Search

Đạo Sĩ Và Con Tắc Kè

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi đến muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Các bạn đang cùng với Bảo Thành trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn của Thiền phái Mật Tông.

Các bạn thân mến! Sự bừa bộn trong cuộc sống ai cũng bị lệ thuộc và lôi kéo vào. Rồi cái tâm của ta cũng lại bận rộn quá, khó có cơ hội bình tĩnh để nhìn cuộc đời. Mà xu hướng của cuộc sống thì cái gì mà nhìn thấy đẹp, ta nghĩ nó đẹp. Cái gì mà nhìn thấy tốt, ta nghĩ nó tốt. Hình thức bên ngoài rất dễ chiếm được cảm tình của chúng ta. Và hình thức bên ngoài thường nó dẫn cho tâm của chúng ta thấy phù hợp hay không phù hợp, rất là dễ. Do đó kinh nghiệm sống ở đời, cái nhìn đầu tiên khi hai con người tiếp xúc với nhau, họ nhìn từ chân, họ coi coi người kia đi cái gì. Rồi họ nhìn đến bộ quần áo, cách ăn mặc làm sao. Rồi họ nhìn đến bộ tóc, “cái răng cái tóc là vóc con người”. Họ chỉ nhìn như vậy thôi. Họ nhìn cái gì đi ở đôi chân, cái gì mặc ở trên người, bộ tóc và hàm răng như thế nào? Thế là họ có được một định nghĩa tin tưởng rằng người đó tốt hay xấu, chơi được hay không chơi được.

Cái tướng ở bên ngoài nó làm loà con mắt của Chân Tâm. Không biết các bạn có nghe thấy câu nói này chưa? “Cái tướng ở bên ngoài nó làm lòa con mắt của Chân Tâm”. Thế đấy! Các bạn không thấy. Nếu các bạn theo Phật giáo thì các cái tướng như là chùa thật to, tượng thật nhiều thì hầu như ai cũng muốn đến. Còn như túp lều nho nhỏ phảng phất màu áo nâu sòng, bước chân nhẹ trong tiếng mõ, kinh hành thánh thót với tiếng chuông. Nó không hấp dẫn, tu gì mà nghèo khổ có ngôi chùa lá, áo nâu sờn theo năm tháng, chẳng đủ độ hấp dẫn để ta tới. Nhưng một ngôi chùa hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ – lớn! Chuông lớn, Phật thì to mà nhiều, Tăng thân thì rần rần, kinh mõ thì inh ỏi, thích lắm! đông. Cái tướng đó lôi cuốn lắm.

Có một vị đạo sĩ áo mão thật là đẹp, tướng hảo đúng y như một vị đạo sĩ, tu ở trong một cái làng mà làng này thịnh vượng lắm. Ông ấy chọn một nơi có nhiều người để ông tu, nơi thành phố mà. Nhưng mà ông ẩn ở một góc ngay thành phố ông sống. Ông là đạo sĩ. Các bạn biết đạo sĩ không? Tức là một vị đạo sĩ hình dáng chứng đắc, tướng hảo chứng đắc, cái gì cũng tốt đẹp, ai nhìn cũng thích. Cho nên người ta thường tới cung phụng cúng kiếng đồ ăn, phẩm vật nhiều lắm. Cũng trong chỗ ông ta ở, có con tắc kè. Không biết nhân duyên gì, nó lại về sống chung với ông đạo sĩ này. Ông đạo sĩ tu, ngồi đó không biết tu cái gì, thì con tắc kè cũng “Tắc kè”. Khi ông đạo sĩ ăn, nó cũng lại “Tắc kè”. Ông đạo sĩ uống, nó cũng “Tắc kè”. Tức là những thời của ông đạo sĩ này ăn, uống, ngủ, nghỉ, sống, con tắc kè cũng “Tắc kè, tắc kè, tắc kè”. Đấy các bạn! Hình như nó hòa quyện, nó trùng hợp, nó thành một đời sống của vị đạo sĩ. Nhưng có một hôm dân làng cúng cho đạo sĩ này một món ăn. Ông ta mở ra ăn. Ông ta trầm trồ khen bởi món thịt này ngon quá các bạn à. Ông đạo sĩ được cúng thịt. Ông ta ăn thịt ngon quá. Cho nên đạo sĩ mới hỏi người cúng kiếng rằng “món thịt gì mà ngon dữ vậy?” người cúng mới nói: “Thưa đạo sĩ: đây là thịt tắc kè” Ông ta vừa nghe thấy chữ tắc kè thì trong đầu lóe sáng, vì ông ta thấy thịt tắc kè sao mà nó ngon. Nó ngon trời ơi nó ngon, nó ngon đến mức mà ông nếm vào ông thấy kinh hoàng, hoảng hốt bởi từ xưa đến giờ chưa bao giờ ông được ăn món thịt ngon như vậy. Ông ta ngẫm nghĩ và thầm nói: “Thịt tắc kè thật là ngon!”. Ông ta gật gù và nói: “Tắc kè, tắc kè, thịt tắc kè ngon” Khi ông ta hưởng xong món thịt tắc kè thì tâm ý của ông ta khởi lên rằng: “À bấy lâu nay có con tắc kè đang ở cùng với ta. Ta phải nhất định bắt nó, thịt nó để mà ăn”. Con tắc kè có lẽ sống cùng với ông đạo sĩ đã lâu, hiểu được tánh tình của đạo sĩ nên khi ông đạo sĩ tìm cách bắt con tắc kè này để thịt, để ăn, thịt tắc kẻ ngon mà, thì tắc kè kia đã hiểu thầm lặng ra đi. Và đạo sĩ không bao giờ tìm được.

Các bạn câu chuyện chỉ có vậy thôi. Nói chuyện đạo sĩ tu ăn thịt thấy ngon muốn giết con tắc kè đang sống chung với mình. Trong cuộc đời biết bao nhiêu chuyện xảy ra, người có tướng hảo tốt như một vị đạo sĩ có tướng hảo, chưa hẳn cái tâm của họ đã tốt đâu. Nếu như một mai tâm tham của họ trỗi dậy không kìm được, như đã nếm qua mùi vị của tắc kè rồi, thì tắc kè kia sẽ phải chết. Cuộc đời của chúng ta luôn có tâm tham tiềm ẩn, ngủ ngầm ở trong đó. Dù bạn là người nông dân bình thường sống màn trời chiếu đất; hay bạn là một vị đại gia phú quý tiền bạc nhiều, sống trong nhà cao cửa rộng, tiền tài chất đầy; hay bạn là người học giỏi kiến thức đầy, thông minh, bác sĩ, luật sư, kỹ sư; hay bạn chỉ là một người bán hàng rong ở bên lề đường của cuộc sống, một người tầm thường làm công để kiếm miếng ăn qua ngày, thì trong tâm của tất cả các bạn đều có tánh tham đang ngủ ngầm. Nhưng nó được khoác lên mình tướng hảo của nhà thông thái, của bác sĩ luật sư, của nhà nghèo, hay nhà giàu, thì khi ra ngoài đường, chúng ta cũng khoác lên mình một hình hài che đậy tâm tham. Nếu bạn có tâm tham? Đúng! ai cũng có hết. Bảo Thành cũng có. Mà ta chỉ dùng tướng hảo để che đậy, như ông đạo sĩ có tâm tham không tu hành để chuyển hóa. Mà chỉ khoác lên người tướng hảo của vị đạo sĩ ở trong am thất của đạo sĩ để nhận sự cúng kiếng của thế gian mà sống, không lo tu chuyển tánh tham. Khi nó trỗi dậy bởi nếm được mùi hương vị của cuộc đời, bạn thân như tắc kè cũng phải chết. May là con tắc kè dù là thú, mà nhận ra tánh người tham như thú, nên đã dần bỏ đi xa để bảo vệ sự sống. Mà nếu nó không nhận ra, nó sẽ chết. Ta không trách kẻ có tâm tham. Nhưng Đức Phật nhìn thấy tâm tham ngủ ngầm trong mỗi chúng ta. Ngài thương cho chúng sanh không nhận rõ nên dạy cho con người cách quán chiếu để chuyển hoá tâm tham. Mà các bạn thấy đó, đừng có vội vàng chạy theo tướng hảo ở bên ngoài. Đừng có vội vàng tin tưởng người có tướng hảo được mặc định là tốt, qua cách ăn nói, cái tướng đẹp, cách ăn mặc, đi đứng, chức quyền, hay gia đình vọng tộc, hay người cao kẻ thấp, có tu hay không có tu. Tánh tham nó nằm ở trong tất cả mọi tầng lớp của xã hội, của những bậc trưởng giả hay bậc tu sĩ, Tăng ni Phật tử nam nữ, công dân bình thường ai cũng có như ai. Ngủ ngầm đó, khó biết dữ lắm. Nếu chúng ta không thực hành theo giáo lý của nhà Phật thì thật là khó. Mà một khi chúng ta đã nhận lầm cái tướng ở bên ngoài, mà không có con mắt nhìn ở bên trong. Bởi sao, cái tướng bên ngoài nó làm loà con mắt của chân tâm. Do đó ở đời cũng có thật là nhiều người đã giả tướng đó để làm loà con mắt chân tâm của bạn. Rồi vô tình bạn đã bị lừa, cuối cùng đau đớn, khổ, than thân, trách phận không xong, còn trách ông trời, rồi mất niềm tin với tôn giáo của mình đang theo. Các bạn phải nhìn vượt qua cái tướng ở bên ngoài để nhận thấy tâm ở bên trong.

Phương pháp đối trị Đức Phật dạy là tu thiền chánh niệm, hít vào thở ra. Nhưng quán chiếu gì? Làm sao để chuyển hóa tâm tham. Tham thì vơ vét, tham thì lấy vào, tham thì chiếm đoạt. đối trị với tâm tham là gì? Là cho đi, là san sẻ, là bố thí. Cho nên khi các bạn hít vào trong hơi thở chánh niệm từng giây từng phút trong cuộc sống, thở ra nhẹ nhàng biết thở ra. Niệm một chữ “Bố thí”. Bố thí để diệt trừ tâm tham. Bố thí là cho đi. Thì khi các bạn hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra. Niệm “bố thí” niệm “bố thí” tức là nhắc ở trong đầu “bố thí” quán chiếu đến hạnh bố thí, suy nghĩ đến hành động bố thí với hơi thở chánh niệm ra vào. Tức là bạn để ý hơi thở, đồng hành với hơi thở. Cái chữ chánh niệm trong hơi thở có vẻ là huyền hoặc, chứ thực ra chánh niệm trong hơi thở là gì? Là chúng ta chú ý đến hơi thở, chúng ta biết thở. Chúng ta hòa nhập với hơi thở đừng để nó tự thở mà không biết gì. Thở biết thở, thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào. Nhưng chỉ cần phát tâm bố thí cùng với hơi thở để mượn hơi thở của mình. Nó là phương tiện. Đi đâu ta cũng thở, không thở ta chết, đi đâu ta cũng mang theo hơi thở không mang theo hơi thở ta chết. Phật nhìn thấy hơi thở là phương tiện, đâu cũng có, đi đâu cũng có miễn là khi còn sống. Cho nên thực tập theo dõi hơi thở và khởi lên niệm bố thí. Nó dần chuyển hóa tâm tham. tâm tham ngủ ngầm nó tróc gốc. Để chúng ta có cơ hội vun bón hạnh bố thí. Biến tâm tham thành tâm bố thí. Khi tâm tham đã hết và tâm bố thí san sẻ nó đã có thì tướng hảo trung thực với tâm sẽ hiển lộ, không cần biết tướng của bạn như thế nào, xấu hay đẹp, hợp hay không hợp. Nó cũng toát lên vẻ trung thực, lòng yêu thương, biết san sẻ. Còn không thì vô tình tâm tham không được chuyển hóa, sẽ khoác lên người của chúng ta đạo mạo tướng hảo của một vị đạo sĩ. Nên khi nếm được mùi thịt của tắc kè rồi thì tắc kè kia sẽ chết, dù rằng tắc kè đó là bạn đồng tu với ta sớm hôm mỗi ngày. Cái tiếng quen thuộc của con tắc kè, nó không còn là tiếng quen thuộc trong yêu thương. Mà là tiếng để dẫn tâm tham tới bắt giết để ăn. Các bạn thấy không? Đừng khi nào nói ta không tham các bạn ạ. Nó ngủ ngầm. Ông đạo sĩ tâm là một đạo sĩ, tướng là một đạo sĩ, hành động như một đạo sĩ, làm việc như một đạo sĩ, tu như một đạo sĩ, thế vậy mà khi nếm được mùi của tắc kè rồi, ui chu choa nó ngon đến mức tâm tham trỗi dậy thì con tắc kè, bạn tắc kè kia sẽ là mục đích ông ta tìm hại. Tâm tham rất nguy hiểm, nhưng tâm bố thí mang lại hạnh phúc, tướng hảo đoan trang chân thật tạo ra nhiều phước báu. Nguyện chúc các bạn nhận thức ra rằng, trong mỗi người chúng ta đều có tâm tham, cố gắng giữ hơi thở chánh niệm, quán chiếu hạnh bố thí để chuyển hóa tâm tham, để cho con tắc kè được đồng hành với người đạo sĩ và để cho ta luôn có những bạn hiền sống chung và chân thật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts