Search

Bảo Đức đánh máy

Chúng ta đồng nguyện Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi, năng lượng yêu thương tới mọi lời chúng sanh.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

Nam Mô SaKa PuốtTê, Nam Mô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào đại chúng, kính chào quý Phật tử, kính chào các bạn. Chúng ta hôm nay gặp gỡ nhau ở trên Facebook livestream Chùa Xá Lợi để chia sẻ về lời giáo lý Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta, ngõ hầu sách tấn lẫn nhau trên con đường tìm cầu Đạo Giác Ngộ.

(14:14) Các bạn thân mến, Kinh Pháp Hoa có nói:

Tâm như họa sĩ
Vẽ muôn màu muôn sắc

Trong cuộc sống này, cái tâm của chúng ta như một họa sĩ, nó tự vẽ lên muôn sắc tướng ở đời, lầm chấp vô cùng, khó có thể thoát được. Tại sao gọi là tâm như họa sĩ? Chúng ta thấy người họa sĩ khi họ pha màu, từ những màu bình thường nhất, từ ba màu chính, họ có thể pha ra hằng hà sa số những màu sắc khác biệt. Các bạn có biết rằng có bao nhiêu màu sắc mà các bạn nhìn thấy không? Hằng hà sa số màu sắc. Cái tâm của các bạn cũng như họa sĩ, cũng pha trộn lẫn lộn từ ba màu sắc chính. Trong hiện tại, khi chúng ta đi mua màu thì thật nhiều màu sắc khác nhau, chúng ta đi mua sơn thì biết bao nhiêu những màu ngoài kia, ta có thể mua được để sơn những màu ta thích. Nghĩa là khi ta thích màu nào thì ta lựa màu đó, mỗi người một màu, tâm của chúng ta không riêng biệt một màu mà tâm của ta như họa sĩ để vẽ muôn màu sắc tướng trong cuộc đời.

Từ ba màu chính: màu thứ nhất là màu đỏ, màu thứ hai là màu xanh dương, màu thứ ba là màu vàng. Từ ba màu chính này, đỏ, xanh dương và vàng, người ta có thể pha trộn với liều lượng khác biệt để tạo ra màu đen, màu trắng, màu hồng, đủ thứ màu, 07 màu cầu vồng, màu sắc nào cũng xuất khởi từ ba màu chính đỏ, xanh dương và vàng.

Tâm chúng ta cũng lấy ba màu đó để trộn lẫn tạo thành hằng hà sa những màu sắc. Ba màu chính mà tâm của chúng ta lấy để pha trộn đó là màu của Tham − Sân − Si, đây là ba màu chuẩn nhất mà Đức Phật đã tìm thấy. Người đã nhìn ra chúng sanh đã lăn lộn trong bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đời, cứ lần mò mãi rồi tìm ở trong những màu sắc mà lẫn lộn giữa ba màu Tham − Sân − Si để cuối cùng khi đã pha trộn vào với nhau rồi, chúng ta không thể nào tìm lại cái màu chính của nó, màu gốc của nó. Cái gốc của Tham − Sân − Si pha trộn hằng hà sa số màu, câu Kinh nói:

“Tâm như họa sĩ vẽ muôn màu muôn sắc, cảnh ngũ ấm ở thế gian này không có cái sắc nào mà nó không tạo” có nghĩa là không có chuyện gì mà nó không nghĩ tới, không có một cảnh giới nào mà nó không tự tạo ra.

Nay chúng ta cùng với nhau đi về những cái căn bản trong đời sống. Các bạn thấy phiền não được pha trộn từ đâu? Để màu sắc phiền não hiện ra, nó cũng pha trộn từ ba màu Tham − Sân − Si. Phiền não là do Tham − Sân − Si trộn lẫn mà ra, đau khổ cũng do Tham − Sân − Si, ba màu này mà tâm tham dục của loài người, tâm ham muốn của chúng ta trộn lẫn vào với nhau, trộn lẫn theo ý thức, trộn lẫn theo điều ta mong muốn. Chính vì ta thích và ta mong muốn nên ta không bao giờ khước từ nó, khi ta trộn ra được cái màu sắc ta ưa, ta thích, ta muốn thì lòng tham của chúng ta càng tăng, từ đó bao nhiêu phiền não cứ từ từ kéo tới. Khi Đức Phật nói tâm như họa sĩ, nếu tâm của các bạn và Bảo Thành như họa sĩ chỉ ngồi đó tưởng tượng lên những cảnh này, cảnh kia rồi pha trộn trong Tham − Sân − Si, ba màu này để tìm ra điều mình thích thú thì quả là ta đang sống trong bong bóng nước trôi nổi trên bờ hè, nó sẽ nổ tung trong giây lát.

Tại sao chúng ta phải uổng phí cuộc đời của mình trong những sự hão huyền mơ mộng như vậy? Chúng ta bị như vậy là vì chúng ta có cái tâm họa sĩ, có cái tâm phiếm họa. Chúng ta cứ thích vẽ vời rồi trải qua chiều dài thời gian lịch sử của tôn giáo, ngày hôm nay chính trong Phật giáo của chúng ta mới có 2644 năm, thế nhưng biết bao nhiêu truyền thống văn hóa Phật giáo được sáng tác, chế tạo ra sau khi Đức Phật viên tịch. Và sau khi Đức Phật ra đi chúng ta thấy Phật giáo ngày nay trộn lẫn với sắc tướng của Tham − Sân − Si, ai có phước duyên lắm mới có thể thấy được ba màu chính Tham − Sân − Si, để rồi thấy từ ba màu chính Tham − Sân − Si đó có thể hòa trộn tạo muôn màu sắc tướng của thế gian, cuối cùng ta lại đắm chìm trong cái màu sắc mà chính mình pha trộn nên. Do đó, các bạn khi nhìn rõ được như vậy bởi lời khai thị của Phật, ta sẽ không bao giờ cho phép cái tâm họa sĩ của mình chạm vào ba màu Tham − Sân − Si để hòa trộn với nhau tạo nên sắc tướng hư ảo và nhốt chúng ta vào trong đó đời đời.

Các bạn! Để giải thoát cuộc đời này khỏi phiền não chúng ta phải nhìn rõ cội nguồn của Tham − Sân − Si là ba màu sắc gây ra phiền não. Đức Thế Tôn dạy nếu chúng ta muốn tìm cầu hạnh phúc và sự an lạc thì mỗi người chúng ta phải nhìn rõ vào trong những cái khổ mà ta tạo tác hàng ngày. Cái khổ đó đã đụng vào Tham − Sân − Si, cái khổ đó đã chạm vào màu Tham, màu Sân, màu Si, trộn lẫn với nhau trong bao nhiêu kiếp để gây ra bao nhiêu màu sắc đau khổ, phiền não cho ta và kiềm hãm ta đi tới sự an lạc mà Đức Phật đã hứa. Nếu các bạn không đau khổ thì không nói tới phiền não nhưng chắc chắn, mỗi chúng ta đều đang phiền não bởi những cái nguyên nhân đau khổ kia. Ai đã là kiếp con người mà không có phiền não? Ai đã làm người sống trên đời này mà không có phiền não? Phiền não luôn hiện diện trong cuộc đời, người ta sợ hãi phiền não, người ta sợ hãi những cái khổ nhưng các bạn phải nhớ rằng, chính Đức Thế Tôn chẳng sợ phiền não và đau khổ bởi khi nhìn thấy đau khổ, Ngài muốn nhìn cho rõ hơn, nhìn cho tận tường, nhìn cho ra cái gốc rễ gây ra cái khổ đó để nó tạo thành phiền não. Thấy phiền não, Ngài nhìn ra nguyên nhân của phiền não là khổ, thấy khổ Ngài nhìn sâu vào cái khổ để hiểu tận cùng cái gốc khổ đó để rồi không chạm vào nó như người họa sĩ chạm vào ba màu đỏ, xanh dương, vàng pha trộn lẫn lộn thành hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn những màu sắc khác biệt, vẽ lên một hình đa sắc, đa màu. Chúng ta bị lầm lẫn và bị nhốt vào trong sắc tướng của trần gian.

Tôn giáo ngày nay, ngay cả Phật giáo được pha trộn vào biết bao nhiêu những tín ngưỡng dân gian, niềm tin của từng con người qua từng thời đại. Do đó, ai không có nhân duyên dễ bị lẩn quẩn trong sắc tướng của Phật giáo và các bạn nhớ: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Tất cả những sắc tướng đó chỉ là Không, các bạn theo cái Không đó, hư ảo đó thì làm sao giải thoát. Phải hiểu rõ được từ ba màu này mà có màu đen, màu trắng, màu hồng rồi các màu khác biệt.

Các bạn nhớ, từ ba màu chính đó thôi thì Đức Phật đã là người nhìn thấy trong hằng hà sa những sắc tướng của con người tạo ra cũng được pha trộn bởi ba màu sắc chính Tham − Sân − Si. Quy về ba màu đó, Ngài nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng: “Các con đừng bao giờ chạm tay vào ba màu Tham − Sân − Si. Nếu các con chạm vào và pha trộn vào thì các con sẽ bị đắm chìm trong những màu sắc huyễn hoặc của Tham − Sân − Si”. Trên đời này ai không tham, ai không sân, ai không si? Nhưng chúng ta Tham − Sân − Si tạo ra hằng hà những tội lỗi, nghiệp chướng rồi từ đó ta không nhận biết nó là từ Tham − Sân − Si, ta chỉ đổ thừa cho những nguyên nhân bên ngoài tác động chứ ta không hiểu rõ đó là do cái lòng Tham − Sân − Si của ta. Đụng chuyện gì ta đổ thừa, đi ra đường nếu ta vấp vào cục đá ta té xuống, ta đổ thừa cho cái người nào đó đã cố tình quăng cục đá trước mặt ta để ta vấp vào ta té. Té đau chân, té trầy da, té gãy chân, khổ nhưng ta không chấp nhận lỗi là do ta không chịu chú tâm nhìn trên con đường ta đi để rồi khi vấp té, ta đổ thừa cho ai đó quăng cục đá ở đó. Con người thích đổ thừa. Người họa sĩ pha màu xong nhiều màu sắc rồi bị những màu sắc ẩn dụ đó, tàng ở trong ba màu chính kia hấp dẫn quá và càng trộn, càng trộn, càng ra nhiều màu. Chúng ta cũng vậy, khi đổ thừa, không nhận rõ cái gốc là Tham − Sân − Si, ta cứ pha trộn, ta cứ lẫn lộn trong đó và cuối cùng ta bị màu sắc pha trộn của Tham − Sân − Si đẩy lùi chúng ta vào Vô Minh đen tối và đau khổ. “Tâm như họa sĩ vẽ muôn màu muôn sắc”, tâm của chúng ta không thể trở thành một họa sĩ để vẽ lên những sắc tướng, những màu sắc của khổ. Khổ sẽ không tốt cho chúng ta, khổ gây ra bệnh của thân, của tâm, khổ sẽ kìm hãm chúng ta và cái khổ đó gây ra phiền não và sẽ đày đọa chúng ta trong Địa Ngục của Tâm thức họa sĩ. Từ đó nói cho nhẹ một chút, chúng ta sống ở đời cứ để cái tâm vẽ vời hoài, trắng thì nói đen, đen thì nói đỏ, lật ngược lật xuôi. Cái Tâm họa sĩ của chúng ta vẽ vời quá nhiều, vẽ rồng vẽ rắn, cái gì cũng vẽ được, cái gì cũng tưởng tượng ra được, cái gì cũng nói được. Chúng ta không biết gút cái tâm của mình trở về với sự tịch tĩnh, chúng ta không biết nhiếp tâm của mình trở lại để trụ nó, cứ để cái tâm nó lăng quăng như con lăng quăng trong ba màu Tham − Sân − Si trộn lẫn với nhau rồi cuối cùng bị cái rừng màu sắc của Tham − Sân − Si cột chặt trong Tâm thức đau khổ vô cùng.

Các bạn! Tại sao chúng ta cứ phải làm như vậy? Là bởi vì chúng ta chưa được chỉ, chưa được hướng dẫn, chưa được khai thị. Chúng ta như những đứa trẻ thơ mới lớn và ta cứ nghịch mãi trong ba màu Tham − Sân − Si pha trộn, chúng ta hãy trưởng thành đi, tuổi đời đã qua, ta cần phải trưởng thành trong Pháp nhiệm mầu của Phật. Chúng ta đừng nghịch nữa, các bạn đừng nghịch trong ba màu Tham − Sân − Si nữa, chúng ta hãy tạm dừng, chúng ta hãy bước xa, tránh xa và quay lưng lại với Tham − Sân − Si để nhìn rõ một màu duy nhất đó là màu sắc của sự thanh tịnh nơi Chân Tâm của chúng ta.

Nếu các bạn có tâm họa sĩ, không rời xa Tham − Sân − Si thì năm cái thức của các bạn sẽ trở thành năm con ma ngủ ngầm trong tâm. Ý căn của chúng ta trở thành ma, tâm ma. Nhãn căn của chúng ta sẽ trở thành mắt của con ma, tai sẽ trở thành tai của con ma, chúng ta thấy mũi miệng và thân của ta sẽ trở thành con ma và ma ngũ ấm sẽ tàng hình, ẩn núp, sẽ giết chết cuộc đời của ta bởi chúng chỉ là những họa sĩ vẽ những màu sắc của Tham − Sân − Si một cách vô trật tự. Hãy để tâm của mình trở về với cội nguồn, hãy thực tập giáo pháp của Như Lai, hãy trở về đi các bạn. Hãy trở về, chúng ta cùng nhau trở về để nhìn rõ cái khổ. Chúng ta không sợ khổ các bạn ơi. Phật không sợ khổ, khi thấy khổ, Ngài tiếp xúc với cái khổ, Ngài nhìn cái khổ, Ngài phân tích cái khổ, Ngài truy ra cái gốc tạo ra khổ để thấy được cái nhân tạo ra khổ, Ngài dừng gieo cái nhân đó nên Ngài hết khổ. Chúng ta thấy khổ chúng ta chạy. Khổ nó như cái xe, ta kéo theo nó bởi vì thấy khổ ta chạy, ta vẫn tạo khổ, tại sao? Ta không hiểu được nguyên nhân của cái khổ, cái nhân khổ để dừng cho nên thấy khổ ta xoay lưng, ta chạy trốn nhưng ta vẫn lại pha trộn cái khổ đó lại từ Tham − Sân − Si nên khổ cứ chồng chất hoài ở đằng sau cái xe. Ta chỉ trở thành con lừa kéo cái xe khổ đó suốt từ đời này qua đời sau. Ta phải cắt lìa khỏi sợi dây ràng buộc ta giữa cái xe khổ đó cột vào cuộc đời, sợi dây đó là gì? Là sợi dây Tham − Sân − Si, nói có thể nghe dễ nhưng thực hành còn dễ hơn.

Các bạn hỏi: “Trời, tại sao thực hành lại dễ hơn?”, bởi vì chúng ta có nhân duyên nghe được sự khai thị của Phật, sự hướng dẫn của Phật, chúng ta thực hành cũng dễ lắm. Phật là Bậc Giác Ngộ, Ngài dạy cho chúng ta những Pháp môn tu tập để thoát khỏi khổ. Pháp môn của Bậc Đại Giác dạy thật đơn giản, thấy khổ nhìn khổ, nhìn cho rõ, thấy nguyên nhân của nó nhưng nhìn bằng phương pháp nào mới thấy được cái nhân của khổ? Phật nói: “Nhìn bằng Tánh Biết trong hơi thở Chánh Niệm”.

Nghe cầu kỳ nhưng dễ ợt à!

Chúng ta chỉ hít vào, thở ra, chúng ta dùng Tánh Biết, chúng ta nuôi dưỡng cái Tánh Biết đó trong hơi thở vào, ra và khi ta bị khổ, ta hít vào, thở ra dùng Tánh Biết đó nhìn cái khổ đó, chúng ta thấy coi cái khổ đó tới từ đâu, từ sự va chạm giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, công việc, hàng xóm, những chuyện bất như ý hay chuyện ở chợ, ở đời, ở nhà bếp, chuyện này chuyện kia, chuyện tiền, chuyện tài, danh vọng, địa vị, chuyện con cái, chuyện hàng xóm, chúng ta phải nhìn cho ra được cái khổ đó tới từ đâu. Ví dụ: “Ta đau bụng thì bác sĩ phải khám, ta đau bụng là do ăn vào đồ ăn cũ hay đồ ăn đó làm sao? hay đau bụng vì đau bao tử hay đau bụng vì ăn uống, sự đảo lộn của bao tử để cần kê thuốc cho phù hợp”. Chúng ta là một vị bác sĩ, bác sĩ tâm thần và cũng là bác sĩ tâm lý của chính ta. Ta phải nhìn ra cái tâm thần phiền não của chính ta, ta phải nhìn ra cái tâm lý trầm cảm, bất ổn của ta do nguyên nhân của cái khổ nó tới từ đâu để chúng ta chấm dứt. Nếu chúng ta biết ăn món đó đau bụng thì chúng ta đừng ăn sẽ hết đau bụng, nếu chúng ta thấy cái khổ tới thì chúng ta ngừng sẽ hết khổ.

Có một Phật tử gửi cho Bảo Thành nói: “Thưa Thầy! tại sao những người anh, chị, em của chúng con, họ làm sai, họ chửi, họ khổ, con không thấy khổ mấy nhưng người ngoài họ chửi, họ làm sai con lại thấy khổ?”. Đó là bởi vì các bạn chấp, các bạn thấy khổ của người ta các bạn khổ là các bạn chấp, chấp cái gì? Chấp vào cái nhìn của cái lòng không biết bao dung. Ta khổ, các bạn khổ nhưng các bạn nhìn thấy khổ, hiểu họ khổ là gì, các bạn mang lòng Từ Bi ra đối đãi với họ, hết khổ. Ví dụ: “Trên đường đi gặp một người ăn xin khố rách, áo ôm, đói bụng lăn trên lề đường cần một ổ bánh mỳ, ta thấy họ khổ, ta khổ rồi ta về, ta càng khổ nhưng nếu ta thấy họ đói bụng, ta cúng dường cho họ hoặc bố thí cho họ hoặc tặng cho họ một ổ bánh mỳ, họ ăn vào, họ no ta sẽ có hạnh phúc. Nhìn thấy khổ trong cuộc đời mà truy ra được cái khổ của họ để rồi từ đó bố thí, từ đó có những hành động Thiện trợ lực, giúp đỡ họ một cách rõ ràng, hữu dụng, tuy rất nhỏ thì ta sẽ có được hạnh phúc. Cho nên, thấy khổ, hiểu được họ khổ, giúp đỡ họ vượt qua khổ, ta sẽ có hạnh phúc. Cho nên, khi các bạn thấy ai đó khổ, ta đừng xen vào chuyện của người ta bằng cách đi vào ngay mà chúng ta phải tịch tĩnh cái tâm quán chiếu rõ ràng để tìm ra cái nguyên nhân khổ của họ từ đó khởi tâm Từ Bi, bố thí hỗ trợ họ. Nếu thân ta không làm được thì kêu gọi sự hỗ trợ cho người đó để chuyển hóa cái khổ của người thì ta sẽ hết khổ.

Chính ta cũng vậy mà thôi, nếu chúng ta thấy khổ vì chồng cứ chửi hoài thì chúng ta phải truy ra cái gốc của nó là gì? Là vì chính ta không khéo ăn, không khéo nói, không khéo giao tế hay cái chuyện gì đó nhìn rõ, chúng ta ngừng, chúng ta sửa thì chồng sẽ vui thì có phải chăng chính cái khổ của ta, ta nhìn rõ, ta biết được nguyên nhân nó đến từ đâu, của ta, ta sửa, của người, mình sách tấn người sửa, hai người cùng sửa, niềm vui sẽ tới. Đừng miên man tới những hình ảnh cao siêu quá, chúng ta khó thành tựu, hãy nhìn vào cái khổ đang lẩn quẩn trong cuộc đời ở gia đình của ta. Trong gia đình nhỏ bé có vợ chồng và các con, ta thấy cái gì là phiền não, ta thấy cái gì gây ra khổ, ta cố gắng nhìn cho rõ để sửa, chúng ta sẽ hết khổ.

Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có sự liên đới với anh, chị, em. Chuyện gì của anh, chị, em gây khổ cho ta, ta truy cứu ra phần đó thuộc về người hay về ta, nếu về ta, thấy họ tương tác như vậy gây ra khổ cho ta vì ta chấp, vì ta pha trộn ba màu Tham − Sân − Si. Tham theo cái yêu cầu, tham theo cái ý kiến, tham theo sự làm chủ của ta muốn mọi người theo, chấp bám vào đó nên sân lên, si lên thế là ta khổ. Nhìn rõ ta gỡ, khúc mắc ở đâu ta gỡ ở đó, hết khổ ngay.                                                                               

Tâm như họa sĩ
Vẽ muôn màu muôn sắc
Cảnh ngũ ấm thế gian
Không sắc nào không tạo.

Chúng ta nhớ rằng: “Đã là họa sĩ đừng chỉ là họa sĩ pha màu mà thôi”, nếu đã muốn làm họa sĩ thì đừng pha trộn màu biến ảo tạo ra màu rồi không theo kịp mà phải trở thành một họa sĩ chuyên môn biết pha ba màu sắc của Vô Tham, Vô Sân, Vô Si với ba ý tưởng của Phật − Pháp − Tăng để tạo thành một màu Tâm Kim Cang trong suốt, nhìn rõ mọi hiện tượng trong cuộc đời để thấy được khổ, chuyển khổ thành hạnh phúc.

Hôm nay, Bảo Thành muốn gợi ý với tất cả các bạn, các Phật tử để chúng ta có được một vài ngày lắng đọng trong cái tâm rằng: “Khổ tới từ Tham − Sân − Si”. Chính vì cái tâm của chúng ta quá thơ ngây, quá trẻ thơ, chúng ta không nói rằng: “Ngu si, dốt nát hoặc khờ khạo”,  chỉ nói rằng ta vẫn còn trẻ lắm, ta vẫn còn thơ, còn nhỏ lắm nên ta vẫn nghịch ngợm với ba màu của Tham − Sân − Si để tạo ra hằng hà sa số sắc tướng đau khổ. Nay ta học hỏi từ giáo pháp của Phật, ta đã lớn rồi, ta đã trưởng thành rồi, ta đã khôn ngoan rồi. Ta biết Phật dạy ba màu Tham − Sân − Si đó, ta không thể như trẻ thơ để cứ sờ vào pha trộn với nhau nữa, ta đã khôn rồi. Ta lấy ba màu chuẩn mực hơn, ba màu đó là Vô Tham, Vô Sân, Vô Si pha trộn bằng ba ý tưởng của họa sĩ Phật − Pháp − Tăng tạo thành màu sắc Kim Cang trong suốt nhìn rõ mọi cái khổ trong đời của ta để chuyển hóa tạo thành niềm vui, hạnh phúc ngay trong bây giờ, ngay trong đời sống này.

Các bạn thân mến! Chắc chắn các bạn sẽ có được hạnh phúc nếu các bạn cứ đọc thầm:  

Tâm như họa sĩVẽ muôn màu muôn sắc

Và rồi các bạn nhắc nhở: “Ta đã lớn khôn rồi chẳng nghịch sắc tướng kia”, các bạn nhớ vậy. Lớn khôn rồi không nghịch nữa, không nghịch Tham − Sân − Si nữa mà ta sẽ trở thành họa sĩ chuyên môn hơn, giỏi hơn, họa sĩ nổi tiếng hơn bằng cách pha trộn ba màu Vô Tham, Vô Sân, Vô Si để lấy cái ý tưởng từ Phật − Pháp − Tăng vẽ lên hình hài của Tâm Kim Cang trong suốt không vẩn đục để nhìn rõ nguyên nhân của khổ ta tạo ra, người tạo ra để chuyển ta và chuyển người, cho tâm của ta, tâm của người được tịch tĩnh, an vui.

 Đó là sự gợi ý hôm nay, đó là sự chia sẻ hôm nay. Bảo Thành hy vọng các bạn, đại chúng, quý Phật tử chúng ta có một ý tưởng nhớ rõ rằng: Tâm như họa sĩ”. Tâm họa sĩ đó bởi ta còn trẻ, còn thơ, còn nhỏ, còn thích hay nghịch nhưng nay ta đã lớn, ta không nghịch nữa, ta không mần mò trong Tham − Sân − Si, ba màu sắc đó để nghịch nữa. Ta muốn trưởng thành, ta muốn trở thành nhà họa sĩ tài tình, giỏi hơn bởi được Đức Thầy là Phật Tổ dạy pha trộn màu nhưng không phải Tham − Sân − Si mà là ba màu của Vô Tham, Vô Sân, Vô Si theo ý tưởng của Phật − Pháp − Tăng để thành màu Kim Cang trong suốt.

Hy vọng và luôn cầu nguyện rằng các bạn sẽ trở thành người lớn, người có kiến thức thoát khỏi tuổi thơ tinh nghịch trong ba màu Tham − Sân − Si để biết vẽ lên cuộc đời màu sắc của Kim Cang trong ba màu chuẩn mực mà Đức Phật trao cho chúng ta đó là Vô Tham, Vô Sân, Vô Si để đại chúng và Phật tử cùng với Bảo Thành sẽ trưởng thành để sống đúng với hàm vị của mình, phẩm vị của mình, danh dự của mình, danh phẩm của mình để không còn đau khổ nữa.

Cám ơn quý Phật tử, cám ơn các bạn, cám ơn đại chúng đã lắng nghe Bảo Thành!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts