Search

Ganh Ghét Đánh Phá

Các bạn thân mến. Nếu các bạn dùng cái tay này mà cấu vào cái tay kia, hoặc mình đánh vào một phần nào đó trên cơ thể, ta nhận biết cái đau. Và khi chúng ta ăn, ta cảm nhận nó ngon hay nói dở. Khi tương tác, ta cảm nhận nó buồn, hay nó vui, hạnh phúc, hay phiền não đau khổ đến với ta. Chính vì ta có cảm xúc như vậy, cho nên từ ngàn năm, hằng bao nhiêu năm khi con người hiện hữu trên trái đất này, ai cũng công nhận: Ta, con người này, là thật. Ta sinh ra từ sự thật. Ta ăn nè, ta uống nè, ta ngủ, ta nghỉ, ta sống, ta cười, ta vui, ta buồn… và rồi ta chết cũng là thật. Ta thật chết rồi. Ta thật đang sống, ta thật đang vui, ta thật đang cười, ta khổ, ta thật đang giàu có, và ta thật nghèo lắm. Chữ thật đó đi liền, dù chết xuống đất thì ta thật đã chết, trở về với lòng đất. Người ta nói là thật đã chết trở về với lòng đất. Và con người cũng chưa bao giờ nhìn qua được cái chữ THẬT đó là hư vô. Cái chữ THẬT đó là cát bụi. Cái chữ THẬT đó là hư không, là sinh diệt, là vô thường, là không tồn tại. Và sự hiện hữu đó chỉ là nhân duyên.

Cho tới khi Đức Phật ra đời. Các bạn nhớ, trước đó các tôn giáo luôn khẳng định rằng con người này là có thật. Tất cả các tôn giáo đều khẳng định con người là có thật. Và khi chết đi, ta tái sinh trở lại, đi theo các đấng tôn thờ, như Thượng đế, như Chúa, như các bậc tối cao, để mà sống trở lại với thân xác đang có. Đó là khái niệm về: thân này là có thật, chết đi sẽ được cứu rỗi, và sống trở lại hoàn thành y chang như: cao to, nhỏ bé, đẹp xấu, què quặt, đui mù, lành lặn… sinh ra thế nào thì khi chúng ta sống lại, sẽ y chang như vậy.

Phật nói: Không. Tất cả các tướng hảo hình thành: đẹp, cao, thấp bé, xấu, què quặt, lành lặn đủ sáu căn, thông minh, khờ khạo… đều là do nhân duyên giả hợp, tạo thành phước báu mà có. Hết, nó tan, nó chẳng còn như vậy nữa. Phước báu tăng trưởng, ta có tướng hảo tăng trưởng. Phước báu suy giảm, ta có tướng hảo suy giảm. Cho nên nó không cố định. Và để giảm đi sự khổ đau, chuyển hóa khổ đau bởi chấp vào, chấp vào trong cái có, thân này có, nên cuộc đời của Đức Phật đã dạy con người chuyển hóa khổ đau.

Nhưng thời Đức Phật còn sống, có một nhóm Bà La Môn, là những người theo đạo Bà La Môn, họ ganh tỵ, họ hiềm khích với Đức Phật. Cuộc đời là như vậy. Không hẳn là nói về tôn giáo, mà trong cuộc sống, có ai hơn là mình hiềm khích ganh tỵ. Có ai giỏi hơn là mình muốn đánh phá. Đi làm cũng vậy. Người ta làm giỏi hơn mình, mình cũng ganh tị muốn đánh phá. Người ta đẹp hơn mình, mình cũng ganh tị muốn đánh phá. Người ta thành công hơn mình, cũng ganh tị, đánh phá. Người ta ăn no, mình cũng ganh tị. Người ta mặc đẹp, mình cũng ganh tỵ, đánh phá. Người ta có nhà cửa to hơn, cũng ganh tỵ.  Cứ vậy, cứ hơn là ganh tỵ đánh phá. Đó là thói đời, bình thường lắm. Con người mà, có máu di truyền của sự ganh tỵ đánh phá. Các bạn thân mến.  Cho nên nhóm Bà La Môn đó tới đánh Phật dữ lắm. Hiềm khích, ganh tị và đánh phá. Họ phỉ báng Phật. Họ vu khống Phật. Nói Phật là một con người điên khùng. Điên khùng và hình như não bộ không ổn định. Sống vọng tưởng, nên có vọng ngôn, không có chân thật, về chủ thuyết hư vô, chủ thuyết vô thường trong sanh diệt thành trụ. Trong cái gọi là Thành Trụ Hoại Diệt của Phật toàn là vọng ngôn, nói sảng, nói nhảm, họ chống lại, chống dữ lắm. Họ đánh phá Phật.

Phật biết, đối với những con người đã không tin vào Thành Trụ Hoại Diệt, thân này và thế giới vật chất này là sự thành trụ hoại diệt trong nhân duyên của phước báu, duyên giả hợp hình thành, thì có nói cả ngàn đời, họ cũng không bao giờ tin. Cho nên Phật mới nói với họ rằng: chúng sanh là một thực thể có thật. Như Lai không bao giờ nói sai. Bởi vì chúng sanh là một thực thể có thực thật. Các bạn và mọi người đều có thân xác là một chủ thể thật.  Nhưng chủ thể thật này phải đi vào vòng xoay của kết thành nhân duyên, rồi nó ở một thời gian, tồn tại theo thọ mạng, tức là đời sống của mình. Rồi từ từ nó già, nó bệnh, nó hoại đi, rồi cuối cùng nó bị tiêu diệt trở về với cát bụi.  Vậy mới có bài “người ơi có nhớ mình là bụi tro”, hay là bài “cát bụi cuộc đời”. Chỉ là cát bụi mà thôi.

Đúng vậy, Như lai nói thân tướng của con người là một chủ thể có thật, nhưng nó phải xoay vòng ở trong thành trụ hoại diệt, kết thành nhân duyên. Tồn tại theo thời gian. Trụ một thời gian đó. Rồi dần dần bị hủy hoại, tàn diệt đi. Nhớ như vậy. Nhưng mà ở trong cái sự thành trụ hoại diệt đó, nó đã tạo ra trạng thái khổ, phiền não, đau. Do vậy mà Chư Phật tới trong trần gian này, dạy cho chúng sanh và những người Bà La Môn, không phải là chống lại thân mạng của cuộc đời con người, mà dạy cho con người phương thức làm sao nhận rõ giá trị của thân chủ thể thật này nó sẽ hủy hoại, tan biến, mất đi. Để chúng ta nhận thấy thật rõ cái vòng tròn của thân người là thành trụ hoại diệt như vậy. Để chúng ta không bám vào một cái luôn luôn trường tồn vĩnh viễn, vĩnh hằng, để khi mất đi ta đau khổ, mất đi theo thời gian. Như người trẻ rồi thấy già. Người đẹp rồi thấy xấu, buồn lắm. Ai đang đẹp mà xấu đi thì buồn.  Ai đang trẻ dũng mãnh, dần dần thấy tuổi già, buồn lắm. Để không dính mắc vào cái buồn đó.  

Phật dạy cho chúng ta quán chiếu thành trụ hoại diệt. Có, được, mất, hư, không còn tồn tại đó để làm gì? Để chúng ta sống trong một đời sống tương đối với cái thân vật lý tương đối này. Để từ đó, chúng ta chuyển hóa những khổ đau, chuyển hóa những phiền não, chuyển hóa tất cả những thứ mà làm cho con người cứ ray rứt, ưu phiền, khổ, để ôm giữ cái không bao giờ tồn tại. Chư phật nói cho những Bà La Môn hiểu được điều đó, cho nên Thế Tôn mới nói thêm để nhấn mạnh với họ: Như Lai tới là để nói pháp, nói pháp về dịch, khổ, pháp diệt khổ, để đem đến trạng thái vô ưu. Do vậy, nếu như có ai mắng nhiếc, khiêu khích, phỉ báng đánh đập Như Lai, thì Như Lai không hề giận dỗi, không ghét bỏ, và không có ý trả thù. Nếu có ai đến cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng Như Lai, không vì sự lễ kính, cúng dường, tôn trọng đó mà Như Lai hãnh diện. Hoặc là vì sự kính trọng, lễ bái của những người đó mà Như Lai sẽ đạt đến sự giác ngộ. Không. Bởi vì Như Lai đã đạt đến sự giác ngộ, và có được trạng thái vô ưu, ở trên đời, để khai mở, dạy dỗ cho chúng sanh chuyển hóa khổ đau mà thôi. Và để cho con người được sáng con mắt, nhìn rõ: thân người chủ thể thật sự, nhưng nó phải đi vào vòng xoáy của sự thành trụ hoại diệt. “Người ơi hãy nhớ thân này là bụi tro”. “Người ơi hãy nhớ thân này là cát bụi”. Cát bụi trở về với cát bụi. Các bạn ngày xưa người ta cãi như vậy, tranh luận như vậy. Ngày nay vẫn còn

Chúng ta hãy nhớ các bậc cổ đức thánh hiền, ngay bất cứ một tôn giáo nào, vẫn thường nhắc nhở chúng ta rằng: thân xác này là bụi tro, là cát bụi, để cho chúng ta trân quý khi cát bụi, bụi tro này chưa trở về với lòng đất. Chúng ta tu để có những nghĩa cử, những suy nghĩ, những lời nói và hành động cao đẹp mang lại hạnh phúc cho nhau. Pháp Phật nhiệm màu ở chỗ nhận ra giá trị không tồn tại vĩnh hằng để kiến tạo ra cái vĩnh hằng. Cái gì là cái vĩnh hằng. Cái phước báu trong thiện nghiệp. Cái gì là cái vĩnh cửu là cái thiện nghiệp, là cái năng lượng từ bi. Cái đó vĩnh cửu, ngược dòng thời gian nó vẫn tồn tại.  

Cho nên, các bạn sống ở trên đời, mỗi người chúng ta nhớ trân quý sức khỏe của mình, đừng có làm nó hao tổn, vùi đầu vào trong những cuộc chơi vui, cười, nhộn nhịp, nhưng làm thân xác tiều tụy. Như những bữa ăn chơi trác táng, nhậu nhẹt, mang rượu độc thuốc độc, những thứ vô bổ, độc hại nhồi nhét vào, cười ha hả cho vui nhưng cuối cùng làm thân xác bệnh tật, để cho vợ, cho chồng, cho con cái, cha mẹ lo lắng sợ hãi. Chuyện đó sẽ tạo khổ cho nhau, khi cái thân của chúng ta đang dần dần bị hủy hoại theo thời gian. Nhớ, khi sinh ra là chúng ta đã bắt đầu đang tự hủy hoại lấy mình. Nhận thức được điều đó trên đoạn đường dài ngắn của sự bị hủy hoại thân xác này, ta phải thành tựu được sự vĩnh cửu, vĩnh hằng. Đó là sự an lạc và hạnh phúc cho nhau. Chính vì vậy cao quý vô cùng.

Đức Phật tới, ngài là đấng vô ưu rồi, cho nên sự ganh tỵ, sự hiềm khích, sự phỉ báng, hàm oan, chửi bới, đánh đập, khiêu khích, Chư Phật, đấng vô ưu, bậc Như Lai không hề giận dỗi, ghét bỏ ai, và không bao giờ trả thù, ban phước, giá họa. Và cũng chẳng vì ai đó quỳ mọp xuống cúng kính, lễ lạy, ca tụng mà ngài giác ngộ, ngài vui, ngài cười. Ngài là đấng vô ưu, chúng ta có lẽ khó đạt được như vậy, nhưng ít nhiều gì, theo giáo lý của ngài truyền dạy, chúng ta tu, nhận rõ thân này là một chủ thể thật, do nhân duyên giả hợp tạo thành ngay trong kiếp này, theo lời khai thị của Phật, cao quý vô cùng và là phương tiện vi diệu đấy. Do đó mà mỗi người chúng ta phải trân quý. Nên khi nhận thức được, sinh ra là từ từ đang tới hủy hoại và tận diệt, thì đoạn đường đi xuống, đoạn đường đi từ sanh đến tử, mỗi người chúng ta phải biết tạo sự vĩnh hằng, vĩnh cữu ở trong pháp thiện, để có được phước báu tồn tại mãi mãi. Nhất là trong gia đình hiện tại, trong cuộc đời của chúng ta hiện thời, mỗi một ngày trôi qua là tử thần gần tới với chúng ta.

Hãy trân quý thời gian còn đang sống. Hãy dưỡng nuôi sức khỏe thể chất của thân này, và thể tâm của tinh thần. Để các bạn có tinh thần và thể chất mạnh khỏe, trong sáng, sống an vui, với những người yêu thương, có nhân duyên gặp gỡ nhau trong cuộc đời của kiếp này. Cảm ơn các bạn đã nghe chúc các bạn luôn luôn nhận thức rõ lời Đức Phật giáo hóa, ứng dụng vào trong cuộc sống bận rộn của đời thường.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn