Search

Bảo Đức đánh máy

Ai kiềm được cơn giận
Như người biết khiển xe
Khi lao dốc thắng lại
Không gây ra tai nạn
Tới lui mọi nẻo đường.

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Phật tử, đại chúng và các bạn. Hôm nay chúng ta lại gặp nhau trên Facebook livestreams của Chùa Xá Lợi.

Hạnh phúc thay chúng ta vẫn còn có cơ hội sống ở trên đời, tin tưởng vào giáo pháp của Đức Phật và chúng ta cùng hoan hỷ với nhau, nghe những lời của Đức Thế Tôn truyền dạy lại cho chúng ta.

(13:39) Hôm nay, Bảo Thành sẽ cùng với quý đại chúng, các bạn chia sẻ về ba chữ: “Đừng Giận Nhau”.

Trong cuộc đời của chúng ta cho tới ngày hôm nay chắc đã xảy ra thật nhiều những cơn giận dữ giữa ta và mọi người. Đôi khi, ta còn giận chính ta, giận vì ta không thể làm được chuyện này, ta không thể làm được chuyện kia, ta giận ta không chán, ta còn giận người. Nói chung, chúng ta cứ giận nhau mãi hoài. Ngày này qua ngày kia, lại những cơn giận cứ kéo tới một cách tự nhiên để rồi giữa chúng ta, giữa những người thương yêu của chúng ta, niềm vui chưa tới thì cơn giận đã tràn vào, niềm vui ngắn ngủi nhưng giận hờn lại dài lâu.

Giận thật là xấu đại chúng à! Giận sẽ làm tiêu đi tất cả những năng lượng tích cực, niềm hân hoan trong cuộc sống. Giận đốt cháy tâm can của chúng ta. Giận làm cho khuôn mặt mau già, làm cho tướng hảo tiều tụy. Giận làm cho con người biến tướng thành ra kỳ dị, khó coi.

Đừng giận nhau!

Ai kiềm được cơn giận
Như người biết khiển xe
Khi lao dốc thắng lại
Không gây ra tai nạn
Tới lui mọi nẻo đường.

Các bạn thân mến! Ai biết kiềm được cơn giận thì người đó như một người lái xe thật giỏi biết kìm chiếc xe khi lao dốc, thắng lại từ từ để không gây ra tai nạn tổn hại cho mình và cho những người đang ở trên giao lộ đó. Và nếu như người biết kiềm chế cơn giận là người tài xế thật giỏi. Người đó sẽ vận hành trên mọi nẻo đường của cuộc đời luôn có an vui, không có giận hờn. Ai biết kiềm được cơn giận của mình, người đó sẽ trẻ trung, luôn tươi cười, luôn thoải mái, luôn sống rộng vòng tay và người đó có cái chất vị tha thứ cho mọi người trong cuộc đời.

 Thực ra, trong cuộc sống của chúng ta có hai tố chất: “giận hờn và yêu thương”. Nếu không yêu thì chẳng giận. Tình yêu ở đây chúng ta không nói tình yêu giữa nam nữ, giữa sự tham ái của ta mà tình yêu ở đây đặt lên trên một cái giá cao sang hơn đó là tình yêu được giải thích rộng ra từ hai chữ: “Từ Bi”. Lòng thương yêu và thương xót ban rải tới cho muôn người. Tình yêu này luôn luôn có nhưng bởi vì là Phàm phu, ta đã biến tướng cái tình yêu cao đẹp của lòng Từ Bi thành tình yêu của con người được – mất, có – không từ đó Tánh Giận Hờn có cơ hội tăng trưởng.

Hạt giống giận hờn và hạt giống yêu thương là hai hạt giống đang nằm trong tầm tay của mỗi Phật tử chúng ta. Ta có thửa ruộng Chân Tâm. Ta muốn gieo vào miền đất Tâm của chúng ta hạt giống của giận hờn hay hạt giống của tình yêu thì đó là sự lựa chọn khác biệt giữa ta và người. Người khôn ngoan luôn lựa chọn hạt giống yêu thương để gieo mầm vào cuộc đời. Người thiếu khôn ngoan chỉ biết quăng đại những hạt giống giận hờn vào tâm trí của mình để rồi ta bận rộn sớm hôm và gây ra đau khổ, phiền não cho ta và cho người.

Sự phiền não trong những cơn giận hờn không nguôi sẽ tăng thêm dấu hiệu tuổi già nhanh chóng, sẽ tăng thêm những nét sầu bi, phiền muộn trên khóe mắt và trên vầng trán thanh cao của các bạn sẽ chằng chịt những nếp nhăn của những cơn giận hờn tích tụ. Dưới khóe mắt sẽ có những quầng thâm sân giận của những Tà khí cô đọng nơi khóe mắt đó và trên môi miệng của các bạn sẽ luôn tuôn ra những lời chì chiết gây đau khổ.

Giận hờn nguy hiểm vậy đấy. Cho nên, chúng ta phải nhận ra rằng: “Hạt giống giận hờn này có trong tay nhưng chẳng thể gieo vào miền đất Tâm của chúng ta bởi vì điều cao quý nhất trong cuộc đời là hạt giống của yêu thương.” Nếu chúng ta có trong tầm tay hạt giống của yêu thương được gieo vào miền đất Tâm của mình, biết tưới tẩm bằng Chánh Niệm và lòng Từ Bi thì yêu thương kia sẽ trổ mầm, thế giới sẽ an vui, người người sẽ hạnh phúc. Trên khóe mắt không còn những ẩn tích của sân hận, sầu bi, nhăn nheo, trên vầng trán thanh cao sẽ thanh tú hơn, sẽ sáng hơn và dưới con mắt của bạn sẽ tỏa ra luồng sáng của hào quang thanh tịnh và bạn sẽ trẻ trung thêm, sống dài lâu, khỏe mạnh, hết bệnh, khỏi bệnh và an vui.  

Ai kiềm được cơn giận hờn của chúng ta thì chúng ta như người lái xe thật tài giỏi khi lao dốc biết thắng, biết điều khiển nó để không gây ra tai nạn. Và chúng ta khi là một người lái xe giỏi, chúng ta sẽ vận hành trên mọi nẻo đường của cuộc đời nhưng an nhiên, tự tại, không có một chuyện gì sợ hãi xảy ra trong cuộc đời.

Người kiềm được Tâm Giận Hờn là người biết dừng đúng chỗ để hạt giống giận hờn không có cơ hội rớt vào miền đất Tâm. Các bạn! Trong ta có hai chất tố đó, hai hạt giống đó song hành tới với cuộc đời, nếu các bạn cứ để cho giận hờn, năng lượng đó đốt cháy cuộc đời và tăng trưởng theo những cái tham, sân của các bạn thì tình yêu sẽ chẳng có cơ hội. Nhưng chúng ta cũng không cần phải triệt tiêu những cơn giận hờn đó, chúng ta chỉ cần biết thắng nó lại để cho tình yêu được thăng hoa, hướng Thượng. Khi chúng ta biết thắng, biết kiềm chứ không phải tiêu diệt nó, biết kiềm cơn giận lại thì tình yêu sẽ được thăng hoa, năng lượng thanh tịnh sẽ được phát triển, ta sẽ được sống an vui với người và người sẽ sống an vui với ta. Đó là chân lý.

Hạnh phúc tới từ đâu? Hạnh phúc tới từ khi mỗi một người chúng ta biết kiềm được cơn giận của mình. Các bạn có thấy không? Trong cuộc sống đã bao nhiêu lần người với người đã trở thành kẻ thù, người với người đã trở thành trở mặt, cách lòng, người với người đã trở thành xa cách, không còn gần gũi cũng vì giận hờn.

Giận hờn nó còn tàng hình trong những sự ghen tuông, tranh chấp, người nào hay ghen và người nào hay tranh chấp thường hay giận hờn cho nên Tánh Giận Hờn đó, nó thể hiện sự ghen tuông. Ghen tuông về tài, về tình, về danh vọng, địa vị, ghen tuông vì ta thua người, tranh chấp vì ta hơn người, thua người. Giữa những ghen tuông, tranh chấp như thế, nó tạo thành những cơn giận hờn. Cơn giận hờn kéo dài từ ngày này qua ngày kia, thậm chí có những cơn giận hờn mà tới lúc chết cũng chưa thể tha thứ cho nhau, để chui xuống nấm mồ sương trắng phơi thân vẫn còn hờn giận, chẳng thể mỉm cười nơi chín suối. “Giận để làm chi?” vẫn là một câu nói chúng ta thường hay áp dụng nhưng phải làm sao để các bạn có thể kiềm hãm được cơn giận đó? Đức Phật dạy rằng bất cứ một việc gì trên đời, để có thể buông bỏ được nó, chúng ta phải hiểu được nó. Chúng ta phải hiểu rằng giận hờn là một Tánh xấu là một Tánh Đố Kỵ, Ghen Tuông và Tranh Chấp. Giận hờn không mang lại lợi ích cho ta cũng chẳng mang lại tổn hại cho người bởi khi ta giận hờn, nếu người biết thì người cũng có thể giận, tạo ra nghiệp như ta còn nếu ta giận hờn họ mà họ không biết thì tất cả mọi sự ảnh hưởng của cơn giận hờn đó sẽ trở về đánh ngược lại ta.

Đầu tiên, giận hờn là một Tánh xấu làm tổn hại phước báu của các bạn, nó đốt cháy hết phước báu đó rồi nó làm cho các bạn mau già. Những ai mau già nghĩa là hay giận hờn, những ai biết cười thì tươi, trẻ mãi bởi lòng chẳng bao giờ nuôi sự giận hờn. Giận hờn làm cho khóe mắt sẽ bị thâm, làm cho con mắt sẽ bị nhăn nheo, giận hờn còn làm cho trán của các bạn có những nếp nhăn của phiền não và đau khổ. Một gương mặt như vậy chắc có lẽ Bảo Thành và các bạn sẽ không bao giờ lựa chọn cái cách sống để trên khuôn mặt của chúng ta thể hiện sự phiền ưu, hiện rõ sự tham, giận và già nua, xấu xí. Chúng ta luôn có một sự lựa chọn là mong muốn cho mình được đẹp. Cái đẹp từ tâm hồn sẽ thay đổi tướng hảo của chúng ta, tướng từ tâm sanh. Nếu các bạn nhận rõ được cái gốc của sân hận xấu xa như vậy, không tốt như vậy thì thay đổi cái nhìn đó bằng cách đừng để cho nó vung vãi trong cuộc đời của chúng ta để nảy mầm mà chúng ta phải chuyên chú vào nuôi dưỡng hạt mầm của tình yêu, của tình thương, của lòng Từ Bi. Lấy Từ Bi để chuyển hóa Tâm Giận Hờn, lấy tình thương để chuyển hóa cái nguồn cơn giận hờn của chúng ta. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ dùng cái Tâm Thanh Tịnh đó nuôi dưỡng cuộc đời và tướng hảo của chúng ta sẽ thay đổi thật là nhanh. Nó sẽ đẹp ra, sẽ sáng ra, sẽ có hào quang của sự thanh tịnh.

Các bạn, lời Phật dạy thật là tuyệt vời bởi không những nó đưa chúng ta giải thoát khỏi Vô Minh, lầm chấp tới được bờ Giác Ngộ và đi về với Niết Bàn mà nó còn làm cho cuộc sống hiện tại của chúng ta an vui, hạnh phúc, trẻ trung và đẹp. Đẹp từ tâm hồn đẹp ra.

Ai kiềm được cơn giận như người tài xế thật là giỏi biết thắng xe khi lao dốc thì không gây ra tai nạn và trên mọi nẻo đường của cuộc đời họ lui tới, họ không bao giờ khổ. Chúng ta nhớ rằng: “Cuộc đời của tất cả chúng ta phải luôn luôn kiềm hãm cơn giận của mình, kiềm hãm nó”. Đã là người, luôn có sự giận hờn nhưng giận hờn là Tánh xấu gây tổn hại cho chúng ta. Nếu chúng ta biết kiềm Tánh Giận Hờn nghĩa là đang nuôi dưỡng sự trẻ trung và hạnh phúc cho chính mình. Điều đó là chân lý mà.

Có một sự việc rõ ràng khi Đức Thế Tôn còn tại thế trong cuộc đời, Ngài dạy cho hàng đệ tử của Ngài đừng khi nào giận hờn. Câu chuyện như vầy:

Thuở đó, Phật đang ngồi giảng cho các hàng Tỳ Kheo và đại chúng, có một Bà La Môn tới chỉ tay chửi thẳng vào mặt Phật, chửi thậm tệ, chửi nhiều thứ, chửi những chuyện toàn là vu oan, hàm oan, vu khống. Thế nhưng, Phật ngồi tịch tĩnh chẳng nói một lời, miệng tươi mỉm cười ban rải tình thương, người Bà La Môn chửi một hồi mới nói rằng: “Cồ Đàm, tôi chửi ông như vậy sao ông cứ mỉm cười nhẹ nhàng Từ ái, sao ông không giận hờn, không nổi cáu, không chửi lại tôi đi?”

Ông Bà La Môn chửi như vậy và Phật không giận hờn, khi ông đó hỏi, Phật mới nói như vầy: “Nếu ngươi mang một món quà đến tặng ta, ta không nhận, ngươi phải làm gì?”

Ông ta nói: “Thì tôi phải mang về.”

Đức Phật nói: “Y chang như vậy. Người mang món quà giận dữ, giận hờn, chửi bới, xấu xa tới đổ lên ta, ta không nhận thì tức khắc, ngươi phải ôm lấy tất cả những gì ngươi đã nguyền rủa và chửi bới ta vào trong lòng ngươi, ngươi sẽ bị tổn hại bởi chính ngươi.”

Đó là câu chuyện thực sự Đức Phật dạy và tại sao Phật có thể mỉm cười Từ Bi khi nghe người khác chửi mình? Khi nghe người khác làm nghịch ý mình? Khi nghe và nhìn người khác làm những chuyện chướng tai gai mắt bởi Phật là Phật.

 Chúng ta có Tánh Phật. Nếu chúng ta thực tập đời sống trong Chánh Niệm, sống trong Chánh Niệm sẽ giúp cho các bạn tăng trưởng cái Nội lực, Định lực để kiềm cơn giận. Ai kiềm được cơn giận? Ta có thể trả lời: “Tôi kiềm được cơn giận bởi nhận ra rằng giận hờn, tham giận là tôi xấu nên tôi đã kiềm được cơn giận đó bằng cách an trú trong hơi thở Chánh Niệm và thực tập Chánh Pháp của Như Lai. Quy Y Phật − Pháp − Tăng, giữ Năm Giới, hành Thập Thiện, hiểu rõ Nhân Quả, tôi đã kiềm được cơn giận”. Và khi chúng ta kiềm được cơn giận chúng ta là những người lái xe thật giỏi trong lúc ta luân hồi, chúng ta biết thắng, chúng ta biết giảm tốc độ khi xuống dốc, chúng ta không gây ra tai nạn và chúng ta vân hành trên mọi nẻo đường luân hồi mà không bao giờ đau khổ. Không đau khổ bởi ta kiềm được Tánh Giận của chúng ta, chúng ta biết an trú trong hơi thở Chánh Niệm. Cả cuộc đời Đức Phật dạy hàng đệ tử rằng: “Các con hãy cố gắng thực tập hơi thở Chánh Niệm để sống trong Chánh Niệm, nếu ngay bây giờ các con không sống trong từng hơi thở thì các con đợi tới kiếp nào để sống”. Hiện tại đang mang thân kiếp làm người sao không sống và phải trông chờ vào kiếp sau.

Giận hờn làm tổn phước báu, làm chết các bạn ngay trong giây phút này. Chánh Niệm tăng trưởng sức mạnh tươi trẻ, hạnh phúc, hân hoan và luôn luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Chúng ta nhớ điều đó để chúng ta phải thường xuyên thực tập hơi thở Chánh Niệm, sống trong Chánh Niệm, an trú trong Chánh Pháp, thực tập miên mật những giáo pháp của Đức Phật dạy.

 Các bạn thân mến! Chúng ta chia sẻ hôm nay để mọi người phải nhận rõ ra rằng sự sống trong cuộc đời rất quan trọng, nó nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta nắm cuộc đời của mình ở trong tầm tay. Đau khổ hay hạnh phúc, giận hờn hay yêu thương do chính ta không phải ở bên ngoài. Sự tác động ở bên ngoài chỉ là nhân duyên tới rồi đi, sanh rồi diệt nhưng nếu chúng ta để cơn giận bộc phát thì lòng yêu thương của chúng ta sẽ bị đốt cháy, chúng ta sẽ sống trong sự tràn ngập của giận hờn và chúng ta sẽ chết đuối trong những Ngục nước giận hờn đang dìm chúng ta xuống tận đáy của sự khổ đau. Trên đời này không ai giận hờn mà có hạnh phúc cả. Trên đời này không ai giận hờn mà trẻ trung, không ai giận hờn mà có được sự bình tĩnh. Trên đời này không ai giận hờn mà có trí tuệ, cũng không ai giận hờn mà có thể phát triển được tình yêu. Giận hờn cần phải được thâu lại, không để nó gieo rắc trên miền đất Tâm của chúng ta. Chỉ có tình yêu, cái hạt giống tình yêu phải gieo vào thềm Tâm thức để nảy mầm yêu thương.

Chúng ta phải trở về miền đất Tâm, tìm hết mọi hạt giống giận hờn vung vãi trong tâm, thâu lượm nó lại. Chúng ta phải đào bới hết gốc rễ của sự sân giận, giận hờn đang mọc, đã mọc trong tâm. Đào nó lên, phơi khô đi và gieo vào đất Tâm của chúng ta mầm mống yêu thương ngay bây giờ. Cái mầm yêu thương được nuôi dưỡng bằng lòng Từ Bi của ta và bằng hơi thở Chánh Niệm. Nó sẽ mọc thật nhanh và hoa trái của tình yêu sẽ làm cho con người sáng lên, hạnh phúc, khỏe mạnh, bớt bệnh hoạn, gương mặt của các bạn sẽ đẹp tuyệt vời, đẹp trong sự thanh tịnh của tâm.

Các bạn thân mến! Ai biết kiềm cơn giận như tài xế thật giỏi biết thắng xe khi lao dốc thì không gây ra tai nạn và tự tại trên mọi nẻo đường. Người đó có thể vận hành, có thể lưu thông trên mọi nẻo đường mà Tâm An Tịnh, Vui Vẻ và Hạnh Phúc. Nếu các bạn kiềm được cơn giận thì các bạn dù đi tới đâu, gặp bất cứ một người nào trong bất cứ hoàn cảnh nào, các bạn cũng tươi cười.

 Hôm nay, hãy trở về với đời sống bình thường, một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao mà con hay giận hờn cha mẹ? Tại sao ta là cháu mà hay giận hờn ông bà? Tại sao là vợ chồng mà hay giận hờn nhau? Tại sao ta là cha mẹ mà hay giận hờn con cái?”

Giận hờn không tốt, không tốt, giận hờn xấu lắm bởi làm cho chúng ta xấu đi, làm cho chúng ta già đi. Ngày nào soi gương cũng muốn đẹp mà cứ giận hờn hoài làm sao đẹp được? Ngày nào soi gương cũng muốn tươi trẻ mà giận hờn hoài sao trẻ và tươi, nó sẽ héo úa già nua. Các bạn phải hiểu được nguyên tắc đó.

Giận hờn ở trong tầm tay, yêu thương cũng ở trong tầm tay. Hai hạt giống này nằm ở trong cuộc đời của chúng ta, ta chọn hạt giống nào để gieo vào tâm của ta và đời sống của ta? Người khôn thì chọn giống yêu thương, người khờ thì lầm lẫn gieo mầm giận hờn trong lòng của ta.

Khờ quá! Chúng ta khờ khạo nên chúng ta mới gieo cái mầm giận hờn trong đời, trong lòng. Người khôn thì chọn cái mầm yêu thương. Ai biết yêu thương người khác, ai biết yêu thương tất cả những người chung quanh ta và ai biết yêu thương chính bản thân của họ thì họ luôn sống hạnh phúc an vui, tươi trẻ và khỏe mạnh và họ luôn biết kính trọng cha mẹ, họ luôn biết thương yêu vợ chồng, con cái.

Đối với những ai thường hay giận hờn cha mẹ thì suy nghĩ lại sự giận hờn đó là do ghen tuông, tranh chấp, là do Tánh xấu của chúng ta tích lũy nhiều đời nó trở thành hạt giống giận hờn. Ta không thể cứ gieo vào Tâm thức của chúng ta, chúng ta phải cho vô cái bịch nhựa, cột chặt nó phơi lên hư không và chúng ta phải mở hạt giống yêu thương gieo xuống lòng đời của chúng ta.

Các bạn thân mến! Ai gieo yêu thương gặt hái được thương yêu, ai gieo giận hờn sẽ gặt hái được hờn giận. Gieo yêu thương sống tươi trẻ và hạnh phúc, trẻ trung, hết bệnh, tươi vui và hân hoan mỗi ngày, thêm được nhiều bạn, gần gũi được nhiều những Bậc Thiện Tri Thức, gieo được nhiều phước báu vào cuộc đời để trổ sinh những hoa quả Thiện Pháp chúng ta áp dụng vào cuộc đời để sống đúng với Chánh Pháp của Phật. Nhưng nếu chúng ta gieo giận hờn vào đời thì nhăn nheo trên khóe mắt, phiền não trên trán của ta, quầng mắt sẽ thâm. Xấu lắm! Đừng để xấu cho cuộc đời khi giận hờn cứ tràn lên. Hãy trang điểm cuộc đời bằng tình yêu thương để trên khóe mắt của chúng ta hiện rõ những nụ cười. Cười trên khóe mắt, cười trên làn môi mà tươi trẻ trên khuôn mặt sức sống đầy Nội lực và Định lực yêu thương tràn ngập trong cuộc đời.

Hãy sống trong yêu thương, hãy sống thực sự trong yêu thương! Chúng ta muốn có yêu thương được gieo trồng vào cuộc đời thì hãy trở về thực tập hơi thở Chánh Niệm, sống trong Chánh Niệm.

Chùa Xá Lợi và Bảo Thành luôn sách tấn bản thân và khuyến khích tất cả các Phật tử, quý Thiện hữu đồng tu hãy cố gắng sống trong Chánh Niệm. Bốn chữ này cần phải Tâm niệm ở trong lòng, Tâm niệm ở trong đầu: “Sống trong Chánh Niệm”. Sống trong Chánh Niệm để có được Định lực, Trí lực và Tâm lực, Niệm lực và Nguyện lực để chúng ta tổng hợp những cái lực thanh tịnh đó chuyển hóa cuộc đời, sống an vui và hạnh phúc. Bất cứ chúng sanh nào cũng muốn sống hạnh phúc mà để sống được hạnh phúc hay sống trong đau khổ đó là do chính ta, ta làm chủ được điều đó. Đức Phật, Bậc Thầy đã dạy cho chúng ta làm chủ được cuộc sống hạnh phúc để không lệ thuộc vào và không bị kéo chìm vào những cơn giận hờn gây ra đau khổ sầu bi, già nua, xấu xí. Giận hờn là xấu lắm, yêu thương là thanh cao và đẹp đẽ.

Hãy chọn sự yêu thương để có được cái đẹp trong sự thanh cao, đừng đâm đầu vào giận hờn để xấu xí và già nua. Ngay trong cuộc đời này thôi, không phải đợi đến kiếp sau. Nếu các bạn chọn yêu thương là chân lý để sống, các bạn sẽ trẻ, sẽ đẹp, sẽ khỏe và các bạn sẽ sống tươi vui nhưng nếu các bạn đã lầm đường chọn hạt giống giận hờn để sống, chọn chân lý giận hờn để sống thì các bạn nhìn vô gương các bạn sẽ thấy già đi, trên trán của các bạn toàn là những nét sầu bi chằng chịt, trên khóe mắt sẽ có dấu chân chim, thâm quầng của sự khổ não, sầu bi, ai oán.

Các bạn à! Ta có lựa chọn, sống phải cho đẹp từ tâm hồn cho đến thể chất lẫn tinh thần và khuôn mặt của chúng ta cần phải thể hiện được cái nét thanh cao từ trong tâm. “Tướng do tâm sanh”, không cần biết sinh ra dưới mọi hình thức của tướng hảo như thế nào, nếu các bạn có một Tâm Thanh Tịnh, tướng của các bạn sẽ được đẹp ra mỗi ngày. Ai tu cái Pháp Thanh Tịnh bằng cách gieo mầm yêu thương, người đó sẽ trẻ trung mãi, nhớ đừng giận nhau.

Ai biết kiềm cơn giận như người điều khiển xe biết thắng khi lao dốc không gây ra tai nạn thì sẽ an toàn và có thể kinh hành trên mọi nẻo đường của cuộc đời, chỗ nào tới cũng được, chỗ nào đi cũng được bởi là tài xế giỏi. Chúng ta biết kiềm được cơn giận của mình thì bất cứ một cảnh sống nào chúng ta cũng có thể tới với an vui, bất cứ một nơi nào, một con người nào chúng ta cũng có thể tới và tiếp cận nhưng chúng ta luôn an vui và hạnh phúc.

Các bạn thân mến! Hãy sống với tinh thần đó, hãy sống và gieo mầm yêu thương nha các bạn!

Đây là buổi chia sẻ Pháp thoại trong ngày chủ nhật sinh hoạt của Chùa Xá Lợi để gửi một thông điệp tới và nhắc nhở chính bản thân của Bảo Thành và các bạn rằng: “Chúng ta hãy gieo mầm yêu thương và đừng gieo mầm của hạt giống giận hờn. Chúng ta hãy sống trong Chánh Niệm và đừng giận nhau nữa”.

Nhìn lại thử xem các bạn còn giận ai không? Còn ai đó các bạn đang giận không?

Giận xấu lắm, giận không tốt đâu, giận sẽ mau già và giận sẽ mang bệnh vào thân. Giận là già nua xấu xí, giận là mau chết.

Đừng có giận nữa!

Các bạn kiểm tra lại trong cuộc đời của mình hiện tại nhớ rằng Bảo Thành nói đừng giận nhau, đừng giận nữa. Đừng giận để trẻ đẹp, để được yêu, đừng giận để được thương, đừng giận để sống bình an giữa muôn người.

Đừng giận nhau nha các bạn!

Hãy tha thứ và đừng giận nhau nữa, hãy sống trong yêu thương, đừng gieo mầm giận hờn vào cuộc đời, hãy gieo mầm yêu thương!

Các bạn nhìn lại và nói với bản thân của mình rằng: “Tôi sẽ không còn giận ai nữa và hãy tự nhắc nhở đừng giận nhau nữa, hãy yêu thương nhau.”                                                                                                       

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts