Search

Đôi lúc con không còn tinh tấn trong quá trình tu nữa

Đôi lúc con không còn tinh tấn trong quá trình tu nữa, nhưng lúc đó trong tâm con luôn hướng về Phật, về những Bậc Thầy của mình. Những lúc đó thì con như là dậm chân tại chỗ và không biết mình sẽ đi về đâu. Làm sao để con có thể vượt qua được cảm xúc đó ạ?

Chúng ta khi làm việc, nhất là khi tuổi còn trẻ thường dùng sức thật là nhiều, việc gì cũng dùng thật là nhiều sức. Khi lớn tuổi rồi thì mới hối tiếc tuổi trẻ dùng quá sức nên bây giờ bệnh hoạn. Trong nhà Phật, chữ Chánh Tinh Tấn tức là chúng ta điều độ, tu tập đều, nhẹ nhàng. Đừng có lúc sung quá, chúng ta tu tập quá mạnh, quá nhiều để rồi để khi mệt chúng ta không còn tinh thần nữa dù vẫn nghĩ về Phật, vẫn nghĩ về những Bậc Thầy mình theo học, cái đó gọi là Tà Tinh Tấn. Tà Tinh Tấn là dụng sức quá nhiều, dụng tâm quá nhiều đưa đến sự mệt mỏi, chán nản. Rồi lâu dần khi nó ở cái trạng thái như vậy tồn tại trong tâm, khi đương đầu với những cảm xúc thì trạng thái đó nó đưa ra lấn át, làm cho chúng ta không có khả năng đương đầu với những thử thách, rơi vào tình trạng chúng ta chán nản, bỏ cuộc dù chúng ta vẫn muốn tu học.

Chuyện này không phải chỉ có hàng Phật tử tại gia mà các Bậc xuất gia cũng như vậy. Khi còn trẻ thì thường mang sức mạnh của mình như là di sơn dời hải, dời núi, dời biển, quá tinh tấn. Nói tinh tấn ở trong cái gọi là Tà Tinh Tấn tức là dùng quá nhiều sức, quá nhiều năng lượng để bị hao tổn. Hôm nay thay vì chúng ta tập một tiếng hoặc nửa tiếng anh ta thích thú tập 7 tiếng, 10 tiếng. Được hai, ba ngày đâm ra mệt nhoài không tập được nữa. Cho nên tu không phải là chỉ dồn vào tâm mà chúng ta còn phải lượng sức của mình. Cho nên luôn luôn phải dưỡng sức để cho thân của chúng ta có độ bền, dẻo dai và có sức khỏe song hành với luyện tâm. Trên con đường học Đạo, Phật luôn luôn khuyên chúng ta phải quan tâm tới sức khỏe bởi Phật đã trải qua nhiều năm khổ hạnh và thấy được sự mệt mỏi bởi do khổ hạnh không chăm sóc cho sức khỏe sẽ nguy hại như thế nào và không làm cho tâm thăng tiến trên con đường tầm cầu Đạo Giải Thoát. Do đó sau này Phật đi vào con đường Trung Đạo tức là luôn luôn phải dưỡng sức khỏe của chúng ta đồng thời tu luyện cái tâm. Từ đó, mỗi khi chúng ta tập phương pháp đơn giản của Phật mà đôi khi các bạn coi thường đó là hơi thở.

Các bạn nhớ Chư Phật dạy như vầy, mạng sống của con người của chúng ta ngắn dài chỉ bằng một hơi thở. Cách nói này để cho chúng ta thấy sức khỏe rất quan trọng phải được gắn liền với hơi thở. Khi chúng ta tu tập Chánh Niệm hơi thở đều đặn không phải chỉ trong cái giờ chúng ta đồng tu, tu luyện 15, 20 phút mà trong suốt một ngày. Bởi vì khi chúng ta tập quen rồi thì chúng ta sẽ có Chánh Niệm cùng với hơi thở. Hơi thở thật là đều, vào ra thật là đều. Và khi hơi thở của chúng ta vào ra đều cùng với cái sự Chánh Niệm nhận thức rõ ràng thì sức khỏe của thân sẽ tăng trưởng và sự tu tập của chúng ta sẽ đúng với Chánh Tinh Tấn. Để khi đương đầu với thử thách ta không chán nản.

Khi bạn rơi vào trạng thái đó là bạn đã cố gắng quá nhiều, dụng tâm, dụng sức quá nhiều để vượt qua những thử thách trong cuộc đời bằng cách bám víu vào con đường tu Đạo. Có nghĩa bạn tu là để chuyển hóa thử thách và chướng ngại trong cuộc đời cho nên bạn dồn sức để thay đổi những chuyện xảy ra. Và khi bạn dồn sức quá nhiều mà không thay đổi được những hiện tại đó bạn thấy mệt, đầu hàng và chán nản. Chúng ta không tu để đối phó với đau khổ, chúng ta không tu để đối phó với những chướng ngại trong cuộc đời. Mà chúng ta tu là để đi vào trong sự thanh tịnh của Chánh Niệm. Khi bạn đi vào trong thanh tịnh của Chánh Niệm những chướng ngại trong cuộc đời, những điều không như ý trong cuộc đời sẽ được chuyển hóa. Bởi sống trong Chánh Niệm của hơi thở tăng trưởng được phước báu thiện lành để chuyển hóa tất cả nghiệp ác tạo ra những trường hợp đang xảy ra mà bạn đang tương tác với người thân hoặc người ngoài hoặc môi trường sống trong gia đình.

Do đó để bạn tìm lại được sức sống, trên con đường tu tập không còn chán nản nữa bạn hãy trở về thực tập hơi thở Chánh Niệm đều đặn trong mọi trường hợp của cuộc sống khi tương tác với khách hàng, khi tương tác với người nhà, khi tương tác với bạn bè, khi làm việc hoặc trong bất cứ một môi trường nào. Bạn chú tâm đến hơi thở vào ra thật nhẹ nhàng trong Chánh Niệm đó khi nói, khi ăn, khi ngủ, khi nghỉ, khi diện kiến người này, diện kiến người kia, tất cả sinh hoạt hằng ngày. Tu Chánh Niệm hơi thở không phải là vào chùa ngồi trước tượng Phật mà chúng ta đi vào đời với mọi hình thức tương tác, luôn luôn chú tâm vào sự hít vào thở ra thật là nhẹ. Giữ được sự điềm tĩnh và cứ Chánh Niệm như vậy trong mọi tương tác và sinh hoạt tạo thành một thói quen tốt hòa nhập vào với hơi thở trong sự Tỉnh Thức. Cứ đều đặn như vậy, đừng cố, đừng tu để mà thay đổi cuộc sống mà chúng ta tu để đi vào sự Chánh Niệm. Chánh Niệm đó sẽ thay đổi được tất cả bởi vì nó có công năng diệu dụng tăng trưởng phước báu. Bởi Chánh Niệm là một trong Bát Chánh đạo mà Đức Phật day cho chúng ta, 8 con đường thánh để đưa chúng ta đi từ phàm thành thánh. Nay áp dụng Chánh Niệm vào đời sống là chúng ta đang đi vào cung bậc của một quả vị Thánh. Thì tất cả những điều đang xảy ra trong cuộc đời sẽ được chuyển hóa một cách tự nhiên không gượng ép quá sức như chúng ta tìm tòi đủ mọi phương thức để đuổi, để xô đẩy đi, không cần thiết phải như vậy. Cho nên đừng tu để chống trả lại những ác nghiệp, đừng tu để mà thay đổi những hiện tượng trong cuộc đời. Tu là đi vào con đường thánh, khi chúng ta đi vào Chánh Niệm, một trong 8 con đường đi đến chứng quả vị Thánh thì những con đường của cuộc đời kia sẽ xa dần các bạn và các bạn sẽ có được hạnh phúc và bình an.

Cho nên trả lời câu hỏi là khi bạn đã lâm vào cái cảnh đó rồi thì phải minh sát rằng khi chúng ta tu Chánh Niệm hơi thở không phải chỉ trong 5 phút, 10 phút, 30 phút đồng tu. Mà trong suốt một ngày chúng ta tập thói quen hít vào thở ra với Tánh Biết. Khi bạn chửi mình, hít vào thở ra biết bạn đang chửi, dừng ở đó. Khi người ta khen mình, hít vào thở ra có Tánh Biết, biết người ta đang khen. Thực tập Tánh Biết trong tương tác, với sự đồng hành hơi thở vào ra đó, nó sẽ tạo nên một năng lượng của Chánh Định giúp cho bạn an định trong cuộc đời và tăng trưởng phước báu đúng theo con đường Đức Phật đã dạy của Bát Chánh đạo. Và như thế tất cả sự mệt mỏi, tất cả những sự chán nản sẽ dần dần được đẩy lùi và các bạn sẽ thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng, thong dong và hưng phấn trong cuộc sống, có tràn đầy năng lượng để làm việc. Nhất là các bạn trẻ, Bảo Thành khuyên đừng cố gắng quá sức, đừng coi Phật Pháp, đừng coi giáo lý của Phật như một bửu bối để vùi đầu nhào vô như con trâu húc cho thật mạnh để đánh đổ tất cả những gì mình không ưa thích hoặc trái ý với chúng ta. Mà nhớ rằng giáo lý của Phật là một chân lý thật nhẹ nhàng. Chỉ cần đi vào đó thôi, cứ từ từ mà đi, đi cho vững, đi cho đều, đi cho nhẹ nhàng từng bước chân thì sự an lạc sẽ hiện diện trong cuộc đời.  

Tham vấn Phật Pháp 3, https://youtu.be/onZbzt5RIAY

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn