Search

Đường chánh pháp luôn dẫy đầy chướng ngại 

Một bước đi bao cạm bẫy chực chờ 

Ngàn cám dỗ, vạn gièm pha tác quái 

Hạnh bồ đề bất thối chuyển tâm như.

Các bạn, trong cuộc đời của chúng ta ai ai cũng có những hàn ngàn cái ước mơ cao đẹp, ai ai cũng có những cơn mộng thật là tuyệt vời và ai cũng có những cái niềm khao khát để thực hiện trong cuộc sống. Biết bao nhiêu ước mơ, niềm khao khát là biết bao nhiêu công sức chúng ta bỏ ra để mong muốn có được cái điều đó. Có thể chỉ là sức lực ngồi mà mơ thôi cũng là sức, cũng có thể là sức lực và kiến thức bỏ ra đầu tư để biến nó thành sự thật. Tuy nhiên có những công chuyện chúng ta làm lưng chừng chúng ta bỏ cuộc, có những chuyện chúng ta theo đuổi một thời gian ta sợ hãi, chán nản, ta ngừng. Và dĩ nhiên mỗi người chúng ta luôn luôn có một sự trải nghiệm như vậy, ít nhiều gì thì Bảo Thành và các bạn cũng từng trải qua những cái cuộc gọi là đầu hàng, bó tay, chấp nhận thất bại không bước nữa bởi chúng ta có cái tâm thối chuyển. Mà chủ đề các bạn chia sẻ ngày hôm nay đó là “bất thối chuyển” tức là cái tâm trước sau như một, có cái sự kiên định không thay đổi khi đã xác định, xác minh vấn đề ước nguyện vẫn muốn làm. Nhưng ở trên đời không phải vậy bởi vì các bạn và Bảo Thành đã từng bỏ cuộc, sau khi xác định được cái hướng đi, cái điều mơ ước là một, hai, ba ngày là ta bỏ cuộc, không có trước sau như một, không có kiên định trong cuộc sống, dễ thay đổi. Bởi cuộc đời đổi thay, thay đổi liên tục, ta cứ gặp gỡ những người thay lòng đổi dạ, ta tiếp xúc với những con người thay đổi liên tục, tâm họ không định cho nên ta cũng ảnh hưởng. Môi trường sống rất quan trọng, tâm bất thối chuyển hay có được một cái tinh thần thép không có bị thay đổi bởi những cái nghịch cảnh cũng như hoàn cảnh ở bên ngoài cần phải có sự rèn luyện và tu tập. Nếu không các bạn và Bảo Thành rất dễ bỏ cuộc và có cái tâm thối chuyển, không có vững chãi làm sao có được cái tâm gọi là chánh định của nhà Phật, nếu cứ thay đổi sao có chánh định?

Các bạn thân mến, trở về kinh nghiệm thực tế của Bảo Thành thôi, các bạn nhìn trên màn ảnh nếu các bạn nhìn vào chắc có lẽ gọi là bên tay trái một cô người Mỹ tên là Eileen. Cô gặp Bảo Thành cũng một thời gian qua rồi, để hướng dẫn cho cô có thể tụng niệm kinh Phật bằng tiếng Việt là một điều rất khó bởi vì để như vậy phải dạy tiếng Việt cho cô hiểu, Bảo Thành không có thời gian. Thế nên đối với cô, cái đó thật là khó, học tiếng việt y như mình học nói tiếng mỹ, Bảo Thành nói tiếng mỹ không có rành, học vậy mà cái lưỡi nó muốn trẹo một bên, nói đi nói lại vẫn sai hoài, phát ngôn họ cũng chưa hiểu. Huống hồ chi đọc tụng kinh bằng tiếng việt, âm hán rồi âm việt, đối với người mỹ khó lắm. Vậy mà cô không bao giờ sợ hãi, với cái tâm bất thối chuyển tức là có sự kiên nhẫn tin tưởng vào giáo pháp của Phật, tin tưởng vào cái người thầy hướng dẫn cho mình. Để rồi cô Eileen và sư cô Bảo Cơ đều là hai người ngoại quốc tụng được tiếng việt, nghe cũng êm tai, cũng hay, nghe được, thích lắm. Bảo Thành rất thích bởi vì có cái tâm không bao giờ lung lay trước những thử thách của một thể loại ngôn ngữ mới, nơi tôn giáo mới họ đi theo, các kinh sách cô đều đọc được, nghe kỹ chúng ta thấy rõ hiểu được. Đó là cái tâm bất thối chuyển. Sống trong đất nước này, bao nhiêu chuyện phải làm, bao nhiêu sinh hoạt tới hàng ngày nhưng cô vẫn kiên nhẫn học hỏi, không bao giờ bó tay đầu hàng. Bởi vậy trong những buổi tu tập như vầy các bạn thấy cô Eileen và sư cô Bảo Cơ vẫn tụng kinh ngon, nghe lọt lỗ tai, phải không các bạn.

Bảo Thành lấy một cái ví dụ đơn thuần, thực tế trong cuộc đời như vầy để dẫn chứng đi vào. Chúng ta, những người nói đến cái xã hội này biết bao nhiêu những ước mơ của cuộc đời, công việc, sự đối xử, bạn bè, giao tế, hành xử đôi khi chúng ta bỏ cuộc là bởi vì nó không đi tới đâu khi đã thử dùng cái thời gian, sức lực nhưng không thành công. Điều đó có thể nói là bởi vì chúng ta chưa nắm vững được những điều Phật dạy, nay nói đến trên con đường học đạo, các bạn dễ bỏ cuộc. Bởi lời giáo lý của chư Phật thì sống động nhưng các bạn chưa thể ứng dụng bởi chưa nghe rằng lời của Phật là chân lý đi mãi vào trong mọi ngóc ngách sinh hoạt cuộc đời. Mà cứ lầm tưởng lời của Phật thật là khô, kinh điển tụng niệm hàng ngày ở chùa mà thôi. Đâu có ngờ lời Phật đi vào tất cả mọi sinh hoạt cuộc đời từ suy nghĩ, sinh hoạt của tinh thần, đời sống vật chất, sinh hoạt giữa giao tế giữa con người, sinh hoạt giữa cộng đồng xã hội, sinh hoạt dưới muôn hình vạn trạng đều có thể ứng dụng chân lý của Phật vào đời sống rất người của chúng ta. Chúng ta quên, chúng ta không nghĩ như vậy cho nên trên con đường học Phật chúng ta đã bị thối chuyển không vững vàng, không giữ cái tâm kiên định để đi tới mà dễ bỏ cuộc lưng chừng. Các bạn, không phải chỉ có giáo lý Phật giáo đâu, không phải chỉ có con đường học Phật là phải ứng dụng lời Phật vào sẽ thành công. Mà ngay ở trên đường đời từ việc làm ăn, quan hệ xã hội, vợ chồng, nhân quần xã hội, quan hệ cộng đồng từ những việc lớn, việc nhỏ giữa vấn đề giáo dục gia đình, tiếp cận con cái hoặc hiếu đạo với cha mẹ ứng dụng bốn cái điều này vào chúng ta sẽ thành công trên con đường học đạo và thành công trong cuộc đời. Để có được cái tâm bất thối chuyển có nghĩa để có được cái tâm không bị lung lay vững chãi hay nói đúng hơn là có cái lập trường chắc chắn thực hiện những điều mình mơ ước đặc biệt trên con đường học đạo chúng ta phải luôn luôn rèn luyện bốn cái điều này trong cuộc sống của chúng ta.

Điều thứ nhất mà Đức Phật khuyên mọi người là luôn luôn phải kề cận và tiếp xúc với những bậc thiện tri thức. Điều này đúng trên con đường học đạo và ở đời. Người mà ta giao du, tiếp xúc, gần gũi rất quan trọng trong cuộc sống, họ có thể nói một lời ta bỏ cuộc, họ có thể nói một lời để sách tấn chúng ta vươn lên. Nếu gặp những bậc thiện tri thức tức là những người có kiến thức, có tình thương, có cái tuệ giác hiểu rõ họ luôn khuyến khích chúng ta vươn lên, họ chỉ có chúng ta từng bước để vươn lên. Còn nếu như chúng ta chơi với những người mà có cái tâm ác, có cái tâm luôn luôn muốn bỏ cuộc, gần mực thì đen gần đèn thì sáng thì ngôn ngữ, đời sống và sự tiếp xúc của họ đối với ta là một màn đêm bao trùm ta không thấy đường để tiến lên, ta sẽ bỏ cuộc. Cho nên Phật khuyên trên con đường học đạo hoặc trong cuộc sống hàng ngày người Phật tử tại gia chúng ta luôn luôn phải tiếp xúc và kề cận với những bậc thiện tri thức. Không nên tiếp xúc với những người có kiến thức nhưng tâm họ ác bởi người có kiến thức mà tâm mưu mô, ác độc thì người đó luôn luôn xúi giục chúng ta đi vào con đường tội lỗi và dễ bỏ cuộc trên cái hành trình đi tìm chân lý cũng như trong cuộc sống đi tìm cái lẽ sống ở đời. Cho nên điều thứ nhất này chúng ta phải xác minh cụ thể là Phật tử tại gia dù là công việc của đời người hay trên con đường học đạo phải luôn luôn tìm gặp và tiếp xúc với những bậc thiện tri thức tức là người hiền lành, lương thiện và có kiến thức. Điều này đúng ở trong cuộc đời, khi chúng ta mới sinh ra chúng ta luôn luôn tiếp xúc với bậc thiện nhân có tri thức đó là cha mẹ, đấng bậc sinh thành. Và từ đó cha mẹ là những bậc thiện tri thức đầu tiên giáo dưỡng chúng ta đi vào đời kế đến là thầy cô và những bậc trưởng lão ở đời cũng như trong đạo để chúng ta đi trên con đường đó. Nếu chúng ta cứ gần gũi với những bậc đó thì chúng ta sẽ được nuôi dưỡng tinh thần mà vươn lên không bị gièm pha, chê bai làm nhụt chí mà bỏ cuộc, bó tay. Nếu các bạn là những người đã từng bỏ cuộc, bó tay trong cái hành trình của đời sống làm người hoặc trên cái hành trình học đạo của Phật tử tại gia các bạn phải coi lại coi các bạn có gần gũi bậc thiện tri thức không. Hay khoảng cách giữa các bạn và thiện tri thức đó quá xa, ngàn dặm trùng xa không thể lui tới như vậy các bạn dễ bỏ cuộc là đúng, cái tâm thối chuyển là đúng. Làm sao có được tâm bất thối chuyển, làm sao có lập trường kiên định đi trên con đường thành tựu ước mơ về đạo, về đời. Đức Phật dạy chân lý hòa hợp giữa đạo và đời có thể ứng dụng để thành tựu cuộc sống hạnh phúc an vui, đầy đủ về mọi phương diện, thành công những điều mơ ước. Và trên con đường đạo cũng thành công được cái sự ước muốn, hạnh phúc của mình. Cho nên các bạn hãy coi lại cái khoảng cách giữa bạn và những bậc thiện tri thức ở trong đời là gần hay xa. Nếu các bạn không có bậc thiện tri thức ở trong đời hãy cố gắng nghiên cứu tìm tòi để có được nhân duyên tiếp cận thiện tri thức mà các bạn tin tưởng. Rồi nên gần gũi với bậc đó như người gần ánh sáng sẽ được sáng, gần mực sẽ đen. Cho nên nếu các bạn giao du với những bạn không tốt, những người không tốt, không có tâm thiện, không có kiến thức thì người đó dễ dẫn các bạn lầm đường, lạc lối, bỏ cuộc, chơi vơi giữa đời. Để có cái tâm bất thối chuyển hay có một cái lập trường trong cuộc sống chúng ta phải luôn luôn tiếp xúc và kề cận bậc thiện tri thức, đó là điều tối cần.

Cái điều thứ hai là luôn luôn phải biết lắng nghe những điều đúng, tốt đẹp ở đời để xây dựng cuộc sống. Còn về đạo luôn luôn biết lắng nghe kinh điển của Phật để học hỏi. Còn ở đời mà không lắng nghe những điều hay lẽ phải ở đời chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc bởi không có lập trường đâu, vì sao? Vì không có kiến thức để thành tựu, không lắng nghe để học hỏi thì làm sao đi đến sự thành công. Còn trên con đường đạo nếu không lắng nghe và đọc kinh của Phật, lời giáo huấn của Phật sao mà đủ kiến thức Phật pháp. Chúng ta mù Phật pháp, chúng ta thiếu kiến thức Phật pháp chúng ta tu đạo giải thoát dễ bỏ cuộc. Do đó các bạn, chúng ta thường hay bỏ cuộc là bởi không hay tiếp xúc với người thiện tri thức, không chịu học, đọc những kiến thức của Đức Phật trao truyền cho chúng ta cũng như kiến thức của những bậc có cái tâm thiện dạy cho chúng ta cách sống trong cuộc đời. Cho nên chuyện đời cũng như chuyện đạo, chúng ta thường hay bỏ cuộc không có cái sự kiên nhẫn, vững chãi. Do đó, ở hai điều này chúng ta phải xác quyết cho thật rõ là phải luôn luôn ở đời cũng như đạo ta phải luôn luôn tiếp xúc với bậc thiện tri thức. Nếu các bạn gần gũi với người không phải thiện tri thức, hướng dẫn sai các bạn sẽ lầm đường, lạc lối và khi nhận ra thì lại quá trễ hoặc là uổng cả cuộc đời đi theo con đường đó. Do vậy mà trong suốt chiều dài mà chúng ta sống ở trên đời cha mẹ, ông bà thường nhắc hãy chọn bạn mà chơi và trên con đường đạo Đức Phật cũng nhắc nhở hãy tiếp xúc và gần gũi với những bậc thiện tri thức. Các bạn, con đường ở đời cũng như học đạo đừng vội vội vàng vàng thấy nghe những điều hợp nhĩ căn, hợp với suy nghĩ của mình để rồi tưởng rằng bậc đó là thiện tri thức, coi chừng lầm bởi Phật dạy phải có tư duy. Sau khi chánh tư duy thật là kĩ những lời nói của một vì nào đó và chúng ta đã tìm hiểu cặn kẽ, thấu được người đó là thiện tri thức. Lúc đó ta tiếp cận, gần gũi để ảnh hưởng cái tâm thiện và tri thức của vị đó để chúng ta tiến lên và được nghe nhắc nhở về kinh điển cũng như hướng dẫn cách chúng ta tìm hiểu Phật cũng như kinh nghiệm, kiến thức ở đời để không bỏ cuộc giữa chừng và không lầm đường lạc lối. Hai điều này chúng ta phải nhớ.

Điều thứ ba là chúng ta phải luôn luôn phát triển tâm thiện lành, hướng thiện, hướng thượng rất quan trọng. Chính cái điều ta gần với bậc thiện tri thức nghe kinh, đọc sách, lời của Đức Phật cũng như học hỏi kinh nghiệm tốt từ những bậc có cái tâm thiện ta phải có cái tâm hướng thiện, thiện lành, hướng thượng thì chúng ta sẽ không bỏ cuộc, có được cái định lực. Còn tâm hướng đến cái điều ác chúng ta dễ bỏ cuộc bởi cái năng lượng bất thiện thường xui khiến, chiêu cảm những cái phần xấu đến với chúng ta để rồi chúng ta luôn luôn bỏ cuộc trong mọi công việc của cuộc đời nhất là trên con đường đạo. Nếu các bạn đang tu tập là Phật tử tại gia các bạn không có cái tâm hướng thiện, hướng thượng thì các bạn sẽ chiêu cảm tâm bất thiện. Nó sẽ làm đứng trệ tư tưởng và ngăn cản bước tiến trên con đường học Phật. Nếu các bạn đang giãi đãi thì cái điều đó các bạn phải suy nghĩ lại chính là do các bạn chưa phát triển tâm thiện lành, hướng thượng, chưa nuôi dưỡng. Bảo Thành nhắc lại có 4 yếu tố chúng ta luôn luôn phải suy nghĩ đó là kề cận với những bậc thiện tri thức, biết lắng nghe, biết học hỏi giáo lý của nhà Phật cũng như kinh nghiệm ở đời và luôn luôn hướng thiện. Dù là đạo hay là đời luôn luôn phải có tâm thiện, hướng thiện, hướng thượng thì các bạn sẽ thành tựu và kiên định, có lập trường, không bao giờ thay đổi. Nhất là các bạn trẻ đang tiến vào cuộc đời có biết bao nhiêu ước mơ, hy vọng, đang xây dựng cái tương lai của mình bằng cái công việc sẽ có thật nhiều thử thách tới lui với các bạn. Các bạn nhớ phải luôn luôn tiếp cận với những bậc thiện tri thức, lắng nghe kinh nghiệm của những thánh hiền, cổ đức, chư Phật, của những người có tâm thiện trong cuộc đời hướng dẫn kiến thức cho các bạn và luôn luôn hướng tâm của mình tới những điều thiện lành, làm việc thiện, hướng thượng các bạn sẽ xây dựng cho mình lập trường vững chãi dù gặp hàng trăm ngàn thử thách các bạn vẫn vững bước để tiến lên.                     

Điều thứ tư rất quan trọng, hồi xưa đến giờ ta học được điều gì ta giấu ở trong lòng, ta biết được điều gì ta không dám nói nhưng điều thứ tư rất quan trọng là chúng ta phải biết lan tỏa kiến thức và chân lý của Phật cũng như ở đời nếu ta biết được. Học hỏi, ứng dụng thấy tốt trong cuộc đời ta phải lan tỏa, ta phải chia sẻ, đừng giấu. Nếu chúng ta giấu là cái tâm ích kỷ, là cái tâm ác sẽ khởi dậy, năng lượng bất thiện sẽ tràn ngập để rồi từ đó ta bị bế tắc bỏ cuộc.

Yếu tố để có cái tâm bất thối chuyển, yếu tố để có một cái lập trường vững vàng kiên định để không bó tay đầu hàng trước mọi nghịch cảnh mà thành tựu được ước mơ ở đời cũng như thành tựu được chân lý của nhà Phật sống đời an vui là có 4 cái điều đó. Điều thứ nhất là phải luôn luôn tiếp cận với những bậc thiện tri thức. Điều thứ hai là chúng ta phải luôn luôn nghiên cứu học hỏi kinh sách và kiến thức của Phật cũng như ở đời. Điều thứ ba là phải luôn luôn hướng thiện, làm từ thiện, hướng thượng với tâm thiện lành. Điều thứ tư là luôn luôn phải lan tỏa, chia sẻ những cái kinh nghiệm cũng như trên con đường học hỏi về đạo, về đời thấy tốt đẹp phải lan tỏa, chia sẻ, đừng giấu diếm. Những người có tâm ích kỷ và có cái tâm ác, tâm không thiện lành, không chịu nghiên cứu học hỏi, kề cận cuộc sống những bạn dữ thường là những người hay bị thay đổi không có lập trường trong cuộc sống. Cho nên chủ đề bất thối chuyển không nói đến tâm Bồ Đề bất thoái mà nói đến cái tâm phàm phu của con người trên con đường học đạo là Phật tử tại gia hiện tại của các bạn. Cũng như trên con đường thành tựu cuộc sống của chúng ta để rèn luyện một cái lập trường kiên định, một cái tư tưởng vững chãi để chấp cánh cho ước mơ bay cao vào cuộc đời. Chúng ta nhớ đạo hay đời cũng phải có 4 cái điều kiện như vậy để chúng ta nhắc nhở bản thân ta phải có những điều đó tức là phải tiếp xúc, tìm hiểu được bậc thiện tri thức và tiếp xúc gần gũi với bậc thiện tri thức đó. Để nương vào và ảnh hưởng bậc thiện tri thức năng lượng thanh tịnh đó để giữ cho chúng ta vững chãi trong cuộc sống cũng như trên con đường đạo. Và phải luôn luôn tìm tòi, học hỏi, đọc, nghiên cứu kinh sách của Phật đúng chánh pháp cũng như những kinh nghiệm ở đời để chúng ta thấu rõ được những kiến thức đó. Và chúng ta phải luôn luôn có cái tâm hướng thiện, hướng thượng, thiện lành để rồi chúng ta luôn luôn tự hào lan tỏa những cái điều tốt tới với mọi người. Đừng ích kỷ giữ lấy bo bo cho mình, nuôi dưỡng cái tâm không có kiến thức, lánh xa kinh sách, những lời giáo truyền rồi chúng ta lại không muốn nghe rồi tránh xa bậc thiện tri thức, gần gũi với bạn ác chúng ta sẽ có cái tâm luôn luôn thất bại, bỏ cuộc lưng chừng ở giữa đời. Các bạn thân mến đây là 4 cái điều chúng ta cần phải nhớ dù đời hay đạo đều cần một lập trường kiên định, các bạn nhớ 4 điều này. Để rồi những ai đặc biệt là các bạn trẻ hay bất cứ một người nào đi nữa trên cuộc đời trên con đường học đạo không phân biệt tuổi tác chúng ta nhớ phải có 4 cái điều đó.

Gần bậc thiện tri thức có lợi vô cùng, đó là lời giáo huấn được mở rộng mà trong cả cuộc đời Đức Phật khi giác ngộ đi dạy cho chúng sanh luôn nhắc nhở các con hãy nhớ kề cận những bậc thiện tri thức mà ông bà mình tóm gọn trong cái câu tục ngữ gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Cho nên các bạn nhớ gần sáng, gần đèn ta sáng trí tuệ, gần bậc thiện tri thức ta sẽ có được cái chánh định, ta sẽ có được cái lập trường vững chãi. Khi tiếp xúc và gần gũi với bậc thiện tri thức ta sẽ được nghe, được đọc, được hướng dẫn những điều thiện lành chân lý của Phật cũng như kinh nghiệm trên cuộc đời. Để chúng ta dựa trên cái nền tảng, giáo lý chánh pháp đó, dựa trên cái nền tảng kiến thức của người đi trước đó chúng ta xây dựng cho mình lập trường vững chãi. Từ đó chúng ta hướng tâm đến điều thiện lành, giữ cái tâm thiện, đi cho ngay về cho thẳng, nói cho ngay, ăn cho ngay, nghĩ cho ngay. Những điều ngay thẳng đó ông bà mình đã dạy rồi, còn Đức Phật gọi là chánh kiến, chánh tư duy, chánh pháp trên con đường Bát Chánh Đạo. Chúng ta luôn luôn hướng thiện, hướng đến cái điều thiện lành, làm việc từ thiện giúp đỡ muôn người thì chúng ta sẽ có được phước báu qua cái định lực để tâm chúng ta không bao giờ bỏ cuộc. Đồng thời chúng ta lại tự hào về những thành tựu đó để biết chia sẻ, hướng dẫn cho những người khác thành tựu như chúng ta. Cho nên khi các bạn thành tựu trong cuộc đời các bạn biết chia sẻ lan tỏa sự thành tựu đó thì các bạn sẽ luôn luôn vững chãi như đỉnh núi cao không bao giờ lay chuyển. Nếu các bạn đã học được pháp hoặc là kề cận với bậc thiện tri thức học hỏi được giáo pháp của Như Lai đúng chánh pháp và các bạn đã thiện lành rồi. Thì các bạn nhớ lan tỏa bậc thiện tri thức đó, giáo pháp của chư Phật đó, tâm thiện đó đối với tất cả những ai có nhân duyên thì các bạn càng tăng trưởng cái định của mình, lập trường của mình. Và lập trường kiên định đó sẽ giúp cho các bạn vượt qua trùng trùng những cái chướng ngại trong cuộc đời đi tới sự thành công. Đây là lời dạy của Phật và là kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời.  

Đường chánh pháp luôn dẫy đầy chướng ngại 

Một bước đi bao cạm bẫy chực chờ 

Ngàn cám dỗ, vạn gièm pha tác quái 

Hạnh bồ đề bất thối chuyển tâm như.

Các bạn, đó là điều nhắc nhở bởi vì trên con đường chánh pháp luôn đầy rẫy những chướng ngại. Mỗi một bước đi của chúng ta là biết bao nhiêu cạm bẫy đang chờ để trù dập, đẩy chúng ta xuống. Và muôn ngàn cám dỗ, gièm pha, những cái chuyện tai quái trong cuộc đời luôn luôn văng vẳng bên lỗ tai của chúng ta để chúng ta chùn bước. Để rồi chúng ta thất thối Bồ Đề tâm. Nhớ rằng hạnh Bồ Đề bất thối chuyển ở trong cái tâm Chân Như của chúng ta do đó mà trên con đường học đạo những cạm bẫy chướng ngái, những cám dỗ chực chờ, những sự gièm pha tai quái. Nhớ rằng Phật đã dạy bởi ta luôn tiếp cận, gần gũi bậc thiện tri thức, ta luôn luôn học hỏi, chúng ta luôn luôn nghiên cứu, chúng ta luôn luôn trì tụng giáo pháp của Phật và chúng ta luôn tiếp thu kiến thức ở đời, chúng ta luôn luôn hướng thiện, chúng ta luôn luôn phát triển, lan tỏa những điều thiện lành ra bên ngoài thì giữa con đường đạo và đời ta sẽ thành tựu được ước mơ của chúng ta trong cuộc sống và thành tựu được sự an lạc, an vui trong cuộc đời. Do đó các bạn nhớ bất thối chuyển cần phải rèn luyện không phải cầu nguyện là có, rèn luyện như thế nào? Chúng ta theo lời Phật trở về trong sự tịch tĩnh của Chánh Niệm hơi thở, nuôi dưỡng cuộc đời bằng tâm thiện bằng năng lượng từ bi để tăng trưởng phước báu trong sự quán sát thân tâm của chúng ta với cuộc đời mà chúng ta thường nói là bất tịnh, vô thường. Để tăng trưởng lòng từ, lan tỏa yêu thương, kề cận những bậc thiện tri thức, sống tâm hướng thượng thiện lành thì nhất định cái phương pháp tu tập, tu quán như thế chúng ta sẽ có được cái tâm bất thối chuyển, sẽ có được cái lập trường kiên định trong cuộc đời, xây dựng cuộc sống, kiến thức làm người và trên con đường đạo để có được hạnh phúc tại thế, không ở đâu xa.

Các bạn thân mến hãy cố gắng sống thực hành và tu tập hơi thở Chánh niệm, nuôi dưỡng lòng từ bi, đối xử bình đẳng thì nhất định chúng ta sẽ tăng trưởng thật nhiều phước báu, có nhân duyên kề cận với những bậc thiện tri thức để nghe kinh và giáo pháp của Phật. Để tâm luôn hướng thiện, hướng thượng, để luôn lan tỏa tình yêu thương và nhớ rằng thực tập Chánh Niệm hơi thở nuôi dưỡng lòng từ bi và đối xử bình đẳng còn giúp chúng ta có nhân duyên và phước báu tiếp cận được những bậc thiện tri thức ở đời để được chỉ dẫn, hướng dẫn cách sống làm người thành công về kinh tế cũng như thành công về mọi phương diện trong cuộc sống. Để tâm của chúng ta luôn biết san sẻ và giúp đỡ, lan tỏa sự thành công để chia sẻ cho những người khác chưa có kiến thức vượt qua để trưởng thành. Cả đạo và đời đều cần phải đi theo 4 bước như vậy trong sự công phu tu tập Chánh Niệm hơi thở.

Cám ơn các bạn đã nghe, nguyện chúc cho các bạn nhìn thấu và rõ để chúng ta bắt đầu đi vào cái sự công phu tu tập để có cái tâm bất thối chuyển, để có cái lập trường kiên định, thành công giữa đời và đạo ngay trong cuộc sống này. Cám ơn các bạn đã nghe. Mô Phật.

Chúng ta cùng hồi hướng công đức:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và đạt được tâm bất thối chuyển, có lập trường kiên định trong đời sống để thành tựu đời sống trong kiếp người cũng như trên con đường đạo tìm được sự hạnh phúc và bình an. Mô Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts