Search

Chuyển Hóa Nghịch Duyên

Nghịch duyên là nợ đã vay

Đến nay trả quả mới hay tội tình

Phải lo tu dưỡng tâm linh

Ăn năn sám hối cải mình sửa sai.

Các bạn thân mến, chúng ta không phải chỉ có đôi khi mà thật là nhiều khi trốn tránh tất cả mọi người để tìm một cõi riêng cho mình. Có thể là một quán café, một góc phố hay ở một góc nhà. Chúng ta phủ kín cuộc đời để rồi tư lự giữa với những dòng nổi trôi, ngẫm nghĩ chuyện đời mà thấy muôn sự cay đắng xảy ra cho chúng ta. Cuộc đời đâu có êm như ai đó ở trên trời, như các vị thiên thần bay xuống dưới cõi này rồi rải ở trên đó thảm cỏ xanh, mượt mà cho ta đi. Con đường ta đi từ thuở biết đứng biết chạy cho tới bây giờ nó không thẳng đâu, nó không xanh, nó không đẹp cũng chẳng thơ mộng mà nó lại gập ghềnh, gai góc, chông gai, hầm hố. Ai cũng bị té và rồi ai cũng bị đau, ai cũng sầu muộn, ai cũng khổ bởi ngẫm nghĩ qua lại trong suốt chiều dài của cuộc đời hay lịch sử của ông bà, cha mẹ hay của nhân loại mấy ai mà chúng ta có thể tìm thấy cuộc đời của họ đẹp như những bài ca, như những câu thơ, như những dòng nhạc, như những câu hò. Không, dòng chảy của con sông còn gập ghềnh sỏi đá, nước ở biển khơi có lúc mặn, lúc nhạt, lúc lợi. Cuộc đời bão tố, sóng gió nghịch cảnh lui tới là chuyện lẽ thường. Vẫn biết như vậy mà ai có thể ngồi ngẫm nghĩ hiểu ra cái lẽ thường của nghịch cảnh đâu để rồi chúng ta đã bao nhiêu lần chùn bước dừng chân trước những nghịch cảnh của cuộc đời. Và rồi chúng ta cũng vì cái nghịch cảnh đó rơi vào sự khủng hoảng sợ hãi mà biết bao nhiêu người bạn, người thân của chúng ta đã phải lâm bệnh, té ngựa rời xa cuộc đời, lâm vào những cái cảnh đau khổ vô cùng.

Nghịch cảnh tới không chừa ai đâu, chẳng phải anh giàu có mà nghịch cảnh không tới trong cuộc đời, chẳng phải anh nghèo, ăn xin ở ngoài đường mà nghịch cảnh chê không ghé thăm. Chẳng phải người học cao bác học, uyên thâm mà nghịch cảnh rời xa, trốn tránh, chẳng phải người không có kiến thức một chữ cũng không biết mà nghịch cảnh không tiếp cận. Sang giàu, nghèo khổ, cao to, thấp bé, trình độ khác biệt nghịch cảnh luôn tới. Các bạn có khi nào đương đầu với nghịch cảnh chưa, nghịch cảnh trong sự trái ngang của tình cảm, thương một người, yêu một người muốn kết thân với họ đến suốt cuộc đời rồi bất chợt nhìn ra có bóng hình kẻ thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu. Đau khổ quá, buồn quá, thất tình. Các bạn có khi nào đương đầu với nghịch cảnh là đã có chồng có vợ thoáng qua mấy năm trời có con cái bận rộn quá trời, nhìn lại một thoáng thấy người thứ ba nấp ở đằng sau lưng, khổ không? Khổ, đó là nghịch cảnh tới mà. Các bạn có khi nào đương đầu với cái nghịch cảnh của công việc làm mà không ra, tiền tìm hoài mà không có, nhà cửa thì túng thiếu, vợ chồng thì lận đận, đối đầu, cãi cọ, chẳng ấm êm, có không? Có ở trong cuộc đời. Các bạn có khi nào gặp thấy nghịch cảnh chưa bởi vì tương lai ở trong trường học đang cao rộng, bay bổng trên cái khung trời mênh mông đó rồi bất chợt đôi cánh của ước mơ gãy vụn, té xuống. Bạn có khi nào gặp nghịch cảnh là bởi vì thế mạnh, sức quyền, tiền tài, danh vọng cao lắm như một đế vương, như một vị minh quân có thế, có quyền chỉ trong chớp mắt té rầm xuống lầm lũi, trôi nổi, bỏ chạy, mất hết? Có. Trong tình trường hay trong thương trường, quyền danh thế lợi ở đời có đó gặp nghịch cảnh mất hết. Như người có nhà, có cửa gặp nghịch cảnh mất nhà, mất cửa, mất xe, thậm chí mất luôn cả chồng vợ, con cái, tan hoang hết không còn gì nữa. Có người lại đang khỏe mạnh, đang vui, bạn bè đang cười nói luyên thuyên đó đùng té xuống đi rồi hoặc nằm liệt giường suốt cuộc đời. Nghịch cảnh cay nghiệt hay nghịch cảnh nhè nhẹ như những cơn gió luôn luôn tới với mọi người thế nên trong cuộc đời cay đắng thì nhiều, ngọt bùi thì ít, hầm hố chông gai thì đầy rẫy, êm ái nhẹ nhàng trải thảm thì hiếm hoi.

Có những cái nghịch cảnh, có những cái nghịch duyên trong cuộc đời nó đưa đẩy để rồi chúng ta than rằng sao cuộc đời toàn gặp những cái nghịch duyên không à mà chẳng gặp thuận duyên. Thế Tôn dạy cho chúng ta cái thuận duyên lớn nhất của kiếp người là được có phước báu, đại nhân duyên sinh ra là người đã là thuận duyên rồi. Nhưng chúng ta mấy ai quán chiếu cái điều này chỉ nhìn những cái vụn vặt nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc đời gọi là nghịch duyên. Phật nói nếu không có cái thuận duyên lớn là phước báu thì chẳng thể làm người, tu vô lượng kiếp mới có phước báu đầy đủ để làm người, đó là thuận duyên lớn nhất ta cần phải nhìn ra để trân quý. Nhưng khi làm người ta không nhìn thấy cái thuận duyên đó nơi phước báu được làm người mà chỉ nhìn vaò những cái nghịch ý, bất như ý, không như điều mình mong cầu trong cuộc đời để rồi như đổ sập xuống, bầu trời đen tối, cảm thấy u ám nghĩ rằng nghịch duyên tạo ra nghịch cảnh quá lớn. Những cái chuyện đó mà nói ở trong đời là chuyện nhỏ, chuyện bình thường mà dân gian, trong giới trẻ ngày nay thường hay nói là nhỏ như con muỗi, có gì đâu mà phải đuổi, phải săn, phải trầm mình đau khổ. Tuổi trẻ ngày nay lại còn nói sống đi, sống cho nó chất cho nó ngây ngất cuộc đời, sống đúng chất. Sống đúng chất là phẩm hạnh của người con Phật là phải nhìn rõ được cái phước báu thuận duyên cao cả là sinh ra được làm người. Đó là đại nhân duyên, là thuận duyên, là phước báu tột cùng. Các bạn đã liệt kê hết cái danh sách của nghịch cảnh tạo ra do nghịch duyên chưa? Nhỏ có nhỏ, lớn có lớn, mười mấy tuổi đã buồn u uất rồi. Mới học làm người 15, 16 đã gặp nghịch cảnh, nghịch duyên rồi tư lự một mình, trốn lũi ở trong phòng cha mẹ kêu cũng không ra. Rồi lớn lên thấy cái gì không như ý là nghịch duyên, nghịch cảnh chất chồng là buồn, sầu, ai oán, than vãn. Để rồi ở đời được dạy thôi chấp nhận nghịch cảnh, nghịch duyên đi. Nghe có lý để rồi cứ chấp nhận, cứ lủi thủi đến lúc chấp nhận không được nữa nặng vai, nặng gánh than mệt quá chịu không nổi. Phước báu làm người là thuận duyên vô thượng tột cùng, hiểu được điều đó, suy nghĩ đi ta sẽ thấy hạnh phúc vô cùng. Bởi khi phước báu được làm người và rồi phước báu nữa trong cái sự thuận duyên nghe được lời Phật là đại nhân duyên, là thuận duyên chẳng phải nghịch duyên đâu. Những cái nghịch duyên kia chỉ là những con bụi gió nó đi qua. Nhưng bụi nào có thể bay mãi trong cuộc đời, gió nào có thể thổi mãi đâu. Thuận duyên tới để được cuộc đời làm người, thuận duyên lại tới để ta được học pháp của Phật.

Đức Phật dạy trong cuộc đời này không phải những cái chấp nhận được là nghịch duyên mà phải nhìn nhận nó chứ không chấp nhận. Chấp nhận là bó tay, là đầu hàng thôi ta phải chấp nhận để chịu khổ, không phải vậy. Nhìn nhận và thấy rõ được bản chất của nghịch duyên tới từ đâu chứ không chấp nhận. Thấy được nó, nhận diện được nó để chuyển hóa nghịch thành thuận. Trong đạo Phật, Đức Thế Tôn không dạy phải chấp nhận để rồi người ta an bài cuộc sống cho chúng ta như những cái luật trong cuộc sống. Thời Đức Phật người ta chia ra từng tầng giai cấp, giai cấp cao, giai cấp thấp, giai cấp hạ hạ đẳng để rồi chấp nhận nó như một cái nghịch duyên đã được an bài. Từ cái nghịch duyên mà chúng ta học chấp nhận đó chúng ta chấp nhận số mệnh, chấp nhận số phận, chấp nhận sự xếp đặt để rồi sản sinh ra cái tôn giáo là có đấng thần linh an bài, ta phải chấp nhận. Đạo Phật không dạy chúng ta chấp nhận, đạo Phật dạy cho chúng ta nhìn nhận ra được cái chân lý nghịch duyên tới từ đâu để tạo ra cái nghịch cảnh từ đó chuyển hóa nghịch thành thuận. Đạo Phật là đạo chuyển hóa, hiểu rõ được cái nghịch duyên tạo ra nghịch cảnh đó tới từ đâu để chuyển hóa. Có nghĩa Đức Phật đã dạy cho chúng ta, chúng ta làm chủ được vận mạng để tạo ra nghịch hay là thuận là ta chứ không ai để rồi tới nghe một vị thầy bói, thầy tướng hoặc một vị kinh dịch nào đó nói an bài thôi, số phận anh sinh ra đã như vậy rồi, được định đoạt rồi chấp nhận đi. Mà đúng ở trên đời có nhiều người và có nhiều xã hội đã tạo ra những cái chân lý, triết lý để an bài cho người khác  phải chấp nhận để họ thống trị để họ đè bẹp xuống. Và trong cuộc đời hầu như ta bị ảnh hưởng nên chấp nhận nghịch duyên và nghịch cảnh cho nên vua của vô minh đó là ma quỷ, là địa ngục, là thống trị và cai trị và chúng ta đã trở thành nô lệ cho số mệnh được đặt để bởi những cái ý tưởng triết học được gọi là nền minh triết của quỷ vương để chúng ta mang cả cuộc đời chấp nhận số mệnh. Đức Phật không như vậy, ngài tới và ngài chỉ cho chúng ta là chúng ta đã chấp nhận những nền triết học, những chân lý của quỷ vương để chấp nhận số phận, mệnh số để van xin, để cầu khẩn. Để rồi nô lệ cho tới đời này kiếp này cho tới đời sau kiếp sau trong sự đau khổ của tối tăm luân hồi sáu nẻo. Đức Phật tới khai thông và dạy cho chúng ta thấy được chân lý nghịch duyên thì chúng ta phải nhìn cho rõ tại sao, do ai tạo ra? Ta, ta tạo ra nghịch duyên để nghịch cảnh nó tới thì ta cũng có thể tạo ra sự thuận duyên để phước báu tới. Điều này Đức Phật đã khai thị bởi ngài là bậc giác ngộ, nhìn rõ, thấu hiểu nên chỉ dạy cho chúng ta.

Khi các bạn hiểu rõ được điều đó các bạn sẽ không còn sợ hãi trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời tới do cái nghịch duyên nó tạo ra. Mà các bạn lại thích thú vô cùng khi nghịch cảnh tới các bạn lại anh hùng nhìn thẳng trực diện nhìn thấu, nhìn rõ, quán chiếu để nhận ra được cái nghịch cảnh do cái nghịch duyên tạo ra bởi nguyên nhân nào. Để rồi đặt bàn tay xoay chuyển như có sức thần thông tạo nghịch cảnh biến thành thuận, tạo nghịch duyên biến thành thuận duyên. Chúng ta có cái pháp lực cao siêu nhiệm mầu như vậy, đây là thần thông bậc nhất của cái thuận duyên sinh ra làm người và của cái thuận duyên được học pháp của bậc giác ngộ. Bảo Thành và các bạn có thần thông vi diệu, nếu như các bạn học đúng lời của Phật để mỗi khi nghịch cảnh tới trong cuộc đời các bạn chỉ xoay một cái là thành thuận ngay. Nghịch duyên tới xoay một cái là thành thuận duyên, tai họa tới xoay một cái là tạo ra phước báu. Vần xoay trong cõi người ta, nghịch duyên đã hết có chi mà ngồi đó để chúng ta cứ chịu đựng như một sự an bài của thượng đế, sự an bài của định luật để chấp nhận số mệnh, số phận suốt cuộc đời, bán mình, nô lệ cho những cái nền minh triết của ma vương. Tại vì ma vương nó lồng vào những cái từ ngữ cao siêu quá, minh triết cao siêu nhưng là của ma quỷ bởi vì nó là tăm tối vô minh, của cái kiến thức không có, lầm lẫn đó tạo ra những cái ý tưởng số mệnh, chấp nhận. Nếu Đức Phật dạy cho chúng ta phải chấp nhận nghịch cảnh và nghịch duyên thì chẳng có gì phải theo ngài nữa đâu. Tại vì cuộc đời sinh ra như vậy, cứ chấp nhận như vậy cho tới chết thì chúng ta có cần Đức Phật nữa hay không? Đức Phật nhìn thấy ở trong cuộc đời nhiều nghịch duyên tạo ra nhiều nghịch cảnh sanh lão bệnh tử và chướng duyên đau khổ. Chính vì thế mà ngài đi tìm con đường để chiến thắng mọi cái đau khổ đó do cái nguyên nhân của nghịch duyên tạo ra cái nghịch cảnh như sanh lão bệnh tử, khổ buồn, sầu muộn, bi ai, đau đớn, hơn thua, tranh chấp. Hiểu được cái nguyên nhân đó rồi ngài tìm ra hóa ra nghịch duyên trong cuộc đời tới như vậy bởi vì ngài là người đầu tiên, là nhà bác học tư tưởng đầu tiên nhìn thấu vào cái chân lý tạo ra nghịch duyên và nghịch cảnh. Nhà bác học Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã tìm thấy cái dòng tâm thức của con người, hành động, hành vi, những cái tư tưởng, lời nói đã vun đầy lên những cái nghịch duyên đó trong cuộc đời. Để rồi cũng dùng những cái tư tưởng, hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng đó để mà san bằng hầm hố chông gai, nghịch cảnh, nghịch duyên chính ta đã tạo ra. Chứ không phải quỳ xuống lạy mà để được.

Các bạn, đây chính là chân lý Đức Phật do vậy khi các bạn gặp nghịch cảnh, các bạn gặp nghịch duyên, để chuyển hóa cái nghịch duyên này chúng ta phải theo lời Phật là hãy tập nhìn nó khi nó tới, đón nhận nó, nhìn nó nhưng không chấp nhận. Đón nhận, nhìn để hiểu, để thấu bởi tất cả mọi nghịch duyên tới với chúng ta tạo ra nghịch cảnh trong cuộc đời đều là những cái thói quen xấu tạo ra cuộc sống xấu, con người xấu để có những cái nghịch cảnh lui tới trong cuộc đời bởi do những cái nghịch duyên tạo ra do chính những cái hành động xấu mà thôi. Còn môi trường tốt, thói quen tốt tạo thành con người tốt, hành vi tốt, nghĩa cử tốt, tư tưởng tốt thì luôn có thuận duyên tới với cuộc đời, chân lý ngay chỗ đó. Nhìn thấu được cuộc đời theo Đức Phật dạy nó là vô thường sanh diệt nổi trôi trong cái dòng nhân duyên của thuận nghịch do chính ta tạo. Nếu ta tạo ra những phước báu tốt trong những lời dạy của Đức Phật như hành động từ thiện, nâng cao phẩm chất con người, hiểu rõ vô thường bất tịnh, quán chiếu hơi thở, an trú trong Chánh Niệm từ bi thì chúng ta tạo được cái sự sáng của tinh thần nhìn và hiểu thấu vạn duyên sanh khởi. Từ đó chúng ta làm chủ vận mạng, số phận của mình, tạo ra những phước báu để tăng trưởng phước duyên thuận để chúng ta không còn gặp nghịch cảnh. Hoặc khi nghịch cảnh tới như gió ngược chiều thì biết căng buồm đưa thuyền về tới đích, có gì để sợ. Người thông thái là người hiểu được chân lý của Phật, người khôn ngoan là biết chuẩn bị sẵn sàng mọi vốn liếng, kiến thức, tịnh tài theo cái giáo trình Đức Phật đã dạy để nhìn rõ cuộc đời bất tịnh, để nhìn rõ cuộc đời vô thường tới lui liên tục.

 Ai mà không gặp nghịch duyên, nghịch cảnh, cuộc đời đã có, chúng ta cũng có. Và nhìn vào cuộc sống của Đức Phật ngài cũng gặp biết bao nhiêu nghịch duyên như người anh em họ là ông Đề Bà Đạt Đa theo suốt cuộc đời ám hại Phật, câu kết với không biết bao nhiêu vị vua để sát hại Phật, giết hại cả dòng dõi của Đức Phật Thích Ca. Rồi đeo đuổi, liên kết thả voi, thả đá hãm hại đủ điều. Đức Phật nhìn cái nghịch duyên đó là gì? Là những cái đối tượng để mang cái tâm từ san sẻ. Chúng ta khi nhìn thấy những nghịch duyên trong cuộc đời nhìn rõ chính trong cái sự nghịch duyên, cái sự nghịch cảnh đó chúng ta phát triển lòng từ tâm và lòng bao dung để ươm vào trong nghịch cảnh, nghịch duyên những chủng tử thiện lành với tâm từ. Để rồi an trú trong hơi thở vào ra phát triển cái tâm từ đó biến nó thành một cái ruộng phước điền mênh mông vô tận. Người học Phật là người phải biết nhìn nhận nghịch cảnh, nghịch duyên tới từ những chủng tử bất thiện do ta tạo ra. Phật cũng trực diện điều đó, nghịch duyên vì bệnh hoạn Phật cũng đối diện với nó bởi trong quá khứ ngài tạo ra cái ác duyên là lấy gậy đập vô đầu con cá vậy mà Phật đã bị đau đầu ba lần. Đó, nghịch duyên đó Phật đã nhìn rõ chính do ngài tạo ra nên ngài an trú trong lòng từ bi để rồi chuyển hóa nó thành thuận duyên an vui. Nói về nghịch duyên không có cơm ăn áo mặc, một thời an cư Đức Phật phải ăn cơm, ăn đồ ăn của trâu ngựa bởi nghịch duyên nó tới, không có đồ ăn trong mùa an cư phải ăn đồ của gia súc. Thế Tôn mà còn gặp nghịch duyên ăn đồ của gia súc thì huống hồ chi các bạn gặp cảnh cơm không có, áo không có, nước không uống được thì hãy nhớ Thế Tôn đã từng trải qua. Nhưng ngài nhìn cái nghịch cảnh đó do cái nghịch duyên nhìn thấu đó mà tăng trưởng tâm từ an cư trong ba tháng đó dù phải ăn đồ của gia súc. Thế Tôn gặp thật là nhiều lắm. Gặp người phản bội, nghịch duyên trong tình bạn hoặc người dưng phản bội, vu khống hàm oan, chuốc thuốc độc cho chết, chửi bới ngài, gièm pha ngài, sát hại ngài. Nhưng Phật đã chuyển hóa ngay cả găp kẻ cướp vác dao, vác giáo mà đâm giết Phật, Phật vẫn ung dung tự tại chuyển hóa cái nghịch duyên đó để biến thù thành bạn và trở thành đệ tử.     

Các bạn thân mến, các vị Phật, Bồ Tát ai cũng phải trải qua nghịch duyên. Nếu học trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo thật ra đệ tử của Phật cũng gặp nghịch duyên, các bậc tổ cũng gặp biết bao nhiêu nghịch duyên nhưng tâm thái của các đấng đó khác chúng ta bởi các ngài nhìn rõ được lời Phật dạy không chấp nhận số mệnh, không chấp nhận nghịch cảnh, nghịch duyên. Mà các ngài nhìn rõ để chuyển hóa nghịch cảnh do cái nghịch duyên tạo ra bởi cái ác pháp ta tạo nhiều đời bằng quán chiếu cái sự bất tịnh, sanh diệt trong từng hơi thở để phát triển lòng từ bi nhìn rõ cái dòng đời vô thường lui tới, không có cái gì tồn tại mãi. Cho nên khi nghịch duyên tạo ra nghịch cảnh tới lui trong cuộc đời của các bạn, các bạn chỉ cần bình tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở đương đầu, nhận diện, nhìn rõ như một khoa học gia cố gắng khám phá ra nó, nguyên nhân là gì thì các bạn sẽ phát triển được kiến thức để học hỏi, để tăng trưởng kiến thức suy nghĩ để tiến tới cái hành động có sự chuẩn bị sẽ đưa đến sự thành công. Bởi nghịch duyên tới trong cuộc đời đó la do cái nghiệp của chúng ta có thể bất chợt nó tới nhưng nhìn rõ chuyển hóa được hoặc tạo cho chúng ta rơi vào cái hoàn cảnh để không có đầy đủ kiến thức sẵn sàng cho cái công việc đó, cho sự việc đó khi nó xảy ra cho nên ta mù kiến thức. Đó chính là cái nghiệp duyên tại ta không trao dồi kiến thức tinh tấn tu học. Nên không phải là nhà buôn cũng đi buôn thất bại thì gọi là nghịch cảnh, không phải là nhà kinh tế cũng đi làm kinh tế thất bại gọi là nghịch cảnh, nghịch duyên nhưng thực ra đó là mù kiến thức trong kinh tế học. Chúng ta mù kiến thức của nhà Phật cho nên không ứng dụng kịp thời để tăng trưởng kiến thức hiện thời trong đời sống để rồi cái chuyện gì xảy ra cũng đổ thừa nghịch duyên, nghịch cảnh. Chứ không nhìn nhận nó, nhìn rõ nó, thấy nó để chuyển hóa. Trong chuyện tình cảm vợ chồng khi xảy ra có người thứ ba, thứ tư xen vào ta gọi là nghịch cảnh, nghịch duyên, chướng nghiệp. Nhưng chúng ta không nhìn nhận thẳng vào vấn đề cuộc sống của vợ chồng có vấn đề gì đây để sửa, xây dựng mà chúng ta hầu hết đổ thừa cho một phía. À bởi vì anh, bởi vì cô không giữ được sự chung thủy, đã như vầy, đã như kia. Nhưng chúng ta không nhìn lại cuộc đời đã đi tới cái điểm này là do vì sao. Rồi đến tình cảm cha mẹ nghịch duyên nói con cái không nghe ta đổ thừa khắc khẩu con nó không chịu nghe chứ ta không nhìn rõ, quán chiếu cho thật thấu là hành vi, nghĩa cử, sự giáo dục của ta với con cái như thế nào để rồi con nó không nghe. Biết bao nhiêu những cái gọi là nghịch cảnh, chướng duyên, nghịch duyên xảy ra ở đời ta chỉ mù kiến thức về Phật học bởi không trao dồi kiến thức trong cuộc sống, kiến thức về kinh tế, kiến thức về khoa học, kiến thức về xã hội, nghệ thuật sống, nghệ thuật đối xử, nghệ thuật sống trong tình nghĩa vợ chồng trong gia đình, nghệ thuật giáo dục con cái. Ta thiếu, ta không chịu học để rồi ta đổ thừa cho cái gọi là nghịch duyên, chướng nghiệp, nghịch cảnh. Đức Phật dạy nhìn rõ để thấy, tăng trưởng kiến thức và nghệ thuật sống trong cái tánh thiện lành vốn có. Nếu các bạn hiểu thấu được lời Phật dạy, chân lý của Phật dạy dòng đời bất tịnh vô thường sanh diệt nên trụ vào trong hơi thở Chánh niệm từ bi ta sẽ tăng trưởng được cái nhìn Nhân Quả. Để từ đó chúng ta không khép mình chấp nhận số phận hay nghịch cảnh, nghịch duyên mà nhìn nhận, đón nhận, thấu rõ, hiểu để xoay chuyển nó và rồi tăng trưởng kiến thức sống ở đời. Để thành tựu về kinh tế, thành tựu về điều ước mơ mình mong muốn, thành tựu được tình cảm chung thủy bền chặt hay thành tựu được sự giáo dục trong gia đình hay kiến thức về mọi phương diện trong cuộc sống. Nếu chúng ta tăng trưởng kiến thức đó xác suất thành công và nghịch cảnh lui tới nó chỉ là chuyện bình thường để tăng trưởng sức mạnh cho chúng ta vượt qua mà thôi, không còn sợ nữa.

Các bạn, chuyển hóa nghịch duyên, liệt kê nghịch duyên trong nghịch cảnh thì nhiều quá, tóm lại để chuyển hóa nghịch duyên này Phật dạy chúng ta không chấp nhận nghịch duyên này như một cái nghịch cảnh lui tới để phải an bài cuộc đời dưới cái hoàn cảnh như vậy. Mà chúng ta hãy dũng mãnh lên, hít vào thở ra, phát triển tâm từ nhìn dòng đời nổi trôi vô thường sanh diệt tới lui quán chiếu Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, các bậc Cổ Đức, bậc Tổ đều phải trải qua những nghịch cảnh trong cuộc đời. Nhưng tâm thái của các ngài không chấp nhận số phận bởi Đức Phật đã dạy những cái đó đều do ta nên đứng dậy mà chuyển hóa, gội rửa. Cho nên hãy tăng trưởng Chánh Niệm hơi thở và lòng từ bi, các pháp thiện lành để có được cái kiến thức sâu rộng nhìn rõ cái cảnh giới vô thường sanh diệt lui tới. Để từ đó khi nghịch cảnh do nghịch duyên lui tới trong cuộc đời ta nhìn rõ, nhìn thấu, hiểu ra nguyên nhân tăng trưởng tầm nhìn của kiến thức cần phải có để ứng xử phù hợp và trang bị cái hành trang đầy đủ nhất để đối ứng với mọi tình huống xảy ra. Nếu có sự chuẩn bị như vậy nhất định các bạn sẽ thành công dù nghịch cảnh có tới với các bạn. Cái gương này cũng có mà, Đức Phật cả cuộc đời bị ông Đề Bà Đạt Đa theo đuổi sát vách, sát lưng, sát tường, đủ mọi giây, mọi phút để hãm hại vậy mà ngài vẫn thường trụ trong cái sự tự tại. Các bậc tổ cũng như vậy, ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên, ông Ca Diếp, tất cả những thầy đó ngay cả thầy A Nan cũng thế đều phải trải qua biết bao nhiêu những cái nghịch duyên, nghịch cảnh nhưng các ngài đều thành tựu được pháp an lạc. Và ở trong gia đình của chúng ta, nhất định cũng đã từng chứng kiến cha mẹ của mình, ông bà của mình, đã trải qua biết bao nhiêu nghịch cảnh thăng trầm. Vào cuối thế kỷ 20 biết bao nhiêu con người mất hết tất cả, bị rơi vào vùng sâu, vùng tối tăm của sự không còn gì, nghịch cảnh đen tối nhất trong dòng lịch sử của Việt Nam. Vậy mà các đấng bậc đó cũng có thể vươn lên để trưởng thành, sống vững chãi để ngày nay con cháu chúng ta như vầy. Đấng bậc sinh thành, cha mẹ chúng ta đâu có chấp nhận cái nghịch cảnh đó, cái nhân duyên đó, nếu các ngài chấp nhận chắc có lẽ chúng ta không có được cuộc sống như ngày hôm nay. Các đấng bậc sinh thành, ông bà, cha mẹ của chúng ta đã nhìn thấu, nhìn rõ và hiểu được chân lý của Phật nên đứng dậy đội trời đạp đất mà đi cho nên có được cuộc sống ngày hôm nay cho chúng ta tận hưởng phước báu. Sống ở trên đời đã có thân người đừng cầu không bệnh bởi như vậy sẽ sinh ra nhiễm vào cái tâm ái, trọng cái đời sống này. Sống ở trên đời là đừng cầu không có những cái nghịch cảnh bởi như vậy sẽ tự cao, tự mãn. Sống ở trên đời đừng cầu không có bạn gieo rắc những cái sự thị phi, trái ngược bởi như vậy ta sẽ trở thành người thiếu tự tin trong cuộc sống. Sống theo lời Phật là sống không phải chấp nhận, sống để nhìn thấu, nhìn rõ, hiểu để chuyển hóa, học theo Phật rồi không có vấn đề. Cho nên các bạn nhớ:

Nghịch duyên là nợ đã vay

Cái nợ đó là do chướng nghiệp, do bất thiện nghiệp ta tạo ra cho nên nghịch duyên là nợ đã vay, ta vay chính ta.

Để nay trả quả mới hay tội tình                

Nay nó tới ta trả, ta mới hay tội tình ta tạo ra.

Phải lo tu dưỡng tâm linh

Ăn năn sám hối cải mình sửa sai.

Các bạn, hãy sống với cái lời dạy của chư Phật để đừng như cái sự hướng dẫn của người khác chấp nhận nghịch cảnh, chấp nhận cái nghịch duyên, chấp nhận số mệnh như sự an bài. Không, ta không chấp nhận nghịch cảnh, không chấp nhận nghịch duyên, không chấp nhận số mệnh và sự an bài. Bởi tất cả những điều gọi như thế đều do chính ta tạo ra và nếu chúng ta tạo ra được ta có thể chuyển hóa và thay đổi, đó chính là lời Phật dạy. Căn bản vẫn trở về với đời sống hiểu rõ dòng đời là vô thường sanh diệt nên phải trụ vào trong Chánh Niệm hơi thở phát triển lòng từ bi để có cái khả năng, kiến thức nhìn rõ mọi nghịch cảnh khi nó tạo ra do nghịch duyên. Chúng ta chuyển hóa tận gốc để có một đời sống an vui và hạnh phúc. Các bạn nhớ

Nghịch duyên là nợ đã vay

Đến nay trả quả mới hay tội tình

Phải lo tu dưỡng tâm linh

Ăn năn sám hối cải mình sửa sai.

Chúng ta hãy thành tâm và chân thật với chính mình, nhìn rõ, nhìn thấu, nhìn cho hiểu rồi chuyển hóa tất cả mọi nghịch cảnh do nghịch duyên tạo ra tới lui trong cuộc đời hầu có được hạnh phúc, sự an lạc mỗi ngày trong cuộc sống.

Cám ơn các bạn đã nghe!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts