Search

Bỏ Mồi Bắt Bóng

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, Bảo Thành có một hạnh nguyện rằng mong sao ở trên kênh này, những câu chuyện thật nhỏ tản mạn từ những câu chuyện về thiền, về dân gian, về loài thú hoặc về tiền kiếp của Phật hoặc những câu chuyện nào đó có được trong cuộc đời này, kể sơ qua không chi tiết, chẳng cần phân tích nhiều, nhưng mượn câu chuyện đó để dẫn một ý thật nhẹ thật mỏng, thật gọn thật ngắn gửi đến các bạn, để qua ý đó, với đời sống bận rộn hàng ngày ta có thể thấy rằng ở trên đời nụ cười và niềm vui rất quan trọng trong cuộc đời của chúng ta.

Các bạn, người xưa thường hay nói “Bỏ hình bắt bóng”. Chuyện này có, những gì có ở trong tay, những gì có trong trái tim, những gì có ở trong vòng tay cuộc đời, trong suy nghĩ, những gì ta có đang đây, hiện tại ít có khi nào ta thấy được giá trị của nó. Người ta thường hay nói “Núi này cao còn có núi khác cao hơn”. Có nghĩa là khi ta đứng ở núi này ta thấy núi khác cao, chứ chưa hẳn dĩ nhiên núi này cao còn có núi khác cao hơn. Nhưng mà câu người ta nói như vầy “đứng núi này trông núi nọ” mới là đúng đó các bạn. Chứ không phải núi này cao còn có núi khác cao, thì đó gọi là “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” – Núi này cao còn có núi khác cao hơn, người này giỏi còn có người khác giỏi hơn. Câu đó là câu hay rồi. Nhưng mà cái câu gọi là “đứng núi này trông núi nọ” nghĩa là có chuyện này ở trong tay chẳng bao giờ biết quý, biết trân trọng. Rượt đuổi mãi, theo đuổi mãi những bóng hình mờ nhạt ở bên ngoài để biết bao nhiêu những chuyện đau khổ đã xảy ra, ly tán, phân ly hủy hoại đến thanh danh, đến cuộc đời. Cuộc đời rối quá phải không các bạn. Nhưng chính trong rối rắm của cuộc đời đó, Thế Tôn đã tới để chỉ cho chúng ta duỗi nó ra, tuốt cho nó thẳng và gỡ rối tơ lòng để trở thành sự an lạc trong cuộc sống. Có câu chuyện như vầy, các bạn nghe rồi chúng ta đi vào sự chia sẻ đôi chút cho thẩm nhập cuộc sống, ý nghĩa vô vàn, dù câu chuyện rất thường trong cuộc đời.

Có một con chó, hôm đó nó lang thang đi qua cầu tới bờ sông bên kia, có lẽ nó đang bị lạc đường hay thích đi du hý tìm tòi điều gì đó. Khi đi qua bờ bên kia, không hiểu sao nó lại quắp được một miếng thịt đâu đó ở bên lề đường và đang gặm ở trong miệng, nên nó đang lon ton vui mừng hớn hở vô cùng, bởi có được thịt mà, quắp trên miệng nó đi trở lại cái cầu để đi về nhà. Trên cái cầu đi về nhà nó nhìn xuống dòng sông, nó thấy bóng của một con chó quắp được một miếng thịt to hơn – bởi cái bóng nên miếng thịt trông to hơn. Thực ra đó là hình bóng của chính nó phản ánh dưới mặt nước của dòng sông. Nhưng chó mà, nó đâu có hiểu được điều đó, nó thấy cái bóng một con chó bự miếng thịt lại càng bự hơn, nó sanh lòng khát khao tham muốn. Nó quăng miếng thịt ở trên miệng và nhảy tủm xuống dòng sông để tranh giành miếng thịt với cái bóng con chó để cố gắng có được miếng thịt to hơn. Nó vùng vẫy ngược xuôi cả mấy tiếng đồng hồ mà không tìm đâu được, cho đến khi nó mệt nhoài bơi không nổi nữa và bị dòng trôi của con sông đẩy lùi trôi mãi trôi mãi. Rất may lại dạt được vào bờ, lang thang đến mấy ngày trời mới tìm được về nhà nhưng miếng thịt trên miệng tì đã tuột mất rồi.

Câu chuyện đơn giản thôi các bạn “Bỏ mồi bắt bóng”, có đấy. Biết bao nhiêu những con người sống ở trên đời – Bảo Thành và các bạn cũng bỏ mồi bắt bóng. Chúng ta đang có những gì được gọi là mồi, và chúng ta bỏ cái đang có để đi tìm cái gì gọi là bóng? Nếu nói đơn giản, ở trong tình nghĩa vợ chồng đó, khi gặp nhau yêu thương hết mực và để rồi keo sơn chồng chồng vợ vợ – Thương lắm thương lắm, tình cảm mà. Bỏ cả cha, bỏ cả mẹ, cả hai bên luôn, người con trai người con gái bỏ hết bỏ hết để đi về sống chung với người xa lạ, người chưa bao giờ biết, người ở đâu đó. Nhưng mà thương quá yêu quá bỏ hết cha mẹ ông bà, chẳng quan tâm, đi theo người chồng người vợ để sống với nhau. Tình yêu nó lớn như vậy để rồi người ta sẵn sàng từ bỏ cha mẹ người thân để hiệp nhất trở thành vợ chồng. Nhưng tuổi đời trôi qua, ngày tháng nó đi qua đó, người vợ người chồng kính mến của chúng ta đang có đó – coi chừng ta lại trở thành như con chó kia, đi về nhà, đang trên đường đi về nhà qua cái cầu của cuộc đời dưới dòng sông trôi nổi ta lại nhìn thấy bóng của ai đó đẹp hơn ngon hơn thơm hơn thích hơn. Để rồi cái cầu thật là ngắn từ bờ này qua bờ kia, từ cái bờ của xa lạ về bờ quen thuộc của mái ấm gia đình nơi vợ nơi chồng, biết bao nhiêu con người đã không thể bước qua để trở về cái cầu đó nữa. Khi đã qua cầu rồi, mặc dù chưa rút cầu – cầu vẫn còn đó, cầu ân cầu nghĩa, cầu tình cầu vợ, cầu mà biết bao nhiêu năm trời bỏ cha bỏ mẹ sống chung với nhau đó, vẫn còn sừng sững vững chãi giữa dòng đời trôi nổi – dòng sông đó. Vậy mà khi qua bờ kia trở về nhìn trên bóng của dòng sông, thấy hình hài mỹ miều của những cô lái đò ngược xuôi hoặc những anh chàng đò đưa quanh co, thế là rồi người vợ thương yêu, người chồng kính trọng ta chẳng bao giờ có thể bước tiếp những nhịp cầu còn lại để trở về nhà. Ta đã bỏ hình bắt bóng – bỏ mồi bắt bóng, không phải vợ chồng làm mồi, đây là chỉ nói đến chuyện của con chó. Vợ chồng là ân là nghĩa, chúng ta đã bỏ ân bỏ nghĩa bỏ cái tình, bỏ cái yêu trong sáng tinh khôi, để rồi đi bắt bóng ở dưới dòng sông của cuộc đời, thấy nó đẹp nó to. Mà ở đời biết bao nhiêu kẻ cứ tôn vinh “ôi phở thì ngon, còn cơm thì nó ôi”.  Chẳng phải vậy, nó ôi là bởi vì tâm của chúng ta không nhìn rõ hạt cơm là ngọc thực trời ban, có nhân có nghĩa nên đôi vợ chồng. Hạt cơm là ngọc thực trời ban các bạn, để rồi chúng ta có nhân nghĩa nên đôi thành vợ thành chồng, như nhịp cầu của cuộc đời có dài mênh mông, dòng sông có dài vô tận ba chìm bảy nổi lênh đênh, nhiều sự thử thách trong cuộc đời có tới lui dồn dập đi nữa thì ta vẫn nhớ rằng phải đi về. Phải đi về, không thể bỏ mồi để bắt bóng – bỏ hình để bắt bóng. Không thể vì cái bóng chỉ thoáng qua trên mặt nước trôi nổi của cuộc đời, mà ta nhào đầu xuống như con chó đó nó đã bị cuốn trôi. Hên là còn dạt vào bờ để tìm về nhà được, chứ biết bao nhiêu người trong chúng ta bị cuốn trôi đi chẳng thể về nhà được nữa, mất luôn rồi – tiêu rồi. Nay vợ vẫn còn ở nhà, con cái vẫn còn ở nhà, cha mẹ già vẫn còn ở nhà, mà ta bị phiêu bạt theo cái bóng của dòng trôi nổi giữa đời chẳng thể về được. Hoặc là chồng vẫn đó, con vẫn đó mình lại bỏ – bỏ hình bắt bóng trên dòng đời trôi nổi. Có những chuyện lái đò, đò đưa rồi nhảy tủm xuống từ trên cầu bắc ngang giữa hai cuộc đời ta và họ, để rồi trôi nổi trên dòng trôi với con thuyền lênh đênh không có bến không có bờ vô định, lũ lên sẽ chết – cơn lũ của cuộc đời, cơn lũ của sự khổ ải của nghiệp chướng tránh sao khỏi. Không nói đến những góc độ khác, chỉ nói rằng có những con người như con chó trên miệng có miếng mồi thật ngon mà cứ lầm tưởng cái bóng miếng mồi ở dưới ngon quá nên bỏ mồi bắt bóng. Đây là nói đến những tình nghĩa thật là đẹp ta vốn đang có, chưa nói đến những sự rạn nứt trong gia đình về nhiều góc độ, chỉ nói đến một chút xíu trong câu chuyện này, trong thời gian ngắn gọn, như để gợi ý cho chúng ta thấy rằng những điều gì các bạn đang có nơi mái ấm gia đình. Nếu trong trái tim thực sự thấy rằng rất cao cả rất ý nghĩa, rất trân trọng rất đáng yêu, các bạn nhớ, những bước chân trên từng nhịp cầu của cuộc đời dù bóng có to, mồi bóng có hấp dẫn, thì ở nhà dưới mái ấm của tình thương kết nên thân của vợ chồng vẫn là những điều cao cả tuyệt vời hơn. Bởi trên dòng sông trôi nổi cuộc đời này chỉ là hình bóng mà thôi – nó không có thực. Thực là hãy bước qua khỏi cái cầu ta đã từ bỏ, hoặc là bước qua khỏi cái cầu ta đã mượn để qua bên kia mà trở về. Bởi một lần qua bờ là đã xa gia đình rồi, mà đã hồi về không cần biết là có gì, nhưng ít nhất là đã có được tư liệu suy nghĩ rằng ta đang trở về, bởi ta đang có một gia đình hạnh phúc, ta đang có được vợ ta đang có được chồng, đang có được gia đình, thì trên bước đường luân lưu trở về trên nhịp cầu đó – chỉ một chút xíu nữa thôi là về tới nhà. Đừng vì một cái gì, theo bóng hiện hình trên dòng đời nổi trôi mà quăng mình đắm đuối xuống đó để vận nổi trôi của dòng sông cuốn ta đi mãi đi mãi đi mãi…Mấy ai bị dòng trôi của cuộc đời theo bóng hình đó mà có thể dạt vào bờ được? Hầu hết khi ai rơi xuống đều là xong…Tốt nhất là đừng nhảy xuống, hãy mạnh dạn trở về đi, bởi có vô tình lạc qua bờ kia, thì cũng phải cố tình trở về, vì nhận thấy bên bờ nhà vẫn còn có người nhà đợi ta đó – bên bờ nhà vẫn còn bà nhà hoặc vẫn còn ông nhà ta đợi. Về đi về đi! Đừng vì một điều gì làm trở ngại bước chân của ta, đừng vì đã qua bờ nay trở về lại đắm mình trong dòng sông nữa – chết đó. Nó chỉ là bóng thôi, thoáng qua như cánh nhạn qua hồ. Nó chẳng lưu bóng. Bóng mà, đâu có thực, thoáng qua rồi nó mất, đừng đắm chìm trong bóng để bỏ đi mái ấm của gia đình. Đời người Phật tử của chúng ta trân quý tình nghĩa dù là kiếp nhân sinh mang thân kiếp làm người thì tình nghĩa trong cư sĩ tại gia nên vợ nên chồng nên cha mẹ huynh đệ chị em đó, tất cả những tình nghĩa đó đều cao quý. Đừng vì một cái gì như bóng như hình ở cuộc đời để rồi chúng ta đánh đổi tất cả ân tình nghĩa đó mà chạy theo dòng trôi nhận chìm. Và chúng ta chẳng còn định được hướng mà về đâu. Cám ơn các bạn lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts