Search
Về đi về với chân tâm 
Đường đời lao khổ bao năm trải dài 
Về trong hơi thở cuối ngày 
Chân như một niệm toả đầy an nhiên

Chúng ta gặp nhau để chia sẻ về Phật pháp với cái hoàn cảnh hiện tại mà ai ai cũng khó đi lại. Đặc biệt những người ở bên Mỹ hiện tại lại ra luật cấm rồi, các tiểu bang có luật mới đi đứng khó khăn cũng chỉ vì sự sợ hãi. Và thực sự cơn dịch vẫn còn đây đó làm cho cuộc sống bị xáo trộn, sợ hãi. Bảo Thành còn nhớ vào đầu năm vừa rồi Bảo Thành đang ở chùa Xá Lợi tại tiểu bang Minnesota, lúc đó đại dịch bắt đầu hoành hành. Và có nhiều chuyện rắc rối tại tiểu bang đó nhưng không thể trở về nơi đây Tổ đình chùa Xá Lợi và kẹt ở bên đó tới 7 tháng trời mới có cơ hội trở về Tổ đình như ngôi nhà tâm linh của mình. Lòng hoan hỷ vô cùng bởi như người con đi xa cứ ao ước trở về mà hoàn cảnh không thể trở về. Đến khi vào ngày 28 tháng 7 vừa rồi người ta mở cái chuyến bay và Bảo Thành đã lên máy bay đó và trở về. Khi đặt chân tới cái cổng chùa, trong lòng biết bao nhiêu niềm vui nó dâng trào, sự cảm nhận của mình như có thánh chúng Di Đà, như có chư Phật gần gũi, có Long Thần Hộ Pháp kề cận, tiếp bước mình trở về nơi Tổ đình. Nơi mà gần 20 năm rồi, đã tới đây từ thuở hoang vắng, sơ xài nhưng cái cảm giác được về nhà nó hạnh phúc vô cùng. Ai trong chúng ta cũng có nhiều lúc phải đi xa nhà của mình vì công việc hoặc vì một chuyến đi chơi hoặc một chuyện gì đó. Khi trở về cái tâm trạng của chúng ta vui lắm, vừa hồi hộp có xen lẫn sự lo lắng, tràn ngập sự trông đợi, trái tim đập thình thịch và rồi khi về tới ta hạnh phúc. Bởi ngôi nhà đó ta đã thấy được mẹ, thấy được cha, bởi ngôi nhà đó ta thấy được vợ, được chồng, được con và được các anh em, chị em chúng ta. Hạnh phúc vô cùng, trong câu kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:

Như người đi xa trở về nhà

Bà con cô bác xóm giềng đợi trông

Cha mẹ, bà con cô bác, mọi người đợi do mình đi xa mà. Thì người tu như chúng ta thực sự mà tu đúng để trở về cái nhà của mình, ngôi nhà tâm linh, đưa tâm về nhà thì Bồ Tá, thánh chúng Di Đà, mười phương chư Phật, Thánh Hiền đều trông chờ đưa chúng ta vào y như bà con cô bác đợi khi ta đi xa trở về. Chỉ có người nào đó đã từng đi xa trở về có cái tâm trạng đó sẽ thấy được cuộc đời có ý nghĩa. Không đâu ở xa mà có thể bằng chốn quê nhà, bằng nơi cha mẹ sinh ra ta, bằng nơi có cả gia đình, anh chị em. Nơi đó có người thân, mái nhà của cha mẹ hay mái nhà của chúng ta đều có những người yêu thương trong cuộc đời. Không nơi đâu bằng nhà của mình, về nhà, về đi. Mà đúng, ở trên cuộc đời có biết bao nhiêu những cái lá thư gửi tới cho những người con phương xa viễn xứ, xa quê vì hoàn cảnh. Người mẹ thương yêu của chúng ta vẫn nhắn nhủ về đi, về đi con. Bảo Thành trải nghiệm trong cuộc sống bởi vì phận đời phải đi xa quê hương, thuở đó mẹ còn sống mẹ thật là khéo, luôn viết những cái lá thư để khích lệ tinh thần của những người con. Và đặc biệt là Bảo Thành cố gắng mà học. đừng vì hoàn cảnh nào mà bỏ học, cố gắng để trở thành người tốt. Đừng vì hoàn cảnh nào mà sa đà, té bước vào những con đường tội lỗi trong xã hội. Lá thư nào mẹ viết cũng thật là dài nhưng câu kết vẫn là lời nhắn nhủ nhớ về nhà nha con khi có cơ hội. “Về nhà nha con khi có cơ hội”, câu đó nó vẫn văng vẳng trong tâm thức thế vậy mà khi Bảo Thành có cơ hội về nhà thì mẹ đã ra đi vĩnh viễn không còn trên dương thế để mình có thể sà vào lòng mẹ ôm mẹ, thương mẹ, kêu hai tiếng “mẹ ơi” với ánh mắt nhìn vào gương mặt của mẹ. Ngày nay trở về quê hương, ra ngoài nghĩa trang nơi mẹ nằm nghỉ vẫn gọi “mẹ ơi” nhưng không nhìn được vào trong mắt của mẹ mà nhận thấy trên gò má có nhiều giọt lệ lăn tăn rơi xuống nóng hổi của thời gian. Mà trên nửa cuộc đời bôn ba xứ người chẳng thể gặp mẹ trong lúc lâm chung.

Các bạn, những người xa nhà có cảm giác đó, chúng ta đưa cái cảm giác đó vào cái hiện thực trong cuộc đời trên dương thế để đi theo lời Đức Phật dạy. Đức Phật của chúng ta, Đức Thầy Bổn Sư Thích Ca khi còn là thái tử nhận diện cả cái miền đất xa quê hương của cái cõi giới tâm linh, bị đày đọa trong bốn đường sanh lão bệnh tử, khổ đau muôn trùng mà mịt mờ tăm tối chẳng thể đi về. Chúng sanh nhiều đời và ngay cả thái tử Tất Đạt Đa lúc đó cũng đều đã lăn trôi quá nhiều, làm mất bản tâm, chẳng thấy đường về, lang thang khắp cõi, trầm luân vô kể, đau quá, khổ quá. Để rồi cái chí xuất gia của ngài quá lớn để đi tìm một con đường để trở về. Sau nhiều năm tu tập, dưới cội Bồ Đề ngài đã vén màn vô minh nhìn thấy được con đường trở về nhà và từ đó ngài đưa tâm về nhà và ngài nhận thức cái sự mù mịt, tăm tối cản trở ta về nhà chính là vô minh. Vô minh là không hiểu biết, không thấy, không thấu rõ được Nhân Quả. Khi ngài nhìn thấy như vậy và ngài nhận định rằng ngài đã về tới và ngài tuyên bố như một lời tuyên ngôn độc lập cho tất cả mọi chúng sanh không còn bị kềm hãm trong tăm tối, đau khổ của vô minh, là chúng sanh sẽ về được tới nhà. Các bạn, chúng ta sẽ về được tới nhà, nhưng làm sao để về? Đưa tâm về nhà là một cái đề mục, một cái chủ đề nói về ngày hôm nay. Ta là con người còn lang thang dữ lắm, ở khắp phương trời, ở khắp mọi nơi lo cho cơm ăn áo mặc. Lo cho gia đình nhỏ của vợ chồng, con cái, lo cho cái hạnh phúc hiện tiền ta mơ ước, lo cho cha mẹ, lo cho những người thân, lo cho tự thân của chúng ta. Lo lắng quá rồi cứ lúng túng chẳng biết đâu là chốn quê nhà, chẳng biết đâu là đường về nhà.

Thuở đầu những năm 90 tới khoảng chừng năm 2000 có một bài hát ở hải ngoại, họ sáng tác nghe lúc đó rộn ràng nhưng đau khổ đó là bài “anh đã lầm”. Bảo Thành không biết hát nhưng mượn chữ ta đã lầm. Đức Phật nói chúng ta và chúng sanh đã lầm, lầm trong vô minh, lầm trong vọng tưởng. Thấy vọng tưởng của vô minh tưởng là thật và cứ phóng mình đeo đuổi mãi, phóng như con ngựa hoang chưa một lần được thuần phục. Mà trí nhớ tồi đến mức không thể nhận ra được đường đi và cũng chẳng nhớ được đường về, cứ phóng mãi lao thân vào trong vô minh vọng tưởng, tất cả những cái vọng đó kéo dần chúng ta đi để rồi chúng ta lầm, ta đã lầm. Ta đã lầm cõi đó trong vọng đó là nhà, là quê để rồi ta đã gạt bàn tay của người cha lầm lũi chạy vào cuộc đời như đưa con cùng tử. Đứa con cùng tử đó nó đã tuột bàn tay của người cha từ thuở rất thơ, rất trẻ, lạc vào cuộc đời bôn ba, trở thành người ăn xin nghèo khổ vô cùng. Chúng ta đã buông tay của người cha lành là Đức Phật, chúng ta là những người con cùng tử chạy trốn cha của mình, rời xa ngôi nhà chân tâm. Để rượt đuổi những ảo vọng của cuộc đời để khi bị té xuống đau đớn vô cùng. Nhưng rất may ngay chỗ ta té, ngước mắt nhìn lên Phật vẫn đứng đó nói thật là nhẹ “con ơi, hãy đứng dậy mà đi”.

Các bạn, chúng ta phải đưa tâm về nhà bởi bao nhiêu lần vấp té Phật đã tới trong cuộc đời dưới sự hiện thân của cha mẹ chúng ta, dưới sự hiện thân là thân bằng quyến thuộc là ông bà của bạn. Dưới sự hiện thân là chồng vợ, là anh chị em, là những người bạn tri kỷ tâm giao. Những người đó là hiện thân của chư Phật tới và nói rằng “hãy đứng dậy”. Những ai đã té nhất định sẽ có người tới và mời gọi mình hãy đứng dậy, âm thanh đó vang vọng trong tâm thức là bởi vì lương tâm của chúng ta vẫn luôn thiện cho nên nó vẫn tiếp nhận được pháp âm của chư Phật truyền tới qua những con người hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Và những ai vừa té nhất định các bạn cũng đón nhận được pháp âm của Phật qua những người thân mời gọi chúng ta hãy đứng dậy mà đi. Cuộc đời không đến nỗi phải lạc lõng, cô đơn, không đến nỗi không còn ai, trơ trọi trong cuộc đời, chênh vênh trên biển cả. Các bạn, các bạn có người thương các bạn, có người rất quan tâm đến các bạn, các bạn có một bậc thầy của trời đất lúc nào cũng song hành trong cuộc đời của các bạn. Chỉ cần các bạn mở lòng ra đón Phật vào, đưa Phật vào trong thân, đưa Phật vào trong trí tuệ, đưa Phật vào trong tâm thì chính là bạn đã đưa tâm về nhà. Bởi Phật là nhà của chúng ta, Phật là giác ngộ, Phật là hết khổ đau, Phật là tự tại, Phật là tự giác, giác tha và giác hạnh. Phật là đã vượt qua, Phật là đã về, đã tới cho nên chẳng cần phải lần mò tìm đâu trên bản đồ, tìm con đường để trở về ngôi nhà tâm linh. Bởi ta cứ nghĩ ta có nhiều sức quá, sức còn trẻ, tuổi còn sức mạnh, trí tuệ đầy kiến thức rồi cứ lần mò để về. Đối với Bảo Thành thuở Sư Tổ dạy: “tìm chi cho khổ vậy con”. Nhớ cái thuở xưa đi đây đó, ở Việt Nam chưa có bản đồ chúng ta phải lần mò hỏi hoài, đi một chút hỏi một người, đi một chút hỏi một người. Đến cái thuở có bản đồ chúng ta cầm trên tay rồi chúng ta in ra chúng ta đọc đến bây giờ chỉ cần có cái phone bấm lên nó chỉ đường tới đích. Càng ngày phương tiện càng lớn, càng dễ, càng gọn, càng tinh thông và ta đi tới, đi về, tới về, tới lui thật là dễ bởi trên tay đã có cái bản đồ. Đức Phật là nhà của chúng ta, ta không cần phải tìm tới Phật bởi Phật sẵn sàng tới với ta, ngài là đấng từ bi, đấng yêu thương. Cho nên chỉ đón nhận, mở của tâm thức đón nhận Phật ngự vào trong tâm, Phật ngự vào trong đảnh đầu thì nhất định ta đưa tâm vào với Phật ở trong lòng của chúng ta. Tâm ta và Phật trở thành một bởi vì chúng ta mời Phật vào trong tâm có nghĩa ta đã đưa tâm về nhà, nhà của ta chính là Phật.

Mỗi người chúng ta đây phải giới hạnh, đưa tâm về nhà chẳng phải là sự quá khó, phải cố gắng quá nhiều. Thật là nhiều sự lý luận, diễn giải tâm là cái gì, đưa làm sao, thiền làm sao, nhập định như thế nào, hơi thở phải như thế nào, ngồi như thế nào, từ bỏ cái gì, sàng lọc làm sao nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng đối với sự trải nghiệm của Tổ dạy cho thầy và rồi thầy truyền lại cho Bảo Thành thì Bảo Thành kinh nghiệm rồi. Con người thích viết, con người thích diễn giải và các phương thức hình như hoa mỹ quá còn Đức Phật thật gọn gàng. Gọn mà chân thật, chân thật như cái thằng bờm nó đói, nó có quạt mo đổi lấy nắm xôi. Người ta mang bò, mang trâu ra nhử nó không cần bởi nó đâu có ham phú quý, mục đích của nó là đói nó cần ăn, trao đổi nắm xôi nó cười vui. Phật chân thật tới mức mà ngài đi tới với cái tâm chân thật của chúng ta và sự giác ngộ của ngài đã nhìn thấy rõ ràng ta đang đói. Bởi vì ta lang thang ở đầu đường xó chợ của vô minh, đau khổ nên ngài không dắt ta đi về nhà mà ngài mang nhà của chúng ta tới ngay chỗ của chúng ta đang lạc trong cuộc đời. Còn gì hạnh phúc hơn đâu, không có gì hạnh phúc hơn khi ta lạc trong cuộc đời vô minh và trong cảnh giới vô minh đó nhà của ta hiện tại ngay trong cảnh giới vô minh. Ngôi nhà đó được thắp sáng bởi bầu trời trí tuệ của Đức Phật cho nên nhà của ta là Phật. Nếu như các bạn mở cửa chân tâm đón Phật vào trong là các bạn đã về nhà rồi, phương tiện tuyệt vời, tinh thâm vô cùng.

Các bạn thấy cái phone không, ở đâu các bạn cũng có thể gọi, ở đâu cũng có thể nhìn trên màn hình thấy người mình yêu thương. Đức Phật là hiện thân của phương tiện diệu dụng thần thông siêu thế nếu các bạn mời Phật vào, Phật là từ bi, Phật là tỉnh giác, Phật là sự giải thoát khỏi sanh tử rồi. Chúng ta mang sự tỉnh giác, mang từ bi, mang sự giải thoát khỏi sanh tử vào trong tâm và Phật là tất cả thì khi ta mời Phật vào trong tâm tức có nghĩa ta đưa tâm về nhà mà chẳng cần phải mò mẫm, lần mò mãi, tự sức mãi. Các bạn, hiểu được cái chân lý như vậy mới thấy Phật là một bậc thầy, ngài đã tìm ra công thức, ngài đã tìm ra tất cả và không muốn các con của ngài, đệ tử của ngài, chúng sanh mà ngài thương yêu phải lần mò mãi trong đau khổ. Chỉ có điều những chúng sanh đó thích lần mò, khước từ những điều gì chư Phật đã tìm ra đặt để vào trong ta để tự tìm, tự mò, tự hãnh diện ta đã tìm thấy. Nhưng ta không bao giờ thấy bởi cuộc đời quá ngắn ngủi và con đường ta đi thì quá dài, mới một đoạn đã chết rồi có đâu tới đích. Khi tái sanh trở lại, mịt mù đường tăm tối lại quên hết đường đã đi lại bắt đầu một đoạn đường từ chỗ xuất phát ban đầu. Cứ như vậy như con lật đật lật đi lật lại cũng tại chỗ mà thôi, đâu có thoát khỏi sanh tử.

Các bạn có thể tìm và tham khảo những ý tưởng đưa tâm về nhà theo những cái chiều hướng thiền định cao siêu. Nhưng đối với Phật tử tại gia hiện tại, nếu các bạn chưa có được cái giờ giấc tu miên mật, chưa gọi là có thể thoát ly trần tục để đi vào chỗ thiền môn, cách lìa ái và dục. Thì chúng ta nhớ Phật vẫn có một con đường cho chúng ta để đưa tâm về nhà trong cảnh sống bề bộn lo cho chồng, cho vợ, cho con cái, cho cơm ăn áo mặc, hiếu đạo với đấng bậc sinh thành, lo toan cho xã hội. Chúng ta vẫn có thể đưa tâm về nhà theo một chiều hướng phù hợp với nhân duyên là hàng Phật tử tại gia mà không cần phải cố gắng quá mức. Chỉ thay đổi cách nhìn để chúng ta có thể thấu rõ được chân lý đó là chúng ta không cần phải lần mò, vùi đầu vào trong rừng thiền thâm sâu, huyền bí của những giáo lý huyền ảo được mặc định bởi những ngôn ngữ cao siêu kỳ bí. Để rồi lạc riết, lạc riết trong rừng thiền đó tẩu hỏa nhập ma để rồi người ta gán ghép tu thiền không đúng coi chừng tẩu hỏa nhập ma. Hóa ra thiền vốn là phương pháp tốt bây giờ bị cái tin xấu là tu không đúng bị tẩu hỏa nhập ma. Mà bây giờ chúng ta hãy nghĩ ta mời Phật vào trong tâm là đúng hay sai? Chẳng ai dám nói sai, đúng mà, tất cả chúng sanh chúng ta kiến thức chẳng cần kiến thức. Bởi vì chẳng so sánh giữa kiến thức và không kiến thức như giàu hoặc là nghèo, khỏe hay yếu, cao hay là to, mập hay là gầy. Chỉ cần có cái tâm chân thành, đã là phận người trong chúng sanh hiện tại mở tâm ra mời Phật vào bên trong, vậy là đã đủ. Đưa Phật vào tâm là đưa tâm về nhà. Các bạn nói: “làm sao mà đưa Phật vào tâm được ?”Dễ ẹt, chỉ cần sống thiện với cái tâm thành kính và chân thành, nói một câu rất bình thường như người con: “Phật ơi! Con mời Phật vào tâm con”, rồi sống chân thành, sống thành kính, sống thiện lành. Thì cái lời mời của ta thật là nhẹ nói bằng văn tự của con người, bằng cái tiếng tâm đơn giản của ta “Phật ơi! Con mời Phật vào trong tâm”, chỉ có thế và chỉ thế thôi là đưa tâm về nhà rồi. Các bạn thử trải nghiệm đi, các bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi thật là nhiều.   

Về đi về với chân tâm

Đường đời lao khổ bao năm trải dài

Về trong hơi thở cuối ngày

Chân như một niệm toả đầy an nhiên

Các bạn, Phật là tất cả, ta về đi, ta về với cái chân tâm tức là về với Phật và mời Phật vào cuộc đời. Nếu các bạn có kiến thức, nếu các bạn có thể ly trần tẩy tục, thoát ra khỏi cái cảnh sống của cuộc đời qua thiền môn các bạn có thể vào rừng thiền để tham khảo những ngôn ngữ của thiền học. Được, điều đó không sao, tốt mà. Nhưng nếu chúng ta là hàng Phật tử tại gia sáng mở mắt ra là phải nhảy lên trên con ngựa sắt chạy ngược, chạy xuôi lo cơm, lo áo rồi tối về mệt nhoài, lo cho con, lo cho chồng, lo cho vợ rồi nghĩ đến đấng bậc sinh thành, lo toan cả cuộc đời vòng vòng quanh quanh thì rừng thiền kia chắc sẽ làm rối tâm loạn trí của các bạn. Nếu các bạn có đầy đủ phước báu nghiên cứu văn kinh rồi đi đến sự tư duy và tu điều đó là đại phước, đại báo. Còn bình dân như các Phật tử tại gia và bình dân như Bảo Thành không cần phải tu gì trong hoàn cảnh quá khó khăn. Chỉ cần mở rộng tâm mời Phật ngự vào trong tâm bởi Phật là tỉnh giác, là từ bi, là thoát ly ra khỏi sanh tử, là giác tha, giác hạnh, là bậc thầy của trời người. Mời Phật vào tâm là tâm đã về tới nhà bởi Phật ngay trong tâm, nhà ngay trong tâm của ta mà thôi. An lắm, hạnh phúc lắm, đau khổ sẽ tiêu tan, mệt mỏi sẽ chẳng còn, sợ hãi sẽ phải lùi xa và để lại cho chúng ta một trái tim tràn đầy tình yêu thương.

Về đi về với chân tâm

Đường đời lao khổ bao năm trải dài

Đã bao nhiêu năm rồi các bạn và Bảo Thành đã miệt mài, rong ruổi, trải dài trong cái cuộc đời lao khổ đó nên rồi có thể phút cuối cuộc đời thốt lên cái bài ca “tôi đã lầm”. Phật đã tới sao không mời ngài vào trong tâm để rồi cứ lầm đường lạc lối đi tìm cái gì ở đâu đâu trong cuộc đời lao khổ nhiều. Hãy về:

Về trong hơi thở cuối ngày

Chân như một niệm toả đầy an nhiên

Chúng ta về trong hơi thở của Chánh Niệm và mời gọi Phật với cái tâm thành kính, với cái tâm chân thành và với cái tâm thiện lành của chúng ta:

  • Phật ơi! Con đã về, về với chân tâm, bao nhiêu năm lao khổ bây giờ con nhận nên trong lòng của con với hơi thở Chánh Niệm này con mời Phật vào ở trong tâm con.

Chỉ đơn giản những cái lời tâm sự như vậy thôi, Phật chẳng cần chúng ta phải lấy mõ, lấy chuông gõ cho ình, Phật chẳng cần chúng ta phải sướng lên như tụng kinh tiếng cao, tiếng thấp hay lắm. Phật không cần những văn tế, văn kinh, Phật cần cái tiếng nói chân thành, thành kính của chúng ta thốt lên từ cái lương tâm của người đệ tử, của người con Phật, của người lạc đường lầm lối và nói đơn giản với ngôn ngữ mà ta có:

  • Phật ơi! Vào trong tâm con đi và rồi phát nguyện luôn luôn nuôi dưỡng cái tâm thành kính, cái tâm chân thành và cái tâm thiện lành  của con, Phật ở trong tâm con nhá, Phật đừng rời xa, con rất cần Phật, con muốn về với Phật. Và Phật về trong tâm con để con đưa tâm con về với ngôi nhà tâm linh. Con đã biết đời là khổ, con đã biết đời là lưu lạc.

Ngồi đó đi, tâm sự đi, nói với Phật đi tất cả những lỗi lầm, những điều mình muốn nói, không cần văn tự, văn chương lai láng để làm cái gì. Phật cũng chẳng ưa văn chương lai láng, Phật cũng chẳng chê cái người nói chân thành. Chỉ cần với cái lương tâm ngôn ngữ bình dị hãy thốt lên từ trong cái tâm của mình những ngôn từ giản dị nhưng thành kính, giản dị nhưng chân thành, giản dị nhưng thiện lành thì Phật sẽ tới. Các bạn, cuộc sống của chúng ta khác lắm so với những người họ có kiến thức, họ có thời gian, họ có thiền am, họ có thiền thất, họ có rừng thiền, họ có pháp môn, họ có tông phái. Ta khác lắm, ta không có được những sự mà họ có thể nói ra liệt kê, chứng minh trong lịch sử nhưng ta có Phật ở trong tâm, chúng ta có Phật ở trong tâm. Các bạn nhìn lại cuộc đời của các bạn đi, xoay mòng mòng, xoay mòng mòng, chạy ngược chạy xuôi. Nói ngồi trong rừng thiền lân la trong những cảnh giới của thiền kể là chỗ này như vầy, đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ gì đi nữa thì cũng không bằng đệ trình cái tâm thành kính, chân thành, thiện lành lên Phật. Đệ trình lên Phật: “Phật ơi! Con mời Phật vào tâm của con để con đưa tâm vào với cảnh tâm của Phật để con về được nhà hạnh phúc”. Không cần đệ nhất thiền, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ gì hết. Chỉ cần đệ trình cái tâm thành kính, tâm chân thành, tâm thiện lành và mời Phật đi vào là đủ.

Các bạn, đó là ý nghĩa của sự đưa tâm về nhà trong cảnh giới rất là thực tế đối với Phật tử tại gia bận rộn, lam lũ, lo cơm áo gạo tiền để báo hiếu cha mẹ và sống hạnh phúc với vợ chồng, nuôi nấng con cái. Và nếu như các bạn như Bảo Thành nói, các bạn có đầy đủ phước báu hơn để tới với những bậc thiền sư tham khảo kinh điển, vào rừng thiền huyền bí đó là đại phước cho các bạn. Cách nói của ngày hôm nay, đưa tâm về nhà là cách nói đa số cho những người bạn thân của Bảo Thành, những ai đang trong cái hoàn cảnh ngược xuôi, xuôi ngược trong trần đời vẫn có thể đưa tâm về nhà mà chẳng cần phải lạc vào rừng thiền. Chỉ cần có ba thứ: tâm thành kính, tâm chân thành, tâm thiện lành để rồi chúng ta chứng đắc tới cái chỗ không phải đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền đâu. Mà chứng đắc được cái sự thành thật để đệ trình lên Phật mời ngài vào tâm để đưa tâm ta về với nhà. Đời sống sẽ thay đổi, hạnh phúc sẽ vô cùng.

Cám ơn các bạn đã nghe buổi pháp thoại ngày hôm nay, nguyện chúc cho các bạn luôn bình an.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts