Search

Gỡ Bỏ Chướng Ngại (Đừng Đợi Đến Phút Cuối)

Bảo Như bút ký.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Hôm nay chúng ta lại gặp nhau nơi khung trời thật là đẹp, bởi vì chúng ta đang sống trong những điều kiện tốt đẹp từ môi trường, đời sống tâm linh, cho đến tất cả những điều kiện có được, nên chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy mỗi một ngày trôi qua ai cũng có đầy đủ năng lượng để sống. Tận hưởng được năng lượng sống trong cuộc đời của mỗi người chúng ta là cả một nghệ thuật. Không phải ai trong chúng ta cũng tận hưởng được năng lượng này. Có những người có tất cả, nhưng họ không sống được bình an, nhưng cũng có những người không có tất cả, mà họ lại tận hưởng được năng lượng sống trong cuộc đời để luôn được an vui hạnh phúc. Làm sao để cho chúng ta hạnh phúc và cảm thấy luôn vui với chính mình và với mọi người. Điều này đòi hỏi một sự ý thức từ trong đời sống nội tâm của mỗi người chúng ta khi nghĩ về cuộc đời này.

Các bạn thân mến, người mà dễ biết tha thứ thì người đó luôn an vui. Còn người mà luôn luôn ôm nỗi niềm ở trong lòng, không biết buông xả, không biết tha thứ thì người đó thường bị đau khổ, dằn vặt và khó có khi nào được sống hạnh phúc trong cuộc đời. Có câu chuyện thực tế về những con người đang sống trong hiện tại của chúng ta, câu chuyện đó như vầy:

Có một ông cụ sống ở nước Mỹ đã đến tuổi về hưu. Một hôm ông tới gặp Bảo Thành để chia sẻ về đời sống khi mới về hưu. Ông nói rằng ông muốn đi thăm những người thân trong gia đình, đặc biệt là những người em mà ông đã bảo lãnh qua bên Mỹ định cư. Bảo Thành nghe và nói rằng vậy ông nên đi thăm đi, bây giờ đã về hưu rồi, không có gì vướng mắc thì hãy đi thăm người thân trong gia đình. Ông nghe xong hạnh phúc lắm, nhưng chỉ mỉm cười chốc lát rồi ông đau buồn, thực sự là ông đã khóc. Rồi ông nói rằng từ trên 60 năm nay khi sống ở nước ngoài và rồi bảo lãnh anh em qua và cũng do một số suy nghĩ lúc đầu khi ở xứ người có khác biệt nên tình nghĩa anh em bị sứt mẻ. Đã trên 40 năm rồi, họ đã không còn gặp nhau từ buổi chia tay đó. Mặc dầu lúc đầu khi qua Mỹ ông đã đi làm miệt mài ngày tháng, gom góp tiền và tạo đúng điều kiện phù hợp với yêu cầu của chính quyền sở tại. Điều kiện đó là về kinh tế, nhà cửa để bảo lãnh anh em qua. Nhưng vì người anh đã sống ở bên Mỹ quá lâu nên cách cư xử, phong tục sinh hoạt khác biệt với các em khi mới qua. Chính trong cái khác đó mà khi tới nước Mỹ chưa đầy một năm họ đã xích mích…, và họ không gặp nhau được nữa, rồi chia tay. Lúc đầu khi còn trẻ vùi đầu vào làm việc lo cho cuộc sống của mình, cho gia đình của mình nên hình như chuyện đó đã quên dần, không còn gì làm cho họ buồn. Nhưng 40 năm sau, khi về hưu rồi, những người thân nhất, đặc biệt trong gia đình là cha mẹ cũng đã ra đi. Và rồi chỉ còn lại anh em là những người ruột thịt, ông nghĩ đến tuổi già về hưu có thêm thời gian và cũng nghĩ rằng anh em cũng đã lớn tuổi rồi nên muốn gần gũi với người thân của mình, những người thân thuộc cùng dòng máu để chia sẻ, nói chuyện trong tuổi đã lớn. Nhưng vì thuở xưa anh em cãi nhau và mỗi người đều ôm ở trong mình những bực tức khó chịu, ngang trái, khác biệt ý kiến, mấy mươi năm trời dồn nén không gặp nhau nữa. Cho nên bây giờ ông đã tuổi lớn, muốn gặp mà không thể gặp được, ông rất buồn. Cuối cùng Bảo Thành nói với ông rằng: ông hãy ra nhìn tượng Phật, chỉ nhìn vào tượng của Phật thôi và ông nghĩ như thế nào sau khi nhìn tượng Phật hãy cho Bảo Thành biết. Ông ra nhìn vào tượng Phật khoảng chừng một tiếng đồng hồ và khi gặp Bảo Thành, Bảo Thành hỏi ông cảm thấy thế nào khi nhìn vào tượng Phật? Ông nói: một cảm giác thật là lạ bởi khi sống ở xứ người từ thuở nhỏ, bỏ Việt Nam qua Mỹ chưa bao giờ tới chùa, chưa một lần nhìn Phật một cách sâu sắc như vậy. Nhưng lần này, khi nhìn vào Phật thấy hình như Phật thật là nhẹ nhàng, Phật sẵn sàng đón nhận, dù cả cuộc đời chưa bao giờ chưa bao giờ nhìn Phật sâu sắc thành khẩn như thế. Bảo Thành cũng mượn câu của ông và nói rằng: hãy nhìn lại tình nghĩa anh em của mình như nhìn một vị Phật, như nhìn một tôn tượng của Phật, với lòng thành khẩn, thành tâm và với tình yêu thương thực sự thì những sự khác biệt trong cuộc sống nó sẽ không còn ngăn ngại, ngăn chặn bởi những điều gì trái ý, trái lòng nhau thuở xưa. Ông suy ngẫm và nói: Tôi sẽ làm một chuyến đi, thật sự bức phá qua những sự ngăn cách như vậy để tới được những người anh em mình trong lúc cuối đời này.

Rồi trải qua 3 tháng sau, ông lại tới và trình bày với Bảo Thành là ông rất hạnh phúc bởi nhìn được Phật ở trong chùa dưới tôn tượng trang nghiêm, đã cảm nhận được sâu sắc tình người khi chúng ta nhìn sâu vào trong lòng, dù trải qua ngang trái khác biệt nào, thì ở đó luôn luôn có thâm tình ruột thịt.

Các bạn thân mến, chúng ta thường nói: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Và đúng vậy, con người với con người, tình nghĩa trong gia môn là gần gũi ruột thịt. Đức Phật đưa chúng ta tới một tình người cao cả hơn trong giọt máu của pháp hằng sống nơi Chư Phật. Nếu chúng ta nhìn thấy ở mỗi một con người chúng ta đang sống đây bằng cách nhìn xuyên suốt tâm của mình, có sự liên kết với nhau trong dòng máu của pháp Như Lai – bậc giác ngộ lưu truyền trong ta, thì dù người đó có tạo muôn ngàn khó khăn, trắc trở, sai biệt, và làm cho chúng ta không thể tới với họ được, thì với giọt máu của Như Lai lưu truyền gắn kết, chúng ta vẫn có thể tới được với nhau và sẵn lòng ngồi xuống tha thứ. Nhớ! Sự tha thứ sẽ mở cửa cho hạnh phúc và bình an tới với mỗi người chúng ta. Cho nên khi các bạn sống ở trên đời, nếu như chúng ta thực sự chưa trọn vẹn với sự tha thứ của mình thì chúng ta hãy sống và thực hành chiêm bái tôn tượng của Phật trong sự tĩnh lặng để nhìn rõ tình yêu thương của Phật đối với chúng sanh và để nhìn rõ sự mà Đức Phật luôn luôn mời gọi chúng ta bước tới để gặp Ngài.

Các bạn thân mến, khi mà mỗi người chúng ta biết mở rộng tấm lòng của mình để tạo điều kiện cho người khác tới với chúng ta bằng tình yêu thương, sự tha thứ thì chính là chúng ta đã mở cánh cửa tâm hồn của chúng ta để cho chúng ta có thể bước vào ngôi nhà hạnh phúc, ngôi nhà bình an. Chúng ta phải làm được điều đó bởi vì cuộc sống thường xen lẫn giữa đau khổ và hạnh phúc, xen lẫn giữa bình an và những điều mà chúng ta không được nhìn thấy thật rõ trong từng ngày. Do đó, các bạn thân mến, để nhìn rõ được chân giá trị của cuộc đời, chúng ta đừng tự ràng buộc vào những sự chấp trược phiền não hay khác biệt. Nói đúng hơn theo tình người, khi chúng ta cãi nhau, tranh chấp hoặc khi chúng ta sống mà cảm thấy rằng có lỗi với nhau thì đừng xoay mặt làm ngơ bỏ đi. Càng gỡ sớm thì chúng ta lại có được hạnh phúc bình an càng sớm. Ít nhất, ông cụ kia khi về hưu rồi – hơn 70 tuổi mới gỡ được chướng ngại trong lòng ngăn cách giữa tình nghĩa huynh đệ – anh em. Tuy muộn đó nhưng mà vẫn còn thời gian để mở cửa cho tình yêu tràn vào trong tâm, cho tình nghĩa anh em tới với nhau. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải đợi đến tuổi về hưu, nếu như ông cụ có thể mở được ngưỡng cửa đó đón anh em của mình trở lại, xóa tan đi sự ngăn ngại bởi khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa, cách sống thì tình nghĩa sẽ không bao giờ bị tổn hại đâu. Hạnh phúc sẽ tới thật là nhanh và bao nhiêu năm không gặp anh em đó nếu mở sớm thì lại có bấy nhiêu năm gần gũi, sống an vui với nhau. Tình nghĩa mà, giọt máu của cha mẹ vẫn còn trong trái tim của anh chị em, mà tại sao lại để một chút xíu ngăn ngại về bất đồng ý kiến, cách suy nghĩ và làm việc mà chúng ta đã đánh vỡ hết tình cảm đó để sống trong sự tủi hận, nuối tiếc. Về hưu đó, gặp được nhau là niềm vui, nhưng chúng ta tuổi về hưu của cuộc đời, phút cuối cùng, nhắm thử coi ta có khả năng còn tỉnh táo để trở về với Phật hay không? Rất may ông cụ đã tìm thấy Phật trong trái tim người anh em của mình để mở cửa đón mời họ trở lại, và ông ta phải làm cuộc đột phá dấn thân đi trước. Chúng ta đừng ngần ngại chờ đợi người khác phải tới với chúng ta. Nếu yêu thương là đi tới, yêu thương là dấn thân, yêu thương là phụng hiến, đã gọi là tình yêu thì không có ngăn ngại. Đừng để sự khác biệt làm cho chúng ta không bao giờ tới được với nhau. Nếu như trong cuộc sống, ta mở cửa cho người đi vào tức là ta mở cửa cho chính ta bước vào thềm hạnh phúc và bình an. Hãy mở cửa đó thật sớm, hãy tha thứ thật sớm và hãy dung thông với nhau bằng cách suy niệm rằng Đức Phật luôn đón mời chúng ta tới với Ngài, mọi lúc mọi thời gian, và mọi hoàn cảnh thì chúng ta cũng hãy mở cửa của cuộc đời để đón mời tất cả những người khác vào lòng chúng ta bằng trái tim rộng mở yêu thương biết tha thứ. Đừng tự thắt chặt nó lại để rồi chúng ta khó xử trong cuộc đời và ôm mãi tới khi hơi thở cuối cùng và để rồi khi xuống lòng đất than van với trời chẳng có ích lợi gì.

Các bạn, chúng ta hãy mở cửa, đừng khóa và ai mở cho người khác bước vào thì Niết Bàn – cửa đó cũng sẽ mở cho chúng ta bước vào mà thôi. Hãy mở cửa cho nhau cùng bước vào chung sống trong sự yêu thương chân thật của tình người. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts