Search

Trong cuộc sống của chúng ta, cái tâm dính mắc luôn luôn hiện hữu. Đừng ai tự hào rằng ta không có chút dính mắc…

Các bạn, cứ nghĩ trên các trục lộ giao thông đi làm hằng ngày, chạy nhanh, chạy chậm, chạy ẩu, chạy cẩn thận. Chỉ có chuyện chạy xe trên đường thôi, tưởng rằng nó không dính mắc mà thật sự nó dính vào tâm. Để khi về tới nhà ta có thể kể với chồng, với vợ, ôi hôm nay đoạn đường ta đi qua, có nhiều anh chàng chạy ẩu quá. Ta không dừng lại ở chỗ chạy ẩu đâu. Nhìn thấy chạy ẩu, rồi thì tài năng diễn xuất của một nhà văn bắt đầu bộc lộ…. Nó say đó mà, nó chạy ẩu, rồi lại lạng qua trái, nó như không thấy đường, chắc nó không muốn về nhà, đi xuống diêm vương… Rồi trong bữa ăn nữa, cơm ăn vào chưa xong, nước uống chưa cạn, câu chuyện cứ kéo dài, để cuối bữa rồi, món gì vợ nấu cho ăn cũng chẳng biết, bởi cứ miên man với chuyện dính mắc ở cái trục lộ giao thông, kể hoài kẻ riết, đồ ngon, nước uống tốt vợ nấu vợ dâng chẳng còn cảm giác được nữa. Bởi ngay trong bàn ăn cơm buổi tối, thay vì tâm tình với vợ với con, thưởng lãm những món ăn vợ nấu cho, lại để dính vào câu chuyện trên con đường đi về với kẻ lái xe ẩu. Chưa kể là lái xe cẩn thận cũng bị dính, chưa kể là những chuyện đẹp đẹp, chuyện này chuyện kia hiện ra trước mắt. Ôi cha nó dính, không thoát ra được. Hoặc những chuyện phiền não nơi công xưởng, văn phòng, việc làm, rắc rối lắm. Mà ta mang toàn bộ những điều dính mắc đó phải đặt lên trên bàn ăn cơm vào buổi tối.

Hầu hết chúng ta đi làm công nhân, hoặc đi làm văn phòng. Buổi sáng vội vàng vợ chồng ăn chia tay để rồi tối mới gặp. Vợ lại phải về sớm nếu có đi làm, chuẩn bị đồ ăn. Thế mà chúng ta về nhà, mang biết bao nhiêu sự dính mắc ở đời trong việc làm, trên con đường chúng ta đi về, trên sự giao tiếp với mọi người, đặt lên trên bàn như một mâm cổ, toàn là xương xóc, gai góc, ăn không vô. Sự phiền não ở công xưởng, sự phiền não ở ngoài đường, dính mắt ở đó, đem đặt lên trên bàn. Biết bao nhiêu món ăn ngon vợ nấu cho chẳng thấy được, tình yêu thương, sự hy sinh của vợ về sớm lo cơm cho chồng cho con, thế mà những người chồng không có hưởng được, để rồi vội vã ăn cho xong, kể chuyện tào lao, buồn quá, chán quá, hóa ra nhãm. Rồi vội vàng bước ra ngoài, tụm ba tụm bảy với bạn bè, nâng chén uống cho say, tối mới trở về. Cái đó có không các bạn? có đó. Nếu bạn để ý. Những vấn đề đó, nói tới những sự dính mắc của cuộc đời. Nó có xảy ra, chúng ta đừng cho nó là bình thường. Đó là chuyện bất thường. Bởi vì khi chúng ta đón nhận nó là bình thường rồi, chúng ta không có sự chuyển hóa. Chúng ta nhận định đó là một sự bất thường, chúng ta xem xét nó cho kỹ.

Các bạn, có một câu chuyện kể như vậy. Có một vị quan, làm việc ở trong cung đình. Vua nhận ra rằng vị quan này đã làm được nhiều chuyện tốt cho quốc gia, cho nhà vua, cho nhân dân, có những kế sách kinh tế tốt, làm cho kinh tế đất nước thịnh vượng.  Ông ta có những chính sách an dân làm cho lòng dân vui. Có những chính sách đương đầu với ngoại bang, các nước lân cận không tạo ra chiến tranh. Lại còn có những chính sách cung đình, quan triều văn võ chẳng tranh chấp, sống hòa thuận. Vị quan này quá tốt, quá hay, nên được vua thăng chức. Dần dần thăng chức quá cao, cao đến mức mà đến thượng phẩm cao cao cao ngất ở trên trời rồi. Trước là có vua, sau là ông ta. Dưới một người, mà trên vạn người đó. Quyền chức của ông ấy cao đến thế.

Khi ông ta tuổi đã lớn, ông ta thấy rằng, để đi tới chức cao như vậy, con mắt của nhà vua nhận ra ông ta là người tốt. Nhưng đối với tất cả những quan triều, trong cung đình không phải như vậy đâu. Họ tranh giành ghê gớm lắm. Họ đấu đá ghê gớm lắm. Để ông có thể phụng hiến cho dân tộc, cho tổ quốc, ông đã vượt qua biết bao nhiêu những sự tranh giành, đấu đá, thậm chí có thể chết người, nguy hiểm đến thế. Ông đã dùng toàn bộ tài đức để vượt qua. Nhưng khi đến tuổi, ông mới nhận ra ở chốn quan trường đấu đá ghê gớm. Tuổi cũng đã già nên ông ta nhàm chán, cáo lão về hưu.

Khi về hưu, ông ta nghĩ rằng: cuộc đời làm quan phiền não, nên ông ta đi vào rừng xuất gia, làm một vị ẩn sỹ tu ở một ngôi chùa trong rừng. Rồi khi ông ta vô chùa tu, ông cũng quán chiếu những việc ác, tranh đấu ở đời, chốn quan trường nên tâm của ông tinh tấn. Rồi thời gian cũng trôi qua, như việc làm quan ở triều đình, ông ta từ chú tiểu – tuổi già mà mới đi vô tu thì cũng chỉ làm tiểu mà thôi, dần dần lên tới sư chú, rồi tới đại đức, tu một thời gian dài gọi là thượng tọa, cao thêm chút xíu, tinh tấn học giỏi, tuổi cũng ngang ngang lớn lớn dần theo đạo hạnh thì gọi là hòa thượng. Một lần đang ngồi uống trà, ông ta giật mình suy nghĩ rằng, hóa ra ở trong chùa cũng có những phẩm vị được thăng. Chữ “thăng” vang vọng trong đầu. Ông ta nhớ lại thăng quan tiến chức trong cung đình mới giật mình sợ hãi. Bởi vì sao, nó na ná giống nhau. Na ná giống nhau, cũng được thăng chức, thăng vị. Và theo cái phẩm vị đó, cái tâm tham quyền, tham tài, tham vị đó, hình như đã có cơ hội mon men tới tâm thức của ông ta. Ông ta hoảng hốt vô cùng nên vội vàng đi vào chánh điện quỳ trước tôn tượng đức Bổn Sư thành tâm sám hối. Đã từ bỏ quan trường vào nơi thiền đường, vậy mà việc quan trường kia vẫn còn dính mãi ở trong tâm. Mà ngẫm nghĩ kỹ, thì thấy chuyện trong thiền đường cũng có chiều hướng đi theo. Ông giật mình tỉnh thức sám hối. Dằn tâm, trụ lại trong hư không tĩnh lặng, từ bỏ tất cả các phẩm vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sư chú, mà chỉ trở thành một vị thật sự xuất gia tu không cần phẩm vị, an nhàn trong một cái am đất thật nhỏ ngay bìa của thiền đường. Ông an trú trong khu rừng tới hơi thở cuối cùng.

Các bạn thân mến, câu chuyện này nói đến, không phải chúng ta xuất gia là không còn dính mắc. Không phải chúng ta ở địa vị này, ở hoàn cảnh này, là chúng ta không còn dính mắc đâu. Sự dính mắc vốn có trong cái tánh làm người của chúng ta, bởi phàm phu được tái sanh trong sự dính mắc Gọi là chấp, chấp đó hiện hình qua ba cửa ngõ của biên giới tham sân si. Và rồi chúng ta không khéo nhận định thì cho rằng ở nơi này có dính mắc có chấp trượt, ở nơi kia không có. Ở quan trường có tranh đấu, tàn phá, dính mắc, ở trong thiền đường không có. Không phải, ở đâu cũng có. Cái khác biệt và quan trọng là mỗi một cá nhân chúng ta có nhận diện ra sự hiện diện, có mặt của tâm dính mắc, của cái tâm chấp trượt của chúng ta hiện hữu trong cuộc đời hay không. Và khi chúng ta nhận ra, chúng ta làm gì. Đó mới là quan trọng. Ông quan kia đã nhận ra điều đó, từ quan, cáo lão về đi tu. Sau khi tu lên tới chức hoà thượng lớn quá rồi, ông nhận ra tâm dính mắc trong những phẩm vị của giáo hội. Ông ta lại cáo lão hồi hưu khỏi những phẩm vị đó, để trở thành một người tu chẳng có danh vị, chẳng có địa vị, chẳng có phẩm vị, chẳng có chức vị. Các bạn, ông ta sám hối với Phật. Và ẩn mình trong một cái am nhỏ bên kia thiền đường rộng lớn cao to. Nhìn thấy thân phận làm người so ra quá nhỏ như hạt bụi, để sám hối tu tâm, tịnh đức mà từ bỏ sự dính mắc trong cuộc đời.

Còn chúng ta, chắc có lẽ hằng ngày chúng ta vẫn thầm nói với mình ta còn vướng mắc, nhưng không dám nói với vợ, với chồng, với người thân thôi. Bởi vì sợ hỗ thẹn, sợ xấu hổ. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng đã nhận ra và tự nói rằng tôi vẫn còn dính mắc. Chúng ta có được 1%, 10%, 20%, 50%, nhiều % như ông quan kia không? nhận thức ra được sự dính mắc nơi quan trường, nhận thức ra được sự dính mắc nơi thiền đường để dám từ bỏ. Các bạn, chúng ta phải dám từ bỏ, phải có cái Dũng từ bỏ sự dính mắc khi chúng ta nhận ra nó còn hiện diện trong cuộc đời. Điều đó có thể làm nên sự an lạc và bình an cho chúng ta.

Ở bất cứ góc độ nào trong cuộc sống, thiền đường hay quan trường, ngay cả thương trường, học đường nữa các bạn ơi, đều luôn luôn có muôn sự dễ dính mắc Hãy nhận diện ra sự có mặt của tâm dính mắc, để chúng ta hãy một lần từ từ gội rửa đi hằng ngày để sự dính mắc đó tan dần. Danh tướng, tiền tài, rồi đến tình yêu, rồi đến nhà cửa, phú quý đều là chuyện hư ảo tới rồi đi. Hãy sống trọn vẹn với tâm tịch tĩnh. Nếu như các bạn muốn tìm về nguồn suối an lạc cho tự thân, và cho gia đình của chúng ta. Các bạn không nhất thiết phải cáo lão về hưu từ bỏ quan trường, đi vào thiền đường, mà các bạn có thể cáo lão khỏi ngay sự dính mắc đó. Đó là điều quan trọng các bạn ơi. Khi có danh phận trong cuộc đời, khi có tài năng được tôn vinh, ai dám khước từ. Khi có tiền bạc đầy kho, ai dám mở cửa để cho đi. Khi có phú quý, có tất cả những điều cưỡng cầu, mong cầu, ước cầu đã tới, ta có dám bỏ đi hay không?

Hôm nay chúng ta không nói đến bỏ danh, bỏ tài, bỏ tiền bỏ tình, bỏ tất cả, mà bỏ đây là bỏ cái tâm dính mắc. Ta được quyền, chư Phật dạy, sử dụng tất cả những thứ đó làm phương tiện diệu dụng cho cuộc đời, nhưng đừng dính vào đó. Đừng để cái tâm dính vào, tạo khổ, gây phiền não cho ta và cho mọi người. Sống, với cái tâm nhận thức được sự dính mắc luôn luôn đeo đuổi chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để chúng ta tỉnh thức, nhắc nhở, sám hối, gội rửa, và từ bỏ để được nhẹ nhàng. Khi bớt đi một phần dính mắc, tâm thái sẽ nhẹ nhàng an vui. Bớt đi nhiều phần dính mắc, cuộc đời sẽ thật sự hạnh phúc viên mãn. Cảm ơn các bạn đã nghe. Chúc các bạn một ngày an lạc trong cuộc sống.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts