Search

Phước Báu Chăm Sóc Bệnh Nhân

Bảo Lạc đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng Đại Từ Đại Bi đến muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta cũng đang theo dõi ở kênh Youtube thiền mật tông Thất Bảo Huyền Môn hôm nay. Cám ơn các bạn đã đăng nhập và theo dõi kênh Youtube này.

Các bạn thân mến, cuộc đời không ai mãi khoẻ mạnh. Có khoẻ, có yếu, rồi có mạnh khoẻ, có bệnh hoạn, có vui, có buồn. Mỗi một ngày trôi qua như vậy, có nhiều nhân duyên tác động vào chúng ta. Để những cảm xúc vui buồn, sướng khổ, khoẻ mạnh hay đau yếu sẽ tới với từng người. Tới nhiều hay tới ít? Nhưng khi nó tới với người này hay người kia, thì sự xử thế khi ta biết được như thế nào là quán chấp. Mỗi khi chúng ta bệnh nằm ở trên giường, không ai thăm hỏi, ta buồn lắm. Mà nếu như có ai tới thăm, viếng, chăm sóc, hỏi han ta vui. Cái vui đó giúp cho chúng ta khoẻ mạnh hơn. Tinh thần là yếu tố quan trọng trong cuộc sống. Nó giúp cho mỗi người được sống an lạc và giúp cho chúng ta tăng thêm tình thân, sự quan tâm lẫn nhau. Nó có tầm mức quan trọng trong giao tế ở đời. Nhất là khi ta bệnh hoạn, có sự tương tác, yêu thương, chăm sóc như vậy ta an vui, ta mạnh hơn, ta khoẻ hơn và ta mau khỏi. Không hẳn như vậy cho người bệnh, mà người tới thăm bệnh nhân bằng tâm từ yêu thương rải ra cho người bệnh đó, người đó cũng tạo nên phước báu.

Có câu chuyện kể thời xưa, thời Đức Phật. Đệ tử của Phật nhiều lắm và một trong những người đệ tử của Phật bị bệnh thật là nặng. Huynh đệ, đồng môn chẳng ai tới thăm và chăm sóc. Người bệnh này nằm liệt giường, không ai chăm sóc. Rồi ai cũng từ chối, ai cũng tránh xa. Đức Phật thấy như vậy, Ngài liền tới thăm đệ tử bị bệnh và chăm sóc tận tình cho người bệnh nhân đó. Hành động, nghĩa cử của một vị Thầy tới thăm và chăm sóc cho người đệ tử bị bệnh đó cùng với lời giáo huấn nhẹ nhàng tới các chúng đồ môn rằng: hãy thương yêu nhau và hãy chăm sóc cho nhau trong lúc bệnh hoạn. Ý nghĩa của sự chăm sóc với huynh đệ khi bệnh hoạn rất quan trọng. Cũng như nước từ trong ngàn kênh rạch, sông, suối đều đổ về biển khơi. Chúng con mỗi người như một con kênh tự chảy, tự dưỡng, tự tương nhưng cuối cùng cũng đổ về biển khơi. Các con là đệ tử của ta, hãy biết chăm sóc và đùm bọc nhau khi bệnh hoạn. Và phúc cho những ai biết thăm viếng và chăm sóc cho người bệnh hoạn. Chữ “phúc” ở đây tức là khi chúng ta thăm viếng, chăm sóc cho người bệnh hoạn ta sẽ tạo ra phước báu. 

Trong cuộc sống hiện thời của chúng ta. Nghĩ lại bài học đó để thấy tấm gương cao cả của Đức Phật, thấy các đồng môn, huynh đệ không nghĩ tới điều đó được. Có thể trí tuệ của họ lúc đó, hoặc có thể vì một cảm xúc, suy nghĩ nào đó riêng tư, họ không thăm vị huynh đệ khi lâm bệnh liệt giường. Là một Bậc Thầy, Đức Phật đã cặn kẽ tới thăm và giáo huấn chúng đệ tử của mình. Và khẳng định rằng sự thăm viếng, chăm sóc cho người bệnh sẽ tạo được phước báu vô lượng trên con đường đồng tu. Chúng ta nên quan tâm lẫn nhau khi khoẻ cũng như khi bệnh. Để tâm hiệp nhất trên sứ mệnh chuyển nghiệp và đi đến sự tu giải thoát. 

Sự gợi ý của ngày hôm nay để chúng ta hãy nhớ lại gương của Phật. Trong thời đại của kỷ nguyên mới, có biết bao nhiêu con người bệnh hoạn, đau đớn nằm ở trên giường. Bởi vì thời đại công nghệ mà, chúng ta rượt đuổi hằng ngày, hằng giờ, chúng ta chẳng còn thời gian để đến thăm. Có khi là cha mẹ bệnh hoạn nằm trên giường con cái cũng không thể thăm được. Bởi vì công việc hằng ngày nó ràng buộc, kế sinh nhai hằng ngày nó cột chặt. Đôi khi ngay cả vợ chồng, nếu bị bệnh nằm đó, một thời gian ngắn không sao, nhưng thời gian có dài thì lúc đó đôi khi cũng chẳng tới thăm viếng được. Mà trên những kênh đại chúng như Youtube, Facebook chúng ta thấy những hình ảnh đau lòng. Bởi vội vã với cuộc đời mà đôi khi cha mẹ bệnh hoạn, ta không chăm sóc được. Ta vội vội vàng vàng chăm sóc với hành động cục mịch, nặng nề để gây đau về thân cho cha mẹ. Đôi khi chúng ta còn thấy có những người con chửi mắng, đánh đập cha mẹ khi bệnh hoạn nằm đó trên giường bệnh. Thật là đau lòng khi nhìn thấy cảnh đó. 

Nhớ lại lời dạy của Thế Tôn. Phật, đấng Thế Tôn mà còn sẵn sàng tới chăm sóc người đệ tử của mình thì huống chi phận làm con, khi cha mẹ bệnh hoạn ta không nghĩ tới lời Phật chăm sóc cho chu đáo, rõ ràng để báo ân, báo hiếu với cha, với mẹ. Ở đây Bảo Thành không nói tới những người xa lạ ta không biết. Mà chỉ muốn gợi ý rằng những người rất là thân. Thân như huynh đệ, đồng môn đó, cùng một thầy là Phật. Nhưng khi bệnh hoạn nằm đó, chẳng ai thăm hỏi, chẳng ai chăm sóc. Mà người huynh đệ nằm liệt giường, bệnh nặng chẳng ai ghé thăm. Mà chính Đức Phật đã phải tới để chăm sóc, lau chùi, đút ăn rồi hỏi thăm. Chính hành động dấn thân làm gương đó. Mà những huynh đệ và đệ tử của Phật nhìn thấy noi theo. 

Trong cuộc sống này, chúng ta lướt trên Facebook thấy những trạng thái của đoạn video, mà có những người con tắm cho mẹ, cho cha. Vừa tắm vừa chửi, thậm chí có những đoạn nhìn thấy cha mẹ nằm trên sàn đất, người con xịt nước, vừa lau chùi vừa kéo chân, kéo tay. Thiếu điều coi cha mẹ như con thú. Nếu không chữa lành vết thương thì cũng làm cho chân tay bị đau đớn. Làm cho thần hồn của cha mẹ đau khổ vô cùng. Đó không phải là đạo hiếu ân. Những người nằm đó là cha, là mẹ. Mà phận làm con khi chúng con sinh ra còn nhỏ, cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc cho ta. Khi chúng ta bệnh, cha mẹ chạy thầy, chạy thuốc. Khi chúng ta còn nhỏ nằm đó, bú mớm đó, ị ở đó, cha mẹ cũng sẵn sàng vui vẻ, hạnh phúc vỗ về ôm ấp, lau chùi, rửa ráy và chăm sóc miếng ăn cho ta thành người. Huống hồ chi, trải qua bao nhiêu năm trời nuôi nấng. Dù khi ta đã lớn, được gả chồng gả vợ, lập gia đình có con cháu. Cha mẹ vẫn thương ta bởi ta là con, cha mẹ vẫn thương cháu bởi cháu là cháu. Hi sinh hết, không quản ngại sự gian khó chăm sóc từ vật chất, tinh thần từ lúc khoẻ, lúc yếu, lúc vui, lúc bệnh. Hoàn cảnh nào cha mẹ cũng sẵn sàng dấn thân vào để chăm sóc. Thế vậy mà ngày nay trong cuộc đời, với công nghệ cao, với sự ràng buộc của công việc, rồi có những người con vô tình không còn nhớ đến sự hiếu đạo của Phật dạy hoặc của những đấng trên cao hướng dẫn cho chúng ta. Vội vàng trong cách tính toán, có lợi hoặc không? Tức là được thì ta mới làm, không được dù cha mẹ cũng chẳng chăm sóc. Có những gia đình nhiều con cái, thì đổ dồn mẹ cha khi tuổi già cho một người. Các anh chị em khác, tiền tài có dư giả cũng chẳng đến thăm viếng và chăm sóc. Những cảnh đó có trong cuộc sống. Đau lòng, thật là đau lòng. Còn như có những đứa con chăm sóc cho cha mẹ khi cha mẹ bệnh nặng nằm liệt giường nằm đó. Coi cha mẹ như súc vật chẳng nhẹ nhàng chăm sóc, lau chùi, mớm ăn, cho thuốc mà hất hủi từ thân xác tới tinh thần. Vừa đánh, vừa kéo, vừa lau, lau như là xé xác cha mẹ ra. Mà vừa chửi như dày vò tâm thức của cha mẹ. 

Ôi! Thật là đau, thật là đau lòng cho những bậc cha mẹ khi con cái đã được mình nuôi dưỡng trưởng thành, thành nhân, thành người về ấm thuở nhỏ. Mớm cơm, đút cháo, chăm sóc vậy mà ngày nay chúng lại đối xử với cha mẹ như là vật. Lời gợi ý cho những ai còn cha, còn mẹ. Và nếu như cha mẹ có nằm đó trên giường, hãy theo gương của Đức Thế Tôn chăm sóc cho mẹ. Bởi cha mẹ còn nằm đó hiện hữu trên cuộc đời dù liệt ở trên giường. Thì cha mẹ vẫn là kho báu, muôn đời xài không hết. Hãy lấy thân bệnh của cha mẹ, hãy chăm sóc thân bệnh của cha mẹ như chúng ta hằng ngày đang đào bới trong kho báu đó. Để lấy ra những vật báu vô cùng để xài trong cuộc đời.

Phước báu khi chăm sóc cho cha mẹ tuổi già nằm liệt giường thì vô tận, vô lượng. Chính Thế Tôn mà còn chăm sóc cho đệ tử, thì khi phận làm con biết chăm sóc cho cha mẹ liệt giường đang nằm ở đó chính là người con khôn ngoan, biết đào bới kho tàng vĩ đại muôn thuở vô lượng hồng phúc. Hỡi những người con, ai đó vì nhân duyên nào đó mà cha mẹ đang hiện thân bệnh nằm trên giường, hãy vui lên, hãy hạnh phúc lên. Nhớ đến gương của Đức Thế Tôn mà dấn thân với lòng đại hiếu, báo ân cha mẹ, chăm sóc cho nhẹ nhàng và nói những lời thật nhẹ nhàng, hiếu thảo, chăm sóc miếng ăn, cho từng miếng thuốc. Bởi miếng ăn và miếng thuốc, những của cải dâng cho cha mẹ trong lúc liệt giường đó không bao giờ quên lãng, và sẽ tạo ra vô lượng phước đức. Và hình ảnh người con chăm sóc cho cha mẹ như vậy, chính là hình ảnh của Thế Tôn hiện tiền trong cuộc sống.

Phước báu thay cho những ai biết thăm viếng người bệnh hoạn và phước báu hơn cho những người con biết thành tâm chăm sóc cha mẹ của mình khi lâm bệnh nằm ở trên giường. Tất cả sự cúng kiếng sau này khi cha mẹ mất sẽ trở thành vô nghĩa. Phẩm vật cúng dường vô giá là sự chăm sóc bằng tâm hiếu đạo với cha mẹ khi cha mẹ lâm bệnh. Và nếu như cha mẹ thị hiện nằm liệt giường trong một thời gian thì chính là lúc ta được ban phước báu. Hãy chăm sóc cho cha mẹ, bởi nơi cha mẹ là kho tàng phước báu. Mỗi một nghĩa cử, hành động của tấm lòng hiếu đạo chăm sóc cho cha mẹ, sẽ làm cho mỗi người con giàu có hơn về đời sống tâm linh và tinh thần và tràn đầy phước báu sau này, cho cuộc đời còn lại của ta và của con cái ta.

Cám ơn các bạn đã theo dõi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts