Search

Hai Đồng Một Tiếng

Minh Thiện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn có khỏe không? Chắc chắn các bạn khỏe, khỏe là bởi vì tinh thần các bạn có được chỗ dựa cho đời sống nơi tâm linh Phật giáo các bạn đã tin tưởng. Do đó Bảo Thành nghĩ rằng các bạn rất khỏe. Mỗi một bước chân của chúng ta cứ dần dần đưa chúng ta đi xa, đi xa mãi, đi xa tới mức có nhiều lúc ngoảnh lại thấy cả một đoạn đường quá xa mà chúng ta không sao có cơ hội trở về đó nữa? Thời gian như con thoi, nó đi thật là nhanh. Thoáng đó mà mấy mươi năm trời đã qua để rồi khi nhìn lại ta có gì nuối tiếc không? Cuộc sống, quá khứ, hiện tại hay tương lai đều là 3 thời trong cuộc đời của mỗi người. Chúng ta có khi nào nghĩ rằng ta đã đánh mất thời gian không? Có khi nào các bạn nghĩ rằng ta đã đánh mất một cái gì cao quý nhất bởi ta quá bận rộn trong cuộc đời? Có khi nào các bạn ngồi suy nghĩ và bất chợt nhận ra: Ôi chúng ta đã bỏ qua quá nhiều điều cao quý. Hoặc ôi, ta đã mất quá nhiều, bởi thời gian trôi qua ta đã để mất chúng? Nhất định trong mỗi một người của các bạn cũng như Bảo Thành, thật là nhiều lúc chúng ta cảm thấy hối hận bởi đã lãng quên, hoặc để thời gian trôi qua một cách lặng lẽ, đốt cháy hết tất cả. Có lẽ phần đông ta cũng hay bị như vậy nhưng ta không để ý.

Có một câu chuyện, là có một người cha đi làm, sáng cho đến chiều hôm mới về. Ngày nào người cha này cũng đi làm từ sáng đến chiều hôm mới về. Rồi hôm sau anh ta cũng lại đi làm ban sáng đến chiều mới về. Rồi anh ta lại thức dậy đi làm đến tối mới về. Cứ bảy ngày thường nhật như vậy, ngày nào cũng sáng đi làm tối mới về, bảy ngày một tuần liên tục như vậy. Khi về nhà thì mệt nhoài, ăn uống xong là ngủ mất. Cuộc sống cứ xoay vần như vậy bao nhiêu năm trời rồi. Sáng dậy đi làm, tối về ăn uống lại ngủ nghỉ, một tuần bảy ngày liên tục không ngừng. Một hôm, khi anh ta trở về nhà vào một buổi chiều tối, mệt lắm, hôm nay làm mệt, mệt lắm các bạn ơi, mệt thân xác đến tinh thần, mệt nhừ, muốn đi tắm rửa ăn uống rồi ngủ. Nhưng đứa con nó ra, nó chào cha và ông cha cũng vui chào lại nhưng thật sự trong lòng mệt muốn đi nghỉ. Đứa con mới hỏi: “Thưa cha, cha đi làm như vậy thì một tiếng đồng hồ cha được bao nhiêu tiền?” Người cha suy nghĩ và nói: “Con à, chuyện này không phải của con, chuyện này là của cha, cha đi làm kiếm tiền về để nuôi gia đình, con cứ lo ăn học, đừng suy nghĩ.” Nhưng vì đứa con nó vặn nó hỏi, nó năn nỉ, nên cuối cùng người cha mới chấp nhận cho người con biết rằng ông ta làm một tiếng được 2 đồng. Đứa nhỏ liền nói: “Vậy cha ơi, cha cho con mượn một đồng đi, một đồng.” Rồi người cha cũng cằn nhằn, ăn uống xong, bực bội trong lòng, muốn đi ngủ mà đứa con hôm nay nó hỏi câu hỏi kỳ quái, hỏi làm một tiếng được bao nhiêu tiền, hỏi xong nó còn xin mình một đồng mượn một đồng. Cuối cùng trước khi đi ngủ ông cũng lấy một đồng cho nó mượn. Đứa nhỏ nằm xuống bên cha, thò tay xuống dưới gối, móc ra một đồng nữa thành 2 đồng nói với cha rằng: “Cha ơi, con có 2 đồng”. Người cha mới hỏi: “Tại sao con có 2 đồng? Cha chỉ cho con một đồng”. Đứa con nói: “Con có sẵn một đồng để ở dưới gối, cha cho con mượn một đồng nữa là 2 đồng”. Rồi người cha cũng tò mò, tuy rằng mệt cũng muốn hỏi thêm: “Vậy thì con muốn sao?” Người con nói: “Thưa cha, nay con có 2 đồng rồi, con muốn mua một tiếng đồng hồ của cha, bởi vì bao nhiêu năm qua cha làm bảy ngày một tuần, chẳng có tiếng nào với con, nay con có hai đồng, con muốn mua một tiếng để cha ở với con một tiếng đồng hồ.” Người cha nghe xong nằm ngủ quay qua bên khác, hướng khác đó các bạn, mà nước mắt chảy ròng không thể ngưng được. Bởi suy nghĩ trở lại, cả cuộc đời của ông ta, khi lớn lên từ bỏ cha mẹ đi lấy vợ và khi sinh con cho tới tuổi này, chỉ biết làm từ sáng quần quật cho tới tối về, chưa một lần có thời gian với con. Cho nên đứa con nó đau khổ, không có cha kề cận. Cha đi sáng sớm rồi, chiều hôm mới trở về thì mệt nhoài ngủ luôn, còn đâu giây phút bên lòng người cha âu yếm con, giờ làm sao. Con nó buồn nhưng nó đã hiểu ra được chân lý, nó hỏi thời gian cha làm một tiếng là bao nhiêu và nó mượn cha một đồng, cộng một đồng nó có do mẹ cho để mua một tiếng đồng hồ của cha, để chơi với nó. Cha nó khóc bởi đã quên hẳn đứa con trong công việc.

Các bạn, có khi nào các bạn ngồi nghĩ lại và thấy rằng ta đã miệt mài quá nhiều trong cuộc đời, quên bẵng đi rằng ta có vợ, có chồng, hay có con cái. Ta đã chạy theo, đeo theo nhiều thứ khoác trên vai, nặng trĩu cuộc đời, xương mòn mỏi, nằm xuống rồi than thở chẳng có chi cả. Cuộc đời rong đuổi theo thứ gì, thứ gì? Bạn hỏi, bạn tìm ra được hay không? Chúng ta quá mệt mỏi, mệt đến mức mà người chồng có thể cứ bương chải bảy ngày trong tuần, chẳng có thời gian với vợ, chẳng có thời gian với con, một tiếng đồng hồ cũng không có? Về nhà ăn bữa cơm trưa hay cơm tối, vội vàng vơ vét vô, rồi lùa vô trong miệng ăn cái, dội vài gáo nước lên giường ngủ ngay. Ngày qua tháng lại mất cả cuộc đời. Vẫn biết cuộc sống ta phải làm để nuôi dưỡng gia đình nhưng đừng có miệt mài quá. Trên đoạn đường xa vô tận, khi thời gian qua đi, ta chẳng thể có lại. Bẵng một chút đầu đã điểm sương và tuổi đã cao, ta đã già rồi.

Các bạn, chúng ta phải dành thật nhiều thời gian cho những người ta yêu thương như cha mẹ, vợ chồng, con cái, đừng miệt mài, phung phí cuộc đời cho những công việc. Nếu các bạn làm việc bảy ngày một tuần thì nên bớt đi. Nhưng riêng cho các bạn khác là các bạn làm ít mà miệt mài trên bàn nhậu, trên bàn tiệc, nay tiệc mai tiệc, nay ăn mai uống, không có chút thời gian nào dành cho con cho cái, không có chút thời gian nào quan tâm đặc biệt đến vợ. Đừng để đứa con nó xin thêm một đồng để mua một tiếng đồng hồ của cha. Các bạn, chữ “cha” ở đây thể hiện cho mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với người ta yêu thương. Những người mẹ cũng đừng để con xin tiền để mua một tiếng ở với chúng. Những người cha cũng đừng để con xin tiền để mua một tiếng đồng hồ với chúng. Đó là nói đến tình yêu của cuộc đời, nói đến gia đình, nói đến góc độ mà chúng ta đang sống, là chúng ta còn sống với nhau, chúng ta phải thương yêu nhau. Chúng ta phải dành thời gian cho nhau, còn không một mai nó qua đi rồi, nuối tiếc cũng vậy mà thôi. Các bạn có khi nào các bạn chạnh lòng bởi một người con hỏi rằng: “Cha ơi, sao không thể có một chút thời gian cho con”. Hoặc bạn có khi nào được con hỏi: “Mẹ ơi sao mẹ đi mãi”. Cuộc đời con đã bao năm không có nhà, không có nhà đây tức là không có mẹ ở nhà. Các bạn, các bạn ơi, thật là buồn! Và lúc đó các bạn hối hận chắc không kịp. Hầu hết những người mà bị cha mẹ không gần gũi, những đứa con đó như vậy thường bị tự kỷ, thường bị lôi cuốn bởi những phong trào sai trái ở ngoài đời, và thường lâm vào con đường tội ác và tội lỗi.

Sự quan tâm đến nhau rất quan trọng. Đó là mặt nổi của cuộc sống giữa con người với con người. Còn có một mặt khác chúng ta phải nhìn nữa, đó là chúng ta dù có bận rộn tới đâu cũng phải dành thời gian để quan tâm đến đời sống tâm linh. Chúng ta làm được bao nhiêu tiền trong một tiếng đồng hồ và chúng ta có được bao nhiêu tiền trong cả cuộc đời. Chúng ta có thể ngưng 15 phút trong cuộc đời bận rộn để cho chính mình 15 phút trở về, để nuôi dưỡng đứa con tâm linh trong thân ý của mình hay không? Các bạn, có khi nào các bạn ngồi xuống và thấy rằng: Ôi cả cuộc đời cho tới bây giờ, ta chẳng khi nào dành thời gian cho cuộc sống tâm linh, có chăng cũng hời hợt bên ngoài như mưa, như gió thoảng qua giữa thềm.

Các bạn ơi, những chuyện tu tập của các bạn nó chỉ là sự hời hợt của những cơn nắng hè, chợt tới chợt đi, nó chưa đi sâu vào. Nếu các bạn như người cha kia, được người con hỏi xin mượn một đồng, cộng thêm một đồng có để mua một tiếng đồng hồ ở với người con, người cha đã chạnh lòng, thổn thức thâu đêm, ngủ không được, dòng nước mắt tuôn mãi bởi lời của người con đã đánh động lương tâm. Thì sao các bạn có thể bỏ quên đời sống tâm linh lâu dài như vậy được. Các bạn hãy trở về với đời sống tâm linh. Hãy sống và hãy cho chúng ta thêm chút thời gian tu dưỡng về cuộc đời, tu dưỡng về đời sống tâm linh. Tâm linh rất quan trọng bởi đời sống tâm linh nó làm cho thăng bằng, thăng bằng cuộc đời của chúng ta giữa đời và đạo, giữa tâm linh với tinh thần và vật chất. Tâm linh, tinh thần và vật chất là phải được sự cân bằng, có thời gian chăm sóc. Các bạn nếu bỏ quên một phần, các bạn cũng sẽ yếu đi một phần và các bạn sẽ dần dần đánh mất sức mạnh vốn có của các bạn, đó là đời sống tâm linh. Bởi cuối cùng cuộc đời của chúng ta, tâm linh của chúng ta không có chỗ dựa của ngày sau, khi ra đi nó biết đi về đâu. Ngay bây giờ không có mục tiêu để nghĩ, không có mục tiêu để hiểu, không có mục tiêu để đi tới, thì khi các bạn ra đi, chết rồi còn có chỗ nào để các bạn muốn về. Có chăng cũng là phảng phất đâu đó, đây đó trở thành những nơi mà chúng ta gọi là không có chốn nào cho ta trở về. Ta là kẻ vô gia cư hay còn gọi là những linh hồn cô đơn, không có nơi nương tựa.

Các bạn có muốn trở thành những linh hồn cô đơn, không nơi nương tựa và vương vất đâu đó, sống nhờ hương khói ở trần gian? hay các bạn biết dành một tiếng đồng hồ trong ngày, hay 15 phút trong ngày. Đừng để đứa con mua một tiếng đồng hồ bằng 2 đồng. Đừng để đời sống tâm linh của bạn bị rơi vào quên lãng trong sự bận rộn đầu tắt mặt tối. Các bạn, hãy cho mình những giây phút tịch tĩnh, xoay về với đời sống tâm linh, sống trong chánh niệm để được an ổn nơi thân, được thanh thản nơi tinh thần của mình, để chúng ta biết mỉm cười trong cuộc sống mỗi mai khi thức dậy.

Cảm ơn các bạn đã nghe Bảo Thành gợi ý. Chúc các bạn an lành và hạnh phúc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn