Search

H001. Hành Mật Thiền Tiếp Nhận Năng Lượng

Bảo Nguyện đánh máy

Xin chào tất cả các bạn đồng tu và tất cả những ai có tâm nguyện tìm về nguồn năng lượng vốn có nơi tự thân để hòa nhập vào với trời đất, tìm về bản thể tự tại của chính mình.

Trong phòng zoom này chúng ta tới với nhau bằng tâm tình tu học, không phân biệt tư tưởng về tôn giáo triết học hay tất cả các môn tu luyện vốn có mà chúng ta đã tham khảo qua. Mong rằng chúng ta gặp nhau bằng một tinh thần rộng, cởi mở để hòa nhập về với chính bản thân của mình. Nếu được thì các bạn có thể cho màn hình nhìn thấy toàn thân như Bảo Thành đang ngồi cùng hai người bạn đồng tu đang ngồi đây, bởi chúng ta tu và Bảo Thành muốn nhìn thấy các bạn ngồi như thế nào, thực tập như thế nào để chúng ta điều chỉnh ngay trong những giây phút đầu. Một sự thực tập căn bản vững chắc có nền tảng rõ ràng ngay lúc đầu thì mỗi người chúng ta sẽ có cơ hội khai mở được nguồn năng lượng tự thân và tiếp nhận được năng lượng của trời đất, của vũ trụ, của các bậc giác ngộ. Nếu được, hãy cho Bảo Thành nhìn thấy các bạn và bất cứ một điều gì các bạn thắc mắc thì các bạn nên hỏi, bởi đây là sự tu luyện để tiếp nhận năng lượng với nhau và lan tỏa tới mọi người, cần có cái tâm rất chân thật, chân thật với chính mình.

Đầu tiên nói tới hành, tức là tu hành tu luyện, nơi đây chúng ta không phải là một cái phòng để hội thảo mà là nơi chia sẻ một phương pháp tu luyện từ ngàn xưa của các bậc giác ngộ liễu tri được (nhận ra) nơi chúng ta có khả năng liên kết mật thiết với vũ trụ, với trời đất, với con người, với vạn vật, với thiên nhiên qua sự giao thoa của năng lượng. Mật có nghĩa là không thể hiểu, Thiền là nhìn vào những điều không thể hiểu vốn có nơi ta, nên Mật Thiền có nghĩa là một pháp tu nhìn nhận và khai thác tiềm năng vốn có ta chưa hề biết nhưng không vì đó mà ta không thể biết. Hiểu một cách đơn giản như vậy để ta biết Mật Thiền không có cái gì là bí mật, nó là một sự thật hiện hữu nơi mỗi người chúng ta. Chuyên tâm chân thật chân thành thành kính với chính mình, với thiên nhiên với trời đất thì chúng ta sẽ đón nhận được những nguồn năng lượng vốn có tích lũy nơi các luân xa khi được khơi dậy gắn kết với năng lượng của trời đất sẽ giúp cho mỗi người chúng ta tiếp nhận được năng lượng thanh tịnh để tìm lại được chính mình, nhìn rõ được chính mình, tăng trưởng sức mạnh tự tin sống vào bản thân, để vươn lên như một loài sen trước nghịch cảnh của cuộc sống vẫn tỏa sáng. Chúng ta có thể suy nghĩ không cầu kì, đơn giản vậy và trước khi đi vào sự hành Thiền tiếp nhận năng lượng thì tất cả chúng ta cần phải gỡ bỏ tất cả sự ràng buộc của lý thuyết, của ngôn ngữ, của những phương pháp mà chúng ta tích lũy được bằng kiến thức. Hãy trở về với tâm thái của một đứa trẻ thơ biết lắng nghe cha mẹ hướng dẫn, và với tâm ngây thơ đón nhận sẽ giúp cho chúng ta dễ thực tập. Những giáo điều, tín điều, giáo nghĩa uyên thâm, những câu chữ chúng ta không tìm bới mà chỉ trải nghiệm như đứa trẻ được mớm đồ ăn, ăn vào và trải nghiệm hương vị của món ăn đó. Chúng ta hãy trở về với tâm thái trẻ thơ, mang cái thuần khiết của sự không dính mắc, không đối đãi phân biệt, cảm nhận những sự trải nghiệm của năng lượng khi chúng ta tiếp nhận được qua thân này, nếm nó, để nó thấm vào tâm của ta. Chỉ có như vậy trong ngày đầu tiên tiếp nhận năng lượng.

Các bạn hãy ngồi xuống vững chãi, theo như tư thế mà cơ thể các bạn cho phép, giữ lưng cho thẳng, giữ cổ cho thẳng nhưng không gồng cứng, chúng ta bắt đầu đi vào sự thực tập.

Trong vòng 5 phút, chúng ta giữ tâm thái buông thư, nếu có khát nước thì bạn uống nước trước đi, đừng uống quá nhiều. 5 phút buông thư nhẹ nhàng, thả lỏng các khớp xương đặc biệt là khớp xương hông, buông lỏng, bạn có thể lắc nhẹ sang bên phải, lắc nhẹ sang bên trái, để thử độ buông thư nơi khớp xương tiếp giáp giữa thân và chân thần kinh tọa, ta lắc nhẹ nhàng để buông thư một chút xíu. Hơi thở cần rất đều, nhẹ nhàng, chẳng sâu và chẳng ngắn, vừa với tầm hơi thở của mình. Đặt bàn tay phải lên trên tay trái, 2 đầu ngón cái tiếp xúc với nhau, các ngón tay buông thư không gồng cứng. Nhớ lưng cho thẳng, dùng tâm nhìn vào ấn đường của mình, ấn đường là điểm tiếp xúc giữa 2 chân mày của mình, dùng tâm nhìn vào đây. Ta có thể mở mắt, khép mắt hờ hờ, tập trung tâm nhìn vào huyệt ấn đường. Bởi đây là sự tu Mật Thiền tiếp nhận năng lượng nên ta cần chuẩn bị thật kỹ về thân để năng lượng giao thoa, đừng quá căng thẳng. Mọi sự suy nghĩ tới lui thì chúng ta không chèn ép không xua đuổi, không nắm bắt. Chúng ta hít thở nhẹ nhàng, hít vào nhẹ nhàng đưa xuống bụng dưới, phình bụng, thở ra hóp bụng vào chậm rãi không hối thúc. Sự tiếp nhận năng lượng này sẽ chuyển hóa được những năng lượng bất tịnh xâm nhập vào thân tâm của ta trong trường hợp mà ta không biết, tạo thành nguồn năng lượng vững chãi mạnh mẽ để hộ mạng hộ thân cho chúng ta, giữ vững được niềm tin, thắp sáng Trí Tuệ.

Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng chậm rãi như con rùa, không vội vàng. Dùng tâm nhìn vào ấn đường giữa 2 chân mày, không vội vàng, chúng ta tập từ từ, cứ  như vậy. Hít vào phình bụng, tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng khi nó phình ra, thở ra hóp bụng vào, ấn đường nhìn bụng hóp vào. Lúc này ta nhìn bụng phình ra và hóp vào bằng huyệt ấn đường, tâm nằm ở đó, ấn đường là tâm và tâm là ấn đường. Tâm từ ấn đường nhìn vào bụng khi hít vào phình bụng ra, tâm từ ấn đường nhìn xuống bụng khi thở ra hóp bụng vào. Tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng phình ra khi hít vào, tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng hóp vào khi thở ra. Hít cho đều, thở cho đều chậm như con rùa không vội vàng. Tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng phình bụng ra khi hít vào. Tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng hóp bụng vào khi thở ra. Cứ như vậy.

Bây giờ chúng ta hít thở bình thường, chỉ mang tâm xuống dưới bụng, tâm từ ấn đường nhìn bụng, cảm nhận năng lượng chúng ta tiếp nhận được, chỉ cảm nhận mà thôi, gọi là cảm xạ học, cảm nhận năng lượng ở dưới bụng, dùng tâm từ ấn đườn hít thở bình thường, cảm nhận nguồn năng lượng ta đang tiếp vào. Và giờ đây Bảo Thành sẽ lan tỏa năng lượng đến các bạn, gắn kết các bạn, và chúng ta cùng hòa nhập làm một với bản thể của vũ trụ đồng nhất không phân biệt, cùng nhau đón nhận và tiếp nhận năng lượng. Dùng tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng, hít thở bình thường. Chúng ta bắt đầu tiếp nhận năng lượng trong 5 phút.

Chúng ta hãy trở về với sự cảm nhận của mình một cách nhẹ nhàng, hít thở bình thường, dùng tâm nơi ấn đường nhìn tổng thể toàn thân lắng nghe năng lượng lan tỏa khắp châu thân của chúng ta.

Chúng ta trở về bình thường, buông lỏng toàn thân, nhẹ nhàng. Dùng tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng phình ra khi hít vào. Dùng tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng hóp vào khi thở ra. Chúng ta sẽ làm 3 lần để trở về trạng thái bình thường.

Các bạn thân mến, phòng zoom này đón tiếp tất cả các bạn vào để thực tập. Chúng ta tu để có sự trải nghiệp tiếp nhận năng lượng của Mật Thiền, tìm về bản thân của mình, tăng trưởng niềm tin và thắp sáng cái nhìn toàn thế giới nội tâm, để từ nội tâm đó ta có cái nhìn viên dung toàn diện hơn về cuộc sống bên ngoài, giao thoa một cách bình đẳng để năng lượng của chúng ta luôn tồn tại trong trạng thái an yên, như những người đi tìm mỏ vàng kim cương hột xoàn, tìm được rồi thấy được rồi thì họ sẽ biết học tăng trưởng kiến thức để sử dụng vàng chế tác ra thành nhẫn, thành dây chuyền, thành các loại trang sức. Năng lượng của chúng ta cũng như thế, trong giai đoạn đầu này Bảo Thành và các bạn cho mình trở về như trẻ thơ, được hướng dẫn để tìm về nguồn tiềm năng bất diệt nơi ta khi gắn kết với trời đất. Từ ý niệm đó đừng vội vàng tìm hiểu quá sâu, đào bới những điều huyền bí, mà hãy ngây thơ như những đứa trẻ được cha mẹ dắt dìu, tin tưởng vào mẹ cha. Chúng ta tin tưởng vào tâm chân thật của nhau, tin tưởng vào vũ trụ trời đất luôn luôn dung nhiếp để cho vạn sự sống được vươn lên, ta trở về với sự sống năng lượng đó và cảm nhận. Và từng bước từng bước mỗi tuần ta gặp nhau, cùng san sẻ năng lượng và chia sẻ cách trang điểm năng lượng đó vào mọi góc cạnh của cuộc sống và mọi trường hợp xảy ra đối với từng người do duyên nghiệp khác biệt.

Và bây giờ, mời các bạn chia sẻ về những khoảnh khắc mà chúng ta trở về với nội tâm để trải nghiệm tiếp nhận năng lượng. Mỗi bạn có thể chia sẻ để Bảo Thành nhìn, hoặc hỏi để Bảo Thành có thể giải thích ngay trong những lúc đầu như vậy, để sự tu tập của chúng ta hoàn thiện ngay từ buổi đầu. Nếu không như vậy sẽ trở thành thói quen sai, sau này rất khó sửa, để mỗi ngày trôi qua chúng ta có một thói quen đúng, tạo ra nguồn năng lượng thanh tịnh tốt đẹp, một thói quen sai khó sửa như thành phẩm đã hình thành muốn sửa phải đập đi và làm lại. Công hạnh tu không thể tàn phá, bởi công hạnh tu thời gian trôi qua rất quý báu nên cần giữ trạng thái đúng ngay lúc đầu. Mời các bạn chia sẻ và đặt câu hỏi.

—————————————-

Hỏi: Mỗi lần thực tập con nên thực hành trong thời gian bao lâu để phù hợp cho người mới bắt đầu ạ?

Đáp: Chúng ta có thể thực tập 21 hơi thở, hít vào thở ra là một hơi, 21 là con số phù hợp với sự vận hành của cơ thể. Và nếu được thì bạn làm 42 lần (gấp đôi lên), hít vào thở ra được tính là 1 vòng tuần hoàn của hơi thở. Nếu bạn không quen tính bằng hơi thở thì bạn tập ít nhất 5 phút vào buổi sớm trước khi bắt đầu mọi việc, hoặc 5 phút trước khi đi ngủ.

—————————————–

Hỏi: Từ lúc tu tập tới giờ con vẫn chưa cảm nhận được năng lượng đi vào từ đâu nhưng mà khi năng lượng vào cơ thể con thì con lại thấy được năng lượng đó đi đâu. Con thắc mắc là con có nên cố gắng để cảm nhận năng lượng đi vào từ đâu không ạ?

Đáp: Chúng ta không cần phải cố để tìm ra năng lượng hiện hữu trong thân mình ở chỗ nào, bởi năng lượng luôn luân chuyển, sự nhận diện của chúng ta chậm. Cũng như khi tia chớp trên trời ta nhìn thấy chứ ta không biết nó bắt đầu từ chỗ nào, nó quá nhanh. Năng lượng luân chuyển, tâm ta quá bận rộn chưa đi vào sự tĩnh lặng nên khó nhận biết sự khởi đầu của năng lượng khởi lên từ chỗ nào trong thân. Không cần cố gắng phải tìm, chỉ trải nghiệm khi phát hiện năng lượng hiện diện nơi thân của mình chỗ nào thì ta nhìn vào ngay chỗ đó, chỉ cần nhìn vào chỗ năng lượng đang lan tỏa, hòa mình vào, không vận chuyển, không vận hành, không tác động, không thay đổi, chỉ như vậy. Đây là sự khởi đầu thuần khiết tinh khiết của cái tâm không dính mắc không chấp không phân biệt, hãy giữ tâm như vậy.

——————————————-

Hỏi: Khi thực tập con thấy có quá nhiều hiện tượng xảy ra và khiến con bị choáng. Thêm vào đó, khi hành Thiền thì người con lắc toàn thân, lắc nhiều làm con ngừng thở. Như vậy thì sự tiếp nhận năng lượng của con có bị ảnh hưởng không ạ?

Đáp: Hiện tượng đó xảy ra là bình thường, như con thuyền đi trên biển, sóng nhẹ thì thuyền nhẹ nhẹ trôi, sóng mạnh thì thuyền lắc, tùy theo sóng vỗ vào bên phải hay bên trái mà thuyền lắc ngược lại. Thân luôn luôn di động, trong vũ trụ này về định luật năng lượng nguyên tử luôn luôn di động, không có gì cố định, nhà Phật gọi là vô thường, nghĩa là luôn luôn biến đổi. Hiện tượng đó khi xảy ra, bạn tiếp tục dùng tâm từ ấn đường trở về với hơi thở, phình bụng hít vào chậm rãi như con rùa, thở ra hóp bụng chậm rãi như con rùa. Đây là thao tác đưa chúng ta trở về đón nhận năng lượng và làm chủ nguồn năng lượng đó. Khi nhìn lên bầu trời thấy hằng hà tinh tú, mới đầu ta choáng vì ta lo đếm có bao nhiêu vì sao, nhưng nếu ta không đếm các vì sao mà chỉ tận hưởng ánh sáng từ tinh tú trên trời thì ta thấy hằng hà sa tinh tú đẹp lắm. Hằng hà sa hiện tượng xảy ra đừng đếm đừng đuổi đừng rượt đừng bắt đừng tìm hiểu, chỉ cần tận hưởng nhìn những hiện tượng đó như vũ trụ mênh mông có hằng hà sa tinh tú, như vậy là đủ và trở về với hơi thở, tâm từ ấn đường nhìn bụng phình ra khi hít vào, nhìn bụng hóp khi thở ra. Lâu dần ta sẽ làm chủ được con thuyền, dù sóng gió ở biển có lớn cỡ nào thì ta vẫn là tài công lỗi lạc vượt sóng lướt sóng mà đi. Cứ yên tâm trong trạng thái lúc đầu này và trở về hơi thở dần dần sẽ ổn.

Sự rung chấn năng lượng quá mạnh làm cơ thể lắc như mình tưới nước mà nước chưa thấm, nước sẽ trôi sẽ chạy, khi thấm xuống thì không còn thấy nước nữa. Hiện tượng của thân rung động là hiện tượng năng lượng tràn ngập khi chưa thấm vào, qua hơi thở phình bụng và hóp bụng sẽ giúp cho chúng ta tiếp nhận năng lượng sâu hơn, và khi thấm vào rồi thì sự rung động đó sẽ dần dần nhẹ đi mà chỉ còn sự lan tỏa luân chuyển trong thân ngấm ngầm như mạch nước ngầm.  

Thưa Thầy, khi gần kết thúc hành Thiền, con cảm giác người uể oải, khi Thầy gõ chuông thì con như tỉnh dậy, có phải con sắp rơi vào hôn trầm không ạ?

Đáp: Không phải, trong lúc đó con vẫn còn biết là con uể oải, con vẫn còn biết là con bừng tỉnh. Tánh biết của con chỉ bị chìm xuống một chút xíu lắng đọng hơn thôi. Bởi vậy hơi thở vào phình bụng thở ra hóp bụng giúp cho chúng ta có được sự tỉnh giác như người biết xem phim trọn bộ từ đầu đến cuối, để những hiện tượng xảy ra trong phim ta không lầm lẫn. Khi Thiền là nhìn toàn bộ những thước phim tư tưởng và thân biến chuyển trong suốt thời gian đó qua hơi thở ta làm chủ, ta sẽ là người tận hưởng được những giây phút nhiệm màu của những trạng thái tâm thức và thân biến hiện trong khi hành Thiền.

————————————

Hỏi: Thưa Thầy, trong quá trình hành Thiền, Thầy hướng dẫn con phải ngồi thẳng lưng, nhưng khi con thực hành thì con cảm giác cơ thể của con bị chùng lại không được thẳng, lúc đó con cứ để tự nhiên như vậy hay phải điều chỉnh cơ thể cho đúng tư thế.

Đáp: Khi lái xe vào đường cong thì ta phải giữ vô lăng cho đúng, còn không là ta sẽ đâm vô lề. Chủ động giữ lưng cho thẳng và buông thư khi nó chùng xuống do năng lượng quá nhiều. Chủ động giữ lưng cho thẳng và buông thư để năng lượng được tiếp hiện và tiếp dẫn (khi thân đã được chuẩn bị thật tốt) thì năng lượng đó sẽ được ứng dụng tốt đẹp hơn là chúng ta thả nó tự do như nước lũ muốn tràn tới đâu thì tràn. Con hãy chủ động sửa lưng lại cho thẳng nhé.

Thưa Thầy, sau khi hành Thiền xong con có cảm giác bị mệt như vừa vận động mạnh xong. Có phải do con tập sai hay không ạ?

Đáp: Tất cả mọi sự vận động khi căng thẳng đều đưa tới trạng thái mệt, chúng ta đang trinh thám vào Mật Thiền của tâm và của thân, người chưa quen ban đầu sẽ rất căng thẳng bởi vẫn còn tâm mong cầu và tìm kiếm. Lâu dần ta hiểu được rằng chỉ nhìn mà thôi, sự căng thẳng sẽ giảm dần, sự mệt mỏi không hiện hữu nữa. Đó là thói quen từ từ. Nhưng trong giai đoạn này dễ rơi vào sự căng thẳng mệt mỏi, nên khúc cuối Bảo Thành luôn luôn nhắc nhở chúng ta trở về hơi thở bình thường, ít nhất là 7 hơi để phục hồi nguyên trạng, y như người chạy mệt biết dừng và thở để không còn dồn dập, biết uống chút nước cho mau phục hồi. Điều đó rất quan trọng khi ngừng, chúng ta dùng 7 hơi thở bình thường nhẹ nhàng, gọi là xả Thiền theo văn tự của nhà Thiền, nhưng đối với Bảo Thành thì dùng từ đơn giản là trở về sự bình thường của cơ thể. Nhớ điều đó thì sau này sẽ hết mệt.

Thưa Thầy, chân của mình bị tê cứng không thể ngồi kiết già thì đối với người mới bắt đầu như con thì con nên ngồi như thế nào ạ?

Đáp: Mỗi một cơ thể có thể có sự dẻo dai hoặc dễ dàng ngồi khác nhau, chúng ta phải thích nghi theo cơ thể mình ngay lúc đầu, đừng quá gượng ép, sẽ bị đau thần kinh tọa, nuông chiều nhưng không chấp nhận như vậy mãi. Bạn không thể ngồi kiết già, bán già, không quan trọng. Ngồi với tư thế mà khớp xương hông của mình được buông thư, thả lỏng, không bế tắc, ngồi trên tọa cụ hay có gối kê dưới hai đầu gối trái và phải cho đở đau vì ta chưa tiếp xúc được với mặt đất, giữ lưng cho thẳng. Có người vì thân không thể ngồi như vậy thì có thể ngồi trên sofa, hai bàn chân tiếp xúc với mặt đất, ngồi cho vững chãi như vậy để khớp xương hông của chúng ta được buông thư buông lỏng. Ngồi bất cứ dạng nào trong lúc đầu khi thực tập, và dần dần như cây bonsai ta sẽ uốn từ từ để đi vào tư thế phù hợp, để năng lượng tiếp được sẽ tuần hoàn tốt đẹp hơn. 

Thưa Thầy, trước khi hành Thiền chúng ta cần chuẩn bị gì để việc hành Thiền diễn ra tốt hơn không ạ?

Đáp: Chuẩn bị trước trong 5 phút. Lựa chọn một chỗ tránh xa sự ồn ào, có thể thư giãn chút xíu, có thể vận động theo những thói quen ta vận động, có thể đứng lên ngồi xuống 7 lần cho xương khớp được buông lỏng, xoay trái xoay phải 7 lần để cơ thể được buông thư, vậy là đủ, uống chút nước đừng quá lạnh đừng quá nóng khoảng 1 ly nhỏ để không thiếu nước khi ngồi thiền. Vậy là đủ.

————————————-

Thưa Thầy, như Thầy hướng dẫn, khi hành Thiền và năng lượng đi vào thân, cơ thể con bị xoay chuyển. Đối với con, sau một thời gian thực hành, nguồn năng lượng đó trở nên êm dịu, như một dòng nước chảy nhẹ nhàng êm ái, và đặc biệt là nguồn năng lượng đi từ xương sống lên huyệt ngọc chẩm rất rõ ràng, ngay chỗ đó như bùng nổ rồi trào lên trên, sự tuần hoàn liên tục như vậy. Như sư phụ hướng dẫn, sự tuần hoàn này rất nhẹ nhàng, không còn bị rung lắc như lúc đầu.

Khi chúng ta chạy xe, nếu động cơ quá mạnh mà sườn xe quá yếu thì máy sẽ làm rung động toàn cái xe. Người ta phải chế tác thêm để sườn cứng hơn, để động cơ không làm xe rung động nữa. Thân của ta cũng như vậy, mới tập thiền thì sự vững chãi của ta chưa đủ để đón nhận năng lượng, nếu có nhân duyên tới quá lớn thì thân sẽ xoay chuyển, không sao. Chỉ cần trở về với hơi thở nhẹ nhàng, nhìn nó là được, cứ nhìn rồi ta sẽ biết bơi, như người nhảy xuống sông mà ở gần sông riết cũng biết bơi, chìm nổi uống nước vài lần rồi sẽ bơi được. Chúng ta tiếp tục tập thì cơ thể tự nhiên sẽ hòa hợp giao thoa với năng lượng và tạo thành sự vững chãi hơn. Nếu chúng ta để ý người Việt Nam thần thánh hóa con rồng nên ngày Phật Đản có 9 con rồng, nhưng Phật giáo nguyên thủy người ta lấy tượng hình Naga tức là con rắn có chín đầu 1 thân. Năng lượng khi đi đến huyệt sau ót của chúng ta sẽ phun ra thành nhiều nhánh, mà Việt Nam gọi là dòng sông Cửu Long phân thành nhiều nhánh, năng lượng sẽ phân thành nhiều nhánh và lan tỏa khắp châu thân tiếp xúc với bách hội (đảnh đầu) mà chúng ta thấy đảnh đầu của Đức Phật nhô lên do năng lượng phun riết rồi đẩy nhô lên, chúng ta sẽ có cảm nhận như vậy tùy căn cơ của mỗi người. Cứ thực tập lâu dàn, cơ thể của chúng ta trong tư thế ngồi sẽ tọa vững hơn ở phần dưới, và từ đốt cuối của xương sống được buông lỏng để năng lượng nhẹ nhàng, điều này rất tự nhiên như gió thổi cờ sẽ bay, toàn thân phía trên như lá cờ, buông thư thật nhẹ nhàng để có sự trải nghiệm sâu sắc và màu nhiệm hơn của năng lượng thể nhập vào cái tâm không còn 1 chút dính mắc nào. Sự trải nghiệm của con thật đặc biệt, rồi ai cũng đi tới sự trải nghiệm khác biệt lúc đầu nhưng không khác nhau ở đoạn cuối.

Lúc năng lượng đi lên, con đi vào trạng thái rỗng rang trống rỗng, ngưng suy nghĩ, nhưng con vẫn có tánh biết. Lúc đó, con chỉ trở lại quán chiếu hơi thở và biết hiện tượng đang xảy ra như lời sư phụ dạy.

Khi năng lượng ảnh hưởng đến não bộ, nó tạo ra cảm giác, ta lại trở về với hơi thở của phình và hóp bụng. Điều này giúp cho cảm giác và năng lượng tác động vào não bộ đó được làm chủ trong Chánh Niệm, ta có cơ hội nhìn toàn bộ tinh tú trên bầu trời mà không dính mắc vào chỉ một ngôi sao, là sao thân tôi nó như vầy, sao hiện tượng này xảy ra, sao tôi cảm thấy như thế này như thế kia. Lúc đó ta không còn một ngôi sao đó nữa, mà ta nhìn thấy toàn bộ sao ở trên trời tinh tú diệu vời.

———————————–

Hỏi: Thưa Thầy, khi hành Thiền con cảm nhận đầu con bị choáng và có nguồn năng lượng nóng ấm bắt đầu từ trên đầu lan xuống 2 bên cổ. Thầy hướng dẫn con đặt tâm vào ấn đường, nhưng khi con nhắm mắt lại thì tròng mắt của con thấy rất khó chịu, căng lên. Dạ dày của con nóng và có gì đó bị đẩy lên khiến con bị cảm giác hơi buồn nôn. Có phải con tập sai không ạ?

Đáp: Đây là điều bình thường trong trạng thái căng thẳng lúc đầu, cho nên cần buông thư, mắt không cần nhắm vào, khép hờ hờ nhẹ nhìn xuống 45 độ phía trước. Và khi năng lượng lan tỏa như thế nếu cảm giác buồn nôn thì tiếp tục hít vào phình bụng chậm như con rùa thở ra hóp bụng chậm rãi như con rùa, sự điều hòa khí huyết như vậy mang oxy đầy đủ làm cho máu huyết tuần hoàn và năng lượng hỗ trợ trở lại trạng thái bình thường sẽ tìm lại sức khoẻ của mình. Những cảm giác như vậy rất bình thường bởi như thế ta chia sẻ và điều chỉnh năng lượng ứng dụng năng lượng vào đời sống để tốt đẹp hơn. Lần sau con nhớ trở về với hơi thở, đừng buông thả nó ra để rồi chới với trong cảm giác đó, mà lấy hơi thở để trụ tâm trở lại.

——————————————

Hỏi: Khi Thầy hướng dẫn con trụ tâm vào ấn đường, con mở mắt chứ không nhắm mắt, nhưng con bị hoảng loạn một chút vì những hình ảnh bất như ý trỗi dậy rất là nhiều, khi quay trở lại hơi thở thì con bớt hoảng loạn một chút nhưng mãi tới giờ con mới bình thường lại. Xin Thầy hướng dẫn thêm.

Đáp: không sao hết, năng lượng là một dòng chảy mang sự sống, không có gì chết hết, nó chỉ chìm xuống khi ta không nhận diện ra. Năng lượng sẽ khơi dậy tất cả dòng chảy của tâm thức, quá khứ hiện tại và tương lai. Năng lượng mang ánh sáng, sự sống, âm thanh, hình ảnh, y như trên màn hình này nhờ năng lượng mà ta thấy nhau nghe tiếng nhau nhìn rõ nhau. Choáng là bởi năng lượng thặng dư, không sao. Trở về hơi thở phình bụng khi hít vào, hóp bụng khi thở ra rất quan trọng để tiếp độ lại nguồn năng lượng. Lần sau khi rơi vào trạng thái đó, đừng quên hơi thở phình bụng khi hít vào, hóp bụng khi thở ra, trở về cách thở như vậy trong 3 hơi thì ta sẽ giữ được thăng bằng. Đôi khi bị xoay rồi bị choáng, ta không lấy hơi thở làm trọng nữa, ta bị cảm giác đó lôi kéo ta đi, vì vậy ta không tự chủ được. Không sao, lần sau nhớ trở về với hơi thở để trọn vẹn tiếp năng lượng nhiều hơn.

Thưa Thầy, khi Thầy nói quán chiếu toàn cơ thể của mình thì con không biết quán chiếu như thế nào? Mong Thầy chỉ dạy thêm.

Quán chiếu nghĩa là nhìn thôi, dùng tâm từ ấn đường nhìn toàn bộ thân của chúng ta, không cần phải nhìn chi tiết, chỉ cần nhìn thoáng qua không dính mắc vào đầu, tay, chân, đầu gối, cùi chỏ, vai, hông….không nhất thiết phải bám vào một chỗ nào đó. Nhìn tổng thể thoáng qua toàn thân để tâm được dịu dàng tươi mát nhẹ nhàng, như vậy là đủ.

—————————————-

Hỏi: Buổi đầu tiên thực hành con thấy hơi hồi hộp, Thầy hướng dẫn đặt tâm vào ấn đường và quán chiếu hơi thở thì con thấy các cơ bắp của con hơi giật và đau một chút các bộ phận trong cơ thể, khi tập trung thì con phải nhắm mắt bởi vì mở mắt làm con bị phân tâm.

Mình nhắm mắt hay mở mắt là tùy theo cơ thể của mình cảm thấy tự do và thoải mái. Hãy nhắm hay mở tùy theo nếu mình thấy thoải mái. Năng lượng chuyển động tới từng tế bào, từng thớ thịt, từng mọi ngóc ngách. Nhớ rằng, kinh mạch của ta như những dòng sông, như những kênh rạch từ ruộng đồng nước mưa chảy xuống và tuôn ra nhiều nhánh. Chỗ nào bế tắc thì tự động sẽ thông, nước chảy đá mòn. Sự mệt mỏi của thân, sự đau nhức của thân ta không nhận ra để lâu sẽ sinh bệnh. Khi năng lượng vận hành cho ta nhận ra sự mệt mỏi của cơ thể, sự đau đớn của các tế bào của các cơ bắp, để ta thấy rằng ta cần phải nghỉ ngơi, thiền tịnh nhiều hơn để năng lượng chữa lành sự mệt mỏi đó. Năng lượng có khả năng mát-xa toàn bộ tế bào trong cơ thể của chúng ta để làm nó dịu, mềm và thư giãn xuống, và tiếp nhận năng lượng gắn kết với từng phần khác nhau trên cơ thể, để cơ thể chúng ta khỏe hơn mỗi ngày. Hiện tượng con cảm nhận như vậy rất bình thường, hãy trở về với hơi thở tiếp tục và để cho năng lượng tự động gắn kết và xoa dịu từng tế bào từng cơ bắp khi nó giật, không sao.

—————————————-

Hỏi: Thưa Thầy, hôm nay khi thực hành hít thở con cảm nhận có nguồn năng lượng, nó làm con rùng mình, nguồn năng lượng đó chuyển lên trên đầu bên trái của con và rất nóng.Con chưa bao giờ cảm nhận điều gì giống như vậy trước kia. Mong Thầy chỉ dạy.

Năng lượng vốn có và luôn tồn tại, bởi khi chỗ nào không còn năng lượng, sự tan rã hủy hoại xảy ra. Chúng ta quá bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, chẳng bao giờ đầu tư trở về sống với nguồn năng lượng hiện hữu trong hiện tại ta đang có, để rồi năng lượng đó bị tiêu tán dần và ta chết dần theo thời gian. Thực tập để ta trải nghiệm và cảm nhận năng lượng vốn có, đồng thời tiếp nhận thêm năng lượng tiếp bước cho cuộc đời. Điều này rất tốt, con đã nhận được năng lượng, y như người thấy được ánh sáng sau đường hầm đen tối, tức là con đã cảm nhận được năng lượng vốn có của con rồi. Ta hãy tiếp tục tu nữa để gắn kết năng lượng của bản thân hòa nhập với vũ trụ, liên kết với các bậc giác ngộ, để dòng chảy đó dần dần được trong suốt chứ không còn vẩn đục do phiền não.

Khi năng lượng đi lên đầu gây đau và nóng, không sao hết, chỉ cần trở về với hơi thở. Hơi thở sẽ mang năng lượng trở về dưới bụng, như đổ về biển, rồi từ biển đổ ra sông, từ sông lại trở về biển. Khi ta hít vào phình bụng ra để năng lượng tích lũy về phần bụng, mà trong y học gọi là đan điền khí hải, hải là biển, khí ở biển, đan điền là chỗ tích lũy sự vững chắc nơi biển cả. Con nhớ trở về hơi thở khi gặp trường hợp như vậy.

——————————

Hỏi: Thưa Thầy, khi hít thở hơi đầu thì con cảm nhận được năng lượng vào mạnh mẽ, con cảm nhận được sự rung chấn. Nếu con tập trung vào hơi thở trở lại thì con lại cảm giác nguồn năng lượng đi vào bị nhẹ lại, có khi ít cảm nhận được năng lượng đi vào. Năng lượng vào làm cơ thể con lắc nên con quên hít thở đi. Khi con quay lại hít thở thì con lại cảm thấy nguồn năng lượng bị giảm xuống. Như vậy con nên làm gì ạ?

Hơi thở như đê điều người ta đắp để dẫn nước vào ruộng, hơi thở như những dòng kênh dẫn nước từ những nơi có vào những nơi không có. Năng lượng tràn nó lắc, qua hơi thở trở về với Chánh Niệm, năng lượng được đi vào dòng chảy của hơi thở, nó sâu hơn thấm hơn trở thành mạng mạch, nó kích hoạt Trí Tuệ. Mọi sự tu tập là để kích hoạt khơi dậy ánh sáng Trí Tuệ và năng lượng yêu thương Từ Bi để có đời sống tỉnh giác. Cho nên không cần chú trọng vào hình tướng bên ngoài, mà hơi thở sẽ làm giảm những cái tướng để đi vào vô tướng, giảm những cái Tục Đế để đi vào Chân Đế, giảm sắc tướng để đi vào cái tâm. Cho nên lúc đó không phải nó khuất, nó mất, nó yếu, nó chìm, mà là nó thấm sâu hơn để thắp sáng Trí Tuệ cho mình. Cho nên đó là chiều sâu của sự tu tập. Còn những hiện tượng thô bên ngoài, nó luôn xảy ra trong suốt chiều dài mình tu, nhưng từ cái thô đó ta như người tạc tượng sẽ đục sẽ đẽo và ta tạo ra hình hài tôn tượng mà ta muốn. Ta đang vận hành sự tạc tượng thô để đi vào sự tinh tế hơn, thẩm nhập vào Trí Tuệ, Từ Bi và tỉnh giác.

————————————-

Hỏi: Thưa Thầy, khi hành Thiền, con cảm nhận nguồn năng lượng thanh tịnh đẩy sự mệt mỏi trong người con ra, xuống 2 chân con làm 2 chân rất mỏi. Như vậy con có nên duỗi chân ra để năng lượng được di chuyển thông suốt hay để nguyên như vậy?

Thường chúng ta nuông chiều sự mệt mỏi đau đớn để không vượt qua. Phải vượt qua được, ta chưa ngồi quen với trạng thái như thế, nên cơ bắp chân và thân của ta phản ứng để nói rằng buông xuôi đi, nhà Phật gọi là giải đãi. Thẳng chân ra cũng tốt thôi, nhưng thẳng riết rồi mình không thể như cây bonsai được, bẻ thì đau đớn nhưng không bẻ thì không có hình hài đẹp. Đau trong lúc đầu thôi, cứ cố gắng bởi ta tập có 5 phút thôi. Đừng sợ quá căng thẳng mệt mỏi, ngay lúc đó trở về với hơi thở đưa tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới rốn 1 phân, đó là luân xa số 2, năng lượng chỗ đó sẽ xoay tròn hóa giải và giúp cho chân của ta bớt căng mỏi đau từ từ, và hãy cố gắng vượt qua, dần dần sẽ ngồi được lâu hơn. Duỗi chân ra là nuông chiều cái đau của mình, để rồi mình chẳng bao giờ khắc phục được nó. Đau thêm 5 phút chắc chắn không chết, không có hại, tới lúc nào đó mình thấy cái đau đó vẫn còn nhưng không phải xuất hiện sau 1 phút 2 phút mà có thể 5 phút hoặc 6 phút nó mới xuất hiện. Và dần dần sẽ lâu hơn. Thầy ngồi cũng đau, nhưng đau khi thời gian dài. Xưa ngồi vài phút là đau, còn bây giờ ngồi 3 tiếng thì mình mới có cảm giác đau, và đôi khi mình tập trung ngồi cả ngày thì mới có cảm giác đau. Đó là việc rất bình thường trong sự mệt mỏi của cơ thể, nhưng càng tu tập thì cơ thể sẽ khỏe hơn để giữ được trạng thái bình thản trong suốt thời gian ta công phu. 5 phút mỗi ngày ta công phu để khắc phục sự mệt mỏi của cơ thể, để khai thông huyệt mạch và trợ lực cho chúng ta, cho sức khỏe.

Hỏi: Trường năng lượng đi vào gây ra dao động, vậy thì nó sẽ đi ra bằng cách nào?

Chúng ta không quan tâm nó đẩy ra như thế nào, nước sạch đổ xuống thì nước dơ sẽ tự động tràn ra chỗ nó cần tràn, không nhất thiết phải khai thác chỗ nào là trường năng lượng bất tịnh sẽ trào ra. Chỉ đón nhận trường năng lượng thanh tịnh đang đổ trong thân là đủ rồi. Sự thẩm thấu và hòa tan, sự dung thông tự động sẽ làm tinh khiết năng lượng của mình. Năng lượng bất tịnh không cần thiết phải trào ra, bởi năng lượng thanh tịnh ta tiếp được hòa tan dung thông và trong suốt trở lại. Bất tịnh hay thanh tịnh đều là năng lượng, sao ta lại gạt bỏ năng lượng, hãy chuyển hóa năng lượng chứ không khước từ năng lượng, đón nhận năng lượng thanh tịnh để chuyển hóa nguồn từ trường năng lượng bất tịnh. Đừng đẩy, đừng gạt bỏ nó, đón nhận và chuyển hóa nó.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts