta tịnh dưỡng trong tình thương vô thượng đó và nuôi dưỡng tâm tánh thiện lương của chúng ta. Con đường tu tập của hàng Phật tử tại gia hay xuất gia của chúng ta nếu để cho sự bận rộn của cuộc đời lôi kéo, chẳng thường trụ miên mật trong sự tu luyện thì chúng ta thật khó thành tựu được sự an lạc trong cuộc sống. Hôm nay thứ bảy, chủ đề mở rộng nói về tình thương giữa con người với con người, tình thương giữa các đấng bậc sinh thành với con cái, tình thương của cộng đồng xã hội, của tất cả mọi loài chúng sanh thể hiện đối với nhau.

Hi sinh là cao thượng” chủ đề này cao rộng vô cùng. Không có một sự hi sinh nào là không cao thượng. Đặc biệt sự cao thượng tột cùng là sự hi sinh của cha mẹ. Rất cao thượng! Hi sinh là cao thượng thì sự hi sinh tận hiến tột cùng cao thượng nhất vẫn là sự hi sinh của cha mẹ. Các đấng ấy:

Hi sinh bằng cả tình yêu

Bao dung độ lượng nâng niu giữ gìn.

Chân thành phụng hiến quên mình

Là lòng cao thượng hiển minh đất trời.

Cha mẹ là đất trời, cha mẹ có tấm lòng cao thượng vô cùng. Cuộc đời này sẽ tăm tối, màn đêm sẽ phủ dày nếu thiếu đi cha mẹ. Chính cha mẹ có lòng cao thượng thắp sáng ánh minh tuệ của Chư Phật, làm cho đất trời tăm tối phải lùi xa. Các bạn, hành tinh này sẽ tối lắm nếu đi không còn cha còn mẹ, màn đêm sẽ phủ kín cuộc đời của mỗi người chúng ta. Cứ nhìn kỹ về tất cả những sự hi sinh của con người đối xử với nhau, không có một sự hi sinh nào có thể sánh bằng sự hi sinh cao thượng của cha mẹ.

Ngày hôm qua, Bảo Thành nhận được tin nhắn của một người mẹ trẻ nói về đứa con của mình đang lâm bệnh, căn bệnh này đã tái phát nhiều lần, tắc nghẽn tĩnh mạch. Người mẹ trẻ này đau đớn vô cùng, nếu có thể bù đắp để cho con hết đau thì người mẹ ấy sẵn sàng hi sinh tất cả. Nhìn con đau mà người mẹ đau đớn khôn cùng, mỗi lần thấy con đau con ói ra máu bởi tắc nghẽn tĩnh mạch, người mẹ đau đớn vô cùng như hàng ngàn mũi dao mũi giáo mũi kim đâm vào trong trái tim. Ông bà thường nói khi làm cha mẹ mới biết được tình yêu của cha mẹ. Có lẽ người mẹ trẻ này bây giờ mới thấm hơn, hiểu thấu hơn tình yêu của mẹ mình của cha mình khi hai đấng đó còn hiện thân trong cuộc đời. Người mẹ trẻ này cũng như Bảo Thành không còn đầy đủ phước báu để sống, để cười, để vui, để buồn cùng cha mẹ nữa. Hai đấng song thân đã đi rồi. Nhưng lại có cơ hội trải nghiệm rất thực tế để hiểu thấu được sự hi sinh cao cả vô cùng như trời đất, sự hi sinh của cha mẹ những năm xưa. Vì sao? Vì nay chứng kiến đứa con của mình đang lâm bệnh mới thấy được sự gắn kết thiêng liêng nhiệm màu giữa mẹ và con, mới thấy được sự lo lắng tột cùng của cha. Là cặp đôi cha mẹ trẻ, nay thấy con như vậy thì đau, nhưng chắc chắn đây là một sự trải nghiệm tuyệt vời để hiểu được tận cùng chân giá trị của sự hi sinh cao thượng nơi các đấng bậc sinh thành. Bảo Thành có nhắn tin qua lại và luôn luôn nhắc nhở bản thân kêu gọi mọi người chúng ta đồng tu hồi hướng công đức cho bé và cho người mẹ trẻ.

Các bạn thân mến, cha mẹ hi sinh thật nhiều cho chúng ta. Hi sinh nhiều lắm, hi sinh bằng cả tình yêu, tình yêu mà sẵn sàng chết đi vì những đứa con mình yêu thương. Những tháng ngày dài mang nặng đẻ đau không cam chịu những nhọc nhằn trong cuộc sống, mẹ cha vẫn tần tảo dưới nắng trời mưa bão, dưới thử thách của cuộc đời tăng trưởng tình yêu thương đi đến sự bao dung độ lượng. Để khi con chào đời, cha mẹ nâng niu gìn giữ ôm ấp che chở, và khi lớn lên cùng với thời gian năm tháng cha mẹ của chúng ta một lòng chân thành phụng hiến tất cả, quên cả mình để cho Trái Đất này luôn sáng, cho hành tinh này luôn sáng và làm cho đất trời có thể quang đãng, cho những người con của mình bước vào cuộc sống. Từ ngày hôm qua đến hôm nay Bảo Thành cứ tư duy, thấy được người mẹ trẻ buồn đau khi đứa con của mình đang bị bệnh. Đây đã là lần thứ mấy rồi, bé bị tái phát thường xuyên lắm, khoảng hai tháng hay mấy tuần lại bị một lần, Bảo Thành luôn nguyện cùng chư Phật, chư Bồ Tát, Long Thần, Hộ Pháp, chư Tôn, Cửu Huyền và ông bà gia trì cho bé. Chắc chắn niềm tin của Bảo Thành là bé sẽ có đầy đủ phước báu để vượt qua và sẽ mạnh khỏe như bao nhiêu em bé khác.

Hi sinh là cao thượng đó các bạn. Chúng ta sẽ nhận diện ra Đức Thế Tôn trong tấm thân nhỏ bé của cha mẹ. Chúng ta nhớ ngày xưa ngược dòng lịch sử hơn 2560 năm, Đức Thế Tôn tần tảo sớm trưa, từ hai bàn chân nhỏ chẳng có phương tiện như ngày nay đâu, đi bộ đó các bạn, mang tình thương trải rộng trên tất cả những miền đất Ngài đi qua. Tình thương đó được thể hiện trong sự khai thị giáo pháp của Ngài tới với mọi tầng lớp dân chúng, lan tỏa tình yêu thương tới tất cả mọi chúng sanh ở khắp cõi, không bao giờ mệt mỏi và ngừng nghỉ đâu, luôn luôn thương yêu. Đức Phật đã hi sinh tất cả nào là cung vua, điện ngọc, vợ đẹp, mỹ nữ, quyền lực để bước vào cuộc đời của một bậc giác ngộ đầu trần chân đất với mảnh vải liệm xác khoác lên trên người rảo bước khắp cùng mọi nơi, mang ánh sáng giác ngộ và tình thương che chở. Gương hi sinh tột cùng đó nếu như người Phật tử tại gia của chúng ta không quán chiếu để thấu thì chúng ta sẽ không trân quý pháp bảo lời truyền của Phật mà ngày hôm nay ta còn có phước báu học hỏi tu luyện. Và nếu không nhận ra giá trị hi sinh cao cả cao thượng của Phật thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ nhận ra giá trị hi sinh cao thượng của cha mẹ. Sự liên kết mật thiết giữa cha mẹ và Phật thật gần gũi. Trong một câu nói được chuyển ngữ để chúng ta dễ hiểu về tình thương cao thượng của Phật nơi cha mẹ đó là: cha mẹ là Phật. Câu này khẳng định thật rõ trong truyền thống người Việt của chúng ta, cha mẹ là Phật. Nhận ra giá trị cao thượng của cha mẹ là cơ hội cho những người con chúng ta diện kiến Chư Phật, thấy được Như Lai trong đời thường. Đã bao nhiêu lần chúng ta trong sự cô đơn tận cùng, nước mắt giàn dụa đã thốt lên: mẹ ơi mẹ đâu rồi? Bị cuốn trôi, mất hút, lạc lõng trong bao nhiêu thử thách cám dỗ của cuộc đời, chúng ta vẫn luôn có mẹ có cha, chúng ta luôn có Phật hiện hữu trong cuộc đời. Điều này chứng tỏ thật rõ các đấng ấy đã hi sinh tất cả cho chúng ta, và sự hi sinh của các đấng ấy là cao thượng, cao thượng vô cùng.

Hi sinh bằng cả tình yêu

Bao dung độ lượng nâng niu giữ gìn.

Chân thành phụng hiến quên mình

Là lòng cao thượng hiển minh đất trời.

Ngược dòng thời gian Bảo Thành nhớ về mẹ. Thuở của những năm 1975, nhiều bạn trẻ ngày nay không có một chút gì trải nghiệm, nhưng nếu tìm lại lịch sử còn ghi chép thì các bạn sẽ có cơ hội hiểu thấu được. Dĩ nhiên giai đoạn đó là giai đoạn hiểu của Bảo Thành bởi là một sự trải nghiệm thực tế. Nhưng hàng ngàn năm qua biết bao nhiêu những tấm gương của những bậc cha mẹ hi sinh thật cao thượng cũng đã trải dài trong lịch sử. Riêng với Bảo Thành và các bạn đồng lứa tuổi vào những thuở 1975 cho tới 1990 đã có cơ hội chứng kiến được sự hi sinh cao thượng của cha của mẹ trong thời gian vô cùng khó khăn. Mẹ của Bảo Thành đã phải nhịn đói bao nhiêu ngày tháng để nuôi dưỡng một đàn con trong khi cha của Bảo Thành đang ngồi trong tù. Ngồi tưởng lại những giọt nước mắt của mẹ rơi xuống trên gò má xanh xao gầy yếu, ngồi tưởng lại nụ cười thật tươi trên bờ môi thâm tím vết hằn của khổ cực, nhìn những lần rung lên từ bờ vai đã gầy gò đuối sức, nhưng vẫn nhận ra bàn chân của mẹ thật vững, đứng thật vững trên mọi chông gai thử thách trong thời kỳ đó để làm sao cho những đứa con có thể mạnh khỏe. Hình ảnh đó không bao giờ quên và tất cả cha mẹ trên thế gian này đều có chung một hình ảnh cao thượng như vậy, bởi các ngài luôn hi sinh tất cả cho con cái. Các ngài hi sinh bằng cả tình yêu mà sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời, quên cả thân mình chỉ vì con cái là đối tượng yêu thương nhất của cuộc đời này:

Hi sinh bằng cả tình yêu

Bao dung độ lượng nâng niu giữ gìn.

Chân thành phụng hiến quên mình

Là lòng cao thượng hiển minh đất trời.

Ta cũng có thể học một gương thật lớn từ Đức Phật. Đức Phật không bao giờ quên ơn người mẹ hiền đã hi sinh cả tính mạng để cho Ngài đi vào cuộc đời. Nhắc lại lịch sử của Đức Thế Tôn thì Ngài khi mới sinh ra còn bé, vì sinh khó khăn nên mẹ Đức Phật đã từ trần. Dĩ nhiên thuở ấy, Đức Phật là Thái Tử, không có khái niệm mẹ mất đâu vì còn quá nhỏ mà làm sao biết. Nhưng khi lớn lên Ngài đã nhận ra mẹ của mình đã hi sinh cả thân mạng, đã chết để cho mình được vào cuộc đời. Khi giác ngộ, hàng đêm Ngài vẫn lên cung Trời để gặp mẹ, để nói chuyện với mẹ, để tâm sự với mẹ, để mang giáo pháp khai thị cho mẹ và Chư Thiên ở cõi Trời ấy. Các bạn thân mến, hầu hết những người học Phật như chúng ta ít để ý để thấu hiểu rằng Đức Phật mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, không biết và chẳng trải nghiệm sự mất mát của mẹ, nhưng lớn lên là một bậc giác ngộ, Ngài không vì thế mà chẳng thẩm thấu được tình yêu thương sự hi sinh cả thân mạng cho con của mẹ. Nên Ngài thường về cung Trời đó gặp mẹ, dù mẹ mất tái sanh về cung Trời của Chư Thiên thì Phật vẫn lên để thăm mẹ vì mẹ hi sinh cả thân mạng. Sự hi sinh của mẹ là cao thượng là tối thượng, sự hi sinh của đấng bậc sinh thành là cha mẹ chúng ta cũng là cao thượng, là tối thượng. Vậy có khi nào chúng ta quên đường về thăm cha mẹ hay không? Vậy có khi nào chúng ta đi qua ngõ của nhà cha mẹ mà chẳng gõ cửa bước vào thưa cha thưa mẹ hay không? Vậy có khi nào chúng ta quên gọi cho mẹ một tiếng, gọi cho cha một câu khi cha mẹ đang còn trên cuộc đời này với chúng ta không? Hay chúng ta đợi cho cha mẹ đi mãi chẳng thể về mới gọi là báo hiếu qua những mâm cỗ cúng kiếng, gào thét để thế gian thấy được ta có hiếu với cha mẹ. Mà khi mẹ còn sống mỗi khi qua ngõ nhà mẹ ta bận rộn chẳng ghé vào, mỗi lần nhấc phone lên gọi cho bạn bè nhiều lắm nhiều lắm nhưng vẫn quên gọi cho mẹ cho cha.

Hi sinh là cao thượng, ngoài tình hi sinh, sự cống hiến cả thân mạng của cha mẹ đối với con cái, trong cuộc sống này nếu suy nghĩ thật rộng theo lời của Thế Tôn thì tất cả các chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta. Trong đời thường của Phật tử tại gia chúng ta có thấy không, biết bao nhiêu chúng sanh đã phải hi sinh mạng sống của chúng để cho chúng ta được sống. Cách nói này hình như khó hiểu đối với một số bạn, nhưng tinh ý một chút ta sẽ nhận ra. Tính đến ngày hôm nay đã bao nhiêu súc sanh phải chết đi để cho ta được sống, các bạn có hình dung ra hay không? Đó, rõ ràng đã biết bao nhiêu chúng sanh đã hi sinh thân mạng cho sự sống của chúng ta, nhất là quý Phật tử tại gia. Trong Kinh Phật dạy: phải quán chiếu tất cả chúng sanh đều là cha mẹ và các chúng sanh luôn luôn hi sinh cho chúng ta. Từ đó mới có thể tu các bạn ạ, từ đó mới có thể chuyển hóa nghiệp, từ đó mới có thể sống bình an và hạnh phúc. Bởi chúng ta luôn biết tri ân tất cả mọi chúng sanh như cha như mẹ đã hi sinh thân xác mạng sống cho chính chúng ta. Nhìn được như vậy ta mới nhận ra sự hi sinh cao thượng tột cùng của tất cả mọi loài chúng sanh đã vì ta, vì yêu thương ta mà hi sinh với một lòng bao dung độ lượng. Nếu không bao dung độ lượng thì nghiệp lực oan gia trái chủ của kiếp này bởi sát sanh chúng sanh để sống, chúng ta trả không hết, chúng ta sống không nổi đâu. Năng lượng đó sẽ quật ngã chúng ta, huống hồ chi sự cộng nghiệp của năng lượng oan gia trái chủ nhiều đời của muôn loài chúng sanh ta đã sát hại vì sự sống, làm sao ta có thể tồn tại được? Các chúng sanh ấy đã hi sinh thân mạng để ta được sống là tấm gương cao cả của cha mẹ nhiều đời hiện thân nơi thân mạng của chúng sanh. Trong đó có sự hiện thân của Bồ Tát, của Chư Phật, của các bậc giác ngộ sẵn sàng hi sinh thân mạng cho chúng ta. Thấu nghĩa được sự hi sinh cao thượng này của muôn loài chúng sanh là chúng ta nhận ra giá trị cao thượng của sự hi sinh nơi cha mẹ hiện hữu trong cuộc đời của kiếp này. Nhận diện được điều đó ta mới có thể thành tựu được sự an lạc.

Bạn ơi đừng khi nào quên cha quên mẹ mỗi lần qua ngõ ấy. Cái ngõ mà năm xưa cả một thời còn trẻ, bước chân non son trẻ của ta đã rong chơi khắp xóm dưới sự dìu dắt của cha mẹ. Đừng quên gọi cho mẹ, đừng quên về thăm cha. Cha mẹ là bến an lạc để cho chúng ta trở về thăm các ngài, dù các ngài còn hiện tiền trong cuộc đời hay chỉ là những linh vị trên hương án thì chúng ta vẫn có thể thăm được cha, thăm được mẹ. Biết thăm cha, biết thăm mẹ là chúng ta gắn kết mật thiết với mạng mạch cao thượng của sự hi sinh mang lại sự sống cho mỗi người chúng ta. Còn nếu không biết ghé thăm, không biết gắn kết là mỗi người chúng ta đã cắt đứt đi mạng sống của chính mình.

Bảo Thành nói miên man như vậy để cho chúng ta nhận thấy được giá trị của sự hi sinh là cao thượng nơi cha mẹ nơi tất cả các chúng sanh, để nhớ lời Đức Phật nhắc nhở phải luôn quán chiếu nơi tất cả mọi chúng sanh đều là cha mẹ nhiều đời của chúng ta, để từ đó ta biết tri ân sự hi sinh cao thượng của muôn loài chúng sanh và của đấng bậc sinh thành. Để trong giây phút này đây nếu như kiếp sống của mỗi người chúng ta còn đủ phước báu gặp mẹ gặp cha thì đừng bao giờ quên các đấng ấy. Chắc chắn Bảo Thành và các bạn đã từng đi qua ngõ của nhà cha mẹ, một thuở trẻ chúng ta chạy dung dăng dung dẻ chơi dưới ánh trăng khi mẹ cha còn đó, nhưng giờ lớn rồi có gia đình rồi bận rộn công việc đi qua ngõ ấy chẳng thể bước vào nhà thăm cha mẹ. Thời đại ngày nay phương tiện cao hơn, chỉ cần gọi một cú phone trên điện thoại Facetime hoặc qua Viber để nhìn thấy cha mẹ thôi, ta đôi khi cũng bỏ qua. Nếu đã lập gia đình ta hi sinh thật nhiều cho con cái, nhưng lại quên sự hi sinh cao thượng của cha mẹ, mất gốc.

Hi sinh bằng cả tình yêu

Bao dung độ lượng nâng niu giữ gìn.

Chân thành phụng hiến quên mình

Là lòng cao thượng hiển minh đất trời.

Chỉ có cha mẹ mới làm được điều này. Bảo Thành nhớ về cha cũng như những năm thuở 1975 đến 1990, cha của Bảo Thành lúc đó đã có tuổi, nhưng bao tạ 100kg cha vẫn phải vác, rảo bước xiêu vẹo trong thôn xóm vì kế sinh nhai và nuôi con cái. Có những đêm mưa bão bùng thật lớn, nước ngập tận đầu dưới hầm, cha vẫn một mình lủi thủi giữa đêm khuya dưới hầm nước. Một đêm khuya Bảo Thành thức dậy không thấy cha trên giường, mò mẫm mới thấy cảnh ấy, thương cha vô cùng. Mười mấy năm trong tù, bao nhiêu năm tần tảo sương gió bão bùng khó khăn của cuộc đời. Bảo Thành nhận ra được giá trị tuyệt vời của sự hi sinh cao thượng nơi cha mẹ của chính mình và cũng nhìn ra sự hi sinh cao thượng nơi cha mẹ các đấng sinh thành của chúng ta. Người Phật tử tại gia không cần biết như thế nào, thành tựu ra sao, kiến thức tới đâu, nếu chúng ta thực sự quên ân đức hi sinh cao thượng của cha mẹ thì chúng ta chẳng xứng đáng học Phật đâu, bởi dù có học suốt đời suốt kiếp vô vô lượng kiếp thì cũng chẳng thành tựu được. Chính Đức Phật đã luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn nhận ra giá trị cao thượng của sự hi sinh nơi cha mẹ hiện thân, nơi chúng sanh và khẳng định thật rõ: hãy nhìn tất cả mọi chúng sanh ta có nhân duyên gặp gỡ trong cuộc đời này và nhận ra cha mẹ đang hiện thân ở nơi ấy. Các chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ nhiều đời. Đây là một cách quán chiếu tuyệt vời đưa đến sự giác ngộ giải thoát đó các bạn.

Các bạn thân mến, ngày nay nếu hi sinh một chút cho cha cho mẹ, hi sinh một chút cho huynh đệ anh chị em, cho những mảnh đời bất hạnh, cho những con người không gặp may mắn sinh ra trong tật nguyền trong bệnh hoạn trong đau khổ, nếu hi sinh một chút cho đồng loại, và nếu hi sinh cho cộng đồng xã hội, vun bồi cho sự an lạc hạnh phúc của nhau dù rất nhỏ rất bé cũng là một sự hi sinh cao thượng nếu chúng ta lấy đối tượng ta hi sinh quán chiếu để nhận ra cha mẹ của mình. Sự hi sinh ngày nay được thể hiện qua công hạnh bố thí và từ thiện: bố thí tịnh tài, bố thí Pháp, bố thí Trí Tuệ, bố thí tình yêu thương, rất nhiều rất nhiều những phẩm vật cao cả ta có để bố thí, để từ thiện, để hi sinh. Nhiều khi chỉ một giây hoặc một vài phút ghé thăm một người bạn an ủi họ, hoặc gọi phone cũng là một sự hi sinh thời gian đó các bạn, nhưng đó cũng là sự hi sinh cao thượng các bạn ơi. Bảo Thành có biết bao nhiêu những người bạn quen, những vị đồng tu hi sinh thật nhiều trong thời gian thật hạn hẹp của cuộc đời để san sẻ yêu thương tới những mảnh đời bất hạnh. Và ngày nay người học Phật như chúng ta nếu không nhận ra sự hi sinh cao thượng của cha mẹ nơi các chúng sanh nơi cha mẹ còn hiện thế, thì ta chẳng thể hi sinh cho những mảnh đời bất hạnh đâu. Nếu chúng ta chỉ biết quán chiếu nhận ra chân giá trị của tình yêu đích thực mà không biết hi sinh thì chúng ta chưa nhận ra giá trị yêu thương tột cùng cao thượng của cha mẹ, và chúng ta chẳng thể thực tập lời Phật dạy ứng dụng vào đời thường để có được sự an lạc và hạnh phúc.

Bảo Thành kêu gọi mọi người trong sự bận rộn bôn ba của cuộc đời hãy cố gắng đồng tu cùng Bảo Thành, để chúng ta nhìn xuyên suốt lời dạy của Phật, ứng dụng vào đời sống hàng ngày, và đặc biệt để thấy rằng nhân đức hi sinh là cao thượng vô cùng. Nhân đức đó ta nhận rõ từ cha mẹ và chúng ta là con của cha mẹ thì nhất định chúng ta phải biết hi sinh cho tất cả. Sự hi sinh là thể hiện tấm lòng bao dung độ lượng, lòng Từ Bi và Trí Tuệ. Nếu bạn không biết hi sinh thì đừng nghĩ đến tu Trí Tuệ và Từ Bi. Người có Trí Tuệ và lòng Từ Bi là người luôn biết hi sinh, gương đó học được từ mẹ từ cha. Chẳng cần phải văn chương chi cho nhiều, kinh điển chi cho nhiều, tu tập chi cho nhiều, nhìn vào đời sống nơi cha mẹ ta đã thấy các ngài thực sự là những đấng bậc thực tu trong đời thường qua tấm gương hi sinh tất cả cho con cái. Tri ân công đức đó chúng ta ngày nay càng phải tu, càng phải mang lời Phật áp dụng vào thực tế của cuộc đời. Đừng nhớ, đừng thuộc làu, đừng nói đừng hí luận, đừng tranh luận. Hãy sống chân thật, giản dị như tấm lòng của cha mẹ đã hi sinh cho con cái, và sự hi sinh ấy là cao thượng.

Đặc biệt hơn nếu chúng ta không thể hi sinh thời gian của chúng ta cho công hạnh tu tập thì chúng ta chẳng thấu được sự hi sinh của cha mẹ. Các bạn tu có một ngày một giờ thấy mệt mỏi, còn vùi đầu vào những cuộc chơi vô bổ thì chẳng mệt. Các bạn nhất định phải học hi sinh thời gian, bỏ bớt thú vui trần tục để thẩm nhập lời dạy của Phật mới có thể là người con xứng đáng nhận ra giá trị hi sinh cao thượng của cha mẹ và nhận ra giá trị cao thượng của Thế Tôn đã truyền pháp lại cho chúng ta ngày hôm nay.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Chúc các bạn cuối tuần an yên, tự tại, hạnh phúc. Và chúc các bạn biết trở về con đường xưa nơi một thuở cha mẹ đã dìu dắt ta tới trường. Đừng quên gõ cửa nhà mẹ cha, đừng quên về thăm cha thăm mẹ. Đừng quên lời gọi về thăm kính ấy để chúng ta xứng đáng là người con thấu được tấm lòng hi sinh cao thượng của cha của mẹ.

Hồi hướng:

Thưa Phật, hi sinh là cao thượng.

Hi sinh bằng cả tình yêu

Bao dung độ lượng nâng niu giữ gìn.

Chân thành phụng hiến quên mình

Là lòng cao thượng hiển minh đất trời.

Xin Chư Phật gia trì cho chúng con luôn hiểu và thấu được sự hi sinh cao thượng của cha mẹ, của tất cả các chúng sanh để chúng con lúc nào cũng hoan hỉ dấn thân vào cuộc đời, hi sinh cuộc sống của mình để san sẻ tình yêu thương tới muôn loài muôn người mà chúng con có đầy đủ phước báu gặp gỡ trong kiếp người hiện tại.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn