Search

Bài 3122. Lá Rụng Về Cội

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn cùng các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ đồng tu lại trở về với chúng ta, giờ đây mời các bạn hãy đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập, thắp sáng trí tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác để quán chiếu thấy được vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện chư Phật gia trì cho song thân phụ mẫu tăng long phước thọ, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống thong dong tự tại, đặt bàn tay phải lên bàn tay trái. Trở về với hơi thở của chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác qua mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, hồi hướng và san sẻ cho tất cả những người ta yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Kính chào tất cả các bạn đồng tu. Hôm nay sau năm ngày chúng ta không đồng tu vì Bảo Thành có chuyến đi xa, trở về điền Thất Bảo Huyền Môn, không thể đồng tu với các bạn trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng hôm nay hiện tại Bảo Thành đang ở chùa Long Bình, mà Sư Cô trụ trì – Sư Cô Thủy đã cho phép Bảo Thành tá túc ở đây trong một tuần, chùa Long Bình ở Phú Yên, sông Cầu Phú Yên gần biển. Mới tới hồi chiều các bạn và mượn bức tường trắng ở đằng sau làm cái phông để đồng tu với các bạn với chủ đề “Lá Rụng Về Cội”.

Thành ngữ lá rụng về cội có ý nghĩa như chiếc lá, vàng đi và rụng về gốc. Hầu mỗi người chúng ta trong cuộc sống rời xa quê hương xứ sở, cha mẹ ông bà, người thân, bôn ba đi xứ người để làm việc, để kiếm sống hay để sinh sống thì khi chúng ta tới tuổi vàng đều có một mơ ước được trở về quê hương, nơi xứ sở quê nhà, nơi miền đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mà ta được ông bà cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng để thành người. Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, rất tôn trọng tinh thần trở về khi tuổi vàng đã tới và luôn nhắc cho con cháu của mình dù đâu đi nữa, thì chẳng có chỗ nào bằng nơi quê cha đất tổ. Ai trong chúng ta cũng từng đi vào tâm trạng khi ra đi mong một ngày được trở về, một chuyến đi xa lúc nào cũng ngoảnh mặt lại, mong chờ ngày nào đó ta sẽ trở về nơi ta xuất phát. Lá vàng ở trên rừng đang rụng, mới đây đã qua mùa trung thu rồi, lá vàng thu sẽ rụng thôi và chúng ta sẽ có thể rơi vào trạng thái như con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng thu biết nơi đâu ta đi về, sự xào xạc, xao xuyến của tâm hồn, sự bâng khuâng trên những bước chân lạ lùng ở xứ người.

Thuở xưa có một câu chuyện như vầy: có một anh chàng họa sĩ tài ba, anh ta đi tới chùa dưới gốc Bồ Đề để vẽ một bức tranh. Anh ta vẽ bức tranh một luồng gió nhẹ nhàng thổi qua cây bồ đề và chuẩn bị vẽ lá cây, nhưng trong lòng cứ bâng khuâng, gió đang thổi vào cội bồ đề lá vàng kia sẽ rụng và về đâu đây? Chưa biết phải đặt để như thế nào cho chiếc lá vàng đang rụng trong bức tranh của mình. Suy nghĩ lâu lắm chưa biết vẽ và phác họa chiếc lá bay về đâu, rụng về đâu. Bất chợt một vị thiền sư trong ngôi chùa này anh ta rất kính trọng đi ngang qua, anh ấy liền gọi “Sư phụ ơi, Sư phụ! Con đang vẽ một bức tranh lá rụng khi gió thổi dưới gốc Bồ Đề, nhưng chưa biết vẽ chiếc lá này gió thổi rụng về đâu, gió thổi rụng về đâu?”
Vị thiền sư sư phụ mỉm cười và nói: “Thật dĩ nhiên con à! Lá rụng về cội chứ còn rụng về đâu nữa”
Anh ta ánh mắt sáng lên, nở một nụ cười thật tươi bởi chính lời sư phụ thiền sư nói lá rụng về cội, dù cho cơn gió, phong ba, bão tố có quét ngang cây bồ đề trong mùa lá vàng đang rụng, thì lá vàng kia cũng sẽ rụng về cội bồ đề mà thôi, chẳng rụng về đâu hết. Thế là anh họa sĩ đã phác họa lên một bức tranh lá rụng về cội, lá bồ đề đã rụng về cội dù cho một luồng gió mạnh thổi ngang qua.

Mỗi một chúng ta đã bị biết bao nhiêu những luồng gió chướng của cuộc đời xảy ra, áp đảo tinh thần, cuốn trôi, thổi bay. Thật nhiều lúc không cần biết các bạn ở lứa tuổi nào, chúng ta cảm thấy sợ hãi như lá vàng kia sẽ bị bão tố của cuộc đời thổi bay về đâu đây? Hoang mang và sợ hãi, phiền não và đau khổ, lúng túng không biết định được. Lá rụng về đâu khi tuổi vàng đã tới, vị thiền sư nói thật rõ: “Rụng về cội”. Ýnghĩa thâm sâu của vị thiền sư không chỉ dừng ở chỗ lá vàng rụng về cội dù gió thổi ngang qua. Đi vào lời của Đức Phật dạy, phải minh xét được cội nguồn của chúng ta khi tuổi vàng tới cần phải rụng về là gì? Phải chăng là tiền trong ngân hàng thật nhiều? Phải chăng là công danh sự nghiệp, quyền lực, là tình cảm, là nhà cao cửa rộng, là xe hơi, là ăn uống, vui chơi? Nhìn đi, những thứ đó chẳng phải là cội để cho chúng ta trở về, bởi những thứ đó đâu có thật, ta đâu thể mang theo. Cội nguồn ở đâu? Là gì? Để cho chúng ta có thể hướng tới khi tuổi đã vàng, như lá kia vào mùa thu có thể có một chỗ tuyệt vời được gọi là cội nguồn để rụng xuống, để rụng về, để trở về.

Cội nguồn của cuộc đời chính là gì các bạn biết không? Chúng ta phải suy nghĩ, phải suy nghĩ bởi là bạn đồng tu, bởi người theo Phật phải suy nghĩ thôi. Chúng ta phải rụng về đâu? Về cái cội gì? Cứ suy nghĩ và cứ suy nghĩ. Chúng ta có nhiều định nghĩa bởi là con người, có biết bao nhiêu mơ ước dính dáng tới những sự tham chấp trong cuộc đời, để cội nguồn ngày nay suy nghĩ cũng chẳng biết. Đức Phật dạy cội nguồn của chúng ta, cái gần gũi nhất mà cảm nhận được chính là tánh thiện lành. Chữ lá rụng về cội mang ý nghĩa phải quy về, phải trở về, phải nương về với tâm thiện lành, bởi tâm thiện lành chính là gốc cội của cuộc đời. Mọi chiếc lá của tư tưởng, mọi chiếc lá của ngôn ngữ ứng dụng trong đời, mọi chiếc lá của hành động, trong tương tác phải nương và quy về nơi cội nguồn thiện lành, nơi tâm chân thật. Nếu không thể rụng về cội thiện lành chân thật ấy, đời của chúng ta sẽ bị gió cuốn bay đi mãi, như lá vàng, bay mãi, bay mãi một cách vô định không biết phải về đâu. Để có thể một ai đó trong cuộc đời này bất chợt bước lên, sẽ quét lá vàng cuộc đời của chúng ta gom lại mà đốt đi. Biết bao nhiêu con người, biết bao nhiêu các bạn đã bị ba ông chủ của tham sân si, hốt cuộc đời của chúng ta, đốt cháy trong ngũ dục, trong tham chấp. Bởi ta không minh định được cội nguồn để trở về đó, để làm chủ cuộc sống.

Các bạn! Đức Phật dạy trong ta có tâm tánh thiện lành và chân thật. Tánh thiện và chân thật chính là cội nguồn của đời sống con người. Trở về với cội nguồn của tâm thiện lành chân thật là trở về với Niết Bàn, với tự tánh Phật, nhìn cho thấu, suy nghĩ cho thông để dõng mãnh quyết định. Chúng ta đừng đợi đến tuổi vàng tới như lá vàng rụng, mà ở bất cứ một lứa tuổi nào, không gian nào, thời gian nào, khoảnh khắc nào của cuộc đời cũng đều phải trở về với cội nguồn, phải tự rụng về với cội nguồn của chân tâm thiện lành, chân thật. Nơi chân tâm thiện lành chân thật đó ta sẽ tạo ra thật nhiều phước báu, ta sẽ tạo ra thật nhiều công đức. Ai có phước báu, có công đức muôn sự lành sẽ tới với chúng ta, ai có đầy đủ công đức và phước báu thì sự hồi hướng cho cửu huyền, cho cha mẹ, cho những người yêu thương sẽ được đầy đủ, viên mãn. Tâm tánh thiện lành và chân thật là cội, là nguồn để cho mỗi người chúng ta trở về. Lá rụng còn định được hướng trở về với cội, đời của con người chẳng biết tư duy minh xét một con đường để trở về với tâm tánh thiện lành, thì kiếp người trở thành vô nghĩa, trở thành vô nghĩa các bạn. “Lá rụng về cội”, làm sao để chúng ta có thể rụng về cội nguồn của tâm tánh thiện lành, khi ngoài kia cuộc đời của chúng ta phải đương đầu bởi biết bao nhiêu bão tố chông gai, những phong ba cuồn cuộn kéo tới thổi bay, đứng không vững, ta bị cuốn hút vào những tham dục trong cuộc đời, tham ái trong cuộc đời, ta bị gió cuốn bay đi mất trong miền đất ngổn ngang của ác pháp. Để hai bàn tay ta như cái cào nó bới, nó xào ở trong cuộc đời để tìm, tìm tất cả để thỏa mãn lòng ham muốn. Làm sao có thể chống lại được, làm sao có thể kiềm lại được, làm sao có thể xoay lưng với những điều ấy và làm sao có thể chuyển hóa để đứng vững.

Chánh niệm hơi thở là pháp thiền mật vi diệu mà Đức Phật đã nương vào chánh niệm hơi thở, để định hướng cho chiếc lá cuộc đời của Ngài rụng về với cội nguồn của tâm tánh thiện lành chân thật, để được trở thành bậc giác ngộ. Nương vào chánh niệm, đặc biệt Mật Thiền song tu, chánh niệm hơi thở còn hòa quyện vào với năng lượng của đại từ đại bi Mu A Mu Sa, thì phong ba bão tố ngoài kia, những cơn gió chướng nghịch cảnh của cuộc đời cũng chẳng thể thổi bay bạn đi đâu, bạn sẽ đứng vững. Bởi gió bao nhiêu thì bạn càng biết canh đúng cơn gió đó mà giăng cánh buồm Mu A Mu Sa – cánh buồm đại từ đại bi và dùng Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thấy vô thường, khổ, vô ngã, vận hành chuyển hóa để tâm luôn tỉnh giác trong Ma Sa Ốp Uê mà lèo lái con thuyền của cuộc đời. Để chiếc lá đã vàng trong bão tố kiếp người biết rụng về với cội nguồn của tâm tánh thiện lành chân thật.

Các bạn đồng tu thân mến! Mật Thiền có năng lượng siêu thế của mật điển chan chứa rải xuống cho chúng ta. Bởi Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni, chư vị Bồ Tát thánh hiền và những bậc giác ngộ luôn luôn đoái thương tới những phận hèn mọn, nghiệp đầy như chúng ta, dù phước không có thì chánh niệm trong hơi thở, nương và trụ vào tâm Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác của Phật, chúng ta nhất định, nhất định sẽ không bao giờ bị gió của cuộc đời, nghịch duyên của cuộc đời cuốn trôi đi mất. Dù vẫn biết lá vàng chẳng còn chủ động được rời cành rồi, nhưng vẫn tìm đường để rụng về nơi cội nguồn, cội nguồn của tâm tánh thiện lành và chân thật.

Các bạn! Đừng để gió cuốn đi, đừng để bão tố thổi bay mất. Lá vàng rụng còn rụng về cội như lời của thiền sư nói với danh họa kia, danh họa đó đã vẽ một bức tranh có gió thổi ngang cây bồ đề và chiếc lá vàng đang được hình thành, nhưng chẳng biết phải đặt để lá đó thuộc về đâu, thiền sư khai thị “Lá rụng về cội”. Đức Phật đã tới trong cuộc đời của mỗi người chúng ta và nói với chúng ta rằng “Con ơi! Lá rụng về cội”. Dù bôn ba trong thế gian, dù muôn điều ác ta đã làm, nhưng phải nhớ tâm tánh thiện lành chân thật là cội nguồn, là tánh Phật, là nơi ta tới đây, thì nhất định khi trở về ta phải về với tâm tánh ấy. Ai mà không một lần hoặc nhiều lần phải ra đi để thêu dệt ước mơ trong ảo vọng, nhưng chỉ có một lần để trở về mà thôi. Trở về khi ngày mà tuổi vàng đã tới, tuổi vàng chẳng phải 100 năm, tuổi vàng chẳng phải 90, 80, mà tuổi lá vàng sẽ tới bất chợt khi một cơn gió thoảng vừa qua ta nằm xuống, chẳng thể trở về bởi hơi thở có còn đâu. Nếu không nương vào chánh niệm của hơi thở để minh sát cho mình rõ cội nguồn phải trở về là tâm tánh thiện lành chân thật, ta đã bỏ phí cuộc đời cho gió chướng của thế gian cuốn đi mãi. Hãy nương bóng từ ân của Phật, miên mật tu tập Mật Thiền song tu, chánh niệm hơi thở để chúng ta, Bảo Thành và các bạn làm chủ được đời sống của mình. Dù vẫn biết nơi đâu ta tới luôn luôn sẵn có những luồng gió chướng xoáy quanh, quật ngã, nhưng ta chẳng thể để bị vấp té, ngã và cuốn trôi đi.

“Lá rụng về cội” vị họa sĩ đã được khai thị và chúng ta trong cuộc đời này không khác gì anh họa sĩ kia, đã phác họa lên bức tranh tuyệt đẹp của cuộc đời, để biết bao nhiêu những cơn bão, bão tình, biết bao nhiêu những cơn bão, bão tài danh, quyền lực, bão của tham vọng ước nguyện, nhiều lắm. Nó đã dâng cao, nó đã cuồn cuộn kéo tới như sóng thần ngàn năm có một lần, thân kiếp người nhỏ bé như ta đứng vững được nếu như các bạn biết vận dụng đúng pháp thiền định chánh niệm, với những mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê. Thì nhất định, thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ trụ vững trong cuộc đời đảo điên của biết bao nhiêu những thứ mà ai ai cũng từng đã can qua, nhưng vẫn nhìn thật rõ con đường ta trở về. Như người đi xa khi trở về thì bà con, thôn xóm, họ hàng sẽ mừng vui đón tiếp. Dĩ nhiên như vậy khi chúng ta như lá vàng rụng về, biết cội nguồn để rụng xuống. Như chúng ta khi tuổi vàng rụng khỏi cuộc đời, đời sống này mình minh sát rõ ràng tâm tính thiện lành chân thật là cội và nương vào cơn gió chánh niệm của mật thiền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, thì bà con của chúng ta là Phật, là bồ tát sẽ đón mừng, sẽ đón chào để đưa ta dự vào bàn tiệc giải thoát. Các bạn, chờ gì nữa mà đứng ngoài đời ngẩn ngơ không biết phải làm gì, sống ở trên đời phải minh định được con đường mình đi.

Các bạn thân mến! Khi Bảo Thành hồi chiều nay tới chùa Long Bình tại sông Cầu Phú Yên, tiếp xúc với Sư Cô trụ trì Cô Thủy và Cô Tịnh, cùng các chú tiểu ở đây và một số Sư Cô khác và vài Phật tử, trong những giây phút đầu thấy được sự tương thông, giao thoa, Bảo Thành cảm nhận như nơi đây là cội nguồn của sự thiện lành chân thật, huynh đệ chia sẻ với nhau những lời rất thật, rất chân, rất lành và Bảo Thành mới về bốn ngày thôi, chưa quen giấc ngủ, thời gian trái ngược, rồi sao nữa? Ngày hôm qua một số Phật tử thân thương đã đưa Bảo Thành về núi Dinh ở Vũng Tàu, cả một ngày trời lên núi, lên non, bắp chân rã rời, đau đớn vô cùng, nhưng tràn đầy năng lượng của tình thầy trò. Hôm nay lại bay ở trên trời qua một chuyến bay cùng Bảo Duy và gia đình của Bảo Duy, em bé mới có 20 tháng thôi, hôm qua cũng đi với Bảo thành lên núi Dinh, hôm nay cũng lại ngồi máy bay ra tới tận sông Cầu Phú Yên. Khi tiếp xúc với Sư Cô trụ trì Cô Thủy và Cô Tịnh, các chú tiểu và quý sư cô Phật tử, Bảo Thành thấy tràn đầy năng lượng của tình thương và đặc biệt hơn nữa gặp được hai cô đệ tử của mình, trong lòng hân hoan vô cùng, cảm giác thân thiện, cảm giác như nơi đây là nhà của mình. Các bạn, nếu như chúng ta luôn an trú trong hơi thở của chánh niệm, luôn luôn gắn kết mật thiết với chư Phật để trưởng dưỡng sự sống của mình trong tánh thiện lành chân thật, thì đi bất cứ nơi đâu, đi bất cứ nơi đâu bạn cũng có sự gắn kết và bất cứ nơi đâu bạn tới, bạn đều cảm ứng được năng lượng thân thiện như cội nguồn, như nhà của bạn. Bảo Thành cảm thấy rất ấm cúng bởi sự đón tiếp mộc mạc chân thật, bởi năng lượng của đạo hạnh, của công phu, của sự sống trong tinh thần lục hòa nơi chùa và nơi ấy đã làm cho Bảo Thành tỉnh thức và hiểu ra: hãy luôn luôn trưởng dưỡng cuộc đời trong chánh niệm hơi thở và hãy luôn luôn minh sát rằng tâm tánh thiện lành, chân thật chính là cội nguồn của chúng ta. Để dù có đi xa thì nơi xa ấy vẫn là nơi rất gần, bởi nơi xa ta tới chính là nơi ta trở về với cội nguồn của tình thương. Từ bi quán, Trí tuệ quán và Tỉnh giác quán, ba pháp quán này giúp cho chúng ta xác định được cội nguồn của cuộc đời và giúp cho chúng ta sẽ chuyển hóa hết mọi nghịch cảnh trong cuộc sống, để đứng vững, để vững chãi.

Các bạn! Đó là những lời rất chân thật và chân thành Bảo Thành chia sẻ trong chủ đề “Lá rụng về cội”. Các bạn, Bảo Thành đang ở Phú Yên, Trời phú cho miền đất này yên lành bởi nghe đâu khu này, Phú Yên đây, từ miền Trung đổ về bão tố lũ lụt nhiều lắm, rồi người ta đã di chuyển những bậc lớn tuổi ngày xưa tới vùng đất này thì thấy biển lặng thanh bình, bão tố chẳng còn, yên ấm nên đặt tên là Phú Yên. Rất thực tế và sự yên lành nhất là cội nguồn của chúng ta, và cội nguồn để đạt được sự yên lành như Phú Yên chính là tâm thiện lành và chân thật. Qua hơi thở chánh niệm, qua quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, nhìn thấu được vô thường, khổ, vô ngã, để ta luôn luôn tỉnh thức. Thì chính mỗi người chúng ta là Phú Yên, là sự yên tĩnh, là sự bình an, là sự hạnh phúc.

Cảm ơn các bạn nghe và các bạn ơi chúng ta hãy trở về với hơi thở, và nói với chính mình ta sẽ trở về với cội tâm thiện lành chân thật.

Thưa Phật! Chúng con dù có đi xa vẫn luôn luôn phát nguyện đồng tu trên không gian mạng, kết nối với nhau để sách tấn, để tu. Nguyện chư Phật mười phương gia trì cho chúng con có đầy đủ dũng lực, nương vào chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Minh sát thật rõ tâm thiện lành chân thật là cội để chúng con trở về và nhất định khi tuổi vàng tới sẽ rụng về cội, cội chân tâm, thiện lành, chân thật, cội Phật tánh của sự giác ngộ.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển và hãy nhớ cội nguồn của ta là Phật tánh, là thiện lành chân thật.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu chúng con có được chút phước báu nào trong sự đồng tu này, chúng con nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn