Search

Chân Thật Và Tham Lam

Bảo Lạc đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Nguyện xin Chư Phật Mười Phương ban rải năng lượng Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh. 

Bảo Thành kính chào các bạn. Kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn là nơi tạo điều kiện cho chúng ta có cơ hội gặp nhau như những người bạn có nhân duyên để tâm tình chia sẻ với một mục đích là gợi ý để mỗi một chúng ta có được niềm vui trong cuộc sống, có chút tư duy mới lạ. 

Hôm nay Bảo Thành chia sẻ với các bạn về cái mà Đức Phật nói luôn tồn tại, luôn có trong lòng của chúng ta đó là tánh thiện và tánh tham. Tham và chân thật, lòng tham và chân thật của chúng ta nó luôn tồn lại ở trong người. Cái tham và chân thật đó cũng như thiện nghiệp và ác nghiệp luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Nó ngủ ngầm như những mầm cỏ. Chỉ cần một cơn mưa, hội đủ điều kiện là nó có thể mọc ra, nó trỗi dậy. Có những mầm tham thì như những cây cỏ gai. Cỏ gai mà nó mọc thì vườn ta sẽ không tốt, mà ngay cỏ tươi nó mọc cũng không tốt vì nó chỉ là cỏ mà thôi. Đó là tâm tham.

Còn tâm chân thật như rau có thể mọc lên cho chúng ta sử dụng trong cuộc sống. Tâm tham và tâm chân thật tồn tại song song với nhau. Cái này mạnh thì cái kia yếu. Cái này yếu thì cái kia mạnh. Nếu tâm tham nhiều thì tâm chân thật nó bị tiêu diệt từ từ. Mà tâm chân thật cao và mạnh hơn thì tâm tham nó sẽ chìm xuống dưới, nó cũng không hết. Tham và chân thật nó luôn tồn tại trong kiếp người. Do đó, để phát triển đời sống thanh tịnh hơn ta cần phải tăng trưởng tâm chân thật. Và nếu như chúng ta cứ buông lơi theo những dòng ý niệm của tâm tham thì chúng ta sẽ bị nó lôi kéo. Tâm chân thật rất quan trọng các bạn. 

Câu chuyện kể như vầy: Có một ông chủ. Ông ấy bán ruộng đất cho một người nông dân. Người nông dân này sau khi đã giao kèo với người chủ kia, trả tiền xong với sự thoả thuận phù hợp có được thửa ruộng đó trong tay, thì người nông dân bắt đầu chuẩn bị cày cấy, để gieo trồng lúa. Khi người nông dân này cày cấy và đào bới thì bất chợt mới phát hiện ra trong thửa ruộng này có một hủ vàng rất là lớn chìm ở dưới, do cày mà nó bật ngược lên. Cho nên ông ta thấy hủ vàng và ông ta biết nó nằm ở thửa ruộng ông ta vừa mua của ông chủ kia. Ông này rất chân thật, có tâm chân thật, nên tới báo cho chủ biết rằng: thưa ông, tôi mới mua ruộng của ông.  Bây giờ tôi cày, tôi phát hiện một hủ vàng, hủ vàng này của ông nên tôi mang tới tôi trả cho ông. Ông chủ cũng thấy nói không phải hủ vàng của tôi. Ruộng của tôi bán cho anh, nhưng mà hủ vàng trong ruộng không phải của tôi, tôi không có chôn vàng xuống ruộng. Nên nó không thuộc về của tôi. Và những tâm chân thật đối xử với nhau đáng thương quá. Người nông dân và người chủ ruộng thuở trước đều nói là không thuộc về của mình. Đó, nhưng chỉ một thoáng suy nghĩ qua thì anh nông dân nói: à đúng rồi, hủ vàng này là của tôi. Và ông chủ miếng đất mới vừa bán cũng thoáng nghĩ lại, mới nói không phải, hủ vàng đó là của tôi. Và người nông dân cùng với ông chủ đất cũ tranh cãi, ơ hủ vàng của tôi, hủ vàng của tôi. Tranh qua tranh lại, giựt qua giựt lại và xô sát với nhau. Ta chỉ dừng ở chỗ đó để lấy hành động đó như một tiêu biểu để gợi ý theo như lời Đức Phật truyền dạy. 

Giữa cuộc sống nhân sinh của kiếp người, ta có một mặt là tâm tham, một mặt là tâm chân thật. Có những lúc tâm chân thật nó hiển lộ và nó được thể hiện trong mối tương quan, tương tác của ta giữa người với người rất chân thật. Nhưng thoáng qua tâm chân thật đó cũng có thể vì tiền, vì hủ vàng, vì danh về tài, về sắc, về mọi thứ, mà tâm tham của chúng ta nó lại trồi ra đè chết, dìm tâm chân thật xuống. Như anh nhà nông thật chân thật, đào được hủ vàng muốn trả cho ông chủ. Đó là khởi đầu của câu chuyện. Và ông chủ cũng rất chân thật nói không của mình, trả lại cho ông nhà nông. Nhưng chỉ có một chớp nhoáng tâm chân thật đó nó bị dìm xuống thật sâu. Bởi tâm tham của cả hai người khởi dậy. Thế là họ tranh đấu, tranh chấp, đưa đến đoạn kết của câu chuyện. Chắc khó đó. Bởi vì tâm tham đã trỗi dậy, nhất định sẽ có đổ máu, có xô sát, có kiện tụng, có tranh giành, có hận thù và có đau khổ ở trong đó. 

Các bạn thân mến, có khi nào các bạn có dòng cảm giác đó nó xen lẫn trong cuộc đời của các bạn chưa? Có khi nào tâm chân thật của các bạn nó hồn nhiên, hiển lộ về một chuyện gì đó, rồi khi trở về nhà các bạn hối hận, các bạn mới thầm nói giá mà…, chữ giá mà đó là do niệm tham nó trỗi dậy. Nó làm cho chúng ta nuối tiếc và chúng ta đã nuối tiếc rằng chúng ta đã quá chân thật. Mà trong dân gian đôi khi còn biến thành một câu trên cửa miệng quá quen thuộc. Hình như được gọi là tục ngữ nhưng mà không phải. Người ta gọi là tham thì thâm nhưng người ta không dùng chữ tham thì thâm. Người ta dùng chữ “thật thà quá hoá ngu”. Chân thật quá hoá ngu. Người ta biến chuyển tư tưởng từ tâm chân thật, thật thà, đáng xiển dương để sống. Họ lại đặt ra là ngu. Từ thật thà quá hoá ngu đó mà nhiều người chúng ta không muốn nuôi dưỡng tánh thật thà, tâm chân thật nữa. Mà tạo điều kiện cho tâm tham trỗi dậy. Nó làm chủ suy nghĩ, sự tương tác của chúng ta hằng ngày.

Các bạn, chắc có lẽ nó đã từng xảy ra cho các bạn, và Bảo Thành cũng xin được sám hối. Bảo Thành cũng có tánh khí như vậy. Tâm thiện, tâm chân thật cố gắng nuôi dưỡng nhưng mà đôi khi tâm tham cũng trỗi dậy, cũng thấy hối tiếc. Và đôi khi đọc đâu đó có những câu: ôi thật thà quá hoà ngu, hình như mình cũng gật gù tán thán. Sai các bạn ơi, như vậy là sai. Bảo Thành biết Bảo Thành sai nhiều lắm. Có những lúc cũng tán thành với tư tưởng: à, chân thật, thành thật, thật thà quá hoá ngu. Mình đã sai, nếu như mình thấy sai thì phải thấy được tham nó nguy hiểm và chân thật nó tôn quý như thế nào.

Người có tâm tham không việc gì mà họ không dám làm. Người có tâm tham không việc ác nào họ không dám tính toán. Người có tâm tham làm chủ cuộc sống thì người đó sẽ đốt cháy và tự tiêu huỷ tất cả phước báu của họ. Còn ngọn lửa tham đó thiêu rụi luôn phước báu của người thân trong gia đình của họ. Người có tâm tham và người để cho tâm tham làm chủ thì người đó có thể có dư chút vật chất bởi tham lam, có dư chút này chút kia bởi tham lam. Nhưng thiếu phần chân thật thì có đó nó sẽ mất, mãi nó không có tồn tại lâu đời. 

Đức Phật luôn luôn dặn dò chúng sanh: tâm tham không bao giờ tốt. Tâm tham nguy hại vô cùng. Tâm tham làm tổn phước báu. Tâm tham lại còn sẽ dẫn chúng ta luân hồi trong vô lượng kiếp trong lục đạo luân hồi. Tâm tham còn dẫn chúng ta luân hồi trong cảnh giới của tam đồ khổ là địa ngục, là ngạ quỷ, là súc sanh. Phật luôn căn dặn như vậy để chúng sanh ý thức được tâm tham, để cố gắng làm sao chuyển hoá nó bằng cách phát triển và tăng trưởng tâm chân thật. Chính vì điều đó mà Đức Phật đã từng dạy cho La Hầu La là con của Ngài cần phải giữ tâm chân thật. Tâm chân thật tôn quý, đáng quý, đáng được tôn vinh bởi tâm chân thật tăng trưởng phước báu về mọi mặt. Tăng trưởng tướng hảo oai nghi, thanh tịnh và phát ra hào quang bình an nơi mình sống và nơi chúng ta đi tới. Tâm chân thật cao quý đến mức nó có thể tạo thành và kiến lập được một nguồn năng lượng an vui, không còn sợ hãi và tăng trưởng về muôn mặt phước báu cho cõi nhân thiên.

Người có tâm chân thật luôn thành tựu, thành công. Và sự thành tựu, thành công của họ về mọi mặt đó bền vững từ đời này qua đời sau, từ đời cha đến đời con, từ đời con đến đời cháu, tồn tại và được lưu truyền bao nhiêu kiếp, vô lượng kiếp. Nhưng người mà để cho tâm tham dẫn đó, thì bao nhiêu hoạ, bao nhiêu xui xẻo, bao nhiêu sự đau khổ nó sẽ từ từ lần mò tới và tiêu huỷ hết tất cả phước báu của chúng ta. Không những trong hiện kiếp này mà vô lượng kiếp sau, chúng ta không còn phước báu, phải đoạ vào địa ngục, hoá thành ngạ quỷ, súc sanh, khổ vô cùng. 

Chúng ta phải nắm rõ chân lý của tâm tham và tâm chân thật. Để từ đó phải bỏ tham, nuôi dưỡng tâm chân thật. Để nuôi dưỡng tâm chân thật và trưởng dưỡng cho nó lớn mãi để tâm tham không còn cơ hội trỗi dậy. Đức Phật dạy chúng ta phải luôn luôn biết công phu tu tập trong từng hơi thở, trong từng niệm của hơi thở vào ra. Ta luôn phải quán chiếu tâm chân thật. Bởi điều gì ta năn nỉ tới, bởi điều gì ta luôn quán chiếu tới nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta. Nó sẽ làm thay đổi cuộc đời của chúng ta trong kiếp này và nếu tái sanh cũng được tái sanh bởi tâm chân thiện đó về cảnh thiện lành. Nó tăng trưởng phước báu hiện tiền để có đời sống an vui, nó thay đổi được tướng mạo của chúng ta thêm mỗi ngày tôn quý hơn bởi tâm chân thật. Tâm chân thật là tâm cao quý. 

Do đó, Đức Phật dạy: các con hãy cố gắng giữ hơi thở chánh niệm trong từng giây phút với tâm chân thật. Quán chiếu tâm chân thật do Đức Phật truyền dạy khi hít vào thở ra. Đó là pháp môn bình thường mà Phật dạy, nhưng chứng đắc thật là cao. Hơi thở chánh niệm thật là cao quý mà mỗi người chúng ta cần phải hiểu và thực tập được nó. Do đó, trong từng giây phút mà các bạn còn sống trong cuộc đời bởi hơi thở này, cố gắng giữ chánh niệm và quán về tâm chân thật. Quán tức là nhìn cho rõ, thấy được nó, biết được nó, hiểu được nó và đặt nó trong thềm tâm thức, suy nghĩ của chúng ta từng sát na. Không để cho tâm tham trỗi dậy phủ lên thềm tâm thức của ta. Do đó, khi các bạn thiền, các bạn hít vào rồi thở vô sâu trong bụng. Rồi khi các bạn thở ra từ từ, thì các bạn chỉ cần nhắc nhẹ ở trong tâm là tâm chân thật. Tức là các bạn kích hoạt tâm chân thật, tức là các bạn cài đặt ý niệm tâm chân thật vào hơi thở ra vào. Từ đó mỗi khi các bạn hít vào hoặc thở ra luôn toả ra năng lượng tâm chân thật. Nó nhắc nhở bạn luôn luôn giữ tâm chân thật trong tất cả các tạo tác của các bạn. 

Nguyện chúc các bạn nuôi dưỡng được tâm chân thật để tăng trưởng phước báu cho chính mình ở kiếp này và hồi hướng phước báu do tu luyện hơi thở chánh niệm tâm chân thật đó tới những người chúng ta yêu thương.

Cám ơn các bạn đã theo dõi kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts