Search

Tuệ Uyên biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn. Chúng ta đang ở trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” gieo duyên trong cuộc sống. Mỗi một lần Bảo Thành ở trên Youtube, các bạn gặp được Bảo Thành, chúng ta lại có thêm một ngày mới để hiện diện trong cuộc đời. Hôm nay Bảo Thành đi tới một câu chuyện về loài thú trong chuyện cổ Phật giáo của chúng ta.

Có một câu chuyện nói về một loài chim gõ kiến, nhưng con chim gõ kiến này nó khác hẳn với những con chim gõ kiến khác chuyên đi ăn sâu bọ, nó không đi ăn kiến mà nó chỉ ăn những đọt cây để sống. Chính vì nó ăn đọt cây để sống đó mà nó có được một tài năng lanh lẹ, chữa được nhiều các chứng bệnh cho các con chim khác. Khi có những loài chim khác bị bệnh, thì anh gõ kiến này đều trị hết bệnh. Khi có những loài thú nào bị bệnh, anh gõ kiến này đều trị hết bệnh. Anh ta chỉ ăn đọt cây mà thôi, không ăn sâu bọ, ai cũng ngưỡng mộ điều đó. Một hôm anh gõ kiến này mới đi tới đoạn đường kia thì thấy có một con sư tử nằm dài ở trên đất sắp sửa chết, anh gõ kiến mới hỏi anh sư tử: “Anh sao vậy?”. Anh sư tử mới trả lời là: “Tôi ăn thịt và có một miếng xương nó hóc ở trong cổ, dính trong đó, đau đớn bao ngày rồi, không sao ăn được, thở cũng khó khăn, có lẽ phải chết”. Anh gõ kiến bởi ăn đọt cây, thông minh, nghĩ ra cách để chữa trị cho anh sư tử, liền gắp một cái cây chống ngang miệng anh sư tử và nói: “Anh hãy giữ cái miệng mở cho thật to, tôi sẽ bay vào gắp miếng xương cho anh”.

Anh sư tử làm theo và con chim gõ kiến đã bay vào bên trong miệng của anh sư tử gắp miếng xương ra. Do đó, anh sư tử khỏe trở lại và cười rầm rầm cả một khu rừng rồi vẫy tay đi vào trong rừng, tiếp tục cuộc sống của mình. Chim gõ kiến hạnh phúc là bởi vì đã cứu thêm được một mạng. Thế nhưng trời đất thay đổi, một hôm mưa sa bão tố ầm ầm làm cho tất cả các đọt cây đều gãy hết, héo úa vào chim gõ kiến chẳng còn những đọt cây non để ăn, đói bụng, đói thật là đói. Trong lúc đói quá, anh ta đi lang thang và gặp thấy chú sư tử năm xưa đang ăn một miếng mồi thật là lớn. Anh gõ kiến mới nghĩ rằng nay đói, không còn đọt non ăn, thôi thì ăn đại một miếng thịt của chú sư tử xưa là bạn của ta, để qua cơn đói này, cây mọc trở lại sẽ ăn. Nhưng khi anh gõ kiến lại gần, anh sư tử không nói một lời nào, không chào một tiếng mà còn gầm lên la hét: “Này gõ kiến kia, có phải ngươi tới đây để cho ta ăn thịt hay không? Hay tới đây để làm gì mà cứ đứng trơ trơ trước mặt ta, khó chịu quá!”. Anh sư tử lồng lộn tính bay lên chụp con chim gõ kiến thì anh gõ kiến buồn bã ra đi, nghĩ cho thế thái nhân tình ở đời, cứu người lúc lâm nguy, đến khi nguy nạn mình về thì họ lại chê, họ đuổi, họ xua đuổi. Ông thần cây ngự ở trên thấy cảnh trái ngang, muốn giúp cho con chim gõ kiến đó, trừng phạt anh sư tử, nhưng rồi anh gõ kiến nói: “Thôi chuyện đâu cũng vậy, nhân nào quả đó, ai làm người đó chịu, nếu anh sư tử chẳng thể nhớ ơn xưa tôi cứu, nay tôi gặp hoạn nạn không ra tay giúp đỡ, hắt hủi, còn tính giết hại tôi, thì quả đó là quả của anh sư tử, anh ta sẽ phải lãnh trả”. Anh chim gõ kiến nhẹ nhàng ra đi, khuôn mặt vẫn hoan hỷ, chẳng còn buồn bởi hiểu ra cuộc đời là như vậy, chân lý thật đơn giản, anh đã hiểu. Mưa lại xuống, cây lại đâm chồi, và thế gõ kiến lại no bụng với những chồi non và trở thành con chim bác sĩ chữa cho muôn loài thú bệnh hoạn trong khu rừng đó. Nhưng không may thay, anh sư tử kia vào một ngày đã bị một ông thợ săn săn bắt được và mang về làm thịt.

Các bạn thân mến! Đó là một câu chuyện cổ trong Phật giáo kể về loại chim gõ kiến, nói đúng ra là ăn chay nên có được tâm lực tỉnh thức, từ đó nhìn ra nhiều thiên nhiên tự tại hiện hữu trong cuộc đời, mà mang điều đó giúp cho chủng loại của mình và muôn thú khác vượt qua những bệnh hoạn trong cuộc đời. Tần tảo trong sự giúp đỡ đó mà chưa chắc đã lãnh nhận được sự thương yêu của những người mình giúp khi chính con gõ kiến lầm lạc, thế nhưng anh ta chẳng vội trách bởi nhân quả rành rành nào ai có thể trốn được hay không.

Các bạn thân mến! Chắc chắn các bạn và Bảo Thành cũng từng làm những điều thiện giúp đỡ ai đó trong cuộc đời. Đôi khi chúng ta đã giúp họ tận tình, chúng ta đã giúp họ với tấm lòng thương yêu và trao cho họ những thứ cần thiết trong những ngặt nghèo của cuộc đời họ. Thế nhưng khi chúng ta gặp phải chuyện thì tới với họ, họ khước từ chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta thông thường là oán trách, là chúng ta sẽ nguyền rủa những kẻ đó, bởi khi xưa mình giúp đỡ, nay họ phản bội. Lời oán trách và nguyền rủa nó tạo thêm nghiệp chướng cho chúng ta, cộng nghiệp đó cứ đeo chúng ta dai dẳng mãi từ kiếp này qua kiếp kia. Là loài thú, chim gõ kiến còn biết chẳng cần phải oán trách, nghiệp ai người đó chịu và anh ta hoan hỷ đợi trời mưa xuống qua cơn đói, những đọt cây lại mọc, anh ta lại được ăn. Con người có lúc, con sông có khúc, thăng trầm trong cuộc đời chẳng ai có thể đoán được. Tùy theo phước báu của mỗi người. Nhưng khi chúng ta đã đi theo tinh thần của nhà Phật, hiểu thấu được nhân quả thì thấy rằng tất cả mọi phước báu đều phải tích lũy từ những công đức thiện của mỗi ngày. Có lẽ anh chim gõ kiến kia đã tích lũy công đức, cứu và giúp những loài đau đớn bệnh hoạn, thế nên khi mưa xuống, gãy đọt, khô héo, thì chỉ chớp nhoáng trong cơn đói để biết được tình cảm của những người, của những con thú khác mình giúp đỡ có còn nhớ đến mình hay không. Khi họ hắt hủi thì mưa liền xuống, đọt liền nảy mầm và anh ta lại có sự sống. Khi chúng ta làm việc thiện ở đời, chúng ta ra tay để cứu giúp muôn người thì khi gặp nạn, nhất định nó sẽ qua. Trời không phụ lòng người có tâm thiện, làm thiện thì hưởng thiện rõ ràng. Dĩ nhiên vẫn có những con người nói tôi làm thiện mà cái ác vẫn tới, cái họa nó vẫn ập tới. Các bạn! Cái họa và cái ác đó không phải các bạn làm thiện, mà bởi vì trong tiền kiếp hoặc trong kiếp này các bạn đã tạo ra ác quả đó quá nhiều để khi chuyện thiện nhỏ nhoi của các bạn chưa đủ để vần xoay nghiệp ác, cho nên nó vẫn tới. Tuy nhiên, nó không tới lớn như tự nhiên nó sẽ tới. Nếu các bạn không làm việc thiện như các bạn đã làm, tuy là nhỏ, thì cái họa nó tới chắc chắn sẽ lớn lắm. Nhưng cái họa năm xưa lớn, nó trổ quả ngày nay, nó đã biến thành nhỏ và nhẹ nhàng rồi chính là nhờ phước báu bạn đã tạo bởi những việc thiện nhỏ mà các bạn đã làm.

Bất cứ một việc thiện nhỏ nào ta làm đều được khắc ghi trong luật nhân quả, chẳng bao giờ phai mờ. Các bạn nên nhớ, luật nhân quả không loại trừ một ai, chẳng thiếu một chút gì, ác thiện đâu, nó đều ghi vào và nó đều mang tới để cho chúng ta phải trả và lãnh nhận. Nhân ác – quả họa, nhân thiện – quả phước, họa và phước luôn luôn song hành. Nếu như ác nhiều, họa nhiều, thiện nhiều thì phước nhiều. Khi thấy họa tới, ta làm thêm thiện, họa đó sẽ hóa nhỏ, làm thêm chút nữa, họa đó sẽ biến mất. Bởi vì sao? Phước báu tăng trưởng thì họa tiêu tan, nó rõ ràng lắm. Như chim gõ kiến, phước báu giúp đời thì khi họa tới cũng tiêu trong nay mai, nhưng chính trong lúc mà ta tới với những người ta thường cứu giúp, họ không nghĩ đến ta, họ xua đuổi ta không phải là lúc để cho ta nguyền rủa mà để ta hiểu được lòng người, học thêm một bài học nữa ở trong đời chúng sanh luôn bị lệ thuộc vào nghiệp ác. Được trao ân nhưng chẳng nhớ ân. Là bởi vì sao? Bởi chúng ta ít có nghĩ tới việc tu dưỡng phước báu. Con chim mà còn nghĩ tới phước báu chẳng thể nguyền rủa mà cũng không hề oán trách con sư tử cho nên nó có đầy đủ chồi non để trở lại sống đó các bạn. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta lâm vào cảnh mà khi ngặt nghèo phải nương nhờ người xưa tới giúp, họ xoay mặt làm ngơ, xua đuổi ta cũng không sao các bạn ơi. Ông trời có mắt, ông trời không bỏ các bạn, ông trời không bao giờ bỏ những người đã từng làm việc thiện. Làm thiện chuyển được họa, làm ít thì chuyển được ít họa, làm nhiều thiện chuyển được nhiều họa. Làm thiện nhiều tăng trưởng phước báu nhiều, họa sẽ dần dần bị chuyển hóa chẳng còn nữa. Do đó, chẳng nên oán trách những người phụ ân ta, mà lấy đó như một bài học để nghĩ rằng à, cuộc đời là như vậy, nhưng không hẳn như vậy, bởi ta hiểu rõ nơi cuộc đời chẳng như họ nghĩ. Chính vì điều ta không oán trách, nguyền rủa, tiếp tục làm những việc thiện mà có thêm lòng bao dung nữa, ta hồi hướng cho những người kia, chắc chắn những người đó sẽ thoát qua được những tai ương trong cuộc đời, nhận biết được giá trị của cuộc sống, phước báu là tối cao. Có lẽ con gõ kiến chưa đủ sức hồi hướng cho anh sư tử mà bởi vì nghiệp của anh sư tử quá lớn nên cuối cùng đã bị anh thợ săn bắn chết và mang về làm thịt như trả lại tất cả những điều gì anh đã làm. Còn riêng con chim gõ kiến nhỏ vẫn có đầy đủ đồ ăn qua tháng ngày, tồn tại trong năm tháng. Chúng ta sống cùng với thiên nhiên, trời đất tự tại, chúng ta sống cùng với tất cả vạn pháp tương đồng trong thế giới hữu vi này. Chuyện gì tới sẽ tới, chuyện gì đi sẽ đi, cái tới và cái đi đều do nhân duyên của nghiệp quả thiện ác. Thấy được cái tới là họa, rõ ràng cái ác nhân xưa ta đã gieo. Thấy được cái thiện đã tới là phước báu, thì rõ ràng nhân thiện xưa ta đã trồng. Ác gieo, thiện trồng đều gặt trong kiếp này, ngay tại chỗ. Cho nên các bạn ơi, chúng ta hãy sống tự tại và an nhiên, sống điềm tĩnh, sống bình an trong chánh niệm của mình.

Một lần nữa, Bảo Thành cám ơn các bạn đã cùng đồng hành với Bảo Thành trong ngày hôm nay. Nguyện chúc các bạn bình an và hạnh phúc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts